10
Tấm biển bên ngoài bệnh viện đề "LIÊN ĐOÀN BẢO VỆ ĐỘNG VẬT" W.O 1529. Phía dưới là dòng chữ ghi giờ làm việc hàng ngày, nhưng đã bị dập đi. Một hàng người đang đợi, một số người mang theo súc vật. Ông vừa ra khỏi ô tô đã bị một bọn trẻ con xúm quanh, chìa tay xin tiền hoặc nhìn ông chằm chặp. Ông lách qua đám đông, qua những âm thanh chói tai, đột ngột của hai con chó bị chủ nhân kéo giật lại, đang gầm gừ sủa lẫn nhau.
Phòng đợi nhỏ, trần trụi, đầy những người. Lúc bước vào, ông dẫm lên chân một người nào đó.
- Bà Shaw? – ông hỏi.
Một bà già hất đầu về phía cánh cửa đóng kín, có rèm bằng nhựa dẻo. Bà ta dắt một con dê bằng sợi dây ngắn; nó nhìn trừng trừng vào lũ chó, vẻ bồn chồn, cái bụng chướng to đập đập lên sàn cứng.
Ở phòng trong, sặc mùi nước tiểu hăng xì, Bev Shaw đang làm việc bên một cái bàn thấp, mặt bàn bằng thép. Bà đang dùng một chiếc đèn pin nhỏ xíu soi vào cổ họng một con chó tơ. Quỳ trên bàn là một cậu bé đi chân đất đang ghì đầu con chó xuống dưới cánh tay và cố giữ cho nó há mõm; rõ ràng cậu ta là chủ con chó. Một tiếng gầm gừ trầm trầm, ùng ục thoát ra từ họng con chó; cả phần thân dưới của nó căng thẳng. Ông vụng về nhập vào cuộc ẩu đả, ông khép hai chân sau của nó lại, buộc nó ngồi xổm.
- Cảm ơn ông – Bev Shaw nói. Mặt bà bỏ bừng – Bị áp xe ở chỗ răng mọc lẫy. Chúng tôi không có kháng sinh, giữ nó yên nào, cún con, cho nên chúng tôi phải chích nó ra, mong sao được như nguyện.
Bà thọc lưỡi chích vào bên trong mõm con chó. Nó giật nảy lên dữ dội, giằng khỏi tay ông và suýt tuột khỏi tay cậu bé. Cậu ta túm chặt lấy nó vì nó cố vùng khỏi bàn; lát sau nó nhìn trừng trừng vào mắt cậu bé, đầy phẫn nộ và sợ hãi.
- Lật nó sang một bên, thế - Bev Shaw nói. Vừa ngân nga nho nhỏ, bà vừa thành thạo túm lấy nó và lật nó nằm nghiêng – Thắt lưng – bà nói. Ông luồn chiếc thắt lưng quanh người nó và bà khóa lại – Thế - Bev Shaw nói – Hãy nghĩ đến những điều tốt lành, an ủi. Chúng có thể ngửi thấy ông đang nghĩ gì đấy.
Ông tỳ hết sức đè lên con chó. Cậu bé thò một bàn tay quấn trong mảnh dẻ cũ, thận trọng cậy mõm nó há ra lần nữa. Cặp mắt con vật đảo tròn vì hoảng hốt. Chúng có thể ngửi thấy mùi ý nghĩ của bạn: thật nhảm nhí! "Chỗ kia, kia kìa" – ông thì thào. Ben Shaw thọc lưỡi chích vào lần nữa. Con chó nôn khan, cứng người lại rồi mềm ra.
- Thế - bà nói – bây giờ thì cứ để mặc cho nó tự khỏi thôi – Bà tháo thắt lưng, nói chuyện với cậu bé bằng thứ tiếng Xhosa rất ngắc ngứ. Con chó ngồi rúm lại trên bàn. Máu và nước dãi bắn tung tóe trên mặt bàn; Bev lau đi. Cậu bé nựng nịu đưa con chó ra ngoài.
