sapa dat troi
A. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1 Lý do khách quan
Du lịch đã trở thành nhu cầu phổ biến của con người khi chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, khi xã hội ngày càng phát triển, thời gian rỗi của con người tăng lên, cùng với đó là các dịch vụ vui chơi giải trí và các hoạt động du lịch ngày càng phát triển. Việt Nam cũng như rất nhiều các nước khác trên thế giới đã coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành công nghiệp không khói đứng thứ hai thế giới sau ngành công nghiệp dầu khí. Nước ta là nước có tài nguyên du lịch phong phú với nhiều thắng cảnh núi non sông biển đẹp nổi tiếng, có lịch sử phát triển lâu đời, có nhiều dân tộc với những đặc sắc về văn hóa... Đó là nền tảng quan trọng, một tiềm năng to lớn, là cơ sở để chúng ta khai thác và phát triển du lịch. Bước vào thế kỷ XXI, Việt Nam được chọn là "Điểm đến của thiên niên kỷ". Tiềm năng du lịch đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm đầu tư và phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Là một trong 21 trọng điểm du lịch của Việt Nam, với lịch sử hình thành 100 năm, Sapa trở thành một địa danh du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước. Năm 2003, lượng khách du lịch đến Sapa đạt 85.000 lượt người với doanh thu từ 45 đến 50 tỉ đồng. Tại đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XII (năm 2000), chính quyền địa phương đã xác định: "Du lịch, dịch vụ là đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nên phát triển kinh tế du lịch là một trong 27 đề án trọng tâm của tỉnh giai đoạn 2000-2005". Trên tinh thần của Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XII, du lịch Sapa thực sự đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
1.2 Lý do chủ quan
Là sinh viên năm cuối khoa Du lịch, trường CAO ĐẲNG CÔNG NGHIỆP VIỆT -HUNG thì việc nghiên cứu về hoạt động hướng dẫn tại điểm du lịch là hết sức cần thiết và có ý nghĩa. Đồng thời, trong quá trình thực tập tại Công ty tham gia tìm hiểu sâu sắc hơn về ngành du lịch đặc biệt là hoạt động tổ chức hướng dẫn cho du khách tại Sa Pa, em có cơ hội được vận dụng kiến thức đã học tại trường vào thực tiễn. Em có thể tự rút ra được những kinh nghiệm và bài học cho bản thân cũng như nâng cao kỹ năng nghiệp vụ của một hướng dẫn viên - nghề mà em theo đuổi trong tương lai.
Bên cạnh đó, em nhận thấy rằng SaPa là một điểm du lịch đầy tiềm năng phát triển, phù hợp với em, giúp em vận dụng được những kiến thức đã học và hoàn thiện bản thân trong tương lai.
Mặt khác, tổ chức hoạt động hướng dẫn du lịch có vai trò quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Sa pa nói riêng và Việt Nam nói chung tới bạn bè năm châu.
Vì vậy, em đã chọn thực tập tại một công ty Lữ hành ở SaPa và ở bộ phận hướng dẫn của công ty. Trên cơ sở phân tích đánh giá thực tế, đối chiếu với những lý luận đã học nhằm tìm ra những điểm cần phát huy, những điểm cần khắc phục để có những phương hướng rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ cho bản thân.
Hơn nữa, Sa Pa còn là một vùng đất khiêm nhường, lặng lẽ nhưng ẩn chứa ở đó là cảnh đẹp tuyệt vời mà tạo hoá đã ban tặng. Cảnh sắc thiên nhiên cùng với sức sáng tạo của con người đã hình thành một khu du lịch tuyệt mỹ. Thị trấn Sa Pa với núi rừng trùng điệp chìm trong làn mây mờ bồng bềnh như một bức tranh sơn thuỷ hữu tình cùng với khí hậu mát mẻ trong lành quanh năm. Chính vì vậy, Sa pa là điểm du lich mà từ lâu em đã rất mong ước được khám phá và tìm hiểu.
Xuất phát từ những lý do khách quan và chủ quan trên em đã quyết định chọn đề tài là " Tìm hiểu hoạt động tổ chức hướng dẫn du lịch tại điểm du lịch Sa pa".
2. Mục đích nghiên cứu
Đây là cơ sở để đề ra nhiệm vụ nghiên cứu theo hai vấn đề:
1.Mô tả và phân tích thực trạng. Làm nổi bật hiện trạng hoạt động kinh doanh và hướng dẫn du lịch tại điểm du lịch.
2.Kết hợp kiến thức đã học trong nhà trường về chuyên ngành nghiệp vụ hướng dẫn du lịch với thực tiễn hoạt động của người hướng dẫn viên. Từ việc nghiên cứu hiện trạng hoạt động kinh doanh du lịch tại Sa pa cũng như đặc điểm, đặc trưng văn hóa của các dân tộc, sẽ đưa ra các giải pháp thích hợp và khả thi để giải quyết vấn đề phát triển du lịch cũng như hoạt động hướng dẫn tại Sa pa.
Bổ xung và khẳng định những vấn đề lý luận cho phù hợp với thực tiễn.
Rèn luyện năng lực thực hành hướng dẫn du lịch.
Triển khai báo cáo thực tập, hoàn thành chuyên đề thực tập với yêu cầu chuyên môn tốt và có tính thực tiễn cao.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1 Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài thưc tập chuyên đề hướng dẫn tại điểm du lịch SaPa là:
Thực trạng phát triển của hoạt động kinh doanh du lịch và hoạt động hướng dẫn khách du lịch của hướng dẫn viên tại điểm du lịch SaPa.
Bên cạnh đó là những thuân lợi và khó khăn mà người hướng dẫn viên gặp phải trong công việc hướng dẫn của mình.Từ đó đưa ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp để hoạt động hướng dẫn tại điểm du lịch SaPa phát triển.
3.2 Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu là hoạt động hướng dẫn tại các điểm du lịch ở Sa pa: Hàm Rồng, Cát Cát, hang động Tả Pìn, Tả Van, Bản Hồ...:
Lịch sử hình thành
Thực trạng phát triển
Hoạt động hướng dẫn của hướng dẫn viên tại điểm và hoạt động kinh doanh du lịch, những ảnh hưởng của nó tới đời sống văn hóa của các dân tộc nơi đây
4. Nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
Dựa vào những kiến thức đã học áp dụng vào thực tế
Tìm hiểu cụ thể, chi tiết về hiện trạng đặc điểm kinh doanh của hoạt động hướng dẫn du lịch tại Sa pa.
Phân tích đánh giá thực trạng, những vấn đề đã làm được, chưa làm được, cần phải làm của người hướng dân viên.
Đề xuất giải pháp nhằm thu hút sự quan tâm của du khách với Sa pa. Đồng thời đánh thức nguồn tìêm năng, và tăng cường đầu tư cơ sở, hạ tầng, phát triển du lịch thực sự là đòn bẩy kinh tế - xã hội ở Sa pa.
5. Phương pháp nghiên cứu.
1.Tìm hiểu nghiên cứu qua các tài liệu, sách báo, tạp chí, Internet...
Áp dụng những kiến thức trên sách vở, trong nhà trường vào thực tế. So sánh, bổ xung và hoàn thiện kiến thức đã được học.
2.Quan sát thực tế :
Từ thực tế hoạt động tại điểm du lịch, tiếp xúc với cuộc sống, văn hóa, tinh thần của các dân tộc ở SaPa.Quan sát tìm hiểu tâm lý và thái độ của khách du lịch đối với điểm thăm quan và hoạt động hướng dẫn của hướng dân viên.
3.Dưới sự giúp đỡ, hướng dẫn của giáo viên và các hướng dẫn viên tại điểm.Thống kê sắp xếp các số liệu để phân tích, diễn giải, đánh giá, kết luận vấn đề đang nghiên cứu.
B. PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: NHƯNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG
1. Một số khái niệm định nghĩa có liên quan đến hoạt động du lịch nói chung và hoạt động hướng dẫn du lịch nói riêng
- Khái niệm về du lịch
Du lịch là hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu thăm quan, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định.
Theo tiến sĩ Trần Nhoãn : Du lịch là mội quá trình hoạt động của con người rời khỏi quê hương đến một nơi khác với mục đích chủ yếu là được thẩm nhận những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần đặc sắc, độc đáo, khác lạ so với quê hương nhằm mục đích sinh lợi được tính bằng đồng tiền .
- Khái niệm về hướng dẫn viên du lịch
Hướng dẫn viên du lịch là những người có chuyên môn làm việc cho các tổ chức kinh doanh du lịch với nhiệm vụ tổ chức thực hiện chương trình du lịch đã được ký kết trên thực tế nhằm đảm bảo đúng kế hoạch và đáp ứng các nhu cầu được thỏa thuận của du khách. Chỉ dẫn và cung cấp lời thuyết minh về các điểm du lịch. Giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện chương trình du lịch với phạm vi, quyền hạn, khả năng của mình và tạo ra những ấn tượng tích cực cho khách du lịch.
- Khái niệm về điểm du lịch
Là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn, phục vụ nhu cầu thăm quan của khách du lịch.
- Khái niệm về hướng dẫn viên điểm
Hướng dẫn viên tại điểm là người không đi cùng với đoàn mà chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn xem xét, tham quan và thuyết minh tại các điểm tham quan nhất định cho du khách. Kiến thức của hướng dẫn viên về điểm tham quan rất phong phú, có thể trả lời được hầu hết câu hỏi của khách liên quan tới điểm tham quan.
- Khái niệm về kinh doanh du lịch
Là quá trình tổ chức sản xuất hàng hoá du lịch, lưu thông hàng hoá đó trên thị trường để thu lợi ích kinh tế. Đồng thời đảm bảo giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, an toàn xã hội, an ninh quốc gia và giao lưu quốc tế.
- Khái niệm về khách du lịch
Gồm có ba khái niệm khác nhau :
1.Là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch , trừ trường hợp đi học, làm việc hoặc hành nghề để nhận thu nhập ở nơi đến.
2.Là loại khách đi lại theo ý thích ngoài nơi cư trú thường xuyên để thoả mãn sinh hoạt cao cấp mà không theo đuổi mục tiêu kinh tế.
3.Là loại khách đi xa nhà một thời gian nhất định, tiêu những khoản tiền tiết kiệm được.
- Khái niệm về văn hóa
Văn hóa là hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội.
- Khái niệm về dân tộc
Dân tộc thưc chất phải được hiểu là tộc người. Tộc người là hình thái đặc biệt của một tập đoàn xã hội xuất hiện không phải là do ý nguyện của con người mà là do kết quả của quá trình tự nhiên lịch sử .
- Khái niệm về phong tục
Đó là những thói quen ăn sâu vào đời sống xã hội từ lâu đời được đại đa số mọi người thừa nhận và làm theo.
2. Những nội dung lý luận có liên quan đến hoạt động du lịch nói chung và hoạt động hướng dẫn du lịch nói riêng
Những lý luận về hoạt động du lịch:
Khởi đầu người ta quan niệm :Du lịch là việc di chuyển của một cá nhân hay một nhóm người, rời khỏi nơi cư trú của mình đến một nơi khác , thuận lợi thích hợp hơn trong một thời gian ngắn để nghỉ ngơi giải trí hoặc để chữa bệnh dưỡng sức.
Ngày nay ta có thể cho rằng :Du lịch là tất cả mọi hoạt động di chuyển trong hay ngoài nườc của con người dù vơí mục đích gì, ngoại trừ lí do chính trị, tìm việc mưu sinh hay đi xâm lược - đều mang ý nghĩa du lịch.
Du lịch bao gồm tất cả mọi hoạt động của những người du hành, tạm trú, trong mục đích tham quan, khám phá và tìm hiểu, trải nghiệm hoặc trong mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn; cũng như mục đích hành nghề và những mục đích khác nữa, trong thời gian liên tục nhưng không quá một năm, ở bên ngoài môi trường sống định cư; nhưng loại trừ các du hành mà có mục đích chính là làm tiền. Du lịch cũng là một dạng nghỉ ngơi năng động trong môi trường sống khác hẳn nơi định cư.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, du lịch đã trở thành một nhu cầu tất yếu của xã hội, không những là ngành kinh tế mũi nhọn của các quốc gia mà còn là cầu nối giao lưu giữa các dân tộc, quốc gia và các miền trong một đất nước. Bạn bè quốc tế trước đây biết đến Việt Nam là một quốc gia phải trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh với các thế lực xâm lược mạnh hơn gấp nhiều lần và họ đã anh hùng đánh bại các thế lực xâm lược đó, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ non sông của đất nước. Bởi vậy, ngày nay, khi khách du lịch đến Việt Nam họ thường ngạc nhiên và tự hỏi không hiểu vì sao những con người mãnh liệt, dũng cảm, lập nhiều kỳ tích trong chiến tranh như vậy lại cuốn hút khách tham quan bởi sự hiền hậu, chân tình và thân thiện chứ không phải bằng những ánh hào quang của chiến thắng. Có lẽ một phần câu trả lời đang ẩn mình trong tính cách và truyền thống của người Việt, bởi trải qua hàng ngàn năm lịch sử, người Việt đã tạo dựng cho mình một phong cách, một nền văn hoá, thuần phong, mỹ tục riêng. Đồng thời, du lịch còn tạo ra một sự trải nghiệm cho chính du khách, giúp họ nhìn nhận lại những giá trị quý báu của dân tộc mà biết bao thế hệ, ngay cả chính họ đã phải đánh đổi bằng xương máu của mình để tạo dựng nên. Đối với thế hệ trẻ thì du lịch là dịp để họ hiểu hơn về công lao của cha ông mình, đồng thời cũng hiểu những giá trị nhân văn, giá trị truyền thống và thiên nhiên mà họ đang được thừa hưởng. Du lịch ngày nay đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt xã hội, làm cho đời sống xã hội ngày một phong phú hơn, lý thú và bổ ích hơn. Về phương diện kinh tế, du lịch đã trở thành một ngành mũi nhọn, chiếm một tỷ trọng lớn trong thu nhập kinh tế quốc dân. Không những vậy, do đặc tính hoạt động, du lịch còn góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế vùng chậm phát triển, đồng thời giúp xoá đói, giảm nghèo ở những vùng sâu vùng xa. Nhưng quan trọng hơn, du lịch có vai trò to lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống dân tộc. Đặc biệt, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, có một nền văn hoá lâu đời, phong phú, thống nhất mà đa dạng. Với số dân gần 80 triệu người của 54 dân tộc anh em cùng đoàn kết chung sống trên một vùng lãnh thổ, trải qua nhiều đời, mỗi dân tộc đã đóng góp, dựng xây tạo nên những thành quả trên nhiều lĩnh vực: kinh tế - văn hoá - xó hội. Bên cạnh đó, cũng hình thành nên những vùng văn hoá với nét đặc trưng riêng. Đất nước Việt Nam, con người Việt Nam với các thành phần dân tộc, qua hàng ngàn năm xây đắp đã tạo dựng nên một kho tàng văn hoá hết sức phong phú, độc đáo và quý giá. Xuyên suốt chặng đường lịch sử hình thành và phát triển đất nước, các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung và 54 dân tộc anh em nói riêng là một di sản vô cùng quý báu, một tài nguyên vô cùng quý giá trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Đánh giá một cách khái quát, trong gần 10 năm qua, hoạt động du lịch, quản lý và kinh doanh du lịch ở nước ta đã và đang có nhiều thay đổi sâu sắc từ nhận thức tới hành động. Kết quả hoạt động du lịch đã có những bước tăng trưởng quan trọng, đóng góp vào công cuộc CNH, HĐH đất nước, thể hiện bằng tỷ trọng GDP ngày càng tăng của Ngành trong nền kinh tế.
Năm 2001, nước ta mới đón được 2,33 triệu lượt khách quốc tế, đến năm 2008 đã đạt 4,235 triệu lượt, mức tăng trưởng trung bình 8,91%/năm. Khách du lịch nội địa liên tục tăng trưởng qua các năm, đạt 20,5 triệu lượt vào năm 2008, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,34%/năm.
Cùng với đó, hệ thống sản phẩm du lịch cũng như cơ sở hạ tầng không chỉ được tăng lên về số lượng mà còn được chú trọng tới chất lượng. Xét về cơ sở lưu trú, đến năm 2008, cả nước đã có 4.856 cơ sở lưu trú với 123.050 buồng, trong đó có 296 cơ sở lưu trú được xếp hạng từ 3 đến 5 sao, tốc độ tăng trưởng buồng khách sạn đạt 15,16%/năm.
Số lượng doanh nghiệp lữ hành quốc tế và nội địa không ngừng tăng với mục tiêu mở rộng thị trường thu hút khách du lịch. Tính tới nửa đầu năm nay, cả nước đã có 764 doanh nghiệp lữ hành quốc tế được cấp phép, hơn 10 nghìn doanh nghiệp lữ hành nội địa, 6.000 hướng dẫn viên lữ hành quốc tế (số liệu tính đến năm 2008). Các công ty lữ hành của Việt Nam đã bắt kịp với các công ty lữ hành của các nước, đẩy mạnh hợp tác, mở rộng thị phần khách.
Sự thay đổi dễ nhận thấy nhất là hiện nay, nguồn vốn đầu tư vào du lịch không ngừng tăng, kể cả của doanh nghiệp trong nước cũng như của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều khu nghỉ dưỡng biển, khu du lịch sinh thái đạt tiêu chuẩn quốc tế được đầu tư đã làm thay đổi diện mạo của du lịch Việt Nam, hứa hẹn nơi đây sẽ là một trung tâm du lịch của khu vực và trên thế giới.
Kết quả trên thực tế cho thấy, thu nhập ngoại tệ từ du lịch đạt 2,3 tỷ USD (năm 2005) đã tăng lên tới 4 tỷ USD vào năm 2008.
Du lịch không những đem lại nguồn lợi kinh tế lớn mà còn có tác động tới nhiều vấn đề xã hội, đặc biệt là góp phần tạo công ăn việc làm và xóa đói giảm nghèo cho người dân. Hiện nay, ngành Du lịch có 1.035.000 lao động, trong đó lao động trực tiếp là 285.000 người, gián tiếp là 750.000 người; tỷ lệ lao động có chuyên môn về du lịch chiếm khoảng 42,5% tổng số; khoảng 40,8% tổng số lao động biết và sử dụng tiếng Anh, tiếng Trung, Pháp và các tiếng khác có tỷ lệ ít hơn do yêu cầu riêng của từng loại thị trường và từng khu vực khác nhau. Công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong những năm qua được quan tâm, hiện cả nước có 40 trường đại học có khoa du lịch hoặc liên quan, 43 trường trung cấp du lịch và nhiều trung tâm đào tạo nghề du lịch phân bổ trên khắp cả nước.
Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch quốc tế. Năm 2007, chúng ta đã đón hơn 4,2 triệu lượt du khách nước ngoài, tăng gần 18% so với năm 2006. Dự kiến năm 2008, con số này còn cao hơn nữa, khoảng năm triệu lượt người. Trên thực tế, mới chỉ hai tháng đầu năm nay, trên 860.000 khách quốc tế đã đến Việt Nam, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2007.
Cùng với sức hấp dẫn của "ngôi sao đang lên", du khách nước ngoài lựa chọn Việt Nam vì đây còn là điểm đến an toàn và thân thiện. Là một ngành kinh tế mũi nhọn, song mục đích của phát triển du lịch không chỉ vì lợi nhuận kinh tế, điều quan trọng và căn bản hơn là du lịch cần trực tiếp góp phần nâng cao vị thể, hình ảnh của Việt Nam đối với thế giới cũng như các nước trong khu vực. Qua du lịch, khách muôn phương có dịp hiểu hơn về con người, đất nước, kinh tế, văn hóa Việt Nam . Muốn vậy, du lịch Việt Nam phải trở thành một sứ giả của hòa bình và hữu nghị...
Những lí luận về hoạt động hướng dẫn du lịch :
Hướng dẫn du lịch là hoạt động nhắm thỏa mãn những nhu cầu nhất định của khách du lịch trong quá trình thực hiện chuyến du lịch.
Hoạt động hướng dẫn du lịch là một hoạt động phức tạp bao gồm các mặt như cung cấp các thông tin cho quảng cáo, tiếp thị du lịch, đón tiếp khách, phục vụ khách, giới thiệu các đối tượng tham quan du lịch, trung chuyển du lịch ( cả trên lộ trình và ở điểm du lịch ) phục vụ khách về các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển, mua sắm, giải trí, y tế... Những vấn đề phát sinh trước, và trong chuyến du lịch của khách cũng có sự tham gia của hoạt động hướng dẫn.
Đây là một loại dịch vụ đặc trưng của hoạt động nói chung và do các tổ chức du lịch tiến hành. Đó là công ty, xí nghiệp phòng du lịch, đại lý du lịch... Bằng hoạt động hướng dẫn các tổ chức kinh doanh du lịch sau khi đã có hợp đồng thỏa thuận đảm bảo phục vụ khách du lịch thỏa mãn nhu cầu khách đòi hỏi theo chương trình nhất định. Hoạt động này cuốn hút các bộ phận chức năng nghiệp vụ có liên quan tới các mặt công tác khác nhau song chủ yếu vẫn là thông qua các hướng dẫn viên du lịch. Phần lớn các hoạt động hướng dẫn du lịch được thực hiện bởi hướng dẫn viên. Chất lượng phục vụ hướng dẫn du lịch cho khách phụ thuộc chủ yếu vào khả năng, nghiệp vụ, tri thức, phẩm hạnh của hướng dẫn viên du lịch dù sự tham gia của các bộ phận liên quan là không thể thiếu dù trực tiếp hay gián tiếp. chỉ dừng ở hướng dẫn viên du lịch thì không thể thực hiện được hàng loạt công việc liên quan tới hoạt động hướng dẫn du lịch, tổ chức hoạt động của hướng dẫn viên, phối hợp hoạt động của các hướng dẫn viên, thu thập thông tin và xây dựng chương trình hướng dẫn, chuẩn bị các điều kiện cho hoạt động hướng dẫn, giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hướng dẫn du lịch
Trong lịch sử ra đời, tồn tại và phát triển ban đầu của du lịch, hướng dẫn viên du lịch chưa hình thành đồng thời. Khách du lịch chủ yếu tự tìm hiểu để thỏa mãn những nhu cầu của chuyên đi theo mục tiêu đã định. Sau đó, thường là tại các điểm du lịch những người địa phương đảm nhiệm vai trò giới thiệu cho khách du lịch những hiểu biết của mình. Cùng với thời gian, dòng du khách lớn lên kéo theo sự đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Hoạt động hướng dẫn du lịch cũng ra đời ngày càng có vai trò, vị trí quan trọng, cần thiết trong hoạt động kinh doanh du lịch nói chung. Hoạt động này từ chỗ là hoạt động kết hợp của những chủ dịch vụ, những nhà khoa học hoặc những người có hiểu biết cụ thể về một hay nhiều lĩnh vực nhất định, về một hay nhiều đối tượng tham quan tại điểm du lịch nhất định được thuê mướn đến chỗ trở thành hoạt động đặc trưng của ngành du lịch. Hướng dẫn viên du lịch ra đời từ đòi hỏi khách quan, đòi hỏi nghề nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu hiểu biết của du khách. Thông thường, hướng dẫn du lịch để thỏa mãn những nhu cầu chủ yếu của khách du lịch, mà vì những nhu cầu đó họ sử dụng thời gian rảnh rồi và tiền bạc cho nó.
Hoạt động hướng dẫn du lịch còn góp phần rất quan trọng vào kinh doanh du lịch nói chung. Thông qua hoạt động hướng dẫn, các dịch vụ cơ bản như : Dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vận chuyển, được thực hiện chu đáo hơn, phong phú hơn do có sự phối hợp của hướng dần viên. Những nhu cầu của khách du lịch về những dịch vụ này thường được đáp ứng chính xác, nhanh chóng, đầy đủ hơn. Ngoài ra, từ hoạt động hướng dẫn du lịch, khách du lịch, cũng góp phần làm cho các dịch vụ bổ sung thêm sôi động. bởi lẽ qua các hướng dẫn viên, các cơ sở kinh doanh du lịch sẽ nắm bắt tâm lý, thị hiếu, đặc tính và cả tình trạng sức khỏe của khách du lịch... để kịp thời có những đáp ứng tốt hơn cho khách và do đó, dịch vụ du lịch sẽ phát triển hơn, doanh thu sẽ cao hơn.
Hoạt động hướng dẫn du lịch không chỉ thỏa mãn nhu cầu khách du lịch theo mục đích của chuyến du lịch, của loại hình du lịch họ lựa chọn, của những đối tượng họ cần tìm hiểu, cần sử dụng mà còn góp phần giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình du lịch của họ. Có rất nhiều vấn đề với nhiều tình huống khác nhau sảy ra trong quá trình thực hiện các chuyến du lịch của khác tại nơi làm thủ tục xuất nhập cảnh, nơi lưu trú, nơi nghỉ dưỡng, chữa bệnh, lúc ăn uống, trên phương tiện vận chuyển qua các vùng, tại điểm du lịch... mà khách du lịch cần tới hoạt động hướng dẫn giúp khách. Và cũng chính từ những đòi hỏi đó - vốn ngày càng trở nên quen thuộc trong du lịch - hoạt động hướng dẫn du lịch càng có vị trí không thể thiếu trong toàn bộ hoạt động kinh doanh du lịch.
Tóm lại hoạt động hướng dẫn du lịch ra đời sau quá trình thăm quan du lịch trong lịch sử của ngành nhưng đã có vị trí quan trọng trong hoạt động kinh doanh du lich. Hoạt động hướng dẫn du lịch đã và luôn là một loại dịch vụ rất cơ bản và là dịch vụ đặc trưng của du lịch. Hoạt động hướng dẫn du lịch là một trong những nhân tố thúc đẩy sự phát triển của du lịch và góp phần to lớn vào doanh thu từ du lịch.
Với sự bùng nổ của thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật tin học hoạt động hướng dẫn du lịch được sự hỗ trợ giúp đỡ của nhiều yếu tố nên thuận lợi hơn đặc biệt là các thông tin tới khách du lịch. Song, hoạt động hướng dẫn du lịch vẫn rất cần thiết và đòi hỏi nghiệp vụ hướng dẫn ngày càng cao hơn.
3. Mối quan hệ giữa hoạt động du lịch nói chung và hoạt động hướng dẫn du lịch nói riêng
Hướng dẫn du lịch góp phần khẳng định giá trị và góp phần vào việc bảo tồn các điểm du lịch.Nhờ có sự dẫn dắt của hướng dẫn viên , người dân nhận thức được giá trị của một vùng đất, những di sản văn hóa... của địa phương, đất nước mà vì quá thân thuộc, gần gũi nên họ không nhận thấy. Từ đó, họ sẽ tự hào và thêm yêu mảnh đất quê hương. Hướng dẫn viên du lịch sẽ đánh thức sự quan tâm của những người dân, khơi gợi sự tò mò tìm hiểu của họ. Bằng cách đó, hướng dẫn viên đã góp phần gián tiếp nâng cao nhận thức và lòng tự hào của người dân về đất nước, quê hương mình.Hướng dẫn du lịch sẽ tăng cường hiểu biết về bảo vệ môi trường, bảo vệ truyền thống văn hóa cho cộng đồng địa phương và cả cách kinh doanh du lịch của cộng đồng địa phương thông qua việc trao đổi và tiếp xúc với du khách.Chính vì vậy, hướng dẫn du lịch góp phần khẳng định giá trị và góp phần vào việc bảo tồn các điểm du lịch.
Hướng dẫn viên còn góp phần to lớn vào việc duy trì sự tồn tại của ngành du lịch.Du khách là đối tượng phục vụ của ngành du lịch. Nếu không có đối tượng phục vụ, ngành du lịch sẽ không có cơ sở để tồn tại. Nhưng nếu du khách đến Việt Nam mà lại không có nhu cầu đối với sản phẩm du lịch thì ngành du lịch sẽ bị thất thu, không đóng góp được cho ngân sách nhà nước. Để giải quyết được vấn đề này không ai khác chính là những hướng dẫn viên du lịch người hướng dẫn viên thông qua hoạt động nghiệp vụ của mình giới thiệu cho khách du lịch tiêu dùng những sản phẩm du lịch như khách sạn, nhà hàng, hàng tiêu dùng, lưu niệm... và các sản phẩm hàng hóa của các ngành kinh tế, dịch vụ khác đem lại lợi ích cho quốc gia.
Đồng thời hướng dẫn viên còn là người giới thiệu, tư vấn, quảng bá tiềm năng phát triển của đất nước, những luật lệ đầu tư, những thông tin mới về công nghiệp, những ngành sản xuất thậm chí cả về nông nghiệp, về nhiều mặt hàng hóa mà Việt Nam có thể làm hoặc sẽ làm... kích thích ý đồ kinh doanh của khách du lịch ở Việt Nam, "đặc biệt là khách du lịch thương nhân". Bằng việc giúp cho họ thấy được tiềm năng kinh tế của đất nước, chỉ dẫn họ đến đúng những cơ quan giao tiếp, hay những cơ sở tư nhân đúng đắn để họ có thể nghiên cứu một số đề án nào đó mà trước đó họ không có ý đồ kinh doanh mang lại lợi ích trong phát triển kinh tế của nước nhà.Khi kinh tế phát triển sẽ thúc đẩy du lich phát triển, giúp cải thiện các cơ sở hạ tầng của địa phương như sân bay, đường sá, hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải, thông tin liên lạc có thể được cải thiện thông qua hoạt động du lịch.Từ đó sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hướng dẫn đạt hiệu quả cao nhất.
Trong công tác của mình, hướng dẫn viên du lịch còn đồng thời là những trinh sát viên, những tình báo viên, phát hiện, ngăn chặn, điều tra, những hành vi có biểu hiện phạm pháp, đe dọa nền an ninh đất nước, làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dân tộc từ phía du khách, góp phần gìn giữ trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường sống, môi trường du lịch và lợi ích chính đáng của khách du lịch như phát hiện ra những kẻ đi với cách thức du lịch sang cấu kết với những tổ chức phản động trong nước chống phá lại Nhà nước ta, hay buôn bán hàng lậu, hàng cấm, ma túy, cổ vật, vật phẩm phi văn hóa.
Hướng dẫn viên du lịch sẽ giúp cơ sở kinh doanh du lịch nắm bắt thị hiếu, tâm lý, sở thích, tiêu dùng... của khách để có những điều chỉnh đáp ứng tốt hơn khách hàng và do đó các dịch vụ sẽ phát triển hơn, doanh thu sẽ cao hơn. Hướng dẫn du lịch có thể cung cấp những sáng kiến cho việc chất lượng hệ thống dịch vụ của doanh nghiệp cũng như công ty lư hành. Bởi hướng dẫn viên là người tiếp xúc trực tiếp với khách. Thông qua việc thực hiện các chương trình du lịch hướng dẫn viên có điều kiện nắm bắt thị hiếu, những khen chê từ phía khách. Qua đó đưa du lịch nước nhà phát triển nên tầng cao mới.
Hơn nữa khi du lịch phát triển hoạt động hướng dẫn cũng sẽ đươc nâng cao và đổi mới phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của con người. Đặc biệt, đời sống của người hướng dẫn viên được đảm bảo.
