Yến Tiệc (2)

"Ta sẽ đi tới Mã Ngôi Dịch." Không Hải nói thế vào buổi sáng hôm sau.

"Sao cậu lại đột nhiên nảy ra ý định ấy?" Dật Thế hỏi vẻ ngạc nhiên.

Dật Thế biết cả đêm qua Không Hải không ngủ mà chong đèn ngồi tra cứu gì đó. Chiều qua, sau khi biết được tác giả của Thanh bình điệu từ là Lý Bạch, Không Hải và Dật Thế đã rời khỏi Hồ Ngọc Lâu từ sớm. Rồi Dật Thế chia tay với Không Hải ở đó.

"Tớ phải đi tìm cái này." Không Hải bảo vậy với Dật Thế rồi biến mất dạng.

Không Hải quay về vào lúc xế tà, ngay trước khi mộ cổ bắt đầu gióng lên và cửa phường sắp đóng lại. Không Hải về đến nơi, đứng trước mặt Dật Thế với bọc áo căng phồng. Nhìn kỹ thì thấy trong bọc áo Không Hải đầy ắp những quyển trục.

"Gì thế?" Dật Thế hỏi.

"Tớ vừa đi mượn về." Không Hải đáp gọn. "Giờ tớ phải đọc chỗ quyển trục này."

"Đọc hết?"

"Đọc hết."

Nói đoạn, Không Hải bỏ bữa, nhốt mình trong phòng và bắt đầu đọc đống quyển trục ấy.

Trong lúc Dật Thế ngủ, ở bên cạnh, Không Hải vẫn tiếp tục đọc dưới ánh đèn. Sáng hôm sau, khi Dật Thế tỉnh giấc thì đã không thấy Không Hải đâu nữa. Nhìn sang chỗ Không Hải vẫn thường nằm, xem ra đêm qua Không Hải không ngủ.

Cậu đã ra ngoài. Có bóng Không Hải ở ngoài vườn. Không Hải đang đứng giữa hàng Mẫu Đơn, đưa tay che một cành hoa. Vầng dương chắc vừa ló lên khỏi đường chân trời, bầu trời xanh bừng sáng, nhưng ánh nắng chưa chiếu xuống tới khu vườn.

 Hơi lạnh của màn đêm tĩnh lặng vẫn còn vương vất.

Dật Thế tìm thấy Không Hải ở đó.

"Không Hải..." Dật Thế gọi. "Đêm qua cậu không ngủ à?"

"Ờ, tớ không ngủ." Không Hải đáp với một giọng khỏe khoắn không có vẻ gì là đã thức trắng đêm.

"Sao thế?" Dật Thế hỏi, bước lại gần Không Hải.

"Vì tớ phải đọc đống quyển trục đó."

"Đến sáng?"

"Đến sáng." Không Hải đáp không chút ngập ngừng.

"Cậu thật khác người thường." Dật Thế nói.

Dật Thế còn đang làm ra vẻ ngán ngẩm thì Không Hải bảo: "Ta sẽ đi tới Mã Ngôi Dịch."

"Nhưng Không Hải à, Mã Ngôi Dịch cách Trường An khá xa đấy."

"Ừ, khá xa."

Mã Ngôi Dịch là một thị trấn nằm cách Trường An tám mươi cây số về phía Tây. Tuy gọi là thị trấn nhưng giống với một ngôi làng hơn. Tại sao Không Hải lại muốn tới đó?

Nghĩ vậy, Dật Thế mới hỏi: "Sao cậu lại đột nhiên nảy ra ý định ấy?"

"Tớ chợt nảy ra sau khi đọc đống quyển trục đêm qua..." Không Hải nói.

"Hóa ra do đọc sách hả? Mà tớ nhớ là trong đống sách đêm qua có cả

của Lý Bạch phải không?"

"Lý Bạch thật chẳng khác nào một mỏ tài năng. Ông để cho tài năng ấy tuôn tràn như một dòng chảy xối xả mà không thấy tiếc. Đêm qua tớ đã thật sự phấn khích. Tất nhiên tớ không chỉ đọc có thế."

"Cậu còn đọc những sách khác nữa à?"

"Ừ."

Nghe vậy, Dật Thế liền nhìn Không Hải với ánh mắt đầy thán phục. Vì chỉ trong một đêm, Không Hải đã đọc hết toàn bộ số quyển trục đó.

"Có gì trong đó?"

"Nói là có gì thì không chính xác bằng đã hiểu ra."

"Hiểu ra cái gì?

"Rằng phải đi tới Mã Ngôi Dịch."

"Ơ hay Không Hải, cậu phải nói cho tớ biết chứ, cậu hiểu ra cái gì?"

"Về Thanh bình điệu từ. "

"Cụ thể là cái gì!?"

"Tớ đã hiểu ra bài thơ đó được viết ra trong hoàn cảnh nào."

"Thì người ta bảo bài thơ viết về Huyền Tông hoàng đế và Dương quý phi còn gì..."

"Đúng vậy. Nhưng hãy nghe tớ kể này Dật Thế..."

Nói đoạn, Không Hải bắt đầu kể.

Lý Bạch viết Thanh bình điệu từ vào năm Thiên Bảo thứ hai (năm 743), trước khi Không Hải nhập Đường sáu mươi mốt năm.

Lý Bạch bấy giờ bốn mươi ba tuổi.

Huyền Tông hoàng đế bấy giờ năm mươi chín tuổi.

Dương quý phi bấy giờ hai mươi nhăm tuổi.

Kinh đô Trường An đang ở độ rực rỡ nhất. Lý Bạch lên kinh nhờ sự tiến cử của đạo sĩ Ngô Quân một năm trước đó. Dương quý phi chịu ân sủng của Huyền Tông đã được bốn năm.

