read at your own risk.
Tôi nheo mắt lại để nhìn cho rõ biển số của chiếc xe con cũ kĩ đang từ từ nhả ga và tấp vào lề đường - tấm biển vàng chói hơi lóe lên dưới ánh đèn đường của con phố đã về đêm, chỉ vừa đủ để ta nhận ra hình dáng mơ hồ của những chữ số trên đó.
Hẳn là nó rồi.
Chiếc xe chầm chậm nhích thêm một ít nữa trước khi dừng hẳn lại một tiếng xịch trước mặt tôi như một sinh vật sống, chậm chạp và mệt mỏi. Có lẽ nó, cũng như mọi vật khác trên khắp phố phường này đã bị cái ngủ lẩn trong bóng tối làm cho mụ mị cả đi rồi.
Ông lái xe hơi ngả người sang ghế phụ lái rồi nhìn tôi qua lớp kính tối màu để xác nhận.
Tôi nhẹ nhàng gật đầu đáp lại rồi bước lên xe.
Không rõ vì lí do gì mà hôm nay tôi quyết định ngồi ghế phụ lái luôn thay vì ra băng sau.
Chiếc xe lướt nhanh trên phố đêm im lặng.
Dưới vô vàn ánh đèn đường vụt qua chớp tắt, những nét góc cạnh và từng nếp nhăn trên gương mặt ông như được bàn tay người thợ vẽ đổ bóng một cách điệu nghệ - những dấu tích của thời gian không thể xóa nhòa.
Ông trông hơi khắc khổ - có lẽ nó không đến từ số năm mà ông đã sống trên đời, mà là từ số năm ông đã sống trong đời. Ánh nhìn của ông bình tĩnh đến lạ thường, chỉ vừa đủ để nhận ra ông vẫn còn những cảm xúc như bất kì ai khác, chỉ là chúng được ém sâu dưới mặt hồ tĩnh lặng ấy mà thôi. Duy chỉ có nét mệt mỏi là vẫn phảng phất đâu đó trong phản chiếu của mọi thứ mà ông nhìn vào, tô lên cho chúng một màu xám thật ảm đạm.
Cuối cùng ông cũng lên tiếng để phá vỡ bầu không khí im lặng:
"Đi học thêm hả con?"
"Dạ."
Trái lại với sự điềm tĩnh của ông, tôi trả đáp lại hơi gấp gáp, như sắp nuốt luôn chữ duy nhất trong câu trả lời của mình.
"À, cực quá ha. Năm nay nhiêu tuổi rồi?"
"Dạ mười bốn... Còn ông thì sao ạ?"
Ngồi im mãi thế này tôi cũng thấy có lỗi quá.
"Ông cũng gần bảy mươi rồi con."
"Vậy... là trước giải phóng ạ?"
Một câu hỏi gợi mở rất phổ biến và hiệu quả, nhất là với những người ở độ tuổi này. Dù gì thì đó là một sự kiện mà ai cũng biết - rất dễ nói chuyện.
"Ừa, từ hồi xưa, lâu lắc rồi! Từ cái hồi mà người ta còn chưa gọi chỗ này là thành phố Hồ Chí Minh đâu, hồi dân chúng kêu là Sài Gòn á!"
"Dạ, con có biết."
Dường như có gì đó mãnh liệt trong ông phản ứng với cụm từ "trước giải phóng" - dường như không chỉ là một sự kiện, mà nó là một khoảng thời gian, một cuộc sống xưa cũ nào đấy mà tôi không biết được. Tôi muốn nói rằng ông đang sống lại quá khứ, nhưng có lẽ ông chưa từng thật sự rời khỏi những năm tháng đó vì một lí do không rõ.