Bên cạnh những mặt tích cực đó còn có những mặt tiêu cực như :
Hướng dẫn viên du lịch đóp góp đến 50-60% thành công của chuyến đi, họ là người quyết định chất lượng của chương trình du lịch, năng lực hoạt động của họ biểu thị trình độ năng lực tổ chức, thực hiện của doanh nghiệp du lịch. Chính vì vậy khi hoạt động hướng dẫn không hoàn thành tốt nhiệm vụ và vai trò của mình thì sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của ngành du lịch.Hoạt động hướng dẫn kém sẽ không thể hấp dẫn và làm hài lòng khách du lịch.Dù các dịch vụ như xe, các bữa ăn, khách sạn ... có đẹp có hoàn hảo mấy mà hướng dẫn viên tồi thì kết quả thực hiện chương trình du lịch sẽ không bao giờ cao.
Song, nếu ngành du lich chưa phát triển, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, điều kiện sinh hoạt chưa tốt, đường giao thông còn xấu. Người dân một số nơi chưa chấp nhận du khách quốc tế, hay có nơi lại phản ứng thiếu lịch sự với họ.Thì sẽ gây ra cảm nhận tiêu cực cho khách du lịch. Do đó khách du lịch sẽ không quay trở lại nơi đó một lần nữa.Bởi vậy khi ngành du lịch chưa thực sự phát triển thì sẽ rất khó để họat động hướng dẫn đạt hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.
CHƯƠNG 2: HIỆN TRẠNG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VÀ HƯỚNG DẪN DU LỊCH TẠI ĐIỂM DU LỊCH
1. Giới thiệu về địa điểm thực tập: Sapa
Bản đồ du lịch
1.1Vị trí địa lý:
Huyện Sa Pa có diện tích tự nhiên 67.864 ha, chiếm 8,24% diện tích tự nhiên của tỉnh, nằm trong tọa độ địa lý từ 22007'04'' đến 22028'46'' vĩ độ bắc và 103043'28'' đến 104004'15'' độ kinh đông.
Phía Bắc giáp huyện Bát Xát.
Phía Nam giáp huyện Văn Bàn.
Phía Đông giáp huyện Bảo Thắng.
Phía Tây giáp huyện Than Uyên và Tam Đường- tỉnh Lai Châu.
Trung tâm huyện cách thành phố Lào Cai 37 km về phía Tây Nam, nằm trên trục quốc lộ 4D từ Lào Cai đi Lai Châu.
1.2. Điều kiện tự nhiên:
-Địa lý
Nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam, thị trấn Sa Pa ở độ cao 1.600 mét so với mực nước biển, cách thành phố Lào Cai38 km và 376 km tính từ Hà Nội. Ngoài con đường chính từ thành phố Lào Cai, để tới Sa Pa còn một tuyến giao thông khác, quốc lộ 4Dnối từ xã Bình Lư, Lai Châu. Mặc dù phần lớn cư dân huyện Sa Palà những người dân tộc thiểu số, nhưng thị trấn lại tập trung chủ yếu những người Kinhsinh sống bằng nông nghiệpvà dịch vụ du lịch
- Khí hậu: Do ảnh hưởng của các yếu tố địa hình, địa mạo phức tạp, bị chia cắt mạnh và với vị trí địa lý đặc biệt, bởi vậy Sa Pa có khí hậu mang sắc thái ôn đới và cận nhiệt đới, không khí mát mẻ quanh năm. Thời tiết ở thị trấn một ngày có đủ bốn mùa: buổi sáng là tiết trời mùa xuân, buổi trưa tiết trời như vào hạ, thường có nắng nhẹ, khí hậu dịu mát, buổi chiều mây và sương rơi xuống tạo cảm giác lành lạnh như trời thu và ban đêm là cái rét của mùa đông. Nhiệt độ không khí trung bình năm của Sa Pa là 15ºC. Mùa hè, thị trấn không phải chịu cái nắng gay gắt như vùng đồng bằng ven biển, khoảng 13ºC - 15°C vào ban đêm và 20ºC - 25°C vào ban ngày. Mùa đông thường có mây mù bao phủ và lạnh, nhiệt độ có khi xuống dưới 0°C. Nhiệt độ thấp nhất vào tháng 1 là 0oC (đặc biệt có những năm xuống tới - 3,2oC). Do đặc điểm của các khu vực khác nhau nên đã tạo ra các vùng sinh thái khác nhau và có nhiệt độ khác nhau trong cùng thời điểm.
Lượng mưa trung bình hàng năm ở đây khoảng từ 1.800 đến 2.200 mm, tập trung nhiều nhất vào khoảng thời gian từ tháng 5 tới tháng 8.Thị trấn Sa Pa là một trong những nơi hiếm hoi của Việt Nam có tuyết. Trong khoảng thời gian từ 1971tới 2008, 14 lần tuyết rơi tại Sa Pa. Lần tuyết rơi mạnh nhất vào ngày 13 tháng 2 năm 1968, liên tục từ 3 giờ sáng đến 14 giờ cùng ngày, dày tới 20 cm.
Nhiệt độ và lượng mưa trung bình tại Sa Pa
Tháng 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 Năm
Nhiệt độ trung bình (°C) 8 7 14 17 17 20 19 19 18 16 11 8 15
Lượng mưa trung bình (mm) 140 80 100 140 285 290 490 670 260 50 140 50 168
- Tài nguyên động vật và thực vật:
Hệ động, thực vật, phong phú về số lượng và đa dạng về chủng loại, đặc biệt có nhiệu loại động, thực vật quý hiếm cần được bảo vệ. Trên dãy núi Hoàng Liên có những loại dược liệu quý, hiếm, là "mỏ" của loài gỗ quý như thông dầu.Khu rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn có 136 loài chim, có 56 loài thú, 553 loài côn trùng. Có 37 loài thú được ghi trong "sách đỏ Việt Nam". Rừng Hoàng Liên Sơn có 864 loài thực vật, trong đó có 173 loài cây thuốc.
- Cảnh quan:
Sa Pa có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như: Thác Bạc, Cầu Mây, Hàm Rồng, Động Tả Phìn, đỉnh núi Phan Xi Păng, vườn quốc gia Hoàng Liên... Đặc biệt bãi đá cổ xã Hầu Thào & Tả Van đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Nhà nước. Đó là một trong những di sản của người Việt cổ, đến nay đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học và đang được đề nghị tổ chức UNECO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Cùng với các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử văn hóa là những đỉnh núi cao, những ruộng bậc thang lượn sóng.
- Môi trường:
Hiện tại môi trường tự nhiên của Sa Pa cơ bản vẫn giữ được những ưu thế mà thiên nhiên ban tặng.
- Địa hình:
Sa Pa có độ cao trung bình từ 1.200m đến 1.800m, địa hình nghiêng và thoải dần theo hướng Tây - Tây Nam đến Đông Bắc. Điểm cao nhất là đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143m và thấp nhất là suối Bo cao 400m so với mặt biển.
- Tài nguyên nước:
Sa Pa có mạng lưới sông suối khá dày, trung bình khoảng 0,7-1,0km/km2. Các suối hầu hết có lòng hẹp, dốc, thác ghềnh nhiều. Tài nguyên nước của Sa Pa phong phú, là đầu nguồn của hệ thống sông suối Bo và suối Đum, hàng năm được bổ xung lượng mưa đáng kể, để lại một khối lượng nước mặt.
- Tài nguyên rừng:
Sa Pa có 32.878,70 ha đất lâm nghiệp có rừng, trong đó đất có rừng tự nhiên 28.010,8 ha, đất có rừng trồng 4.864,9 ha. Trữ lượng rừng có ước tính khoảng trên 2,0 m3 gỗ và gần 8,0 triệu cây tre, nứa các loại
- Cây trồng:
Khí hậu Sa Pa trong lành và mát, thích hợp cho những loại rau ôn đới như bắp cải, su hào, su su, cây dược liệu quý và nhiều loại cây ăn quả như đào, mận, lêv.v. Đặc biệt có mận tam hoa và mận hậu rất nổi tiếng.Người ta có thể được thưởng thức nhiều loại hoa quả vùng ôn đới, cận nhiệt đới tại nơi đây.
1.3. Dân số:
Dân số trung bình năm 2005 là 43600 người, với 7 dân tộc chính, gồm: H'Mông, Dao, Tày, Kinh, Dáy, Xã Phó (Phù Lá) và Hoa. Trong đó người Mông chiếm 54,9%, Dao 25,6%, Kinh 13,6%, Tày 3%, Dáy 1,6% còn lại là các dân tộc khác. Các đồng bào dân tộc cư trú ở 17 xã, sống chủ yếu bằng nông nghiệp, nghề rừng và những ngành nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, mây tre đan. Dân tộc Kinh cư trú chủ yếu ở trị trấn Sa Pa, sống bằng nghề nông nghiệp và dịch vụ thương mại.
1.4. Đơn vị hành chính:
Toàn huyện có 17 xã và 1 thị trấn gồm: thị trấn Sa Pa, Xã Hầu Thào, Xã Bản Phùng, Xã Tả Phìn, Xã Nậm Sài, Xã Thanh Phú, Xã Sa Pả, Xã Lao Chải, Xã Trung Chải, Xã San Sả Hồ, Xã Thanh Kim, Xã Bản Hồ, Xã Sử Pán, Xã Suối Thầu, Xã Tả Van, Xã Bản Khoang, Xã Tả Giàng Phình, Xã Nậm Cang.
1.5.Nguồn gốc tên gọi
Tên Sa Pa có nguồn gốc từ tiếng Quan Thoại
Trong tiếng Quan Thoại phát âm là SaPả hay SaPá tức "bãi cát" do ngày trước khi có thị trấn Sa Pa thì nơi đây chỉ có một bãi cát mà dân cư bản địa thường họp chợ. Ngoài ra, Sa cũng có thể là cách nói lệch đi theo phiên âm tiếng Tàu là Sha ( cũng có nghĩa là Cát.Từ hai chữ "Sa Pả", người phương Tây phát âm không dấu, thành Sa Pa và họ đã viết bằng chữ Pháp hai chữ đó thành "Cha Pa" và một thời gian rất dài sau đó người ta dùng "Cha Pa" như một từ tiếng Việt. Về sau, từ này viết được thống nhất là Sa Pa.Thị trấn Sa Pa trước đây có một mạch nước đùn lên màu đỏ đục, nên dân địa phương gọi là "hùng hồ", tức "suối đỏ".
1.6. Lịch sử hình thành
Trước kia, Sa Pa là một cao nguyên nhỏ mang tên Lồ Suối Tủng. Năm 1897, chính quyền thuộc địa Pháp quyết định mở một cuộc điều tra về người dân tộc thiểu số miền núi vùng cao. Những đoàn điều tra đầu tiên đến Lào Cai vào năm 1898.Mùa đông năm 1903, trong khi tiến hành đo đạc xây dựng bản đồ, đoàn thám hiểm của Sở địa lý Đông Dươngđã khám phá ra cảnh quan cao nguyên Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả. Sự kiện này đánh dấu việc ra đời của thị trấn Sa Pa.Năm 1905, người Pháp đã thu thập được những thông tin đầu tiên về địa lý, khí hậu, thảm thực vật... Sa Pa bắt đầu được biết tới với không khí mát mẻ, trong lành và cảnh quan đẹp. Năm 1909, một khu điều dưỡng được xây dựng. Năm 1917, một văn phòng du lịch được thành lập ở Sa Pa và một năm sau, người Pháp bắt đầu xây dựng những biệt thự đầu tiên. Năm 1920, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai hoàn thành, Sa Pa được xem như thủ đô mùa hè của miền Bắc. Tổng cộng, người Pháp đã xây dựng ở Sa Pa gần 300 biệt thự.Sa Pa bị tàn phá nhiều trong Chiến tranh biên giới Việt - Trung1979. Hàng ngàn ha rừng thông bao phủ thị trấn bị đốt sạch, nhiều toà biệt thự cổ do Pháp xây cũng bị phá huỷ. Vào thập niên 1990, Sa Pa được xây dựng, tái thiết trở lại. Nhiều khánh sạn, biệt thự mới được xây dựng. Từ 40 phòng nghỉ vào năm 1990, lên tới 300 vào năm 1995. Năm 2003, Sa Pa có khoảng 60 khách sạn lớn nhỏ với 1.500 phòng. Lượng khách du lịch tới Sa Pa tăng lên từ 2.000 khách vào năm 1991 đến 60.000 khách vào 2002.
Năm 1909, khách sạn Chapa, nằm trên đường từ Sapa ra Lào Cai khánh thành. Từ năm 1914, với mục tiêu xây dựng một "kinh đô nghỉ hè" thực sự trên vùng núi miền Bắc Kỳ, theo hướng dân sự hoá. Cùng mùa hè năm đó, các nguyên vật liệu cần thiết để phục vụ xây dựng khi dinh thự nghỉ mát cao cấp và các khu nhà dịch vụ kèm theo đã được vận chuyển từ Hà Nội lên Sa Pa. Khách lưu trú thường xuyên ở Sa Pa lúc bấy giờ là những viên chức người Pháp, nhưng cũng không nhiều: chỉ khoảng 50 người năm 1942. Năm 1914, khách sạn Fansipan được xây dựng. Năm 1932, một khách sạn sang trọng, Le Metropole - chính quốc với 50 phòng hạng sang và 10 phòng hạng đặc biệt được khai trương, nằm ở dưới chân núi Hàm Rồng hiện nay và tiếp giáp với hồ Sa Pa hiện nay.
Trong thế kỷ 19, Lào Cai là địa bàn tranh giành lẫn nhau của các băng đảng có vũ trang, trong đó có băng Cờ Vàng và băng Cờ Trắng. Các băng này cai quản con đường thông thương trên sông Hồng. Muối từ miền Biển Việt Nam, á phiện vùng Vân Nam, gạo giống mới, vải vóc, hàng hoá là những mục tiêu cướp bóc chính của chúng. Giữa những năm 1880 và 1886, trước khi người Pháp có mặt ở Lào Cai, khu vực tỉnh lỵ ngày nay liên tục hứng chịu những đợt tấn công tàn phá và chiếm đóng của những băng đảng khác nhau. Những biệt thự đầu tiên được xây dựng ở Sa Pa vào năm 1918, trên khu vực khách sạn Victoria hiện nay. Khoảng thời gian giữa năm 1924 và 1940, có khoảng 100 biệt thự nữa được xây lên, trong số này hiện nay còn thấy một vài dấu tích. Giữa năm 1924 và 1927, trị trấn nghỉ mát này được đầu tư xây dựng hệ thống cấp thoát nước sinh hoạt; hệ thống điện chiếu sáng, sử dụng nguồn thuỷ điện sản xuất từ nhà máy thuỷ điện trung tâm, cạnh thác Cát Cát hiện nay vẫn còn đang vận hành tốt; và nhà dây thép (bưu điện) phục vụ các nhu cầu điện thoại, điện báo. Nhà thờ trung tâm thị trấn được xây dựng năm 1934. Cuối những năm của thập kỷ 30 (thế kỷ trước), Sa Pa phát triển đạt đến đỉnh cao nhất của mình; vào mùa hè, Sa Pa đón đến hàng ngàn khách Âu sống và làm việc ở Việt Nam bấy giờ lên đây nghỉ mát.
Tháng 3 năm 1952, hội đồng tham mưu trưởng quân đội Pháp ra lệnh dùng máy bay ném bom thị trấn. Dinh thự nghỉ mát Thống sứ, khu điều dưỡng, khu nhà hành chính và phần lớn các khách sạn, biệt thự và nhà nghỉ đều bị phá trụi trong trận bom ác liệt này. Cả thị trấn chìm trong hoang tàn đổ nát, mãi đến đầu những năm 60 mới dần hồi phục. Phải chờ đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Sa Pa mới có được bộ mặt phát triển với vóc dáng như ngày hôm nay.
1.7.Văn hóa, phong tục, tập quán
Các dân tộc ở Sa Pa có những lễ hội văn hóa mang nét đặc trưng:
Hội roóng pọc của người Giáy vào tháng giêng âm lịch.
Hội sải sán (đạp núi) của người H'Mông.
Lễ tết nhảy của người Dao diễn ra vào tháng tết hàng năm.
Những ngày phiên chợ ở Sa Pa nhộn nhịp vào tối thứ bảy kéo dài đến chủ nhật hàng tuần. Chợ Sa Pa có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách từ phương xa tới. Người ta còn gọi nó là "chợ tình Sa Pa" vì ở đây nam nữ thanh niên người dân tộc H'Mông, Dao đỏ có thể nhờ âm thanh của khèn, sáo, đàn môi, kèn láhay bằng lời hát để tìm hay gặp gỡ bạn tình.
Chợ tình Sa Pa là một nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Mông, Dao ở vùng cao Lào Cai nói riêng và vùng Tây Bắc nước ta nói chung từ xa xưa. Đó là do các bản làng ở xa, chợ phiên thường họp mỗi tuần một buổi vào sáng chủ nhật. Đêm hôm trước (thường là ngày thứ 7 hằng tuần), nam thanh nữ tú ở các làng xã vùng xa đến trước buổi chợ để cùng qua đêm gặp gỡ, giao lưu tình cảm (thường là chơi trò kéo co, thổi khèn lá, hát giao duyên...) theo phong tục truyền thống của dân tộc mình. Sau đêm đi chơi chợ phiên, nhiều đôi trai gái đã trở nên thân thiết và hẹn gặp lại trong phiên chợ sau. Mùa xuân sau, trong số đó có không ít đôi đã trở thành bạn đời trăm năm. Có lẽ vì thế mà các nhà thơ ở Lào Cai gọi đó là những phiên chợ tình Sa Pa.
1.8.Đặc sản
Sa Pa không những là vùng đất nổi tiểng bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ trong lành, mà còn là nơi có nhiều món ăn mang đậm hương vị núi rừng được nhiều du khách đặc biệt ưa thích.
Tại chợ Sa Pa có thể mua các loại dược phẩm, lâm thổ sản quý hiếm, sản phẩm nhân tạo truyền thống của các dân tộc như hàng thổ cẩmthủ công; các món ăn dân tộc như thắng cố thịt hun khói, cải mèo, su su, rượu ngô, rượu mầm thóc xã Thanh Kim, rượu táo mèo, rượu san lùng; các lâm sản và dược liệu như củ hoàng liên, nấm linh chi, cây mật gấuv.v.
Đặc sản rượu táo mèo Sa Pa
Lào Cai là vùng đất nổi tiếng với rất nhiều loại rượu ngon, đặc trưng của núi rừng như: Đặc sản San Lùng (Bát Xát), rượu ngô (Bắc Hà), và gần đây, du khách còn được biết đến rượu táo mèo (Sa Pa). Đây là một loại rượu được ngâm ủ từ loại táo rừng, có màu nâu sóng sánh và vị ngọt thơm đặc trưng. Đến Sa Pa, du khách không những bị hấp dẫn bởi dư vị sơn hào phong phú và độc đáo của vùng đất sương mù này mà còn "say" trong men rượu nồng ấm của táo mèo.
Đây là loại rượu dân dã nhưng cũng rất độc đáo. Qủa táo mèo được kết từ hương của rừng, ngấm đẫm gió ngàn, hấp thụ khí đất, khí trời và nắng gió vùng cao nên nó có đủ vị chua ngọt và chát đắng. Qủa táo mèo được ngâm ủ rất kỹ rồi cất thứ tinh chất ấy để chế ra rượu. Ban đầu, uống rượu táo mèo, ta tưởng như uống một loại nước giải khát có ga, thế nhưng càng uống càng ngất ngây.
Táo mèo ra hoa trắng vào cuối mùa xuân (tháng 3-4) và có quả vào mùa thu. Vì vậy, vào các tháng 8, 9, 10, tại chợ Sa Pa người ta thường bày bán táo mèo tươi. Ngoài ra, táo mèo còn được ngâm trong các bình thuỷ tinh to. Loại táo này cũng được ngâm như ngâm mận nhưng lượng đường ít hơn. Trước khi ngâm người ta phải gọt vỏ, bỏ qua vào nước cho đỡ chát rồi hong ra mẹt cho se mặt. Thường phải bổ đôi từng quả táo ra để bỏ những con sâu bên trong ruột. Lạ là giống táo này cứ phải có sâu mới ngon, quả nào không có sâu không phải là hảo hạng.
Quả táo mèo hình trứng, ăn có vị chua chát. Trong đông y, táo mèo còn được gọi là sơn tra, là một vị thuốc quý. Loại quả này có tác dụng hạ huyết áp nhờ làm giãn mạch ngoại vi. Nó cũng giúp hạ mỡ máu, giãn động mạch vành, cải thiện sức co bóp cơ tim. Ngoài ra, sơn tra còn có tác dụng ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu, an thần, trấn tĩnh, góp phần lập lại cân bằng sinh lý và phòng chống tích cực các biến chứng do tình trạng tăng huyết áp gây ra.
Lợn "Cắp nách"
Đây là món lợn Mường mà bây giờ dân Sa Pa gọi là lợn "cắp nách". Đi chợ mua về, hành hẹ rau cỏ xách nặng hai tay, còn chú lợn chỉ cần kẹp vào nách cũng xong. Mỗi"chú" 4-5kg, bé hơn con cẩu. Dân từ bản xa mang lợn ra chợ thường buộc chân lợn vào cái que tre, vắt ngang miệng gùi, đầu đuôi còn ngắn hơn bờ vai người đeo. Mới cách đây không lâu, loài lợn này gần như tuyệt diệt vì không bán được, dân bản chả ai còn buồn nuôi nữa. Bỗng nhiên bây giờ lợn Mường lên ngôi, trở thành món đặc sản Sa Pa được du khách hâm mộ.
Món cá suối
Cá suối có nhiều loại. Cá trắng thân dẹt, tựa cá mương. Cá đen có dáng như cá chiên, nheo, màu đen lẫn với rêu đá. Điều đáng nói là cá suối không hề có vị tanh. Ngoài ra còn phải kể thêm cá hoa, cá bống... Ăn cá suối chỉ việc nướng chín trên than củi, rồi ăn nóng ngay hoặc nướng qua, đem rán ròn rồi chiên với nước sốt cà chua cùng gia vị bột cà ri, bột hồ tiêu là trên mâm cơm đã có một món ăn ngon lành.
Nấm hương
Vào chợ Sa Pa bất kỳ mùa nào, bạn cũng được mời mua nấm hương khô, là đặc sản của núi rừng Sa Pa. Vào các nhà hàng, bạn có thể yêu cầu được ăn món nấm hương. Nấm khô ngâm qua nước, sẽ nở ra mà vẫn giữ nguyên mùi hương của đất núi, phong vị của cây rừng. Là người sành ăn, bạn có thể yêu cầu nhà hàng cho ăn món chân nấm. Đó là thân nấm xé nhỏ xào với thịt, điểm xuyết thêm chút mực khô và gia vị thì mâm cỗ của bạn sẽ có đĩa nhắm chiếm ngôi hạng bên cạnh các món rau cải xoong, su su, cải nương, bắp cải, su hào... đều mang vị rất riêng của Sa Pa. Ngay như các món rau ở đây cũng đều được coi là rau sạch, vì bà con vẫn giữ nguyên cách thức cấy trồng truyền thống.
Bánh đao "Páu cò"
Từ tháng 6 đến tháng 10, một số dân tộc ở Sa Pa thường làm bánh đao. Nguyên liệu để làm bánh bao gồm đao và gạo nếp được xay thành nước bột. Sau đó, đem nước bột lọc qua khăn cho vừa khô bột bọc bên trong. Tỷ lệ của đao 2 phần, bột nếp 1 phần. Sau đó đến công đoạn nặn bột thành những nắm bằng chiếc chén, gói vào lá chuối, buộc lại rồi cũng xôi như bánh ngô. Bánh làm xong có hương thơm của gạo nếp và đao, khi ăn sẽ có vị thơm mát, dẻo như chiếc bánh dợm người Kinh vẫn làm. Bánh đao bảo quản nơi khô ráo có thể để hàng chục ngày mà không thiu.
Bánh dầy "Páu plậu"
Bánh dầy làm từ gạo nếp. Gạo nếp được ngâm với nước lã khoảng 2 giờ đồng hồ rồi đổ ra giá để róc hết nước rồi cho vào chõ xôi. Xôi chín, cho vào cối giã. Khi giã, thỉnh thoảng lại bôi mỡ vào chầy cho khỏi dính. Khi xôi đã nát nhừ, nặn thành từng viên và có thể ăn ngay.
Bánh dầy có thể để được 1 tuần. Nếu muốn để được lâu hơn (2-3 tháng) thì làm cho bánh dẹt ra và lấy bột nếp khô rắc ra ngoài làm áo cho bánh. Khi nào dùng bánh có thể xôi lại hoặc cho vào rán, bánh lại dẻo và thơm như lúc mới làm.
Bánh dầy có thể chấm đường ăn ngay hoặc rán mỡ. Bánh có vị thơm đặc trưng của gạo nếp và rất dẻo.
Thịt sấy "Khăng gai"
Các loại thịt trâu, bò, ngựa, lợn thường được người Mông treo lên gác bếp để sấy. Thịt trâu, bò, được thái dọc thành từng miếng khoảng 2 - 3kg, xâu lại và treo lên gác bếp để làm thức ăn dự trữ.
Các loại thịt khi treo lên gác bếp sẽ khô dàn và để được hàng năm. Khi ăn, cọ rửa sạch mùi bồ hóng và bụi rồi cho vào xào với cà chua, măng... Thịt có mùi thơm và bùi. Riêng thịt trâu, bò đã sấy kho cho vào tro bếp để nướng (không có than), sau đó đem ra đập hết tro và bụi để uống rượu. Thịt sấy thường có vị bùi, thơm, giòn.
Nhái nấu rau "ua gai ờ ráu áu"
Người Mông thường bắt những con nhái ở suối đem về chế biến thức ăn. Họ cho rằng, nhái sống ở suối rất sạch. Sau khi rửa sạch nhái, cho muối vào xóc qua, rửa lại bằng nước lã rồi cho lên bếp luộc. Khi nhái gần chín, cho rau rừng vào, thêm một chút muối, ớt và các gia vị khác. Canh nhái ăn mát, bổ.
1.9.Tình hình hoạt động du lịch
Các địa điểm du lịch khác trong khu vực bao gồm:
Núi Fansipan
Bản Cát Cát
Bản Sín Chải
Chợ Bắc Hà
Thác Bạc
Bản Tả Van
Bản Hồ
Đèo Ô Quy Hồ
Nhà thờ cổ
Vào thập niên 1940, người Pháp đã quy hoạch, xây dựng Sa Pa thành nơi nghỉ mát, điều dưỡng khá lý tưởng. Ở đây có đầy đủ hệ thống thủy điện, trạm nước, dinh toàn quyền, toà chánh sứ, sở than, kho bạc, kiểm lâm, hệ thống đường nhựa và đặc biệt là hơn 200 biệt thự theo kiểu phương Tây ở ngay trung tâm thị trấn, nằm xen giữa những cánh rừng đào và những rặng samu. Điều này làm cho thị trấn này mang nhiều dáng dấp của một thành phố châu Âu. Các dịch vụ du lịch của Sa pa được các du khách ngoại quốc đánh giá khá tốt. Một số khách sạn ở Sapa như Violet, Royal, Vitoria,... được xây dựng khoảng 2004 đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước khá tốt.Về phía tây thị trấn Sa Pa là dãy núi Hoàng Liên Sơn, bốn mùa vào buổi sáng sớm sương giăng mờ mịt. Nơi đây có đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143 mét rất thích hợp cho ngững người thích môn leo núi và là khu vực của nhiều loại động, thực vật quý hiếm như cây hoàng liên, thông dầuv.v. Có 37 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Sa Pa có nhiều cảnh đẹp tự nhiên như thác Bạc cao khoảng 200 m, cầu Mây là một di tích lịch sử của người dân tộc, cổng Trời là điểm cao nhất mà đường bộ có thể đi tới để đứng ngắm đỉnh Phanxipan, rừng Trúc, động Tả Phìn, bãi đá cổ Sa Pa nằm trong thung lũng Mường Hoa. Hàm Rồng là nơi trồng rất nhiều loại hoa, màu sắc sặc sỡ và được trồng theo từng khuôn viên. Ở nơi đây cũng có vườn lan với nhiều loại hoa quý hiếm.Để tham quan vườn hoa, du khách phải leo một chặng đường dài hàng ngàn bậc đá. Cứ cách một đoạn ngắn, cảnh trí lại trải ra trước mắt đó là vườn lan tự nhiên, vườn châu Âu, rừng hoa đào... điểm cuối cùng là điểm cao nhất của đỉnh Hàm Rồng được bố trí như một đài quan sát, từ đây du khách có thể phóng tầm mắt thu toàn bộ thị trấn Sa Pa vào tầm mắt của mình.
Núi Hàm Rồng
Vị trí: Núi Hàm Rồng nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai 33km.
Ðặc điểm : Núi Hàm Rồng là mỏm đá vươn cao tựa đầu rồng.
Theo tương truyền, thủa hồng hoang, có đôi rồng đang mải mê quấn quýt bên nhau trong khi cơn hồng thuỷ đang ào ạt dâng sóng mà vẫn không hay. Đến khi choàng tỉnh, hốt hoảng rời nhau, rồi quẫy mình lên, nhưng không kịp. Tức thì mỗi con rời ra một nơi. Đến bây giờ rồng nàng tuy hoá đá, nhưng bản năng sinh tồn còn mãnh liệt vẫn cố ngước nhìn theo rồng chàng bên phía Hoàng Liên phía tây.
Núi Hàm Rồng được giao cho công ty xổ số tôn tạo và quản lý. Du khách hãy chống tay lên đầu gối hoặc chống cây gậy trúc leo từng bậc, chỉ một lát thôi là tới vườn lan trăm hình vạn sắc. Liên tiếp, trước mắt là một bình nguyên thu nhỏ rực màu hoa đào, hoa cỏ giữa tiết xuân. Đi nữa là rừng đá với cảm giác như lạc vào nơi bồng lai tiên cảnh, mà người xưa đã khéo tưởng tượng đó là những móng vuốt, lông vây của rồng. Trong cái hốc nơi vách đá kia như đang ẩn náu điều gì bí ẩn, bất chợt hiện ra qua ý tưởng của mỗi người. Lần theo vách đá là đường lên cổng trời một và hai, bạn sẽ đứng trên mỏm đá ngất ngây trong cảm giác bay lượn mà thoả mắt nhìn xuống toàn cảnh thành phố trong sương. Nơi đây trời đất gặp gỡ, kia là chàng mây không giấu giấc mộng với nàng đá, dưới ánh sáng mờ ảo lung linh. Tới đây không những được tận hưởng cảnh sắc của đất trời, mà còn thưởng thức không khí trong lành của khí trời Sa Pa. Thế là bao ưu tư, phiền muộn trong lòng bỗng tan biến. Ngước lên, sẽ thấy nàng rồng như còn hối tiếc điều gì chưa hoàn tất của một thời sung sức. Du khách muốn thoả trí tò mò xin hãy leo lên mà thì thầm to nhỏ với con rồng đá.
Ai đến Sa Pa, không thể không leo núi Hàm Rồng mà trò chuyện với đá, với cỏ cây, gió hoang và mây trời để tăng thêm nghị lực cho ngày mai lại tiếp tục những cuộc hành trình mới đầy thú vị.
Làng Cát Cát ở Sa Pa
Vị trí: Làng Cát Cát thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách trung tâm thị trấn Sa Pa 2km.
Ðặc điểm : Làng Cát Cát là bản lâu đời của người Mông, còn lưu giữ nhiều nghề thủ công truyền thống như trồng bông, lanh, dệt vải và chế tác đồ trang sức. Đặc biệt nơi đây còn giữ được khá nhiều phong tục độc đáo mà ở các vùng khác không có, hoặc không còn tồn tại nguyên gốc.
