Yến tiệc (1)

Quất Dật Thế từ nãy tới giờ uống rượu bồ đào với vẻ mặt nặng trĩu.

Cậu ta uống bằng chén lưu li. Ngắm nghía thứ chất lỏng màu đỏ được rót đầy trong chén một lát thì đưa lên miệng, uống xong lại nhìn sang Không Hải ngồi đối diện bên kia lô.

Chẳng rõ Không Hải có biết là Dật Thế đang rất muốn nói chuyện với mình hay không, nhưng có vẻ cậu đang chìm trong suy tư một mình. Cậu hầu như không động tay vào chén lưu li.

Đang ở Hồ Ngọc Lâu. Một kỹ viện nơi có các Hồ cơ. Vật trải sàn là thảm Ba Tư. Tranh treo trên tường, chum vại bày biện đều là đồ Tây vực.

Chén lưu li, tức là chén thủy tinh được đem tới Trường An từ Tây vực.

Trên đường trở về sau khi gặp Lưu Vân Tiêu, Dật Thế bảo hay là ghé vào Hồ Ngọc Lâu, nên Không Hải cùng Dật Thế mới đang có mặt ở đây.

Đại Hầu thì đã chia tay với Không Hải và Dật Thế ở giữa đường để đi xem xét tình hình ngôi nhà của đạo sĩ mà họ cho là Lệ Hương đang ở đó.

"Mây gợi nhớ xiêm y, hoa gợi nhớ dung nhan..." Không Hải lẩm nhẩm trong miệng.

Đó là bài thơ Lưu Vân Tiêu nói đến hôm nay. Là một khổ trong bài thơ mà cô vợ Xuân Cầm, bỗng nhiên biến thành bà lão, rồi vừa hát và vừa múa theo.

Không Hải đặt mảnh giấy trên mặt lô, hết nhìn mảnh giấy lại lẩm nhẩm những câu thơ ghi trên đó. Ngọc Liên ngoan ngoãn ngồi cạnh Không Hải, thi thoảng khi Không Hải nói gì đó vì sực nhớ ra có Ngọc Liên ngồi cạnh, nàng sẽ đáp lời với nụ cười tủm tỉm thường trực.

Mẫu Đơn thì ngồi cạnh Dật Thế nhưng bỗng sực nhớ ra điều gì nên vừa rời khỏi chỗ và chạy đi đâu đó mà chưa thấy quay lại. Có vẻ như bộ mặt nặng trĩu của Dật Thế một phần bắt nguồn từ đó.

"Dật Thế à, bài thơ này được lắm..." Không Hải nói trong khi nhìn như bị hút hồn vào mảnh giấy.

Đây là lần thứ ba Không Hải thốt ra câu này.

"Cái đó thì tớ biết rồi." Dật Thế nhắc lại y nguyên câu trả lời ban nãy.

Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung

Xuân phong phất hạm, lộ hoa nùng

Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến

Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng

Bài thơ mà Không Hải đọc đi đọc lại từ ban nãy là một bài nói về tư dung của người con gái: Nhìn mây thì nhớ đến xiêm áo nàng, trông hoa thì nhớ đến dung nhan nàng. Gió xuân thổi qua song, sương rơi đẫm trên cánh hoa thật diễm lệ. Người con gái đẹp nhường ấy, nếu không gặp được ở chân núi Quần Ngọc, thì biết đâu có thể gặp dưới ánh trăng Dao Đài.

Ý của bài thơ là như vậy.

Theo truyền thuyết, núi Quần Ngọc là nơi các tiên nữ xinh đẹp cư ngụ; còn Dao Đài là cung điện xây bằng ngọc ngũ sắc, cũng là nơi ở của các nàng tiên.

Tóm lại, bài thơ ví tư dung của người con gái trong bài với vẻ đẹp của các tiên nữ trong truyền thuyết.

"Thật là tót vời..." Không Hải nói trong tiếng thở dài.

"Cái gì cơ?" Dật Thế hỏi.

"Bài thơ chứ còn cái gì."

"Tót vời như thế nào?"