Rồi ông bắt đầu kể cho tôi nghe những mẩu chuyện nho nhỏ rời rạc về cuộc đời mình, cả vui lẫn buồn, thậm chí là đau khổ - ấy hẳn là những mảnh kí ức vẫn còn rõ ràng nhất gợi nhớ cho ông về những ngày tháng xa xôi kia. Ông còn kể về những người đã "cho Sài Gòn sự sống", từ ông Võ Văn Kiệt lẫy lừng tăm tiếng đến những người nhỏ bé mà chẳng ai còn nhớ mặt nữa: từ những ông bán báo dạo cho đến những bà hàng rong, anh đánh giày trên con phố tấp nập hay cô thợ may ở một góc đường vàng lá thu nào đó. Qua lời kể của ông, họ đều quan trọng, mọi người đều có một câu chuyện, một cuộc đời đáng được nhớ đến, từng người là từng tia sáng nhỏ bé mà cùng nhau đã thắp lên vẻ tươi sáng cho Sài Gòn.
Đôi mắt ông lúc này sống động hơn bao giờ hết, nó đanh lại như để ngăn dòng nước mắt chực trào ra từ vô vàn những cảm xúc thi nhau ùa về theo dòng hồi ức. Trong đôi mắt ấy có cả yêu và ghét, niềm vui và nỗi buồn, hi vọng và tuyệt vọng, sự hối tiếc và bằng lòng, tất cả dường như quá nhiều cho một kiếp người. Phải chăng nét khắc khổ và vẻ cam chịu của ông đến từ những năm tháng lăn lộn trong thành phố này? Ông yêu Sài Gòn, điều đó không thể chối cãi, nhưng đó hẳn là một tình yêu buồn, đầy đau đớn và hối hận. Đó hẳn là một thứ tình cảm ông không thể vứt bỏ mà buộc phải học cách chấp nhận, và để nó trở thành một phần của ông, để dù đó có là nỗi đau đi chăng nữa, cũng sẽ không thể xóa nhòa, không thể thiếu đi được. Có lẽ rất lâu sau, đến tận bây giờ, khi mây trắng đã kéo về trên luống tóc, ông mới cảm thụ hết vẻ đẹp gai góc của thành phố này một cách an nhiên...
Xe lại dừng kêu một cái xịch, giọng thông báo vô cảm từ chiếc điện thoại phát đều mấy tiếng: "Đã tới vị trí trả khách." cắt ngang dòng suy nghĩ. Tôi tự hỏi những mẩu chuyện của ông đã dừng lại ở đâu trên suốt chuyến xe này, và còn những gì nữa mà tôi sẽ không bao giờ được nghe kể?
"Thôi ông đi nha con."
"Dạ rồi, con chào ông ạ." Tôi nói rồi bước ra khỏi xe.
Ông quay đầu xe rồi chạy đi, cánh tay vẫy vẫy chào của ống vẫn ẩn hiện loáng thoáng sau lớp kính mờ. Chẳng hiểu sao tôi có cảm giác mình như mình đã mất đi một thứ gì đó quan trọng lắm, một khoảng trống không thể lấp đầy.
Chiếc xe lăn bánh đi, để lại cho tôi những kí ức mong manh của một người mãi sống trong quá khứ: những câu chuyện về Sài Gòn, thành phố non trẻ nặng tình lịch sử - một thứ lịch sử gắn liền với con người. Có lẽ một ngày nào đó tôi sẽ quên đi những câu chuyện này, hay không tin vào chúng nữa, nhưng tôi cầu mong cho nó không xảy ra. Bởi cũng như tất cả những người nhỏ bé mà không ai còn nhớ nữa trong suốt cuộc đời dài đằng đẵng của ông, tất cả đều đáng được tôn vinh, cả ông cũng vậy. Nếu một ngày lịch sử bỏ quên những con người ấy, tôi dám hi vọng rằng mình vẫn sẽ nhớ, bởi vẻ đẹp trọn vẹn của lịch sử, của đất Sài Gòn này không sống dậy qua những con chữ khô khan trên trang giấy đã úa vàng, mà là qua những câu chuyện, những con người, những người đã nhìn, đã nghe, đã sống, đã để dấu chân, hay thậm chí là cả tâm tư cuộc đời mình lại trong những tháng ngày xưa cũ ấy.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top