Qua những khung dệt, người Mông tạo nên những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc và hoa văn mô phỏng cây, lá, hoa, muông thú... Gắn liền với công đoạn dệt vải bông, vải lanh là khâu nhuộm và in thêu hoa văn, phổ biến là kỹ thuật nhuộm chàm, nhuộm nước tro thảo mộc và cây lá rừng. Vải nhuộm xong được đánh bóng bằng cách lăn vải với khúc gỗ tròn trên phiến đá phẳng có bôi sáp ong.
Ở làng Cát Cát, nghề chế tác đồ trang sức bằng bạc, đồng đã có từ lâu đời và tạo ra những sản phẩm tinh xảo. Quy trình chế tác bạc gồm nhiều công đoạn. Trước hết, họ cho bạc vào nồi trên bễ lò đun đến khi nóng chảy thì rót vào máng. Chờ khi bạc nguội lấy ra dùng búa đập, rèn sao cho thanh bạc có kích cỡ to, nhỏ, dài, ngắn, vuông, tam giác, tròn, dẹt hay kéo thành sợi. Tiếp đó, họ giũa cho thật nhẵn và nếu cần trang trí thì dùng đinh để chạm khắc, tạo hoa văn nổi hoặc chìm rồi mới uốn hình sản phẩm. Cuối cùng là bước đánh nhẵn, làm trắng và bóng. Sản phẩm chạm bạc ở Cát Cát rất phong phú, tinh xảo nhất là đồ trang sức của phụ nữ như: vòng cổ, vòng tay, dây xà tích, nhẫn...Một điều hấp dẫn du khách khi đến Cát Cát là người Mông ở đây còn giữ được khá nhiều phong tục tập quán độc đáo, chẳng hạn như tục kéo vợ. Khi người con trai quen biết và đem lòng yêu một cô gái, anh ta sẽ tổ chức làm cỗ mời bạn bè và nhờ các bạn lập kế hoạch "kéo" cô gái về nhà một cách bất ngờ, giữ cô trong ba ngày. Sau đó, nếu cô gái đồng ý làm vợ chàng trai thì sẽ tiến hành lễ cưới chính thức. Nếu cô từ chối thì họ cùng nhau uống bát rượu kết bạn và mọi việc trở lại bình thường như chưa có điều gì xảy ra. Lễ cưới người Mông ở Cát Cát thường được tổ chức từ 2 đến 7 ngày.
Kiến trúc nhà cửa người Mông làng Cát Cát còn nhiều nét cổ: nhà ba gian lợp ván gỗ pơmu. Bộ khung nhà có vì kèo ba cột ngang. Các cột đều được kê trên phiến đá tròn hoặc vuông. Vách được lợp bằng gỗ xẻ, có 3 cửa ra vào: cửa chính ở gian giữa, 2 cửa phụ ở hai đầu nhà. Cửa chính luôn được đóng kín, chỉ mở khi có việc lớn như đám cưới, tang ma, cúng ma vào dịp lễ Tết. Trong nhà có không gian thờ, sàn gác lương thực dự trữ, nơi ngủ, bếp và nơi tiếp khách.
Làng Cát Cát được hình thành từ giữa thế kỷ 19, các hộ gia đình cư trú theo phương thức mật tập: dựa vào sườn núi và quây quần bên nhau, các nóc nhà cách nhau chừng vài chục mét. Họ trồng lúa trên ruộng bậc thang, trồng ngô trên núi theo phương pháp canh tác thủ công, sản lượng thấp. Phần lớn nhà cửa đều đơn giản, chỉ có một cái bàn, cái giường và bếp lửa nấu nướng...
Chợ tình Sa Pa
Vị trí: Thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Đặc điểm: Chợ Sa Pa là chợ của người H'Mông, người Dao được họp vào tối thứ bảy hàng tuần.
Chợ Sa Pa là một hoạt động kinh tế văn hóa rất độc đáo, đây là nơi trao đổi mua bán nhiều loại hàng hóa, sản phẩm địa phương, đồng thời là dịp cho bà con vùng cao đi chợ phiên và thanh niên nam nữ các dân tộc hẹn hò gặp gỡ, ca hát giao duyên để tìm hiểu bạn đời qua khúc hát tỏ tình, qua tiếng sáo, tiếng khèn, đàn môi...
Đến Sa Pa ai cũng muốn xem chợ tình. Những người làm du lịch và du khách gọi Sa Pa là chợ tình dù không người dân nào đồng ý. Không có chợ nào là chợ tình. Họ không mua bán tình. Trước đây, bản của người dân tộc thường cách khá xa trung tâm thị trấn Sa Pa.
Để tới chợ phiên, vượt qua những lối mò hiểm trở mất khoảng 12 tiếng. Vì thế, mọi người thường xuất phát từ ngày hôm trước và ngủ qua đêm tại thị trấn để dễ dàng vào phiên chợ ngày chủ nhật. Vì thế, đêm thứ 7 thường rất náo nhiệt. Người già vui vẻ đi thăm hỏi bạn bè, lớp trẻ tiếp xúc và làm quen với bạn khác giới.
Khi chiều xuống, trong khu vực chợ đã thấy chỗ này, chỗ kia túm tụm dăm bảy trai gái người H'Mông, người Dao đầu mày, cuối mắt nhìn nhau. Rồi khi màn đêm buông xuống, tù mù dưới bóng điện vàng nhạt, họ ngồi bên nhau ca hát, trò chuyện thâu đêm. Khi đã tìm được bạn tâm tình, họ trao kỷ vật cho nhau để rồi hẹn chợ sau gặp lại. Hoạt động văn hóa này đã có từ ngàn xưa và nay vẫn còn gìn giữ được. Chợ Sa Pa là nơi hấp dẫn khách du lịch thích tìm hiểu văn hóa các dân tộc.
Núi Phan Xi Păng
Độ cao: 3.143 m (10.312 ft)
Vị trí: Việt Nam
Tọa độ: 22.304276° B 103.777063° Đ
Dãy núi: Hoàng Liên Sơn
Tọa độ: 22°17′52″B, 103°47′11″Đ
Niên đại: đá Kỷ Phấn Trắng?
Phan Xi Păng, Fansipan, hay Phan Si Phăng là ngọn núi cao nhất Việt Nam, cũng là cao nhất trong ba nước Đông Dương nên được mệnh danh là "Nóc nhà Đông Dương" (3.143 m) thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, cách thị trấn Sa Pa khoảng 9 km về phía tây nam, nằm giáp hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu thuộc vùng Tây bắc Việt Nam. Theo tiếng địa phương, núi tên là "Hủa Xi Pan" và có nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh.
1.Lịch sử kiến tạo địa chất
Phan Xi Păng được hình thành vào thời kỳ tân tiến tạo, kỷ Phấn Trắng - Đại Trung Sinh, cách ngày nay khoảng trên 100 triệu năm.
2.Hệ thực vật
Hệ thực vật ở Phan Xi Păng khá phong phú. Có tới 1.680 loại cây chia làm 679 chi thuộc 7 nhóm. Có một số loại thuộc nhóm quý hiếm. Dưới chân núi là những cây gạo, mít, cơi với mật độ khá dầy tạo nên những địa danh Cốc Lếu (Cốc Gạo), Cốc San (Cốc Mít) v.v. Từ đây đến độ cao 700 m là vành đai nhiệt đới có những vạt rừng nguyên sinh rậm rạp, dây leo chằng chịt. Từ 700 m trở lên là tầng cây hạt trần như pơmu, có những cây ba, bốn người ôm không xuể, cao 50-60 m, tuổi đời tới vài trăm năm. Từ độ cao 2.800 m, phủ kín mặt đất là trúc lùn, những bụi trúc thấp khoảng 25-30 cm, cả thân cây trơ trụi, phần ngọn có một chút lá phất phơ, nên loài trúc này được gọi là trúc phất trần. Xen kẽ là một số cây thuộc các họ như cói, hoa hồng, hoàng liên.
3.Chinh phục Phan Xi Păng
Đỉnh Phan Xi Păng hiện là điểm hẹn của nhiều nhà leo núi. Việc chinh phục đỉnh núi này có thể được thực hiện qua các tour của các công ty du lịch lữ hành chuyên nghiệp hoặc tự túc với sự dẫn đường của người bản xứ. Lộ trình leo núi có thể bắt đầu từ Hà Nội đến Lào Cai bằng tàu hỏa trên quãng đường dài 333 km; rồi từ Lào Cai lên Sa Pa bằng ô tô qua 38 km; sau đó từ Sa Pa đến đỉnh đèo Trạm Tôn hoặc ít phổ biến hơn là khu du lịch Cát Cát bằng ô tô hoặc xe ôm. Tại đây có số người dân tộc Mông, Dao làm nghề cửu vạn phục vụ khách leo núi đông nhất.
Trước kia từ Sa Pa lên đỉnh Phan Xi Păng và quay trở về mất khoảng chừng 5-6 ngày. Hiện nay thời gian tổng cộng của chuyến leo núi chỉ còn 3 ngày, thậm chí 2 ngày hoặc với những người thành thạo và sức khỏe tốt thì có thể thực hiện trong một ngày.
Hàng trình phổ biến nhất với khách du lịch là ba ngày. Sáng ngày đầu tiên đi ô tô từ Sapa đến trạm kiểm lâm trên đỉnh đèo Trạm Tôn. Bắt đầu chuyến leo núi ở đó, đi xuyên qua các dãy núi, du khách sẽ dùng chân ở một địa điểm cao khoảng 1.900m cạnh suối. Họ sẽ cắm trại, nấu ăn và nghỉ qua đêm ở đây. Ngày thứ hai từ địa điểm cao 1.900m đó, họ sẽ leo lên tới đỉnh Phan Xi Păng 3.143m và nghỉ ăn trưa trên đỉnh, đây là quãng đường vất vả nhất trong toàn bộ cuộc hành trình. Sau đó du khách quay về trại nghỉ đêm thứ hai. Ngày thứ ba từ trại nơi 1.900m họ quay về Sapa theo một đường khác. Sẽ có xe đón du khách ở chân núi đưa về Sapa. Một quy định cho các nhà leo núi ở đây là không được xả rác trong rừng, tất cả sẽ được mang theo rồi đốt đi.
Mỗi đoàn leo núi có ít nhất hai hướng dẫn viên hoặc người dẫn đường. Ngày thứ hai khi du khách lên đỉnh Phan Xi Păng, một trong hai người sẽ ở lại trại nấu ăn. Ở gần đỉnh núi, du khách có thể hái măng về cho bữa ăn. Viếc nấu nướng cũng rất khó khăn, du khách phải đi kiếm củi, làm bếp. Ban đêm thường mưa và nhiệt độ hạ xuống rất thấp.
Vì đường lên núi phải đi mất 3 ngày nên người leo núi cần có sức khoẻ tốt. Các vật dụng hữu ích cho cuộc leo núi này gồm giầy leo núi, áo mưa, lều, túi ngủ, thuốc men cá nhân, kẹo ngọt ăn để tăng glucose trong máu khi leo núi giúp giảm cảm giác tức ngực và khó thở khi leo lên cao. Việc hạn chế số lượng đồ dùng cá nhân giúp giảm trọng lực và làm việc leo núi dễ dàng.
Thời điểm leo núi thích hợp là từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau. Tuy nhiên đường lên Phan Xi Păng đẹp nhất là khoảng cuối tháng 2, khi các loài hoa núi bắt đầu nở.
Thác Bạc
Thác Bạc cách thị trấn Sa Pa khoảng 12 km (7.5 miles). Từ trên khe núi cao hàng trăm mét, dòng nước ầm ầm đổ xuống, bọt tung trắng xoá như những đóa hoa vì vậy gọi là thác Bạc. Từ xa đã nghe thấy tiếng thác đổ ào ào, tiếng vang được lập lại trong rừng thẳm càng tăng thêm cảm giác hoang dã và huyền bí. Thác ở ngay gần đường quốc lộ, rất thuận tiện cho khách du lịch.Từ xa đã nghe réo rắt tiếng suối nước rượt đuổi nhau đổ về thác Bạc. Chính những vẻ đẹp thiên tạo đó đã thôi thúc biết bao lữ khách.Sau gần nửa giờ vượt lên những đoạn đường quanh co, uốn lượn, thở trong gió núi, nghe văng vẳng tiếng chim ngàn, càng làm cho du khách cảm thấy lâng lâng thoát tục như đang lạc vào cõi bồng lai. Sa Pa bốn mùa hoa trái, bốn mùa sang sớm đều sương giăng mờ mịt. Nhất là khu vực thác Bạc, mùa hạ vẫn se se lạnh.Du khách ngắm mình dưới dòng suối trong mát, gột rửa mọi lo toan, tha hồ trò chuyện thư giãn dưới những bóng cây rừng xanh mởn, để mọi phiền não trôi theo dòng thác Bạc.
Bản Tả Van
Nằm ở thung lũng Mường Hoa .Dưới chân núi Fan Xi Păng hùng vĩ,quý khách thỏa sức ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang , chụp ảnh, đi thong dong bước theo đường mòn suống thăm bản người dân tộc H'mông và suối Mường Hoa.Hàng năm vào ngày Thìn đầu tiên của tháng Giêng âm lịch, xã Tả Van, huyện Sapa - Lào Cai lại náo nức mở lễ hội Xuống đồng để chào đón một năm mới mùa màng bội thu. Đồng bào các dân tộc Giáy, H'Mông, Dao... cùng rất đông du khách đổ dồn về nơi đây khiến thung lũng Mường Hoa trở nên sôi động và rực rỡ hơn.
Hầu hết các dân tộc ở khu vực Tây Bắc đều có lễ hội Xuống đồng, người H'Mông gọi là Lồng Tồng, người Tày - Nùng gọi là Lồng Tổng còn người Dao gọi là Lồng Tộng để cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận, gió hoà. Trước đây, người Giáy ở Tả Van (huyên SaPa) gọi là lễ hội Roóng Poọc. Tuy là lễ hội dân tộc truyền thống của người Giáy ở Tả Van, nhưng nhiều năm nay đã lan rộng, trở thành lễ hội chung của cả vùng thung lũng Mường Hoa. Từ sáng sớm, làn sương còn giăng mù mịt từng đoàn người tíu tít nói cười trong mây, hồ hởi về dự hội. Người Mông từ Hầu Thào, Lao Chải dồn xuống, người Dao từ Bản Hồ, Bản Phùng ngược lên, du khách từ thị trấn SaPa cũng tới dự làm cho lễ hội đông vui tới vài nghìn người.
Mặc dù lễ hội Xuống đồng diễn ra trong nửa ngày nhưng đã mang lại cho du khách những cảm giác vô cùng hào hứng bởi những nét đặc trưng riêng có. Cuộc vui đã đến lúc tàn nhưng niềm vui vẫn còn đọng mãi, hẹn Tả Van, hẹn Mường Hoa ở mùa lễ hội sau...
Đèo Ô Quy Hồ
Đèo Ô Quy Hồ hay Đèo Hoàng Liên Sơn là một trong số những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ vào bậc nhất ở miền núi phía Bắc Việt Nam. Nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, đèo Ô Quy Hồ nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu trong đó đỉnh đèo là ranh giới của hai tỉnh.
Tên gọi
Đèo Ô Quy Hồ còn có tên gọi là đèo Hoàng Liên, Đèo Hoàng Liên Sơn do đèo vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn, hoặc đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ, tuy nhiên du khách đến Tây Bắc Việt Nam thường biết đến đèo dưới tên Ô Quy Hồ. Tương truyền ở vùng núi này, trước hay hiện diện một loài chim có tiếng kêu da diết, gắn với huyền thoại về câu chuyện tình yêu không thành của một đôi trai gái. Từ đó, theo thời gian chính tiếng kêu ô quy hồ của loài chim ấy đã được đặt thành tên cho con đèo hoang dại ở độ cao gần 2000m này.
Đặc điểm
Đèo Ô Quy Hồ có cung đường đèo dài ngoằn nghoèo trên quốc lộ 4D, trong đó 2 phần ba quãng đường thuộc địa phận huyện Tam Đường, Lai Châu; 1 phần 3 còn lại nằm ở phía Sa Pa, Lào Cai. Đây có lẽ là một con đèo giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc Việt Nam, với chiều dài lên tới gần 50kmdài hơn cả đèo Pha Đin (dài 32km, nằm ở ranh giới tỉnh Sơn La và Điện Biên) hay đèo Khau Phạ (gần 40km, thuộc Yên Bái). Độ cao, sự hiểm trở và chiều dài của Ô Quy Hồ khiến đèo được mệnh danh không chính thống là "vua đèo vùng Tây Bắc
Khí hậu
Thời tiết nơi đây là một trong những khám phá thú vị về thiên nhiên Tây Bắc. Vào mùa đông, nếu như bên đèo phía Tam Đường trời vẫn còn ấm áp thì ngược lại, bên đèo Sapa cả ngày sương mù bao phủ, tầm nhìn không quá 2 m, núi rừng luôn chìm ngập trong mây.Ngược lại, vào mùa hè, nếu bên đèo Sapa khí hậu mát mẻ trong lành, thậm chí không khí còn mang đầy hơi nước và gió núi lành lạnh, thì bên đèo Tam Đường, những cơn nóng khô hanh sẽ thiêu đốt mặt đất, lưng núi, suối khô kiệt nước và những thảm cỏ xanh cằn cỗi dưới ánh mắt trời.
Ô Quy Hồ - một trong những cung đường đèo hiểm trở và hùng vĩ vào bậc nhất ở miền núi phía bắc Việt Nam. Những năm trời lạnh, đỉnh đèo Ô Quy Hồ có thể phủ kín băng tuyết.Ô Quy Hồ là con đèo nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, uốn lượn quanh dãy núi Hoàng Liên, nơi có đỉnh Fanxipang - nóc nhà Đông Dương lộng gió trên đỉnh cao 3.414m. Còn được biết đến với cái tên đèo Hoàng Liên, nhưng với nhiều khách lữ hành yêu Tây Bắc, cái tên Ô Quy Hồ đã gần như một huyền thoại...
Vườn Quốc gia Hoàng Liên
Vườn Quốc gia Hoàng Liên-Lào Cai nằm trong hệ thống Vườn Quốc gia của Việt Nam, được thành lập từ tháng 7/2002 trên cơ sở chuyển khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Sa Pa thành VQG Hoàng Liên. Đây là một trong những VQG có vị trí rất đặc biệt của Việt Nam, có dãy núi Hoàng Liên là phần kéo dài của núi Ailao Shan từ Trung Hoa, bắt nguồn từ dãy núi Hymalaya. VQG Hoàng Liên nằm ở phía Đông của dãy núi Hoàng Liên, gồm hầu hết các đỉnh núi có độ cao trên 1000m, trong đó có đỉnh Phan-xi-păng cao 3.143m so với mặt nước biển, được ví là "Nóc nhà Đông Dương". VQG Hoàng Liên được các nhà khoa học xác định là một trong những trung tâm đa dạng sinh vật vào bậc nhất của Việt Nam, là nơi còn sót lại nhiều loài đặc hữu, quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam cũng như Sách Đỏ thế giới. Việc bảo tồn đa dạng sinh vật ở vùng này không những có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn lớn lao.
1.10. Tình hình phát triển kinh tế
Sa Pa là huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, có diện tích tự nhiên là 67.846 ha. Huyện có 17 xã và một thị trấn, cư trú ở đây chủ yếu là đồng bào Mông (56 phần trăm), Dao(26 phần trăm), còn lại là đồng bào Kinh, Giáy, Tày, Xa Phó. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện Sa Pa, tập trung mọi nguồn lực đổi mới cơ cấu kinh tế, qui hoạch lại đô thị, qui hoạch bố trí sắp xếp lại dân cư ổn định sản xuất gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường.
Những năm qua, huyện đã vận động, giao khoán rừng đến từng hộ dân, tổ chức phát động trồng cây xanh ở nơi công cộng, trong trường học, vườn nhà và trang trại và tuyên truyền giáo dục học sinh ý thức bảo vệ cây xanh, không vứt rác bừa bãi.
Theo báo cáo của UBND huyện, đến nay tình trạng đốt rừng làm nương rẫy đã giảm hẳn, tỷ lệ rừng che phủ đạt gần 60 phần trăm, nhiều gương điển hình làm giàu từ kinh tế vườn rừng qua các mô hình như trồng thảo quả, chăn thả trâu, bò, dê và thu hái lá thuốc dưới tán rừng góp phần giúp nhiều địa phương thoát nghèo.
Tại một số địa phương như Xã Nậm Cang, xã San Sả Hồ số hộ nghèo giảm xuống hơn 3 phần trăm; xã Bản Khoang còn hơn 4 phần trăm hộ nghèo nhờ có những đột phá tích cực về kinh tế nên đời sống của đồng bào các dân tộc đã dần đi vào ổn định.
Bên cạnh đó, được sự đầu tư tài trợ của nhiều tổ chức trong và ngoài nước, huyện đã tiến hành nghiên cứu, quy hoạc lại thị trấn, xây dựng các mô hình kinh tế tiểu thủ công nghiệp thân thiện với môi trường và khôi phục một số ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm ở xã Tả Phìn, rèn đúc ở Hầu Thào, chế biến nông sản (nấu rượu đặc sản) ở San Xả Hồ... từ đó thúc đẩy các hoạt động dịch vụ-du lịch, tận dụng lao động nông nhàn, góp phần hạn chế được tình trạng phá rừng, đốt nương làm rẫy.
Huyện cũng đã vận động nhân dân thực hiện ăn ở sạch, hợp vệ sinh, giữ gìn môi trường nơi công cộng, đưa nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào trong trường học, trong đó nội dung bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc được coi là một nội dung của chương trình bồi dưỡng của trung tâm chính trị huyện.
Thực hiện nghiêm lệnh đóng cửa rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lý, áp dụng các biện pháp kinh tế đảm bảo cho dân sinh sống gắn bó với rừng. Đầu tư, khai thác các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch văn hoá gắn với bảo tồn một số di sản văn hoá tiêu biểu, phục dựng lại các làng, nghề cổ đặc trưng như rèn, đúc, đan lát, nhuộm chàm và dệt vải, chạm khắc bạc, chế tác nhạc cụ như nghề rèn đúc, dệt lanh ở bản Cát Cát (xã San Xả Hồ), nghề dệt thổ cẩm của người Dao xã Tả Phìn. Duy trì và phát huy các lễ hội truyền thống, các phong tục tập quán liên quan đến việc bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, chăn nuôi trồng trọt...
Sau nhiều năm kiên trì thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường đến nay bộ mặt của Sa Pa đã được thay đổi đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo thuyên giảm, số gia đình, bản làng văn hoá tăng mạnh, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.
Kết quả trên thể hiện sự cố gắng nỗ lực của chính quyền và đồng bào các dân tộc Sa Pa, kinh nghiệm và mô hình phát triển ở Sa Pa rất đáng để các địa phương có điều kiện tương đồng nghiên cứu học hỏi.
Những năm gần đây, Sa Pa không chỉ vươn lên để xứng đáng là vùng đất du lịch nổi tiếng mà còn đạt được nhiều kết quả trong sản xuất nông-lâm nghiệp nhờ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh và địa phương. Phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp được xác định là thành phần kinh tế đứng ở vị trí số hai, sau kinh tế du lịch, song lại là yếu tố then chốt trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, vì vậy đã luôn được Đảng bộ, chính quyền, các cấp, ngành trong huyện quan tâm thực hiện. Được hưởng lợi chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, theo Chương trình 135, trợ cước trợ giá, hỗ trợ phát triển sản xuất... để phát triển nông-lâm nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, huyện Sa Pa đã đề ra một số chỉ tiêu đó là: Sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao với giải pháp tận dụng triệt để lợi thế của Sa Pa về tài nguyên, đất đai, khí hậu để phát triển các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, với quy mô 100ha hoa, 150 ha rau an toàn, 100 ha chè Ô Long, 300 ha lúa đặc sản, 150 ha cây ăn quả, 130.000 con cá nước lạnh/năm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trên thị trường và xuất khẩu; phát triển chăn nuôi đại gia súc, với giải pháp cải tạo và nâng cao chất lượng đàn trâu, bò địa phương, cải tạo phong tục, tập quán thả rông gia súc, quy hoạch vùng nuôi trâu, bò hàng hóa, làm tốt công tác thú y, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm đạt hiệu quả; Phát triển và bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, nâng cao tỷ lệ tán che phủ của rừng đạt 60% vào năm 2010.
Ngoài ra, huyện Sa Pa còn đầu tư nguồn kinh phí để giúp nông dân phát triển tăng vụ trên đất nương rẫy như trồng ngô lai 2 vụ, đậu tương 2 vụ và một số cây trồng đặc sản như lúa Séng cù, Hương thơm, Tàu bay...Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở để vận động, tổ chức cho nhân dân thực hiện các mục tiêu đã đề ra.
Từ những chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp đó, tin chắc rằng trong thời gian tới huyện Sa Pa sẽ đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
2.Giới thiệu về địa phương nơi thực tập: Lào Cai
2.1.Địa danh
Danh từ "Lào Kay" đã dược người Pháp sử dụng trong các văn bản và con dấu nhưng trong giao tiếp và dân gian người ta vẫn gọi là "Lao Cai". Sau tháng 11 năm 1950, đã thống nhất gọi là Lào Cai cho đến ngày nay
Về nguồn gốc tên gọi này có nhiều cách lý giải:
Vùng đất phường Cốc Lếu ngày nay xưa kia, có một khu chợ, dần dần người ta mở mang thêm một phố chợ. Vì thế phố chợ đầu tiên này theo tiếng địa phương được gọi là Lão Nhai. Sau này người ta mở thêm một phố chợ khác gọi là Tân Nhai .
"Lão", hay "Lạo" là tên của một tộc người, như vậy cách thích nghĩa "Lão Nhai" là phố của người bộ tộc Lão, Lạo.
Tên gọi Lào Cai bắt nguồn từ tên "Lao Kaù" xuất hiện từ 1872 (tên chiếc pháo hạm của Jeans Dupruis, âm Hán-Việt là Đồ Phổ Nghĩa, theo sông Hồng tiến công ngược lên Vân Nam vào tháng 1 năm 1873).
Theo cố giáo sư Đào Duy Anh, từ "Lão Nhai", khi làm bản đồ, người Pháp viết "Lao Cai" thành "Lào Kay". Danh từ "Lào Kay" đã được người Pháp sử dụng trong các văn bản và con dấu còn người Việt khi đọc, biến âm theo tiếng Việt thành Lào Cai và trong giao tiếp và dân gian người ta vẫn gọi là Lao Cai.
2.2.Dân số
Dân số năm 2007 của tỉnh Lào Cai là 593.600 người, trong đó số người trong độ tuổi lao động: 314.520 người, chiếm khoảng 53%. Theo kết quả điều tra dân số ngày 01/04/2009 dân số tỉnh là 613.075 người.
2.3. Vị trí địa lí
Lào Cai là một tỉnh vùng cao biên giới thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc của Việt Nam, giáp ranh giữa vùng Tây Bắc và vùng Đông Bắc. Phía Bắc Lào Cai giáp Trung Quốc, phía Tây giáp tỉnh Lai Châu, phía đông giáp tỉnh Hà Giang, phía Nam giáp tỉnh Yên Bái.
2.4.Lịch sử
Lào Cai là một vùng đất cổ, diện mạo địa hình được hình thành cách nay 50-60 triệu năm, trong đợt tạo sơn cuối cùng, vỏ trái đất vặn mình, đứt gẫy. Hơn vạn năm trước, con người đã có mặt tại địa bàn tại đây.Tổ tiên người bản địa Lào Cai nay hồi đó cư trú khá tập trung ở các dải đồi ven sông Hồng, sông Chẩy, các cửa ngòi Mi, ngòi Nhù. Các chủ nhân văn hóa Hòa Bình ở Lào Cai đã biết làm nông nghiệp.
Trong buổi đầu các bộ tộc xác định ranh giới chủ quyền, thời Hùng Vương thuộc Tân Hưng, là một trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang. Thời Âu Lạc thì vùng phía đông và phía nam Lào Cai thuộc bộ lạc Tây Vu, còn một phần đất phía đông và phía bắc Lào Cai hiện nay thuộc phạm vi của các bộ lạc nhỏ hơn không chịu thuần phục Lạc Việt.
Thời Bắc thuộc, ban đầu là địa phận thuộc huyện Tây Vu, quận Giao Chỉ. Sau này thuộc là quận Tân Hưng, đất Giao Châu (thời Tây Tấn), sau là đất châu Đan Đường, Chu Quý thuộc Giao Chỉ (thời Tùy), tiếp đổi Lâm Tây châu, Đức Hóa châu thuộc phủ An Nam (thời Đường, 679.
Trong thời tự chủ phong kiến thuộc đạo Lâm Tây hay Đại Cồ Việt thời Đinh, Tiền Lê và Đại Việt thời Lý); đất Đăng Châu thời Lý; tiếp là huyện Thủy Vĩ, trấn Quy Hóa, đạo Đà Giang thời nhà Trần. Năm 1397, Hồ Quý Ly làm phụ chính thái sư, sửa đổi chế độ hành chính, đã đổi các bộ phủ làm trấn và Đà Giang đổi thành trấn Thiên Hưng Trong đó, huyện Thủy Vĩ, huyện Văn Bàn được thành lập trực thuộc châu Quan Hóa. Từ nay Thủy Vĩ, Văn Bàn (vùng đất Lào Cai xưa) đã chính thức trở thành tên đơn vị hành chính của nhà nước phong kiến Đại Việt. Triều Lê đổi đổi lộ làm phủ và đổi trấn làm châu, khi đó lộ Quy Hóa đổi thành phủ Quang Hóa, huyện Văn Bàn, huyện Thủy Vĩ trở thành châu Văn Bàn, châu Thủy Vĩ trực thuộc Phủ Quang Hóa, thừa tuyên Hưng Hóa. Năm Hồng Đức thứ 31 (1490) đạo thừa tuyên Hưng Hóa đổi thành xứ Hưng Hóa. Đến đời Hồng Thuận Lê Tương Dực (1509-1516) đổi xứ Hưng Hóa thành trấn Hưng Hóa.Đến đời nhà Nguyễn, vùng đất Lào Cai chủ yếu thuộc đất của châu Thủy Vỹ, châu Văn Bàn, một phần thuộc châu Chiêu Tấn và một phần nhỏ thuộc châu Lục Yên thuộc phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa.
Thành lập tỉnh Lào Cai
Sau khi đánh chiếm Lào Cai (tháng 3 năm 1886), Pháp cai quản địa hạt Lào Cai theo chế độ quân sự. Ngày 7 tháng 1 năm 1899, đạo quan binh IV được thành lập bao gồm Tiểu quân khu Yên Bái và Tiểu quân khu Lào Cai. Lào Cai là đạo lỵ, thủ phủ của đạo quan binh IV. Để dễ bề kiểm soát và tiến hành khai thác bóc lột, thực dân Pháp đã chia lại khu vực hành chính và thay đổi chế độ cai trị. Ngày 12 tháng 7 năm 1907, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định bãi bỏ đạo quan binh IV Lào Cai, chuyển từ chế độ quân quản sang chế độ cai trị dân sự, thành lập tỉnh Lào Cai. Từ đây địa danh tỉnh Lào Cai được xác định trên bản đồ Việt Nam. Ngày 12 tháng 7 năm 1907 được xác định là ngày thành lập tỉnh Lào Cai.Trải qua những biến động thăng trầm của lịch sử, địa lý Lào Cai cũng có nhiều thay đổi.