- Cảm ơn ông Lurie. Ông đến đây thật tốt quá. Tôi cảm thấy ông yêu động vật.
- Tôi mà yêu động vật? Tôi ăn thịt chúng, cho nên tôi phải thích một số bộ phận của chúng thôi.
Mái tóc của bà dầy đặc những vòng quăn tít. Bà có dùng kẹp tự uốn quăn nó lên không nhỉ? Chắc không phải thế: ngày nào cũng mất khá nhiều giờ. Chắc tóc bà mọc như thế. Ông chưa bao giờ nhìn thấy một tessitura ở gần như thế. Các mạch máu trên tai bà trông rõ như một thứ đồ chạm màu đỏ và đỏ tía. Mạch máu trên mũi bà cũng thế. Rồi đến cái cằm chúc thẳng xuống ngực như mỏ của con bồ câu. Toàn bộ dáng vẻ của bà khó thương đến khủng khiếp.
Bà ngẫm nghĩ lời ông, có vẻ như bà không chú ý đến sắc thái của câu nói.
- Đúng thế, ở đất nước này chúng ta ăn nhiều loại động vật – Bà nói – Hình như điều đó làm cho chúng ta xấu đi nhiều. Tôi không biết chúng ta bào chữa cho hành động ấy ra sao với chúng. Chúng ta làm tiếp nhé?
Bào chữa? Khi nào? Trong ngày Đền tội Vĩ đại ư? Ông tò mò muốn nghe thêm, nhưng không có thời gian.
Một con dê trưởng thành có thể đi lang thang đây đó. Một nửa bìu dái của nó màu vàng và đỏ tía, sưng phồng như một quả bóng; nửa kia là máu và đất cát bết lại thành bánh. Nó bị lũ chó tấn công dữ dội, bà già nói. Nhưng hình như nó vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát và thích gây gổ. Trong lúc Bev Shaw khám cho nó, nó húc một nắm thuốc viên bắn ra sàn. Đứng cạnh đầu nó, giữ chặt lấy sừng, bà lão định mắng nó một trận.
Bev Shaw lấy một miếng gạc lau bìu dái nó. Con dê đá lung tung.
- Ông có thể trói chân nó lại được không? – Bev hỏi, và chỉ cách làm. Ông lấy dây buộc chân phải sau của nó với chân phải trước. Con dê cố đá lần nữa, nhưng nó loạng choạng. Bev lau cho nó thật nhẹ nhàng. Con dê run rẩy, kêu be be: một thứ âm thanh khó chịu, trầm và khàn khàn.
Lúc đã lau sạch đất, ông thấy vết thương lúc nhúc những con giòi trắng, đang ngóc những cái đầu đui mù của chúng lên. Ông rùng mình.
- Nhặng đấy – Bev Shaw nói – Ít nhất cũng một tuần rồi – Bà bĩu môi – Lẽ ra bà nên đưa nó đến đây từ lâu - bà nói với bà lão.
- Vâng – người đàn bà nói – Đêm nào lũ chó cũng đến. Thật tệ, tệ quá. Phải trả năm trăm rand cho một con đực như nó đấy.
Bev Shaw đứng thẳng lên:
- Tôi không biết chúng tôi có thể làm gì. Tôi không có kinh nghiệm cắt bỏ. Bà có thể đợi bác sĩ Oosthuizen vào ngày thứ Năm, ông ấy sẽ cắt bỏ và vô trùng cho nó. Bà có muốn thế không? Vấn đề là thuốc kháng sinh. Bà có chuẩn bị chi tiền thuốc kháng sinh không?
Bev lại quỳ xuống cạnh con dê, hít hít cổ nó, dụi mái tóc của bà vào cổ nó. Con dê run run nhưng vẫn im lặng. Bà ra hiệu cho bà lão bỏ sừng nó ra. Bà già nghe theo. Con dê vẫn không nhúc nhích.