"Tót vời không phải bởi thơ hay, thơ đẹp, Dật Thế ạ. Bài thơ được viết ra không phải bằng chuẩn mực của thơ mà bởi một tài năng."

"Tài năng?"

"Tớ thấy tài năng dâng trào trong đó. Một thứ tài năng sung mãn. Nó cứ tự nhiên tuôn ra từ miệng vậy thôi. Tài năng ấy có lẽ chẳng khi nào khô cạn. Tớ mường tượng ra chủ nhân của tài năng ấy, chỉ cần vừa uống rượu vừa ngắm trăng, là có thể thoăn thoắt viết ra những vần thơ như thế, thậm chí liên tục trong suốt cả một đêm, với tốc độ nhanh như nói."

"Cách khen của cậu cũng hào hoa lắm."

"Một tài năng thông thường sẽ cần đến một chút lý lẽ, thành thử khi rượu vào rồi thì khó mà làm được thơ, nhưng chủ nhân của tài năng này cứ như thể rượu càng vào thì thơ càng lai láng vậy."

"Ừm."

"Nói ví von thì nó như thể một thứ được viết bừa trên chiếu rượu vậy.

Ấy thế mà tự nhiên lại thành thơ. Cái câu Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung, nếu là người phàm thì hẳn đã viết thành: Nhìn xiêm y nàng ta tưởng đến mây, trông dung nhan nàng ta tưởng đến hoa mất rồi. Người viết bài thơ này đã đảo ý thơ ấy mới nhẹ nhàng làm sao: Nhìn mây ta tưởng đến xiêm y nàng, trông hoa ta tưởng đến dung nhan nàng..."

"Ra là vậy à?"

"Hoa ở đây chắc hẳn là Mẫu Đơn rồi." Không Hải nói.

Sau thời Không Hải ít lâu, ở Nhật Bản khi nói đến hoa, thì có nghĩa là hoa anh đào. Ở Trung Quốc đời nhà Đường, khi nhắc đến hoa không, thì đó thường là mẫu đơn hoặc hoa đào.

"Dật Thế à, một nhân vật viết ra áng thơ tài hoa thế này, thì dù bọn mình không biết, cũng sẽ phải có ai đó biết. Chưa chừng chúng ta sẽ tìm ra gốc gác bài thơ này sớm hơn ta tưởng." Không Hải đang tự nói với mình thì đúng hơn là nói với Dật Thế.

"Nhưng trước khi nói đến chuyện đó, không biết Mẫu Đơn đi đâu mất rồi Không Hải nhỉ?"

Dật Thế có vẻ bận tâm về việc Mẫu Đơn đi đâu mất từ ban nãy hơn là về bài thơ. Nhân Không Hải nói đến hoa mẫu đơn lại khiến Dật Thế nhớ đến Mẫu Đơn.

"Em Mẫu Đơn bảo là có thể biết manh mối về bài thơ này..." Ngọc Liên nói.

Vừa rồi, Mẫu Đơn khi nhìn thấy bài thơ mà Không Hải viết trên mảnh giấy đã gật gù một mình.

"Có thể em biết manh mối bài thơ, để em đi lấy cái này cho huynh Không Hải xem..." Mẫu Đơn nói vậy rồi rời khỏi phòng từ lúc nãy.

"Manh mối gì?" Dật Thế hỏi.

"Huynh cứ chờ một chút..." Mẫu Đơn ngoái lại đáp rồi quay lưng bước đi.

Từ bấy đã một lúc lâu trôi qua. Đúng lúc Dật Thế thở dài chán chường thì có tiếng bước chân ngoài hành lang, rồi Mẫu Đơn bước vào phòng.

"Em đã biết bài thơ đó rồi." Mẫu Đơn nói giọng hồ hởi, sau đó phẩy phẩy mảnh giấy cầm trên tay phải.

"Đây là phần tiếp theo của bài thơ."

Nghe đến đó, mắt Không Hải bừng sáng.

"Em giỏi lắm. Cho ta xem nào."

"Vâng." Mẫu Đơn ngồi xuống bên Dật Thế và đưa mảnh giấy cho Không Hải.