2.5.Hành chính
Lào Cai bao gồm 1 thành phố trực thuộc và 8 huyện:
Thành phố Lào Cai
Huyện Bảo Thắng
Huyện Bảo Yên
Huyện Bát Xát
Huyện Bắc Hà
Huyện Mường Khương
Huyện Sa Pa
Huyện Si Ma Cai
Huyện Văn Bàn
2.6.Tài nguyên
Đất: Lào Cai Có 10 nhóm đất chính, được chia làm 30 loại đất. 10 nhóm đất là: đất phù sa, đất lầy, đất đen, đất đỏ vàng, đất mùn vàng đỏ, đất mùn alit trên núi, đất mùn thô trên núi, đất đỏ vàng bị biến đổi do trồng lúa, đất sói mòn mạnh trơ sỏi đá và đất dốc tụ.
Nước: hệ thống sông suối dày đặc được phân bố khá đều trên địa bàn tỉnh với 2 con sông lớn chảy qua là sông Hồng và sông Chảy bắt nguồn Trung Quốc và hàng nghìn sông, suối lớn nhỏ. Đây là điều kiện thuận lợi cho Lào Cai phát triển các công trình thủy điện vừa và nhỏ. Trên địa bàn tỉnh có bốn nguồn nước khoáng, nước nóng có nhiệt độ khoảng 400C và nguồn nước siêu nhạt ở huyện Sa Pa, hiện chưa được khai thác, sử dụng.
Rừng: 278.907 ha, chiếm 43,87% tổng diện tích tự nhiên, trong đó có 229.296,6 ha rừng tự nhiên và 49.604 ha rừng trồng, rất phong phú cả về số lượng loài và tính điển hình của thực vật. Động vật rừng Lào Cai có 442 loài chim, thú, bò sát, ếch nhái.
Khoáng sản: Lào Cai đã phát hiện được 150 mỏ và điểm mỏ với trên 30 loại khoáng sản, trong đó có một số mỏ chất lượng thuộc loại quy mô lớn nhất nước và khu vực như: mỏ A Pa Tit Cam Đường với trữ lượng 2,5 tỷ tấn, mỏ sắt Quý Xa trữ lượng 124 triệu tấn, mỏ đồng Sin Quyền trữ lượng 53 triệu tấn, mỏ Molipden Ô Quy Hồ trữ lượng 15,4 nghìn tấn.
Hạ tầng
Lào Cai là một trong số ít tỉnh miền núi có mạng lưới giao thông vận tải đa dạng, bao gồm: đường bộ, đường sắt, đường sông, và trong giai đoạn 2010 - 2015 sẽ triển khai dự án sân bay Lào Cai.
Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai phía hữu ngạn sông Hồng đang được Bộ Giao thông Vận tải và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) triển khai nghiên cứu xây dựng. Dự kiến tuyến đường này sẽ nối với tuyến đường cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu tạo nên hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai dài 296 km, đoạn qua địa phận Lào Cai dài 62 km được nối với đường sắt Trung Quốc, năng lực vận tải khoảng 1 triệu tấn/năm và hàng ngàn lượt khách/ngày đêm.
2.7.Du lịch
Phát triển du lịch: Do lợi thế về tự nhiên đã tạo cho Lào Cai có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng gắn với các địa danh như: Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, đặc biệt khu du lịch Sa Pa với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo: Du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch leo núi, mạo hiểm.Ví dụ như:
Di tích cách mạng Soi Cờ - Soi Giá.
Bảo Thắng là một huyện có bề dày về truyền thống cách mạng, có hệ thống di tích lịch sử khá phong phú và mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Ngày 24/7/2007, Khu căn cứ cách mạng Soi Cờ - Soi Giá thuộc xã Gia Phú đã được UBND tỉnh Lào Cai xếp hạng là di tích cấp tỉnh.
Thành cổ Nghị Lang
Thành cổ Nghị Lang được xây dựng vào những năm 1527 - 1533 là một trung tâm kinh tế, chính trị lớn của cả vùng sông chảy đầu thế kỷ XVI.
Thắng cảnh Hang Tiên
Ngược dòng sông Chảy khoảng 6 km, từ trung tâm xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà) thuyền sẽ đưa bạn qua thành cổ Trung Đô với nhiều huyền thoại. Dòng sông Chảy đến đây thắt lại tạo thành dòng sâu, hiền hoà, len lỏi giữa hai bờ vách thành dựng đứng. Hai bên là cánh rừng nguyên sinh, phủ lên cảnh quan một miền khí hậu trong lành mát mẻ. Những dòng suối nhỏ từ trên cao đổ xuống như dải lụa, mở ảo, lất phất như mưa bay. Dòng nước như người thợ điêu khắc, lành nghề đục vào vách đá tạo nên những đài sen nổi, những nhũ đá muôn hình vạn dạng. Kia là chú voi đang cúi đầu uống nước, đây là con đại bàng cất cánh bay lên... và hội tụ lại thành bồn tắm thiên nhiên kỳ thú. Nơi đây chính là suối Tiên.
Thác Tà Lâm ở Mường Khương
Thác Tà Lâm là ngọn thác nguồn đẹp nổi tiếng trên sông Nậm Thi. Thác nằm phía tây huyện Mường Khương.Ngược dòng sông Chảy khoảng 6 km, từ trung tâm xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà) thuyền sẽ đưa bạn qua thành cổ Trung Đô với nhiều huyền thoại. Dòng sông Chảy đến đây thắt lại tạo thành dòng sâu, hiền hoà, len lỏi giữa hai bờ vách thành dựng đứng. Hai bên là cánh rừng nguyên sinh, phủ lên cảnh quan một miền khí hậu trong lành mát mẻ. Những dòng suối nhỏ từ trên cao đổ xuống như dải lụa, mở ảo, lất phất như mưa bay. Dòng nước như người thợ điêu khắc, lành nghề đục vào vách đá tạo nên những đài sen nổi, những nhũ đá muôn hình vạn dạng. Kia là chú voi đang cúi đầu uống nước, đây là con đại bàng cất cánh bay lên... và hội tụ lại thành bồn tắm thiên nhiên kỳ thú. Nơi đây chính là suối Tiên. Với 25 dân tộc vẫn còn lưu giữ được bản sắc văn hóa dân tộc rất đa dạng, phong phú và độc đáo, đã và đang được du khách rất quan tâm.
2.8.Kinh tế
Lào Cai hiện là một trong hai tỉnh nghèo nhất Việt Nam(cùng với Lai Châu) với hơn 70% dân số sống dưới ngưỡng nghèo. Nông nghiệp và lâm nghiệp 78,07%; Thủy sản 0,04%; Công nghiệp khai thác mỏ 1,62%; Công nghiệp chế biến 2,37%; Sản xuất và phân phối điện, khí đạt và nước 0,22%; Xây dựng 3,29%; Thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ và đồ dùng cá nhân 3,48%; Khách sạn và nhà hàng 0,90%; Vận tải, thông tin liên lạc 1,31%; Tài chính, tín dụng 0,21%; Hoạt động Khoa học và Công nghệ 0,05%; Hoạt động kinh doanh tài sản, dịch vụ tư vấn 0,13%; Quản lý nhà nước an ninh quốc phòng 3,06%; Giáo dục & đào tạo 3,57%; Y tế và hoạt động cứu trợ xã hội 0,69%; Hoạt động văn hóa - thể thao 0,24%; Hoạt động đảng, đoàn thể, hiệp hội 0,52%; Hoạt động phục vụ cá nhân và cộng đồng 0,24%.
Đến giữa tháng 7, lượng khách du lịch đến Lào Cai đã đạt trên 35 vạn lượt người, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó khách quốc tế gần 5 vạn lượt, tăng cao so với cùng kỳ 2008; doanh thu đạt trên 200 tỷ đồng. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, ngoài khách Trung Quốc chủ yếu đi du lịch thành phố Lào Cai, khách trong nước và quốc tế khác đều đến Sa Pa, tăng 16% so với cùng kỳ. Lượng khách tăng bởi công tác thông tin quảng bá đã có những chuyển biến tích cực. Sa Pa có khí hậu mát mẻ trong lành, cảnh đẹp hấp dẫn, có nhiều hình thức du lịch văn hóa rất đặc trưng, như du lịch sinh thái, làng bản và du lịch mạo hiểm. Hiện nay, các tour du lịch thu hút được khách tham gia nhiều nhất là: Sa Pa - Lao Chải - Tả Van - Bản Hồ, Sa Pa - Cát Cát, Sa Pa - Má Tra - Tả Phìn, Thác Bạc - Fansipan
2.9.Văn hóa
Lào Cai là mảnh đất đa dạng văn hoá với 13 dân tộc, 25 ngành nhóm địa phương. Lào Cai là vùng cửa khẩu, có nhiều di sản văn hoá nhưng cũng bị giao lưu văn hoá biến đổi, rồi chính sách văn hoá tả khuynh một thời, cải cách hành chính như xoá bỏ lễ hội người Dao, quy chụp nhiều giá trị văn hoá là mê tín dị đoan, lấy văn hoá Kinh làm khuôn mẫu làm mất đi tính đa dạng, bùng phát người Mông theo đạo Tin lành...
Vì thế di sản văn hoá ở Lào Cai đã bị mai một đi ít nhiều trước khi có sự quan tâm thích đáng trở lại như những năm gần đây. Trong số các di sản cần đặc biệt quan tâm thì di sản lễ hội chứa đựng những nét văn hoá vùng cao tinh tuý nhất, là sự kết hợp của âm nhạc, múa, tạo hình và diễn xướng. Lễ hội diễn ra vào mùa nông nhàn: mùa xuân, mùa thu và cuối hạ với lễ cầu mùa.
Chính vì vậy, khi tỉnh Lào Cai tái lập, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Lào Cai đã xây dựng một lễ hội chung mang tính cố kết cộng đồng dành cho tất cả các dân tộc ở tỉnh cùng tham gia là Festival Đền Thượng thờ Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên, bắt đầu từ năm 2001, vào ngày 13 và 14 tháng giêng. Trong đó phần lễ có dâng hương, đọc văn tế gắn lịch sử cha ông ta thời xưa với lịch sử, niềm tự hào của tỉnh Lào Cai hôm nay... Phần hội có những trò chơi, diễn xướng mang nét đặc sắc của từng dân tộc...
Lào Cai có những lễ hội tiêu biểu như:
Lễ hội Lồng Tồng ở Tả Van:
Cứ tháng Giêng hàng năm, tại bản Tả Van (Sapa, Lào Cai) sẽ diễn ra lễ hội Lồng Tồng. Trong ngày này, thung lũng Mường Hoa ngập tràn trong sắc màu. Người dân từ các bản làng diện trang phục đẹp nhất về dự hội. Lễ hội Lồng Tồng là lễ hội cầu cho quốc thái, dân an, cầu thần nông ban cho nông dân mưa thuận gió hoà, thóc lúa đầy bồ, ngô khoai sắn đầy kho, cầu cho ngành nghề được mở mang, đời sống nhân dân được ấm no.
Ngày Tết của người Dao Tuyển :
Mỗi mùa xuân về, đồng bào các dân tộc chuẩn bị để đón tết đầm ấm. Ngay từ ngày 23 tháng Chạp, mọi nhà đều chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn để tiễn ông Táo về trời báo cáo một năm làm ăn phát đạt và dọn dẹp nhà cửa đón năm mới đến.Phong tục vui Tết đón Xuân của người vùng cao Lào Cai Mỗi khi xuân về, đồng bào các dân tộc lại nô nức đón xuân với những phong tục truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Đặc biệt là ở vùng cao Lào Cai, nơi có 25 dân tộc anh em sinh sống.
Lễ hội roóng poọc của người Giáy (Lào Cai):
Hàng năm vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch người Giáy ở Tả Van (huyên SaPa) lại mở hội Roóng Poọc để cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận, gió hoà.
Lễ hội rước Đất, rước Nước của người Tày - Bắc Hà:
Diễn ra vào ngày rằm tháng giêng hàng năm để cầu xin Mẹ Đất, Mẹ Nước phù hộ cho đất luôn màu mỡ, cầu cho nguồn nước không bao giờ cạn, giúp dân bản có cuộc sống no đủ quanh năm. Từ sáng sớm, dân làng đã cử một đoàn người gồm: thầy cúng, đội trống, chiêng, khèn và các cô, các chị (là những người chăm chỉ làm ăn, có cuộc sống gia đình yên bình khoẻ mạnh)... đi lên ngọn núi Pản Phố - nơi có nguồn nước trong nhất bản - rước hồn Đất, hồn Nước về dự hội.
Tết nhảy người Dao đỏ:
Khoảng cuối giờ Thìn, đầu giờ Tỵ ngày mùng một và mùng hai Tết âm lịch hằng năm, lễ hội Tết nhảy - một hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo của người Dao đỏ - sẽ được tổ chức duy nhất tại nhà ông trưởng họ bản Tà Phìn, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai.
Lễ cúng Thần Nông của người Dao:
Tuyển Người Dao tuyển ở Lào Cai cư trú chủ yếu tại các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà và thành phố Lào Cai; so với các dân tộc khác, người Dao tuyển có tỷ lệ dân số cao, người dân còn lưu giữ được nhiều sắc thái văn hoá đặc trưng như văn học dân gian, tín ngưỡng dân gian, phong tục theo chu kỳ đời người... trong "di sản sách cổ" của người Dao tuyển.
Lễ cơm mới và hội hoa chuối của người Xa Phó (Văn Bàn)
Huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đã được nhiều người biết đến bởi vùng đất này là một trong số ít địa phương của cả nước có nhiều rừng nhất, đồng thời có tiềm năng to lớn trong phát triển du lịch sinh thái.
3.Hoạt động kinh doanh và hướng dẫn du lịch tại địa phương nơi thực tập
3.1. Hoạt động kinh doanh tại địa phương nơi thực tập
Biểu đồ thể hiện doanh thu trong ngành du lịch ở Lào Cai (1995-2009)
Với hơn 20 dân tộc cùng sinh sống, Lào Cai trở thành mảnh đất phong phú về bản sắc văn hóa, về truyền thống lịch sử, di sản văn hóa. Trong đó Người Việt chiếm số đông, có mặt khá sớm và đặc biệt chiếm tỉ lệ cao trong những năm 1960 bởi phong trào khai hoang và cán bộ được điều động từ các tỉnh Phú Thọ, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam...lên. Trong số các dân tộc khác thì đông hơn cả là Người H'Mông, Tày, Dao, Người Dáy,...Người Hoa chiếm tỉ lệ đáng kể. Chính sự phong phú về đời sống các dân tộc đã tạo ra một bản sắc riêng của Lào Cai.
Là tỉnh miền núi cao, đang phát triển nên Lào Cai còn giữ được cảnh quan môi trường đa dạng và trong sạch. Đây sẽ là điều quan trọng tạo nên một điểm du lịch lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước.
Đặc biệt Lào Cai còn có khu du lịch nghỉ mát Sa Pa - một là trong 21 khu du lịch quốc gia của Việt Nam. Đến Sa Pa, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng các danh lam thắng cảnh, mà còn được hòa mình sống cùng những sinh hoạt văn hóa dân gian hấp dẫn và độc đáo.Tài nguyên du lịch Sa Pa dễ nhận thấy là núi non trùng điệp, khí hậu trong lành và mát mẻ.
Lào Cai có nhiều địa danh lịch sử, hang động tự nhiên và các vùng sinh thái nông nghiệp đặc sản như mận Bắc Hà, rau ôn đới, cây dược liệu quý, cá hồi, cá tầm...
Cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu thuộc Vân Nam (Trung Quốc) cũng là một điểm du lịch thú vị. Lào Cai có cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, là cửa ngõ nối: Việt Nam, các nước ASEAN với miền Tây rộng lớn của Trung Quốc; là trung tâm của Hành lang Bắc Nam trong hợp tác các nước tiểu vùng sông MêKông (GMS). Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu đã và đang thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp đến hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu và hoạt động dịch vụ du lịch tại cửa khẩu Quốc tế Lào Cai.
Trong 3 năm (2006 - 2008), tỉnh đã đầu tư hơn 34 tỷ đồng nâng cấp hệ thống tuyến du lịch Lào Cai, Sa Pa, Bắc Hà. Thông qua các hoạt động du lịch, nhiều ngành nghề, dịch vụ phát triển, trong đó có các điểm du lịch cộng đồng và không ít hộ gia đình tham gia dịch vụ du lịch. Trên địa bàn tỉnh có 80 nhà nghỉ lưu trú tại gia, ở các điểm du lịch cộng đồng đều xây dựng đội văn nghệ dân gian phục vụ nhu cầu khách du lịch. Ở những địa phương phát triển dịch vụ du lịch, tỷ lệ đói nghèo giảm hẳn. Năm 2008, tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai tuy giảm, nhưng doanh thu du lịch tăng 19,9% so với năm 2007. Giữ được đà tăng trưởng là do các tour, tuyến du lịch ngày càng mở rộng, hình thức hấp dẫn, cơ sở vật chất phục vụ du khách (khách sạn, nhà hàng, phương tiên vận tải)... được đầu tư với chất lượng cao. Hiện nay, toàn tỉnh có 10 hợp tác xã, 13 công ty, 6 doanh nghiệp, 6 hãng taxi với trên 1.800 xe các loại phục vụ vận chuyển du khách.
Trong giai đoạn 2006 - 2009, các hoạt động đã thu hút 28 doanh nghiệp tài trợ cho các sự kiện lớn gắn với du lịch hàng tỷ đồng. Đặc biệt là việc hình thành Trung tâm thông tin du lịch Lào Cai và kiện toàn hệ thống các nhà du lịch, quầy thông tin ga Lào Cai phát huy hiệu quả, hướng công tác xúc tiến du lịch vào chuyên nghiệp và đẩy mạnh kêu gọi các dự án đầu tư.
Thời gian qua, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lào Cai triển khai đề án "Phát triển kinh tế du lịch giai đoạn 2006 - 2010" đã thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng, nâng cấp, phân vùng các tuyến, điểm du lịch và hình thành mô hình nhà du lịch, các quầy thông tin thu hút khách du lịch.
Qua 3 năm thực hiện đề án, các sản phẩm du lịch được đưa vào khai thác như: du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm qua các tua du lịch trên sông Chảy, chinh phục Phan Xi Păng, khám phá những hang động, thác nước... Du lịch văn hoá cộng đồng chủ yếu tại Sa Pa, Bắc Hà là mô hình làng văn hoá du lịch, chợ văn hoá vùng cao, du lịch tâm linh (thăm đền, chùa, lễ hội...), du lịch mua sắm hàng hoá thông qua hệ thống các siêu thị, chợ và các làng nghề, câu lạc bộ thổ cẩm, các quầy hàng lưu niệm... Các tua, tuyến du lịch được phân vùng khai thác đã phát huy tác dụng, thúc đẩy sự hợp tác tạo nguồn lực để du lịch Lào Cai phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói, giảm nghèo bền vững...Tỉnh có những chính sách và giải pháp khuyến khích phát triển du lịch, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới; tổ chức nhiều sự kiện quảng bá du lịch, lập các trang thông tin để giúp khách có thể tìm hiểu những sản phẩm du lịch và những vẻ đẹp tiềm ẩn của Sa Pa. Đồng thời, khách du lịch đến với Lào Cai được Trung tâm thông tin du lịch Lào Cai tổ chức đón tiếp và tư vấn những dịch vụ tiện ích nhất,... Ngoài Sa Pa đã trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng ở vùng miền núi phía Bắc, Lào Cai còn có chợ văn hóa Bắc Hà, dinh thự Hoàng A Tưởng, đền Bắc Hà, Bản Phố... trở thành các điểm hấp dẫn. Theo dự tính, 6 tháng cuối năm lượng khách đến với Lào Cai sẽ vẫn tăng. Các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá và khắc phục những hạn chế trong hoạt động du lịch, như tình trạng chèo kéo khách mua hàng, tranh giành khách của một số nhà nghỉ, việc tự nâng giá dịch vụ quá cao ở một số quán ăn,... Đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Lào Cai là một trong những tỉnh liên tục đứng ở vị trí tốp đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong bảng xếp hạng những năm gần đây.Việc các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai cùng phối hợp tiến hành khai thác Du lịch về cội nguồn chính là phát huy thế mạnh này và đã thu hút được dự quan tâm của du khách.Cụ thể năm 2009 có gần 700.000 lượt khách du lịch đến với Lào Cai, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2008.
Nhờ vào dịp Tết Dương lịch vừa qua và hoa mận nở sớm mà ngay trong tháng 1-2010, Lào Cai đã đón khoảng 15.000 lượt khách (chủ yếu ở Bắc Hà và Sa Pa), trong đó có gần 2.000 lượt khách quốc tế. Cũng theo đánh giá của Sở VH, TT&DL Lào Cai, vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới, lượng khách quốc tế và nội địa kết nối "tua" Hà Nội - Bắc Hà, Sa Pa - Bắc Hà... hứa hẹn sẽ rất đông.Đây là tín hiệu mừng cho du lịch Lào Cai, nhất là khi tỉnh được trở thành đơn vị chủ nhà của chương trình "Du lịch về cội nguồn" giữa 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ trong năm 2010.
Lượng khách du lịch: 820.000 lượt, bình quân tăng l0%/năm. Doanh thu du lịch 700 tỷ đồng, bình quân tăng 27%/năm. Trong bản quy hoạch phát triển du lịch, tỉnh Lào Cai chỉ rõ đến năm 2010 đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, đưa tỷ trọng GDP của ngành Du lịch đạt 10% GDP chung toàn tỉnh. Phấn đấu năm 2005 đạt 500.000 lượt khách du lịch (trong đó khách quốc tế là 180.000 lượt), đến năm 2020 đạt 1,5 triệu lượt khách (trong đó có 700.000 lượt khách quốc tế).
Bên cạnh những thành tích đạt được, Lào Cai vẫn còn nhiều khó khăn của một tỉnh vùng cao, biên giới, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, GDP bình quân đầu người còn thấp mới đạt 50% bình quân của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo còn khá lớn ( 23%). Năm 2009, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nên tình hình sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm trong nước của tỉnh Lào Cai gặp nhiều khó khăn; kim ngạch xuất nhập khẩu và du lịch giảm sút đã tác động bất lợi đến sản xuất, kinh doanh; các yếu tố về thời tiết như rét đậm, rét hại và sự tàn phá của cơn bão số 6 đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương. Các dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch công nghiệp chậm tiến độ; Nhiều dự án công nghiệp kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, nhất là khu vực nông thôn, vùng cao, tiến độ thực hiện một số công trình trọng điểm còn chậm.
3.2. Hoạt động hướng dẫn du lịch tại địa phương nơi thực tập
Nguồn nhân lực con người phục vụ cho lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến thời điểm này tổng số mới có khoảng trên 2.500 lao động trực tiếp (lễ tân, hướng dẫn viên, nhân viên bàn - bar - buồng...), trong đó trình độ từ cao đẳng trở lên chỉ chiếm 20%. Đa số lao động trực tiếp có trình độ trung, sơ cấp, chưa qua đào tạo chuyên ngành du lịch và làm việc theo hợp đồng thời vụ. Trong tổng số khoảng 400 hướng dẫn viên (HDV) du lịch trên địa bàn tỉnh đến nay chỉ có 54 trường hợp có thẻ HDV toàn quốc (chiếm 13,5%). Cùng với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm cũng đang phát triển mạnh. Hiện toàn tỉnh có 5.000 người lao động gián tiếp trong ngành du lịch, riêng Sa Pa có 240 hướng dẫn viên, trong đó 95 hướng dẫn viên là người dân tộc thiểu số.
Lao động quản lý chiếm tỷ trọng khá cao (25%); lao động phục vụ trực tiếp ở các ngành nghề chuyên sâu chiếm 75%, trong đó lễ tân là 9%, phục vụ buồng là 14,8%, phục vụ ăn uống (bàn, bar) là 15%, nhân viên nấu ăn là 10,6%, nhân viên lữ hành và hướng dẫn viên là 4,9%, nhân viên lái xe, tàu du lịch là 10,6% và 36,5% còn lại là lao động làm các nghề khác. Trong tổng số có 56,86% lao động được đào tạo (0,21% cán bộ đạt trình độ sau đại học; 12,75% đại học và cao đẳng; 25,8% trung cấp và 18,1% sơ cấp (nghề). Có 32% lao động phục vụ trực tiếp biết tiếng Anh; 3,2% biết tiếng Pháp; 3,6% biết tiếng Trung Quốc ở các mức độ khác nhau; các ngoại ngữ khác cũng đã được quan tâm đào tạo, nhưng số lượng người thông thạo không nhiều.
Nhằm chuẩn hoá đội ngũ HDV trên địa bàn tỉnh Lào Cai theo Luật Du lịch, bắt buộc HDV phải có bằng đại học. Đến nay ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã cấp 54 thẻ HDV du lịch toàn quốc (trong đó: tiếng Trung Quốc là 32; tiếng Anh là 18 và ngoại ngữ khác là 4); cấp và đổi lại 192 thẻ HDV du lịch địa phương. Trong thời gian tới sẽ ban hành Giấy chứng nhận thuyết minh viên theo Luật Du lịch để phục vụ cho công tác hướng dẫn, giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh cho du khách tại các khu, tuyến, điểm du lịch. Bên cạnh đó, ngành cũng đã thực hiện sự chỉ đạo trong công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch theo định hướng của tỉnh giai đoạn 2006 - 2010. Từ năm 2006 đến nay ngành du lịch đào tạo và cấp chứng chỉ nghiệp vụ HDV cho 177 học viên (từ các doanh nghiệp lữ hành) bằng nguồn vốn xã hội hoá hoàn toàn, không sử dụng nguồn ngân sách. Trong 3 năm trở lại đây, kinh phí dành cho công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch đạt 6,742 tỷ đồng, vượt 69% mục tiêu đề ra. Cũng từ năm 2006 đến nay ngành du lịch tổ chức và đào tạo cho 305 lao động nông thôn các nghiệp vụ về du lịch và du lịch cộng đồng tại các xã Tả Van, Tả Phìn, Bản Hồ huyện Sa Pa
Tuy nhiên, Lào Cai đang là 1 trong 4 điểm du lịch phát triển của các tỉnh miền núi phía Bắc. Hàng năm, trung bình Lào Cai đón trên 300.000 lượt khách quốc tế (chủ yếu là khách châu Âu), nên số lượng HDV có thẻ như trên chưa đáp ứng được nhu cầu hướng dẫn khách. Đội ngũ HDV chuyên nghiệp vừa thiếu vừa yếu, đa số các HDV chưa được đào tạo bài bản hoặc đúng chuyên ngành hướng dẫn. Ngay ở Sa Pa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách, HDV du lịch ở đây chủ yếu là các em đồng bào dân tộc chưa qua đào tạo nghiệp vụ HDV nhưng du khách Tây Âu lại rất thích bởi họ là những người dân bản địa nên rất am hiểu văn hoá truyền thống của địa phương... Theo đánh giá của ngành chức năng thì chất lượng nguồn nhân lực còn khá thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đó là đội ngũ cán bộ quản lý kinh doanh du lịch thiếu; chất lượng lao động nghiệp vụ còn nhiều hạn chế; lao động chưa được đào tạo chiếm tới 44,5%. Trình độ ngoại ngữ còn thấp, tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu. Số lao động qua bồi dưỡng ngắn ngày và huấn luyện tại chỗ khá cao, chiếm gần 22%. Đặc biệt trong những năm gần đây thị trường khách Nga tăng cao, nhưng thiếu trầm trọng cán bộ quản lý và nhân viên thành thạo tiếng Nga đã làm hạn chế rất lớn đến việc phục vụ du khách.
Theo một số công ty lữ hành trong nước. Khách du lịch nước ngoài rất thích hướng dẫn viên là những người bản địa, bởi họ rất am hiểu văn hoá truyền thống của địa phương... Tuy nhiên các HDV du lịch ở đây chủ yếu là các em đồng bào dân tộc chưa qua đào tạo nghiệp vụ. Do đó công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch Lào Cai đang là một trong những yếu tố quan trọng và cấp bách.
Để du lịch Lào Cai hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm du lịch lớn của miền Bắc và của cả nước, ngành du lịch Lào Cai còn rất nhiều việc phải làm, trong đó đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho phát triển du lịch đang là yếu tố quan trọng và cần thiết nhằm phát huy hiệu quả ngày càng cao và đa dạng của du khách. Tạo đà, thúc đẩy du lịch Lào Cai trở thành ngành kinh tế quan trọng, hướng tới và đảm bảo một ngành du lịch phát triển bền vững, góp phần xây dựng một Lào Cai ngày càng giàu mạnh.
4. Hiện trạng hoạt động kinh doanh tại điểm du lịch nơi thực tập
4.1. Các hoạt động kinh doanh
Để phát triển du lịch bền vững, Đảng bộ và chính quyền huyện đã thảo luận và thông qua chương trình phát triển du lịch bền vững giai đoạn 2006 - 2010 với nhiều dự án cụ thể. Trên cơ sở đó, năm 2009 Phòng Văn hoá và Thông tin Du lịch huyện đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện nhiều nội dung hoạt động lớn nhằm thu hút khách đến với Sa Pa như: Tổ chức "Chương trình du lịch về cội nguồn 2009", "Tuần văn hoá du lịch Sa Pa 2009", "Chương trình khám phá Fanxipăng", "Triển lãm ảnh Sa Pa - Văn hoá ruộng bậc thang".
Trong những ngày đầu năm 2009, từ huyện đến xã đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động văn hoá dân gian truyền thống, vừa động viên bà con các dân tộc hăng hái thi đua lao động sản xuất, vừa thu hút khách thập phương đến với Sa Pa, như: Hội xòe của dân tộc Tày tại xã Thanh Phú; Hội hát Then tại xã Bản Hồ; Hội hát giao duyên của dân tộc Dao tại xã Tả Phìn; Hội Gầu Táo của dân tộc Mông tại xã San Xả Hồ; Hội xuống đồng của dân tộc Dáy tại xã Tả Van...
Để tạo điều kiện thuận lợi và thu hút khách tham quan du lịch, huyện đã hoàn thiện các biển thông tin chỉ dẫn tuyến, điểm du lịch trên địa bàn toàn huyện; nâng cấp điểm du lịch Thác Bạc, hang động Tả Phìn, chợ văn hóa Tả Phìn; tổ chức hội nghị các nhà đầu tư du lịch trên địa bàn; triển khai Thông tư số 88, 89 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về kinh doanh lưu trú và lữ hành; tổ chức hội thảo về quản lý tuyến, tour du lịch, tổ chức chợ đêm trên địa bàn thị trấn Sa Pa và chợ văn hoá du lịch Tả Phìn; tổ chức hội thảo phát triển du lịch; hướng dẫn 2 ban quản lý du lịch cộng đồng tại xã Tả Van và xã Bản Hồ, nâng cao năng lực du lịch cộng đồng tại xã Nậm Sài; mở 2 lớp nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch cho người dân tộc thiểu số tại thị trấn Sa Pa và xã Nậm Cang; khuyến khích tổ chức và cá nhân xây dựng cơ sở lưu trú cả chuyên nghiệp và tại gia đình cư dân.
Thông qua các dự án du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện, đến nay đã từng bước hình thành các mô hình du lịch cộng đồng và các sản phẩm du lịch tại các xã. Bên cạnh đó, Huyện cũng đã hỗ trợ xây dựng 02 nhà du lịch cộng đồng tại hai xã Bản Hồ và San Sả Hồ, hỗ trợ xã Tả Pìn trưng bày các thông tin giới thiệu về văn hoá- du lịch tại nhà Thanh Niên.Huyện cũng đã tiến hành các hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch như tổ chức gặp gỡ các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch- dịch vụ để thông tin về các cơ chế chính sách có liên quan, phối hợp với các cơ quan liên quan của Tỉnh, huyện tổ chức Khu triển lãm ảnh Sa Pa xưa và nay...
