sắc giới-trương ái linh
SẮC, GIỚI
Bản dịch của Lan Huệ
Mặc dù trời vẫn trời còn sáng, ngọn đèn nóng hực chiếu xuống bàn mạt chược. Nhẫn kim cương chiếu lấp lánh trên các bàn tay xoa lách cách những quân bài. Chiếc khăn vải, cột chặt ở bốn chân bàn, kéo thành một mảnh trắng xóa. Ánh đèn nhân tạo tôn lên đường cong đầy đặn của bộ ngực Giai Chi và làm rõ những đường nét thanh tú trên gương mặt trái xoan của nàng, mà vẽ kiều diễm bằng cách nào đó càng được tôn lên, nhờ vầng trán hẹp không cân đối, nhờ những lọn tóc ôm thờ ơ hai bên má. Nàng có lối trang điểm kín đáo, nhẹ nhàng ngoại trừ vành môi cong tô đỏ bóng. Mái tóc được vén hững hờ sau gáy, rồi buông lơi xuống bờ vai. Chiếc xường sám hở tay bằng hàng satinmoiré xanh óng ả dàí gần tới gối, cổ áo tròn, chỉ cao vài phân, theo kiểu tây phương. Chiếc ghim cài cổ hòa hợp với đôi hoa tai ngọc bích cẩn kim cương.
Hai người đàn bà -- thái thái --ngồi bên trái và phải của nàng đều mặc áo choàng len đen không tay, thân áo giữ hờ ở cổ bằng một sợi dây chuyền vàng dầy cộp, nặng nề, thò dưới bâu áo. Cách ly với thế giới vì bị quân Nhật chiếm đóng, Thượng Hải đã tự tạo ra vài kiểu thời trang. Trong những vùng bị chiếm đóng, giá vàng cao vọt nên các sợi dây chuyền dầy như thế rất đắc tiền. Tuy nhiên, nếu dùng thay thế cho nút áo cổ, chúng không có vẻ phô trương thô tục, do đó người mang chúng có cớ để trình diễn sự giàu sang của họ khi đi đây đi đó trong thành phố. Vì những lý do tuyệt diệu ấy, áo choàng và dây chuyền vàng trở thành đồng phục ưa thích của các bà vợ các viên chức chính phủ bù nhìn Uông Tinh Vệ. Cũng có thể họ bắt chước Trùng Khánh, thủ đô thời chiến của Trung Hoa Dân Quốc, nơi đó áo choàng đen rất đuợc giới phụ nữ đài các phe chính khách thượng lưu ưa chuộng.
Dịch Thái Thái đang ở tại tư gia, do đó bà không diện áo choàng; nhưng ngay cả khi không mặc nó, từ dưới cổ, thân hình bà vẫn phình ra như một quả chuông, với sức nặng tích tụ theo năm tháng. Bà gặp Giai Chi vào hai năm trước đây tại Hong Kong, sau khi vợ chồng bà rời bỏ Trùng Khánh -- và chánh phủ Dân Quốc -- cùng một lúc với Uông Tinh Vệ. Không lâu lắm trước khi họ di cư đến đảo, Tăng Trọng Minh, một trong những phụ tá của Uông Tinh Vệ, đã bị ám sát tại Hà Nội và do đó, những người theo phe Uông ở Hong Kong cố thu mình ẩn nhẩn. Tuy nhiên, Dịch Thái Thái vẫn quyết tâm mua sắm. Trong thời chiến, hàng hóa ở vùng chưa bị chiếm đóng trong nội địa và các lãnh địa Trung Quốc đều khan hiếm; Dịch Thái Thái không muốn bỏ lở cơ hội ngàn vàng để sắm sửa khi ghé qua thiên đường thương mãi Hong Kong. Có ai đó trong vòng quen biết của bà đã giới thiệu Giai Chi -- người vợ trẻ đẹp của ông Mạch, một thương gia địa phương.-- ông thường tháp tùng nàng trong các chuyến buôn. Nếu muốn lùng sục các cửa hàng Hong Kong, ta cần có một người địa phương đi kèm; ngay cả ở cửa hàng bách hóa lớn, ta cũng phải trả giá, và nếu ta không nói tiếng Quảng Đông, họ sẽ bán cho ta với giá cắt cổ. Ông Mạch theo ngành xuất nhập cảng và cũng như tất cả các thương gia khác, rất hăm hở kết bạn với các chính khách. Vì lẽ đó, dĩ nhiên hai vợ chồng họ tỏ ra vô cùng hiếu khách với Dịch Thái Thái, ngược lại bà cũng biết ơn họ thâm sâu. Sau trận dội bom Trân Châu Cảng và sự sụp đổ của Hong Kong, ông Mạch thua lỗ trong việc kinh doanh. Để kiếm thêm chút tiền cho gia đình, Mạch Thái Thái quyết định buôn lậu thử vài chuyến, và đến Thượng Hải mang theo một ít xa xí phẩm -- đồng hồ tay, thuốc Tây, nước hoa, vớ mỏng của phụ nữ -- để bán lại. Lẽ đương nhiên Dịch Thái Thái mời nàng về ở nhà mình.
"Hôm qua, chúng ta đi ăn đồ Tứ Xuyên ở nhà hàng Thục Du, "Dịch Thái Thái nói với bà áo choàng đen thứ nhất. "Mạch Thái Thái chưa tới đó lần nào."
"Ủa, vậy hả?"
"Mã Thái Thái, mâý ngày nay chúng tôi không gặp chị."
"Tôi bận việc gia đình," Mã Thái Thái lúng búng nói giữa tiếng lách cách của những quân bài.
Dịch Thái Thái nhếch làn môi mỏng mỉm cười. "Bà ấy trốn vì tới phiên bà ấy trả tiền."
Giai Chi nghi rằng Mã Thái Thái ghen tỵ với nàng. Từ khi xuất hiện, nàng là trung tâm của mọi chú ý.
"Tối hôm qua, Liêu Thái Thái dẫn cả bọn đi ăn. Mấy ngày nay chị ấy hên dễ sợ, luôn luôn thắng," Dịch Thái Thái nói tiếp với Mã Thái Thái. "Tại nhà hàng, tôi gặp chú Lý đi với vợ, nên tôi mời cả hai vợ chồng. Họ cũng đang chờ khách của họ, do đó tôi mời khách của chú tham gia luôn thể. Dù sao, có mấy thuở Liêu Thái Thái đãi tiệc, phải không? Rốt cuộc, chú Lý có quá nhiều khách nên không đủ chổ ngồi chung quanh bàn. Bắt thêm ghế cũng không đủ nên Liêu Thái Thái phải ngồi sau lưng tôi như một cô đầu ở buổi dạ yến. Tôi nói đùa, 'Tối nay tôi chọn được một cô đẹp quá.' Bà ấy trả lời, 'Tôi là miếng tàu hủ dai nhách chị không nuốt được đâu. 'Tôi đáp, 'Gừng càng già càng cay.' Ôi chao, chúng tôi cười tức cả bụng. Bà ấy cười nhiều đến nổi những mụt rỗ hoa của bà ấy cũng đỏ lựng."
Thêm nhiều tràng cười nở rộ trên bàn mạt chược.
Trong khi Dịch Thái Thái thóc mách tình hình mấy ngày qua cho Mã Thái Thái nghe, ông Dịch bước vào, trong bộ âu phục xám, và gật đầu chào ba vị nữ khách.
"Hôm nay các chị chơi bài sớm nhỉ?"
Ông ta đứng sau lưng vợ, nhìn canh bài. Sau lưng ông, vách tường được phủ với một tấm màn dầy bằng len nâu vàng, in hình những chiếc lá dương xỉ, giống như đuôi phượng hoàng màu gạch đỏ, mỗi nhánh dài gần hai mét. Nhà của Chu Phật Hải, người nắm quyền lực thứ hai sau Uông Tinh Vệ, có một cặp màn như thế, và do đó, ông bà Dịch cũng phải có. Cửa sỗ giả kiểu Pháp, và các màn cửa dài ngoằng đi kèm, tất cả là thời thượng cuồng điên thuở ấy. Vì chiến tranh, vải vóc khan hiếm; loại màn cửa phủ tận sàn nhà như thứ màn cửa treo đàng sau ông Dịch -- phải dùng nguyên súc vải, và phí phạm vì phải cắt đo cho hoa văn ăn khớp -- là những món xa hoa lãng phí. Đứng đằng trước những chiếc lá dương xỉ vĩ đại, ông Dịch càng có vẻ thấp lùn hơn thường lệ. Nước da tái, gương mặt thanh, và viền tóc hói thành hình cánh hoa hai bên thái dương. Mủi ông trông rất đặc biệt vì hẹp nhọn, gần như mủi chuột.
"Mã Thái Thái, chiếc nhẫn kim cương của chị đang đeo lớn cỡ ba ca- ra không?" Dịch Thái Thái hỏi." Hai ngày trước, Phẩm Phân có đem cho tôi xem một viên năm ca- ra, nhưng không chiếu sáng bằng viên kim cương của chị."
"Tôi nghe nói hàng của Phẩm Phân đẹp hơn hàng ngoài tiệm."
"Nếu họ đem tận nhà cho mình xem thì tôi thấy cũng tiện. Và mình có thể giữ lại vài ba ngày trong khi suy nghĩ. Thỉnh thoảng bà ấy cũng có những món hàng độc đáo không thể tìm thấy ở chỗ nào khác. Lần trước bà ấy cho tôi xem một viên kim cương nước dầu lửa, nhưng ông nhà tôi không chiu mua cho tôi." Bà Dịch nguýt ông chồng một cái trước khi nói tiếp. "Mấy chị có biết bây giờ viên kim cương đó trị giá bao nhiêu không? Nước dầu lửa tuyệt hảo: một chục lượng mỗi ca ra? hai chục lượng? ba chục lượng? Phẩm Phân nói, hiện nay không ai bán kim cương nước dầu lửa hay màu hồng, dù giá cao bao nhiêu cũng vậy. Người ta cất dấu chúng, chờ tới lúc chúng lên giá cao tận mây xanh."
"Bà không biết nó nặng đến chừng nào sao?" ông Dịch cười cười." Mười ca- ra. Bà đeo cục đá đó trên tay thì làm sao chơi mạt chược được."
Bốn cạnh bàn mạt chược lấp lánh như một buổi triển lãm kim cương. Giai Chi thầm nghĩ, đôi tay của mọi người, trừ nàng, rực rỡ một cách hợm hỉnh khoe khoang. Đáng lẽ nàng nên cất chiếc nhẫn ngọc thạch của mình trong hộp, để tránh những cái nhìn nhạo báng.
