Gia đình là cuộc đời
Mẹ Hạnh
Hạnh phúc gia đình đối với tôi là một trong những thứ quý giá nhất trên thế giới. Với một người sớm mất cha mẹ như tôi, cuộc sống bây giờ với ba đứa con trưởng thành và một người chồng đã là tuyệt vời. Nhưng có lẽ, để có được điều đó, chúng tôi đã cùng nhau trải qua nhiều chuyện khó khăn.
"Có vẻ, ông cũng không khác gì tôi, bất ngờ đến mức im lặng"
Một buổi sáng, khi tôi vẫn tiếp tục công việc bán hủ tiếu thường nhật của mình, con gái của tôi gọi điện. Trong cuộc gọi vội vã, tôi nghe giọng cháu vừa thổn thức vừa nói "Thằng út, nó cãi nhau với ba, bỏ nhà đi rồi mẹ ơi". Ngay lúc đó, tay chân tôi bủn rủn vì nghe tin sét đánh.thằng con trai của chúng tôi, một thằng sinh viên năm hai không nghề nghiệp, lại bỏ nhà ra đi. Tôi lúi húi nhờ người trông tiệm và vội lấy xe về nhà để xem chuyện gì đã xảy ra. Thường ngày, hai cha con ít khi nào va chạm do biết tính khí không hợp. Nhưng chuyện cha con cãi nhau là thường tình, ai đời lại bỏ nhà ra đi khi cha mình la như vậy cơ chứ. Vừa giận vừa lo, tôi chạy như bay về nhà. Không rõ trên đường đi tôi đã khóc như thế nào. Chỉ biết là lúc đó, tôi đã rất chới với khi lo sợ mất đi đứa con yêu thương của mình.
Về đến nhà, tôi chạy ngay lên phòng con. Mọi thứ có xáo trộn đôi chút , quần áo vẫn còn để lại vài bộ. Nhưng balo mà cháu hay mang thì con trai tôi đã mang đi. Tôi gọi điện thoại vào số của con, hi vọng nó đi chưa xa. Nhưng không có tín hiệu trả lời. Tất cả vang lên bên tai tôi là tiếng chuông văng vẳng. Tôi chạy vội xuống nhà để hỏi xem chồng tôi thật sự chuyện gì đã xảy ra. Có vẻ, ông cũng không khác gì tôi, bất ngờ đến mức im lặng. Chồng tôi bảo hai cha con đã có một cuộc tranh cãi, và ông đã đuổi nó đi. Nhưng trong thâm tâm ông, chưa bao giờ, ông muốn đuổi đứa con hai vợ chồng dứt ruột sinh ra. Tôi vừa nghe chồng tôi kể, vừa khóc. Tôi thấp thỏm lo sợ điều gì xấu sẽ xảy ra với con trai chúng tôi.
Đối với một phụ nữ đã ngoài 50 như tôi, tôi hi vọng sao cho cuộc sống của mình trôi qua êm đềm với gia đình đầy đủ. Nỗi mất mát người thân từ bé đã gây cho tôi ít nhiều những tổn thương. May mắn thay, cũng như bao người phụ nữ khác, tôi cũng có được một cuộc hôn nhân kéo dài 34 năm. Với nhiều buồn vui, nhưng đối với tôi, gia đình này là tất cả tài sản quý nhất mà tôi có. Con trai tôi là một người đồng tính. Điều đó phần nào làm tôi đau lòng nhưng không thể tước đoạt tình yêu tôi dành cho nó. Tự nhiên lúc đó, tôi ngồi nhớ lại những ngày tháng mang thai con.
"Mọi thứ hoàn toàn vỡ vụn trước mặt."