Cùng với tuyên truyền quảng bá, công tác quản lý du lịch được chú trọng, từ việc tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý điều hành, kỹ năng du lịch và luật pháp liên quan đến vấn đề du lịch. Ban hành hệ thống văn bản và tăng cường hoạt động, phát huy hiệu quả đội liên ngành quản lý du lịch. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 141 cơ sở lưu trú, với 2.128 phòng, 3.988 giường. Trong các dịp lễ hội đã phối hợp Thanh tra Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch kiểm tra trên 30 cơ sở về thực hiện niêm yết và bán đúng giá niêm yết. Số cơ sở lưu trú tại gia hiện nay trên địa bàn huyện có 83 cơ sở. Công tác thông tin du lịch được quan tâm, phát huy tốt vai trò của Trung tâm Thông tin - Du lịch Sa Pa tạo thuận lợi cho cả du khách và công tác quản lý du lịch trên địa bàn.
Bên cạnh đó, vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng chỉnh trang đô thị cũng được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Hoàn thiện dự án biển thông tin chỉ dẫn các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn huyện. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình du lịch trên địa bàn: Nâng cấp điểm du lịch Thác Bạc, hang động Tả Phìn, chợ Tả Phìn thuộc nguồn vốn tái đầu tư từ phía du lịch. Đặc biệt việc triển khai giải pháp sắp xếp nơi bán hàng cho những hộ bán hàng rong xuống sân quần đã tạm thời giải quyết vấn đề mỹ quan đô thị và trật tự an toàn giao thông khu vực trung tâm thị trấn. Nhờ giải pháp đưa những nghệ nhân dân tộc biểu diễn rong vào đội văn nghệ chợ tình, đã tạo được ấn tượng đẹp cho du khách. Để đối phó với sự suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng với nỗ lực của các cấp các ngành các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng thương hiệu du lịch Sa Pa.
Địa phương đã tập trung tổ chức vận động các công ty, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn tham gia vào chương trình giảm giá 15-30% đối với các tua du lịch trọn gói, tổ chức các đợt khuyến mại, nâng cao chất lượng phục vụ, đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới, tập trung hướng tới khai thác khách nội địa... Ngoài ra, còn tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch gắn với các hoạt động văn hoá, thể thao và lễ hội như: lễ hội đền Thượng năm 2009, tuần văn hoá du lịch Sa Pa, chương trình khám phá Phan Xi Păng năm 2009, giải đua ngựa Bắc Hà mở rộng. Bên cạnh đó, cùng với các điểm du lịch, tuyến du lịch cộng đồng đang được khai thác, năm 2009 tỉnh Lào Cai đã công nhận mới 9 điểm du lịch và 3 tuyến du lịch tại Sa Pa, cho phép khai thác thử nghiệm 4 tuyến du lịch trên địa bàn Mường Khương và Si Ma Cai
Thị trấn Sa Pa phối hợp với Hiệp hội hoa, cây cảnh, Vườn quốc gia Hoàng Liên chuẩn bị Hội chợ hoa phong lan; hướng dẫn các hộ dân cư chỉnh trang nhà cửa, vận động nhân dân tham gia hoạt động lễ hội. Xã San Sả Hồ phối hợp với Công ty Du lịch Lào Cai tổ chức Ngày hội văn hoá dân tộc Mông tại thôn Cát Cát. Nhiều xã chọn lựa các diễn viên, nghệ nhân tham gia các hoạt động lễ hội
Từ những ngày đầu tháng Tư, du khách đang đổ về Sa Pa ngày càng đông, đặc biệt là khách nội địa. Đây là thời điểm các cơ quan, đơn vị từ nhiều địa phương tổ chức các chương trình du lịch lên vùng cao. Và một trong những sự kiện thu hút khá đông du khách là giải thể thao Phan Xi Păng lần thứ V do Báo Lào Cai đăng cai tổ chức với gần 100 vận động viên của 3 báo: Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái. Hoạt động này hoà cùng những chương trình du lịch - văn hoá hấp dẫn ở địa phương.
Sa Pa còn một thú vui ẩm thực không kém phần hấp dẫn, đó là dãy phố chuyên bán những đồ nướng và nó chỉ xuất hiện khi màn đêm bắt đầu che phủ thị trấn. Ðiều thú vị là các món ăn được bày bán tại đây đều là các món nướng, trở thành phố nướng Sa Pa.
Đến Sa Pa, khách có thể tham gia những phiên chợ tại thị trấn, chợ phiên Bắc Hà, chợ Cốc Ly tại huyện Bắc Hà để tham quan và mua đăc sản. Tại những phiên chợ, trước hết du khách sẽ được ngắm những sắc màu rực rỡ từ y phục của những thiếu nữ các dân tộc Mông, Nùng hay Dao đen, Dao đỏ. Cách mua bán của người dân nơi đây vẫn còn nhiều nét thuần phác. Không những thế,chợ phiên còn có nhiều sản vật lạ mắt như rượu của người Mông bản Phố. Tuy nhiên, ấn tượng nhất vẫn là những sản phẩm thổ cẩm được dệt từ đôi tay của những người phụ nữ các dân tộc theo phương pháp thủ công.Đến SaPa các bạn sẽ nhìn thấy hình ảnh: Một vài phụ nữ người Dao quấn khăn màu đỏ rực rỡ mải miết chào bán móm quà lưu niệm từ túi thổ cẩm đến ống sáo Mèo. Ngày nay, thổ cẩm Sa Pa đã được cải tiến nhiều về kiểu dáng, chất lượng và được xuất khẩu sang cả các thị trường ngoài nước như Mỹ, Pháp, Đan Mạch... Ngoài những bức tranh to tả phong cảnh núi non, đất người và con người vùng cao, du khách còn có thể mua ba lô, túi khoác, khăn, túi xách, ví, áo, mũ, vòng đeo tay... bằng thổ cẩm. Thổ cẩm Sa Pa cuốn hút du khách bởi các họa tiết cây cỏ hoa lá, chim muông sắc sảo, tinh tế. Những đường nét hoa văn thể hiện trên tấm thổ cẩm rất độc đáo, đặc trưng nét văn hóa các dân tộc ở Sa Pa. Du khách cũng có thể mua sản phẩm thổ cẩm Sa Pa trong hành trình thăm các buôn làng. Nếu muốn tìm những sản phẩm đa dạng hơn, du khách hãy đến các cửa hàng bán đồ lưu niệm ở thị trấn Sa Pa.
Thực hiện chương trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, huyện Sa Pa đã tập trung mọi nguồn lực đổi mới cơ cấu kinh tế, qui hoạch lại đô thị, qui hoạch bố trí sắp xếp lại dân cư ổn định sản xuất gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường. Để đạt được điều này, huyện Sa Pa đã tiến hành điều tra, thống kê di sản văn hoá các dân tộc và lựa chọn đầu tư bảo tồn một số di sản văn hoá tiêu biểu, phục dựng lại các làng cổ đặc trưng văn hoá tộc người như: nhà ở, khu canh tác, khu rừng cấm(rừng thiêng), các cơ sở sản xuất thủ công như rèn, đúc, đan lát, nhuộm chàm và dệt vải, chạm khắc bạc, chế tác nhạc cụ. Xây dựng và khai thác các tuyến du lịch văn hoá bản như chế tác đồ trang sức, làm thùng gỗ Pơmu đựng nước, rèn đúc, dệt lanh và thêu hoa văn in sáp ong của người Mông ở bản Cát Cát (xã San Xả Hồ), nghề đan lát của người Xa Phó ở làng Nậm Sang (xã Nậm Sài), nghề trồng dâu nuôi tằm dệt vải của người Tày ở Bản Dền (xã Bản Hồ), nghề làm giấy, tranh cắt dán giấy và thêu, dệt thổ cẩm của người Dao xã Tả Phìn.... Bảo tồn các danh lam di tích văn hoá vật thể như bãi chạm khắc đá cổ ở Bản Pho (xã Hầu Thào), núi Hàm Rồng, PhanxiPăng, thác bạc, hang động Tả Phìn và tiếp tục khảo sát dấu vết nền văn hoá Cự Thạch ở Tả Van Dáy (xã Tả Van) tiến tới xây dựng tuyến du lịch văn hoá Sa Pa- Hầu Thào - Tả Van - Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Lựa chọn các văn hoá phi vật thể tiêu biểu như các bài hát dân ca của đồng bào Mông, Giáy, Dao, XaPhó; các làn điệu hát ru, hát đồng dao, hát giao duyên của dân tộc Mông; hát then của người Tày; múa mừng được mùa của người XaPhó. Các lễ hội truyền thống như: Gâu Tào (Mông), hội xuống đồng (Giáy), rước đèn, múa lân (Kinh). Sưu tầm, nghiên cứu sử dụng và phục vụ khách du lịch qua các bài thuốc cổ truyền như thuốc lá dùng tắm giải cảm, thuốc chữa sơ gan, thuốc bó xương gãy.... Thực hiện và khuyến khích bảo tồn bằng phương pháp trao truyền thế hệ bí quyết, kiến thức văn hoá truyền thống, kiến thức di sản văn hoá phi vật thể cho thế hệ trẻ, trao truyền phổ biến các chò trơi dân gian truyền thống. Xây dựng các gia đình, làng bản trở thành "gia đình văn hoá", làng văn hoá dân tộc, trong đó lồng ghép công tác bảo vệ tài nguyên môi trường với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư". Duy trì và phát huy các lễ hội truyền thống, các phong tục tập quán liên quan đến việc làm nhà mới, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, chăn nuôi trồng trọt....
Đầu năm thì Festival Đền Thượng năm nay cũng có nhiều nét mới và đặc sắc. Và còn nhiều sự kiện bất ngờ nữa, tất cả để Lào Cai hoà nhập chung với cả nước trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đó là việc cắm cờ trên đỉnh Phan Xi Păng, đưa biểu tượng 1000 năm Thăng Long lên trên đó. Sự kiện này Sở phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức, chúng tôi xây dựng kịch bản đón khách, tiễn khách. Như mô tả cổng chào đón khách theo kiểu dân tộc Mông, buộc chỉ cổ tay cho khách theo kiểu người Dao...
Huyện cũng đã tiến hành các hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch như tổ chức gặp gỡ các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch- dịch vụ để thông tin về các cơ chế chính sách có liên quan, phối hợp với các cơ quan liên quan của Tỉnh, huyện tổ chức Khu triển lãm ảnh Sa Pa xưa và nay... Công tác thu hút đầu tư vào du lịch đạt khá, hiện tại đã có trên 5 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ của các công ty, tập đoàn trong và ngoài địa bàn với số vốn đạt trên 1.000 tỷ đồng như dự án Khu du lịch sinh thái Hàm Rồng, Việt Nhật, Life resort- Hà Lan, khách sạn INDOCHINA, khu du lịch Tả Pìn, khách sạn Hoàng Gia...
Để tạo ấn tượng về hình ảnh riêng có của địa phương và "giữ chân" du khách lâu hơn, Sa Pa có một chương trình phát triển làng nghề nông thôn, hỗ trợ rất nhiều cho bà con phát triển các ngành nghề, trong đó có nghề thổ cẩm để cung cấp cho khách du lịch. Ở Sa Pa có những nghề như chạm khắc đá, bạc, tắm thuốc nam, thêu dệt thổ cẩm.
Hướng đi thời gian tới của huyện là làm nông nghiệp để phục vụ du lịch như việc kiên cố hóa các giàn su su. Sa Pa sẽ có những giàn su su to nhất Việt Nam hay những cánh đồng hoa không phải trồng hoa chỉ để bán mà còn để khách đến tham quan thưởng ngoạn. Mô hình này Sa Pa đã làm ở Khu du lịch Hàm Rồng.
Sa Pa còn nổi tiếng vì sản phẩm cá hồi. Tới đây, khu nuôi thủy sản cá hồi trên núi sẽ được mở rộng và quy mô hiện đại hóa tạo thành điểm tham quan đem lại nguồn thu ngoài bán cá thương phẩm như hiện nay. Hiện nay 100% khách đến Sa Pa đều có nguyện vọng muốn lên tham quan trang trại nuôi cá hồi.
Về kiến trúc, Sa Pa sẽ được mở rộng và phân thành các khu chức năng như khu trung tâm, nhà hàng khách sạn, hành chính và khu mở rộng trên cơ sở giữ cảnh quan môi trường hài hòa với thiên nhiên. Sa Pa đang thực hiện việc mở rộng, nâng cấp các hạ tầng như đường, điện, hệ thống cấp nước và làm các hạ tầng cho khu vực mới.
Địa phương đã có những chính sách và giải pháp khuyến khích phát triển du lịch, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới; tổ chức nhiều sự kiện quảng bá du lịch, lập các trang thông tin để giúp khách có thể tìm hiểu những sản phẩm du lịch và những vẻ đẹp tiềm ẩn.
Tuy nhiên, công tác quy hoạch còn chậm, đặc biệt là quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết khu du lịch Sa Pa. Những năm trước đây, do chưa có quy hoạch nên việc xây dựng các công trình như khách sạn, nhà nghỉ mang tính tự phát, kiến trúc không phù hợp với cảnh quan hoặc còn đơn điệu, chưa thể hiện nét kiến trúc truyền thống nên phần nào làm mất đi mỹ quan đô thị du lịch. Kết cấu hạ tầng còn thấp kém. Mặc dù trong những năm qua tỉnh Lào Cai đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu du lịch Sa Pa nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ; các tuyến du lịch Sa Pa đang hình thành, đường sá đi lại còn khó khăn ; các tuyến đường bộ và đường sắt từ Hà Nội đến Lào Cai chưa được cải tạo, nâng cấp nên ảnh hưởng đến sự tăng trưởng mạnh mẽ kinh tế du lịch Lào Cai nói chung và du lịch Sa Pa nói riêng. Các khu vui chơi giải trí ở Sa Pa như công viên, vũ trường, nhà hát, bảo tàng, sân thể thao, trung tâm thương mại... còn thiếu và chưa thực sự hấp dẫn ; các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đặc biệt là các sản phẩm lưu niệm ; chưa xây dựng được những chương trình du lịch mang tính truyền thống. Công tác tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch về Sa Pa - Lào Cai ở trong nước và nước ngoài thời gian gần đây có nhiều tiến bộ, song lĩnh vực này còn nhiều bất cập, yếu kém. Đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế và phục vụ du lịch vừa thiếu vừa yếu, số đông chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, không biết ngoại ngữ nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn mới. Nhận thức của một số cán bộ và nhân dân về vị trí, vai trò của du lịch hiện nay chưa đúng mức. Công tác quản lý an ninh trật tự và vệ sinh môi trường còn bất cập. Việc huy động nhân dân tham gia hoạt động du lịch còn hạn chế...
Những tồn tại, yếu kém trên đây do nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân cơ bản vẫn là chưa nhận thức đầy đủ tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch Sa Pa nên chậm đưa ra giải pháp hữu hiệu. Bên cạnh đó, do Lào Cai là tỉnh còn nghèo và còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các điểm du lịch còn ít. Các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư chậm được cụ thể hóa và chưa được vận dụng một cách linh hoạt.
4.2. Mục tiêu kinh doanh
Tất cả mọi hoạt động kinh doanh trên của địa phương đều nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, hấp dẫn,và thu hút khách du lịch. Đây là những biện pháp kích cầu hữu hiệu trong khi lượng khách quốc tế giảm mạnh còn khách nội địa là một nguồn khách tiềm năng. Vì vậy các công ty, doanh nghiệp lữ hành đã hướng tới khai thác khách nội địa, bởi hiện nay những đối tượng khách du lịch nội địa đều là những người có khả năng chi tiêu lớn.
Để phát triển kinh tế du lịch bền vững. Thời gian qua, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch SaPa đã triển khai đề án "Phát triển kinh tế du lịch giai đoạn 2006 - 2010" để thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng, nâng cấp, phân vùng các tuyến, điểm du lịch và hình thành mô hình nhà du lịch, các quầy thông tin thu hút khách du lịch. Mục tiêu là phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, biến di sản văn hoá thành tài sản, thúc đẩy cộng đồng dân cư phát triển kinh tế du lịch.
Các tua, tuyến du lịch được phân vùng khai thác nhằm mục đích phát huy tác dụng, thúc đẩy sự hợp tác tạo nguồn lực để du lịch SaPa phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói, giảm nghèo bền vững...
Dự án bảo tàng làng Cát Cát, huyện Sapa tỉnh Lào Cai, vừa được Hội đồng thẩm định của Bộ Văn hóa - Thông tin xem xét, thẩm định để đưa vào kế hoạch triển khai năm 2010.
Trong giai đoạn đầu, dự án sẽ khảo sát, hỗ trợ tu sửa các ngôi nhà truyền thống, bảo tồn và phát triển một số nghề thủ công truyền thống; khai thác các giá trị văn hóa dân tộc độc đáo của địa phương phục vụ khách du lịch và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.Mục tiêu của dự án là bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của người Mông bao gồm cả văn hoá vật thể và phi vật thể, gắn với phát triển du lịch và giữ gìn an ninh quốc gia. Nhằm thu hút du khách đến với Sa Pa, từ nay đến cuối năm Sa Pa tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp thúc đẩy du lịch, việc tổ chức tốt "Đêm hội hoa đăng" vào dịp Trung thu năm nay là nhịp cầu đưa du khách đến với Sa Pa ngày một nhiều hơn.
4.3. Doanh thu
Biểu đồ thể hiện sự tăng doanh thu trong ngành du lịch ở Sa Pa(2002-2009)
Chỉ tính từ đầu năm 2003 đến nay, loại hình du lịch sinh thái dựa trên tính chất và đặc điểm cộng đồng đã thu hút gần 30 ngàn lượt khách, trong đó có gần 8 ngàn lượt khách nước ngoài hết năm 2002 trên địa bàn huyện có nhiều khách sạn, nhà nghỉ lớn với tổng số gần 1000 phòng, có thể đón từ 2 000 đến 2 200 lượt khách/ngày, trong đó có một khách sạn 3 sao, 4 khách sạn 2 sao, 49 khách sạn đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Năm 1995, Sa Pa mới chỉ đón 1 000 lượt khách du lịch, đến năm 2002 đã tăng lên 75 000 lượt, trong đó khách nước ngoài chiếm 50%. Doanh thu từ du lịch đạt 35 tỉ đồng (toàn tỉnh đạt 74 tỉ đồng). Năm 2003, mặc dù bị ảnh hưởng lớn của bệnh dịch sars nhưng lượng khách du lịch đến Sa Pa dự kiến đạt 85 000 lượt người, với doanh thu từ 45 đến 50 tỉ đồng (toàn tỉnh trên 85 tỉ đồng).
Năm 2008, tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai tuy giảm, nhưng doanh thu du lịch tăng 19,9% so với năm 2007. Giữ được đà tăng trưởng là do các tua, tuyến du lịch ngày càng mở rộng, hình thức hấp dẫn, cơ sở vật chất phục vụ du khách (khách sạn, nhà hàng, phương tiên vận tải)... được đầu tư với chất lượng cao. Hiện nay, toàn tỉnh có 10 hợp tác xã, 13 công ty, 6 doanh nghiệp, 6 hãng taxi với trên 1.800 xe các loại phục vụ vận chuyển du khách.
Năm 2009 doanh thu từ khu vực du lịch - dịch vụ đạt 245 tỷ đồng bằng 111% kế hoạch, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập của huyện và dần trở thành ngành kinh tế chủ lực của Sa Pa.Với việc tổ chức nhiều chương trình văn hoá và du lịch, SaPa đã thu hút được rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Theo số liệu, số lượng khách du lịch đến Sa Pa khoảng 262.716 lượt, trong đó khách Việt Nam là 168.914 lượt, khách nước ngoài khoảng 93.802 lượt... Số vé đã bán cho khách tham quan du lịch trên địa bàn huyện là 143.200 vé... Ước tổng doanh thu từ du lịch, dịch vụ trên địa bàn đạt 185 tỷ đồng, tăng 5 tỷ so với kế hoạch.
Trong giai đoạn 2006 - 2009, các hoạt động đã thu hút 28 doanh nghiệp tài trợ cho các sự kiện lớn gắn với du lịch hàng tỷ đồng. Đặc biệt là việc hình thành Trung tâm thông tin du lịch Lào Cai và kiện toàn hệ thống các nhà du lịch, quầy thông tin ga Lào Cai phát huy hiệu quả, hướng công tác xúc tiến du lịch vào chuyên nghiệp và đẩy mạnh kêu gọi các dự án đầu tư. Thực hiện đề án "Phát triển kinh tế du lịch giai đoạn 2006 - 2010" đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong thực hiện thu hút khách du lịch, tăng doanh thu, tạo việc làm cho người lao động. Từ kết quả đó, Lào Cai phấn đấu đến năm 2010 đón 730.000 lượt khách du lịch, doanh thu đạt 470 tỷ đồng là điều có thể trở thành hiện thực.
Năm 2009 khách du lịch đến với Sa Pa đạt gần 302 nghìn lượt với trên 60 quốc tịch tăng 0,7% so với năm ngoái, trong đó khách nội địa trên 165 nghìn lượt, chiếm gần 55% tổng lượt khách.
Năm 2009 Lào Cai đã đón một lượng khách khá lớn với trên 700 nghìn lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt trên 513 tỷ đồng, đạt 116,7% so với kế hoạch và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, lượng khách quốc tế đến Lào Cai giảm đến 15,7% so với cùng kỳ, nhưng bù lại lượng khách nội địa đã tăng 33,9% so với cùng kỳ và doanh thu từ lượng khách nội địa đã đạt trên 250 tỷ đồng.
4.5. Thị trường chính
Với tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, độc đáo như, những năm gần đây ngành Du lịch Việt Nam nói chung và hoạt động kinh doanh du lịch ở Sa Pa nói riêng cũng đã thu hút hàng triệu khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần đáng kể cho nền kinh tế quốc dân cụ thế là hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn .
Năm 2000, Sa Pa mới có 42 cơ sở lưu trú (khách sạn và nhà nghỉ), đến hết 2009 đã có 141 cơ sở lưu trú với 2.128 phòng, 3.988 giường, ngoài ra còn có 83 cơ sở lưu trú tại gia đình cư dân ở các xã Bản Hồ, Tả Van, Thanh Phú, San Xả Hồ, Tả Phìn... trong đó có hàng chục khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 2 - 4 sao tại thị trấn Sa Pa.
Tình hình kinh doanh lưu trú du lịch, chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch ngày càng được nâng cao, nhiều cơ sở lưu trú du lịch đã chủ động trong việc đào tạo nhân lực du lịch theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế và chủ động ứng dụng công nghệ mới trong thanh toán, đặt phòng qua mạng, tạo thuận lợi cho khách và mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, giá dịch vụ lưu trú du lịch ở SapPa giá cả thường không ổn định. Dù là thị trấn miền núi nhỏ của tỉnh Lào Cai, song Sapa có một cơ sở hạ tầng du lịch khá tốt. Trong những năm gần đây ở đây mọc lên khá nhiều khách sạn, nhà hàng lớn với đủ các loại dịch vụ hiện đại như xông hơi, mát xa, karaoke...đáp ứng nhu cầu của các đối tượng du khách...
Tiềm năng của Sa Pa cũng thu hút nhiều nhà đầu tư với các dự án lớn như khu du lịch sinh thái Hàm Rồng, Thanh Kim, khu khách sạn dịch vụ cao cấp Victoria...
So với các địa phương du lịch ở miền bắc, Sapa là nơi có dịch vụ du lịch khá tốt. Nếu như ở nới khác du khách cảm thấy khó khăn trong việc tìm kiếm và lựa chọn những sản phẩm có tính đặc trưng vùng thì ở đây hàng hoá dù chưa thể nói là phong phú và đa dạng nhưng khá nhiều, được bày bán khắp chợ và các phố thị trấn.
Ở Sapa có thể dễ dàng chọn được những đồ lưu niệm nhỏ xinh cho bạn gái và đồng nghiệp ....như túi thổ cẩm, bao đựng điện thoại thêu tay, đồ chơi hình thú tự tạo từ các vật liệu gỗ, tre, vỏ dừa...rất lạ, đẹp mắt, giá cũng rất phải chăng, chỉ từ năm đến vài chục nghìn.
Phương tiện vận chuyển hành khách đến Sa Pa cung tăng nhanh. Năm 2000 có khoảng 10 đầu xe thì nay có hàng trăm xe tắc xi, xe con chở khách 7 - 24 chỗ ngồi đến xe cao cấp có giường nằm chạy tuyến Sa Pa - Hà Nội và ngược lại, rất thuận tiện cho khách đến với Sa Pa.
Những năm gần đây, khi du lịch Sa Pa phát triển đã làm xuất hiện một thị trường mua bán các đồ thổ cẩm với nhu cầu mua sắm của khách du lịch ngày càng tăng cao. Nắm bắt được tình hình đó, được sự giúp đỡ của huyện, làng thổ cẩm Tả Phìn đã được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1998 cho đến nay.
Sản phẩm của làng dệt thổ cẩm Tả Phìn đủ kiểu dáng và sắc màu trông thật bắt mắt. Một vài sản phẩm chính có thể kể đến là: những chiếc ba lô, túi khoác du lịch, những chiếc khăn, túi xách tay, ví đựng tiền, các tấm áo choàng thổ cẩm... với đủ sắc màu rực rỡ. Những sản phẩm này hoàn toàn do bàn tay khéo léo tài hoa của các chị em người Mông, người Dao tạo nên với những đường nét hoa văn được thể hiện qua các hoạ tiết cây cỏ hoa lá, chim muông thật tinh tế luôn gây được sự tò mò hiếu kỳ và đặc biệt hấp dẫn các khách du lịch dân với Sa Pa.
Các sản phẩm hàng hoá làm ra ở đây được chị em "xuất khẩu tại chỗ" bằng cách bán trực tiếp cho khách hoặc có thể bán gián tiếp cho du khách thông qua việc cung cấp các mặt hàng này cho các quầy thổ cẩm ở chợ văn hoá dân tộc, các cửa hàng bán đồ lưu niệm của thị trấn Sa Pa. Tiếng tăm thổ cẩm Tà Phìn đã được vang xa qua những lần triển lãm thổ cẩm ở các hội chợ tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều tổ chức, cá nhân từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đă đặt hàng làng thổ cẩm Tả Phìn để bán lại cho khách. Thổ cẩm Tà Phìn còn được chị em trong làng xuất khẩu sang cả các thị trường ngoài nước như Mỹ, Pháp, Ðan Mạch... Thổ cẩm là một món quà không thể thiếu được cho du khách mỗi lần đặt chân tới Sa Pa.
Đối với người dân tộc vùng cao, thổ cẩm không chỉ để dùng trang trí, tô điểm thêm cho sắc đẹp mà còn là vật kỷ niệm của tình yêu hay trong ngày cưới của các đôi trai gái. Những đường nét hoa văn thể hiện trên tấm thổ cẩm là những tinh hoa của nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc làm cho thổ cẩm Sa Pa không thể hoà lẫn được với bất cứ sản phẩm thổ cẩm của vùng nào.
Ngày nay, khi sản phẩm thổ cẩm của nhiều nơi đang bị "thương mại hoá" vì được làm bằng công nghiệp nhập từ Trung Quốc và các mẫu mã quen thuộc "nhái lại" thì sản phẩm thổ cẩm của Tả Phìn - Sa Pa vẫn có những nét độc đáo riêng, giữ được phần "hồn" của bản sắc dân tộc.
Bên cạnh đó, thị trường trồng hoa ở sa pa cũng đang phát triển mạnh.Sa pa là tỉnh miền núi, điều kiện tự nhiên rất phù hợp cho việc trồng các loại hoa như: hoa hồng, lan, đồng tiền, ly, phăng, rum...Hiện nay, nhu cầu hoa tươi cao cấp đang tăng nhanh, không những trong nước và xuất khẩu các nước. Chính vì thế việc đầu tư trồng mặt hàng hoa chất lượng cao trong thời điểm này là hoàn toàn hợp lý với điều kiện của Sa pa. Nó vừa sử dụng tối đa điều kiện tự nhiên trên địa bàn tỉnh Lào Cai, vừa mang lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư. Thị trường này góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành nông nghiệp.Góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân đầu người; Giải quyết việc làm và đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động địa phương. Nó đã giúp phát triển ổn định kinh tế tại địa phương; sử dụng tối đa, có hiệu quả điều kiện tự nhiên, tạo tiền đề cho cho phát triển ngành nông nghiệp tại đây.Không chỉ vậy, nó sẽ tạo ra một cảnh quan vô cùng hấp dẫn, thú vị cho khách du lịch, tạo điều kiện cho du lich SaPa phát triển.
5. Hiện trạng hoạt động hướng dẫn du lịch tại điểm du lịch, điểm thực tập
Trước đây Sa Pa mới chỉ được biết đến là nơi có khí hậu mát mẻ trên dãy núi Hoàng Liên Sơn. Ngày nay tiềm năng du lịch của Sa Pa đã được phát hiện và khai thác khá đa dạng, từ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch văn hóa cộng đồng đến du lịch hội thảo - hội nghị. Ngoài thị trấn Sa Pa còn có 6 xã có tiềm năng phát triển du lịch làng bản, du lịch cộng đồng là Tả Phìn, San Xả Hồ, Tả Van, Bản Hồ, Nậm Cang, Nậm Sài. Nơi đây còn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc bản địa mà rất nhiều du khách có nhu cầu khám phá, nếu biết khai thác sẽ là nguồn lợi không nhỏ đối với Sa Pa. Sa Pa được xác định là một trong 16 khu du lịch trọng điểm quốc gia, nằm trong không gian tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc. Khách nước ngoài rất thích được tham gia các sinh hoạt cộng đồng với đồng bào các dân tộc ở Sapa. Mặt khác, chính những hoạt động giao lưu như vậy đã giúp bà con thấy tự tin và gắn bó hơn với cuộc sống của cộng đồng. Song bối cảnh khó khăn chung đã tác động đến hoạt động thương mại du lịch của SaPa, đặc biệt lượng khách du lịch là người nước ngoài giảm mạnh.
5.1. Dòng khách chính
Biểu đồ thể hiện sự biến đổi lượt khách du lịch trong và ngoài nước ở SaPa
Trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế trên thế giới, làn sóng khách du lịch quốc tế vẫn chọn Việt Nam như một điểm đến ưu tiên. Sapa là một trong những điểm hấp dẫn du khách nước ngoài nhiều nhất với cảnh quan ruộng bậc thang kỳ thú, những sản vật phong phú, hấp dẫn và một bầu không khí thân thiện của những người dân nơi đây.
Mặt khác, sự có mặt của đông đảo những du khách quốc tế cũng làm cho bức tranh ở Sapa thêm sinh động, nhộn nhịp và điều không thể phủ nhận là đã góp phần cải thiện một cách đáng kể đời sống của người dân.
Một thống kê tại văn phòng thị trấn cho thấy con số ngày càng tăng của du khách nước ngoài tới Sapa. Nếu nắm 1995 là 4860 người trong đó có 900 người nước ngoài thì năm 2004 đã tăng lên gấp 300 lần mà chỉ riêng du khách ngoại quốc đã là 43.650, theo đó khách từ châu Âu, Mỹ và Úc chiếm đa số.du khách sẽ bị cuốn hút bởi phong cảnh thiên nhiên còn nguyên sơ nơi đây. SaPa nổi tiếng, những thửa ruộng bậc thang, những dòng suối ôm lấy xóm làng... Đây là nơi sinh sống đồng bào dân tộc Dao đỏ, Mông...