"Đừng ghẹo tôi nữa mà!" Dịch Thái Thái hờn dỗi, lấy ra một trong những thẻ lệnh của mình. Bà áo choàng đen, đối diện với Mã Thái Thái, lộp cộp lật ngửa những quân bài chiến thắng của mình để trình làng, và tiếng cười nói, tiếng than thở ồn ào bùng lên, cắt ngang câu chuyện của họ.
Trong khi những tay bài đang bận rộn tính toán số tiền ăn thua, ông Dịch hất nhẹ càm ra cửa, làm hiệu cho Giai Chi.
Nàng lập tức liếc nhìn hai bà áo choàng đen ngồi hai bên. May mắn thay, không bà nào có vẻ để ý tới. Nàng chung "tiền", nhấp một ngụm trà, và bất chợt nói: "Em thật đãng trí! Em phải đi công chuyện lúc ba giờ thế mà em lại quên bẳng. Dịch tiên sinh có thể nào thế chỗ đến khi em trở lại không ạ?"
"Tôi không cho cô đi đâu cả!" Dịch Thái Thái phản đối. "Cô không thể chuồn đi như thế mà không báo trước."
"Vừa lúc tôi đang hên trở lại," bà áo choàng đen mới thắng ván vừa qua, càu nhàu.
"Mình có thể gọi Liêu Thái Thái. Gọi điện thoại cho bà ấy đi," Dịch Thái Thái nói tiếp với Giai Chi, "Ít nhất cô cũng phải chờ cho đến khi bà ấy tới."
"Em phải đi ngay bây giờ ạ," Giai Chi nhìn đồng hồ tay, "em sắp sửa trễ hẹn rồi đấy -- Em có hẹn ở quán cà phê với một người môi giới. Dịch tiên sinh có thể thế chỗ cho em mà."
"Chiều nay tôi bận," ông Dịch đưa lý do."Ngày mai tôi sẽ chơi nguyên đêm."
"Cái cô Vương Giai Chi này!" Dịch Thái Thái thích gọi Giai Chi bằng nhũ danh của nàng, như thể họ đã quen biết nhau từ thời con gái. "Tôi bắt đền cô -- cô phải đãi tụi tôi ăn nhà hàng tối nay!"
"Chị không thể để khách của chị trả tiền, kỳ chết." Mã Thái Thái phản đối.
"Tôi theo phe Dịch Thái Thái," bà áo choàng đen kia nói thêm.
Họ phải thận trọng trong lời ăn tiếng nói khi có liên quan đến người khách trẻ của bà chủ nhà. Mặc dù Dịch Thái Thái tuổi đủ lớn để làm mẹ Giai Chi, nhưng chưa bao giờ có một cuộc nói chuyện nào, chính thức hóa mối liên hệ của họ, để nhận nàng làm con đở đầu. Tính khí của Dịch Thái Thái hơi bất thường, ngay cả ở lứa tuổi của bà hiện nay. Mặc dù bà ưa thích có nhiều thiếu nữ trẻ đẹp ở gần bên -- họ như những vì sao phản chiếu ánh huy hoàng lên vầng trăng họ xoay quanh -- nhưng bà cũng chưa đủ già để không còn những thoáng ghen tương rất đàn bà.
"Được rồi, được rồi," Giai Chi nói. "Em sẽ đãi các chị tối nay. Nhưng nếu bây giờ ông không thế chỗ cho em, ông sẽ không được mời đâu nhé."
"Dịch tiên sinh, làm ơn đi mà! Mạt chược nếu chỉ có ba tay thì chán chết. Ngồi đánh một chút thôi, trong khi Mã Thái Thái điện thoại kiếm người thay thế."
"Tôi thật sự có hẹn." Mỗi khi nhắc đến việc làm, giọng của ông Dịch trầm xuống gần như không nghe được. "Thế nào cũng có người tới."
"Ai cũng biết Dịch tiên sinh luôn luôn bận rộn," Mã Thái Thái nói.
Không biết bà ấy có ám chỉ điều gì không, Giai Chi tự hỏi, hay chỉ bực bội mà thôi? Quan sát nụ cười bỡn cợt của ông Dịch, Giai Chi bắt đầu thấy lời nhận xét của Mã Thái Thái phảng phất một vẻ nịnh bợ, làm như bà hiểu rằng, ông muốn cho người khác phải nài nỉ, van lơn để ông tiết lộ tình tiết của những trận chinh phục. Có lẽ, sự thành công, nàng suy đoán, có thể làm cho cả những người đảm trách những nhiệm vụ bí mật nhất cũng trở nên khinh địch, hớ hênh.
Tình hình trở nên quá nguy hiểm. Nếu công việc không được thi hành hôm nay, nếu phải kéo dài thêm, Dịch Thái Thái chắc chắn sẽ biết rõ mọi chuyện.
Ông đã ra khỏi phòng, trong khi nàng vẫn còn phải giằng co thương thuyết với bà vợ. Sau khi dứt ra được, nàng quay về phòng riêng. Vứa chải vội lại mái tóc và tô điểm sơ sài xong -- không đủ thời gian để thay áo -- một gia nhân báo cho nàng biết xe hơi đã sẳn sàng chờ trước cửa. Ngồi vào xe, nàng bảo người tài xế lái đến một quán cà phê; khi tới nơi, nàng cho bác tài ra về.
Vì đang giữa buổi chiều, quán cà phê gần như vắng ngắt. Đây là một địa điểm trung bình không sang trọng, trang trí theo lối xưa. Phòng rộng, tường treo các ngọn đèn có chụp bằng lụa xếp nếp màu mơ chín, trong phòng những chiếc bàn tròn nhỏ trải khăn vải jacquard trắng muốt. Dùng chiếc điện thoại trên quày, nàng quay số gọi. Chuông reng được bốn tiếng thì nàng gác máy, và rồi quay số một lần nữa, vừa lẩm bẩm một mình "gọi nhầm", vì nàng e rằng nhân viên quày tính tiền có thể nghĩ rằng hành động của nàng kỳ lạ.
Đó là ám hiệu. Lần thứ nhi, ai đó trả lời.
"A-lô?"
Cám ơn trời phật -- đó là Quảng Dụ Dân. Ngay cả bây giờ, nàng vẫn cảm thấy khủng khiếp nếu phải nói chuyện với Lương Nhuận Sinh, mặc dù hắn luôn luôn cẩn thận chờ cho người khác trả lời điện thoại.
"Em đây," nàng nói tiếng Quảng Đông. "Mọi người đều khỏe chứ?"
"Vâng, mọi người đều khỏe. Còn cô thì sao?"
"Em sắp đi mua sắm chiều nay, nhưng không biết chắc khi nào."
"Không sao đâu. Chúng tôi sẽ đợi. Cô đang ở đâu thế?"
"Đường Hà Phi."
"Được rồi."
Im lặng.
"Không có gì nữa sao?" Đôi tay nàng lạnh, nhưng dù sao nàng cũng thấy có phần ấm áp, nhờ nghe được một giọng nói thân quen.
"Không, không có gì khác"
"Không chừng em đi ngay bây giờ đây."
.
"Chúng tôi sẽ tới, đừng lo. Chút nữa gặp lại cô nhé."
Nàng gác điện thoại và đi ra ngoài ngoắc một chiếc xích lô.
Nếu hôm nay không hoàn thành được kế hoạch, nàng không thể ở lại nhà ông bà Dịch lâu hơn nữa. -- khó lòng đương cự lại lũ hùm beo mang đầy nữ trang đang rình rập nhất cử nhất động của nàng. Đáng lẽ nàng nên viện một lý do thích hợp để dọn khỏi nhà họ, sau khi quyến rũ được ông. Ông có thể tìm cho nàng một chỗ nào đó: những lần hẹn hò gần đây nhất, mỗi lần là một địa điểm khác nhau, trong những phòng chung cư bỏ trống, khi người Anh, người Mỹ đã dọn vào căn cứ của họ. Nhưng có lẽ điều ấy sẽ làm cho mọi việc phức tạp thêm -- làm sao nàng biết khi nào ông sẽ đến? Ông có thể thình lình đến bất cứ lúc nào. Cho dù họ có thỏa thuận ngày giờ gặp nhau đi nữa, công viêc khẩn cấp cũng có thể khiến cho ông phải hủy bỏ buổi hẹn vào phút chót. Gọi điện thoại cho ông cũng khó khăn, vì bà vợ ông giám sát ông rất chặt chẻ; bà có thể sắp đặt hàng tá bộ hạ thân tín ở khắp mọi nơi. Chỉ cần một chút hoài nghi và tất cả đều sẽ tan tành: Thượng Hải đầy dẫy những kẻ sẳn lòng làm người chỉ điểm, tất cả đều tích cực tranh giành cảm tình của lệnh bà Dịch Thái Thái. Và nếu Giai Chi không ráo riết theo đuổi, có thể ông sẽ bỏ rơi nàng. Những phòng chung cư thuờng là quà từ biệt của các bộ trưởng chánh phủ Uông Tinh Vệ, tặng cho những nhân tình đã thất sủng. Có quá nhiều cám dỗ lượn lờ trước mắt ông; quá nhiều cám dỗ trong bất cứ giây phút nào. Và nếu một trong những cám dỗ ấy không hiện diện thường xuyên, nó sẽ sớm bị chôn vùi trong quên lãng. Không: phải tóm chặt lấy ông -- cho dù phải ghìm đầu ông vào giữa đôi nhủ hoa của nàng.
"Hai năm trước bộ ngực em không nở nang như bây giờ," ông thì thầm giữa những chiếc hôn.
Đầu tựa vào ngực nàng, ông không nhìn thấy đôi má ửng hồng của nàng.
Ngay cả bây giờ, nàng cũng còn đau xót khi nhớ lại những nụ cười đầy hàm ý -- của bọn họ, kể cả Quảng Dụ Dân. Chỉ có Lương Nhuận Sinh là giả vờ như không thấy đôi gò bồng đảo đầy đặn của nàng. Có vài mảnh đời dĩ vãng cần phải được lưu đày khỏi tâm trí.
Phải đi một một quảng khá xa mới đến khu nhượng địa. Khi chiếc xích lô đạp tới ngả tư Tỉnh An Tự và Seymour, nàng bảo người phu xe dừng lại trước một quán cà phê nhỏ. Nàng nhìn quanh, đề phòng trường hợp ông đã tới. Nàng chỉ thấy một chiếc xe hơi kềnh càng, chạy bằng than, đậu đàng xa.
