Tôi tự hào về con tôi

 Mẹ Châu 

Tôi hiện đang là giáo viên của một trường Trung học tại quận 3, thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM). Công việc suôn sẻ, được sự chia sẻ của chồng con, tôi đã tin rằng mình là người phụ nữ hạnh phúc nhất. Cho đến một ngày, tôi biết được sự thật: con mình là người đồng tính nam. 

Con trai tôi sinh năm 1994, hiện đang là sinh viên của một trường Đại học tại TP. HCM. Là cậu con trai duy nhất trong gia đình gồm ba chị em, cháu có tính tình khá hiền lành và nhút nhát. Cũng vì lẽ đó, là một người mẹ, tôi luôn dành sự quan tâm cho cháu và thời gian để chia sẻ cùng cháu mọi chuyện: trường lớp, bạn bè,... Tôi tin rằng, điều đó sẽ giúp tôi hiểu cháu thêm để có mặt mỗi khi cháu cần. Và tôi cũng thường dạy các con tôi rằng: không điều gì có thể so sánh được với tình cảm gia đình. Bọn chúng rất ngoan, và lúc đó, tôi cảm thấy rất tự hào về gia đình của mình. Một sự tự hào đầy đẹp đẽ.

"Tay chân tôi rụng rời. Nhìn con ngủ, tôi đau như cắt."

Con trai tôi lớn lên với bản tính trầm tính, ít nói. Nên khi cháu bước vào tuổi dậy thì, tôi luôn cố gắng hỏi han con trai mình nhiều thứ nhất có thể. Bản thân tôi biết, đây sẽ là một giai đoạn khó khăn nếu cha mẹ không hỗ trợ kịp thời cho con cái biết những thông tin về sức khỏe giới tính. Tôi chuẩn bị quần áo, nói chuyện cùng con, lắng nghe những thắc mắc của con, rồi tìm kiếm thông tin để có thể cho cháu những điều đúng nhất về mình. Có thể nói, chúng tôi như hai người bạn thân của nhau. Tôi hay tâm sự với cháu nghe những lúc buồn, còn cháu khi cần luôn hỏi tôi, bất kể đó là điều gì.

Đến năm cháu 16 tuổi. Bạn bè mới, trường học mới và những biến đổi mới trong tâm lý của một cậu con trai phần nào đã làm cho cháu cảm thấy bị áp lực. Đêm đến, ba mẹ con nằm cạnh nhau, đôi lúc, tôi thấy cháu khóc. Một cậu trai hiền lành, ít nói, nhưng khóc hẳn có điều gì làm cháu suy nghĩ. Một đêm, hai đêm rồi nhiều đêm, xót con làm cho tôi mang cảm giác bất an. Một đêm, tôi đợi cháu ngủ thật say, và tôi đã đọc trộm tin nhắn của con. Dù biết, điều đó thật bất lịch sự, nhưng tôi tin nó sẽ cho tôi biết con tôi đang trải qua chuyện gì. Đọc tin nhắn của con xong, tôi cố nén cho mình không bật khóc. Tôi chới với ngồi tựa lên giường như thể mặt đất dưới chân mình đang biến mất và không còn cách nào trụ nổi. Những tin nhắn của con trai tôi và người thầy giáo sinh hiện ra đầy mùi mẫn. Nó không thể là tình cảm thầy trò. Đó chỉ có thể xuất hiện bởi hai người yêu nhau. Và là những người yêu nhau đang giận hờn nhau. Tay chân tôi rụng rời. Nhìn con ngủ, tôi đau như cắt. Tôi cảm thấy thật sự ghê sợ những gì tôi đã thấy.

