Sách dạy nấu ăn

Hai món ngon chữa bệnh

Chè củ cải và rau cải xào nấm là hai món dễ làm lại lành tính, tăng cảm giác ngon miệng. Bạn hãy thử áp dụng công thức chế biến dưới đây nhé.

Ảnh: Mỹ Phẩm.

Chè củ cải

Nguyên liệu: Củ cải 300 g, gừng 1 miếng, mật ong 50 g, nước sạch 100 g.

Cách làm: Củ cải gọt vỏ, cắt miếng, gừng băm nhỏ. Dùng vải mỏng vắt lấy nước gừng, đun củ cải cùng với mật ong, nước sạch, nước gừng. Hầm nhỏ lửa đến khi củ cải nhừ là được.

Công dụng: Thích hợp với những người bị ho, thở khò khè.

Ảnh: Mỹ Phẩm.

Rau cải xào nấm

Nguyên liệu: Nấm 150 g, rau cải 150 g, muối, dầu ăn vừa đủ.

Cách làm: Nấm rửa sạch, thái lát mỏng, rau cải rửa sạch. Cho dầu vào chảo, xào tái rau cải, cho muối và một chút nước vào đun sôi. Cho nấm vào đảo đều, đun sôi lên là được.

Công dụng: Khai vị, tăng cảm giác ngon miệng

Món thịt gia cầm cho người yếu sinh lý

Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống.

Các món thịt gà trống, vịt cạn, chim cút, chim sẻ, bồ câu trống... vừa giàu dinh dưỡng vừa có tác dụng bổ thận tráng dương, rất thích hợp với những quý ông hơi yếu trong chuyện phòng the.

Thịt gà trống: Gà trống choai hoặc gà trống đen 1 con, bỏ ruột. Cho 50 g nhục thung dung vào, đổ rượu và nước vừa phải, hầm nhừ, cho gia vị vào ăn. Các androgen và tocopherin có nhiều trong gà trống giúp tăng cường chức năng sinh dục.

Thịt vịt cạn: Đây là loại thức ăn có tác dụng ôn bổ cường tráng. Vịt cạn 250 g, tôm nõn 15 g, hành, gừng, xì dầu... hầm chín, ăn thịt uống nước canh.

Thịt chim cút: Chim cút 1 con (làm thịt bỏ lông và ruột), cho thỏ ty tử 15 g, nhục thung dung 15 g. Cho vào 2 lít rượu trắng ngon, ngâm trong 15 ngày. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 20 ml.

Thịt chim sẻ: Chim sẻ 5 con bỏ nội tạng, cho dầu vào chảo rán chín, chấm muối ăn. Trứng chim sẻ luộc chín, bóc vỏ, ăn ngày 2 lần, mỗi lần 1 quả. Cần ăn một thời gian mới hiệu quả.

Thịt chim bồ câu trống: Trong thịt chim bồ câu trống có nhiều protein, chất béo, canxi, magiê, hoóc môn sinh dục nên là thức ăn bổ thận, tăng cường chức năng sinh dục. Lấy 1 con bồ câu trống trắng, bỏ nội tạng, cho 50 g câu kỷ tử, 50 g nhục thung dung, đun chín để ăn. Ăn nhiều lần mới có kết quả như ý.

Lựa món ăn theo bệnh

Rau cần không tốt cho đàn ông "yếu".

Ảnh: Corbis.

Những quý ông yếu sinh lý nên tránh ăn rau cần bởi loại rau này sẽ làm số "tinh binh" giảm xuống.

Việc chú ý đến chế độ ăn khi có bệnh sẽ giúp bạn kiểm soát bệnh tật tốt hơn, chẳng hạn:

Yếu sinh lý ở đàn ông

Tránh uống rượu: Rượu sẽ làm bệnh liệt dương nặng thêm. Uống rượu quá nhiều hoặc say rượu làm cho tuyến sinh dục trúng độc, biểu hiện ở mức testosteron hạ thấp. Những người vốn không hay uống rượu nếu đột nhiên uống phải rượu mạnh cũng có thể khiến testosteron hạ thấp, gây liệt dương.

Tránh ăn rau cần: Ăn rau cần thường xuyên có thể làm cho số lượng tinh trùng giảm xuống. Vì vậy người ít tinh trùng nên tránh ăn rau cần, nếu không dù uống bao nhiêu thuốc bổ cũng vô ích.

Tránh hút thuốc lá: Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho nam giới vô sinh. Y học đã chứng minh, nồng độ tinh trùng và tỷ lệ tinh trùng hoạt động của người hút thuốc lá thấp hơn nhiều so với người không hút.

Loãng xương

Tránh ăn nhiều đường bởi đường có thể ảnh hưởng sự hấp thụ canxi, gián tiếp dẫn đến chứng loãng xương.

Không ăn quá nhiều chất đạm vì protein thừa sẽ làm mất canxi. Theo nghiên cứu, nếu trung bình một phụ nữ cần 65 g protein mỗi ngày mà người đó lại nạp vào đến 98 g thì sẽ có 26 g canxi bị mất đi.

Tránh ăn quá mặn vì dễ làm mất canxi, làm nặng thêm chứng loãng xương.

Hạn chế cà phê: Người nghiện cà phê bị mất nhiều canxi hơn người không nghiện.

Phụ nữ sau khi nạo, sẩy thai

Do thiếu máu, các triệu chứng chóng mặt, tim hồi hộp, chán ăn, tụt nhiệt độ... sẽ xuất hiện.

Nên dùng thức ăn giàu protein như thịt gà, thịt nạc, các loại trứng, sữa, các loại đỗ đậu và chế phẩm của đậu để bổ sung protein.

Nếu người yếu, ra nhiều mồ hôi, nên bổ sung các loại vitamin hòa tan trong nước như C, B1, B2 từ rau tươi, lòng đỏ trứng. Nên ăn nhiều loại rau có nhiều xơ như rau cần, rau hẹ, cải trắng và các loại quả, củ để đề phòng táo bón.

Tránh thức ăn có chất kích thích như ớt, hồ tiêu, gừng rượu, giấm vì chúng có thể kích thích bộ phận sinh dục, làm sung huyết và tăng sự chảy máu.

Nên dùng các loại thức ăn có tính nóng và bổ; hạn chế thực phẩm tính hàn như cua, trai, hến, ốc.

Tiểu đường

Ngoài việc hạn chế đường, bệnh nhân cần giảm ăn muối bởi muối có thể kích thích men amilaza tiêu hóa số đường glucoza đã hấp thu, làm nồng độ đường trong máu tăng lên.

Kiêng uống rượu: Insulin làm tăng thêm độc tính của rượu, vì vậy khi đang tiêm insulin tuyệt đối không uống rượu bia.

Kiêng ăn thức ăn béo, ngọt, nhiều gia vị.

Kiêng hút thuốc bởi chất nicôtin có thể kích thích sự tiết dịch của tuyến thượng thận, làm đường huyết tăng lên.

.

3 món ngon cho bữa ăn hằng ngày

Bạn có thể ghi thêm 3 món đơn giản mà rất ngon là rau muống trộn dầu giấm, canh cá hú măng chua và cánh gà kho sả ớt vào thực đơn nhà mình để kịp cho cả nhà được thưởng thức vào bữa tối nay.

Ảnh: Vào Bếp.

Rau muống trộn dầu giấm

Nguyên liệu: 1 bó rau muống, 100 g hành tây (1 củ vừa), muối, tiêu, đường, dầu ăn, giấm nuôi.

Cách làm: Rau muống nhặt bỏ lá, lấy phần cọng non bào sợi, ngâm với nước muối pha loãng 3 phút cho sạch và trắng, vớt ra rửa lại, để ráo nước. Hành tây bóc vỏ, bào mỏng, tách rời từng sợi.

Làm dầu giấm: 1/3 bát giấm nuôi, 1/3 thìa cà phê muối, 2 thìa cà phê đường, 1/2 thìa cà phê tiêu, 1 thìa súp dầu ăn, đánh cho tan đều. Sau đó cho hành tây thái sợi vào hỗn hợp dầu giấm. Cho rau muống ra đĩa, trước khi ăn 5 phút, rưới dầu giấm lên.

Vào Bếp.

Canh cá hú măng chua

Nguyên liệu: 300 g cá hú đã làm sạch (2 khứa), 300 g măng chua, 2 quả cà chua, 2 cọng mùi tàu, 1 quả ớt sừng, 1 vắt me (50 g), hạt nêm, đường, nước mắm.

Cách làm:

Cá hú rửa sạch, ướp với 1 thìa súp nước mắm. Măng chua xả sạch, vắt ráo, mùi tàu thái nhuyễn, ớt sừng bào khoanh. Dầm me với nước sôi, bỏ xác, lấy 4 thìa súp nước. Đun sôi 1 lít nước, thả cá vào nấu vừa chín, vớt bọt. Cho tiếp măng chua và cà chua vào, nêm 1 thìa cà phê hạt nêm, nước me, 2 thìa súp đường, nấu sôi trở lại, tắt bếp.

Múc canh ra tô, cho rau mùi tàu và ớt sừng lên.

Ảnh: Vào Bếp.

Cánh gà kho sả ớt

Nguyên liệu: 3 cánh gà (400 g), 50 g sả băm, 5 g tỏi băm, 10 g ớt xay, 1 cọng hành lá, hạt nêm, bột cà ri, đường, nước mắm, dầu ăn.

Cách làm:

Rửa sạch cánh gà, chặt miếng vừa ăn (dài khoảng 3 cm), ướp 2 thìa cà phê hạt nêm, hành lá cắt bỏ rễ, rửa sạch, tước sợi, ngâm vào nước cho tươi. Phi tỏi với 1/2 thìa súp dầu ăn, cho sả vào xào. Tiếp theo cho bột cà ri và ớt xay vào xào vàng. Cho gà vào xào săn, thêm 1/2 bát nước sôi, kho với lửa nhỏ. Nêm thêm 2 thìa súp nước mắm, 1 thìa cà phê đường. Khi nước trong nồi gần cạn thì tắt bếp.

Cho gà kho ra tô. Xếp hành lá tước sợi lên tô gà kho. Dùng nóng với cơm trắng.

Canh chua giò heo

Ảnh: Nội Trợ.

Bà nội trợ nào cũng thích những món ăn đơn giản, dễ làm mà lại ngon. Canh chua giò heo hội đủ các tiêu chuẩn đó.

Nguyên liệu: 1 cái móng heo, 3 lá chanh, 2 củ sả đập dập, 3 trái ớt sừng trâu xắt vát, 5 trái tắc (trái quất), rau ngò (rau mùi), 2 tô nước lạnh, bột nêm, nước mắm.

Cách làm: Giò heo thui (nướng vàng), cạo sạch lông, rửa sạch, chặt miếng cỡ bao diêm, ướp với nước mắm.

Bắc nồi nước lạnh lên bếp, cho sả, một nửa số ớt sừng trâu vào, đun sôi, cho giò heo vào hầm nhừ, vớt bỏ bọt và váng mỡ, nêm vừa miệng.

Bày giò heo ra tô, số ớt còn lại, lá chanh, rưới nước cốt tắc, nước dùng lên, rắc rau ngò

Gỏi sách bò

Ảnh: Bếp Gia Đình.