Mùa xuân năm đó, Huyền Tông đem theo Dương quý phi tới Trầm Hương Đình nằm ở phía Đông hồ Hưng Khánh. Nơi đây nổi tiếng về hoa mẫu đơn.

Đó là chuyến ngự hành của Hoàng đế cùng Quý phi để thưởng lãm mẫu đơn ở đó.

Tháp tùng ngự giá có đội nhạc trong cung. Hoàng đế chọn ra những người đặc biệt xuất sắc từ đội nhạc đó và tổ chức một nhạc hội bao gồm mười sáu ban ở Trầm Hương Đình.

Ca nhân khi đó là giọng ca bậc nhất thiên hạ đương thời Lý Quy Niên.

Khi ấy, Lý Quy Niên cầm lấy phách toan cất tiếng hát thì Huyền Tông ngăn lại.

"Thưởng lãm những đóa hoa diễm lệ nhường này cùng với Quý phi, không lẽ khanh lại định hát những lời ca cũ?"

Nói khác đi thì ý Huyền Tông ở đây là: Sáng tác một lời ca mới và hát riêng cho Dương quý phi, chẳng phải sẽ làm bữa tiệc thêm phần giá trị hay sao? Cũng có thể coi đây là sự tùy hứng bất chợt của Huyền Tông. Nhưng dù là bất chợt hay tùy hứng, thì cũng là ý chỉ của Hoàng đế.

Và kẻ được vời đến là Lý Bạch.

Thế là, thi nhân đang ngủ gật vì cơn say từ hôm qua được gọi gấp tới bên bàn tiệc.

Tài năng của Lý Bạch dư sức đáp ứng yêu cầu của vị hoàng đế tùy hứng. Đối với một thiên tài thơ như Lý Bạch, đó chẳng qua chỉ là một trò mua vui bên bàn tiệc mà thôi.

Và Lý Bạch đã không tiếc tài năng của mình để phô diễn cho trò mua vui ấy.

Hẳn là khi vừa tới nơi, Lý Bạch liền nói: "Xin hãy cho thần một đấu rượu..."

Lý Bạch sẽ thong thả uống cạn một đấu rượu ngay trước mắt Hoàng đế và Quý phi. Trong lúc đó, Lý Bạch đã cấu tứ xong bài thơ. Gọi là cấu tứ, chứ thực ra chỉ cần vạch ra một, hai câu mở đầu là đủ. Chỉ cần vạch ra ngần ấy, phần còn lại cứ tùy ý mà làm.

Một đấu, tức là bằng mười thăng rượu. Vừa uống cạn và ngẩng mặt lên, thì thi tứ đã xong.

Trong lúc đó, mực đã được mài, bút đã sắp ra.

Lý Bạch đưa tay trái đón lấy cuộn giấy kim hoa tiên được đưa cho một cách đầy tự tin, tay phải cầm bút, đứng tại chỗ viết liền ba khổ thơ. Hầu như là ngẫu hứng. Ba khổ thơ được viết ra chính là Thanh bình điệu từ.

Thế rồi Lý Quy Niên cất giọng hát bằng lời ca mới đó. Lời ca được viết ra bởi tài năng của Lý Bạch, diễn tả xuất sắc vẻ đẹp của Dương quý phi.

Thật không hổ danh là thiên tài thơ Lý Bạch.

Nhưng chính vì bài thơ đó mà về sau Lý Bạch đã bị đuổi khỏi Trường An.

Có người thấy khó chịu khi một kẻ vừa chân ướt chân ráo tới Trường An như Lý Bạch đã ngay lập tức nhận được sự sủng ái của Huyền Tông.

Đó là Cao Lực Sĩ.

Cao Lực Sĩ là một hoạn quan thân tín của Huyền Tông. Trong bữa tiệc ở Trầm Hương Đình, Lý Bạch mượn cơn say đã đòi Cao Lực Sĩ cởi giày cho mình. Hơn thế nữa, lại ngay trước mắt Huyền Tông. Đây cũng là một nguyên nhân nữa khiến Lý Bạch sa cơ.

Chính Cao Lực Sĩ sau này đã gièm pha Thanh bình điệu từ của Lý Bạch. Cho rằng, trong bài thơ, Lý Bạch đã so sánh vẻ đẹp của Dương quý phi với Triệu Phi Yến*, kẻ sinh ra với thân phận thấp hèn và cuối cùng đã tự kết liễu đời mình sau khi bị giáng xuống làm thường dân. Rằng bài thơ này đã hạ nhục Quý phi...

Thực ra đó hầu như là nói quàng.

Nhưng chính vì những lời nói quàng ấy mà Lý Bạch được ban cho vàng bạc và phải rời khỏi Trường An.

Đó là năm Thiên Bảo thứ ba, một năm sau khi Lý Bạch viết Thanh bình điệu từ.

Không Hải kể vắn tắt lại toàn bộ chuyện ấy cho Dật Thế nghe.

"Vậy à..."

Dật Thế trả lời, nhưng vẻ như nửa hiểu nửa không.

"Chỉ có điều, Không Hải à, chuyện của Lý Bạch thì tớ rõ rồi, nhưng nó liên quan gì tới việc đi đến Mã Ngôi Dịch?"

Nghe câu hỏi, Không Hải tủm tỉm cười đầy ẩn ý.

"Thôi nào Không Hải, tóm lại là tại sao? Đừng có làm ra vẻ nữa, nói cho tớ biết đi nào."

Không Hải cười trước lời vật nài của Dật Thế, rồi nói: "Dật Thế à, vì ở

Mã Ngôi Dịch ấy, có mộ của Dương quý phi cậu ạ."

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top