"Tôi tự trách mình, tại sao lại có thể vô tâm trước những vấn đề của con cái như vậy được?" Ngồi nhớ lại những lần cháu xin phép tôi đi ra ngoài chơi cùng bạn, tôi mới nhận ra mình thật sự đã kém tinh tế như thế nào. Bạn bè cháu, với tôi, cũng là con cháu trong gia đình. Đôi lần, cháu vẫn hay dẫn bạn bè trên lớp về chơi, tôi vẫn nấu ăn một món gì đó cho bọn trẻ. Rồi tôi cũng tâm sự với chúng mỗi khi cần. Với tôi, người mẹ không chỉ đơn thuần là người sinh ra và dạy dỗ con mình, mà còn phải là người chia sẻ cùng bạn bè của con. Nên những lần cháu xin phép đi ra ngoài, mà là đi bộ ra tận đầu hẻm, tôi cũng thắc mắc. Nhưng con trai tôi bảo là bạn ngại đến nhà không dám vào. Tôi cũng không thích can thiệp quá sâu đến con, nên cũng chỉ dặn dò con đi về đúng giờ giấc. Bây giờ thì nghĩ lại, nếu không có điều gì kì quặc, thì tại sao lại hẹn hò ngoài đầu hẻm? Phải đó là người giáo sinh trong điện thoại này không? Rất nhiều câu hỏi đặt ra như cào xé tim tôi. Tôi những tưởng tất cả sự việc tôi chứng kiến đêm đó đã giết tôi chết.

Và mặt khác, nói đến đây tôi mới để ý, rằng bạn bè cháu gần như là bạn nữ. Không một bạn nam nào. Như lần sinh nhật năm lớp 9, tôi có tổ chức cho cháu một buổi sinh nhật trước khi chuyển cấp. Bạn bè đến tham dự lần đó đều là nữ. Đã vậy, ngay từ nhỏ, rất nhiều lần, cháu chỉ thích chơi những trò chơi nhẹ nhàng của các bạn nữ, không thích những gì mạnh bạo của bạn nam. Các dì cũng hay cất nhắc tôi nên để ý, nhưng tôi từ chối đây đẩy. Vì với tôi, con trai tôi chỉ hiền chứ không thể như các dì nói được. Nói là nói vậy, tự dưng, trong đêm đó, những ký ức trở thành kinh khủng đối với tôi. Tôi tự trách mình, tại sao lại có thể vô tâm trước những vấn đề của con cái như vậy được? Làm sao tôi có thể tự hào mình là một bà mẹ giỏi khi ngay cả những biến đổi "kỳ quặc" xuất hiện trong con mà tôi lại không biết? 

Kìm nén tất cả những suy nghĩ đang dày vò mình, tôi quyết định im lặng đến khi nào con tôi chấp nhận nói cho tôi sự thật. Sáng hôm sau đó, tôi vẫn im lặng không nói ra những gì mình đã thấy. Dĩ nhiên, đã có những thay đổi trong cách ứng xử với con, bản thân tôi vẫn còn đang bị sốc. Con trai tôi vẫn không hề mảy may hay biết những chuyện tối qua. Cháu vẫn tươi cười, và chào tôi để đến trường như mọi ngày. Tôi đau lòng khi nhìn thấy con mình đang nói dối mình nhiều hơn mình tưởng. 

"Tôi đã có thể nhìn thấy ánh mắt vừa ngỡ ngàng, vừa bị tổn thương của con trai mình diễn ra như một thước phim quay chậm."

Vài ngày sau đó, cháu vẫn đôi lần xin phép tôi cho ra ngoài đi chơi cùng bạn. Tôi im lặng đồng ý và cũng hỏi tại sao con không đưa bạn vào nhà. Vẫn câu trả lời cũ. Tôi đã rất tức giận khi biết cháu vẫn tiếp tục nói dối tôi. Lúc đó, tôi chỉ muốn gào thét lên cho cháu biết rằng tôi đã biết nhiều như thế nào, đọc được những tin nhắn như thế nào và đau đớn như thế nào.

