#1.2
Trong một ngàn khả năng, cuối cùng vẫn cứ phải là nó.
Một cái bóng trắng. Tôi vô tình thấy được khi chạy lướt qua gian nhà ngang. Ở trong thôn tôi, kiểu nhà ba gian như nhà tôi đang ở đây thịnh hành lắm. Thuận tiện và mát mẻ. Hơn hết là có thế làm một cái sân rộng cho dễ bề phơi thóc hay làm đủ thứ. Bước nhanh trên con đường đá dắt ra cổng, hai bên toàn những cỏ cây hoa lá mọc thấp, tôi trông thấy thằng bé rõ hơn, trên tay nó đang cầm một vật gì đó, đôi mắt tròn xoe dáo dác nhìn quanh.
-Tìm...tìm ai?
Đứng phía bên trong cổng rào đầy hoa thiên lý, tôi hỏi. Hoàn toàn cộc lốc. Thật ra thì ấy là do tôi không biết phải dùng từ ngữ thế nào cho phù hợp. Đối diện với nó lần thứ ba trong cùng một ngày vẫn không thể khiến tôi bớt căng thẳng mỗi khi nhìn trực diện vào thằng nhóc ấy. Cả người nó như luôn tỏa ra một thứ hào quang kỳ lạ lấn át những
sinh vật sống bé nhỏ kém cạnh xung quanh vậy.
-Em có chút quà từ thành phố đem sang biếu bác Hoàng ạ.
Tôi sừng sờ. Im lặng một thoáng, nhận thấy nó vẫn đứng đó, tôi vội vàng đón lấy cái hộp thiếc mà nó đang cầm trên tay. Trông vậy mà cũng nặng phết!
-Cảm ơn
Nói xong tôi quay ngoắt vào trong nhà, để lại thằng nhóc đứng ở phía sau. Không rõ nó còn đứng đó hay không, tôi chẳng dám ngoái đầu nhìn lại. Trong lòng bàn tay tôi đầy ắp những hoa thiên lý mà tôi hái trong vô thức. Có lẽ là do căng thẳng. Hoặc cái gì đó khác? Tôi cũng không rõ nữa, bỗng tôi nghe tiếng nói lớn:
-Khi nào em mới được học bơi ạ?
-Sáng...sáng mai.
Nó không đáp. Tôi nghe tiếng chân chạy. Nhanh. Vội vã. E chừng trong cách chạy ấy hàm chứa một cám xúc gì đó. Một lần nữa tôi nghi hoặc. Chưa bao giờ tôi hoài nghi nhiều như thế. Hoài nghi bản thân. Và hoài nghi về nó-một cá thể khác biệt bỗng dưng xuất hiện tại chốn làng quê tịch mịch, nơi tâm hồn nó vốn không thuộc về. Mà sao tôi lại phải suy nghĩ như thế nhỉ?
Tưởng rằng bản thân đủ tỉnh táo, cuối cùng tôi vẫn phải chú ý tới nó. Nói cách khác chính là rơi vào cái mị lực vô hình mà những kẻ tò mò thường không thể tránh khỏi ở thằng bé ấy. Mãi đến khi vào nhà mà tôi vẫn còn ngơ ngác, bà tôi đã ra ngồi ở nhà khách tự lúc nào. Bà hỏi:
-Ai thế cháu?
-Thằng con trai ông giáo Phi bà ạ, nó mang cho nhà mình cái này.
Tôi nói, chuyển cái hộp thiếc mà bấy giờ tôi cầm trên tay sang cho bà. Mở nắp hộp ra, bà bảo:
-Toàn là những thứ bánh nướng của người Tây thôi, Triết ạ.
-Đâu hả bà, sao họ lại cho mình nhiều thế.
Trong hộp chứa toàn bánh là bánh. Những cái bánh bích quy nướng vàng giòn, điểm thêm thứ quả khô trông hay hay (thứ quả bé bé teo tóp đến nỗi tôi còn chẳng biết ấy là cái món gì). Còn có cái bánh gì mà người ta cuộn xoắn nó lại nữa, nhìn đẹp và lắm. Đối với đám trẻ nông thôn chúng tôi thì ấy quả là một thức quà xa xỉ. Tôi chọn bừa một cái mời bà, rồi lấy thêm một cái khác ăn thử. Bánh quy giòn như tan ngay trong miệng, nhưng mùi sữa bò và cái vị bơ ngấy quá, như thế mỗi ngày chắc chỉ ăn được một cái đã chán. Không như tôi, nhồm nhoàm và ngấu nghiến, bà nội tôi chậm rãi nhai. Phần vì bà muốn thưởng thức, phần khác là do răng bà cũng yếu dần, mà cái thức bánh này thì lại khô và hơi cứng quá.