Có lẽ quán cà phê này chủ yếu bán cho khách mang đi, gần như bên trong không có chỗ ngồi. Cuối căn phòng u ám là môt tủ kính ướp lạnh chưng bày đủ loại bánh tây phương. Một ngọn đèn sáng choang ở lối đi phía sau tủ, soi rõ lớp sơn nâu thô kệch, sần sùi trên nửa vách, ở phần dưới. Một chiếc áo trắng kiểu đồng phục nhà binh treo cạnh một tủ lạnh nhỏ; phía trên, gần trần nhà, treo một hàng dài --giống như trong một tiệm bán quần áo cũ-- đồng phục của các nhân viên và người phục vụ của quán.
Ông nói với nàng, chủ nhân của quán là một người Trung Hoa từng làm việc ở nhà hàng Kiessling, một trong những nhà hàng Âu châu lâu năm và nổi tiếng nhất ở Thiên Tân. Nhưng nàng nghĩ, ông chọn chỗ này để hẹn hò vì có thể sẽ ít bị chạm trán với những người quen biết thuộc giai cấp thương lưu của ông. Quán nằm trên một đường phố lớn, nên nếu lỡ có gặp ai, cũng đở bị nghi ngờ hơn là gặp ở một chỗ vắng vẻ, xa xôi; quán tọa lạc gần trung tâm thành phố, nên ai cũng có thể đang trên đường đi tới một nơi nào đó.
Nàng chờ, tách cà phê trước mặt nguội dần. Lần trước, trong căn chung cư, ông ta đã để nàng chờ gần một tiếng đồng hồ. Nếu người Trung Quốc là những người thường tới trễ nhất, nàng chiêm nghiệm rằng, các chính khách Trung Quốc, đương nhiên phải là những tay tổ trong nghệ thuật trễ hẹn. Nếu nàng phải chờ lâu quá, có thể cửa tiệm kia sẽ đóng cửa trước khi họ đến.
Chính ông tự nghĩ ra chuyện đó, ở lần gặp đầu tiên." Anh sẽ tặng em một chiếc nhẫn để kỷ niệm hôm nay -- cho em chọn. Anh sẽ đi với em, nếu anh có thì giờ " Lần gặp thứ nhì lại càng hối hả, và ông không nhắc tới chuyện đó. Nếu hôm nay ông lại quên, nàng sẽ phải cố tìm cách khéo léo làm cho ông nhớ. Với những người đàn ông khác, có thể họ nghĩ rằng nàng thiếu tư cách, tham lam. Nhưng một con cáo già quỷ quyệt như ông sẽ không thể tự dối lòng rằng một thiếu nữ xinh đẹp, trẻ trung như nàng lại có thể dính dáng với một người đàn ông béo lùn, tuổi ngũ tuần chỉ vì vẻ đẹp của tâm hồn của ông ta; trong cuộc tình này, nếu nàng không làm ra vẻ ham mê vật chất, ông ta sẽ nghi ngờ. Phụ nữ, trong bất kỳ tình huống nào, cũng ưa thích nữ trang. Vai trò của nàng là đi Thượng Hải để buôn bán xa xí phẩm của phụ nữ. Nếu nàng có cố gắng nạo vét ông một chút đỉnh cũng hợp lý mà thôi. Vốn là người trong nghề tình báo, ông có lẽ phải ngờ chừng những mưu toan trong bất kỳ tình huống nào. Ưu tiên của nàng là phải làm cho ông tin tưởng, phải tỏ ra đáng tin cậy. Cho đến nay, họ chỉ gặp nhau ở những địa điểm do ông lựạ chọn; hôm nay nàng phải thuyết phục ông ta làm theo sự hướng dẫn của nàng.
Lần trước ông cho bác tài đến đón nàng đúng hẹn. Hôm nay sự chờ đợi kéo dài của nàng có nghĩa rằng ông sẽ đến một mình. Như vậy cũng đở lo: nếu sẽ tình tự ở căn phòng chung cư, khó lòng nàng có thể chèo kéo ông ra phố một khi họ đã nằm gọn trong lòng nhau. Trừ phi ông có dự định cùng nàng đi loanh quanh đâu đó để ăn tối trước -- nhưng hai lần vừa qua ông chưa hề dẫn nàng đi ăn. Ông sẽ muốn kéo dài thời gian với nàng, còn nàng sẽ bồn chồn lo ngại cửa tiệm ấy đóng cửa; nhưng nàng không thể nào giục giã ông, như một kỹ nữ giục giã khách làng chơi.
Nàng mở ví lấy hộp phấn và chấm nhẹ bông phấn lên mặt. Không có gì bảo đảm là ông ta sẽ đến. Giớ đây khi sự mới lạ đã phai nhạt, có lẽ ông bắt đầu giảm bớt hứng thú. Nếu hôm nay, việc ấy không thực hiện được, có thể nàng sẽ không còn cơ hội nào khác.
Nàng lại nhìn đồng hồ tay. Nàng có một cảm giác rờn rợn, như một điềm báo trước cho sự thất bại, như vết chỉ sước trên chiếc vớ lụa, âm thầm bò trườn lên khắp thân thể. Trên một chiếc ghế không xa nàng lắm, một người đàn ông mặc quốc phục Trung Hoa -- cũng một mình, ngồi đọc báo -- đang chăm chú quan sát nàng. Hắn đã ngồi đấy từ trước khi nàng đến, cho nên không thể nào là ngưới theo dõi. Có lẽ hắn đang cố đoán nghề nghiệp của nàng; nữ trang thật hay giả. Trông nàng không giống như một cô gái nhảy, nhưng nếu là diễn viên, hắn không nhận được tên nàng.
Thực sự, trong một cuộc đời xưa cũ, nàng đã là một diễn viên, và giờ đây, nàng vẫn còn đang diễn xuất, nhưng vai tuồng đó thuộc về một vở bi kịch vô cùng bí mật, không cho phép nàng phô bày tăm tiếng.
Ở đại học Quảng Đông, nàng là một ngôi sao sáng chói, có mặt trong nhiều vở kịch lịch sử khơi dậy lòng ái quốc. Khi người Nhật chiếm đóng thành phố, trường đại học dời sang Hong Kong, nơi đó đoàn kịch của họ công diễn lần cuối. Đầy phấn khích, sau khi màn nhung đã hạ xuống, lòng vẫn không êm dịu lại, nàng cùng với các bạn trong đoàn ra phố để ăn tối. Nhưng ngay cả sau khi họ đã chia tay, nàng vẫn chưa muốn trở về. Thay vào đó, nàng và hai cô bạn chung lớp đã ngồi ở tầng trên một chuyến xe điện vắng ngắt, lắc lư gập ghềnh lăn qua các nẻo đường trung tâm của Hong Kong, ánh đèn neon quảng cáo loang loáng trong bóng đêm hai bên khung cửa.
Đại học Hong Kong cho phép sinh viên Quảng Đông sử dụng vài căn phòng học, nhưng lớp lúc nào cũng chật chội như nêm, thiếu thoải mái, nhắc họ nhớ lại thân thế ăn nhờ ở đậu. Sự lãnh đạm không ngờ của đa số dân chúng Hong Kong làm cho họ phẩn uất mãnh liệt, cảm nhận được thân phận lưu đày, cho dù họ chỉ mới vượt khỏi biên giới chừng hơn trăm dặm để vào Hong Kong. Chẳng bao lâu, một số ít người có cùng chí hướng đã thành lập một nhóm hành động cực đoan. Khi Uông Tinh Vệ, chuẩn bị thương thuyết với Nhật để thành lập chính phủ bù nhìn tại lục địa, đến đảo Hong Kong với đoàn tuỳ tùng -- trong đó nhiều người quê quán gần Quảng Đông -- nhóm sinh viên phát hiện rằng một trong những trợ tá của Uông Tinh Vệ có cùng quê với Quảng Dụ Dân. Tận dụng sự trùng hợp này, Quảng đi tìm ông ta và dễ dàng kết bạn, rồi dựa vào đó khai thác tin tức hữu dụng về các nhân vật thuộc phe phái họ Uông. Chàng báo cáo lại với đồng bọn. Sau khi thảo luận cặn kẻ, họ quyết định sẽ giăng một chiếc bẫy tình, nhờ một trong những cô bạn gái cùng lớp, quyến rũ ông Dịch để đưa ông vào tầm đạn của người sát thủ. Trước hết, nàng phải làm thân với bà vợ, rồi tới ông chồng. Nhưng nếu nàng xuất hiện như một sinh viên -- luôn luôn là thành phần manh động nhất trong quần chúng -- Dịch Thái Thái sẽ cảnh giác ngay lập tức. Do đó, nhóm sinh viên đã quyết định cho nàng đóng vai cô vợ trẻ của một thương gia bản xứ; như vậy không có vẻ quá nguy hiểm, đặc biệt ở Hong Kong, nơi hầu hết các thương gia gần như không dính dáng chi tới chính trị. Trong bối cảnh này, ngôi sao nữ của nhóm kịch nghệ trường đại học đã bước lên sân khấu cuộc đời.
Trong số thành viên của nhóm, Hoàng Lỗi là người giàu có nhất -- nhờ tiền bạc của gia đình -- và anh nhanh nhẹn vơ vét chúng để dàn dựng cho cuộc âm mưu: mướn một căn nhà, thuê một chiếc xe hơi, vay mượn quần áo. Và vì là người duy nhất biết lái xe, anh đóng vai tài xế. Âu Dương Linh Văn đóng vai ông Mạch, người chồng, người thương gia; Quảng Dụ Dân đóng vai người anh họ, tháp tùng Mạch Thái Thái yêu kiều ở lần gặp mặt đầu tiên với Dịch Thái Thái. Sau khi đưa Quảng và người phụ tá vui tính, hoạt bát về nhà, chiếc xe chở hai người đàn bà đến Trung Tâm thành phố để cùng nhau mua sắm.
Nàng đã gặp ông Dịch một vài lần, nhưng chỉ thoáng qua. Cuối cùng khi họ có dịp ngồi chung với nhau -- ngày đầu tiên nàng đến chơi mạt chược theo lời mời của gia đình ông -- nàng biết ngay ông đã ưa thích nàng, mặc dù ông cố tình che dấu điều đó; Từ lúc mười hai hay mười ba tuổi, nàng đã không còn lạ gì những cái nhìn ngưỡng mộ của đàn ông. Nàng hiểu trò chơi tình ái. Ông e sợ sự phô trương lộ liễu, nhưng cũng đồng thời cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt im lìm ở Hong Kong của ông quá ngột ngạt. Ông không dám nhậu nhẹt, sợ phe Uông bất thần triệu tập. Ông ta cùng với một người bạn đồng sự thuê một căn nhà cũ, ẩn náu ở đó, thỉnh thoảng giải trí bằng vài canh mạt chược.