Vào một đêm, khi con trở về nhà, tôi nói với con trai mình rằng, tôi muốn được trò chuyện cùng cháu. Tôi đem lại câu chuyện cũ về người bạn đợi nơi đầu hẻm, và tôi muốn cháu nói sự thật. Con trai tôi lúc đó trở nên bối rối, cháu ấp úng với việc "cậu bạn con ngại vào nhà". Tôi tra hỏi và nói với con trai tôi rằng tôi không tin những gì cháu đang nói. Tôi đem việc tôi đã xem qua nhũng tin nhắn của cháu với người giáo sinh, những giận hờn trong từng câu chữ đi theo sự nóng giận của tôi tuôn hết ra ngoài. Tôi đã có thể nhìn thấy ánh mắt vừa ngỡ ngàng, vừa bị tổn thương của con trai mình diễn ra như một thước phim quay chậm. Con trai tôi im lặng. Không kiểm soát được mình, tôi cầm vội lấy con dao, và cầm đưa về phía cháu, nói rõ ràng từng từ "Mày giết chết mẹ đi, chứ đừng như thế này". Tôi gào thét thật lớn như để cơn ấm ức của mình tiêu tan theo nó. Mấy ngày qua, là suốt mấy ngày tôi chịu đựng những lừa dối từ đứa con trai mà mình hết mực yêu thương. Đó là sự phản bội những kỳ vọng mà mình đã đặt ra cho cuộc đời của nó. Chứng kiến cảnh đó, con trai hoảng loạn. Có lẽ chưa bao giờ cháu cảm thấy mẹ mình hoảng loạn đến như vậy. Cháu kêu gào theo tôi, ôm lấy chân tôi và cầu xin tôi đừng làm những điều dại dột. Tôi còn nhớ những lời cháu nói khi đó: "Con xin mẹ, xin mẹ hãy tin con, con không phải là thứ bỏ đi, mẹ sẽ tự hào về con mà". Đêm đó, hai mẹ con tôi ôm nhau khóc. Trái tim tôi như tan nát khi con trai tôi đã không một thái độ chối từ khi tôi nói về giới tính của con.

Sau đó, tôi lại hoang mang khi phải đối mặt với chồng mình. Làm sao để nói chuyện này cho anh hiểu mà không trở nên giận dữ như tôi đã làm với con hôm đó? Vì vốn dĩ, con trai tôi sợ cha từ nhỏ. Bản tính hiền lành của thằng bé luôn bị anh trách móc, la rầy. Còn về chồng tôi, vì tính tình có phần gia trưởng và những suy nghĩ còn cũ, tôi hiểu, nếu tôi nói cho anh nghe về đồng tính, anh sẽ vô cùng khinh miệt. Nhưng nếu để anh chờ đợi đến ngày anh phát hiện ra điều đó, con tôi càng gặp khó khăn. Thế là, tôi quyết định, dù khó khăn dường nào, tôi cũng sẽ nói ra cho anh hiểu. Và trong một buổi chiều không có các con ở nhà, tôi đã nói thật với anh những gì tôi biết. Vừa nói, cảm giác đau trong tôi vẫn còn âm ỉ. Nhưng trái với cảm xúc của tôi ban đầu, tôi có thể thấy chồng tôi hụt hẫng đến run người, nhưng anh đã không nổi giận và cáu gắt. Chồng tôi, vừa đóng vai trò người cha, vừa là người trụ cột với vợ mình, nên với anh đây là một việc khó khăn. Anh chỉ an ủi tôi "Thôi thì, mình xem nó như bị một chứng bệnh nan y mà không cách nào chữa trị. Mình sẽ phải nuôi nó đến suốt cuộc đời." Chồng tôi đã lựa chọn cách không can thiệp cũng như không quan tâm đến con nữa.

"Tôi cũng được biết thêm con tôi không mắc bệnh – đúng như bản năng của người mẹ đã mách bảo cho tôi."

Nghe anh nói, mà lòng tôi còn đau hơn cả khi tôi trò chuyện với con. Là giọt máu tôi và anh sinh ra, nó đâu phải bệnh hoạn gì mà phải cam chịu. Tôi không đành tâm nhìn con tôi như vậy. Tôi đã tự trách bản thân mình rất nhiều khi biết được sự thật này. Đêm đó, tôi đã dành cả một đêm thức trắng để nghĩ về những tháng ngày nuôi dưỡng con, tôi đã có làm gì sai dẫn đến hậu quả này. Tôi nghĩ về cách tôi nuôi dạy con trai mình, hoàn toàn mẫu mực, không thể có gì xảy ra. Còn về ăn uống, hay là do cách cháu ăn uống sai nên nhiều "nữ tính" hơn? Hay là gia đình ngoại tôi có nhiều nữ giới nên cháu bị ảnh hưởng? Không thể, chắc chắn là không, vì cháu rất nam tính, ngoài tính tình hơi im lặng và hiền lành mà thôi. Vậy mà lúc bấy giờ, tôi nhớ lại những hồ nghi của mình, cũng như câu nói của chồng đã làm tôi quyết định mình phải làm một điều gì đó.