Biểu đồ thể hiện những dòng khách du lịch chính ở SaPa
Thông thường, khách du lịch trong nước đến Sa Pa vào các tháng hè nóng nực, còn khách nước ngoài chủ yếu đến vào các tháng mùa đông. 1/3 du khách đến Sa Pa là người nước ngoài, khoảng 90 quốc tịch khác nhau. Hầu hết du khách nước ngoài dù là người Á Đông hay phương Tây đều thích phong cảnh và con người Lào Cai với mây núi rất đẹp và đa sắc màu dân tộc, mến khách, nhất là các điểm lễ hội nổi tiếng như Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai..Chính vì lý do đó mà khách du lịch nước ngoài vẫn chọnaSa Pa như một điểm đến ưu tiên.
Từ năm 2005 đến nay, những rắc rối trong thủ tục du lịch bằng thẻ và hoạt động kinh doanh lữ hành bát nháo khiến Việt Nam nói chung và SA Pa nói riêng thất thu lượng lớn du khách từ thị trường Trung Quốc khổng lồ. Do vậy, từ tháng 10/2005 đến 2/2006, rất ít khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam bằng đường bộ theo Quy chế 849 (QĐ 849 của Bộ Công an kèm theo Quy chế về tổ chức và quản lý công dân Trung Quốc sử dụng Giấy phép XNC do Trung Quốc cấp vào Việt Nam tham quan, du lịch).Hướng dẫn viên tiếng Trung cũng là vấn đề nan giải. HDV tạm thời Trung Quốc hiện có 1.700 người nhưng rất ít người am hiểu và sử dụng tốt ngoại ngữ.
Bên cạnh thị trường châu Âu quen thuộc, SaPa đang tiếp cận, đẩy mạnh thị trường Trung Quốc. Kết quả những tháng đầu năm 2009 cho thấy rất hiệu quả khá rõ nét. Lượng khách Trung Quốc tới Lào Cai, cụ thể là Sapa chưa năm nào vào dịp này đông như thế. Hiện nay, Sa Pa đang chuyển đối tượng sang thị trường các nước châu Á, vùng Trung Đông. Bởi chỉ có đa dạng hoá loại hình khách du lịch thì ngành du lich SA PA mới có thể phát triển ổn định và toàn diện.
5.2. Đội ngũ hướng dẫn viên:
Qua biểu đồ này ta thấy được đội ngũ hướng dẫn viên chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong toàn bộ hệ thống lao động trong ngành du lịch.Nhưng nó lại chiếm một vị trí vô cùng to lớn và quan trọng. Không có gì cường điệu khi khẳng định 60% thành công của một tour là do hướng dẫn viên quyết định. Một hướng dẫn viên giỏi có thể biến một ngôi nhà không đặc sắc lắm thành một địa chỉ văn hoá hấp dẫn mà du khách nào cũng muốn đến. Và ngược lại, một HDV cũng có thể biến một quần thể văn hoá truyền thống giàu giá trị, đầy bản sắc thành một nơi tẻ nhạt, nhàm chán và thiếu sức thu hút.
Nếu coi toàn bộ hướng dẫn viên hướng dẫn khách du lịch nước ngoài ở Sa Pa là 100% thì số hướng dân viên Tiếng Anh chiếm tới 75%, còn lại hướng dẫn tiếng Trung chiếm 7,3%, hướng dẫn viên tiếng Pháp chiếm 6,9%, còn lại là các loại tiếng khác.
Như vậy có thể thấy rằng, đội ngũ thuyết minh viên tại chỗ ở SaPa là khá quan trọng và cần thiết. Mặc dù có thể nhìn thấy rằng, đội ngũ thuyết minh viên tại điểm còn một số hạn chế nhất định: trình độ văn hóa không cao, không đồng đều đặc biệt là về kỹ năng nghiệp vụ và trình độ ngoại ngữ còn yếu. Tuy nhiên, họ lại có thế mạnh là người địa phương, là người hiểu sâu sắc về giá trị của di tích, những nét văn hóa, tập tục của địa phương mình và đặc biệt họ sẽ đưa vào trong bài giới thiệu ấy tất cả tình cảm và niềm tự hào về quê hương mình. Hơn nữa, họ chỉ giới thiệu về một di tích hoặc một cụm di tích nên họ có điều kiện tìm hiểu chuyên sâu hơn.
Từ 2005 trở lại đây, mỗi năm Sa Pa đầu tư hàng tỷ đồng kinh phí để đào tạo hướng dẫn viên; tăng cường đào tạo, tập huấn cho các hãng du lịch, lữ hành; tăng cường quản lý nhà hàng khách sạn, nâng cao vai trò của các tổ chức hướng dẫn viên du lịch và các dịch vụ có liên quan đến du lịch.
Bên cạnh đó, Sa Pa còn có quy chế động viên, khuyến khích đối với những đơn vị làm tốt và chế tài đối với những cá nhân, tổ chức làm chưa tốt. Mức phạt cao nhất là khuyến cáo với khách du lịch về mặt hạn chế yếu kém của các tổ chức cá nhân này và thu giấy phép hoạt động.
Để hoạt động du lịch ngày càng bài bản hơn, huyện cũng đã thực hiện chương trình đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch thông qua việc tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ Hướng dẫn du lịch cho khoảng 60 học viên... với các chuyên ngành khách sạn- nhà hàng, tiếng Anh giao tiếp du lịch, buồng, bàn, hướng dẫn viên du lịch, lữ hành... Hiện nay SaPa đã có một lưc lượng hướng dẫn viên đông đảo. Khách Tây thích đi với hướng dẫn viên là ngươi dân tộc vì họ thích những phong tục của người dân tộc phải do chính người dân tộc kể ra. Nếu cần xem một cái gì đấy, chẳng hạn dệt vải, thêu khăn hay nhóm lửa, đồ xôi... thì nhữnh hướng dẫn viên này làm quen hơn. Họ vào bản không sợ bị mọi người ngăn cản, đi bộ cũng dẻo dai hơn.
Không thể nói công việc hướng dẫn du lịch cho khách nước ngoài ở Sa Pa là dễ dàng và nhàn nhã. Sức khỏe có lẽ là một trong những tiêu chí quan trọng vì ngoài việc phải đi bộ trung bình mỗi ngày 20km, nhiều khi guide còn phải mang hộ khách những ba lô hành lý to lớn. Các cô gái người Mông, Dao này ngoài việc có thể kiếm ra 100 nghìn đồng mỗi ngày do các hãng du lịch trả và thu nhập khoảng 2 triệu mỗi tháng, còn có cơ hội trau dồi thêm ngoại ngữ. Tất cả các cơ sở tổ chức du lịch lữ hành trên địa bàn đều có guide địa phương, đó cũng là quy định của huyện. Các cơ sở sẽ có phụ cấp tượng trưng để giữ guide và các nữ guide sẽ hưởng thu nhập từ các chuyến đi. Điều đáng biểu dương là đã qua nhiều năm thực hiện mô hình này nhưng mối quan hệ giữa du khách nước ngoài với nữ hướng dẫn viên du lịch ở Sa Pa chưa để lại một điều gì đáng tiếc.
Cùng với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm cũng đang phát triển mạnh. Hiện toàn tỉnh có 2.500 người lao động trực tiếp và 5.000 người lao động gián tiếp trong ngành du lịch, riêng Sa Pa có 240 hướng dẫn viên, trong đó 95 hướng dẫn viên là người dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, một thực trạng nhận thấy qua quá trình khai thác du lịch trên địa bàn là chất lượng lao động làm du lịch còn nhiều bất cập, nguồn nhân lực yếu, mỏng, không đồng bộ, trình độ nhận thức hạn chế của cả lao động trực tiếp và gián tiếp .... Về lao động quản lý các doanh nghiệp Nhà nước, hầu hết đều đã qua các trường đào tạo quản lý kinh tế, nhưng có đến gần 80% chưa qua đào tạo du lịch. Đối với các doanh nghiệp cổ phần, tư nhân, công ty trách nghiệm hữu hạng, lực lượng lao động chưa qua đào tạo chiếm đến 90%, cản trở lớn trong hoạt động và quản lý. Đơn cử như một số tư nhân bỏ kinh phí xây dựng các khách sạn, nhà hàng, nhưng không thuê đội ngũ lao động có nghiệp vụ du lịch mà chủ yếu là tận dụng các lao động trong gia đình, do vậy chất lượng phục vụ không cao, không có tính chuyên nghiệp. Từ những con số trên cho thấy, số lao động đã được đào tạo còn ít, số lao động có trình độ cao lại càng thấp, chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế phát triển của toàn ngành. Một số lao động trực tiếp làm nghiệp vụ chủ yếu được bồi dưỡng nghiệp vụ tại chỗ, ngắn ngày. Còn nhiều hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước đối với các điểm du lịch, mức độ tham mưu cho cấp uỷ và chính quyền địa phương về du lịch còn yếu, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển du lịch trên địa bàn. Đội ngũ hướng dẫn viên tại nhiều điểm du lịch khả năng hạn chế, số hướng dẫn viên được cấp thẻ ít và phục vụ trên địa bàn không cao. Lao động nghiệp vụ như lễ tân, bàn, bar, buồng, bếp còn ít về số lượng và chất lượng thấp, giao tiếp ngoại ngữ thông thường yếu, hầu hết các cơ sở lưu trú nhân viên lễ tân kiêm nhiệm luôn nhân viên phụ trách phòng, bar, bán hàng lưu niệm. Kỹ thuật bếp có tay nghề còn hiếm, chủ yếu là kinh nghiệm của người trước để lại. Đối với lực lượng lao động gián tiếp, tốc độ tăng chậm, bình quân hàng năm là 1,6%. Năm 2001 toàn tỉnh có 5.157 người tham gia, năm 2007 mới chỉ đạt 6.150 người. Đây là lực lượng bán chuyên nghiệp, mang tính thời vụ và là lực lượng đông nhưng có trình độ nhận thức còn hạn chế, không đồng đều, chưa qua đào tạo, thực hiện nội quy, quy chế khu du lịch, điểm du lịch chưa tốt, mức độ đáp ứng nhu cầu công việc có hạn, làm ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ du lịch, phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Nguồn nhân lực cho ngành Du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi lượt khách du lich tới Sa Pa tăng nhiều qua các năm là một vấn đề không nhỏ cần phải quan tâm. Khắc phục những hạn chế trên, ngành Du lịch ở SaPa đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng lao động nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ. Đây vẫn luôn là một vấn đề nan dải không chỉ đặt ra cho SaPa mà còn cho cả ngành du lịch nước nhà.
6. Đánh giá cách khai thác và thực hiện
6.1. Thành tựu
Biểu đồ thể hiện sự gia tăng của lượt khách du lịch tới Sa Pa (2002-2009)
Sự hấp dẫn và kỳ thú của Sapa đã làm cho làn sóng khách du lịch trong và ngoài nước tới địa phương gia tăng nhanh chóng. Chỉ trong vòng 2 năm từ 1995 đến 1997, số lượt khách du lịch tới Sapa đã tăng gấp đôi: từ 15.800 người lên 30.000 người, trong đó khách du lịch nước ngoài tăng hơn hai lần, từ 4000 lên 9000 người. Sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động du lịch ở Sapa đã đưa tới cho địa phương và cho những người dân của xứ sở sương mù nhiều thay đổi.
Mặc dầu phần lớn các nguồn lợi thu được từ du lịch đã tập trung trên địa bàn hạn hẹp của thị trấn, nơi chủ yếu người Kinh sinh sống, song một cách tương đối, có thể nói, du lịch đã có những tác động tích cực nhất định đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số và địa bàn cư trú của họ. Du lịch đã tạo nên những cơ hội việc làm mới và tăng thu nhập cho người dân. Du lịch đã góp phần làm tăng khả năng nhận thức, mở rộng giao lưu và thế giới quan của họ, thúc đẩy tư duy kinh tế mới. Du lịch đã kích thích và làm tăng đầu tư vào địa phương, cải thiện điều kiện sống của người dân. Trong quá trình phát triển và dưới tác động của du lịch, những người dân tộc thiểu số của Sapa đang từng bước hoà nhập vào sự phát triển chung của đất nước, vào nền kinh tế thị trường.
Trong 3 năm (2006 - 2008), tỉnh đã đầu tư hơn 34 tỷ đồng nâng cấp hệ thống tuyến du lịch Lào Cai, Sa Pa, Bắc Hà. Thông qua các hoạt động du lịch, nhiều ngành nghề, dịch vụ phát triển, trong đó có các điểm du lịch cộng đồng và không ít hộ gia đình tham gia dịch vụ du lịch. Trên địa bàn tỉnh có 80 nhà nghỉ lưu trú tại gia, ở các điểm du lịch cộng đồng đều xây dựng đội văn nghệ dân gian phục vụ nhu cầu khách du lịch. Ở những địa phương phát triển dịch vụ du lịch, tỷ lệ đói nghèo giảm hẳn.
Có thể nói năm 2008, SaPa đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hoá du lịch lớn và quan trọng như sự kiện "về với cội nguồn năm 2008", "Tuần văn hoá- du lịch SaPa 2008" với nhiều chương trình văn hoá và du lịch đặc sắc. Trong đó, nổi bật là "Lễ hội trên mây" trên núi Hàm Rồng, giới thiệu những nét văn hoá-văn nghệ-thể thao truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Tày, Xa Phó...; hội chợ hoa phong lan bản địa tại công viên Vạn Hoa; triển lãm ảnh nghệ thuật "Đất và người Sa Pa", hội làng văn hoá dân tộc Mông tại thôn Cát Cát, dưới chân đỉnh Phan Xi Păng; chương trình ca nhạc chọn lọc "Sa Pa nơi gặp gỡ đất trời" tại khuôn viên trung tâm thông tin du lịch Sa Pa; hội chợ ẩm thực Mường Hoa giới thiệu các các món ngon đặc sắc của Lào Cai; tái hiện phiên chợ tình Sa Pa tại khu phố cổ giữa thị trấn vào đêm 3/5...
Hoạt động văn hoá thể thao cũng có nhiều chuyển biến. Trong năm 2008, Sa Pa đã làm tốt công tác quản lý nhà nước về văn hoá thông tin với việc tiếp nhận xử lý các văn bản về công tác văn hoá và thể thao; xây dựng kế hoạch tổ chức một số hoạt động văn hoá nhân dịp "Tuần văn hoá du lịch Sa Pa năm 2008", các hoạt động "Mừng Đảng, mừng Xuân năm 2009". Bên cạnh đó, công tác kiểm tra các hoạt động dịch vụ văn hoá thông tin cũng được thực hiện tốt. Hoạt động xây dựng văn hoá, tổ chức các hoạt động lễ hội cơ sở được triển khai, Ban chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá của Huyện đã được kiện toàn và xây dựng quy chế hoạt động. Hoạt động sự nghiệp văn hoá, TDTT được thường xuyên tổ chức, nổi bật là tổ chức Chương trình cuộc đua Hành tinh- Việt Nam; đồng thời phối hợp với trung tâm văn hoá tổ chức các hoạt động thể dục thể thao truyền thống như đu quay, đi cà kheo, cờ tướng..., duy trì hoạt động thể thao quần chúng, đặc biệt là duy trì hoạt động 15 câu lạc bộ thể thao đạt 100%. Các hoạt động khác như thông tin cổ động, thư viện, làng văn hoá, gia đình văn hoá đã tổ chức tốt. Trong năm 2008 Huyện đã tổ chức 50/50 buổi chiếu bóng cho đồng bào, 70/40 buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng, 180/180 buổi hoạt động của nhà văn hoá Huyện. Xây dựng được 35 nhà văn hoá cộng đồng, gia đình văn hoá đạt 4.800/8.592 hộ = 55,87% đạt kế hoạch Huyện giao... Đề án chống tảo hôn, ma chay, cưới hỏi đã triển khai và phổ biến tới toàn thể nhân dân trong Huyện. Kết quả tỷ lệ tảo hôn giảm so với thời điểm trước khi triển khai đề án. Việc tổ chức các nghi lễ trong ma chay đã tiến hành đúng và phù hợp với quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang lễ.
Có thể nói, các hoạt động văn hoá của huyện Sa Pa trong năm 2008 có nhiều thành tích và góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của ngành văn hoá thể thao của Lào Cai.
Với những việc làm thiết thực đó, trong những năm qua, ngành kinh tế du lịch của Sa Pa tăng trưởng không ngừng. Năm 2000, Sa Pa mới có 42 cơ sở lưu trú (khách sạn và nhà nghỉ), đến hết 2009 đã có 141 cơ sở lưu trú với 2.128 phòng, 3.988 giường, ngoài ra còn có 83 cơ sở lưu trú tại gia đình cư dân ở các xã Bản Hồ, Tả Van, Thanh Phú, San Xả Hồ, Tả Phìn... trong đó có hàng chục khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 2 - 4 sao tại thị trấn Sa Pa.
Phương tiện vận chuyển hành khách đến Sa Pa tăng nhanh. Năm 2000 có khoảng 10 đầu xe thì nay có hàng trăm xe tắc xi, xe con chở khách 7 - 24 chỗ ngồi đến xe cao cấp có giường nằm chạy tuyến Sa Pa - Hà Nội và ngược lại, rất thuận tiện cho khách đến với Sa Pa.
Huyện quan tâm đúng mức việc thành lập các công ty, chi nhánh du lịch để tổ chức và quản lý các hoạt động du lịch có hiệu quả. Năm 2000 Công ty du lịch tỉnh quản lý trực tiếp các hoạt động du lịch của Sa Pa thì nay đã có 18 công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện đủ điều kiện kinh doanh lữ hành, trong đó có một đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, 17 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa. Đã có 240 hướng dẫn viên, trong đó 95 hướng dẫn viên là người dân tộc thiểu số được bồi dưỡng nghiệp vụ.
Số lao động làm việc trong các cơ sở lưu trú tăng nhanh, năm 2001 có 364 người, năm 2005 là 700 người, năm 2009 có hàng nghìn người, những người lao động trong các cơ sở lưu trú du du lịch đều có thu nhập khá.
Năm 2009 đã có 405.000 lượt khách đến Sa Pa, tăng 21% so với 2008, bằng 90% kế hoạch đề ra; Mặc dù đông khách nhưng các khách sạn được xếp hạng sao ở đây đều giữ ổn định giá phòng theo mức đã công bố, các cơ sở lưu trú khác đều cam kết không tuỳ tiện tăng giá...Khách đi thăm quan ở các làng bản có 10.408 đoàn với 50.629 lượt khách. Đây là một cách tạo ra việc làm và thu nhập cho nông dân ở các xã phát triển du lịch làng bản, du lịch cộng đồng.
Song song với việc tổ chức các chương trình văn hoá du lịch, để thu hút thêm nhiều du khách, SaPa cũng đã làm tốt công tác phát triển du lịch cộng đồng và các sản phẩm du lịch. Công tác thu hút đầu tư vào du lịch đạt khá, hiện tại đã có trên 5 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ của các công ty, tập đoàn trong và ngoài địa bàn với số vốn đạt trên 1.000 tỷ đồng như dự án Khu du lịch sinh thái Hàm Rồng, Việt Nhật, Life resort- Hà Lan, khách sạn INDOCHINA, khu du lịch Tả Pìn, khách sạn Hoàng Gia...
Năm 2009 khách du lịch đến với Sa Pa đạt gần 302 nghìn lượt với trên 60 quốc tịch tăng 0,7% so với năm ngoái, trong đó khách nội địa trên 165 nghìn lượt, chiếm gần 55% tổng lượt khách. năm 2009 Lào Cai đã đón một lượng khách khá lớn với trên 700 nghìn lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt trên 513 tỷ đồng, đạt 116,7% so với kế hoạch và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2008.
Những năm qua huyện đã phối hợp với các cấp, các ngành, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị tổ chức vận động tuyên truyền đến toàn thể nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên môi trường, tiến hành giao khoán rừng đến từng hộ dân, tổ chức phát động trồng cây xanh ở nơi công cộng, trong trường học, vườn nhà và trang trại, trồng và chăm sóc bảo vệ rừng nhận khoán, các nhà trường tuyên truyền giáo dục học sinh ý thức bảo vệ cây xanh, không vứt rác bừa bãi. Công tác tuyên truyền đã tạo ra những chuyển biến tích cực, đến nay tình trạng đốt rừng làm nương rẫy đã giảm hẳn, tỷ lệ rừng che phủ đạt 56%, nhiều gương điển hình làm giàu từ kinh tế vườn rừng qua các mô hình như trồng thảo quả, chăn thả trâu, bò, dê và thu hái lá thuốc dưới tán rừng góp phần giúp nhiều địa phương thoát nghèo như ở xã Nậm Cang, xã San Sả Hồ số hộ nghèo còn 3,1%, xã Suối Thầu hộ nghèo còn 3,9%, xã Bản Khoang còn 4,1% hộ nghèo... nhờ có những đột phá tích cực về kinh tế nên đời sống của đồng bào các dân tộc đã dần đi vào ổn định. Năm 2003, được sự đầu tư tài trợ của các tổ chức, huyện đã tiến hành xây dựng các mô hình kinh tế tiểu thủ công nghiệp, khôi phục một số ngành nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm ở xã Tả Phìn, rèn đúc ở Hầu Thào, chế biến nông sản (nấu rượu đặc sản) ở San Xả Hồ... từ đó thúc đẩy các hoạt động dịch vụ-du lịch, tận dụng lao động nông nhàn góp phần cải thiện đời sống cho nông dân, hạn chế phá rừng, đốt nương làm rẫy.
Năm 2010 được dự báo là năm phục hồi của nền kinh tế trong nước và thế giới. Đây cũng là cơ hội để Sa Pa tiếp tục đẩy mạnh, khai thác có hiệu quả kinh tế du lịch. Nắm bắt cơ hội, huyện đã đề ra những giải pháp lớn như: Tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; thu hút vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch; chú trọng phát triển du lịch làng bản, du lịch cộng đồng; mở hội thảo phát triển du lịch bền vững tại huyện, mở lớp đào tạo du lịch cộng đồng cho cơ sở...
Sau nhiều năm kiên trì thực hiện chương trình phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường và phát huy bản sắc truyền thống văn hoá các dân tộc, kết hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình 135, chương trình xoá đói giảm nghèo, chương trình 327, 661 đến nay tỷ lệ hộ nghèo bình quân trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Sa Pa giảm còn 9,7%, số làng bản văn hoá đạt 31,4%, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Kết quả trên thể hiện sự cố gắng nỗ lực của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Sa Pa, kinh nghiệm và mô hình phát triển ở Sa Pa rất đáng để các địa phương có điều kiện tương đồng nghiên cứu học tập.
6.2. Hạn chế
Hiện nay, quá trình đô thị hoá như cơn lốc, phát triển nhanh, nếu SaPa không tiến hành quy hoạch thì một lúc nào đó, không chỉ cảnh quan môi trường bị phá tan mà những nét văn hóa là bản sắc văn hoá của nơi đó cũng sẽ bị mai một. Chợ tình Sapa cũng là một ví dụ. Chợ tình vốn được coi là "đặc sản" của Sapa đang bị "mai một" bởi một phần do sự thiếu văn hoá của một số đối tượng du khách nhưng phần nhiều hơn là bởi yếu tố thương mại, diễn do nhu cầu của du khách. Nó đã mất đi rất nhiều nét hấp dẫn, độc đáo trong văn hóa của đồng bào dân tộc. Chợ tình ngày nay lác đác vài cặp thanh niên biểu diễn múa khèn, thổi sáo gọi bạn cho du khách trả tiền xem.
Nhiều du khách lần đầu đến Sapa rất thích thú trước những khám phá về mảnh đất, con người Sapa. Trước lúc chia tay, họ không quên đến nhà Thờ Đá để chụp vài tấm hình kỷ niệm với người dân bản địa và rất vui khi các thiếu nữ Mường e ấp trong những trang phục truyền thống rực rỡ màu sắc đáp lại thân thiện, hiếu khách. Ai cũng vui vì có những tấm hình đẹp nhưng niềm vui đó chưa được bao lâu bỗng sững sờ khi được đề nghị trả "tiền cátse" làm người mẫu ảnh. Được biết tình trạng này khá phổ biến hiện nay và nhiều thượng đế du lịch "dở khóc dở cười" khi rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan như vậy. Không ít trẻ em người H'Mông, Dao chỉ mỉm cười cho du khách chụp ảnh nếu được tặng tiền lẻ.
Những ngày này du khách cũng dễ dàng bắt gặp những hình ảnh vui nhộn những cô gái váy áo truyền thống ân cần hướng dẫn những du khách nước ngoài, nhưng nỗi buồn cũng le lói khi đâu đó lại xuất hiện những cái khoác tay thân tình, cười nói "không còn e dè" giữa những cô gái bản xứ vốn có vẻ đẹp kín đáo, e ấp và những vị khách du lịch nước ngoài hiện đại, phóng khoáng. Họ đóng vai những hướng dẫn viên du lịch để được trả tiền dịch vụ.
Có thể thấy rất rõ, Sapa đang phát triển lên từng ngày với bề mặt cơ sở hạ tầng, hàng quán chen chúc cũng đang dần che lấp đi vẻ đẹp tự nhiên, cổ kính vốn có của nó. Thêm vào đó, sự thiếu cố định về giá dịch vụ thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của du lịch cũng đang hạn chế sự phát triển của ngành du lịch Sapa. Giá thường ngày cho một phòng đơn tại nhà nghỉ trung bình 150 nghìn-200 nghìn, nhưng có thể xê dịch lên tới 300-500 nghìn tuỳ vào lượng khách đông hay ít. Một phòng VIP có thể lên tới 1 triệu mùa cao điểm. Dịch vụ nhà nghỉ cũng đa dạng, giá là hơi 1 bộ quần áo 50 nghìn, trước sự phản ứng của du khách được giảm xuống 30 nghìn...
Ngoài ra, một số nghề thủ công truyền thống cũng có dấu hiệu mai một nhường chỗ cho thổ cẩm vải công nghiệp...Số trẻ em bỏ học đi làm hướng dẫn cho khách du lịch cũng đã tăng lên đến mức đáng kể trong thời gian gần đây.
Chính vì thế địa phương đã xây dựng đề án bảo tồn phát huy bản sắc dân tộc và là một trong những tỉnh đầu tiên có đề án này. Đề án này thực hiện từ năm 2002 đến 2010. Trong đề án có ưu tiên cho các làng phát triển du lịch cộng đồng. Nhưng vấn đề này cũng rất khó khăn bởi phải làm sao người dân vẫn sản xuất canh tác bình thường để khách du lịch đến chiêm ngưỡng thì du lịch mới phát triển bền vững được. Còn nếu người dân làm du lịch một cách máy móc tức là khi cả người dân cùng làm dịch vụ, xe ôm, nhà hàng... thì sẽ rất khó cho phát triển du lịch. Đây là một vấn đề khó cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn.
Trong điều kiện giao lưu văn hoá như hiện nay, nếu không làm tốt để nạn chèo kéo khách vẫn phát triển thì cũng sẽ làm giảm đáng kể lượng du khách. Thực tế đã chứng minh có hai làng, một là làng Tả Phìn, du khách bị cảm thấy không thoải mái khi nạn chèo kéo khách vẫn phát triển trong khi đó ở làng thứ hai là làng Tả Van, nơi đây nhờ phát triển du lịch cộng đồng, người dân tích cực hưởng ứng thì du lịch phát triển hơn nhiều, du khách đến gấp đôi so với Tả Phìn. Qua đây ta có thể thấy rằng, văn hóa rất quan trọng trong quá trình phát triển du lịch.Hiện nay tình trạng chèo kéo khách vẫn xảy ra ở một số điểm du lịch nổi tiếng của SaPa. Dù địa phương cũng đã có những biện pháp tranh thủ các quỹ hỗ trợ của nước ngoài để mở các lớp dạy nghề, nâng cao thu nhập cho bà con đồng thời phát triển du lịch cộng đồng, để người dân là chủ thể trong các hoạt động du lịch trên địa bàn mình nhưng trên thực tế vẫn chưa thật sự hiệu quả.
Du lịch sinh thái Tả Van, Bãi Đá Cổ, Cầu Mây, Bản Hồ, suối Mường Hoa, suối La Ve, nơi tắm nước nóng Bản Hồ ở huyện Sapa - Lào Cai... bị đến 4 nhà máy thủy điện đang xây dựng xâm hại nặng nề. Chỉ riêng Công ty cổ phần Thủy điện Sông Đà - Hoàng Liên đã có 3 công trình: Thủy điện Sử Pán 1 (xã Sử Pán), Sử Pán 2 (xã Bản Hồ), Nậm Củn (xã Thanh Phú) và một công trình do đơn vị thi công khác thực hiện là Séo Chung Hô (xã Tả Van)... Tất cả đều nằm trong chuỗi 17 công trình thủy điện vừa và nhỏ dự kiến xây ở Sapa.
Trong quá trình thực tế nghiên cứu, ta nhận thấy rằng tác động của thủy điện với môi trường, cảnh quan du lịch rất dữ dội: tất cả các cảnh quan, môi trường, nhất là dòng suối và rừng bị phá hỏng hoặc bị biến dạng; cuộc sống người dân ở khu vực xây dựng thủy điện bị đảo lộn; đặc biệt khi môi trường ô nhiễm, cảnh quan du lịch bị tàn phá thì khách du lịch sẽ không đến nữa và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân - chủ nhân du lịch cộng đồng ở đây.Giờ đây du khách tới những điểm du lịch ở đây giảm 2/3 vì xây dựng nhà máy thuỷ điện. Hiện nay, tác động mạnh nhất của việc xây dựng thủy điện là tất cả các cảnh quan bị biến dạng, nhất là Bản Dền (xã Bản Hồ). Đây là trọng điểm của du lịch cộng đồng, cũng là điểm du lịch cộng đồng đầu tiên của cả nước được hình thành. Thế nhưng đến thời điểm này du khách không đến nữa (giảm khoảng 70 đến 90% khách du lịch). Ngoài ra, các điểm du lịch khác như thác Cá Nhảy, suối La Ve cũng bị ảnh hưởng lớn.Thác La Ve (xã Bản Hồ, Sa Pa) là điểm du lịch nổi tiếng nhưng nay đã tan hoang.Nhưng quan trọng hơn là nơi cư trú của người dân cũng bị thay đổi. Người dân gắn với ruộng bậc thang, họ khai khẩn ven suối mà để được trở thành ruộng bậc thang hay ruộng canh tác thì phải rất kỳ công và mất rất nhiều thời gian so với nông dân ở vùng đồng bằng khai khẩn đồng ruộng. Vậy mà bây giờ người ta phải di chuyển đi nơi khác để sống. Đó là chưa kể đến văn hóa bản địa cũng bị biến dạng nghiêm trọng. Ruộng bậc thang không còn nữa và những tập tục cũng sẽ phải thay đổi. Nếu vẫn cho tiếp tục xây dựng các dự án trên địa bàn huyện Sa Pa một cách ồ ạt như hiện nay thì rất nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quần thể du lịch Sa Pa.Nếu năm 2006 Bản Hồ đón 18.313 lượt khách lưu trú, Tả Van 8.158 lượt, Thanh Phú 1.626 lượt thì đến năm 2009 Bản Hồ chỉ đón được 3.197 lượt (giảm 83,6%), Tả Van 2.991 lượt (giảm 63,4%), Thanh Phú 41 lượt (giảm 60,4%). Đến thời điểm khảo sát (ngày 17.3.2010) tại Bản Hồ, theo báo cáo của Ban quản lý du lịch cộng đồng Bản Hồ, lượng du khách đến tham quan và lưu trú còn giảm mạnh, chỉ đạt 80 lượt giảm 92,3% so cùng kỳ năm 2009 (1.027 lượt).