Thay vì món sách bò xào thường ngày, món gỏi sách bò bạn làm chắc chắn sẽ nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình và lời khen tặng của ông xã.

Nguyên liệu: 300 g sách bò, 150 g ngó sen, 1 củ hành tây nhỏ, 1 trái dưa leo, 1/2 củ cà rốt, 50 g giá đỗ, rau răm xắt nhỏ, 1 muỗng cà phê tỏi bằm nhỏ, 1 trái ớt bằm nhỏ, 1 muỗng canh đậu phộng rang chín, giã dập, đường, giấm, muối.

Cách làm: Sách bò rửa sạch, bóp với giấm bỗng, sau đó rửa lại với rượu, gừng cho sạch, xắt miếng vừa ăn, trụng nước sôi khoảng 2 phút cho chín, vớt ra, để ráo.

Ngó sen ngâm cho hết đen, rửa sạch, chẻ đôi. Hành tây lột vỏ, xắt khoanh tròn, dưa leo ngâm, rửa sạch, bỏ ruột, xắt sợi to. Cà rốt gọt vỏ, xắt sợi to.

Trộn đều sách với ngó sen, hành tây, dưa leo, giá đỗ, cà rốt, rau răm. Pha đường, giấm, ớt, tỏi, muối với ít nước lạnh rồi rưới lên tô sách, trộn đều lên, để khoảng 5 phút cho ngấm, bày ra đĩa, rắc đậu phộng.

Sườn bung

Ảnh: Nội Trợ.

Món sườn bung chế biến xong có màu vàng của nghệ, dọc mùng xanh, vị ngọt hơi chua dịu rất bắt mắt và ngon miệng.

Nguyên liệu: Sườn lợn: 500 g, đu đủ xanh: 200 g, chuối xanh: 200 g, dọc mùng: 200 g, mẻ: 200 g, nghệ: 10 g, cà chua: 100 g và các loại gia vị: mì chính, nước mắm, hành hoa, mùi tàu.

Cách làm:

Sườn lợn rửa sạch, dọc 2 dẻ, chặt dài 4 cm, đổ nước vào đun sôi, hớt sạch bọt, đun nhỏ lửa.

Đu đủ xanh gọt vỏ, bỏ hạt, rửa sạch, thái con chì. Chuối xanh tước vỏ, thái con chì ngâm vào nước có pha dấm hoăc mẻ. Nghệ gọt vỏ, giã nhỏ, vắt lấy nước. Mẻ nghiền nhỏ, lọc bỏ bã trộn với nước nghệ.

Dọc mùng tước vỏ, thái vát, bóp chuối, rửa sạch, vắt ráo. Cà chua rửa sạch, bổ miếng cau. Hành hoa thái khúc, mùi tàu thái chỉ.

Cho đu đủ và chuối xanh vào nồi sườn, nêm nghệ, mẻ, nước mắm cho vừa, cho cà chua, trước khi bắc ra nêm mì chính, thả dọc mùng đun sôi, bắc ra cho hành hoa và mùi tàu vào.

Ăn nóng với cơm hoặc bún.

Sườn bung xong có màu vàng của nghệ, dọc mùng xanh, vị ngọt hơi chua dịu. Tỷ lệ cái và nước bằng nhau, các nguyên liệu cắt thái đều. Sườn chín mềm róc thịt.

Biến tấu với món canh

Canh bắp và canh mướp trứng đều vừa giàu dinh dưỡng vừa dễ chế biến và rất ngon. Bạn thử làm cho cả nhà thưởng thức ngay nhé.

Ảnh: Bếp Gia Đình.

Canh bắp

Nguyên liệu: 2 bắp ngô ngọt, 500 g diềm thăn bò, 1 củ hành khô, 1 củ cà rốt, 5 tai nấm hương, 100 g măng lưỡi lợn đã luộc kỹ, vài cọng hành tươi.

Cách làm: Ngô để nguyên bắp chặt làm 5 - 6 miếng. Thịt bò diềm thăn xắt quân cờ to, ướp với một chút nước mắm, đường để khoảng 10 phút. Nấm hương ngâm nước nóng cho nở, cà rốt gọt vỏ xắt khoanh tròn, măng xắt miếng vừa phải.

Bắc chảo lên bếp, phi thơm hành, cho thịt bò vào xào săn, cho nước lạnh vào đun sôi khoảng 15 phút. Tiếp đó cho măng, ngô, cà rốt, hạt nêm vừa ăn rồi đun sôi vặn lửa nhỏ, hầm chín mềm, gần chín cho thêm nấm hương. Trước khi tắt bếp, rắc hành, ăn nóng.

Ảnh: Bếp Gia Đình.

Canh mướp trứng

Nguyên liệu: 1 trái mướp hương, 1 quả trứng gà, 1 nhánh gừng xắt sợi, 1 nhánh hành tươi xắt nhỏ, hạt nêm hải sản, dầu ăn.

Cách làm: Mướp gọt vỏ, bổ đôi, xắt vát. Đập trứng ra tô, đánh bông. Bắc nồi lên bếp, đun nóng dầu ăn, cho gừng, mướp vào xào, nêm hạt nêm, nước lạnh, đun sôi, từ từ cho trứng vào, vừa rót vừa quấy nhẹ tay cho trứng bông lên.

Canh sôi, rắc hành tươi.

Chả giò sen

Ảnh: Thanh Niên.

Chả giò (nem) là món ăn được nhiều người rất thích. Bạn có thể làm để cả nhà thưởng thức món này nhưng với hương vị lạ khi cho thêm hạt sen, khoai môn... vào nguyên liệu.

Nguyên liệu: Thịt xay: 100 g, giò sống: 20 g, tôm xay: 70 g, tôm nguyên con: 150 g, thịt cua, hạt sen, khoai môn mỗi thứ 50 g, hạt nêm: 1 thìa cà phê, đường, muối, tiêu: mỗi thứ 1/3 thìa cà phê, một ít bánh rế.

Cách làm: Khoai môn cắt sợi. Hạt sen luộc chín. Trộn tất cả các thành phần cho đều. Lấy bánh rế cuộn hỗn hợp trên, mỗi cuộn thêm một con tôm. Bắc dầu ăn lên bếp, cho chả giò vào chiên đến khi chín vàng. Bày ra đĩa với xà lách, dùng nóng với tương xí muội.

Chè Huế

Không cần đặt chân đến Huế, bạn vẫn có thể trổ tài để cả nhà được thưởng thức những món chè đặc trưng của cố đô qua hướng dẫn dưới đây.

Ảnh: Món Ngon.

Chè khoai tía

Nguyên liệu: 1/2 kg khoai tía hấp, xay nhuyễn, 0,25 kg dừa nạo làm thành nửa chén nước cốt dừa, 1 chén nước cốt dừa, 0,2 kg đường cát, 0,2 kg đậu xanh cà, 1 củ gừng nhỏ.

Cách làm: Khoai tía hấp chín, xay nhuyễn. Đậu xanh cà hấp chín, xay nhuyễn, cho đường quậy đều. Nấu sôi lại, cho một ít gừng cho thơm. Múc ra chén, trang trí với nước cốt dừa.

Ảnh: Món Ngon.

Chè long nhãn bọc sen

Nguyên liệu: 500 g nhãn để nấu, 500 g nhãn để ép làm nước đường, 200 g hạt sen, 1 muỗng cà phê phèn chua, 3 muỗng cà phê nước hoa bưởi, 2 muỗng cà phê sắn dây.

Cách làm: Chọn quả nhãn đều, dày cơm, bóc vỏ và tách hạt ra, tránh để cơm nhãn bị rách nát, bóc đến đâu thả cơm nhãn vào nước phèn đã pha sẵn, ngâm trong 30 phút, vớt nhãn ra xả với nước sạch, để ráo. Hạt sen bóc vỏ lụa, tâm sen, ngâm vào nước sạch 1 giờ để khử chát.

Dùng 2 lít nước sạch đun sôi, thả sen vào nấu chín nhưng đừng vỡ nát. Vớt sen ra để ráo nước, dùng tay lồng hạt sen vào long nhãn. Cứ 1 hạt sen, 1 long nhãn. Dùng nước luộc sen đem đun sôi với nước đường ép từ nhãn, thả sen lồng nhãn vào đun sôi đều, bắc ra ngay.

Múc chè ra chén, để lạnh, cho một ít nước hoa bưởi vào.

Ảnh: Món Ngon.

Chè trôi nước nhân tôm thịt

Nguyên liệu: 500 g bột nếp nhồi với nước ấm cho dẻo, mịn, 1 củ gừng nhỏ đập dập hoặc thái lát mỏng, 200 g tôm đất băm nhỏ, 200 g thịt băm nhỏ, 500 g đậu xanh ngâm mềm giã nhỏ, 500 g dừa nạo, vắt lấy nước cốt, vừng rang vàng thơm, hành lá giã nhuyễn.

Cách làm:

Nhân: Tôm, thịt đảo sơ với gia vị vừa miệng. Nấu đậu xanh với nước gião dừa cho mềm, tán nhuyễn, xào với ít mỡ, cho hành lá, nêm chút muối, đường. Chia đậu xanh thành từng viên có bọc thịt tôm, chia bột thành từng viên nhỏ. Bọc bột nếp bên ngoài nhân đậu, tôm, thịt.

Nấu sôi nước, thả bánh vào luộc, bánh chín nổi lên, vớt ra. Nấu 2 lít nước đường cho tan, thả bánh trôi vào, cho ít gừng vào.

Múc chè ra chén, chan nước cốt dừa, rắc chút vừng.

Ảnh: Món Ngon.

Chè đậu ván bột lọc

Nguyên liệu: 1/2 kg đậu ván, 0,30 kg đường cát trắng, khoảng 1 chén bột năng (nếu nấu chè đặc). Nước cốt dừa, một chút muối ăn.

Cách làm: Đậu ván ngâm nước ấm vỏ căng tròn. Rửa sạch, bóc vỏ cho khéo. Nấu sôi 1 lít nước, bỏ đường vào nấu cho tan, bỏ đậu vào, để lửa nhỏ cho đậu thấm. Lấy chén bột hòa trong nước lạnh, đổ từ từ vào nồi, cho đến khi bột trong thì nhắc xuống.

Bột lọc: Đổ nước vào bột khô, nhồi và nắn thành viên tròn, sau đó nhét vào một hạt đậu phộng rang hoặc dừa đã cắt thành sợi nhỏ, có thêm gừng cho thơm. Cho tất cả vào nồi chè đậu ván, khuấy đều.

Múc chè ra chén, cho nước cốt dừa vào. Chè này ăn ấm nóng mới ngon.

Canh bí cả quả

Ảnh: Món Ngon.

Canh bí là món ngon, bổ dưỡng. Với cách chế biến hơi lạ, không xắt miếng mà để cả quả, hấp lên, bạn sẽ làm cả nhà bất ngờ.

Nguyên liệu: 1 trái bí đỏ loại nhỏ, 100 g tôm đất, 1 chén nước dùng, 1 muỗng cà phê bột nêm, 1 cọng hành lá thái nhuyễn, 1 đầu hành lá băm nhuyễn, nửa muỗng càphê nước mắm, tiêu.

Cách làm:

Dùng dao vạt ngang trái bí, lấy muỗng múc bỏ phần hột, chừa thịt bí lại.