-Cũng ngon đấy cháu nhỉ, mày có ăn nữa không thì đậy nắp lại cất vào tủ cho bố mẹ về ăn cùng. Hay khi có khách quý thì đem ra đãi người ta. Loại bánh này hơi ngọt, bà ăn không quen.
Hóa ra bà cũng cảm thấy giống tôi, vậy là vị giác của tôi cũng tốt đấy chứ! Trời đã chiều dần, mặt trời sắp lặn, chắc bố mẹ tôi đi đồng sắp về. Vừa định cất hộp bánh đi thì tôi nghe tiếng gọi:
-Hai bà cháu ăn gì mà ngon thế, cho bố ăn với nào.
Bố tôi vác trên vai cái cuốc, cất tiếng nói to. Mẹ đi đôi dép cao su phía sau nghe lộp bộp.
-Bánh nướng của thầy giáo mới đến mang sang cho đấy, bố mẹ nó vào mà ăn thử-Bà tôi gọi.
Bố tôi ăn một lúc hai, ba cái bánh khác nhau rồi luôn miệng khen ngon. Cả nhà chỉ có bố là thấy thứ quà này đưa miệng, kể cả mẹ tôi vừa làm đồng về mệt lả cũng chỉ ăn có đúng một cái
-Bánh gì mà khô khốc, ăn vào khát nước chết được. Bố mày đúng là tài thật đấy.
-Ngon thế mà bà cứ làm sao ấy, người thành phố người ta ăn như thế, mình cũng phải biết học theo đi chứ.
Khẽ thở dài, mẹ tôi nhỏ nhẻ:
-Chưa gì mà họ đã đãi ngộ thế này, tôi dự rằng thằng Triết nhà ta khó mà từ chối việc daỵ bơi cho thằng con ông giáo.
-Người thành phố trước nay luôn khác ở quê ta, với họ cái gì cũng là trao đổi, họ sẽ chẳng bao giờ chịu thiệt đâu.
Bà tôi cất tiếng. Kinh nghiệm sống dày dặn của bà luôn là điều đáng để cho tôi học tập. Bà tôi nói chuyện rất thấu đáo. Mỗi khi con cháu có điều chưa phải, bà răn dịu dàng. Đố ai sau khi nghe qua những lời khuyên thỏa đáng của bà tôi mà còn không bằng lòng cho được.
-Thôi, tắm rửa đi mà ăn cơm. Triết liệu mà sắp xếp dạy bơi cho cậu ấy ngoài bờ sông ta, ở chỗ nước nông thôi, cẩn thận cháu nhé, hai đứa mà có bề gì thì nguy lắm!
-Vâng bà, cháu vừa hẹn nó sáng ngày mai.
Bà tôi gật đầu hài lòng rồi sai tôi đi sắp cơm tối. Bữa cơm hôm nay vui lắm. Cả nhà tôi cùng ăn và chuyện trò rôm rả. Tôi thấy như có cái gì đó cứ thôi thúc ngày mai đến nhanh. Đến nhanh để qua đi? Không, tôi cũng không rõ nữa...
Đêm hôm ấy qua nhanh. Mặt trăng sáng rõ, hắt lên tấm màn giường tôi loáng một màu hơi vàng. Đang là đầu mùa hạ, có lẽ vì thế mà đêm trôi nhanh lắm. Trời sáng dần. Mặt trăng lặn xuống nhường chỗ cho mặt trời nhô lên. Như thường lệ, tôi bước xuống giường khi trời còn chưa sáng hẳn. Nền đất mát lạnh vì thấm đẫm hơi sương. Ra sau vườn múc một gàu nước đánh răng rửa mặt. Nước lạnh ngắt làm tôi tỉnh hẳn. Sảng khoái. Bà tôi cũng đã dậy từ rất sớm. Bà cháu tôi thường cùng nhau đi chợ giờ này. Tôi rất năng cùng bà đi chợ sớm. Chủ yếu để xách phụ bà, phần cũng vì yêu thích cái không khí náo nhiệt ngoài chợ, đôi khi còn được ăn quà bánh nữa. Tôi lại thấy mình bé quá! Đường từ nhà tôi đến chợ không xa. Duy chỉ có cái bất tiện ở chỗ phải đi hướng ngược vào trong thôn vào khoảng đất trống lớn gần hợp tác xã thì mới đến. Thật chất thì đây là một dạng chợ tự phát của những người thôn tôi, và một vài người bán hàng từ các thôn gần kề nữa. Chợ nhỏ. Họp đến độ nắng lên là đã tan cả rồi. Đến đây cũng chỉ mua được vài món cơ bản như rau hay thịt cá ăn hằng ngày thôi, nếu muốn đa dạng hơn thì phải lên chợ huyện. Tôi cũng từng được lên trên ấy vài lần. Chợ huyện đông đúc và thú vị làm sao! Nhưng đường đi lên ấy xa lắm, phải đạp xe những mấy cây số. Hoặc những người khá giả thì đi bằng xe máy, chứ còn cuốc bộ thì đến chết mất.