Bên cạnh đó, những cây thuốc quý hiếm ở nơi đây cũng đang rơi vào tình trạng có nguy cơ bị tuyệt chủng. Cụ thể, những loại loại cây quý có nguy cơ bị đe dọa như: Bình vôi nhị ngắn, Chùa dù, Ngũ da bì gai. Những sản phẩm thuốc quý, đang chú ý nhất là một số cây thuốc có tác dụng chữa bệnh ung thư da, bệnh tiểu đường tuýp 2 và thuốc giúp tăng trí nhớ.
Mặt khác, ngoài 200 nhà nghỉ, khách sạn đảm bảo lưu trú cho 6.000 du khách, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai có hàng trăm hộ dân làm du lịch đủ khả năng đáp ứng chỗ nghỉ cho khoảng 4.000 người. Tuy nhiên, số nhà nghỉ ở khu vực bản làng chưa thu hút khách du lịch trong nước, mặc dù giá chỉ bằng một phần ba ở khu vực thị trấn; tiện nghi cũng đầy đủ, thái độ phục vụ của chủ nhà rất tốt.
Nếu các bạn đến thăm bãi đá cổ Sa Pa - một trong ba ứng cử viên di sản văn hóa vật thể thế giới của VN,các bạn sẽ thấy một thực trạng: Mặc dù có tên trong danh sách dự kiến đề cử UNESCO công nhận là di sản văn hóa vật thể thế giới, nhưng bãi đá cổ Sa Pa hiện vẫn đang đứng trước những sự xâm hại mạnh mẽ của thiên nhiên và con người. Nhiều du khách bày tỏ sự lo ngại trước những hàng rào bằng cọc xi-măng mọc lên ở đây. Theo họ, cách bảo vệ các tảng đá kiểu này chưa hiệu quả, và vô hình trung lại cản trở người ta tiếp cận với những hình khắc trên đó...
Hiện nay, Vườn quốc gia Hoàng Liên được khai thác tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch khám phá, việc khai thác du lịch chưa kết hợp với bảo vệ môi trường, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ đến sinh thái, cảnh quan và môi trường.Một du khách Nhật sau khi chinh phục Phan-xi-păng, về đến Sa Pa với thái độ hết sức buồn bã, thậm chí vị khách này đã khóc. Thì ra ông buồn vì vườn Hoàng Liên bẩn quá, và ông khóc thương cho Phan-xi-păng. Hoặc một du khách người Úc khi đi thăm thú làng bản Sa Pa, muốn chụp ảnh hoặc tham gia các hoạt động của người dân bản địa, thì họ bị đòi tiền, thậm chí bị đòi rất nhiều tiền.Một vấn đề khác được nêu ra: Khi thăm vườn quốc gia Hoàng Liên và chinh phục đỉnh Phan-xi-păng, du khách chỉ được đi và về trên một con đường, gây nhàm chán cho du khách, trong khi họ mới chỉ khám phá được một phần rất nhỏ trong sự đa dạng của vườn quốc gia Hoàng Liên. Trong thời gian qua mặc dù các cấp, các ngành chức năng cũng như nhân dân các dân tộc địa phương trong vùng đã rất cố gắng trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ tính đa dạng sinh học kết hợp khai thác thế mạnh về du lịch, song chưa có giải pháp hữu hiệu.
6.3. Nguyên nhân
Từ một huyện vùng cao có tiềm năng du lịch nhưng do đời sống của đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, sản xuất lạc hậu, chính bởi vậy mà nhiều ngành nghề thủ công truyền thống có nguy cơ mai một, tài nguyên rừng bị xâm hại.
Như tình trạng những loại cây thuốc quý đang có nguy cơ bị tuyệt chủng bởi vì: Trước đây, đồng bào dân tộc khai thác các loại thuốc từ rừng, chế biến và sử dụng để chữa bệnh. Tuy nhiên, do bà con chỉ khai thác mà không trồng nên có nhiều loài cây quí hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.Người dân ăn còn không đủ làm sao nghĩ đến chuyện bảo tồn. Hay sự mai một của chợ tình là do: Cuộc sống hiện đại và du khách quá đông đã khiến cho chợ mất đi vẻ đẹp vốn dĩ. Làm sao trai gái có thể yêu đương, hò hẹn trước hàng nghìn con mắt của du khách?
Việc chèo kéo khách du lịch không nên trách người dân. Một phần cũng do người dân được hưởng lợi ít nên muốn có thêm thu nhập. Khi du khách đến Tả Phìn mua thổ cẩm nhưng hướng dẫn viên ngăn lại đưa khách về thị trấn mua để có tiền phần trăm. Phát triển du lịch phải hài hoà với lợi ích của người dân. Ví dụ như việc tổ chức điểm bán vé ở Tả Phìn, số tiền đó sau cũng dành để tu sửa đường sá, là người dân gián tiếp hưởng lợi.
Những công ty xây dựng nhà máy thuỷ điện đã đổ đất đá phía dưới mặt bằng nhà máy thủy điện đang thi công xuống suối với chiều dài khoảng 200 m, chiếm lòng suối 7 m, cao 4 m, gây ô nhiễm môi trường nước và ảnh hưởng đến dòng chảy. Toàn bộ khối lượng đất đá đổ xuống suối tại thời điểm kiểm tra khoảng 5.600 m³, tác động đến dòng chảy. Phản ứng của người dân khiến công trình thủy điện hơn 1 năm vẫn chưa làm được. Có thủy điện, nhiều hộ dân bị mất đất, mất ruộng, trong khi tiền đền bù chẳng là bao. Lúc đầu, họ thấy có tiền đền bù nên chưa nghĩ xa, về sau mới thấm thía hậu quả vì không còn đất canh tác. Đất đá từ các công trình thủy điện còn đổ xuống suối làm thay đổi dòng chảy của lũ, khiến hai bờ sạt lở nghiêm trọng.
Đành rằng xây dựng nhà máy thuỷ điện thì siêu lãi nhưng làm thuỷ điện là phải làm đường, phá rừng, phá vỡ cảnh quan, người dân mất đất canh tác ven suối và lâu dài cạn kiệt nguồn nước. Đó là sự phát triển không bền vững. Ở các đô thị lớn, đáng ra các địa điểm đẹp nhất phải dành cho các công trình văn hoá, ở đây tỉnh miền núi không có nhà văn hoá, không sân vận động... vì thế phải cân bằng giữa phát triển kinh tế và văn hoá.
Sau gần 100 năm phát hiện, bãi đá cổ đang đứng trước những sự xâm hại mạnh mẽ của thiên nhiên và con người. Sự thực bãi đá cổ đang bị bào mòn không chỉ vì sự thiếu ý thức của du khách và người dân địa phương (vẽ bậy, trèo lên phơi phóng, thậm chí bổ củi trên di tích) mà còn bị phong hóa mạnh mẽ.đến nay khi xem lại những tảng đá được phát hiện và bới lên năm 1989 (thời điểm mở rộng đường xuyên qua bãi đá), chúng tôi thấy các hình khắc trên đó đã mờ sạch rồi. Hòn đá phát hiện năm 1992 cũng bị bào mòn đi rất nhiều.
Có nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến hệ sinh thái vườn quốc gia Hoàng Liên, trong đó có việc xây dựng các nhà máy thủy điện; ồ ạt đưa du khách lên khám phá Phan-xi-păng trong khi công tác quản lý còn bất cập; việc phân chia nguồn lợi từ du lịch chưa hài hòa khiến người dân bản địa - những người chủ đích thực của núi rừng - chưa được hưởng lợi nhiều; việc "biến" bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa thành nguồn lợi chưa tương xứng với tiềm năng...Hơn nữa còn một số hiện tượng tiêu cực của một số công ty lữ hành, của du khách, poster, thậm chí là cả hướng dẫn viên trong việc xả rác bừa bãi, chặt cây cắm trại, đốt lửa để sưởi...Các đại biểu doanh nghiệp hoạt động du lịch đề cập tới hai vấn đề nhức nhối và cấp bách nhất trong hoạt động du lịch sinh thái rừng. Đó là vấn đề rác thải, việc vứt rác bừa bãi gây mất cảnh quan du lịch, ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên và thương hiệu Phan-xi-păng và vấn đề về ô nhiễm tiếng ồn, tiếng ồn từ hoạt động của du khách hoặc người phục vụ sẽ làm ảnh hưởng tới động vật hoang dã, cần khuyến cáo, ngăn chặn, hạn chế việc tổ chức hoạt động giao lưu náo nhiệt, hò hét, nô nghịch trong hành trình khám phá Phan-xi-păng.
Tour du lịch bản làng ở Sa Pa vẫn chưa thực sự thu hút khách. Nguyên nhân là việc tuyên truyền chưa hiệu quả, cả thị trấn Sa Pa không có biển quảng cáo về các nhà nghỉ du lịch cộng đồng, giao thông đi lại khó khăn. Du khách trong nước chủ yếu nghỉ tour ngắn ngày nên không muốn đi vào vùng xa.
Cùng với dân tộc thiểu số, môi trường tự nhiên luôn được quan tâm như một trong những yếu tố chịu tác động lớn nhất của du lịch. Một nghiên cứu mới đây đã cảnh báo về sự suy thoái môi trường song song với phát triển du lịch, thể hiện qua sự gia tăng sử dụng gỗ củi và các sản phẩm rừng khác như phong lan, cây cảnh hay việc tăng khối lượng rác rưởi không kịp thu dọn ở Sapa. Trong khi đó, một nghiên cứu khác lại nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa lợi ích của người dân tộc thiểu số thu được từ du lịch với việc bảo tồn tài nguyên rừng ở Sapa cũng như nhắc nhở việc thực hiện chiến lược "du lịch sinh thái " như một biện pháp hữu hiệu nhằm phát triển du lịch bền vững. Còn Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam thì lại đặt câu hỏi: liệu người dân tộc thiểu số có phá huỷ rừng nhiều hơn để phục vụ du lịch hay không?
Bên cạnh những lợi ích kinh tế rõ rệt mà du lịch đem lại cho Sapa, người ta đã nhận thấy những dấu hiệu tiềm ẩn của những tác động tiêu cực về văn hoá và xã hội đang đe doạ sự phát triển bền vững của chính ngành công nghiệp này. Những bản sắc văn hoá dân tộc độc đáo của Sapa có nguy cơ bị mai một, các truyền thống văn hoá và tính cố kết cộng đồng có thể bị tổn thương. Sự thương mại hoá có thể trở thành thách thức đối với các quan hệ cộng đồng. Vai trò của những người dân tộc thiểu số trong du lịch có thể bị suy giảm, lợi ích mà họ nhận được từ du lịch có thể giảm sút, những hậu quả tiêu cực về môi trường cũng có thể đè nặng hơn lên vai họ.
7. Một số vấn đề cấp thiết cần giải quyết
Trước khi các dự án thủy điện được xây dựng tại Lao Chải, Sử Pán... các điểm du lịch cộng đồng nằm trên tuyến du lịch làng bản xuống khu vực hạ huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai đã đón lượng lớn du khách đến tham và lưu trú, chủ yếu là khách quốc tế. Tuy nhiên, khi các dự án thủy điện khởi công và có tác động rõ nét đến môi trường và cảnh quan du lịch thì lượng khách đến tham quan và lưu trú tại các điểm này giảm mạnh.
Số lượng khách lưu trú ở các điểm du lịch cộng đồng trên giảm đồng nghĩa với thời gian lưu trú giảm, khách chỉ đi tham quan trong ngày, vì vậy chi tiêu dành cho du lịch thấp dẫn đến thu nhập của người dân hầu như không có.
Cảnh quan tự nhiên bị xâm hại làm mất đi cảnh quan du lịch cụ thể như dọc thung lũng Mường Hoa với thảm thực vật chân núi; suối Mường Hoa, La Ve và các tràn ruộng bậc thang hầu như bị hủy hoại do tác động của quá trình thi công, san gạt mặt bằng, làm đường dẫn cho các công trình. Cảnh quan tự nhiên hoang sơ, gắn với rừng, suối, bản làng và hệ thống ruộng bậc thang vốn được coi là cảnh quan du lịch hấp dẫn của Sa Pa hiện đã bị xâm hại rõ nét tại các điểm thi công thủy điện.
Những cảnh quan du lịch hấp dẫn, vốn là "linh hồn" của loại hình du lịch làng bản, du lịch cộng đồng có nguy cơ biến dạng hoặc mất hẳn: Ruộng bậc thang, một di sản văn hóa bị giảm diện tích do nhường đất cho thủy điện, hoặc không có nước tưới phải bỏ hoang. Suối Mường Hoa, mạch nước nóng vốn là những điểm du lịch hấp dẫn gần như bị xóa xổ bởi tác động của quá trình xây dựng thủy điện, làm mất đi tiềm năng thu hút khách du lịch đến với Bản Hồ và Sa Pa.
Năm 2009, ruộng bậc thang Sa Pa được Tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) bình chọn là một trong 7 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới, nhưng nay do tác động của quá trình thi công thủy điện hệ thống ruộng bậc thang này có nguy cơ bị thu hẹp và phá vỡ cấu trúc.
Tất cả những yếu tố tác động đó đã làm nguồn thu từ dịch vụ nhà nghỉ tại gia và các dịch vụ khách giảm do lượng khách đến cộng đồng giảm hẳn.
Nếu như năm 2006 Bản Hồ đón18.313 lượt khách lưu trú qua đêm, thì đến năm 2008 giảm xuống còn 5.339 lượt, năm 2009 chỉ còn 2.991 lượt, ba tháng đầu năm 2010 chỉ đón được 80 lượt. Tổng doanh thu từ dịch vụ nhà nghỉ của xã Bản Hồ năm 2009 giảm 82.186.000 đồng so với năm 2008. Ước tính, con số này còn giảm mạnh hơn nhiều lần ở năm 2010 (đến nay tổng doanh thu từ nhà nghỉ của xã Bản Hồ mới đạt 2.280.000 đồng trong khi từ tháng 01 - 03 hàng năm là mùa cao điểm của khách quốc tế, khách có nhu cầu đi du lịch làng bản và du lịch cộng đồng).
Bên cạnh đó, dự thay đổi nhanh chóng của cảnh quan môi trường khiến việc ứng xử của cư dân bản địa gặp lúng túng. Đặc biệt ứng xử trước sự thay đổi của rừng và nguồn nước. Rừng bị đốn hạ khiến cạn kiệt rau rừng, suối bị ô nhiễm nguồn nước do đất đá bồi lấp khiến mất đi nguồn cá suối... Những loại ẩm thực đặc sản bản địa vốn có thể thu hút du khách và nâng cao thu nhập người dân hiện cũng không còn.
Một thực tế cho thấy, những tiềm năng và tài nguyên du lịch bị tác động (thác nước, suối, rừng,...) dẫn đến lượng du khách giảm. Nhiều du khách cho rằng thủy điện đã phá vỡ cảnh quan du lịch là nguyên nhân khiến họ không lựa chọn đây là điểm tham quan.
Song song đó là việc mất đất canh tác và suy giảm các nguồn tài nguyên ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế trong đó có du lịch. Nguồn nước giảm không đủ cung cấp nước sạch cho ăn uống sinh hoạt cho con người và nước tưới cho các diện tích đất canh tác còn lại. Đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu sử dụng nước sạch của khách du lịch.
Sự biến đổi của môi trường sinh thái, cảnh quan du lịch và sự xuất hiện quá nhiều các công trường khiến người dân cảm thấy lúng túng trong ứng xử với các tác nhân này. Việc quá nhiều khói, bụi, tiếng ồn - đặc biệt tiếng phá đá, nổ mìn đã ảnh hưởng khá nặng đối với dời sống nhân dân và sinh hoạt của du khách nếu lưu trú tại các điểm này. Đồng thời, Bản Dền hiện có khoảng 10 hộ gia đình có nhà gần suối Mường Hoa có nguy cơ mùa lũ tới sẽ thiệt hại nặng nề.
Những du khách được hỏi đã có những đánh giá cho thấy các dự án thủy điện đã thực sự làm nản lòng du khách tới tham quan, mang lại cảm giác thất vọng và tiếc nuối cho du khách khi thấy cảnh quan và môi trường du lịch bị phá vỡ. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp mà còn ảnh hướng nặng nền đến hình ảnh và sức hấp dẫn của du lịch Lào Cai đối với khách quốc tế.
Môi trường được xem là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, qua đó ảnh hưởng đến khả năng thu hút khách, đến sự tồn tại của hoạt động du lịch. Hơn nữa, các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu kinh doanh dựa trên những nguồn lợi có sẵn từ thiên nhiên, vì vậy việc giữ gìn, bảo vệ cảnh quan, môi trường là việc làm có tính "sống còn" đối với các doanh nghiệp.
CHƯƠNG 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH CŨNG NHƯ HOẠT ĐỘNG HƯỚNG DẪN DU LỊCH TẠI ĐỊA PHƯƠNG NƠI THỰC TẬP
Du lịch là một trong những ngành phụ thuộc rất nhiều vào môi trường thiên nhiên cũng như vào các đặc trưng văn hoá và xã hội của cư dân bản địa. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và xã hội. Du lịch Việt Nam là một ngành công nghiệp non trẻ, đầy tiềm năng và hứa hẹn, nhưng cũng tiềm ẩn những hậu quả tiêu cực trên nhiều phương diện mà cần được quan tâm, chú ý để khắc phục kịp thời sự phát triển của du lịch nói riêng, của nền kinh tế và xã hội Việt Nam nói chung.
Nhiều dự án nghiên cứu về du lịch gần đây đã đặt ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xác định và nâng cao nhận thức đối với các tác động về kinh tế -xã hội, văn hoá và sinh thái của du lịch, đóng góp vào việc xây dựng các mô hình du lịch bền vững dựa vào cộng đồng, tạo thu nhập lâu bền cho một số cộng đồng nghèo nhất của đất nước, đồng thời giúp duy trì sự đa dạng về sinh học lẫn văn hoá của Việt Nam.
Một trong những trọng điểm du lịch của nước ta là Sapa. Nằm ở độ cao 1500-1600m, trên dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, Sapa chứa đựng những vẻ đẹp thiên nhiên phong phú, đa dạng, với những cảnh sắc núi rừng tương phản và đầy lôi cuốn. Giá trị tài nguyên du lịch của Sapa còn được giàu lên gấp bội bởi sự hiện diện của nhũng con người mà cuộc sống của họ đã tạo nên bản sắc văn hoá, tinh thần độc đáo nơi đây.
Những cái được mà du lịch đem lại cho Sapa không khỏi xen lẫn với những cái mất về tự nhiên, văn hoá và môi trường. Sapa là một huyện có nhiều dân tộc. Các nhóm dân tộc thiểu số chiếm phần lớn dân số của huyện. Tính nhạy cảm và dễ bị tổn thương của các hệ sinh thái tự nhiên, kinh tế, văn hoá của Sapa khiến nhiều người thuộc các nhóm xã hội khác nhau phải đặc biệt chú ý. Họ quan tâm đến vấn đề bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên và nhân văn khỏi những tác động tiêu cực mà du lịch có thể gây nên.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng của du lịch Sapa đạt mức cao và rất cao trong vòng 5 năm trở lại đây, song có thể thấy rằng phạm vi không gian và mức độ ảnh hưởng của du lịch trên đại bàn huyện là tương đối hạn chế và tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm thị trấn. ảnh hưởng hay tác động của du lịch ra vùng ngoại vi tới các cộng đồng dân cư địa phương và môi trường thiên nhiên còn ít, chủ yếu được quan sát thấy dọc theo các tuyến du lịch chính của địa phương. Ngoài dân tộc Kinh sống tập trung ở thị trấn huyện thì có 2 dân tộc H'mông và Dao là chịu ảnh hưởng mạnh hơn cả của sự phát triển du lịch Sapa trong những năm gần đây.
Những lợi ích mà du lịch đem lại cho thị trấn Sapa và những cư dân của nó không khác nhiều so với những gì ta đã biết và quá quen thuộc với công nghiệp du lịch. Sự phát triển của ngành du lịch Sapa, mà yếu tố then chốt là sự tăng nhanh số lượng khách du lịch đến, đã thúc đẩy đầu tư, kéo theo sự bùng nổ của các khách sạn, nhà hàng, các cơ sở dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Kết quả là bộ mặt của thị trấn, chỉ trong vòng vài năm, đã thay đổi một cách mau chóng. Đôi lúc, đôi nơi còn khó có thể nhận ra những cảnh quan đô thị cũ tồn tại gần một thế kỷ. Sự tập trung lợi nhuận thu được trên địa bàn thị trấn và sự gia tăng nhanh chóng của lượng khách tới Sapa dường như tạo nên cảm giác về viễn cảnh đầy hứa hẹn đối với các nhà đầu tư. Theo số liệu thống kê của tỉnh, thì số lượng tư thương và dịch vụ tư nhân của cả huyện Sapa đã tăng từ 102 hộ trong năm 1991 lên 346 hộ trong năm 1995 hay gần 3,4 lần trong 4 năm. Có thể nói hầu hết sự thay đổi này đều diễn ra trên địa bàn thị trấn. Vẻ tĩnh lặng và sự hài hoà kiến trúc với cảnh quan thiên nhiên của thị trấn dường như bị mất đi, thay vào đó các vấn đề ô nhiễm môi trường đô thị ngày càng trở nên báo động.
Để du lịch ở Sapa phát triển được bền vững, cần thiết phải xây dựng một kế hoạch phát triển của ngành mà ở đó các hoạt động du lịch hiện tại không làm ảnh hưởng đến khả năng của các thế hệ mai sau trong việc đáp ứng các nhu cầu của chúng, hay nói cách khác, làm sao để sự phát triển du lịch không làm tổn hại hay phá huỷ các tài nguyên của chính nó, kể cả tự nhiên và văn hoá, nhân văn, nhằm làm cho du lịch phát triển được dài lâu, không ngừng hấp dẫn khách, cũng như làm cho cuộc sống của cộng đồng các dân tộc sở tại ngày càng phát triển và phồn vinh hơn.
1. Đối với Nhà nước
1) Không ngừng hoàn thiện các nhóm chính sách về thu hút và quản lý đầu tư; Khuyến khích phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; Cải thiện và minh bạch hoá chính sách quản lý, sử dụng tài nguyên môi trường; Triệt để sắp xếp, chuyển đổi hình thức cho các DNNN; Xã hội hoá phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, y tế, giáo dục, văn hoá, thể dục thể thao.
2) Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính gắn với việc khai thác tốt cổng giao tiếp điện tử để trở thành một kênh thông tin trao đổi giữa chính quyền với người dân về thủ tục hành chính và cung cấp thông tin, cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai; thực hiện mô hình "một cửa" trong cơ quan hành chính các cấp và các sở ngành chức năng; tổ chức bộ máy theo hướng tinh giảm, có hiệu lực cao trong quản lý, điều hành, nâng cao năng lực và trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện, giữ vững và duy trì chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh.
3) Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, khu thương mại, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào tỉnh như: Quốc lộ 70; Cải tạo tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội; Đường cao tốc; khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành .....
4) Đẩy mạnh công tác xúc tiến Đầu tư - Thương mại và du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích các doanh nghiệp của tỉnh mở rộng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh.
5) Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án nhằm sớm bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án theo tiến độ được duyệt. Trước mắt dự kiến thành lập tổ công tác giải phóng mặt bằng chung cho các dự án tại sở Tài chính nhằm giải quyết những khó khăn vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thành lập tổ hỗ trợ doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư để tiếp nhận thông tin, kiến nghị của doanh nghiệp trên cơ sở đó báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp đồng thời nghiên cứu để thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng chuyên trách ở một số huyện và thành phố Lào Cai có nhiều dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, chúng ta cần học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của Vân Nam (Trung Quốc) trong phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, trong đó mục tiêu bảo vệ môi trường là quan trọng nhất, bên cạnh cần có giải pháp về thúc đẩy du lịch nghỉ dưỡng, phát triển khai thác ưu thế về khu vực, đa dạng hoá cách tuyên truyền bảo vệ môi trường, xây dựng và đào tạo nhân lực, đặc biệt lao động tại chỗ, tạo thu nhập cho người dân địa phương, khai thác nguồn kinh phí hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ (NGO), kết hợp giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng hành lang pháp lý trong quản lý khai thác du lịch.
Tăng cường hơn tình hữu nghị thân thiện, hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước theo phương châm 16 chữ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai";
Phát triển "Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc" sẽ đưa khu vực này trở thành động lực phát triển mối quan hệ hợp tác kinh tế mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc; khai thác được các tiềm năng và lợi thế của khu vực để thúc đẩy phát triển kinh tế và phát triển quan hệ hợp tác đa phương.
Ngành Du lịch cũng đã nhận thức rất rõ hoạt động du lịch phát triển mạnh cũng làm gia tăng việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và tác động tới khí hậu. Ô nhiễm môi trường sẽ làm giảm chất lượng sản phẩm du lịch và ảnh hướng tới sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Chính vì vậy nhà nước ta cần đưa ra các chính sách khuyến khích nghiên cứu các giải pháp để tìm ra năng lượng sạch thay thế như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, xử lý lượng rác thải, nước thải triệt để nhằm bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu...
2. Đối với Địa phương
Dựa trên kết quả một nghiên cứu về du lịch với dân tộc thiểu số tại thị trấn Sapa và ở địa bàn 4 xã được lựa chọn của huyện, sử dụng phương pháp đánh giá nhanh nông thôn và phương pháp điều tra hỏi đáp đối với những tác nhân du lịch khác nhau, có thể đề xuất một số giải pháp nhằm đóng góp vào sự phát triển bền vững của du lịch Sapa như sau:
1. Qui hoạch phát triển
Trước hết, cần có sự quy hoạch cẩn thận và lâu dài cho phát triển du lịch ở Sapa mà một trong những điểm quan trọng nhất là không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên của thị trấn. Nguy cơ của sự phá huỷ cảnh quan thiên nhiên cũng đồng nghĩa với nguy cơ làm mất đi một trong những yếu tố cơ bản thu hút khách du lịch ở Sapa. Việc xây dựng nhà cửa, khách sạn qúa nhiều ở thị trấn trong những năm qua đã lấn át cảnh quan thiên nhiên (điều này đã được gần 52% số khách du lịch và người kinh doanh được phỏng vấn đề cập tới). Vấn đề qui hoạch về xây dựng kiến trúc nói riêng và qui hoạch tổng thể về tổ chức không gian phát triển du lịch của Sapa nói chung đã trở nên cấp bách. Sapa cần được qui hoạch sao cho thoáng tầm mắt hơn và gần gũi (hoặc nói cách khác là hoà mình) với thiên nhiên hơn. Các nhà khách nên xây rải rác hơn trong thị trấn và ở các xã, bản xung quanh.
Một sơ đồ qui hoạch hợp lý kèm theo sự quản lý xây dựng theo qui hoạch được duyệt một cách hữu hiệu sẽ giúp tránh hay giảm được các vấn đề ô nhiễm đô thị đối với thị trấn.
2. Cấp giấy phép đi thăm làng bản dân tộc và ngủ lại đêm
Dân tộc thiểu số cùng lối sống và văn hoá của họ cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất thu hút khách du lịch nước ngoài tới Sapa. Vì vậy, tạo những điều kiện thuận lợi cho khách giao lưu được nhiều hơn với những người dân tộc thiểu số và tiếp cận những bản sắc văn hoá dân tộc độc đáo của họ chính là một trong những biện pháp, phương hướng thúc đẩy sự phát triển của du lịch Sapa. Ngược lại, việc hạn chế khách đi thăm quan và nghỉ lại ở các làng bản dân tộc có thể làm giảm sức hấp dẫn và thu hút đối với khách du lịch
Thực tiễn hoạt động du lịch trong những năm qua cho thấy, bất chấp những qui định của chính quyền nhằm hạn chế khách du lịch nước ngoài đi thăm và nghỉ qua đêm tại các làng bản dân tộc thiểu số, hiện tượng này vẫn tiếp tục diễn ra một cách khó kiểm soát. Vì vậy, thay vì hạn chế, chính quyền địa phương nên tổ chức tốt việc cấp giấy phép (có thu lệ phí) cho khách du lịch đi tham quan hoặc nghỉ lại ở một số làng bản quanh Sapa. Thiết nghĩ, trước mắt, trong khi các làng bản chưa có nhà khách có thể chọn 2-3 nhà dân có điều kiện (rộng rãi, sạch sẽ...) làm nơi cho khách nghỉ. Như vậy, một mặt, chính quyền địa phương có thể quản lý được khách ngủ lại làng bản, mặt khác, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài. Điều quan trọng nữa là nếu tổ chức và quản lý được tốt thì đây sẽ là cơ hội tạo một trong những nguồn thu quan trọng từ du lịch cho các cộng đồng dân tộc thiểu số của địa phương đồng thời mở ra cho họ những triển vọng giao lưu văn hoá, cập nhật thông tin, mở rộng tầm nhìn.
Việc cấp giấy phép cần có quy định cụ thể, rõ rằng vệ lệ phí và thủ tục sao cho việc nhận giấy phép được kịp thời và nhanh chóng, đảm bảo thời gian cho khách đi tham quan. Trong lệ phí có thể kết hợp cả phí vào thăm làng bản và khoản này được dành trả lại cho xã (cộng đồng dân tộc thiểu số) sử dụng, phục vụ cho những mục đích phát triển phúc lợi chung của cộng đồng.
3. Tổ chức quản lý du lịch
Như ta biết, du lịch Sapa mới phát triển trong những năm gần đây mà chủ yếu là tự phát, do vậy, việc tổ chức và quản lý du lịch mới ở giai đoạn đầu và còn rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, cần thiết phải có một tổ chức nhà nước đủ mạnh đứng ra để quản lý du lịch ở Sapa. Một tổ chức nhà nước mạnh quản lý về du lịch sẽ có khả năng hướng các hoạt động du lịch của Sapa vào nền nếp, trong đó có cả việc phát triển xây dựng theo qui hoạch được phê duyệt, bảo vệ trật tự, an ninh và an toàn xã hội, thúc đẩy kinh doanh lành mạnh và tránh các hiện tượnhg vi phạm pháp luật trong kinh doanh...
Bên cạnh cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, có thể thành lập Hiệp hội Du lịch để thu hút sự tham gia của các nhà kinh doanh, đại diện của các tổ chức phi chính phủ, đại diện các xã và các tổ chức quần chúng, của những người quan tâm tới phát triển du lịch bền vững ở Sapa. Hiệp hội là nơi có thể tập hợp các nỗ lực của tập thể cũng như cá nhân để cùng nhau bàn bạc, đề xuất các biện pháp thích hợp, giúp cơ quan nhà nước tiến hành quản lý du lịch ngày một tốt hơn, đồng thời tạo điều kiện cho người dân và cộng đồng tham gia rộng rãi vào quá trình kết hoạch hoá cũng như ra quyết định về các hoạt động có liên quan đến du lịch.