Tôm quết với đầu hành, nước mắm, tiêu cho dai, vo lại thành từng viên nhỏ.

Cho nước dùng, tôm viên, bột nêm vào trái bí. Mang hấp đến khi bí chín. Dọn cả trái bí ra đĩa, rắc hành tiêu lên mặt. Khi ăn dùng muỗng múc phần thịt bí đã chín bên trong.

Lươn nướng lá nếp

Ảnh: Hà Nội Mới.

Thịt lươn cắt khúc, ướp sơ với riềng mẻ. Lươn cuốn lá nếp nướng trên than hoa dậy mùi thơm hấp dẫn.

Nguyên liệu: Lươn 300 g, thịt ba chỉ 10 g, lá nếp, riềng, mẻ, hành lá, răm, tiêu, muối, mì chính vừa đủ.

Cách làm:

- Lươn chọn con to, bụng vàng, khỏe, còn sống, rửa sạch, lọc bỏ xương sống, cắt khúc 7 cm. Thịt ba chỉ thái mỏng dài 3 cm.

- Cho lươn, thịt ba chỉ ướp riềng, mẻ, hành lá, răm, tiêu, muối, mì chính. Cứ một miếng lươn cho một miếng ba chỉ cuộn với lá nếp, phết mỡ lợn hoặc dầu ăn rồi đem nướng trên than hoa, đến khi dậy mùi thơm, lươn chín vàng đều bỏ ra đĩa, ăn nóng

Lẩu gà nấu nấm

Ảnh: Thanh Niên.

Món lẩu gà nấu nấm không những giúp bạn thay đổi khẩu vị mà còn rất mát và bổ dưỡng.

Nguyên liệu: (4 phần ăn): Gà ta: 1/2 con, xương gà: 1/2 kg, nấm rơm, nấm đông cô, nấm mỡ, nấm bào ngư, nấm kim châm mỗi thứ 100 g hay 150 g. Đầu hành: 100 g, hành tím, hành ba rô mỗi thứ 50 g, bún gạo: 150 g. Bột nêm, sa tế tôm, bột ngọt, nước mắm, muối, dầu ăn, gừng, tiêu, ớt, tỏi bằm mỗi thứ một lượng vừa đủ.

Cách làm:

- Gà chặt khúc 5 cm ướp với bột nêm và sa tế tôm, để khoảng 15 phút cho thấm, xào với tỏi bằm và hành tím bằm cho thịt vừa gần chín.

- Xương gà đun với 3 lít nước khoảng 30 phút để làm nước lẩu. Hành ba rô cắt xéo cho vào nồi, nêm bột canh, bột ngọt, nước mắm, muối, dầu ăn vừa ăn.

- Các loại nấm rửa sạch. Đầu hành cắt khúc 5 cm. Bún gạo ngâm nước cho mềm. Hành tím cắt nhỏ, phi với dầu ăn để rắc lên bún gạo.

- Dọn thịt gà xào ra đĩa oval lớn, trang trí các loại nấm xung quanh, có thể rắc thêm gừng, ớt thái sợi và ngò lên trên thịt gà. Đun sôi nước lẩu, dùng đến đâu thì thả thịt gà và nấm vào. Dùng nóng với bún gạo và nước mắm ớt.

Dưa leo nhồi thịt sốt cà chua

Ảnh: Tiếp Thị & Gia Đình.

Món dưa leo nhồi thịt sốt cà chua trình bày đẹp mắt, có vị giòn của vỏ dưa, nhân thịt hấp chín tới ăn nóng kèm cơm, canh.

Nguyên liệu: 3 quả dưa leo cắt khúc khoảng 5 cm, lấy hết hạt, 150 g thịt nạc xay, 50 g giò sống, 3 tai nấm đông cô, ngâm nở mềm, thái nhỏ, 1/4 củ hành tây, thái nhỏ, 2 quả cà chua, bỏ hạt, băm nhỏ, 1 nhánh tỏi xay, rau mùi, nước mắm, tiêu, đường, bột ngô, dầu ăn.

Cách làm:

Trộn thịt xay với giò sống, nấm đông cô, hành tây. Nêm nước mắm, tiêu, đường vừa ăn.

Nhồi nhân vào ruột dưa leo, hấp khoảng 15 phút, xếp ra đĩa.

Xào thơm hành tây, tỏi, cho cà chua vào xào, nêm nước mắm, đường, bột ngô cho hơi sánh. Rưới lên đĩa dưa leo, rắc rau mùi lên trên.

Ăn nóng với nước mắm ớt, kèm cơm, canh.

Canh mướp tôm

Ảnh: Món Ngon.

Món canh mướp tôm vừa ngon vừa mát, rất hợp trong những ngày hè nóng bức này.

Nguyên liệu: Một quả mướp hương, một lọn bún tầu (miến), ít nấm mèo, 100 g tôm tươi bóc vỏ, nước mắm, muối, hành ngò.

Cách làm: Tôm tươi đập dập, ướp với một chút muối. Mướp gọt vỏ, cắt miếng. Miến ngâm mềm, cắt sợi.

Lấy nước vừa đủ một tô canh (khoảng 4 người ăn) đun sôi, thả tôm vào nấu 5 phút, hớt bọt.

Cho mướp vào nấu sôi, mướp mềm, cho miến, nấm mèo, nêm nước mắm, muối, vừa ăn. Múc ra tô, rắc hành ngò.

Món canh này dùng nóng hay nguội đều ngon.

Hai món ngon từ nhãn

Nhãn lồng dầm sữa chua. Ảnh: Bếp Gia Đình.

Ngoài để ăn tươi, nhãn có thể được tách lấy cùi đem nấu với chè sen dầm sữa chua hay sấy khô làm long nhãn.

Nhãn lồng dầm sữa chua

Nguyên liệu: 300 gr nhãn lồng, 1 hộp sữa chua, 2 muỗng cà phê đường kính, đá bào.

Cách làm: Nhãn khéo léo tách lấy cùi, bỏ hạt. Cho nhãn vào ly, sữa chua đánh tan với đường kính rồi cho vào nhãn trộn đều. Rắc đá bào lên trên.

Long nhãn. Ảnh: Bếp Gia Đình.

Long nhãn

Nguyên liệu: 5 kg nhãn cùi tươi.

Cách làm: Nhãn để nguyên chùm, nhặt bỏ quả sâu, hỏng, nứt vỏ, nhúng vào nước sôi 1-2 phút, lấy ra phơi nắng hoặc sấy ở nhiệt độ thấp, sau đó bóc vỏ và tiếp tục phơi cho đến khi nhãn khô, đợi nguội rồi cất vào túi nilon.

Những cách khử mùi tanh của cá

Ảnh: Corbis.com.

Làm cá xong, tay có mùi tanh, bạn hãy dùng xà phòng rửa kỹ một lần rồi lấy ít kem đánh răng vào tay, xoa đều và rửa lại bằng nước lạnh, sẽ hết mùi.

Vài bí quyết dưới đây sẽ giúp bạn khử mùi tanh của cá một cách hữu hiệu nhất.

- Khử mùi cho đồ nấu: Chảo, nồi... sau khi rán, nấu bao giờ cũng để lại mùi tanh. Hãy ngâm các đồ đó bằng ít nước chè rồi dùng nước lạnh rửa sạch.

- Khử mùi cho thớt: Trước khi rửa thớt vừa làm cá tanh, hãy nhỏ một ít dấm hoặc vắt nửa quả chanh rồi đem phơi khô, cọ sạch, chắc chắn thớt sẽ hết sạch mùi tanh.

- Khử tanh cho bếp: Để mùi tanh không lan tràn ra không khí bếp, trước khi nấu hay rán cá, bạn hãy bỏ vào nồi một chút dấm chua.

- Khử tanh ở mỡ thừa: Sau khi rán cá, số mỡ thừa trên chảo cũng có mùi tanh, hãy đun sôi mỡ lên, thả ít gừng tươi vào và thêm chút hành hoa, đun sôi mỡ và vớt những mảnh vụn gừng và hành cháy ra, chắc hẳn mùi tanh của cá sẽ hết, và bạn có thể sử dụng mỡ đó để tiếp tục xào nấu. Tuy nhiên, cần hạn chế hết sức việc sử dụng lại nhiều lần dầu đã qua lửa vì sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ.

Thịt bò sốt tiêu

Ảnh: Văn Hóa Nghệ Thuật Ăn Uống.

Món thịt bò sốt tiêu lạ miệng, ăn nóng với bánh mì rất ngon.

Nguyên liệu: Thịt bò, gân và xương bò, tiêu đen xay nhuyễn, cà chua hộp, rượu vang đỏ và rượu cô-nhắc, gia vị, kem tươi, các loại rau tươi như hành tây, tỏi tây, cần tây, cà rốt, cà chua.

Cách làm:

- Rửa sạch thịt bò, gân và xương. Cho vào chảo chiên với dầu ô-liu cho đến khi có mầu vàng hơi cháy.

- Cắt nhỏ các loại rau quả tươi và nấu chung với thịt bò, rượu, vang đỏ cho đến khi hỗn hợp đặc lại.

- Trộn thêm kem tươi và rượu cô-nhắc vào món ăn.

Canh măng cua

Ảnh: Văn Hóa Nghệ Thuật Ăn Uống.

Măng là loại thực phẩm dễ chế biến. Măng tây nấu cua cũng là món khá thú vị lại giúp giải nhiệt cho cơ thể vào mùa nắng nóng.

Món canh ngon cần phải chọn cua ngon: Dùng ngón tay bấm mai cua, nếu thấy cứng nghĩa là cua chắc thịt và có nhiều gạch. Muốn chắc ăn hơn, có thể dùng một vật nhọn chẳng hạn như chìa khóa xe máy ấn nhẹ vào góc yếm, thấy gạch xì ra thì cua có nhiều gạch.

Măng tây nên chọn cọng nhỏ, trắng, nước canh sẽ ngon, ngọt hơn.

Măng tây mua về rửa sạch, để ráo nước, bào vỏ, bỏ bớt phần cứng của cuống măng, cắt làm đôi hoặc chẻ mỏng. Nếu dùng măng đóng hộp cũng nên cắt đôi. Chuẩn bị một nồi nước dùng được nấu từ rau củ như bắp cải, cà rốt, súp lơ, hoặc từ xương heo.

Cua mua về luộc chín, lấy nạc. Sau đó, cho măng tây vào nấu chung với nước dùng trong khoảng từ 5 đến 6 phút đến khi măng chín mềm. Làm nóng chảo, cho dầu ăn hoặc dầu ô liu vào chảo, đun nóng, thêm đầu hành tím bằm nhuyễn xào cho thơm, nhưng đừng để quá chín hành sẽ thành màu nâu.

Cho dầu đã xào qua với hành, thịt cua vào nồi nước dùng măng tây, để nhỏ lửa trong khoảng 3 phút, khuấy một ít bột bắp, đổ vào nồi canh, khuấy đều đến khi canh hơi đặc lại là được. Nêm canh với nước mắm ngon và tiêu.

Kế đến, cho 1 quả trứng gà vào, dùng đũa khuấy mạnh để trứng tạo thành từng sợi. Nhắc canh khỏi bếp, rắc hành cắt nhỏ lên trên. Trang trí thêm hành phi trước khi ăn.