Bỗng tôi nhận ra gì đó.
Đi sâu về cuối thôn tức là phải đi qua nhà ông Sinh, tức là đi qua ngôi nhà của thằng bé thành phố ấy. Ông Sinh trước là trưởng thôn. Nhà ông rất giàu. Đấy là cái nhà gach 2 tầng đầu tiên của thôn tôi. Nhà to và rộng, thoáng mát lắm. Nay ông Sinh đã chuyển lên thành phố ở với các con nên nhà ông bỏ trống. Chắc cũng vì thế mà ông có quen biết với ông giáo Phi nên cho mượn nhà. Hoặc nhà ông cho thuê chẳng hạn. Trước sân nhà là một cây ổi to, nhưng tương đối thấp. Tôi chẳng thấy cây ổi này ra trái bao giờ, chắc nó chưa đủ tuổi. Ngay dưới cây ổi là một đứa bé trai. "Còn ai ngoài nó nữa", tôi thầm nhủ. Vẫn cái dáng người thanh thanh ấy. Nó đứng trong sương sớm, thẫn thờ nhìn lên tàn lá ổi xanh xanh. "Sao nó dậy sớm thế", tôi lấy làm lạ. Tôi cứ nghĩ rằng người thành phố thì dậy muộn lắm chứ, cũng bởi họ chẳng có gì để lo toan cả. Các công ty, xí nghiệp và cả trường học nữa, mãi đến khi mặt trời nhô cao hẳn mới hoạt động cơ mà. Thế thì con người ta cần gì phải dậy sớm cho nhọc. Bởi vậy tôi mới cảm thấy, thằng nhóc này luôn là một mảnh ghép hết sức đặc biệt dù có ghép nó vào đâu đi chăng nữa. Nước da vốn trắng trẻo của nó ửng hồng lên trong sương sớm. Thấy tôi và bà đi ngang qua, nó nhìn chúng tôi lâu. Đôi mắt mở to như trông chờ cái gì đó. Tôi ái ngại ném cho nó một cái nhìn gượng gạo rồi đi khỏi. Chẳng biết nó làm sao nữa.
-Anh...anh Triết.
Tôi nghe có tiếng người gọi với. Là thằng nhóc đó. Nó chạy theo hai bà cháu tôi.
-Có gì không cháu, bà tôi hỏi.
Thằng bé rụt rè, khác hẳn cái thái độ lúc ban đầu khi vừa đặt chân đến đây:
-Cháu...cháu đi học bơi ạ.
-Bây giờ nắng còn chưa lên, làm sao bơi được?-Tôi chen ngang.
Thằng nhóc này nghe bảo học cao lắm mà sao nó trông có vẻ khù khờ quá đáng thế nhỉ. Bà nhìn tôi, rồi nhìn sang thằng nhóc ấy và nói:
-Trời hãy còn chưa sáng, nếu cháu muốn học bơi thì anh Triết đây sẽ dạy cho cháu sau. Còn bây giờ cháu có muốn lên chơi chợ thôn cùng bà và anh không, cũng đã mất công dậy sớm, coi như là đi tham quan vậy.
-Vâng ạ!-nó không chần chừ một giây phút nào cả.
Dọc đường, thằng bé ấy và bà tôi trò chuyện rôm rả. Thế ra nó không khó gần như tôi vẫn nghĩ. Nhưng ở cạnh nó tôi vẫn hơi không tự nhiên làm sao ấy. Thì ra nó tên Nhã. Nhã thua tôi một tuổi. Tức là nó vừa học hết lớp tám. Vậy mà trông nó nhỏ bé quá nhỉ. Tôi cứ tưởng trẻ con thành phố phải cao lớn lắm. Tôi còn nhớ khi bắt đầu vào lớp tám là giọng nói đã thay đổi nhiều rồi, nói chuyện ồm ồm như vịt đực, vậy mà tiếng nó nói còn trong và cao quá. Thoạt đầu tôi không nghĩ rằng sẽ có lúc mình gần gũi với nó như thế này. Ra đến chợ, nó cứ ngạc nhiên không thôi.
-Ở thành phố, cháu chưa bao giờ thấy chợ họp như thế này bà ạ.
Nó nói chuyện nhẹ nhàng và gần gũi quá, tôi cứ tưởng như đây là một người khác vậy. Bà nhìn cả hai đứa chúng tôi mỉm cười đôn hậu. Đặc biệt là với tôi, bà nhìn tôi đầy ẩn ý.
Bà đã đúng. Chớ có nhìn mặt mà bắt hình dong.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top