Bà thì thào:
- Nói gì đi chứ, anh bạn? – ông nghe thấy bà nói – Nói gì đi nào? Thế có đủ không?
Con dê đứng im thin thít như bị thôi miên. Bev Shaw tiếp tục dụi đầu, vuốt ve nó. Dường như chính bà cũng đang rơi vào trạng thái thôi miên.
Bà trấn tĩnh và đứng dậy.
- Tôi e rằng đã quá muộn – bà nói với bà già kia – Tôi không thể làm cho nó khá hơn. Bà có thể đợi bác sĩ đến thứ Năm, hoặc có thể để nó lại đây với tôi. Tôi có thể cho nó một kết cục êm ả. Nó sẽ để tôi làm thế cho nó. Tôi sẽ giữ nó ở đây chứ?
Người đàn bà phẩy tay, rồi lắc đầu. Bà kéo mạnh con dê ra cửa.
- Sau này bà có thể đưa nó lại đây – Bev Shaw nói – Tôi sẽ giúp nó đến cùng, thế thôi.
Dù bà cố kiềm chế, ông vẫn có thể thấy vẻ thất bại trong giọng nói. Con dê cũng nghe thấy: nó đá vào sợi dây, nhảy chồm lên và chúi xuống, chỗ phình ra ghê tởm rung rung phía sau. Người đàn bà thả lỏng sợi dây, rồi quăng sang một bên. Họ đi khỏi.
- Tất cả chuyện này nghĩa là sao? – ông hỏi.
Bev Shaw giấu mặt đi, xỉ mũi:
- Chẳng có gì. Tôi vẫn gây chết trong những ca tồi tệ, nhưng chúng tôi không thể ép các chủ nhân. Đây là gia súc của họ, họ thích giết mổ theo cách của họ. Thật đáng thương! Một con dê già khỏe khoắn, gan dạ và táo tợn đến thế!
Gây chết: tên của một loại thuốc sao? Ông sẽ không thấy nó trong các công ty dược phẩm. Một sự đen tối đột ngột từ nước sông Lethe.
- Có lẽ nó hiểu hơn bà tưởng – ông nói. Ông ngạc nhiên thấy ông cố an ủi bà – Có lẽ nó đã sẵn sàng chịu đựng chuyện đó. Như người ta vẫn nói, sinh ra đã biết tiên đoán rồi. Hơn nữa, đây là châu Phi. Những con dê đã có ở đây ngay từ buổi ban đầu. Chúng không biết thép, lửa để làm gì. Chúng biết cái chết đến với một con dê là như thế nào. Chúng ra đời để sẵn sàng chịu việc đó.
- Ông nghĩ thế sao? – bà nói – Tôi không chắc thế đâu. Tôi nghĩ chẳng có ai trong số chúng ta sẵn sàng chết mà không có người đi cùng.
Mọi việc bắt đầu đâu vào đấy. Lúc đầu ông chỉ có ý niệm mơ hồ về nhiệm vụ mà người phụ nữ bé nhỏ, xấu xí này tự đặt ra cho mình. Ngôi nhà lạnh lẽo này không phải là nơi để chữa bệnh – việc chữa chạy của Bev quá ư nghiệp dư – như là nơi nghỉ cuối cùng. Ông nhớ đến câu chuyện về người đã cho con hươu trú trong nhà thờ, nó gõ móng lách cách, thở hổn hển và chế nhạo lũ chó của những người đi săn – ông ta là ai nhỉ? St. Hubert chăng? Bev Shaw không phải là một bác sĩ thú y mà là một thầy tế, đầy những vật hiến tế của Thời đại Mới, cố gắng một cách lố bịch giảm nhẹ gánh nặng của những con vật đang đau đớn của Phi châu. Lucy cho rằng ông sẽ tìm thấy điều thú vị của bà ta. Lucy đã nhầm. Thú vị không phải là từ đúng.