Không Hải đón lấy, mở mảnh giấy ra. Dật Thế rướn nhòm vào mảnh giấy từ bên cạnh.

Nhan đề bài thơ là: Thanh bình điệu từ.

Thanh bình điệu là tên gọi một điệu nhạc đời Đường. Đằng sau có thêm chữ "từ" nên chắc là lời ca được hát theo điệu thanh bình.

"Bài thơ này có tất cả ba đoạn, đoạn mà huynh Không Hải viết trên giấy hình như là đoạn đầu, nên em đã nhờ người đó viết ra đoạn hai và đoạn ba vào đây." Mẫu Đơn nói.

"Em nhờ ai viết thế?" Ngọc Liên hỏi.

"Em sẽ kể sau. Để huynh Không Hải đọc trước đã."

Mẫu Đơn cũng rướn lên nhòm vào mảnh giấy. Trên đó là hai đoạn sau của bài thơ được viết bằng những nét chữ ngay ngắn còn thơm mùi mực.

Nét chữ rất quen. Nhưng trước khi nghĩ xem nét chữ đó là của ai, Không Hải quyết định đọc bài thơ đã.

Thanh bình điệu từ nhị

Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương

Vân vũ Vu Sơn uổng đoạn trường

Tá vấn Hán Cung thùy đắc tự

Khả liên Phi Yến ỷ tân trang

Thanh bình điệu từ tam

Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan

Trưởng đắc quân vương đới tiếu khan

Giải thích xuân phong vô hạn hận

Trầm hương đình bắc ỷ lan can.

(Dịch thơ:

Hương đông mọc đượm một cành hồng

Non Giáp mây mưa những cực lòng

Ướm hỏi Hán Cung ai màng tượng

Điểm tô nàng Yến mất bao công.

Sắc nước hương trời khéo sánh đôi

Quân vương nhìn ngắm những tươi cười

Sầu xuân man mác tan đầu gió

Cửa bắc đình Trầm đứng lả lơi. *)

Đó là toàn bộ bài thơ.

Không Hải vừa đọc vừa tấm tắc, nhưng dường như cậu tỏ ra thán phục trước tác giả của bài thơ hơn chính sự xuất sắc của bài thơ ấy: "Ôi trời, Dật Thế ơi. Diễm lệ đến thế là cùng. Đến mức này thì thật là đã lãng phí tài năng mất rồi. Nhưng tài năng ấy dù có lãng phí bao nhiêu cũng không khi nào cạn."

Dật Thế hiểu ý Không Hải, vì cậu ta cũng phần nào nắm được nội dung bài thơ.

"Cậu có vẻ cảm động trước tài năng của nhà thơ hơn là bài thơ đó nhỉ." Dật Thế nói.

"Ờ, đúng thế."

"Nhưng mà nghe cách nói của cậu tớ thấy có cái gì đó hơi mỉa mai, Không Hải ạ."

"Cậu thấy thế hả?"

"Tớ thấy thế."

"Hay lắm Dật Thế. Cậu nói đúng đấy. Nói thẳng ra thì đây là một bài thơ nịnh hót. Nhưng dù là nịnh hót thì nó vẫn là một bài thơ xuất sắc khi được một người có tài năng viết ra. Tớ đã thoáng nghĩ rằng, ôi thật là phí phạm thay, nhưng thực ra không phải vậy. Bởi vì tài năng ấy như một dòng suối dù có tát đi bao nhiêu nước cũng không cạn..." Không Hải tủm tỉm nói.

"Quả là chỉ ở Trường An của nhà Đường mới có kẻ tài tử viết ra một bài thơ diễm lệ dường này mà cứ như không." Không Hải nói tiếp.

Nghe vậy, Dật Thế bèn hỏi: "Không Hải à, có phải ý cậu muốn nói chỉ

những kẻ bất tài mới nghĩ rằng lãng phí tài năng là phí phạm?"

"À em Mẫu Đơn, bài thơ này là của ai thế?" Không Hải đổi chủ đề câu chuyện, nhưng không có vẻ gì là định đánh trống lảng trước câu hỏi của Dật Thế:

"Nghe nói là bài thơ của một người tên Lý Bạch..." Mẫu Đơn đáp.