Canh măng cua đậm đà càng ngon miệng hơn khi dùng nóng. Canh có thể ăn chung với bún sợi nhỏ, kèm thêm rau xà lách hoặc rau thơm cũng rất ngon miệng.

Lạ miệng với cam

Ảnh: Món Ngon.

Ngoài cách thưởng thức thông thường là bổ kiểu múi cau hoặc bổ đôi quả cam vắt lấy nước uống, trái cam còn có thể chế biến thành những món ăn lạ miệng, nhiều dưỡng chất với vitamin C.

Salad cam

Nguyên liệu: 3 quả cam vàng, 200 g cải mầm, 100 g giá sống, 3 củ hành tím, 1 thìa cà phê muối, 2 thìa cà phê đường, 1 thìa súp dầu ôliu.

Thực hiện: 2 quả cam gọt vỏ, tách từng múi. 1 quả cam vắt lấy nước cốt, nêm muối, đường và dầu ôliu, khuấy đều. Cải mầm và giá sống rửa sạch, hành tím bóc sạch vỏ, xắt hạt lựu. Bày cải mầm, giá sống ra đĩa, xếp múi cam lên trên, rắc hành tím và chan nước xốt cam vào. Trước khi dùng trộn đều.

Ảnh: Món Ngon.

Đậu phụ non xốt cam

Nguyên liệu: 2 cây đậu phụ non (loại khoanh tròn, bán trong siêu thị), 2 quả cam vàng, 2 thìa cà phê hạt nêm, 2 thìa cà phê bột năng, 1 thìa súp dầu ôliu

Thực hiện: Đậu phụ non cắt khoanh tròn, bày ra đĩa, xếp gối đầu nhau thành hình tròn. 1 quả cam vắt lấy nước cốt. Quả cam còn lại tách múi, xắt hạt lựu. Bột năng hòa với nước. Bắc bếp, đổ nước cốt và một phần cam đã xắt hạt lựu vào, vặn nhỏ lửa đến khi sôi, cho thêm nước, bột năng và dầu ôliu, nêm nếm vừa ăn, nhắc xuống, cho phần cam còn lại vào.

Rưới nước xốt cam lên đĩa, món này dùng nóng rất ngon và bổ.

Ảnh: Món Ngon.

Cocktail cam

Nguyên liệu: 2 quả cam vàng, 1 hộp trái cây hỗn hợp, 200 ml sữa tươi có đường

Thực hiện: Cam rửa sạch lau khô, bổ đôi vắt nước. Khui hộp trái cây, chắt nước để ráo cho vào thố hoặc ly. Pha nước cốt cam với sữa tươi, cho vào ly trái cây. Có thể dùng kèm nước đá hoặc để lạnh ăn như món tráng miệng.

Bí quyết muối dưa ngon

Ảnh: Món Ngon.

Chỉ cần mươi phút siêng năng, bạn đã có hũ dưa chua để ăn kèm thịt luộc, hoặc nấu món canh cá thìa là hấp dẫn. Cách làm nước muối dưa:

Công thức chung là 3 muối - 1 đường (1 lít nước cho ba thìa súp muối bột và 1 thìa súp đường). Nấu hỗn hợp muối đường cho sôi và tan hết, sau đó để thật nguội và đổ vào hũ sao cho ngập nguyên liệu. Để từ 1 đến 3 ngày (tùy loại dưa), khi dưa có màu xanh ngả vàng là dùng được.

- Muối là nguyên liệu chính để muối dưa. Nếu nhiều muối, dưa sẽ mặn và lâu chua. Ít muối, dưa sẽ bị ủng và hỏng. Trong trường hợp này, bạn nên thêm muối và ít hành lá, nếu sớm, có thể chữa được.

- Đường giúp dưa vàng đẹp và mau chua, nhưng đừng cho nhiều quá.

- Mọi món dưa đều không thể thiếu hành. Hành nhiều, dưa sẽ thơm và không ủng.

- Nước dưa phải ngập mặt dưa. Nên gài bằng miếng nhựa cho dưa chìm dưới nước, nếu không, lớp dưa trên mặt sẽ bị thâm đen.

- Hũ đựng dưa phải sạch. Đồng thời, khi gắp dưa ra ăn, bạn cũng phải dùng đũa sạch, không dính thức ăn. Như vậy, phần dưa còn lại mới không bị hư khú, nổi váng trắng trên mặt. Nếu dưa bị khú, hãy vớt bỏ lớp váng trắng và thêm hành lá vào.

Bạn có thể gạn lấy riêng nước trong để làm dưa mới. Khi ấy, bạn chỉ cần nêm thêm muối cho vừa mặn, không cần thêm đường. Nêm nước dưa vừa chua mặn là được. Nhớ thêm hành cho dưa mới. Bạn có thể muối dưa rau muống, rưa củ cải... theo cách làm tương tự.

Dưa cần - bắp cải

Nguyên liệu: Cần nước (chọn loại màu xanh), bắp cải trắng, rau răm, ớt quả, hành lá, hành tím, nước muối dưa.

Thực hiện: Cần nhặt bỏ lá và rễ, rửa sạch, cắt khúc khoảng 5cm. Bắp cải xắt sợi hơi dày. Rau răm xắt nhuyễn. Hành lá cắt khúc. Ớt xắt khoanh. Cho tất cả vào hũ, đổ nước muối vào ngập mặt dưa.

Dưa giá

Nguyên liệu: Giá, hẹ, cà rốt, hành lá, nước muối dưa.

Thực hiện: Giá bỏ gốc. Hẹ rửa sạch, cắt khúc dài cỡ cọng giá. Cà rốt, gọt võ, thái mỏng rồi xắt sợi. Hành lá cắt khúc. Cho tất cả vào hũ, đổ nước muối vào ngập mặt dưa.

Dưa cải cay

Nguyên liệu: Cải cay, hành lá, hành tím, ớt sừng đỏ, nước muối dưa.

Thực hiện: Cải nhặt lá sâu, rửa sạch, cắt khúc khoảng 5cm. Hành lá xắt khúc. Ớt xắt khoanh. Cho tất cả các nguyên liệu gồm cải cay, hành lá, hành tím, ớt vào hũ, đổ nước muối vào ngập mặt dưa.

Sườn nướng sả ớt

Ảnh: Tìm Nhanh.

Thay đổi cách nấu ăn một chút, bạn sẽ làm cho cả gia đình cảm thấy thích thú và lạ miệng hơn. Sườn nuớng sả ớt dễ làm lại rất thơm ngon.

Nguyên liệu: Sườn sụn lợn: 500 g, tỏi: 10 g, ớt tươi: 10 g, sả: 50 g, đường: 10 g, mì chính: 10 g, muối

Bạn cần có than hoa và dụng cụ nướng.

Cách làm:

- Sườn sụn rửa sạch, dọc 2 dẻ, chặt dài 5 cm. Sả, tỏi, ớt giã nhỏ. Ướp sườn với sả, tỏi, ớt, muối, mì chính, đường, ngâm chúng 1 giờ cho ngấm.

- Nướng sườn trên than hoa, nhỏ lửa cho sườn chín, ăn nóng.

Sườn nướng có màu vàng nâu, dậy mùi thơm, vị vừa, hơi cay. Các miếng sườn đều, khô, khi ăn thịt dóc xương.

Salat thịt bò

Ảnh: Văn Hóa Nghệ Thuật Ăn Uống.

Thịt bò xào tái, trộn salad với cải xoong và cà chua. Món này có thể dùng khai vị.

Nguyên liệu: 200 g cải xoong, 200 g thịt bò mềm, 1 củ hành tây, 3 quả chanh, vắt lấy nước cốt, 3 tép tỏi, giã nhuyễn, ép lấy nước, 5 quả cà chua bi, tương hoặc bột gia vị.

Cách làm:

- Hành tây bóc vỏ thái mỏng ngâm với giấm đường. Cải xoong nhặt rửa sạch, để ráo.

- Cà chua bi chẻ đôi. Xếp cải xoong và cà chua ra đĩa, rưới giấm ngâm hành lên trên.

- Thịt bò thái mỏng ướp với nước tương (hoặc gia vị nước tỏi), rồi xào tái chín, cho nước cốt chanh vào, trộn đều xếp thịt bò lên đĩa salad.

- Khi ăn xếp lại cải xoong cà chua bi và hành tây quanh đĩa thịt.

Vài mẹo nấu và giữ thực phẩm ngon

Phun một ít nước muối, khoai tây chiên sẽ giòn hơn.

Ảnh: Rakishtilt.com.

Cho vài lát nghệ hoặc tỏi vào thùng chứa gạo, ngũ cốc để tránh côn trùng xâm nhập. Nếu món cà ri bạn nấu lỡ bị mặn, thêm vào một ít bột gạo rang, món ăn vừa thơm vừa nhạt bớt.

Vài mẹo nhỏ dưới đây có thể rất hữu ích với bạn trong việc bếp núc đấy.

- Cho bột gạo vào một hộp nhựa và cất vào tủ lạnh sẽ lưu giữ được lâu hơn.

- Thêm một ít giấm vào nước luộc khoai tây, khoai sẽ mau mềm và thơm hơn.

- Cho một nhúm nhỏ bột bắp vào lọ đựng muối để giữ muối không bị ẩm.

- Để giữ bột mỳ khỏi bị ẩm mốc, cho vào lọ đựng nó một lá nguyệt quế.

- Muốn lột vỏ tỏi dễ dàng, rửa và ngâm tỏi trong nước lạnh khoảng một giờ trước khi lột.

- Các loại đậu sẽ giữ được màu xanh nguyên thủy sau khi luộc nếu bạn cho một lượng nhỏ đường vào nước luộc.

- Các loại rau lá xanh sẽ giữ được sự tươi ngon nếu bạn bọc chúng trong giấy báo trước khi bỏ vào tủ lạnh.

- Khi luộc trứng, dùng kim tạo một lỗ nhỏ trên phần tròn của quả, trứng sẽ không bị vỡ.

- Trứng sau khi luộc cho ngay vào nước lạnh 5 phút, vỏ sẽ dễ lột hơn.

- Nếu không có dụng cụ cắt trứng, nhúng dao vào nước nóng, khi cắt trứng sẽ không bị vỡ.

- Trứng cho vào nước lạnh và giữ trong tủ lạnh sẽ được lâu hơn.

- Nếu bánh mỳ quá mềm và khó cắt, hãy hơ nóng dao trên bếp lửa.

- Nếu bạn chỉ cần sử dụng lòng trắng trứng, cho phần lòng đỏ còn lại vào một chén nước lạnh hay sữa và cất vào chỗ tối. Khi dùng, chỉ cần đổ sữa hay nước đi, lòng đỏ vẫn tươi nguyên.

- Thêm một ít bột chanh hoặc vỏ chanh khô mài nhuyễn vào các món bánh để làm giảm mùi tanh của trứng.

- Muốn khoai tây chiên hay chuối chiên được giòn, phun một ít nước muối lên khoai hay chuối khi đang chiên.

- Vỏ lụa các loại hạt sẽ dễ lột hơn nếu bạn ngâm chúng trong nước ấm.

- Thêm vào lát nghệ vào món đồ chua để lâu bị hư hơn.

Cá tẩm bột rán

Anhr: .tasteofhome.com

Món cá tẩm bột rán sẽ đem đến cho bữa ăn của gia đình bạn một hương vị mới.