Tôi sinh con ra được, thì tôi sẽ có cách để chấn chỉnh những sai lầm của con mình!

"Tôi muốn con tôi tự hào về tôi, như tôi luôn tin tưởng và tự hào về cháu."

Qua lời giới thiệu của vài người bạn thân và báo chí, tôi có hẹn với bên PFLAG – một hội dành cho cha mẹ, người thân của người đồng tính tại Việt Nam – vào khoảng cuối năm 2010. Lúc đó, tôi chỉ mang trong mình tâm trạng của một bà mẹ mong muốn thay đổi giới tính của con, để giúp con bớt đau khổ và chồng tôi cũng không cảm thấy khó chịu khi tôi chia sẻ với anh về điều này. Đó là một buổi trò chuyện giữa tôi, và thêm một người mẹ cũng có con đồng tính như con trai tôi, và nhiều bạn đồng tính trẻ khác. Tôi đã được chia sẻ chuyện của mình, tôi đã khóc khi mong tìm một cơ hội để chữa cho con trai tôi, và tôi phải làm gì để yêu thương con mình lại như xưa. Tôi đã gặp được may mắn. Tôi đã dốc hết lòng chia sẻ, các bạn trẻ đồng tính cũng hết lòng tâm sự. Các bạn chỉ cho chúng tôi – những người mẹ - về những nỗi đau mà con cái chúng tôi đang phải gánh chịu, và những lạc quan của tuổi trẻ các bạn – thứ mà chúng tôi luôn đau đáu khi nghĩ về con mình. Tôi cũng được biết thêm con tôi không mắc bệnh – đúng như bản năng của người mẹ đã mách bảo cho tôi. Và con tôi cũng không cần chữa. Cái cháu cần là tình yêu thương của gia đình. 

Càng nghe, tôi càng rơi nước mắt khi biết con tôi đã phải chịu đựng như thế nào. Và tôi thực lòng buồn khi tôi đã không chú ý đến cảm xúc của đêm tôi quát nạt cháu. Chưa bao giờ, tôi quên được mình đã từng làm tổn thương cháu. Tôi dù muốn dù không, phải thừa nhận cháu như cách cháu thừa nhận mình.

Cũng trong dịp đó, tôi cùng chị bạn – người đã có mặt với tôi trong buổi trò chuyện ngày hôm đó, đã được mời đến tham dự hội thảo tại Hà Nội để chia sẻ những trăn trở của mình. Hôm đó, đứng trước nhiều đại biểu, tôi đã kể câu chuyện của mình bằng tất cả trái tim của người mẹ. Đã khóc, đã có những khoảng lặng, đã có những tiếng vỗ tay như một lời chia sẻ. Lúc đó, tôi chỉ muốn gọi điện về cho gia đình tôi, cho con tôi để nói rằng tôi đang tự hào về việc mình làm như thế nào. Nhưng làm sao được, khi tôi chưa chuẩn bị tinh thần cho gia đình, nhất là tôi còn phải nói dối gia đình để tham gia hội thảo này bằng lý do "Công tác".

Tôi có thể nói dối mọi người. Nhưng tôi chưa bao giờ nói dối con tôi về việc mình đang làm. Tôi muốn con tôi tự hào về tôi, như tôi luôn tin tưởng và tự hào về cháu. Tôi nói để cháu hiểu rằng việc tôi muốn làm là bảo vệ con trai mình. Đáp lại với sự hồ hởi của tôi, cháu đã chọn giải pháp im lặng và có phần là chống đối. Tôi nghĩ rằng do cháu lo sợ. 