Trong lúc chơi bài, cậu chuyện đưa tới chỗ số vải vóc Dịch Thái Tháii đã mua để may âu phục cho chồng. Giai Chi giới thiệu một nhà may cô đã từng quen biết. " Bác thợ may ấy đang bận kinh khủng, vì có quá nhiều khách du lịch, không chừng mấy tháng nữa mới xong. Nhưng nếu Dịch Thái Thái điện thoại cho em biết khi nào Dịch tiên sinh rảnh rổi, em sẽ dẫn tiên sinh đến. Bác ấy sẽ may nhanh hơn nếu biết là bạn của em." Trước khi ra về, nàng để lại số điện thoại trên bàn. Lúc bà vợ tiễn Giai Chi ra cửa, chắc chắn ông Dịch đã có đủ thì giờ để ghi chép lại cho mình. Thế nào trong vài ngày tới, ông cũng có cơ hội để gọi nàng --trong giờ làm việc, khi ông Mạch đang bận. Và họ có thể khởi đầu từ đó.
Tối ấy trời mưa lâm râm. Hoàng Lỗi lái xe đưa nàng về và họ cùng bước vào nhà, nơi mọi người đang nóng ruột chờ tin chiến thắng. Lộng lẫy trong y phục của giới thượng lưu mà nàng đã thủ diễn một cách xuất sắc, nàng muốn mọi người thức khuya để cùng ăn mừng, cùng chè chén no say cho đến sáng mai. Không ai biết khiêu vũ, nhưng chỉ cần một tô cháo ở một trong các quán ăn đêm và một cuộc tản bộ trong buổi tôi ẩm ướt cũng đủ lắm rồi. Làm bất cứ chuyện gì miễn là không lên giường.
Thay vào đó, không khí trong nhà từ từ trở nên im lặng. Vài lời thì thầm ở góc nhà, vài tiếng cười khúc khích bí ẩn; tiếng cười nàng đã nghe qua. Nàng chợt nhận ra, từ lâu, họ đã bàn tán chuyện ấy sau lưng nàng.
"Rõ ràng, chỉ một mình Lương Nhuận Sinh là có một chút kinh nghiệm," Lại Tú Kim, người bạn gái duy nhất trong nhóm, nói với nàng.
Lương Nhuận Sinh.
Dĩ nhiên. Anh ta là người duy nhất trong bọn đã từng viếng nhà thổ.
Nhưng vì nàng đã quyết lòng xả thân hy sinh, nàng không thể tức hận chỉ vì lý do anh ta là ứng cử viên duy nhất.
Và tối hôm ấy, đang phơi phới trên chín từng mây của sự thành công, nàng thấy ngay cả Lương Nhuận Sinh cũng không đến nỗi tàn tệ như mọi lần.Từng người một, biết điều biết chuyện, lần lượt rút lui, cho đến khi chỉ còn hai người. Và thế là tấn tuồng được tiếp diễn.
Nhiều ngày trôi qua. Ông Dịch không gọi lại. Cuối cùng, nàng quyết định điện thoại cho Dịch Thái Thái, bà có vẻ lợt lạt thờ ơ: mấy ngày nay bà bận quá không mua sắm gì cả, nhưng hai ba hôm nữa bà có thể gọi lại nàng.
Dịch Thái Thái có nghi ngờ gì chăng? Bà có phát hiện chồng mình đang giữ số điện thoại của nàng không? Hay là họ có tin dữ của quân Nhật? Sau hai tuần dằn dật bởi lo âu, cuối cùng nàng cũng nhận được một cuộc điện đàm hân hoan từ Dịch Thái Thái: nói lời từ biệt. Bà xin lỗi vì họ quá bận không đủ thời gian gặp nàng trước khi ra đi, nhưng họ sẽ vui mừng chào đón vợ chồng nàng thăm viếng Thượng Hải. Vợ chồng nàng cần phải lưu tại đó một thời gian đủ lâu để cùng đi Nam Kinh một lượt với họ. Chắc hẳn kế hoạch của Uông Tinh Vệ trở về Nam Kinh thành lập chính quyền đang gặp trở ngại, Giai Chi suy luận, do đó họ phải mai danh ẩn tích một thời gian.
Hoàng Lỗi hiện đang gặp khó khăn, nợ ngập đầu ngập cổ. Và khi gia đình chàng cắt tiền trợ cấp vì nghe đồn chàng đang chung sống với một vũ nữ ở Hong Kong, âm mưu của bọn họ sụp đổ.
Chuyện nàng với Lương Nhuận Sinh, từ đầu đã khó ăn khó nói, giờ đây khi nàng tỏ vẻ hối tiếc rõ rệt, cả nhóm bắt đầu lảng tránh. Không ai nhìn thẳng vào mắt nàng.
"Mình đúng là một con ngốc," nàng tự nhủ, "sao mà khờ khạo thế."
Có lẽ nào mình bị gài bẫy, nàng tự hỏi, từ lúc khởi đầu của vở bi kịch không lối thoát này?
Từ đó trở đi, nàng giữ một khoảng cách, không những với Lương Nhuận Sinh, mà với tất cả mọi người trong nhóm. Những lần gặp họ, nàng đều cảm thấy họ nhìn nàng một cách tọc mạch -- như thể nàng là một loại quái vật ghê tởm. Sau trận Trân Châu Cảng, đường biển thông thương trở lại và tất cả bạn cùng lớp của nàng chuyển qua Thượng Hải. Mặc dù nơi đó, cũng thế, đã bị quân Nhật chiếm đóng; trường đại học vẫn mở cửa; vẫn có thể học hành (theo một kiểu nào đó). Nàng không đi theo họ, và không cố tìm kiếm họ khi nàng đến đó, một mình.
Trong một thời gian dài, nàng thống khổ, không biết mình có bị lây nhiểm bịnh gì từ Lương Nhuận Sinh hay không.
Tuy nhiên không lâu sau khi tới Thượng Hải, giới sinh viên đã liên lạc đựợc với một người nằm vùng tên Ngô -- hẳn nhiên là bí danh -- người mà ngay sau khi biết được họ có liên lạc với các giới chức cao cấp, đã lập tức khuyến khích họ theo đuổi kế hoạch. Và khi họ tiếp xúc với nàng, nàng quyết định sẽ thi hành bổn phận của mình và thực hiện đến nơi đến chồn.
Sự thực, mỗi lần đến với ông Dịch, nàng đều cảm thấy được thanh tẩy, như thể trầm mình trong bồn nước nóng bỏng da; bởi vì giờ đây tất cả những gì nàng làm, đều là vì chính nghĩa.
Chắc họ có bố trí một người để canh gác cửa trước của quán cà phê, và báo động cho cả bọn, khi xe của ông lái đến. Lúc mới tới, nàng không thấy ai lảng vảng chung quanh. Rạp chiếu bóng Bình An, đối diện với quán cà phê, có thể là môt địa điểm tốt, những hàng cột có thể che dấu một cách hoàn hảo người dọ thám. Trong tình huống nào cũng thế, luôn luôn có người thơ thẩn trước cửa rạp; một người có thể đứng ở đó rất lâu mà không bị nghi ngờ. Nhưng rạp hát nằm khá xa để có thể nhận diện chính xác một người ngồi trong xe hơi đậu tận bên kia đường.
Một chiếc xe đạp giao hàng, rõ ràng bị hỏng, dựng trước cửa tiệm bán đồ da kế bên. Chủ chiếc xe -- độ chừng ba mươi tuổi, tóc cắt ngắn, đang lúi húi sửa xe. Mặc dù không nhìn rõ mặt, nàng chắc anh ta không phải là một người nàng đã từng gặp. Nàng không tin chiếc xe đạp có thể dùng làm phương tiện tẩu thoát. Có những điều họ không nói cho nàng biết, và có những điều nàng không hỏi. Nhưng nàng nghe nói, người của nhóm nàng đã được chọn để thi hành công tác này. Dù có sự giúp đở và quan hệ rộng của Ngô, có lẽ họ cũng không tài nào kiếm được môt chiếc xe hơi. Nếu chiếc xe chạy than vẫn đậu ở đàng kia, hy vọng nó thuộc về họ. Trường hợp đó, hẳn Hoàng Lỗi là người cầm lái. Khi vào tiệm cà phê, từ phía sau chiếc xe ấy, nàng không nhìn thấy được người lái xe.
Nàng nghi ngờ, Ngô không đánh giá cao nhóm của nàng: có lẽ ông sợ họ thiếu kinh nghiệm, sẽ bị bắt tron ổ và khai tuốt tuột khi bị tra tấn, làm liên lụy đến người khác. Giai Chi chắc chắn là Ngô không hoạt động một mình ở Thượng Hải, nhưng hắn là người duy nhất Quảng Dụ Dân tiếp xúc.
Hắn hứa cho họ tham gia vào mang lưới hoạt động của hắn. Có lẽ đây là một thử thách.
"Trước khi bắn, họ sẽ tới sát đến nỗi mủi súng gần chạm vào thân thể nạn nhân," Quảng Dụ Dân có lần nói với nàng, mỉm cười. "Họ không bắn từ xa, như trong phim."
Có lẽ chàng cố tìm cách cho nàng an tâm rằng họ sẽ không bắn nhầm những người ở gần ông, khi họ ào ạt khai hỏa. Nhưng nếu không chết, nàng vẫn có thể bị tàn phế suốt đời. Nàng thà chết còn hơn.
Khoảng khắc ấy sắp sửa xảy ra, cùng với sự trông chờ nhói lòng.
Bệnh sợ sân khấu của nàng sẽ tan biến lập tức một khi tấm màn nhung được vén lên.
Nhưng khoảng khắc chờ đợi này là một cực hình. Đàn ông, ít ra, có thể hút thuốc để bớt căng thẳng. Mở túi xách, nàng lấy một lọ nước hoa nhỏ và chấm đầu nút vào phía sau mang tai.. Cái nút thủy tinh lành lạnh là điểm duy nhất cho nàng tiếp xúc với thực tế. Trong phút chốc nàng đã nghe mùi hoa Cape Jasmine thoang thoảng.
Nàng cởi áo choàng và chấm thêm một tí nước hoa vào phần trong khủy tay. Trước khi đủ thì giờ mặc áo, nàng thấy, qua mấy từng của chiếc bánh cưới trắng trưng trong cửa sổ, một chiếc xe đậu bên ngoài. Xe của ông.