Nguyên liệu: Cá cơm: 500 g, trứng gà: 45 g, bột mì: 100 g, mỡ nước: 80 g, đường: 20 g, tỏi khô: 15 g, ớt tươi: 10 g, nước mắm, muối, mì chính, tiêu.

Cách làm:

- Cá đánh sạch vẩy, rửa sạch, bỏ đầu, ruột, ướp muối, tiêu.

- Trứng lấy lòng trắng đánh nổi bọt rồi trộn bột, muối, nước, lòng đỏ trứng thành bột sánh.

- Đun mỡ nóng già, nhúng cá vào bột ngập kín, thả vào rán ngập mỡ, cá màu vàng đều là được.

- Ăn nóng với nước chấm chua ngọt.

- Pha nước chấm: Hoà nước sôi để nguội với nước mắm, đường, dấm, mì chính, tỏi, ớt băm nhỏ để có gia vị chua, mặn, ngọt, cay.

Cá rán vàng rơm, mùi thơm, không tanh, vị ngon, bột bao kín, giòn, xốp. Nước chấm nổi vị chua, cay, mặn, ngọt, dậy mùi.

Món này có thể dùng cá chép, cá quả to, cá trắm, cá thu, cá vược... để thay thế cá cơm.

Vài món canh mát bổ

Canh hoa bí riêu cua.

Ảnh: Bếp Gia Đình.

Bữa cơm mùa hè sẽ dễ "trôi" hơn nếu có bát canh mát, ngon lành. Những món dưới đây đều dễ làm, ít tốn thời gian và rất bổ dưỡng.

Canh cua hoa bí

guyên liệu: 300 gr cua, 5 bông bí non, 1 củ hành khô bằm nhỏ, hạt nêm.

Cách làm: Cua bóc mai, yếm, rửa sạch, giã nhỏ, lọc lấy nước, nêm ít hạt nêm. Bông bí tước bỏ xơ, xắt nhỏ. Gỡ gạch cua, tráng qua nước lạnh cho hết mùi hoi. Phi thơm tỏi, cho gạch cua vào chưng vàng. Bắc nồi nước cua lên bếp, đun sôi, hớt lấy cái cua cho ra tô. Cho bông bí vào, nêm hạt nêm vừa miệng, rưới gạch cua xào lên, tắt bếp.

Canh ngao nấm rơm

Canh ngao nấm rơm.

Ảnh: Bếp Gia Đình.

Nguyên liệu: 1 kg ngao, 100 gr nấm rơm (hoặc nấm mỡ), 2 củ sả, 3 lá chanh, 3 trái ớt, bằm nhỏ, 3 lát giềng, 1 trái tắc (quất). Rau ngò (rau mùi), dầu ăn, hạt nêm, nước mắm.

Cách làm: Ngao ngâm nước vo gạo cho sạch. Nấm rơm rửa sạch, bổ đôi hoặc ba. Sả bóc lấy phần lõi trắng, đập dập. Tắc vắt lấy nước cốt.

Bắc chảo lên bếp, phi thơm ớt và sả, cho ngao và một tô nước lạnh vào, đun sôi, nêm hạt nêm, nước mắm, nấm rơm, giềng, đun sôi trở lại, cho lá chanh, nước cốt tắc, tắt bếp. Nếu thích ăn chua, nêm ít nước cốt me, hoặc tắc, món ăn vẫn rất thơm ngon.

Canh mướp trứng.

Ảnh: Bếp Gia Đình.

Canh mướp trứng

Nguyên liệu: 1 trái mướp hương, 1 quả trứng gà, 1 nhánh gừng, xắt sợi, 1 nhánh hành tươi, xắt nhỏ. Hạt nêm hải sản, dầu ăn.

Cách làm: Mướp gọt vỏ, bổ đôi, xắt vát. Đập trứng ra tô, đánh bông. Bắc nồi lên bếp, đun nóng dầu ăn, cho gừng, mướp vào xào, nêm hạt nêm, nước lạnh, đun sôi, từ từ cho trứng vào, vừa rót vừa quấy nhẹ tay cho trứng bông lên. Canh sôi, rắc hành tươi.

Canh cải nấu cá rô đồng

Ảnh: Bếp Gia Đình.

Nguyên liệu: 2 mớ cải xanh, 200 gr cá rô, 1 nhánh con gừng, bằm nhỏ, 1 muỗng cà phê nước mắm, hạt nêm, dầu ăn.

Cách làm: Rau cải ngắt bỏ gốc, rửa sạch, xắt ngắn khoảng 1 cm. Cá rô đánh vảy, khía bụng, bỏ ruột, rửa sạch, nướng qua trên than hoa. Đun sôi nước, thả cá, gừng vào luộc chín, gỡ lấy thịt, xương cá cho vào máy xay sinh tố, xay nhỏ, lọc lấy nước.

Ướp thịt cá với nước mắm, gừng khoảng 5 phút. Đun sôi nước cá, cho rau cải, thịt cá, khi canh sôi hớt bỏ bọt nêm hạt nêm vừa miệng. Món canh này nên ăn nóng để khỏi bị tanh.

Một số món ăn sáng ngon

Nhịp sống vội vã đôi khi làm bạn quên bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Dưới đây là một số món ăn sáng chế biến nhanh, đơn giản, lại đảm bảo dinh dưỡng mà bạn có thể tham khảo.

Dưa cuộn thịt xông khói. Ảnh: Đẹp.

Dưa cuộn thịt xông khói

Chuẩn bị: Dưa vàng, thịt xông khói, cà tím, gia vị, dầu olive, nước mắm.

Thực hiện: Bổ dưa thành từng miếng mỏng khoảng 3 cm. Lấy thịt xông khói cuộn quanh miếng dưa. Cà tím thái thành miếng tròn dày khoảng 1cm, ướp nước mắm, tiêu, gia vị, dầu olive. Sắp cà tím và dưa cuộn thịt lên trên đĩa. Sau đó, đưa vào lò vi sóng nướng khoảng 5 phút là dùng được. Cuối cùng rắc hạt tiêu và ngò (rau mùi) thái nhỏ lên trên cà tím đã nướng.

Bạn có thể dùng thêm ly nước quả hoặc bổ sung ly sữa tươi cho bữa sáng của mình.

Thịt viên nấu mì. Ảnh: Đẹp.

Thịt viên nấu mì

Chuẩn bị: Thịt băm, gia vị, mì sợi dài, hành lá, cải ngọt, nấm linh chi, nấm rơm, cà rốt, hành bôrô.

Thực hiện: Băm hoặc xay thịt rồi ướp gia vị. Sau đó, viên lại thành từng viên vừa ăn.

Nấu nước dùng sôi, cho thịt viên vào nước, khoảng 3 phút sau cho thêm cà rốt, hành bôrô, cải ngọt, gia vị, nấm rơm, nấm linh chi. Nêm lại nước cho vừa ăn, chú ý nêm gia vị đậm đà để khi chan vào mì nước lèo trung hòa lại là vừa.

Trần mì qua nước sôi, trần lại bằng nước lạnh để sợi mì giòn và không bị dính. Chan nước lèo vào bát mì, trần thêm một lượt để đảm bảo độ nóng. Nên ăn ngay vì mì rất nhanh bị mềm.

Cơm chiên. Ảnh: Đẹp

Cơm chiên

Chuẩn bị: Tôm lột, hành lá, hành bôrô, thịt xông khói, hành tây, trứng gà.

Thực hiện: Thái thịt xông khói thành từng sợi mỏng. Tráng trứng thật mỏng rồi cắt sợi, để riêng. Phi tỏi thơm rồi cho cơm đã nấu chín vào đảo đều.

Nêm gia vị, hành bô rô, hành tây, tôm, thịt xông khói, trứng, hạt tiêu, gia vị rồi đảo đều cho đến khi cơm săn vàng lại là ăn được.

Bún tươi, bò bít tết. Ảnh: Đẹp.

Bún tươi, bò bít tết

Chuẩn bị: Bò phi lê thái mỏng, gia vị, bún tươi, giá tươi, dưa leo, xà lách, hành lá, nước dùng gà (hoặc heo), đậu phộng giã nhỏ.

Thực hiện: Ướp bò khoảng vài tiếng trước khi xào. Phi tỏi thơm, xào thịt bò thật nhanh bằng lửa lớn. Để thịt bò ra đĩa riêng.

Nấu nước dùng sôi, cho dưa leo và nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn. Bún để sẵn ở bát, trần qua nước dùng, sau đó để thịt bò xào lên trên, rắc hành, ngò, đậu phộng rồi chan nước lèo, dùng nóng.

Canh đậu trắng nấu thịt gà

Ảnh: Inmagine.

Mùa hè, canh là món không thể thiếu trong bữa ăn của mỗi gia đình. Bát canh với đầy đủ chất dinh dưỡng và thơm ngon của thịt gà và đậu trắng là một gợi ý cho bạn.

Nguyên liệu: Thịt gà: 400 g, đậu trắng: 200 g, cà chua: 100 g, mỡ nước: 50 g, hành củ: 50 g, nước mắm, mì chính, muối.

Chế biến:

- Thịt gà rửa sạch, chặt miếng to bằng nửa bao diêm, ướp mắm, muối.

- Cà chua bổ đôi, bỏ hạt, băm nhỏ.

- Phi thơm hành, cho cà chua vào đảo đều. Cho tiếp thịt vào, đổ nước xăm xắp, đun nhỏ lửa.

- Đậu trắng, để nguyên hạt ngâm nước lã, rửa sạch cho vào thịt gà, cho thêm hành nấu chín, nêm vừa ra vị.

Canh thịt gà đậu trắng nấu xong màu trắng hồng, dậy mùi thơm, có vị ngọt vừa ăn, nước nhiều hơn cái, hạt đậu nhừ.

Nước sen dừa

Ảnh: Itsuka.keyblog.jp

Vào ngày hè, bạn có thể tự chế biến các cốc nước gải khát với những nguyên liệu sẵn có. Nước sen dừa là một món uống có tính giải nhiệt cao và tốt cho sức khoẻ.

Nguyên liệu (cho 10 cốc): Hạt sen khô: 100 g, hoặc hạt sen tươi: 150 g, dừa thái nhỏ: 100 g, đường kính: 400 g, nước lọc.

Cách làm:

- Hạt sen khô ngâm nước lã 2 tiếng cho nở, vớt ra xát, đãi sạch vỏ lụa.

- Cho hạt sen vào nồi cùng với nước lã, đun sôi hớt bọt, kéo nồi ra cạnh bếp đun sôi âm ỉ khoảng 1 tiếng cho sen chín mềm, vớt sen ra để riêng. Nước luộc sen lọc sạch lấy nước trong để nguội.

- Đường cho vào nồi cùng nước đun sôi lọc sạch, để nguội, đổ lẫn với nước luộc sen.

- Khi uống cho sen, dừa vào cốc, rót nước đường vào 8/10 cốc, ướp lạnh hoặc cho đá vào uống lạnh.

Sau khi chế biến, hạt sen màu hơi vàng, nước trong trắng. Cốc nước nổi mùi thơm của sen, vị ngọt mát. Hạt sen chín bở, không bị vỡ chín.

Chả thịt bò nướng lá lốt

Ảnh: Kikirice.blogspot.com.