Những năm còn trẻ, tôi đi làm cho một hãng dược. Mức lương công nhân viên chức phần nào giúp chúng tôi trang trải được kinh phí chăm lo cho hai cô con gái đầu. Nhưng bên chồng tôi là người Hoa. Áp lực về vấn đề duy trì nòi giống và gánh nặng lên vai chồng tôi, chúng tôi quyết định sẽ sinh thêm một thằng con trai. "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" cơ mà. Lúc ấy, tôi đã đắn đo rất nhiều, vì khi ấy, chế độ hai con đang được khuyến khích. Nếu có con thứ ba, tôi có nguy cơ bị mất chức, mất việc, mất chế độ sau nhiều năm tôi làm việc và phấn đấu. Nhưng tình yêu với gia đình đủ lớn để tôi quyết định sẽ giúp cho gia đình có thêm tiếng cười. Tôi quyết định cùng chồng tôi gieo hi vọng cho đứa con thứ ba. May mắn thay cho chúng tôi, đó là một cậu con trai kháu khỉnh.
Chồng tôi từ khi có con trai trở nên hứng khởi hơn, như thể vừa trải qua một niềm vui rất lớn trong cuộc sống. Còn tôi, gia đình đông con nên vất vả hơn tí nhưng không bằng niềm vui mà chúng tôi có được. Từ khi con còn bé, chúng tôi đã đặt gần như hi vọng cả vào con, lớn lên sẽ lấy một cô dâu hiền chăm lo cho cha mẹ, là một người thành đạt và có trách nhiệm với gia đình. Vậy đấy,đủ viễn cảnh chúng tôi vẽ nên cho cậu con trai út của mình. Vậy mà một ngày,tôi đau đớn khi nhận ra con mình là một người đồng tính. Mọi thứ hoàn toàn vỡ vụn trước mặt.
Năm cháu vào đại học, tôi cho phép cháu quyền tự do riêng tư như để cho con thấy, mình đang xem con như một cậu con trai trưởng thành. Nhưng có lẽ, tôi đã quá buông lỏng, nên việc cháu về nhà trễ mỗi tối trở thành một thói quen không kiểm soát được. Có nhiều hôm, cháu về nhà tận khuya làm tôi muôn phần lo lắng. Vì khi ấy, tôi không cảm thấy được, cháu có việc gì quá quan trọng để trở về nhà tận 11 giờ đêm. Nhắc nhở con một lần, hai lần, nhưng không được. Tôi đã lựa chọn một cách làm khác. Vì là hai mẹ con có sự đồng cảm với nhau từ nhỏ, cháu luôn quấn quýt lấy mẹ, nên tôi nghĩ sẽ là tốt cho con nếu tôi chia sẻ thật lòng. Tôi thắc mắc với con về những gì tôi nghĩ, và tôi cũng thẳng thắn nói với cháu cảm giác của cháu khi tôi về khuya. Trong một lúc, cháu đã ấp úng và nói rằng "Con đi cà phê với bạn bè". Là một người mẹ,tôi đủ nhạy cảm nhận ra con mình có điều chi che giấu. Tôi nói, tôi muốn đi cà phê cùng bạn bè của con (nhân tiện nói ở đây, mẹ con tôi có thể xem nhau như là một người bạn, điều gì con tôi cũng có thể chia sẻ cùng tôi). Thời điểm đó,tôi cũng muốn xem bạn của con tôi kết giao là loại người nào.
"Rồi tổ tông, ông bà có chê cười; dòng họ có chê bai gia đình tôi?"
Quán cà phê buổi tối vắng khách chỉ có tôi và con trai. Tôi gợi chuyện mình mong được gặp bạn của cháu. Và cuối cùng, có lẽ không thể thuyết phục được tôi, cháu buộc phải gọi điện cho bạn bè mình đến. Hôm đó, có thể xem là một ngày định mệnh với tôi, vì từ khi gặp bạn của con mình trở về, lòng tôi mang một nỗi bất an nhất định. Hai người bạn của con trai tôi gặp tối đó mang cách ứng xử của một người đồng tính. Con trai tôi có thể là người đồng tính – nỗi lo lắng duy nhất xuất hiện.