Theo kết quả điều tra các nhà kinh doanh du lịch thì có tới 86,2 % số người được hỏi đều cho rằng việc thành lập Hiệp hội cũng như cùng nhau thảo luận các vấn đề về tổ chức hay vấn đề kinh doanh giữa các nhà kinh doanh du lịch là hết sức cần thiết và có lợi. Nhiều ý kiến cho rằng Hiệp hội có thể đứng ra điều phối việc đưa đón khách, cung cấp cho khách những thông tin du lịch cần thiết về các khách sạn, nhà nghỉ và các loại dịch vụ du lịch có ở Sapa. Dịch vụ thông tin du lịch có thể bao gồm cả các thông tin về các tuyến du lịch trong địa bàn huyện, các phương tiện thực hiện, các thông tin về văn hoá và môi trường. Hiệp hội có thể là một trong những diễn đàn chính đảm đương chức năng giáo dục nhận thức, trách nhiệm của tất cả các tác nhân du lịch khác nhau trong việc bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc cũng như bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, dự thảo ban hành các nội quy tối thiểu về bảo vệ văn hoá và môi trường.
Thực tế cho thấy nhu cầu về thông tin du lịch là khá lớn: 48% khách nước ngoài và 42,3% khách trong nước được hỏi muốn có thêm các loại thông tin về Sapa. Những khách nước ngoài này muốn hiểu hơn về văn hoá của các dân tộc ở Sapa. Trong số đó có 12/15 (hay 80%) quan tâm đến lịch sử địa phương. Mức độ quan tâm về thông tin môi trường của khách nước ngoài (9/15hay 60%) cao hơn so với khách trong nước (3/11 hay 27,2%), nhưng về tín ngưỡng lại thấp hơn (9/15 hay 60%) so với khách du lịch trong nước (10/11 hay 90%).
4. Tổ chức thêm các khu tham quan, giải trí đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Theo kết quả điều tra và phỏng vấn thì phần lớn khách du lịch trong nước cho rằng Sapa hiện nay chỉ là nơi nghỉ ngơi, an dưỡng tốt chứ ít có sức thu hút khách vì hầu như không có nơi vui chơi, giải trí phù hợp. Do quan niệm và mục tiêu du lịch của khách nước ngoài và trong nước là khá khác nhau nên cần có sự kết hợp hài hoà trong xây dựng và tổ chức du lịch ở Sapa sao cho có thể đáp ứng được nhu cầu của cả hai loại khách này. Đối với khách nước ngoài thì phong cảnh thiên nhiên, đi bộ, leo núi, thăm và tìm hiểu đời sống đồng bào dân tộc thiểu số là mục tiêu chính, trong khi đa số khách du lịch trong nước đến Sapa với mục đích nghỉ ngơi và giải trí.
Nếu đối với khách nước ngoài, việc giữ nguyên những tiện ích sẵn có của thiên nhiên là quan trọng, thì đối với khách Việt Nam, việc cải tạo và làm cho hoạt động du lịch, tham quan trở nên tiện nghi hơn cũng như phải có nơi vui chơi giải trí sẽ làm Sapa tăng sức hấp dẫn hơn. Có thể lấy ví dụ qua cách đánh giá của khách du lịch nước ngoài và trong nước về Sapa và Đà Lạt: Nhiều khách nước ngoài cho rằng Đà lạt quá đông đúc và không còn "hoang sơ" như Sapa nên họ thích Sapa hơn, trong khi khách du lịch Việt Nam lại cho rằng Sapa còn kém xa Đà Lạt về tiện nghi và về các địa điểm tham quan giải trí.
Các khu tham quan hiện nay ở Sapa còn quá thiếu các bảng biểu chỉ dẫn cũng như các hướng dẫn viên du lịch. Điều này khiến việc thu lệ phí du lịch trở nên khó được chấp nhận, mặc dù việc đầu tư vào các khu này là rất tốn kém. Vì vậy, nên chú trọng đặt các bảng biểu hướng dẫn ở những vị trí cần thiết và cung cấp đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, đáp ứng các nhu cầu, sở thích khách nhau của khách.
Ngoài ra, việc tổ chức các tuyến du lịch tham quan trong khu bảo tồn Hoàng Liên Sơn sẽ là yếu tố hết sức hấp dẫn đối với du lịch.
5. Tuyên truyền giáo dục về du lịch
Cần tổ chức các hình thức tuyên truyền, giáo dục rộng rãi cả đối với khách du lịch và trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, góp phần giảm các tác động tiêu cực của du lịch
Đối với khách du lịch, có thể tuyên truyền, giáo dục qua các tờ rơi quảng cáo về du lịch Sapa, các cuốn sách mỏng trình bày dưới hình thức thật dễ đọc hoặc qua các pano, áp phích đặt rải rác trong thị trấn cũng như dọc các tuyến du lịch.
Đối với người Kinh ở thị trấn cũng như đồng bào các dân tộc bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục với các hình thức thích hợp với trình độ nhận thức của từng nhóm xã hội hoặc dân tộc khác nhau cần có các hình thức thảo luận trong nội bộ mỗi cộng đồng để tổ chức cho các cộng đồng tự quản lý cũng như tham gia quản lý và phát triển du lịch một cách có hiệu quả nhất.
6. Thúc đẩy sự tham gia của những người dân tộc thiểu số vào hoạt động du lịch
Thu hút đồng bào dân tộc thiểu số tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động du lịch là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc cải tạo nguồn thu nhập và nâng cao đời sống của một bộ phận đồng bào, giảm sức ép lên tài nguyên thiên nhiên, mà còn giúp người dân mở mang kiến thức, biết tính toán kinh doanh và hiểu biết hơn thế giới bên ngoài, tạo đà cho sự phát triển kinh tế, xã hội tiếp theo.
Một số người dân thiểu số ở địa phương đã có những suy nghĩ và định hướng về đầu tư phát triển du lịch, ví dụ, các già làng, trưởng tộc ở xã Tả Van đã đề xuất việc tổ chức xây dựng nhà nghỉ của xã. Họ mong muốn được tham gia nhiều hơn vào du lịch và được hưởng nhiều lợi ích từ du lịch hơn dưới cả góc độ vật chất lẫn tinh thần.
Bởi vậy, cần hết sức tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số tham gia nhiều hơn và hiệu quả hơn vào du lịch đồng thời nên thừa nhận có những mặt thay đổi về kinh tế-xã hội là quy luật tất yếu của sự phát triển và kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, cần hạn chế những tác động tiêu cực bằng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục về đạo đức truyền thống của dân tộc, về ý nghĩa giữ gìn bản sắc dân tộc, thông qua các tổ chức chính quyền cũng như các trưởng tộc, già làng và các tổ chức quần chúng như phụ nữ, thanh niên, đồng thời kết hợp với các biện pháp hành chính tổ chức cần thiết... Cần tiếp tục có những biện pháp nâng cao trình độ văn hoá cho đồng bào, giúp đồng bào ngày càng hoà nhập với sự phát triển kinh tế xã hội chung làm giảm bớt sự khác biệt trong mức sống giữa các dân tộc khác nhau và đặc biệt, góp phần bảo vệ khu rừng bảo tồn Hoàng Liên Sơn, nguồn tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn du lịch quý giá ở Sapa.
Ngoài ra, cần tập trung quan tâm đầu tiên đến việc nâng cao nhận thức bảo vệ đa dạng sinh học cho cộng đồng sống trong và xung quanh khu vực VQG về lợi ích bảo vệ rừng và tài nguyên rừng; phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng thông qua các dự án bảo vệ và phát triển kinh tế; tăng cường công tác bảo vệ rừng; tăng cường các hoạt động nghiên cứu, điều tra giám sát và bảo tồn đa dạng sinh học ở VQG Hoàng Liên. Tổ chức các tuyến du lịch sinh thái phải có nguyên tắc và tổ chức, cần coi trọng công tác an toàn và bảo hiểm du lịch. Tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương tham gia vào quản lý bảo vệ tài nguyên rừng Quốc gia. Định hướng các doanh nghiệp khai thác tuyến du lịch Phan-xi-păng theo hướng bền vững, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, chủ động xây dựng các phương án đầu tư, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng và công tác bảo vệ sinh thái.
Riêng với dự án xây dựng công trình thủy lợi, chúng ta cần nhanh chóng đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục sai phạm, gây ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan du lịch, yêu cầu phủ xanh ngay những phần diện tích đã san gạt phục vụ thi công, đảm bảo môi trường cảnh quan du lịch. Nếu các giải pháp này không có tác dụng thật sự trong việc bảo vệ cảnh quan và môi trường du lịch thì kiên quyết chưa cho khởi công xây dựng dự án. Đồng thời, vì sự nghiệp bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng gắn với bản làng dân tộc truyền thống dọc theo thung lũng Mường Hoa nói riêng và các sản phẩm du lịch khác nói chung.
Rõ ràng trước kia, bãi đá bị vùi lấp dưới đất, ít bị tác động bởi mưa nắng nên tốc độ bào mòn chậm, bây giờ vừa lộ ra mưa nắng, vừa bị con người tác động mới mờ nhanh như thế. Vì vậy cần phải mạnh dạn nghiên cứu làm mái che cho một số hòn đá có giá trị đặc biệt.
Hiện nay giải pháp bảo vệ tài nguyên môi trường trước mắt và lâu dài ở Sa Pa là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện ăn ở sạch, hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng. Đưa nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào trong trường học, trong đó nội dung bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc được coi là một nội dung của chương trình bồi dưỡng của trung tâm chính trị huyện. Thực hiện nghiêm lệnh đóng cửa rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lý, áp dụng các biện pháp kinh tế đảm bảo cho người dân sinh sống gắn bó với rừng. Nhanh chóng chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi, gây lãng phí tài nguyên, huỷ hoại rừng, suy thoái đất và gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường và đa dạng hoá các hoạt động cho công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, trong đó đặc biệt quan tâm đầu tư, khai thác các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch văn hoá.
Chúng ta cần nghiên cứu xây dựng các làng văn hóa trở thành làng du lịch và chỉ như thế thì mới xoá đói giảm nghèo được. Ở đây, cần tiến hành vừa xây dựng cơ sở hạ tầng, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa tổ chức các hoạt động văn hoá, tổ chức các hoạt động khôi phục các làng nghề thủ công. Nếu không có nghề thủ công thì không phát triển du lịch được. Hơn nữa, còn phải tạo ra sản phẩm du lịch mang sắc thái địa phương, nếu không thì khắp vùng Tây Bắc này đều giống nhau, ở đâu cũng thổ cẩm như thế, ở đâu cũng cảnh đẹp bản làng như vậy thì rất buồn, mà cái chính là văn hoá tộc người chứa đựng trong bản sắc văn hoá như thế nào để tạo thành sản phẩm văn hoá ấn tượng riêng. Mặt khác, du lịch không chỉ là bán sản phẩm mà trình diễn sản phẩm cũng quan trọng. Nếu người ta đến thăm làng nghề đó, người ta lại được xem trình diễn như thế thì không những người ta thích mua sản phẩm mà còn coi đây là một điểm du lịch hấp dẫn.
Như vậy, dù giải pháp nào đi chăng nữa thì vẫn phải đảm bảo lợi ích cho cộng đồng và chỉ có như vậy mới hạn chế tối đa nạn chèo kéo, đeo bám khách. Chúng ta cần xây dựng một đề án nhằm phát triển du lịch bền vững ở nơi đây.Mục tiêu quan trọng nhất của đề án này là để đồng bào các dân tộc có thể tham gia làm du lịch. Đó là lời giải cho bài toán phát triển kinh tế gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, chìa khóa để du lịch Sa Pa phát triển nhanh và bền vững; vì chỉ có người dân mới gìn giữ, bảo tồn cảnh quan, môi trường họ sống và vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình hiệu quả nhất. Hiện nay, Sa Pa có 5 xã làm du lịch và có ban quản lý du lịch. Điển hình như xã Sả Hồ của người Mông, bản Hồ của người Tày, Tả Van của người Giáy, Tả Phìn của người Mông, Dao. Tại các xã này, người dân xây dựng những nhà sàn quy mô để khách du lịch có thể ăn, ở, sinh hoạt cùng gia đình và chủ nhà dệt thổ cẩm, làm đồ thủ công mỹ nghệ để bán cho khách. Những xã làm được việc này thì phụ nữ và trẻ em không đến thị trấn bán hàng rong, vì tại xã họ đã có dịch vụ tăng thu nhập. Ngoài sự vận động, thuyết phục của các cấp chính quyền, cũng sẽ có quy định xử phạt những ai vi phạm.
3. Đối với hướng dẫn viên
Ngày nay, đi du lịch không chỉ thăm thú cảnh quan mà du khách còn muốn khám phá những nét truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của điểm đến. Chính vì vậy, những người làm công tác hướng dẫn, thuyết minh cho khách tại đó rất quan trọng. Làm thế nào để đội ngũ này thật sự tuyên truyền đúng, đầy đủ và tạo ấn tượng tốt cho du khách đang là câu hỏi đặt ra. Việc thuyết minh cho du khách hiểu những giá trị văn hóa, lịch sử của một địa danh nào đó có ý nghĩa rất quan trọng đặc biệt là khách quốc tế tới Việt Nam. Trong khi đó, xu thế du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng ngày càng được khẳng định và phát triển. Nhất là đối với những điểm du lịch có đông khách nước ngoài đến du lịch như ở SaPa.
Do vậy, đội ngũ hướng dẫn viên khó có thể đáp ứng được những nhu cầu của du khách khi họ muốn khám phá, tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán của người dân bản địa. Kiến thức của hướng dẫn viên cho dù đó là người có kinh nghiệm và trình độ cũng không thể chuyên sâu trong mọi lĩnh vực vì vậy khi giới thiệu cho khách du lịch tại điểm du lịch có giá trị văn hóa, lịch sử thường không có được hiểu biết chuyên sâu, do vậy không truyền đạt hết giá trị của các di tích đó. Bên cạnh đó, hướng dẫn viên thường không phải là người địa phương nên ít có điều kiện tìm hiểu sâu cũng như việc đào tạo đội ngũ này lại mất khá nhiều thời gian và chi phí.
Từ thực trạng thuyết minh viên tại các điểm du lịch hiện nay và vai trò của đội ngũ này trong việc gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc và phát triển du lịch chúng ta cần có những giải pháp cụ thể như: về đào tạo; về quản lý; những chính sách đãi ngộ...
Để những giải pháp đưa ra đạt hiệu quả thì trước mắt cần phải tiến hành các cuộc khảo sát thực tế để xây dựng những chương trình đào tạo phù hợp. Đối với những đội ngũ có xuất xứ từ người địa phương thì phải tăng cường bồi dưỡng về các nghiệp vụ cơ bản... Cần tăng thời gian giao tiếp với du khách;
Bên cạnh đó, các địa phương, các điểm du lịch là các di tích cũng cần có những cuộc thi nhằm giúp cho các thuyết minh viên tăng cường tìm hiểu và nâng cao trình độ của mình
Nghề HDV du lịch đòi hỏi những tiêu chí cao và khắt khe: vừa phải giỏi ngoại ngữ, vừa phải am hiểu văn hoá, lịch sử, vừa phải giỏi ứng xử giao tiếp. Không quá khi nói một HDV giỏi là tổng hợp "4 trong 1": nhà ngoại giao, nhà văn hoá, nhà sử học, nhà kinh doanh tiếp thị.
Chính vì vậy đội ngũ hưóng dẫn viên cần thường xuyên trao đổi, học hỏi, bồi dưỡng thêm kiến thức cho bản thân.Kiến thức hang đầu của hướng dẫn viên là sự am hiểu sâu sắc về giá trị lịch sử, văn hoá, về cảnh quan thiên nhiên và phương pháp tổ chức, phương pháp hướng dẫn du khách tham quan.Bởi nếu không có những kiến thức này thì hướng dẫn viên chỉ dừng lại ở mức một người dẫn đường, chỉ đường phục vụ khách bằng vốn ngoại ngữ giao tiếp. Hướng dẫn viên phải làm thoả mãn những nhu cầu của khách khi đi du lịch, thấy được những gì họ cần và đáp ứng một cách tốt nhất những mong muốn đó.
Ngoài ra, hướng dẫn viên luôn phải tìm tòi, khám phá những bí ẩn của tự nhiên và xã hội để chinh phục du khách, đẻ tạo sự sang tạo cho chính công việc của mình, không rơi vào sự đơn điệu nhàm chán.
Hướng dẫn viên cần phải khai thác tối đa nghệ thuật tinh tế của ngôn ngữ. Ngoài việc tự trao dồi ngoại ngữ, ngoại ngữ chuyên ngành, hướng dẫn viên còn học tiếng bản ngữ từ chính du khách để nâng cao trình độ ngôn ngữ của mình.
Đặc biệt, hướng dẫn viên phải luôn cập nhật và nắm được tình hình chính trị thế giới, những thay đổi và diễn biến phức tạp của nó.Nắm vững quan điểm đường lối của Đảng, nhà nước,nắm vững hiến pháp và pháp luật có liên quan đến lĩnh vực hoạt động.
Phẩm chất nghề nghiệp thể hiện qua thái độ đối với công việc: sẵn sàng hoàn thành công việc được giao, thực hiện đúng, đầy đủ các quy trình, kỹ thuật; tận tụy với công việc, góp phần thoả mãn nhu cầu công việc, tạo được ấn tượng và nâng cao chất lượng; thái độ tích cực phục vụ trong mọi hoàn cảnh, tác phong cởi mở, nhanh nhẹn và thiện cảm.
Ngoài ra, còn những kiến thức khác mà hướng dẫn viên du lịch cần có như: tâm lý học, giao tế nhân sự,sơ cứu y tế, các tục lệ kiêng kỵ ở các địa phương mà khách du lịch tới trong chuyến hành trình, để đảm bảo hco chuyến hành trình được hoàn hảo nhất.
Nhưng hơn hết,du lịch là ngành kinh doanh dịch vụ - một lĩnh vực trọng tâm chính yếu là hướng về con người chứ không phải thiết bị. Không một trính độ kiến thức hay kỹ năng nào là đủ có thể thay thế sự tận tuỵ, chân thành và đạo đức cao.
Trên đây không chỉ là những giải pháp dành riêng cho hướng dẫn viên Sa Pa mà nó còn cần cho tất cả hướng dẫn viên nói chung trong ngành du lịch của nước nhà.
C. PHẦN KẾT LUẬN
Nếu như Vịnh Hạ Long là hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ tạo nên một không gian trời biển thật ấn tượng hay Nha Trang với bãi cát trắng trải dài dọc theo đó con đường rộng thênh thang ven biển cùng biết bao bãi tắm nên thơ khác nữa thì Sapa với khí hậu mang dáng dấp của xứ ôn đới lại đưa du khách Âu, Mỹ... về giữa lòng cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Cảnh sắc ở đây quả là sự pha trộn kỳ thú giữa rừng núi, ruộng bậc thang và những căn nhà chon von bên mép núi. Tại đây ta có thể bắt gặp những người đủ các sắc tộc ít người như Hmông, Dao... sống và thu hoạch vụ mùa. Đêm xuống, ánh sáng, tiếng nhạc dìu dặt từ các điểm du lịch, giải trí vui chơi gần kề tạo cho khung cảnh núi rừng thêm phần hấp dẫn. Và nếu bạn là người ưa khám phá, thích tìm hiểu văn hoá bản địa các tua du lịch hiện có từ Sapa đi đến điểm du lịch Cát Cát, thôn Lao Chải, Bản Hồ hay xã Tả Phìn, bãi đá cổ và đặc biệt tuyến leo núi lên đỉnh Phan Si Păng trên 3.000 mét so với mặt biển sẽ làm bạn hoàn toàn hài lòng với những gì thu nhận được.
Nếu như chia sẻ với đồng bào một sự giao thoa thân thiện và cởi mở, bạn sẽ phải cảm ơn họ vì với số tiền ít ỏi, họ vẫn sẵn sàng mang đến cho bạn cả một kho tàng văn hóa lớn. Mong rằng những ai từng một lần đến với Sa Pa, hãy mang cái tình bằng tấm lòng của mình để đáp lại tình của đồng bào dân tộc. Cái tình không thể bán mua, chỉ có thể trao cho nhau mà thôi.
Chính bởi vậy, được tìm hiểu và thực tập tai SaPa, là một cơ hội tốt cho tôi học hỏi và mở rông thêm kiến thức cho bản thân. Đặc biêt,đươc tiếp xúc với những phong tục ,tập quán, những nét văn hoá độc đáo nơi đây, tôi càng thêm yêu hơn quê hương đất nước mình, và yêu hơn công việc mà mình đã lựa chọn trong tương lai, đó là trở thành một hướng dẫn viên du lịch. Tôi mong muốn thông qua bài báo cáo này sẽ giúp cho mọi người có cái nhìn sâu hơn, rõ nét hơn về Sa Pa-một thị trấn du lịch đầy tiềm năng. Với những hiểu biết của mình về Sa Pa, tôi xin dưa ra một số kiến nghị :
Để có thể bảo tồn các di sản văn hoá, mà vẫn tạo điều kiện cho du khách được tham quan cảnh đẹp thiên nhiên, tham quan các nghề thủ công, xem văn nghệ và nghỉ tại các căn nhà cổ truyền của đồng bào các dân tộc. Sa Pa cần xây dựng những làng văn hoá du lịch. Nhưng những ngôi làng này phải khác với các làng du lịch ở Trung Quốc và Thái Lan, khác với làng du lịch ở Mai Châu - Hòa Bình. Sa Pa phải tôn trọng tính nguyên bản của di sản văn hóa. Các sinh hoạt này là các sinh hoạt thật chứ không có cảnh đóng giả đám cưới, đóng giả ngày hội nhằm thu hút khách. Cần phải nên quy chế ở các làng văn hóa du lịch, phải bác bỏ hình thức đóng giả thu hút khách.
Từ thực tiễn bảo tồn di sản văn hóa ở Sa Pa - Lào Cai có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu gắn với vấn đề bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc ở nước ta.
Bảo tồn di sản văn hóa là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhưng rất khó khăn. Từ thực tiễn bảo tồn văn hóa vật thể ở Lào Cai cần gắn vấn đề bảo tồn di sản văn hóa với các nhiệm vụ trọng tâm như xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực...của địa phương. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận từ cấp ủy đảng tới người dân với vấn đề bảo tồn di sản văn hóa.
Trong vấn đề bảo tồn di sản văn hóa cần đặc biệt chú ý vai trò của di sản văn hóa phi vật thể. Di sản văn hóa phi vật thể là cái hồn của mỗi tộc người, là sắc thái riêng của từng dân tộc. Vì vậy bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể là tôn trọng văn hóa tộc người. Nhưng muốn bảo tồn văn hóa phi vật thể cần có các công đoạn mang tính chất khoa học:
Bước 1: Tiến hành khảo sát, tổng kiểm kê các di sản.
Bước 2: Điều tra nhu cầu của người dân và lựa chọn các di sản để bảo tồn. Trong đó coi trọng vấn đề bảo tồn "sống" các di sản trong môi trường sinh hoạt của người dân. Di sản văn hóa phi vật thể được lưu truyền chủ yếu qua phương thức truyền dạy bằng các hình thức truyền miệng, trình diễn...Vì vậy, khi bảo tồn cần đầu tư cho vấn đề truyền dạy. Ở Lào Cai đã tiến hành mời nghệ nhân truyền dạy cho đối tượng thanh niên ở cộng đồng và thiếu niên ở các trường học. Các trường dân tộc nội trú, các trường bán trú dân nuôi thực sự là môi trường rất quan trọng và cần thiết để trao truyền di sản văn hóa. Vì thế, cần tiến hành lựa chọn các trường này là địa điểm để thực hiện trao truyền các loại di sản văn hóa phù hợp.
Bước 3: Di sản văn hóa muốn được cộng đồng thừa nhận và sống trong cộng đồng thì đòi hỏi phải có hệ thống các giải pháp, chính sách đặc biệt như giải pháp đầu tư tổ chức các cuộc liên hoan bảo tồn các di sản như thi hát ru, thi sử dụng nhạc cụ dân tộc, thi "sơn ca", thi trò chơi dân tộc, thi ẩm thực...Mặt khác, cần xây dựng các chính sách về đầu tư quảng bá thương hiệu, đầu tư xây dựng mô hình thực nghiệm truyền dạy, các chính sách tôn vinh các nghệ nhân, các chính sách tập hợp đội ngũ tri thức dân gian...
Như vậy, vấn đề bảo tồn di sản văn hóa dân tộc vừa là nhiệm vụ trước mặt, vừa là nhiệm vụ có tính chiến lược lâu dài. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc ở vùng đồng bào các dân tộc ít người là một nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, nhưng ở các tỉnh biên giới như Lào Cai nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa càng trở thành cấp bách hơn. Vì đó còn là nhiệm vụ góp phần nâng cao ý thức quốc gia, đề cao tinh thần dân tộc, bảo vệ chủ quyền biên giới. Mỗi di sản văn hóa các dân tộc (dù là của người Kinh hay của đồng bào các dân tộc thiểu số) vừa là tài sản của tộc người, nhưng đồng thời cũng là cột mốc văn hóa. Bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc phải coi trọng sự đồng thuận của người dân và cần có phương pháp nghiên cứu một cách khoa học gắn liền với thực tiễn từng vùng.
Hơn nữa, tôi còn muốn đưa ra một vấn đề, vẫn đang là dấu hỏi lớn cho những nhà quản lý trong ngành du lịch :
Tất cả chúng ta đếu thấy rằng : Ngày nay, thật dễ dàng để con người có thể đi dọc ngang địa cầu tìm kiếm một thiên đường kì thú, thỏa mãn mọi nhu cầu từ mua sắm, du lịch, giải trí đến nghỉ dưỡng, chữa bệnh... Du lịch thực sự đã trở thành một ngành kinh doanh toàn cầu có thể biến mọi thứ trên trái đất - kể cả những lãnh thổ thiêng liêng, bất khả xâm phạm - trở thành hàng hóa.
Hầu hết du khách không muốn bị thức tỉnh bởi thực tế rằng họ đang nuôi dưỡng một ngành công nghiệp hàng tỉ đô la và góp phần tạo nên những hình thái tiêu thụ và sản xuất thiếu bền vững. Và cũng là lẽ thường tình khi rất ít người nhận thức được rằng, chính người nghèo mới là những người sẽ phải trả những cái giá về xã hội và môi trường do tác động của phát triển du lịch thái quá.Ngành du lịch là một 'cái máy quay tiền lớn' nhưng người dân địa phương lại không nhận được sự chia sẻ công bằng từ nguồn thu này bởi hầu hết doanh thu từ du lịch bị hút hết vào túi các nhà đầu tư thành thị và nước ngoài. Ngành du lịch hiển nhiên tạo điều kiện cho những khoản 'rò rỉ' tài chính, đồng thời gây ra sự mất cân bằng và công bằng trong phân bổ thu nhập.
Ngành du lịch được nhìn nhận là một cơ hội lớn cho người lao động tại các nước đang phát triển. Tuy nhiên có một thực tế không thể phủ nhận rằng, lao động trong ngành này thường gắn liền với sự thiếu ổn định, thường chỉ là lao động theo mùa vụ, bán thời gian và tỉ lệ nhân viên thay thế rất cao.Sự xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống có thể thấy rõ tại các điểm du lịch do sự thương mại hóa quá mức. Ngoài ra, ngành du lịch nói chung, kể cả du lịch sinh thái, đều khai thác những cộng đồng địa phương bản địa và văn hóa của họ, biến họ thành những thứ triển lãm mua vui cho khách du lịch.Hơn thế nữa, ngành du lịch đang góp phần tăng tốc quá trình đô thị hóa thiếu bền vững, cụ thể là góp phần làm tăng tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí và tiếng ồn, ô nhiễm rác thải và chất thải chưa xử lí. Nó cũng góp phần làm suy giảm và suy thoái những nguồn nước khan hiếm.
Mức tiêu thụ năng lượng lớn, mức phát thải khí nhà kính cao cho giao thông vận tải của ngành du lịch, đặc biệt là sự phát triển bùng nổ của du lịch hàng không đã góp phần đáng kể vào biến đổi khí hậu.
Với tất cả những ảnh hưởng nghiêm trọng nói trên, nên coi ngành du lịch như một "con gà đẻ trứng vàng" cần phải được bảo vệ và nuôi dưỡng bằng mọi giá. Đặc biệt là trong giai đoạn cận kề khủng hoảng môi trường và xã hội này, chính phủ và các cơ quan liên chính phủ như Liên hợp quốc nên ưu tiên những nhu cầu thiết yếu của người dân, đặc biệt là an ninh lương thực. Những nhà hoạch định chính sách nên tiếp cận một cách có trách nhiệm hơn với ngành du lịch, bằng cách tạo nên các khuôn khổ pháp lí và quản lý chặt chẽ hơn, đồng thời bảo đảm khả năng thực thi những quy định này trong ngành du lịch.
Trên đây là toàn bộ những kiến thức tôi đã thu được trong thời gian thực tập tại điểm du lich Sa Pa. Trong quá trình thực hiện đề tài, ngoài sự nỗ lực của bản thân, em còn được sự chỉ bảo tận tình của các giáo viên hướng dẫn, sự giúp đỡ của các cán bộ xã San Sả Hồ và xã Lao Chải cùng các cán bộ, nhân viên trong công ty. Đến nay đề tài đã được hoàn thành, với sự kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc em xin chân thành cảm ơn:
Cô Lê Thị Thanh Hoa, giảng viên khoa Du lịch trường Cao đẳng Công nghiệp Việt - Hung.
Ban quản lý VQG Hoàng Liên đặc biệt là ông Nguyễn Tiến Khoát, giám đốc VQG. Ông Nguyễn Văn Toàn và ông Nguyễn Văn Sơn cán bộ 135 xã San Sả Hồ và xã Lao Chải. Các thầy cô giáo và các bạn đồng nghiệp đã tận tình giúp đỡ, truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm quý báu và đã giành những tình cảm tốt đẹp khuyến khích động viên em trong thời gian học tập cũng như trong quá trình hoàn thành báo cáo thực tập tốt nghiệp.
Mặc dù bản thân đã hết sức cố gắng, song bài báo không tránh khỏi những thiếu sót, em rất mong nhận được những ý kiến đóng góp xây dựng quý báu của các thầy cô giáo và các bạn.
Em xin chân thành cảm ơn!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Nghiệp vụ Kinh doanh Du lịch Lữ hành - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - Tiến sỹ Trần Nhoãn - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Hà Nội - 2002.
2. Tổng quan du lịch - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - Hà Nội - 2005 - Tiến sỹ Trần Nhoãn
3. Giáo trình Nghiệp vụ Lữ hành - Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân - Hà Nội - 2005 - Chủ biên: GS-TS Nguyễn Văn Đính.
4. Dân tộc học Đại cương - Nhà xuất bản Giáo dục - Chủ biên: Lê Sĩ Giáo - Tái bản lần thứ 11.
5. Nghiệp vụ Hướng dẫn Du lịch - Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội - Đinh Trung Kiên.
6. Sổ tay du lịch: 101 điều cần biết cho người du lịch - Nhà xuất bản Thanh Niên - Phạm Công Sơn.
7. Giáo trình Văn hóa Du lịch - Nhà xuất bản Hà Nội - 2008 - Sở Giáo dục và Đào tạo - Chủ biên: Lê Thị Vân.
8. Nghiệp vụ Hướng dẫn Du lịch 1 - Bộ công thương - Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt - Hung - Khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch.
9. Cơ sở Văn hóa Việt Nam - NXB Giáo dục - Trần Ngọc Thêm
Tên các trang web:
- www.sapatravelguide.com
- www.sapalaocai.com
- www.dulichviet.com
- www.dulichag.com
- www.dulich-sapa.com
- www.sapaluxurytour.com
- www.dulichthienthai.com
- www.dulichchanz.com
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top