Nàng cầm áo choàng và túi xách lên, đi ra khỏi tiệm, khoác chúng trên tay. Người tài xế đã mở cửa sẳn. Ông Dịch ngồi giửa băng sau.
"Anh tới trể, anh biết," ông nói khẻ, hơi khom người xuống để xin lỗi.
Nàng nhìn ông hơi lâu, một cái nhìn đầy trách móc, rồi bước vào xe. Khi người tài xế trở lại chỗ ngồi, ông Dịch bảo người tài xế lái tới đường Ferguson -- có lẽ tới căn phòng nơi họ đã dan díu lần trước.
"Em cần đến tiệm kim hoàn trước đã," nàng hạ giọng nói với ông ta. " Một chiếc hoa tai của em sút mất một hạt kim cuơng, em cần phải sửa. Có một tiệm gần đây. Lẽ ra em có thể đến đó trước, nhưng em sợ lỡ hẹn với anh. Do đó em ngồi đây chờ anh mục xương, em ngốc thật."
Ông cười. "Anh xin lỗi -- lúc anh sắp sửa đi, một vài người anh cần gặp lại đến." Ông chồm tới trước nói với bác tài: "Quành lại chỗ cũ." Họ đã đi được môt quảng khá xa.
"Tất cả mọi thứ đều thật bất tiện," nàng bỉu môi. "Chúng ta không bao giờ có một giây phút riêng tư nào ở đó, không bao giờ có cơ hội nói với nhau một lời. Em muốn về Hong Kong. Ông có thể cho em một vé tàu không?"
"Đang nhớ chồng?"
"Đừng nói với em về anh ấy!"
Nàng đã nói với ông Dịch rằng nàng trả thù chồng, vì tội lang bang với một cô vũ nữ.
Khi họ ngồi sát bên nhau ở băng sau, ông khoanh tay lại để khủy tay dựa vào phần đầy đặn nhất của bộ ngực nàng. Đây là thói quen của ông: ngồi thẳng người nhưng vẫn vụng trộm thưởng thức sự mềm mại của nàng.
Nàng quay người nhìn qua cửa xe, để nói cho bác tài biết chính xác nơi cần ngừng lại. Chiếc xe quẹo một vòng chữ U tại ngã tư kế tiếp, và rồi quẹo thêm một lần nửa ở một ngã tư xa hơn, mới đi trở lại rạp Bình An, rạp chiếu phim cũ lịch sự duy nhất của thành phố. Mặt tiền màu đỏ tái của rạp uốn cong vào trong, như một lưởi liềm ở góc đường, Đối diện với nó là tiệm cà phê của Commander Khải, với tiệm đồ da Siberian Leather Goods Store và tiệm bán quần áo phụ nữ Green House Ladies' Clothing Emporium kế bên, mỗi tiệm đều có hai cửa kiếng rộng trưng bày các tượng người mẫu ăn mặc lộng lẫy trong mọi tư thế dưới các bảng hiệu neon. Cửa hàng kế đó nhỏ hơn và tầm thường. Mặc dù một tấm bảng nhỏ gắn trên cửa ra vào ghi chữ TIỆM KIM HOÀN, nhưng cửa kiếng duy nhất lại trống rỗng.
Ông Dịch ra lệnh cho người tài xế ngừng xe, rồi bước xuống, đi theo nàng vào trong tiệm. Mặc dù, khi diện giày cao gót nàng cao hơn ông nửa cái đầu, nhưng rõ ràng ông không để tâm tới chuyện cao thấp đó. Kinh nghiệm cho nàng thấy, đàn ông cao thích phụ nữ nhỏ nhắn, trong khi đàn ông thấp có vẻ thích người đàn bà của họ phải cao hơn họ hẳn hòi --- có lẽ đó là luật bù trừ. Nàng biết là ông đang chăm chú nhìn nàng, và do đó nàng có hơi đong đưa hông một chút khi uyển chuyển bước qua cửa kính, như một con hải long uốn lượn.
Một người Ấn mặc âu phục chào họ. Mặc dù cửa hàng nhỏ, nhưng bên trong thoáng, trần nhà cao, và gần như hoàn toàn trống rỗng. Chỉ có một tủ kính để chưng hàng, cao tới hông, đặt gần cuối phòng, trong đó có vài món ngọc sinh nhật, mỗi loại ngọc tương ứng với một tháng trong năm -- các viên thạch anh vàng, hay các viên bích ngọc hay hồng ngọc nhân tạo, được tin là có thể đem lại may mắn cho người đeo.
Nàng rút từ trong túi xách một chiếc hoa tai hồng ngọc hình giọt nước, đầu viên ngọc là chiếc lá nhận kim cương bị rơi mất một viên.
"Chúng tôi có thể có một hạt kim cương tương xứng," người Ấn nói, sau khi xem qua.
Khi nàng hỏi giá tiền và khi nào có thể lấy được, ông Dịch thêm vào: "Hỏi xem ông ta có chiếc nhẫn nào đáng giá không," Vì đã chọn du học ở Nhật, thay vì Anh hay Mỹ, ông không thấy thoải mái nói chuyện bằng tiếng Anh và luôn luôn để người khác thông dịch cho mình.
Nàng do dự. "Sao vậy?"
Ông mỉm cười. "Anh đã nói là anh muốn tặng em một chiếc nhẫn, phải không? Một chiếc nhẫn kim cương -- một chiếc thật đắt giá."
Một khoảnh khắc im lặng, nàng nở một nụ cười gần như là bình thản, cam chịu, rồi dịu dàng hỏi: "Ông có bán nhẫn kim cương không?"
Người Ấn hướng lên lầu nói to, một tràng dài rổn rảng, khó hiểu, chắc là tiếng Hindu, rồi cùng đi với họ lên lầu.
Ở cuối phòng, một bên vách sơn màu kem, là cánh cửa dẫn đến một cầu thang tối như mực. Văn phòng nằm ở căn gác lửng giửa hai tầng lầu, có một bao lơn hẹp nhìn xuống tầng trệt -- có lẽ để quan sát, canh chừng. Vách tường bên trái treo hai tấm gương kích thước không đều, trên mỗi tấm gương vẽ nhiều chim và hoa đầy màu sắc và khắc những chữ Hán mạ vàng:
BẰNG TRÌNH VẠN LÝ
BA ĐẠI TIÊN SINH KHAI NGHIỆP CHÍ HỈ
Trần Mậu Không kính hạ.
Quá dài so với trần nhà nghiêng thoai thoải, một tấm gương lớn thứ ba, trang trí một con phượng hoàng và hoa mẫu đơn, được dựng tựa vào vách đối diện.
Ở đầu căn phòng là môt bàn viết, nằm dọc theo tay vịn cầu thang bằng gỗ mun, trên bàn là điện thoại và đèn đọc sách. Bên cạnh là bàn trà, trên đó một máy đánh chữ được phủ với một lớp vải thưa cũ. Một người đàn ông Ấn Độ khác, mập lùn, gương mặt bè bè, da nâu - xám, mủi bẹp như mủi lân, từ một chiếc ghế bành đứng dậy đẩy thêm ghế mời họ ngồi.
"Hóa ra ông bà có ý định mua nhẫn kim cương. Xin mời ông bà ngồi. Xin mời." Ông ta lạch bạch đi tới góc phòng, cái bụng phệ núc ních, cúi xuống một chiếc tủ sắt thấp màu xanh, xưa như đồ cổ.
Chỗ này, rõ ràng, không phải là một tiệm kim hoàn sang trọng. Mặc dầu ông Dịch không tỏ vẻ khó chịu bởi phòng ốc tồi tàn, Giai Chi cảm thấy cắn rức, xấu hổ vì đã đem ông ta tới đây. Thời nay, nàng nghe nói, nhiều cửa tiệm chỉ là bình phong cho những tay mua bán chợ đen và đầu cơ tích trữ.
Ngô đã chọn cửa hàng này vì nó nằm gần quán cá phê Commander Khải. Khi bước lên cầu thang, nàng nhận ra rằng, khi trở xuống dưới, họ sẽ bắt ông dễ dàng như băt một con rùa trong lọ. Có lẽ ông sẽ theo phép lịch sự, muốn xuống cầu thang trước nàng, nên ông sẽ là người đầu tiên bước vào phòng. Nơi đó, một hai người ông khách đang xem hàng sẽ thình lình tiến đến chặn ông lại. Nhưng hai người đàn ông không thể nào la cà quá lâu, giả vờ chọn mấy cái khuy cài tay áo, hay kẹp cà vạt rẻ tiền và đồ chưng bày linh tinh cho bạn gái; họ không thể nào lần lửa thiếu quyết đoán như phụ nữ. Khi vào cửa hàng, họ phải canh giờ thật chính xác: không quá trễ cũng không quá sớm. Một khi họ đã vào trong, họ phải ở lại. Không thể rảo bước đi tới đi lui như thể tuần tiểu bên ngoài: người tài xế của ông sẽ nghi ngờ. Chiến thuật tốt nhất để trì hoản có lẽ là ngắm nghía hàng hóa trong cửa sổ tiệm bàn đồ da kế bên, cách xe hơi chừng một chục mét.
Ngồi cạnh bàn viết, nàng không thể không quay đầu lại nhìn qua bao lơn. Nàng chỉ thấy được cửa sổ chưng hàng của tiệm. Vì cửa sổ trong suốt và các kệ trống không, nàng có thể nhìn thẳng ra vĩa hè, và một phần của chiếc xe hơi đang đậu ở đó.
Một lần nửa, hai người đàn ông đi mua sắm một mình có vẽ lộ liễu. Họ sẽ thu hút sự chú ý, không phải chỉ riêng của bác tài, mà của ông Dịch, trên lầu cạnh bao lơn, rồi vì trở nên nghi ngờ, ông sẽ trì hoản không trở xuống. Nước cờ lâm vào thế bí sẽ là một thảm họa. Có lẽ, thay vào đó, họ sẽ chạm trán với ông ở cửa ra vào Trong trường hợp này họ cần phải canh giờ cho hoàn hảo. Họ phải tản bộ, vì âm thanh của tiếng chân chạy sẽ lập tức cảnh báo người tài xế. Ông Dịch chỉ đi với người tài xế, do đó người này có lẽ cũng là vệ sĩ.