Lúc bấy giờ cháu có quen một cậu bạn trai. Gia cảnh cậu này mặt nào đó có phần đáng thương: cha cậu trai đó từ bỏ gia đình khi biết giới tính của con trai mình, mẹ cậu ta vì không chịu đựng được những khó nhọc đã tiến theo bước nữa. Hai lần đổ vỡ gia đình đã làm cho cậu ta trở nên tự ti và cảm thấy lúc nào mình cũng bị thua thiệt. Còn con trai tôi, vì quá yêu thương cậu ta nên đôi khi những hành động của cháu gần như đặt lợi ích của cậu bạn lên hàng đầu. Và tôi cũng nghĩ rằng việc cháu lo sợ là do một phần tác động của cậu bé này trong mối quan hệ của cả hai. Nhưng đó chỉ là những gì tôi nghĩ. Còn khi tôi càng cố gắng tìm hiểu xem việc gì đã làm cho con trai tôi sợ thì nó lại càng kịch liệt phản đối mạnh mẽ. Từ việc cháu nhắn tin cho tôi với những lời lẽ thật thiếu tôn trọng, đến đỉnh điểm là cháu đã đập nát máy tính xách tay của tôi, vì không muốn tôi tham gia bất cứ hoạt động nào để giúp đỡ cháu hay cộng đồng.

Chồng tôi lần đấy đã tát vào mặt con trai tôi vì hành động không tôn trọng mẹ. Còn tôi, là một người mẹ, tôi cảm thấy bị xúc phạm. Tôi khẳng định với con tôi rằng "Con sẽ không bao giờ biết những gì mẹ đã cảm thấy khi làm việc cùng những bạn như con đâu". Tôi đọc được trong mắt con tôi chịu thua sự kiên quyết của tôi.

Tôi hiểu, việc tôi nhìn nhận con, chấp nhận con chưa hẳn là đủ. Vì đối với con tôi, sự yêu thương của gia đình dường như chưa đủ lớn để con tôi có thể vững chãi hơn phía ngoài kia. Có một lần, khi năm cháu học 12, cô giáo chủ nhiệm đã mời tôi lên để nói về việc con tôi "bị lệch lạc giới tính" khi có biểu hiện thân mật với một cậu bạn trong trường. Ngay lập tức, tôi đã phản ứng trở lại để chỉ cho cô giáo ấy hiểu rằng, lời nói của cô trong trường hợp nào đó, nó sẽ làm xúc phạm danh dự của học trò. Khổ là vậy, ngay cả trong môi trường giáo dục cháu còn bị kỳ thị và khinh miệt.

Tôi chưa bao giờ trách cháu vì những phản ứng cháu đã làm. Vì tôi biết con mình, và tin tưởng nó biết làm điều gì là tốt nhất cho bản thân. Con trai tôi đang ra sức bảo vệ chính bản thân nó và người bạn mà nó chọn lựa. Và vì ai cũng có một thời tuổi trẻ để ra sức bảo vệ điều mình cho là đúng. Con tôi còn đang phải gánh chịu những lời bàn tán đầy khiếm nhã, những câu trêu ghẹo thiếu lễ độ và ánh mắt đầy kì lạ khi cháu và người bạn cháu ra đường. Báo chí thì rêu rao những điệp khúc về các vụ giết người đầy "đồng tính" và không có tính nhân văn.

Nhưng tôi cũng chưa bao giờ vì điều đó mà cho phép mình dừng chân, không cho mình thực hiện những gì mình đang cho là đúng. Tôi chỉ có con tôi, và tôi phải cố gắng làm mọi điều trước hết là cho con tôi, và sau là những đứa trẻ như con tôi. Khi chúng buộc phải cô độc trong cuộc đời mình, đối với tôi, điều đó là vô lý. Tại sao chúng ta phải đi xin người khác cái mà chúng ta có quyền được hưởng mà đã bị họ tước đi? Tôi là một nhà giáo, tôi dạy cho con tôi và học trò tôi những giá trị của đạo đức. Và tôi cũng đang thực hiện những điều mà đạo đức tôi đồng ý.

Còn con tôi, tôi tin sẽ có một ngày, con tôi hiểu được những gì tôi đang làm, để có thể tự tin và không còn e dè trước mọi người.

Tôi luôn tin là như thế.

"Tôi chỉ có con tôi, và tôi phải cố gắng làm mọi điều trước hết là cho con tôi, và sau là những đứa trẻ như con tôi."

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top