Từ hôm đó về nhà, tôi theo dõi cháu kĩ càng hơn. Từ dáng đi, cách ăn mặc và cả cách ứng xử, tôi còn yêu cầu cháu chấm dứt việc ra về quá khuya để cha mẹ khỏi mong cửa. Để đáp lại sự chia sẻ thật lòng của tôi, con trai út tôi đã giữ đúng lời hứa, đi học, về sớm và vui vẻ. Không khí gia đình tôi trở lại như xưa,nhưng với tôi chưa bao giờ là đủ. Tôi luôn tự hỏi, làm thể nào để tôi có thể cảm thấy yên tâm khi cháu vẫn giao du với những người bạn như vậy? Liệu có khi nào, do chơi cùng những người bạn đồng tính, cháu sẽ trở nên giống họ? Rồi tổ tông, ông bà có chê cười; dòng họ có chê bai gia đình tôi? Với cháu là đồng tính, ai sẽ là người nối dõi? Rất rất nhiều câu hỏi được đặt ra làm tôi hoang mang. Tôi, một phụ nữ của gia đình, phát hiện ra một sự thật ghê gớm nhất của gia đình. Làm sao tôi có thể chia sẻ?
Thú thật, khi ấy, lòng tôi hồ nghi là chính yếu. Nhưng hồ nghi càng lâu càng gợi cho người ta sự tò mò, thôi thúc muốn biết chính xác câu chuyện xảy ra là như thế nào. Tôi hay dò hỏi con về những người bạn của mình, nhưng khéo léo, cháu đều dẫn mọi thứ sang một câu chuyện khác và im lặng. Tôi trở nên ấm ức. Tôi đem chuyện này tâm sự cùng chồng, hi vọng người trụ cột trong gia đình có thể là người giải quyết những khúc mắc. Nhưng tôi đã làm một điều dại dột, hôm đó, tôi nhìn thấy sự thất vọng đến kinh ngạc hiện rõ trên gương mặt ông.
"Con cái nhiều khi ít khi nghĩ đến lòng cha mẹ, tôi nghĩ và trách cháu như vậy."
Như hôm con tôi bỏ nhà ra đi, tôi cảm thấy mình đã phải có một phần trách nhiệm cho việc cự cãi của hai cha con. Vì rõ ràng sau lần tôi kể cho ông nghe về băn khoăn của mình, mối quan hệ này đã trở nên căng thẳng. Và đỉnh điểm là lần này. Cả ngày hôm đó, gia đình tôi đứng ngồi không yên. Tôi thì như bị trơ trọi, ngồi trong phòng con, miệng luôn cầu xin cho con trai của tôi được bình yên vô sự. Thế là không khí cả nhà kéo dài sự mệt mỏi đến chiều, thì tôi nhận được cuộc điện thoại. Đó là của con trai tôi.Con trai tôi nói là sẽ đi vài ngày cho chồng tôi nguôi giận sẽ trở về, dặn tôi cứ yên tâm. Con cái nhiều khi ít khi nghĩ đến lòng cha mẹ, tôi nghĩ và trách cháu như vậy. Việc đứa con mình yêu thương bỏ đi, cứ như thể ném cha mẹ xuống một vực đau khổ, mà dặn cha mẹ hãy yên tâm. Cháu nói sẽ đi ở nhà một người bạn, sẽ đi học đầy đủ. Tôi nghe điện thoại xong, cúp máy và hi vọng. Đó là những gì tôi cần làm lúc này. Tôi hi vọng con trai mình sẽ ở nhà những người thật sự đàng hoàng. Vì nếu có chuyện gì, chính tôi sẽ là người ân hận suốt cuộc đời mình.
"Đọc cuốn nhật ký ấy, tôi mới hiểu con trai mình mệt mỏi như thế nào."