Cũng có thể hai người sẽ tách ra, một người loanh quanh trước tiệm Green House Ladies' Clothing Emporium, tay trong tay với Lại Tú Kim, nàng dán mắt vào cửa kính. Một thiều nữ có thể đứng thật lâu ngắm nghía những món quần áo nàng không đủ tiền mua, trong khi đó ngưới bạn trai, quay lưng lại cửa kính, vơ vẫn nhìn chung quanh.
Những tình huống này nhảy múa mơ hồ trong đầu, cho dù nàng biết chúng không phải là điều nàng quan tâm. Nàng không thể quên rằng, trên lầu trong cửa tiệm nhỏ này, nàng đang ngồi trên một thùng thuốc súng sắp sửa nổ tung, quăng nàng lên tới trời cao. Chân nàng bắt đầu run rẩy.
Người phụ tá đã xuống nhà dưới. Ông chủ tiệm có màu da sậm hơn màu da của người phụ tá rất nhiều: trông họ không giống cha con. Người đàn ông trẻ có gương mặt xệ, gò má phính, râu ria lởm chởm và đôi mắt lờ đờ thiếu ngủ. Mặc dù không cao, anh ta trông cường tráng đủ để phụ giúp, và nếu cần, làm nhân viên bảo vệ. Tủ nữ trang đặt cuối phòng và cửa sổ chưng bày trống trơn cho thấy họ sợ bị trộm cướp giữa ban ngày ban mặt; một ổ khóa treo gần cửa, dùng cho ban đêm. Như thế trong tiệm phải chứa vài món giá trị: có thể là vàng ròng, đô la Mỹ, và bạc.
Trong khi nàng quan sát, ông người Ấn mang ra một khay nhung đen dài chừng năm sáu tấc, trên đó những chiếc nhẫn kim cương xếp thành từng dảy. Nàng và ông Dịch nghiêng người nhìn.
Thấy ai cũng thờ ơ -- không ai chọn món nào để xem -- ông chủ cất khay vào tủ sắt. "Tôi có món này nữa," ông nói thêm, mở nắp một cái hộp nhung xanh nhỏ. Nằm sâu trong lòng hộp là một viên kim cương hồng, to bẳng hạt đậu Hòa Lan.
Nàng nhớ Dịch Thái Thái nói, hiện nay không ai mua bán kim cương màu hồng. Khi sự ngạc nhiên ban đầu đã tan, nàng cảm thấy nhẹ nhỏm -- cuối cùng, tiệm này cũng đáp ứng được kỳ vọng của nàng. Trước khi viên kim cương màu hồng xuất hiện, nàng giống như một tay săn người bất tài, một cô gái Quảng Đông vô danh tiểu tốt đang lôi kéo người tình Thượng Hải, già nhưng đầy quyền lực, vào một tiệm kim hoàn rẻ tiền. Dĩ nhiên, một khi súng nổ, tất cả mọi thứ -- mọi suy nghĩ vẫn vơ về sự hợp lý, về lòng tự trọng -- đều sẽ tan tành. Mặc dầu nàng hiểu rõ như thế, nhưng nàng không cho phép mình nghĩ về nó, nàng sợ ông sẽ thấy sự kinh hoàng hiện trên nét mặt mình.
Nàng cầm chiếc nhẫn lên. Ông cười khe khẻ khi ngắm nó trong tay nàng. "Trông có vẻ được đấy." Một cảm giác lạnh buốt lan trên gáy; cửa kính và hai cửa sổ bày hàng hai bên như phình to, vươn lên, như sau lưng nàng là một tấm kính vĩ đại cao bằng hai tầng lầu, sáng choang, mong manh, sẳn sàng vở vụn bất kỳ lúc nào. Nhưng ngay cả khi nàng hầu như choáng váng vì tình thế nguy hiểm, cửa tiệm như chùm kín nàng trong cơn mê. Ngồi trong tiệm, nàng chỉ có thể nghe âm thanh ồn ào bên ngoài đã bị nén chặn -- do chiến tranh, xe cộ thưa thớt hơn xưa; hiếm khi nghe tiếng còi. Không khí ấm áp, ngọt ngào của văn phòng như một tấm chăn, phủ trùm, ru nàng vào mộng. Mặc dầu nàng mơ hồ biết một chuyện gì đó sắp xẩy ra, đầu óc nặng nề của nàng lại nghĩ rằng tất cả chỉ là một giấc mơ.
Nàng xem xét kỹ lưỡng chiếc nhẫn dưới ánh đèn, xoay tới xoay lui trong mấy ngón tay. Ngồi cạnh bao lơn, nàng bắt đầu tưởng tượng rằng cửa sổ sáng trưng và cửa ra vào sau lưng nàng là màn bạc, đang trình chiếu một bộ phim hành động. Nàng luôn luôn ghét loại phim bạo lực; khi còn bé, hể có cảnh rùng rợn, nàng phải quay mặt sang nơi khác.
"Sáu ca-ra. Bà thử nhé." Người Ấn thúc dục.
Nàng quyết định thưởng thức bầu không khí ấm cúng ngất ngây của văn phòng tiệm kim hoàn. Nàng lướt mắt qua hình ảnh đôi chân mình nằm gọn giữa các chùm mẫu đơn trong tấm gương tựa vào vách, rồi trở lại kho báu lộng lẫy -- xứng đáng là kho báu, chắn chắn vậy, của một câu truyện trong Môt Ngàn Lẽ Một Đêm -- trên ngón tay nàng. Nàng xoay chiếc nhẫn theo hướng này, rồi lại hướng kia, so sánh nó với màu đỏ hoa hồng của lớp sơn móng tay. Mặc dù có vẻ hơi tái và nhỏ so với những móng tay sơn rực rỡ, tại căn phòng tồi tàn này, viên kim cương chiếu lấp lánh mê hồn, như một vì sao rực cháy lửa hồng trong ánh hoàng hôn. Nàng hơi luyến tiếc rằng nó không có gì khác hơn là mấu chốt của một phân đoạn ngắn ngủi áp chót của vở bi kịch đang sắp sửa đi vào kết thúc.
"Vậy em nghĩ sao?" Ông Dịch hỏi.
"Anh nghĩ thế nào?"
"Anh không rành mấy chuyện này. Miễn em thích là được."
"Sáu ca-ra. Em không biết có tì vết gì không. Em không thấy gì hết."
Họ tựa vào nhau cùng ngắm chiếc nhẫn, nói cười như một đôi uyên ương sắp cưới. Mặc dù nàng học ở Quảng Đông, là hải cảng đầu tiên mở cửa mua bán với thương nhân Anh, trường học ở đó không coi trọng việc giảng dạy tiếng Anh như ở Hong Kong, và nàng luôn luôn nói tiếng Anh một cách rụt rè, e thẹn. Cảm thấy sự thiếu tự tin của nàng, ông chủ tiệm bỏ qua những lời mào đầu thông thường của ông về tại-sao- và do-thế, về giá thành của kim cương. Hai bên đồng ý giá cả nhanh chóng. Muời một thỏi vàng, sẽ giao ngày mai. Nếu có thỏi vàng nào nhẹ hơn mức ấn định, ông Dịch hứa sẽ đưa bù; cũng thế, ông chủ tiệm kim hoàn hứa sẽ trả lại cho họ nếu có dư. Toàn thể cuộc đổi chác -- đổi vàng lấy kim cương -- cũng giống như một tình tiết khác, vay mượn từ Một Ngàn Lẽ Một Đêm.
Nàng lo rằng việc giao dịch đã chấm dứt quá nhanh. Có thể họ sẽ bất ngờ vì nàng và ông Dịch ra về sớm. Nàng biết, trên sân khấu, đối thoại là cách trì hoản hay nhất.
"Có cần nhắc ông ấy viết biên nhận không?" Có lẽ ông đang tính toán sẽ nhờ ai đó, ngày mai đem vàng tới và nhận hàng.
Ông người Ấn vừa viết xong biên lai. Nàng cũng cần phải tháo nhẫn ra, trả lại cho ông ấy.
Họ rời nhau, dựa lưng vào ghế của mình, thoải mái vì đã qua khỏi giai đoạn trả giá căng thẳng.
Nàng cười khẽ, "Thời buổi này không ai thích thứ gì khác, ngoại trừ vàng. Ngay cả đặt cọc bằng tiền mặt, họ cũng không muốn."
"Anh cũng thế. Anh không bao giờ mang theo tiền mặt."
Nàng biết, nhờ kinh nghiệm sống chung với gia đình ông bà Dịch, phụ tá của ông luôn luôn phụ trách việc trả tiền khi cần --- ngài bộ trưởng có vinh dự là không bao giờ phải thò tay vào túi. Hôm nay, để giữ bí mật, dĩ nhiên ông đi một mình, và do đó không có một xu dính túi.
Người Anh nói rằng uy quyền là một phương thuốc kích dục. Nàng không biết chuyện này có đúng hay không; bản thân nàng hoàn toàn không để tâm tới hấp lực của nó.
Họ cũng nói, con đường dẫn đến trái tim của người đàn ông đi qua bao tử của anh ta; một người đàn ông sẽ dễ dàng biến thành con mồi trong tay một người đàn bà nấu ăn ngon. Đâu đó trong thập niên đầu hay thứ nhì của thế kỷ hai mươi, nghe nói một học giả danh tiếng Trung Hoa đã thêm rằng, con đường dẫn tới trái tim một người đàn bà đi qua âm đạo của nàng. Mặc dù không nhớ được tên nhà học giả này, nàng còn nhớ sự tương đồng ông ta đã dùng để biện hộ cho tình trạng đa thê: "Chung quanh một ấm trà, lúc nào cũng có nhiều hơn một cái tách."
Nàng không chịu tin rằng một nhà trí thức có thể đưa ra môt câu nói thô lậu như vậy. Nàng cũng không tin rằng câu ấy đúng, trừ phi với những cô gái điếm già tuyệt vọng hay các bà góa phụ lẳng lơ. Trong trường hợp của mình, nàng thấy Lương Nhuận Sinh đã đủ tởm trước chuyện đó và lại càng tởm hơn sau đó.
Có thể đó không phải là một thí dụ tốt, vì ngay từ đầu Lương Nhuận Sinh đã bồn chồn, thiếu tự tin, khổ sở vì thừa biết nàng không ưa hắn. Mặc cảm tự ti của hắn tăng dần theo diễn biến giửa đôi bên, làm nàng càng thêm khinh bỉ.