Miếng chả màu hơi vàng, bóng, nổi mùi thơm của lá lốt, có vị ngọt tự nhiên, vừa ăn. Chỉ với một chút thay đổi trong cách nấu, bạn có thể tạo nên món ăn có vị lạ và ngon hơn.

Nguyên liệu: Thịt bò loại 1: 500 g, thịt lợn nạc: 200 g, gan lợn: 300 g, hành củ: 100 g, mỡ nước: 100 g, tỏi khô: 20 g, nước mắm, đường, giấm chua, ớt tươi, mì chính, hạt tiêu, lá lốt.

Thực hiện:

- Thịt bò, thịt lợn, gan lọc hết gân, xơ, thái nhỏ, băm lẫn với hành, tỏi khô sau đó ướp cùng hạt tiêu, mỡ nước, nước mắm, đường, mì chính, dấm, trộn đều rồi để cho ngấm gia vị.

- Lá lốt cắt bỏ cuống rửa sạch rồi để ráo nước.

- Cho thịt băm nhỏ vào giữa lá lốt, gói kín lại từng miếng rồi xếp vào vỉ sắt, đặt lên bếp than hoa nướng chín vàng đều, xếp ra đĩa.

- Phi hành mỡ, rưới đều lên đĩa thịt nướng. Khi ăn dùng với nước chấm dấm đường, nước mắm, tỏi.

Miếng chả màu hơi vàng, bóng, nổi mùi thơm của lá lốt, vị ngọt tự nhiên, vừa ăn. Chả đều miếng, thịt chín tới không khô xác.

Cánh gà chiên chấm xốt tiêu tỏi

Ảnh: Pro.corbis.com.

Cánh gà vàng ruộm ăn cùng nước xốt tiêu tỏi. Đây là một món dễ làm và ăn nóng sẽ ngon hơn.

Nguyên liệu: Cánh gà: 500 g, trứng gà: 2 quả, bột mỳ: 100 g, hạt tiêu, muối, mỳ chính, nước mắm, dầu ăn, dầu hào, bột năng: 50 g, đường 1 thìa cà phê, tỏi bóc vỏ, băm nhỏ.

Cách làm: Cánh gà sơ chế sạch, chặt rời từng miếng, ướp tiêu, muối, mì chính (chú ý thịt gà không được ướp nước mắm).

Trứng gà lấy lòng đỏ đánh đều, trộn với cánh gà đã tẩm ướp.

Đặt chảo dầu lên bếp đun nóng, lăn cánh gà qua bột mỳ rồi cho vào chảo chiên vàng, vớt ra để ráo dầu, bày ra đĩa.

Làm xốt tiêu tỏi: Tỏi đập dập, cho vào chảo dầu phi thơm rồi cho tiếp lần lượt hạt tiêu, dầu hào cùng hỗn hợp nước đã pha đường, mỳ chính, nước mắm, bột năng; vừa đun, vừa khuấy đều tay khi thấy xốt sánh lại là được.

Thịt lợn xào chua ngọt

Ảnh: Văn Hóa Nghệ Thuật Ăn Uống.

Thịt lợn xào chua ngọt thơm mùi dứa, có vị chua ngọt vừa ăn, lại dễ làm. Món này có thể ăn cùng cơm nóng.

Nguyên liệu: Thịt lợn vai: 300 gr, ớt Đà Lạt: 3 quả, nấm hương: 10 tai, dứa: 1/2 quả, cà rốt, cà chua, dưa chuột, rau mùi, ớt đỏ để trang trí. Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị gia vị, dầu ăn, hạt tiêu, hành khô, đường

Cách làm:

Thịt lợn rửa sạch, để ráo nước, thái miếng vừa ăn, ướp chút gia vị. Ớt Đà Lạt bổ làm bốn, bỏ hạt, rửa sạch, cắt miếng quân cờ. Nấm hương ngâm nở, cắt bỏ chân, vắt khô nước. Dứa chọn quả không xanh quá và cũng không chín quá gọt vỏ, bỏ mắt, thái miếng vừa ăn, ướp với 1 thìa canh đường.

Hành khô bóc vỏ, băm nhỏ. Cà rốt gọt vỏ, cà chua, dưa chuột, ớt đỏ rửa sạch, tỉa hoa trang trí. Rau mùi nhặt rửa sạch, để ráo nước.

Đun nóng chảo, cho dầu vào đun sôi, phi thơm hành khô, cho thịt vào xào, đảo đều tay, thịt chín trút ra đĩa. Tiếp tục cho dầu vào chảo, phi thơm hành khô, cho dứa vào xào trước, nêm gia vị. Tiếp đến, cho ớt Đà Lạt vào xào cùng, đảo đều tay, dứa và ớt mềm, trút thịt vào trộn đều là được.

Xúc món xào ra đĩa, rắc tiêu hạt và rau mùi lên trên. Trang trí hoa xung quanh cho món ăn thêm hấp dẫn.

Chè hạt sen, táo đỏ

Chè hạt sen, táo đỏ. Ảnh: Văn Hóa Nghệ Thuật Ăn Uống.

Trong món chè này, vị bùi của hạt sen quyện với vị thơm của táo đỏ rất ngon miệng. Không tốn thời gian, nguyên liệu cũng đơn giản, bạn thử làm cho gia đình thưởng thức nhé.

Nguyên liệu: 2 xâu hạt sen khô, nếu có hạt tươi thì càng ngon, 200 g táo đỏ (loại có hột), 300 g đường phèn, 2 ống vani.

Cách làm:

- Hạt sen rửa sạch, ngâm nước 20 phút, cho vào xoong đổ nước ngập, đun sôi rồi hạ nhỏ lửa cho đến khi chín mềm.

- Táo đỏ rửa sạch bằng nước ấm, cho vào xoong luộc 5 phút, vớt ra rổ, để ráo nước.

- Nấu tan đường phèn với nửa lít nước, lọc qua xoong khác, cho hạt sen, táo đỏ vào nấu trên lửa nhỏ độ 10 phút, nhấc xoong xuống, cho vani vào khuấy đều. Múc chè ra bát, cho đá đập nhỏ vào ăn cùng (hoặc ăn khi nóng tùy khẩu vị).

Cá rô phi sốt cà chua

Ảnh: Comvietnam.net.

Màu đỏ của cà chua và màu vàng của cá sẽ hấp dẫn ngay các nhóc nhà bạn khi nhìn thấy món cá rô phi sốt cà chua. Đây là món ăn thường ngày rất dễ làm và được nhiều người ưa thích.

Nguyên liệu: 600gr cá rô phi, 2 quả cà chua, hành lá, rau thì là, ớt, hạt tiêu, nước mắm, gia vị.

Cách làm:

Cá rô phi làm sạch lọc bỏ xương, khía hình mắt sàng lên các miếng thịt ở mặt trong con cá, tẩm ướp với chút gia vị, hạt tiêu khoảng 15 phút. Cho 2 muỗng dầu vào chảo, đun nóng già rồi cho cá vào rán chín vàng. Mặt da cá có thể rán hơi già một chút thì khi ăn sẽ rất ngon và dai thịt.

Khi cá chín bày ra đĩa hình bầu dục, tỉa ớt trang trí cùng với vài cọng rau thì là.

Cà chua rửa sạch rồi nghiền nát. Trút bớt dầu ở chảo ra chỉ để lại một ít, cho cà chua vào đun nhỏ lửa. Nêm nước mắm hoặc bột canh cho vừa rồi đậy vung lại. Để nước sốt sôi khoảng 10 phút thì nêm chút gia vị và dội đều lên đĩa cá.

Có thể bày vài cọng rau mùi lên trên cho đẹp, món này ăn nóng sẽ ngon hơn.

Muối dưa giá

Ảnh: Tiếp Thị & Gia Đình.

Món dưa giá dễ làm, không tốn thời gian và tốn kém mà lại rất ngon, có tác dụng làm đẹp da. Đây là một gợi ý rất hay cho các bà nội trợ trong những ngày vẫn còn dư vị Tết này.

Nguyên liệu: 1 củ cà rốt, hẹ, 200 g giá, 1 quả ớt, 1 củ gừng, giấm, bột nêm, đường, muối.

Cách làm:

Bước 1: Cà-rốt rửa sạch, gọt vỏ, bào sợi. Có thể thái sợi dài và nhuyễn.

Bước 2: Gừng gọt sạch vỏ, rửa thật sạch, sau đó đem thái sợi.

Bước 3: Ớt rửa sạch, xẻ dọc, bỏ hạt, tiếp đến thái sợi dài và nhuyễn.

Bước 4: Hẹ rửa sạch, bỏ bớt những đầu lá vàng, cắt khúc dài khoảng 3 cm.

Bước 5: Trộn tất cả với 4 thìa súp đường, 7 thìa súp giấm, 1 thìa cà phê bột nêm, muối.

Hoàn thành: Để có món dưa giá giòn, khi làm đừng bỏ quá nhiều muối (không hơn 1 thìa cà phê). Nên cất dưa giá trong tủ lạnh.

Chả cá chiên thì là

Ảnh: Văn Hoá Nghệ Thuật Ăn Uống.

Ăn mãi mấy món quen thuộc cũng chán, bạn muốn làm thức gì đó hấp dẫn, đơn giản mà lạ miệng để thết đãi cả nhà. Chả cá chiên thì là có thể là gợi ý hay cho bạn đấy.

Để làm món này, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau:

- Cá ba sa phi lê: 300g

- Rau thì là: 1 mớ to

- Trứng gà: 2 quả

- Bột mì: 2 thìa canh.

- Hành khô, hành tươi, bột canh, dầu ăn, hạt tiêu, tương ớt.

Cách làm: Hành khô bóc vỏ, rửa sạch, cho vào cối xay nhuyễn cùng với cá basa.

Rau thì là, hành tươi nhặt rửa sạch, để ráo nước, thái nhỏ.

Trứng gà lấy lòng đỏ, đánh bông, cho bột mỳ vào quấy đều.

Cho cá ba sa, trứng, hành tươi và rau thì là, thêm chút bột canh, hạt tiêu vào trộn thật đều. Dàn đều hỗn hợp vào khuôn hình tròn, độ dày khoảng 2 cm, cho vào chõ hấp khoảng 15 phút, nhấc ra để nguội. Tiếp đó, đun nóng chảo, cho dầu vào đun sôi, hạ bớt lửa, cho chả vào rán vàng 2 mặt là được. Bày chả ra đĩa, trang trí dưa chuột và cà chua để ăn kèm.

Ăn nóng, chấm với tương ớt rất hấp dẫn.

Cá quả om cần

Ảnh: Văn Hoá Nghệ Thuật Ăn Uống.

Vào mùa đông, cá quả thường béo, bạn có thể chọn để nấu một món ăn dân dã nhưng rất ngon miệng: Cá quả om cần. Món này nấu khá giản, không tốn thời gian lại dễ ăn cùng cơm vào bữa chính.

Để làm món này, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau:

- Cá quả (1 con): 500 g

- Rau cần, cải cúc, thì là: mỗi thứ 1 bó

- Hành, tỏi tươi (tỏi ta): mỗi thứ 2-3 cây

- Cà chua: 1 quả

- Mỡ nước (hay dầu ăn): 3 thìa

- Bột canh, nước mắm, hạt tiêu, muối.

