Ă - Ăn gì mình ơi?

Tôi tớ nhà ông hội đồng chưa từng nghĩ có ngày căn bếp của nhà tụi nó lại có nhiều món được làm ra thế, cho đến khi cậu hai rước dượng hai về nhà.

Mới đầu, tụi nó kháo nhau, dượng là con ông phú hộ làng bên, từ nhỏ chăn ấm nệm êm, được cưng như trứng mỏng, lại là con trai, còn đem theo nhóc Khánh hầu hạ, chắc về đây cũng chỉ theo cậu ra xưởng lúa, rồi đi lên tỉnh mần ăn, chớ chẳng xớ rớ chi đến công việc nhà.

Thế rồi, vào một sáng canh năm, gà chưa kịp gáy, tụi nó đã nghe tiếng nồi niêu đụng nhau canh cách dưới bếp. Còn tưởng là con mèo hoang nào đó nhảy vô phá bĩnh, cả đám nháo nhào chạy xuống, té ra chẳng có mèo, chỉ có dượng hai đang loay hoay nhóm lửa.

Lúc ấy dượng mới về nhà được đôi ba hôm, còn lạ nước lạ cái, nhưng bàn tay dượng thoăn thoắt, trên bếp cũng bắc sẵn mấy cái nồi gang, nhìn rõ là thuần thục.

Đám tôi tớ khẽ liếc nhau, chẳng ai bảo ai, tự động xóa đi cái định kiến "ăn không ngồi rồi" mà tụi nó nghĩ về dượng.

Trong vạt áo bà ba màu lam sẫm cùng quần lụa đen đơn giản, dượng vẫn trông đẹp đẽ vô ngần, bên bếp lửa hồng và nồi canh nghi ngút khói. Chẳng cần vải vóc ngọc ngà, chẳng cần vật chất xa hoa, dượng vẫn đẹp, vẫn sang, vẫn hút hồn như thế.

Bảo sao cậu hai nhà tụi nó chết mê chết mệt. Hóa ra cái đẹp của dượng hai đâu chỉ đến từ ngoại hình, dượng đẹp cả trong phẩm chất, cả trong cử chỉ cho đến từng hơi thở.

Đẹp lắm, đẹp nao lòng, đẹp đến mức chẳng cần qua đôi mắt si tình của cậu hai, cả đám cũng thấy dượng đẹp.

Mà nhờ người đẹp ấy, tụi nó mới biết, cậu hai nhà mình hóa ra cũng thích quan tâm đến chuyện bếp núc.

Tính ra dượng hai ít khi xuống bếp lắm, tại cậu hai đâu có cho. Cậu xót này xót kia đủ đường, nào là bếp nóng quá, em sợ mình cực, nào là dao sắc thế, nhỡ đứt tay mình thì sao, nào là củi lửa vô tình, chẳng may mình bị bỏng ai đền cho em?

Tụi nhỏ còn nhớ như in cái cau mày của dượng hai khi nghe mấy câu sến rợn cả người kia, và cái chảo đang lăm le trên tay dượng.

Nhưng thấy cậu hai đáng thương quá hay sao đó, mà dượng cũng chịu thở dài thỏa hiệp, không trực tiếp xuống bếp nữa, chỉ quản lý sổ sách chi tiêu và lên món cho việc đi chợ thôi.

Nên là từ ấy, mới sớm tinh mơ vừa dùng xong bữa sáng, trăm lần như một, cậu hai sẽ nắm tay dượng hai cười hì hì, giọng nói ngọt như mía lùi.

- Nay ăn gì vậy mình?

Thường thì dượng sẽ trả lời là...

- Ăn đòn á. Bỏ tay ra, làm gì khó coi quá vậy?

Cũng có đôi lúc sẽ là...

- Ăn năn đi, anh thấy cậu dạo này hay mắc lỗi quá. Có mỗi việc tính toán trả công cho tá điền mà cũng sai lên sai xuống.

- Thì nhà có mình giỏi là được rồi mà...

Hay nhẹ nhàng hơn...

- Ăn bún thang, món thầy thích á.

- Ăn bò kho đi, dạo này anh thấy mình ăn ít quá, để anh làm món đó cho mình ăn nhiều hơn nghen.

- Ăn gì thanh đạm thôi, mình mới ốm dậy, anh nấu cháo cho mình.

- Anh chưa biết, bữa nay mình thích ăn gì?

Tụi nó hay kháo nhau dượng hai có nhiều nhân cách lắm, tại câu hỏi từ cậu thì vẫn y nguyên nhưng cách dượng trả lời giống như cả chục người khác nhau ấy. Lúc thì cọc vô cùng, lúc lại dịu dàng mềm mại cứ như rót mật vào tai.

Nhưng mà nhiều nhân cách thì sao, nhân cách nào cậu hai chẳng yêu, chẳng si chẳng mê không dứt ra nổi.

Miễn đó là dượng, cậu hai yêu chiều được hết.



Đôi lúc dượng vẫn sẽ tự mình xuống bếp, thường là khi có dịp giỗ chạp hay là mấy món đặc biệt dượng muốn nấu riêng cho chồng với cha chồng.

Và những lần đó, chắc chắn sẽ có một cái đuôi tò tò theo sau cùng cả ngàn câu hỏi.

- Mình làm chi dạ? Em làm với mình.

- Em nhặt rau giúp mình nha?

- Mình có nóng không? Em quạt cho mình.

- Đứng yên coi, em lau mồ hôi cho nè.

- Món này món gì dạ mình?

- Cái này để làm chi á mình?

- Mình ơi, này là muối hay đường?

Căn bếp bình thường chỉ có tiếng nồi niêu chén đũa đụng nhau chát chúa, những lúc ấy sẽ đầy ắp giọng nói ríu rít của cậu hai, và tất nhiên cả câu cảnh cáo đến từ dượng.

- Nói tiếng nữa là cái chảo vô đầu nghe.

Nhưng mà sẽ chẳng bao giờ cái viễn cảnh bạo lực ấy xảy ra đâu. Mặc dù cậu hai phiền thật, nhưng tụi nó biết dượng hai thương cậu hai nhiều lắm.

Kể cả cậu hai có ghẹo, có giỡn, thì dượng cũng chỉ cọc lúc đầu thôi, lúc sau là lại thở dài bỏ qua.

Nên suốt những năm tháng sau này, khi căn bếp dần cũ kĩ theo sự mài mòn của thời gian, nồi niêu xoong chảo cũng phải thay mới vài lần, nhưng mỗi lúc câu hỏi quen thuộc từ cậu hai vang lên giữa sáng tinh mơ, vẫn sẽ có dượng hai nghiêm túc trả lời.

- Ăn gì mình ơi?

- Ăn đời ở kiếp với cậu.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top