"Ồ..." Không Hải khẽ thốt lên. "Thảo nào... Hóa ra là thơ của Lý

Bạch." Không Hải gật gù một mình như vừa vỡ lẽ.

Ở thời kỳ này, thơ của Lý Bạch vẫn chưa được giới thiệu vào Nhật Bản.

Thời điểm Không Hải nhập Đường (năm 804), Lý Bạch đã không còn là người của cõi này nữa, ông khép lại cuộc đời mình ở tuổi sáu mươi hai, tức trước đó bốn mươi hai năm (năm 762).

Ghi chép sớm nhất của Nhật Bản về thơ Lý Bạch là "Lý Bạch thi ca hành tam quyển" nằm ở bộ Nhật Bản kiến tại thư mục lục do Fujiwara-no-Sukeyo tuyển chọn vào niên hiệu Khoan Bình (889-898). Giả sử bộ thư

mục này được biên soạn vào đầu niên hiệu Khoan Bình (năm 889), thì khi đó Không Hải đã không còn ở trên cõi đời này. Không Hải mất trước đó năm mươi tư năm.

Đã có hai đoàn thuyền Khiển Đường sứ xuất dương trong khoảng thời gian sau khi Lý Bạch mất đến khi Không Hải nhập Đường. Có thể các đoàn Khiển Đường sứ này đã đem một số bài thơ của Lý Bạch về Nhật Bản, nên nhiều khả năng Không Hải - một tài năng văn chương hiếm có - đã biết đến thơ Lý Bạch trước khi nhập Đường. Song lẽ, chắc chắn là Không Hải chưa từng xem qua các bộ sách có tính toàn tập như Lý hàn lâm tập của Ngụy Hạo hay Thảo đường tập của Lý Dương Băng biên soạn sau này ở Đường.

Như vậy, sau khi sang Đường, Không Hải mới có những hiểu biết đầy đủ về Lý Bạch.

Tất nhiên, trong giai đoạn này, các tập thơ văn của Lý Bạch vẫn chưa được biên soạn, thành thử không có gì vô lý khi Không Hải chưa hề biết đến bài Thanh bình điệu từ. Nhưng những đánh giá về thi nhân Lý Bạch của người đời, chẳng hạn như đoạn trong bài Ẩm trung bát tiên ca của Đỗ Phủ, thì hẳn là Không Hải đã từng nghe qua:

Lý Bạch một đấu viết trăm bài,

Trường An quán rượu nằm sóng soài,

Thuyền vua đến gọi không buồn dậy,

Đáp lại rằng thần, lão tiên say.

"Ra vậy. Quả là thơ của ngài Trích Tiên nên mới thế." Không Hải vừa dán mắt vào mảnh giấy vừa nói.

Trích Tiên, tức là vị tiên trên Thiên đình vì phạm tội nên bị đày xuống sống ở trần gian. Do kính phục tài năng thơ phú của Lý Bạch mà Hạ Tri Chương đã so sánh Lý Bạch với Trích Tiên và gọi ông như vậy.

"Nhưng rốt cuộc thì ai đã nói cho em Mẫu Đơn biết bài thơ này?" Không Hải hỏi.

"Ông Bạch ạ." Mẫu Đơn đáp.

"Ồ, hóa ra người đó là ông Bạch." Ngọc Liên nói với vẻ thỏa mãn.

"Ông Bạch... có phải ông Bạch làm bài thơ mà lần trước các em cho ta xem không?" Không Hải hỏi.

Cách đây ít lâu, khi đến Hồ Ngọc Lâu cùng Dật Thế, Không Hải được nghe Ngọc Liên và Mẫu Đơn kể về một vị khách của Ngọc Liên, lần nào tới đây cũng đòi chuẩn bị bút và mực để viết thơ. Vị khách đó họ Bạch.

Không Hải đã được xem mảnh giấy có bài thơ mà ông Bạch viết rồi vứt đi.