Cách làm: Cá làm sạch vảy, chặt bỏ mang, vây, mõm và chóp đuôi, xát muối, cạo rửa sạch, mổ moi ruột. Cắt khúc hay để cả con (tuỳ ý), nếu để cả con khía sâu vào thân cá nhiều nhát cách đều, ướp với bột canh, hạt tiêu.

- Cà chua bỏ hạt, thái kiểu miếng cau. Các thứ rau cắt khúc. Tỏi tươi thái vát. Hành củ chẻ đôi.

- Đun mỡ trong xoong nóng già, bỏ cá vào rán qua hơi vàng, cho cà chua đảo lẫn, nêm đủ các gia vị, chế thêm một muôi nước sôi. Đậy vung đun nhỏ lửa om cho cá chín kỹ, nước cạn bớt mới bỏ các thứ rau om cùng với cá, rau chín tới là được. Múc cá vào giữa đĩa sâu lòng các thứ rau xung quanh, dội nước om, rắc hạt tiêu. Ăn nóng vào bữa chính.

- Cá chín không nát, rau chín tới. Nước om còn ít, màu sắc hài hoà hấp dẫn, dậy mùi đặc trưng của cá và rau, vị vừa ăn.

Sườn nấu nho

Ảnh: Sài Gòn Tiếp Thị.

Sườn nấu mềm với vang đỏ và nho tươi là một món ăn rất ngon. Bạn có thể chuẩn bị món này để ăn cùng với bánh mì và muối tiêu, rất hợp vị.

Nếu gia đình bạn có 4 người, bạn cần chuẩn bị lượng nguyên liệu như sau:

- Sườn non: 500 g

- Nho tươi: 500 g

- Hành tím băm: 1 muỗng xúp

- Tỏi băm: 1 muỗng cà phê

- Đường, muối, tiêu, bột nêm, bột bắp

- Một thìa vang đỏ

- 500 ml nước dùng

Cánh làm: Sườn chặt khúc, ướp muối, tiêu, đường, bột nêm, tỏi, hành để 20 phút cho ngấm. Nho lấy phân nửa băm nhỏ, còn phân nửa cắt đôi bỏ hạt.

Đổ nước dùng, nho băm, vang đỏ vào nấu với sườn. Khi sườn mềm, bạn thêm bột bắp khuấy với chút nước vào để tạo độ sánh. Sau cùng, cho nho tươi vào, nêm lại cho vừa.

Bánh chuối thái

Ảnh: Đẹp.

Bánh chuối là một món tráng miệng hấp dẫn trong thời tiết lạnh giá này. Sao bạn không thử làm để đem lại cho gia đình một món bánh với hương chuối quyện vị ngậy của cốt dừa, bơ thật ngon miệng.

Để làm món này, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau: Bột gạo, bột năng, đường trắng, dừa thái sợi, nước dừa tươi, bơ tươi. Ngoài ra, bạn không thể quên chuối thái khoanh dày khoảng 1 cm, nước cốt chanh tươi, đường nâu, sữa và trứng gà tươi, gừng thái sợi.

Cách làm: Cho bột vào bát to, đường trắng, nước dừa, trứng gà, dừa thái sợi, đánh đều thành hỗn hợp sệt như khi làm bánh.

Làm nóng chảo không dính, cho bơ vào để bánh không bị cháy đồng thời có mùi thơm. Sau đó, đổ hỗn hợp bột trên, tráng đều hai mặt, để lửa liu riu đến khi cả bánh vàng đều. Ủ các miếng bánh dừa này bằng khăn nóng trong khi chuẩn bị chiên chuối.

Cũng làm nóng chảo bằng bơ, cho từng lát chuối vào chiên đến khi chuối mềm, vàng. Tiếp đó, cho đường nâu, nước chanh tươi vào tạo thành hỗn hợp nước sệt, đun thêm một lúc để chuối và đường thấm vào nhau.

Cuối cùng, lót miếng bánh dừa trên đĩa, đặt những miếng chuối lên trên bề mặt theo mật độ đều nhau. Cứ thế khoảng 4 đến 5 tầng cho một đĩa, trên cùng rắc dừa sợi và một ít sợi gừng thái nhuyễn.

Bún dọc mùng

Ảnh: Yahoo.com.

Mùa đông, còn gì thú bằng được ngồi thưởng thức bát bún dọc mùng nóng hổi, đậm đà, béo ngậy. Đây là món được bày bán ở khắp nơi. Nhưng nếu ở nhà, bạn có thể trổ tài nội trợ để cả gia đình cùng ăn.

Bạn hãy đi chợ mua những nguyên liệu sau đây: Móng giò 4 cái, chân giò lợn đã lọc xương 1 cái, sườn lợn 1 kg, lưỡi lợn 2 cái, dọc mùng 1 kg, cà chua 500 g. Ngoài ra, bạn cần có một chút tiêu, 1 củ tỏi, 1 củ nghệ, 100 g hành hoa, 2 mớ mùi tàu, 4 mớ rau thơm, 2 quả ớt tươi, cùng với tương ớt, 1/2 bát nhỏ magi, 1quả đu đủ xanh, bột nêm và một ít muối hạt.

Lưỡi, móng giò bóp muối, rửa sạch. Chân giò, sườn rửa sạch để ráo. Chân giò cuộn tròn lấy lạt buộc vòng quanh, sườn chặt miếng to vừa ăn. Dọc mùng tước bỏ xơ, thái vát, rắc muối để một lúc cho mềm rồi rửa sạch vắt kiệt nước.

Cà chua rửa sạch thái miếng cau, tỏi bóc vỏ đập dập. Đu đủ gọt vỏ bỏ hạt, rửa sạch thái miến bằng nửa bao diêm. Nghệ giã nhỏ lọc lấy nước. Hành hoa, mùi tàu rửa sạch thái nhỏ, rau thơm, mùi rửa sạch để ráo.

Tiếp đó, cho lưỡi, móng giò, chân giò cuốn vào luộc chín, vớt ra để nguội. Đổ nước nghệ vào nồi nước dùng, cho tiếp sườn vào ninh cùng đu đủ, cà chua đun cho chín vừa tới, thêm một chút bột nêm rồi cho dọc mùng vào đun sôi bùng lên là được.

Chặt móng, thái chân giò cuốn và lưỡi bày ra đĩa. Pha magi với tỏi, ớt, hạt tiêu, bạn có thể ăn bún chấm hoặc bún chan tùy ý.

Cà tím bung

Nóng sốt và không quá loãng là đặc điểm chính của các món ăn mùa đông. Một bát cà bung nấu với đậu phụ sánh vàng và đượm mùi thơm của tía tô trên bàn ăn sẽ kích thích vị giác của các thành viên trong gia đình bạn.

Để làm món này, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu:

- Cà tím 500 g: rửa sạch, bổ cau ngâm trong nước pha một chút muối.

- Thịt ba chỉ 300 g rửa sạch, thái vừa ăn ướp với một ít bột nêm.

- Cà chua 200 g rửa sạch, thái cau.

- Đậu phụ 5 bìa to cắt nhỏ, rán vàng.

- Bì lợn 200 g bóp muối, rửa sạch.

- Hành khô: băm nhỏ.

- Hành tía tô rửa sạch, thái nhỏ.

- Một chút bột nghệ giã nhỏ, lọc lấy nước.

- Dầu ăn vừa đủ và một chút bột nêm.

Cách chế biến: Bì sạch cho vào một ít nước đun sôi nhỏ lửa khoảng 15 phút. Cà tím vớt ra cho ráo nước. Cho vào nồi một chút dầu ăn đun nóng, phi hành cho thơm rồi đổ thịt ba chỉ vào đảo săn, múc ra.

Cho thêm một chút dầu ăn, đổ cà chua vào đun nhừ rồi cho tiếp cà tím vào xào cho ngấm. Sau đó, đổ thịt và bột nghệ vào đun thêm 5 phút. Đun sôi nước bì rồi cho đậu đã rán vào đun nhỏ lửa tới khi cà chín mềm, rắc hành, tía tô vào, bắc ra.

Yêu cầu của món ăn là nước xâm xấp sánh vàng thì mới ngon.

Tim bò khía

Ảnh: Lecolonialnyc.

Tim bò khía là món ăn mang đậm phong cách vùng Nam Bộ. Cách chế biến đơn giản nhưng món này lại mang hương vị khá độc đáo của các loại gia vị và rau thơm ăn kèm.

Để thực hiện món này, bạn phải chuẩn bị các nguyên liệu sau: Tim bò: 500 g (có thể dùng tim lợn), 200 g cùi dừa, 1 gói nhỏ cà ri, 2 nhánh tỏi khô, 3 thìa dầu ăn. Sả, hành khô mỗi thứ 1 củ. Ngoài ra, còn cần 100 g lạc rang, húng quế, mùi tàu để ăn kèm và nước mắm, bột canh, đường, hạt tiêu.

Rửa sạch tim, thái vuông quân cờ, ướp kỹ với bột canh, hạt tiêu, đường, bột cà ri. Sả và hành tỏi khô giã nhỏ. Cùi dừa gọt bỏ vỏ đen, nạo vụn vắt lấy nước cốt để riêng. Lạc rang xát sạch vỏ giã giập.

Đun dầu nóng già, phi thơm hành, tỏi, sả rồi bỏ tim vào xào kỹ, nêm đủ gia vị, đổ nước dừa vào. Đậy vung giảm nhiệt, khi tim chín mềm, nước cạn bớt, thêm nước cốt dừa để sôi lại là được rồi múc vào đĩa, rắc hạt tiêu, lạc rang bên trên, ăn nóng.

Mẹo làm các món luộc ngon

Ảnh: Jupiterimages.com.

Dùng nước dừa, cho thêm ít muối, đun sôi, cho tôm vào, canh tôm vừa đỏ thì vớt ra ngay. Tôm luộc đúng độ sẽ ngọt đậm, mềm mà vẫn dai.

Bạn đừng nghĩ làm món luộc đơn giản, chỉ cần đun nước sôi, cho vào, đợi chín và vớt ra. Thật ra, mỗi loại thực phẩm có cách luộc riêng. Tham khảo các mẹo sau để làm các món ăn của bạn thêm ngon.

- Luộc rau ngon:

Với các loại rau xanh như cải bẹ xanh, cải ngọt, rau muống: nên cho nước nhiều, thêm một ít muối vào nước luộc và để lửa lớn cho nước sôi già mới cho rau. (Có thể sau khi vớt, cho rau vào ngâm trong nước đá, rau vừa xanh lại vừa giòn. Nhưng cách này làm mất một số vitamin trong rau)

Với bông cải trắng hoặc xanh: cũng làm như cách trên, khi ngâm vào nước đá, bông cải sẽ giòn, không bị mềm hay rã những đọt bông trên mặt.

- Cách luộc lòng heo được trắng và giòn

Khi luộc, chờ nước thật sôi mới thả lòng vào. Lúc lòng chín tới vớt ra đem nhúng ngay vào chậu nước có pha một chút phèn chua (nước phèn này đã được đun sôi để nguội). Làm như thế, lòng sẽ trở nên trắng trẻo, giòn.