Ông ở trong phòng mổ suốt buổi chiều, cố giúp hết sức. Lúc đã làm đến ca cuối cùng trong ngày, Bev Shaw dẫn ông đi một vòng sân sau. Trong lồng chim chỉ có một con chim duy nhất, một con bói cá non, cánh bó nẹp. Còn lại toàn chó; không phải những con đẹp mã, thuần chủng như của Lucy mà là một mớ hỗn độn những con chó lai gầy giơ xương, nhốt hai con một cũi, sủa ăng ẳng, rền rĩ, nhảy chồm chồm kích động.
Ông giúp bà đổ thức ăn khô và nước vào đầy các máng. Họ trút sạch hai bao mười ký.
- Bà trang trải những thứ này ra sao? – ông hỏi.
- Chúng tôi mua buôn. Chúng tôi quyên góp và được cho. Chúng tôi đưa ra dịch vụ thiến hoạn miễn phí, và được trợ cấp vì dịch vụ đó.
- Ai hoạn?
- Bác sĩ Oosthuizen, bác sĩ thú y của chúng tôi. Nhưng ông ấy chỉ đến mỗi tuần một buổi chiều.
Ông ngắm lũ chó ăn. Ông ngạc nhiên biết bao thấy chúng ít tranh giành nhau. Chúng dè giữ, đợi đến lượt mình.
- Phiền một nỗi là có nhiều chó quá – Bev Shaw nói – Tất nhiên là chúng không hiểu điều ấy và chẳng có cách nào nói cho chúng biết. Quá nhiều theo tiêu chuẩn của chúng tôi chứ không phải của chúng. Chúng cứ sinh sôi nảy nở theo cách của chúng, cho đến khi đầy cả quả đất. Chúng không hiểu là có nhiều con cháu là một điều xấu. Lũ mèo cũng vậy.
- Và chuột nữa.
- Và chuột nữa. Tôi xin nhắc ông: về đến nhà ông nhớ kiểm tra bọ chó trên người.
Một con chó no nê, mắt sáng lên linh lợi, ngửi những ngón tay ông qua lưới sắt và liếm chúng.
- Chúng theo chủ nghĩa bình quân – Ông nhận xét – Không có giai cấp. Chẳng con nào quá kiêu ngạo để ngửi mông con khác – Ông ngồi xổm, cho phép lũ chó ngửi mặt ông, hơi thở của ông. Ông nghĩ trông có vẻ thông minh, dù chắc chẳng có vẻ gì như thế - Tất cả chúng nó đều sắp chết?
- Chẳng ai muốn nuôi chúng. Chúng tôi sẽ phải bỏ chúng.
- Và bà là người làm việc đó.
- Vâng.
- Bà không phiền lòng sao?
- Có. Rất phiền lòng. Tôi không muốn có người nào đó làm việc này hộ tôi, để tôi khỏi nghĩ ngợi. Còn ông?
Ông im lặng. Rồi:
- Bà có biết vì sao con gái tôi lại xui tôi đến chỗ bà không?
- Cô ấy kể với tôi là ông đang có chuyện phiền muộn.
- Không chỉ có chuyện phiền muộn. Mà đang gặp chuyện người đời gọi là ô nhục.
Ông nhìn bà thật kỹ. Hình như bà không được thoải mái; nhưng có lẽ ông tưởng tượng ra thế thôi.
- Biết thế, bà có còn sử dụng tôi nữa không? – ông nói.
- Nếu ông sẵn lòng... - Bà xòe hai bàn tay ra, ép chúng lại với nhau, rồi lại mở ra. Bà không biết nói gì, và ông cũng không giúp bà.
