CHƯƠNG I
Tiếng chuông báo thức từ điện thoại lại làm tôi uể oải. Ai bảo sinh viên khoa thanh nhạc là nhàn nhã. Sáng nào cũng phải luyện thanh đến mệt rã rời, lại còn chịu đựng bao chuyện cạnh tranh xích mích. Nhớ ngày biết bản thân đậu vào Nhạc viện, tôi đã vui đến phát điên, đi khoe ầm ĩ. Tưởng rằng cuộc đời đến đây là chẳng cần gì, thế nhưng vào rồi mới biết, như địa ngục thật sự. Mọi khó khăn dường như đổ dồn từng ngày một. Vừa suy nghĩ miên man, tôi vừa thay vội bộ quần áo, nhanh chóng bước ra khỏi cửa phòng. Khi mang đôi giày thể thao, tôi mới phát hiện ra chúng dính đầy bùn đất. Tôi thở dài ngao ngán, lại là bọn họ, đám người phiền toái thích chơi trò trẻ con. Lấy cuộn khăn giấy trên bàn lau sạch giày, tôi lầm bầm vài câu bâng quơ rồi chạy đến lớp.
Không khí trong lớp thanh nhạc vẫn nhàm chán như mọi ngày. Giáo viên thanh nhạc - thầy Vũ Hoài Phong đang giảng nhạc lý bằng chất giọng đều đều cứng nhắc. Tôi cố gắng đi thật khẽ vào lớp, nhưng vẫn không thoát khỏi ánh mắt tinh tường của các bạn học. Tôi cố né tránh những ánh mắt săm soi, bước thật nhanh vào chỗ ngồi của mình. Đặt chiếc ba lô trên bàn, tôi thở phào nhẹ nhõm. Dù sao cũng không trễ giờ lắm. Liếc lên bục giảng, thầy Phong vẫn như mọi ngày. Chiếc áo sơ mi nâu, quần tây đen cùng cặp kính vuông trên khuôn mặt lạnh lùng khiến thầy trông già dặn so với cái tuổi 28. Ấy thế mà các cô nữ sinh lớp trung cấp thanh nhạc này lại say mê thầy như điếu đổ, chính cái vẻ trầm lặng xa cách lại khiến các nàng trộm nhớ. Tôi là trường hợp đặc biệt, là nữ sinh duy nhất thường xuyên bất đồng quan điểm với thầy. Tôi lên án cách giảng dạy nhàm chán của thầy, thầy lại chê chất giọng mỏng nhẹ thiếu kỹ thuật của tôi. Và thế là sau những tranh cãi, tôi nghiễm nhiên trở thành cái gai trong mắt các vệ tinh vây quanh thầy. Từ khi học ở đây, tôi chẳng có nổi một đứa bạn là nữ, xung quanh chỗ ngồi của tôi chỉ toàn nam nhân. Thật đúng là chuyện buồn kéo dài không hồi kết.
- Tôi tạm thời nói tới đây, em Nguyễn Linh Nhi có ý kiến gì không ạ?
Hơn mấy chục ánh mắt đổ dồn về phía tôi, rồi đồng loạt cười rộ. Thầy dè chừng tôi tới vậy à, cũng đúng thôi, trong mắt thầy tôi chỉ là một con bé bướng bỉnh, hay lý sự. Chết thật, họ lại cười nhạo tôi. Tôi ngẩng mặt lên, hướng mắt về phía trước, bắt chợt gặp một khuôn mặt đang cười đểu. Gia Hân, cô ả chắc hẳn đang khoái chí. Cô tiểu thư kiêu kỳ không lúc nào để tôi yên, luôn là kẻ bày đầu đám con gái phá rối tôi. Được rồi, nếu cái người muốn xoay tôi như một cái chong chóng, tôi sẽ mình giang cánh mà xoay mạnh trong gió. Mặc kệ những ánh mắt ác ý, tôi bình tĩnh đứng dậy, dõng dạc nói với thái độ tự tin ngút trời :
- Sao thầy phải hỏi em câu này? Hay là thầy tự cho rằng thấy trình độ của mình không bằng một sinh viên, nên phải hỏi ý kiến sau khi giảng xong?