- Luộc gà

Cho gà vào nồi lúc nước lạnh, bỏ thêm một miếng gừng và hành nướng đập dập cho thơm, đun sôi thì để lửa nhỏ, thỉnh thoảng cho thêm một chút nước lạnh vào nồi. Gà chín, tắt bếp, om một lúc, vớt ra thả vào chậu nước đun sôi để nguội (thả thêm vài cục đá), con gà trông sẽ căng mọng và ăn da rất ngon. Muốn trông gà vàng ươm thì lấy nước mỡ gà quyết lên da.

Muốn chặt gà đẹp, bạn hãy để ráo nước và thật nguội mới chặt.

- Luộc chân giò được mềm mà vẫn giòn

Nếu là bắp giò thì trước khi luộc bạn dùng sợi dây lạt bó miếng thịt lại cho chặt. Sau khi luộc chín, vớt ra cho vào một tô nước lạnh ngâm chừng 5 phút, để miếng thịt trông trắng và sạch hơn. Bạn cũng có thể vớt ra để nguội rồi cho vào tủ lạnh, lúc ăn mang ra thái miếng mỏng.

- Luộc thịt bò bắp cho vừa mềm, thơm

Dập một củ xả, một miếng gừng, cho thêm ít mắm, ngũ vị hương, và khoảng 1-2 thìa cà phê rượu trắng vào ít nước, cho bắp bò vào đun cạn, cho thêm một ít nước lạnh vào đun tiếp gần cạn rồi vớt thịt ra.

Bí quyết dùng nồi

Ảnh: Jaspermorrison.com.

Bạn không nên để các đồ ăn mặn trong nồi nhôm vì nhôm có thể bị muối ăn mòn và gây hại cho sức khỏe. Tránh rửa nồi bằng nước rửa chứa nhiều xút vì có thể làm thủng nồi đồng thời cần sử dụng nhẹ tay vì nồi nhôm dễ bị móp.

Mỗi loại nồi có cách sử dụng khác nhau, phù hợp với chất liệu của nó. Bạn hãy học cách dùng đúng cách để vừa tăng tuổi thọ cho nồi vừa bảo đảm an toàn cho đồ ăn.

Nồi inox: Khi dùng nồi inox, bạn nên đun nhỏ lửa vì lửa lớn thức ăn có thể để lại vết ố trên nồi. Không dùng dụng cụ bằng sắt để cọ rửa nồi vì sẽ làm xước, mất vẻ bóng loáng. Bạn nên sử dụng đũa hoặc muỗng gỗ khi xào nấu thức ăn.

Nồi đất: Đồ đất giữ sức nóng của món ăn rất tốt. Vì vậy, khi đun nấu nên để lửa nhỏ hoặc lửa vừa để hơi nóng được giữ lại và không làm nồi bị đen.

Nồi tráng men: Chỉ nên dùng đồ tráng men với lửa nhỏ, giữ gìn cẩn thận vì lớp men rất dễ bong. Không nên gõ muỗng vào thành nồi vì có thể làm chất men bị rạn nứt. Dùng đồ gỗ khi nấu ăn bằng nồi tráng men và không nấu ăn bằng nồi đã bị bong và có thể gây nhiễm độc.

Nồi thủy tinh: Nồi, âu thủy tinh là đồ chuyên dùng để nấu các món ăn sử dụng lò vi sóng, bếp điện từ, bếp ga âm. Khi gặp nhiệt trực tiếp, nồi thủy tinh sẽ dễ rạn, nứt. Dùng khăn khô mềm khi lau rửa để giữ độ sáng bóng của nồi.

Bí quyết chọn và chế biến hải sản

Bạn muốn chọn cua ghẹ ngon thì nên lật ngửa con cua, ghẹ dùng ngón tay ấn mạnh lên yếm, nếu yếm cứng không bị lún xuống là cua, ghẹ chắc.

Dưới đây là một vài mẹo vặt giúp bạn chọn lựa được hải sản ngon.

Hải sản tươi sống

Tôm: Tôm tép còn tươi vỏ cứng, dai và trơn láng, tôm màu xanh và không ngả sang đỏ. Tôm ươn màu sắc hết bóng bẩy, có mùi hôi, đầu rời ra và càng tôm dễ rụng.

Sò: Lựa con còn sống (sò há miệng và khi sờ vào thì miệng sò khép chặt lại).

Ảnh: Photos.the-protagonist.net.

Ốc: Nên lựa ốc còn sống (dùng tay đụng nhẹ vào cái mài ốc thì ốc sẽ khép kín mài lại). Ốc mập thì mài ốc ở gần phía ngoài vỏ ốc, trái lại, nếu ốc chết hay ốm thì mài thụt sâu vào trong vỏ ốc (sẽ có mùi hôi).

Cá: Để chọn cá tươi, ngon có thể căn cứ vào mắt cá lồi và trong suốt, giác mạc đàn hồi. Mang cá tươi, màu đỏ hồng, dính chặt với hoa khế, không có nhớt , không có mùi hôi, khó chịu. Vẩy cá tươi, óng ánh, bám chặt với thân cá, không có niêm dịch, không có mùi hôi khó chịu, miệng cá ngậm kín. Thịt cá tươi rắn chắc, đàn hồi, không để lại vết ấn của ngón tay vào thịt cá.

Lựa chọn hải sản khô

Mực khô: Trên thị trường thường gặp hai loại mực là mực dài và mực hình bầu dục. Mực khô ngon nguyên con mình chắc, bóng sạch, thịt dày, màu hồng nhạt tươi sáng. Loại kém chất lượng hơn thường có những đốm màu đỏ thâm trong phần thân và lưng, hai mặt có những nốt màu đỏ nhạt.

Bào ngư khô: Loại ngon phải nguyên con, khô chắc, có màu vàng nhạt hoặc hồng phấn, gần như trong suốt và có mùi thơm nhẹ.

Tôm khô: Loại ngon có kích cỡ đồng đều, màu hồng sẫm, ánh, có vị nhạt, mình khô.

Sò khô: Được làm từ các loại sò tươi như sò dương, sò điệp, sò huyết... sau khi luộc chín tách vỏ rửa sạch đem phơi khô. Loại ngon có màu ánh vàng, bề mặt có những hạt nhỏ màu trắng, hạt không bị nát vụn, không có tạp chất, thịt chắc dầy, căng, có mùi thơm đặc trưng, vị nhạt.

Hàu khô: Thường có hai loại, sống và chín. Thịt hàu ngon phải chắc, không vụn, mặt ngoài không lẫn cát và vỏ sò vụn, có màu vàng. Nếu thân nhỏ mỏng, có mà hơi đỏ lẫn màu đen là loại kém chất lượng.

Chế biến hải sản đúng cách

Sau khi mua hải sản như tôm, mực, nếu chưa chế biến ngay, nên cất vào ngăn lạnh nhất trong tủ lạnh. Bạn có thể giữ chúng 1-2 ngày. Riêng các loại ốc, sò, nghêu, không nên cho vào túi nylon, cột chặt miệng vì chúng cũng cần được thở. Tốt nhất, nên giữ loại hải sản này trong túi vải sạch, rắc nước lên cho có độ ẩm, không cần giữ trong tủ lạnh. Trước lúc chế biến, nên loại bỏ những con chết, rửa hải sản dưới vòi nước sạch.

Khi rã đông, nên để hải sản trong ngăn mát qua đêm. Nếu cần dùng nhanh, bạn có thể đặt chúng dưới vòi nước lạnh hoặc cho vào lò vi sóng. Không nên rã đông hải sản bằng cách ngâm vào nước ấm hoặc để ra ngoài nhiệt độ bình thường để tránh nhiễm khuẩn. Hải sản đông lạnh cần thời gian dài để rã đông mới đảm bảo được hương vị và dinh dưỡng.

Mẹo nhỏ trong bếp

Ảnh: Procorbis.com.

Để loại bỏ nhanh lớp váng mỡ bám trên bát đĩa, bạn có thể bọc một vài viên đá nhỏ trong chiếc khăn bằng vải mỏng và quét nhẹ trên bề mặt bát đĩa bẩn trước khi rửa, lớp váng mỡ sẽ nhanh chóng biến mất.

Và dưới đây là một số mẹo nhỏ rất hữu dụng khác mà bạn có thể tham khảo.

Chùi rửa thớt mau sạch: Rắc một ít muối lên bề mặt thớt, sau đó cắt 1/2 quả chanh và dùng miếng chanh này như một miếng "cọ chùi rửa" để đẩy sạch các vết bẩn bám trên thớt.

Chữa cháy cho món thịt kho, hầm hay món nước sốt quá mặn: Chỉ cần thêm vào nồi một hoặc hai thìa nhỏ đường đen, vị mặn của món ăn sẽ được cải thiện đáng kể.

Thêm hương vị đặc biệt cho món bánh nướng: Trộn thêm 1/2 thìa nhỏ tinh dầu hương quế hoặc gừng vào lớp bột làm bánh sẽ làm cho hương vị của món bánh nướng thơm ngon, đặc biệt hơn.

Để nhanh chóng tìm được mép ngoài cùng của cuộn nylon bọc thực phẩm: Thoa một lớp bột (dùng để chế biến thức ăn) quanh cuộn giấy bóng. Bột sẽ bám chặt vào lớp biên ngoài cùng của cuộn nylon và bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy nó trong lần sử dụng kế tiếp.

Bóc vỏ trứng luộc dễ dàng: Sau khi trứng chín, đổ hết nước, để trứng nguội bớt rồi đặt lại vào nồi, đậy nắp và lắc mạnh cho đến khi không nghe thấy tiếng vỏ trứng vỡ lạo rạo bên trong. Lúc đó, bạn có thể lấy trứng ra để bóc vỏ.

Cách phân biệt những hạt đậu hỏng và hạt đậu còn sử đụng được: Trước khi nấu, chỉ cần đổ một ít nước lạnh ngập lớp đậu, những hạt đậu nổi lên trên mặt nước là đậu đã hỏng, không nên sử dụng.

Ếch sốt chua ngọt

Ảnh: Yahoo.com.

Món ếch sốt chua ngọt hấp dẫn mà không mất nhiều thời gian. Bạn đừng ngại việc chế biến vì hiện nay, ếch mua rất dễ và làm sẵn cũng có.

Bạn cần chuẩn bị đủ các nguyên liệu sau: Ếch 2 kg, bột mỳ 100 g, bột đao 50 g, đường 50 g, cà chua 200 g, dấm 20 ml, tỏi 1 củ, hành khô 1 củ, một ít hoa hiên, tiêu bột, bột nêm, và hành hoa.

Đầu tiên, bạn phải làm sạch ếch, chặt làm bốn, rút bỏ xương lấy thịt ướp với bột nêm, tiêu bột, bột đao cho ngấm. Sau đó lấy ếch tẩm vào bột mỳ khô rán vàng.

Hành tỏi khô bóc vỏ, băm nhỏ, cà chua rửa sạch bỏ hạt, băm nhỏ. Dấm, đường hoà với nhau cho đủ độ chua ngọt, thêm một ít phẩm hoa hiên để màu đẹp. Phi thơm hành tỏi, trút cà chua, cho thêm một ít bột nêm vào xào kỹ rồi cho nước đường dấm vào. Thêm một chút bột đao cho nước sốt được sánh, rồi thả ếch vào đảo đều, đun nhỏ lửa khoảng năm phút cho ngấm, rắc hành hoa thái nhỏ vào là được. Ếch sốt chua ngọt ăn nóng rất ngon.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #nau