Chỉ cần xem qua bài thơ mà dễ chừng là khổ đầu của một bản trường ca dài, cũng có thể đoán được tác giả đang dồn biết bao tâm huyết vào trong bài thơ còn chưa thành hình ấy.

"Đúng rồi ạ." Mẫu Đơn gật đầu.

"Vậy là ông ta biết bài thơ đó." Không Hải lẩm bẩm, với vẻ mặt như muốn nói: một người như thế mà biết thơ Lý Bạch thì cũng là lẽ thường.

"Lúc thấy bài thơ này, em đoán ông Bạch thể nào cũng biết..." Mẫu Đơn nói giọng hào hứng.

"Biết ông Bạch sắp ra về nên em mới mang bài thơ mượn của huynh Không Hải cho ông ấy xem. Thế là..." Mẫu Đơn đổi giọng, như để nhại lại kiểu nói của ông Bạch khi ấy: "À, là Thanh bình điệu từ của Lý Bạch đây mà."

Có vẻ ông Bạch đã nói như vậy.

"Ông Bạch ơi, ông có biết toàn bộ bài thơ đó không?" Mẫu Đơn hỏi.

"Biết chứ." Ông Bạch đáp.

Nghe thế, Mẫu Đơn liền đem mực và bút nhờ ông Bạch chép lại bài thơ.

"Bây giờ ông Bạch đang ở đâu?" Không Hải hỏi.

"Ông Bạch chép xong bài thơ thì về luôn. Ông ấy bảo phải đi đến một chỗ..."

"Em có hỏi là bài thơ này được viết ra trong hoàn cảnh nào không?"

"Thôi chết, em xin lỗi. Em sơ ý quá, nên việc đó thì..."

"Không sao đâu em Mẫu Đơn. Chỉ cần biết được đây là bài Thanh bình điệu từ của Lý Bạch là mừng lắm rồi. Những thứ còn lại ta có thể tự tìm hiểu được."

"Thấy huynh Không Hải mừng là em vui rồi..."

"Hình như bọn em có kể ông Bạch là một lại viên phải không?"

"Vâng."

"Bạch là họ, vậy tên là gì?"

"Cư Dị ạ. Họ Bạch, tên Cư Dị."

"Bạch Cư Dị..." Không Hải tự nhẩm với mình.

Bạch Cư Dị, tự là Lạc Thiên.

Một năm sau đó, Bạch Cư Dị đã công bố bài thơ Trường hận ca dưới cái tên Bạch Lạc Thiên và ghi tên mình vào thi đàn Trường An.

Nhưng tại thời điểm này, Bạch Lạc Thiên vẫn chỉ là một lại viên vô danh với cái tên Bạch Cư Dị. Và Không Hải, vào lúc này, cũng chỉ là một lưu học tăng vô danh tới từ nước Oa, một quốc đảo nhỏ ở Đông Hải mà thôi.

Hán Hoàng trọng sắc tư khuynh quốc

(Vua Hán thích sắc, muốn có người đẹp nghiêng nước...)

Không Hải không hề biết rằng, câu thơ mà mình từng xem qua ấy chính là dòng mở đầu của bài thơ kể về những yêu hận giữa Huyền Tông hoàng đế và Dương quý phi được đặt tên là Trường hận ca.

Bạch Lạc Thiên bấy giờ ba mươi tư tuổi.

Sa môn Không Hải bấy giờ ba mươi hai tuổi.

Bạch Lạc Thiên vẫn còn là một thanh niên vô danh, đang ấp ủ trong lòng cấu tứ của Trường hận ca, mong góp tài năng thi phú của mình với đời.

Không Hải cũng là một sa môn vô danh, tới Trường An ngõ hầu hiểu tận các pháp của vũ trụ này.

Ngay cả Dật Thế, dù ở bên Không Hải, nhưng trong mơ cũng chẳng dám nghĩ rằng rồi thì hệ thống Mật giáo mà Không Hải mang về Nhật Bản sẽ trở thành một lực lượng làm thay đổi đáng kể lịch sử tôn giáo của Nhật Bản sau này.

Duy chỉ có Không Hải là luôn canh cánh tham vọng đó ở trong lòng...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top