Không khí xung quanh bất chợt im bặt một lát, rồi bắt đầu xôn xao. Cậu bàn ngồi cạnh nháy mắt với tôi, thì thầm vài câu gì đó. Dù không để tâm, tôi vẫn nghe loáng thoáng được là "xin lỗi thầy đi ". Sao phải xin lỗi chứ, chính thầy đang tạo cơ hội để mọi người cười nhạo tôi, tôi chỉ đáp trả thôi, đó chính là bảo vệ bản thân. Tôi nhìn thẳng về phía thầy Phong. Khuôn mặt lạnh nhạt của thầy chợt ửng đỏ, lộ rõ vẻ tức giận, nhưng chỉ vài giây nhanh chóng trở lại bình thường. Thầy nhìn tôi, mỉm cười, tuy nụ cười không mấy thân thiện nhưng có gì đó rất lạ. Sau đó thầy chậm rãi thốt ra câu nói, nhẹ nhàng nhưng lại như một cú đánh vào cái tâm lý rối loạn của tôi.
- Cái tính háo thắng và bướng bỉnh này, em nên kiềm chế. Dù cho sau này em muốn trở thành giáo viên thanh nhạc, hay thậm chí là ca sĩ, tính cách này sẽ kéo em xuống vực.
Câu nói này, đã chạm vào nỗi lòng ẩn khuất bấy lâu của tôi, chạm vào giấc mơ to lớn mà tôi vẫn đặt hết niềm tin vào đó. Đúng rồi, một ca sĩ không thể nào bướng bỉnh, muốn nói gì thì nói. Một ca sĩ không thể có chất giọng quá mỏng nhẹ, chỉ thiên về cảm xúc mà đánh mất kỹ thuật như tôi. Thầy Phong có lẽ đã đánh giá đúng. Tôi bỗng thấy lòng mình nặng trĩu. Buồn, muốn bật khóc, nhưng lại không thể khóc được. Có lẽ từ lúc trở thành sinh viên, nước mắt đã trở thành một thứ vô cùng xa xỉ. Công việc mọi thứ quay cuồng, tôi chẳng còn thời gian để rơi nước mắt, tưởng như quên rằng mình đã từng biết khóc ...
Tối hôm đó, tôi nằm lì trên giường. Ký túc xá nữ về đêm khá yên tĩnh. Điều này dễ hiểu, vì nữ sinh khoa này chia ra làm hai trường phái. Các cô gái ngoan hiền sẽ ở lại ký túc xá, còn lại sẽ đi bar, club hoặc rong ruổi tại nơi nào đó ở Sài Gòn này. Tôi không thuộc trường phái nào cả, có hứng thì lê la quán vỉa hè, không hứng thì ôm trọn chiếc giường. Hôm nay tôi cảm thấy mệt mỏi, tinh thần suy giảm trầm trọng. Những lúc thế này, tôi nhớ quê hương, nhớ gia đình, nhớ cả Nam Kha.