Trong những hôm cháu vắng nhà, nếu không đi bán là tôi lại lên phòng cháu dọn dẹp. Tôi chỉ mong con khi trở về là thấy phòng của mình cũng tinh tươm,sạch sẽ như thể cha mẹ luôn mong muốn con ở nhà. Con tôi là một người tinh ý, tôi tin là cháu hiểu.
Có một hôm, tôi đang dọn dẹp thì vô tình tôi lại nhặt được cuốn nhật ký của cháu. Đọc đến mỗi trang, tôi thấy trong cháu là cả một câu chuyện dằn vặt về chính bản thân mình. Cháu không thể có tình cảm với con gái, ngay cả khi cháu đã thử, vào năm lớp 12.
Năm đó, lớp cháu có một bạn nữ vô cùng thích cháu. Một bữa nọ, con trai tôi về kể, có một bạn nữ gửi cho cháu một sợi dây chuyền đôi. Cô bé ấy nói rằng,nếu như ngày họp lớp cuối cùng, con trai tôi đeo sợi dây ấy, cô bé sẽ không theo lời gia đình ra nước ngoài học. Còn không thì cô bé vẫn giữ ý định ban đầu và xin con trai tôi mang trả lại sợi dây. Cháu về kể với tôi, vừa cười vừa lo lắng, không biết liệu nên ứng xử làm sao. Tôi chỉ khuyên cháu hãy làm theo thứ mà cháu cho là ổn và đúng ý cháu nhất. Cháu ậm ừ và mân mê sợi dây chuyền ấy một lúc rồi xin phép tôi về phòng. Kết quả đã làm cho tôi bất ngờ đến nghi ngờ, khi cháu đã trả lại sợi dây chuyền ấy, và cô bé đã sang nhà tôi khóc với tôi một buổi trời. Cô bé ấy không phải xấu, nếu không nói là tốt. Vậy mà điều gì ở cô ấy mà con trai tôi chưa một lần chú tâm? Mãi đến bây giờ tôi mới hiểu, con trai tôi, đã cố gắng rất nhiều trong mối quan hệ đó, một mối quan-hệ-thử. Đọc cuốn nhật ký ấy, tôi mới hiểu con trai mình mệt mỏi như thế nào. Cháu gần như loay hoay trong mối quan hệ đó. Cháu đã bị dằn vặt. Và hơn ai hết, đọc những dòng đầy tuyệt vọng của con, sự sụp đổ của tôi ngay phút chốc đã biến thành tình yêu con đầy tha thiết. Tôi cần phải giúp con vượt qua khoảng thời gian này.
"Tôi tìm cách tâm sự với chồng tôi, nói về con và vấn đề của con mỗi ngày một ít."
Sau lần phát hiện ra cuốn nhật ký của cháu, tôi hiểu ra thêm nhiều việc, về tâm tư, tình cảm và nỗi lo sợ của con. Vậy mà tôi lúc nào cũng nghĩ mình có thể hiểu hết về cháu. Tôi tìm cách tâm sự với chồng tôi, nói về con và vấn đề của con mỗi ngày một ít. Tuy ban đầu, ông có vẻ khó chịu, nhưng dần dà, chồng tôi đã gần như không còn phản ứng vì những điều đó nữa.
Một tuần trôi qua, một hôm, có hai người nhận là bạn của con trai tôi đến xin gặp mặt. Nhìn dáng vẻ trưởng thành của họ, tôi cũng cảm thấy yên tâm phần nào khi những ngày qua con trai mình đã ở nhờ nhà họ. Một người là thông dịch viên, còn một người nối nghiệp kinh doanh gia đình. Họ đến xin phép cho con trai út tôi trở về nhà. Họ cũng bảo đảm rằng trong suốt một tuần qua con trai tôi đi học đều đầy đủ và ăn uống đàng hoàng. Tôi mừng đến muốn rơi nước mắt. Nhưng chuyện này cũng hãy còn liên quan đến cha của cháu,nên tôi cũng gọi cho ba của cháu để đưa ra quyết định. Những người trưởng thành đều có những điểm chung để hiểu nhau, tôi nghĩ vậy. Chồng tôi vẫn ngồi yên đó, lắng nghe và tỏ như thể chưa có chuyện gì xảy ra, dù tôi biết trong lòng ông rối bời. Hai người bạn của cháu ra sức thuyết phục. Còn tôi,luôn đặt những câu hỏi về nghề nghiệp của các cháu để cho chồng tôi an tâm về vấn đề của con mình. Bất kể giới tính nào cũng có những thành công nhất định, vì nó nằm ở bản thân mỗi người. Cuộc nói chuyện kéo dài nhưng không có một sự khó chịu nào. Con trai tôi trở về nhà sau đó vài giờ. Tôi vui mừng nhìn thấy con mình đến phát khóc. Đến lúc đó, tôi mới thực sự yên tâm rằng con mình đã bình an trở về.