Trước kia, ông chỉ lưu lại chỗ con gái những đợt ngắn ngủi. Giờ đây ông chia sẻ căn nhà với cô, cuộc đời của cô. Ông thận trọng không để những thói quen cũ lẻn về, những thói quen của các bậc cha mẹ: cho giấy vệ sinh vào ống, tắt đèn, đuổi mèo khỏi ghế xôpha. Rèn luyện vì tuổi già, ông tự răn mình. Rèn luyện cho phù hợp. Rèn luyện cho một ngôi nhà của người già.
Giả bộ mệt nhọc, cứ sau bữa tối ông rút về phòng riêng, ở đây những tiếng động trong cuộc sống riêng tư của Lucy vẳng đến yếu ớt: cô mở và đóng các ngăn kéo, tiếng radio, tiếng thì thầm của cuộc đàm thoại. Cô đang gọi đến Johannesburg, nói chuyện với Helen? Liệu sự có mặt của ông ở đây có buộc hai người phải xa cách không? Liệu họ có dám ngủ chung giường trong lúc ông ở nhà? Nếu giường cót két, họ có xấu hổ không? Xấu hổ đủ để dừng lại? Nhưng ông đã biết gì về những người phụ nữ sống chung với nhau đâu? Có lẽ phụ nữ không cần làm cho giường cót két. Và ông biết gì về hai người phụ nữ đặc biệt này, Lucy và Helen? Có khi họ ngủ cùng nhau chỉ như bọn trẻ con vẫn làm, cuộn lấy nhau, chạm vào nhau, cười rúc rích, hồi nhớ lại thời con gái – như chị em hơn là như người tình. Chung giường, chung bồn tắm, nướng bánh gừng, mặc thử quần áo của nhau. Một thứ tình yêu đồng dục nữ: một lý do để tăng cân.
Thực ra, ông không thích nghĩ đến việc con gái ông lại say đắm rộn ràng với một phụ nữ khác, và lại là người xấu xí như thế. Liệu ông có vui hơn không, nếu người ấy là đàn ông? Ông có thực lòng mong muốn điều ấy cho Lucy không? Có phải vì cô sẽ không trẻ con mãi, không ngây thơ mãi, không là của ông – có lẽ là như thế. Nhưng ông là một người cha, đấy là định mệnh của ông, và càng già, người cha càng nghĩ đến con gái mình nhiều hơn. Cô trở thành sự cứu rỗi thứ hai của ông, là cô dâu của thanh xuân tái hiện của ông. Như trong các chuyện thần tiên, các hoàng hậu cố bắt con gái mình phải chết!
Ông thở dài. Tội nghiệp Lucy! Tội nghiệp những cô con gái! Đó là số phận, là gánh nặng phải mang! Còn bọn con trai, chúng cũng có nhiều nỗi khổ riêng, nhưng ông biết là ít hơn con gái nhiều.
Ông ước sao có thể ngủ được. Nhưng ông rét và không chợp mắt được chút nào.
Ông trở dậy, khoác chiếc áo vét lên vai rồi quay về giường. Ông đọc những bức thư của Byron năm 1820. Ba mươi hai tuổi, béo tốt, Byron đang sống với gia đình Gucciolis ở Ravena; với Teresa, người tình chân ngắn, tự mãn của ông và ông chồng xấu bụng, ngọt ngào của cô ta. Mùa hè nóng nực, bữa trà lúc khuya, những câu chuyện ngồi lê đôi mách tỉnh lẻ, những cái ngáp được che giấu. "Những người phụ nữ ngồi thành một vòng, còn nam giới chơi bài Faro tẻ ngắt", Byron viết. Trong cuộc ngoại tình, mọi sự tẻ nhạt của hôn nhân lại được phát hiện. "Tôi luôn thấy tuổi ba mươi như một rào cản bất cứ sự đắm say mãnh liệt thực sự nào".
Ông lại thở dài. Mùa hè mới ngắn ngủi làm sao, rồi tiếp đến mùa thu và bây giờ là mùa đông! Ông đọc đến quá nửa đêm, vậy mà vẫn không sao ngủ được.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top