Chắc chắn nàng không yêu ông Dịch, phải không? Dù rất hồ nghi, nàng thấy mình không thể bác bỏ hoàn toàn ý niệm ấy; bởi lẽ chưa bao giờ yêu ai, nàng không biết tình yêu ra sao. Từ lúc mười mấy tuổi, luôn luôn bận rộn xua đuổi những vụ tán tỉnh, sức kháng cự những cảm xúc tình ái của nàng rất mạnh mẽ. Có một lúc, nàng tưởng mình đã đem lòng yêu Quảng Dụ Dân, nhưng cuối cùng nàng lại ghét anh ta -- vì hóa ra anh ta cũng chẳng có gì khác hơn những người nọ.
Trong hai lần với ông Dịch, quá căng thẳng, quá bận tâm nói năng cho đúng kich bản, nàng đã không có cơ hội nào để tự hỏi lòng mình. Ở nhà họ, nàng phải thường xuyên cảnh giác. Đêm nào cũng vậy, nàng phải thức đến khuya giống mọi người để thù tạc xã giao. Khi được trở về phòng riêng, nàng nuốt vội một viên thuôc ngủ để bảo đảm một đêm an giấc. Mặc dù Quảng Dụ Dân đưa cho nàng lọ thuốc nhỏ, anh đã dặn nàng phải tránh dùng nếu không cần thiết, phòng khi có chuyện xảy ra vào sáng hôm sau, cần đến đầu óc minh mẫn. Nhưng nếu không có chúng, nàng sẽ rất khổ sở vì chứng mất ngủ, một điều chưa bao giờ xảy ra trong quá khứ.
Chỉ bây giờ, khi những giây phút căng thẳng sau cùng của sự tỉnh lặng kéo dài vô tận, trên cái bao lơn chật chội này, ánh sáng nhân tạo của ngọn đèn tương phản một cách tồi tàn với bầu trời xanh nhạt bên kia cửa sổ và cửa kính dưới nhà, nàng mới cho phép mình thư thả và xem xét cảm xúc của mình. Một cách nào đó, sự có mặt của ông Ấn Độ, khòm lưng trên bàn viết, lại gia tăng thêm cảm giác biệt lập của nàng với người yêu. Nhưng đây không phải là lúc để tự hỏi lòng rằng mình có yêu ông không; thay vào đó, nàng cần phải --
Ông nhìn chăm chăm vào khoảng không phía trước, một nụ cười đau thương phảng phất trên mặt. Ông chưa bao giờ dám mơ tưởng một hạnh phúc như thế có thể đến vào tuổi trung niên. Dĩ nhiên, ông phải cảm ơn quyền lực và địa vị của mình; chúng là phần không thể tách rời của ông. Quà cáp, cũng vậy, rất cần thiết, mặc dù phải được trao tặng vào đúng thời điểm. Tặng quá sớm, chúng có ngụ ý lăng mạ là nàng tham lam. Mặc dù ông thừa hiểu đường đi nước bước của trò chơi của họ, ông cũng tự cho phép mình một giây phút hân hoan ngắn ngủi với phần thưởng quý giá đã nằm gọn trong lòng; nếu không, cuộc chơi sẽ chỉ là vô nghĩa.
Ông là một người từng trải trong chuyện này: đưa nhân tình đi mua sắm, chăm sóc những ý thích bất ngờ của họ, lùi lại đàng sau để họ chọn lựa. Nhưng, một lần nữa, nàng ghi nhận, không có sự nhạo báng trong nụ cười của ông; chỉ có nỗi buồn. Ông ngồi đó, bóng in trước ngọn đèn, dường như chìm đắm trong một tâm tư trầm mặc trìu mến dịu dàng, hàng mi buông xuống nhuộm màu kem lờ lợ như đôi cánh bướm đêm đậu trên gò má hốc hác của ông.
Ông ấy thật sự yêu mình, nàng nghĩ. Nàng cảm thấy lòng mình rúng động, -- và rồi một cảm giác mất mát mơ hồ.
Đã quá trễ.
Người Ấn đưa tờ hóa đơn cho ông. Ông nhét nó vào túi bên trong áo lớn.
"Chạy đi," nàng nói nhẹ nhàng.
Trong giây lát, ông nhìn nàng chầm chập, rồi hiểu ra tất cả mọi việc. Ông nhảy dựng, tông cửa, lấy thăng bằng, rồi mở toang cánh cửa, lấy đà bám vào lan can và chập choạng phóng xuống các nấc thang hẹp, tối. Nàng nghe tiếng chân ông hối hả, nhảy một lần hai ba bậc, thình thịch không đều.
Trễ quá. Nàng đã nhận ra quá muộn.
Rõ ràng người chủ hiệu kim hoàn đang vô cùng bối rối. Biết hành động của họ trông thật khả nghi, nàng cố ngồi yên, chống lại ước muốn xoay mình nhìn theo.
Họ lắng nghe tiếng giày nện trên sàn gạch, rồi trong tầm mắt họ, ông Dịch hiện ra, phóng qua cửa nhanh như cắt. Một khoảng khắc sau, người bán hàng vạm vở cũng hiện ra, bám theo sát nút. Nàng kinh sợ rằng hắn sẽ chộp lấy ông, đòi hỏi một câu giải thích; vài giây trì hoản cũng có thể chết người. Tuy nhiên, có lẽ e ngại khi thấy chiếc xe hơi dành riêng cho công vụ, hắn ngừng lại ở ngưỡng cửa, ngó chòng chọc, tấm thân nặng nề chắn ngang cửa. Sau đó, tất cả những gì họ nghe được là một tiếng rít dài, như tiếng vỏ xe cọ sát trên mặt đường khi xe lùi lại, một tiếng nổ khô khốc tiếp theo. Đó là tiếng cửa xe đóng sập lại, có lẽ vậy -- hay là tiếng súng? Rồi chiếc xe hơi phóng đi mất biệt.
Nếu có súng nổ, họ phải nghe nhiều hơn một tiếng.
Nàng lấy lại bình tỉnh. Yên ẳng trở về.
Thở một hơi dài nhẹ nhỏm; toàn thân nàng yếu ớt, cạn kiệt, như vừa mới bình phục sau một cơn đau nặng. Cẩn thận cầm áo choàng và túi xách, nàng mỉm cười và gật đầu chào khi đứng lên: "Ngày mai, nhé." Nàng lại hạ thấp giọng, như khi nàng thường nói tiếng Anh. "Ông ấy quên mất một cái hẹn khác, do đó ông ấy cần phải đi gấp."
Người chủ tiệm kim hoàn đã gở kính ra, chăm chú quan sát chiếc nhẫn kim cương hồng, để chắc chắn rằng vị khách quý đã không đánh tráo. Rồi ông ta nhìn thấy nụ cười của nàng.
Nàng không thể trách ông đã muốn kiểm tra lại. Cuộc thương lượng quá nhanh và dễ dãi một cách đáng ngờ.
Nàng bước vội xuống cầu thang. Khi người bán hàng thấy nàng xuất hiện anh ta do dự, rồi quyết định không nói gì. Tuy nhiên, khi ra khỏi cửa, nàng nghe, giửa lầu trên và tầng trệt, họ lớn tiếng trao đổi với nhau.
Bên ngoài không có một chiếc xích lô nào trống khách, nên nàng đi bộ về phía đường Seymour. Nhóm của nàng chắc chắn phải tan tác ngay giây phút họ thấy ông ta nhào ra xe và chạy mất; họ phải ý thức là trò chơi đã chấm dứt. Nàng không thể an tâm; chuyện gì sẽ xảy ra nếu có người được chỉ định canh chừng cửa sau? chuyện gì sẽ xảy ra nếu người đó không thấy diễn tiến ở cửa trước, và chưa trốn chạy. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu nàng gặp lại ông? Nhưng cho dù ông có nghi ngờ rằng nàng phản bội, có lẽ ông cũng sẽ không đương đầu với nàng tại đấy, đừng nói chi tới việc hạ lệnh hành quyết nàng sau này.
Nàng ngạc nhiên thấy trời vẫn còn sáng, dường như khi ở trong tiệm nàng đã đánh mất ý thức về thời gian. Hè phố chung quanh rộn ràng nhân thế; xe xich lô nối đuôi nhau chạy trên đường, tất cả đều có khách. Dòng người đi bộ và xe cộ trôi qua, giống như ngăn cách với nàng bằng một bức tường kính, cũng không khác gì các hình nhân thanh nhã chưng bày bên trong cửa sổ tiệm Green House Ladies' Clothing Emporium -- ta có thể nhìn, nhưng ta không thể sờ mó. Họ lướt ngang, vẽ yên bình không xuy suyển, trong khi nàng đứng bên ngoài, một mình trong nỗi bồn chồn.
Nàng đang trông ngóng một chiếc xe đốt bằng than, đột ngột chạy đến bên nàng, và một bàn tay thò ra, kéo nàng vào trong.
Vĩa hè phía trước rạp chiếu bóng Bình An trống trơn; xuất hát chưa vãn nên khán giả chưa đổ xô ra về, do đó không có xích lô nào đậu nối dài ở ngoài chờ khách. Ngay lúc đang do dự không biết chọn hướng nào, nàng quay lại và thấy ở đàng xa, bên phía đối diện, một chiếc xích lô trống từ từ tiến đến, một cái chong chóng đỏ, xanh lá cây và trắng cột ở tay cầm. Thấy nàng vẫy tay, người phu xe trẻ, cao, đạp nhanh tới, chiếc chong chóng nhỏ quay tít khi anh tăng tốc lực.
"Đường Ngu Viên," nàng nói với anh ta khi bước lên xe.
May mắn thay, khi ở Thượng Hải, nàng không tiếp xúc nhiều với nhóm, và do đó không có dịp nói rằng nàng có một người bà con cư ngụ ở đường Ngu Viên. Nàng nghĩ mình có thể trú ẩn ở đó vài ba ngày, trong khi lượng định tình hình.
Khi chiếc xe xích lô chạy tới Tỉnh An Tự, nàng nghe tiếng còi.
"Bị chặn đường," người phu xe nói với nàng.
Một người đàn ông trung niên mặc áo kiểu mandarin ngắn đang kéo một sợi dây thừng ngang qua đường, miệng ngậm còi. Bên kia đường, một người thứ nhì, ăn mặc tương tự, kéo đầu dây kia thẳng ra để cô lập xe cộ và bộ hành. Có ai đó đang uể oải lắc chuông, tiếng chuông mỏng manh, loảng xoảng gần như không thể vang qua con đường rộng.
Người phu xe kiên cường đạp tới tận sợi dây thừng, rồi thắng xe lại và sốt ruột xoay chiếc chong chóng, trước khi quay đầu lại mỉm cười với nàng.