"Và chính gia đình là nguồn động viên rất lớn để chồng tôi hiểu cháu và cháu sẽ mở lòng hơn với cha mình."
Con trai tôi là một người bướng bỉnh trong việc chấp nhận những điều bình thường khác. Cháu luôn cố gắng, nỗ lực để theo đuổi ước mơ của bản thân mình, dù nó cần bao nhiêu thời gian. Như năm thứ hai đại học, cháu xin tôi chuyển sang học ngành diễn viên bên trường Sân khấu Điện ảnh. Để rồi, miệt mài trên giảng đường suốt bốn năm, cháu lại thi tiếp vào ngành Đạo diễn.Rồi lại đi xin diễn ở các sân khấu lớn nhỏ khác nhau, rồi tự lập nhóm riêng để diễn. Cứ như vậy, đôi lúc tôi thấy như con mình đang trưởng thành hơn qua từng ngày. Mỗi một bước thang cháu đạt được, con trai tôi gần như dành mọi sự hi sinh cho chính ước mơ của nó. Như việc thuyết phục để cha mẹ cảm thông về giới tính của mình, con trai tôi đã không ngại kiên trì chứng tỏ cho chúng tôi thấy cháu đang thành công như thế nào.
Gia đình tôi, nhất là hai chị của cháu hoàn toàn ủng hộ em trai mình. Chính các con cũng là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh để tôi yêu thương con trai mình nhiều hơn. Và chính gia đình là nguồn động viên rất lớn để chồng tôi hiểu cháu và cháu sẽ mở lòng hơn với cha mình. Chưa bao giờ, tôi lại cảm thấy sức mạnh của gia đình đúng nghĩa như bây giờ.
Tôi nghĩ, gia đình luôn là một điểm tựa lớn cho con trai tôi, có thể là điểm tựa cuối cùng. Nếu ngày ấy, tôi đã bỏ rơi cháu như cách thất vọng của cha cháu,có lẽ bây giờ mọi chuyện đã khác. Tình yêu thương dành cho cháu nhiều đến mức, tôi chưa bao giờ nghĩ nó lại là thứ sát thương cháu lớn như vậy. Đặt lên vai cháu một gánh nặng, tôi có trách nhiệm giúp cháu đỡ một phần trong chúng. May mắn thay, tình yêu thương cũng dành cho tôi sự sáng suốt để biết việc mình làm là đúng.
Bây giờ, sau khi mọi thứ đã đi qua, chồng tôi dù chưa hoàn toàn chấp nhận,nhưng tôi biết rằng, ông cũng đang tranh đấu với bản thân mình rất nhiều cho việc đó. Với một người kì vọng hoàn toàn vào con trai mình, ông cũng cần thời gian để xây dựng lại mọi thứ. Với ông, nó vừa là tình thương, vừa là trách nhiệm mà ông chưa bao giờ muốn chối bỏ.
Và cũng như tôi, ông hiểu rằng gia đình này cũng là cuộc đời của mình...
"May mắn thay, tình yêu thương cũng dành cho tôi sự sáng suốt để biết việc mình làm là đúng."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top