Tôi vốn là dân miền biển, từ lúc sinh ra đã quen với làn nước trong xanh, quen với những bãi cát trắng tinh lặng lẽ tiếp những con sóng tấp nập. Trong ký ức của tôi, ngoài cha mẹ và em trai, còn có mảnh ghép quan trọng khó phai mờ, chính là Nam Kha. Nam Kha là cậu bạn chí cốt, gắn bó với tôi cả tuổi thơ lẫn thanh xuân. Lúc nhỏ, tôi hay gọi cậu ấy là Hận, sau này đi học mới biết đó không phải tên thật, mà chỉ là tên ở nhà. Tôi nghe mẹ kể, cha của Nam Kha bỏ đi khi cậu ấy vừa tròn một tuổi, mẹ Nam Kha vì giận ông ấy mà gọi cậu là Hận, gọi nhiều đến nổi mọi người xung quanh quên mất tên thật. Tôi thân với Nam Kha từ nhỏ, hai đứa như cặp bài trùng không tách rời. Tôi nhớ da diết những ngày cuối tuần, cả hai nhặt những vỏ sò, vỏ ốc trên bãi biển, sau đó làm quà lưu niệm để bán cho khách du lịch. Tôi nhớ da diết những hôm trời giông gió, Nam Kha ngồi cùng tôi cả buổi chiều, cùng tôi đợi chiếc thuyền đánh cá của cha trở về an toàn. Lên cấp 3, tuy việc học bận rộn, nhưng cuối tuần chúng tôi đều ra bãi biển, ngồi trên những phiến đá lớn. Trong ký ức của tôi, Nam Kha là một chàng trai cao gầy, làn da rám nắng, khuôn mặt đẹp trai với đôi mắt sáng tinh anh. Khi ngồi cạnh nhau, Nam Kha thường cặm cụi đọc sách, còn tôi ngồi ngắm cậu ấy. Dưới ánh nắng sớm, đôi mắt Nam Kha lại càng sáng, sáng như sao trời. Tôi hay hát vu vơ cho Nam Kha nghe. Mỗi lần như vậy, cậu ấy đều nói sau này tôi sẽ làm ca sĩ. Lúc đó tôi chỉ cười, cho rằng mơ ước viển vông, không ngờ sau này lại dựa vào nó mà thi đậu Nhạc viện. Năm chúng tôi vừa học xong lớp 11, bất ngờ cha của Nam Kha trở về, một mực đòi nhận nuôi cậu. Trái ngược với suy nghĩ của mọi người, mẹ của Nam Kha đồng ý, vì muốn cậu có một tương lai tốt đẹp hơn. Điều này đồng nghĩa với việc Nam Kha phải rời bỏ hòn đảo gắn bó như máu thịt này, rời bỏ mảnh đất Bình Thuận để ra Hà Nội. Đêm cuối cùng trước khi đi, tôi và Nam Kha ra bờ biển ngồi ngắm sao. Trong khi tôi khóc nức nở, Nam Kha vẫn bình thản, mặc dù hai mắt đã hoe đỏ. Tối hôm đó, Nam Kha nói nhiều, nhiều đến mức tôi không nhận thức được, và cũng nhớ nổi. Sáng hôm sau, Nam Kha rời đi. Tôi còn nhớ rõ lúc đó bản thân níu chặt tay áo cậu ấy, nước mắt rơi lã chã. Mẹ của Nam Kha rất mạnh mẽ, không khóc, chỉ nói với tôi "con có thương thằng Hận, con để cho nó đi". Sau đó gần như tôi mất hoàn toàn liên lạc với Nam Kha, cuộc sống như đánh mất gì đó rất quan trọng. Thi nhiều cuộc thi văn nghệ, được nhiều giải thưởng lớn nhỏ, tôi được khuyên nên thi vào Nhạc viện. Tôi cố gắng thử sức, cuối cùng cũng đậu. Cha mẹ và họ hàng đều vui mừng, nói tôi không cần phải lo về tiền bạc. Nhưng tôi vẫn nhận thức được gia đình mình không giàu có, nên đã chủ động tìm việc làm thêm khi bắt đầu vào học. Cuộc sống như thoi quay, thấm thoát hai năm ròng rã. Mỗi lần về thăm nhà, tôi đều chạy sang nhà Nam Kha để hỏi thăm tin tức. Được biết cậu ấy có về thăm mẹ, nhưng thời gian ở lại rất ít, có lẽ do bận học. Tôi đã thử gọi điện thoại, nhắn tin nhưng vô ích, thông tin liên lạc có lẽ đã được thay đổi. Cái tên Nam Kha dần dần lùi sâu vào ký ức, vào quá khứ, vào bầu trời lấp lánh đầy sao của đêm chia tay.
Nam Kha, tôi thật sự nhớ cậu....
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top