Ba chiếc áo choàng đen đang ngồi chung quanh bàn mạt chược. Người mới tới -- Liêu Thái Thái -- mủi lấm tấm điểm vài hạt rỗ hoa trắng.
"Dịch tiên sinh đã về." Mã Thái Thái cười điệu đàng.
"Cô Vương Giai Chi là người nói láo ác làm sao! " Dịch Thái Tháii than phiền. "Hứa dẫn mọi người đi ăn tối rồi chạy mất. Tôi sẽ xỉu vì đói nếu cô bắt chúng ta chờ lâu hơn nữa."
"Dịch tiên sinh," Liêu Thái Thái cười." Hôm nay bà nhà làm chúng tôi phá sản. Bà ấy sẽ là người trả tiền ăn tối mai đấy."
"Dịch tiên sinh," Mã Thái Thái nói, "Khi nào tiên sinh sẽ đãi chúng tôi như đã hứa, lần thắng bài kỳ trước? Đúng là không thể nào cạy được bửa ăn của tiên sinh."
"Tối nay Dịch tiên sinh phải khoản đãi, vì tiên sinh không bao giờ nhận lời mời của chúng ta." Cái áo choàng đen thứ ba nói.
Ông chỉ mỉm cười mà thôi. Sau khi người hầu đem trà đến, ông gõ gõ đầu điếu thuốc cho tàn rơi vào dĩa, liếc nhìn mấy tấm màn cửa bằng len dầy cộp treo ở vách đối diện và thầm hỏi bao nhiêu sát thủ có thể ẩn nấp bên trong. Ông vẫn còn rúng động vì sự kiện vừa xảy ra chiều nay.
Ngày mai ông phải nhớ sai người hạ mấy tấm màn ấy xuống, cho dù vợ ông phản kháng vì một thứ mắc tiền như vậy phải cất trong nhà kho.
Tất cả do lổi của bà, kết quả của việc chọn bạn một cách cẩu thả. Tuy thế ông vẫn rất lấy làm thán phục, kế hoạch đã được chuẩn bị công phu biết bao, từ hai năm trước. Việc chuẩn bị quả thật hoàn hảo đến nổi chỉ vì sự yếu lòng vào phút chót của nàng hống nhan họa thủy mà ông còn sống sót. Như vậy, nàng quả thực đã yêu ông -- đó là mối tình chân thật đầu tiên của ông. Thật là may mắn biết bao.
Ông có thể giữ nàng lại. Ông đã nghe nói hay đọc ở đâu đó rằng tất cả mọi điệp viên đều là anh em với nhau; rắng lòng trung thành của một điệp viên với môt điệp viên khác còn mạnh hơn cả lý tưởng phân cách họ. Dù sao đi nữa, nàng cũng chỉ là một sinh viên.Trong hội kín của họ, chỉ có môt người là nhân viên chính thức của Trùng Khánh, tên này đã trốn thoát -- sai lầm duy nhất trong toàn thể chiến dịch. Có lẽ hắn đã ra khỏi rạp lúc phim đang chiếu nửa chừng, rồi vào rạp trở lại khi cuộc ám sát bị hủy bỏ. Khi khu vực ấy bị cô lập, có lẽ hắn đã trình cho cảnh sát cùi vé xi-nê và do đó được phép đi ra. Người thanh niên cùng mai phục để thực hiện cuộc ám sát đã thấy hắn ta cẩn thận cất cùi vé cùng với những điếu thuốc lá. Họ đã thỏa thuận trước là hắn sẽ không tẩu thoát bằng xe hơi; rằng sau đó hắn sẽ lẳng lặng trở vào rạp. Chỉ cần mạnh tay một chút là lũ ngốc đã cung khai toàn bộ câu chuyện.
Ông Dịch đứng đằng sau lưng vợ, xem ván mạt chược. Sau khi dụi tắt điếu thuốc, ông hớp một ngụm trà; vẫn còn quá nóng. Mặc dầu cần phải nghỉ ngơi, ông quá mệt mỏi, không thể nào thư giãn. Ông đã kiệt sức vì phải túc trực bên điện thoại nguyên cả buổi chiều, chờ nghe tin tức; ông vẫn chưa có một buổi cơm tối ra hồn. Sau khi về đến chỗ an toàn, ông đã lập tức gọi điện thoại ra lệnh bao vây toàn thể khu vực ấy. Đúng mười giờ tối, tất cả sẽ bị xử bắn. Chắc nàng sẽ căm hận ông ở giờ phút sau cùng. Nhưng vô độc bất trượng phu. Nàng đã không yêu ông nếu như ông là loại người ủy mị.
Và, dĩ nhiện, ông không còn lối thoát nào khác -- bởi Chu Phật Hải, nhiều hơn bởi quân cảnh Nhật. Đã từ lâu, Chu điều hành cơ quan mật vụ riêng, và coi Tình Báo chính phủ -- cơ quan của ông Dịch -- chẳng ra thể thống gì. Kết quả là, hắn ta theo dõi chặt chẻ cơ quan của ông, cố moi móc cho bằng được chứng cớ của sự bất tài. Ông Dịch có thể dễ dàng tưởng tượng Chu sẽ làm gì, một khi hắn phát hiện, ngài Bộ trưởng Nội Vụ đã chứa chấp một điệp viên tại nhà riêng.
Bây giờ, ít nhất, Chu không thể tìm được lý do nào để trừng phạt ông. Nếu hắn tố giác ông về tội hành quyết các nhân chứng có tiềm năng khai thác, ông có thể tự tin chống trả lại rằng họ chỉ là sinh viên; họ không phải là điệp viên chuyên nghiệp mà lối tra tấn chậm, đúng mức có thể làm họ khai báo các thông tin hữu dụng. Và nếu cuộc hành quyết bị trì hoản, tin tức về cuộc tình của ông có thể bị tiết lộ. Họ sẽ trở thành những anh hùng yêu nước đã âm mưu ám sát một tên phản quốc; và đó sẽ là một duyên cớ cho đám người bất mản tâp hợp để chống đối.
Ông không lạc quan về diễn biến của cuộc chiến, và ông không biết rồi đây ông sẽ ra sao. Nhưng hiện nay, sung sướng với tình yêu của một người đàn bà đẹp, ông có thể chết đi trong hạnh phúc -- không hề hối tiếc. Ông có thể cảm nhận hình bóng của nàng mãi mãi bên ông, vỗ về, chiều chuộng. Ngay cả khi căm ghét ông vào phút cuối, ít nhất nàng cũng có một thứ tình cảm nào đó. Và giờ đây ông đã sở hữu nàng một cách tuyệt đối nhất, hoang sơ nhất -- như một tên thợ săn sở hữu con mồi của hắn, như một con hổ sở hữu nạn nhân của nó. Lúc sống, thân thể nàng thuộc về ông; lúc chết, nàng là hồn ma của ông.
"Dẫn chúng tôi đi nhà hàng, Dịch tiên sinh! Dẫn chúng tôi đi nào!" ba cái áo choàng đen chót chét kêu. " Lần trước tiên sinh đã hứa!"
"Mã Thái Thái cũng hứa," Dịch Thái Thái mỉm cười can thiệp, "nhưng rồi khi ta không gặp bà ấy chừng vài ngày, chúng ta quên phắt đi."
"Chị vẫn mãi là người vợ trung thành." Mã Thái Thái mỉm cười đáp lễ.
"Này, Dịch tiên sinh có chịu dẫn chúng tôi đi ăn hay không thì bảo?"
"Chắc chắn gần đây Dich tiên sinh đã gặp hội rồng mây," Mã Thái Thái nói, nhìn ông và một lần nữa, mỉm cười. Họ hoàn toàn hiểu thấu nhau. Bà không thể nào không để ý thấy hai người cùng biến mất, người này tiếp theo người kia. Và cô gái vẫn chưa trở về. Ông ta có vẻ bị chia trí khi trở lại, sự hưng phấn vẫn còn sáng ngời trên gương mặt. Buổi chiều hôm nay, bà đoán, hẳn phải là buổi tình tự đầu tiên của họ.
Ông tự nhắc nhở, phải tập luyện cho vợ ông thật rành mạch câu chuyện ông vừa sáng tác, rằng Mạch Thái Thái vội vàng trở về Hong Kong vì có việc nhà khẩn cấp. Rồi, hù dọa bà, với môt chút mánh lới của ngành mật vụ: rằng không bao lâu sau khi bà mời con rắn độc ấy vào nhà, ông đã nhận được tin tình báo cho biết cô ta là người của một tổ chức gián điệp Trùng Khánh. Vừa lúc nhân viên của ông bắt đầu điều tra, ông nghe nói người Nhật đã đánh hơi được. Nếu không ra tay trước, ông sẽ không có công cán nào trong những tin tức tình báo đã thu lượm, và người Nhật có thể khám phá ra mối liên hệ của cô ấy với bà, và sẽ tìm cách kết tội ông. Ông phải vẽ vời quá đáng, để cho bà không thể tin những chuyện ngồi lê đôi mách của Mã Thái Thái.
"Đưa chúng tôi đi ăn, Dịch tiên sinh! Đừng để bà nhà phải gánh vác những việc cực khổ thay ông."
"Nhà tôi tự chiêu đãi các bà mà. Bà ấy hứa ngày mai sẽ đãi."
"Chúng tôi biết tiên sinh rất bận rộn. Hãy nói cho chúng tôi biết khi nào tiên sinh rảnh rỗi, chúng tôi sẽ tới ngay; sau ngày mai, ngày nào cũng được cả."
"Không, đêm nay cơ. Tiệm Lai Hỉ được không?"
"Chỗ đó chỉ có món buffet đồ nguội là ăn được thôi."
"Đồ ăn Đức chán thấy mồ -- không có gì hết chỉ toàn là đồ nguội. Hay ta đi ăn món Hồ Nam nhé, thay đổi khẩu vị một chút nào?"
"Hay đi tiệm Thục Du-- tối hôm qua Mã Thái Thái không có mặt."
"Tôi thích đi tiệm Cửu Như hơn -- lâu lắm tôi chưa trở lại đó."
"Vây chẳng phải Dương Thái Thái đãi tiệc ở Cửu Như sao?"
"Lần đó, Liêu Thái Thái không đi chung với chúng ta. Chúng ta cần môt người quê quán ở Hồ Nam -- chúng ta không biết chọn món ăn."
"Đối với tôi, quá cay."
"Vậy thì bảo nhà bếp làm ít cay hơn."
"Chỉ có cá ươn mới không biết ăn ớt cay."
Giữa tiếng cười xé tai, ông lặng lẽ lui ra.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top