3.

Sáng mùa đông năm 1941, bến Tam Bạc, Hải Phòng.

"Dạ thưa ông, hai ổ bánh hết năm xu." Thằng bé con bán bánh mỳ lễ phép chìa hai tay nhận những đồng tiền đầu tiên trong ngày.

Nhà tư sản béo phệ trước mặt nó rút từ trong túi quần ra một chiếc ví da dày cộp những tờ giấy bạc Đông Dương. "Đợi tao." Ông ta banh cái miệng ví chật ních, đưa cho nó đồng năm xu có một vết lõm nhỏ như cái đầu đũa và hau háu nhìn mấy đồng xu leng keng trong cái túi tiền giắt bên hông nó. Nhà tư sản lần lượt mân mê từng đồng tiền trả lại, hết giơ lên trời lại cắn nhẹ một cái. Thằng bé con dường như đã quen với cảnh này, nó nép bên vệ đường chờ đợi. Kiểm tra chán chê, nhà tư sản nhét tiền vào hầu bao, vỗ bồm bộp mấy cái: "Với lũ chúng mày tốt nhất là phải cắn cho mòn bộ nhá mới có thể tin được." rồi phủi đít bỏ đi.

Thằng bé con có khuôn mặt xinh trai và làn da trắng trẻo mặc cho cái nghề nghiệp bán bánh nơi đầu đường xó chợ của nó. Nom nó mới dễ thương và tội nghiệp làm sao: mặt nó hơi xanh xao, đôi mắt to tròn ngây thơ, mái tóc xù rối và cái răng khểnh chìa ra ngoài mỗi khi nó cười..., bộ quần áo tạp nham vá chằng vá đụp đủ màu chẳng thể ngăn cơn rùng mình mỗi khi gió mùa lướt qua cơ thể gầy nhỏ của nó. Thằng bé nhét đồng mười xu vào cái ruột tượng tong teo như cái dạ dày nó bây giờ bây giờ vậy. Nó lại cất tiếng rao: "Aiiiii bánh mỳ khôngg...g...", tiếng nó lanh lảnh mà dễ ghét sao, cái giọng trẻ con như nũng nịu với các bậc quan khách.

Nó đi lang thang khắp bến, chào thêm một vị khách nữa, một nàng tiểu thư xinh đẹp và hiền như trăng, nàng hào phóng cho nó thêm năm xu nữa. Thế là nó có tiền để đánh chén mấy bát cháo và những quà bánh mà hiếm hoi nó mới được nếm thử. Thằng bé con định bụng sẽ tạt qua hàng cháo bà Tý gần trụ sở Ngân hàng Đông Dương, khi nó ăn xong thì sở cũng đã tan, lúc ấy là lúc nó hốt bạc dễ dàng nhất. Nó bước đi khi dòng người đi lại trên bến đã vơi dần vào hàng ăn, dáo dác nhìn quanh, chỉ sợ thằng Tiến con mụ chủ lò bánh bắt gặp nó đi ăn quà. "Thằng ấy chắc giờ này còn đi học vẫn còn chưa về đâu, mới 11 giờ trưa là cùng." Nó tự nhủ.

Và đúng vậy thật, nó không gặp Tiến, nhưng nó lại bắt gặp Thiệu, một thằng trẻ con chuyên trấn lột, "thu tiền bảo kê" đám nhóc con đi bán dạo khu này. Thằng Thiệu mới 15 tuổi nhưng hắn to con và vạm vỡ chẳng kém người trưởng thành. Da hắn đen kịt ghét bẩn, phong phanh một cái áo màu bùn non với cái quần ngắn quá gối một tí để khoe ra cái sức khỏe phi thường của hắn. Cặp mắt một mí hằm hằm như đang muốn tìm một thằng con nít hắn quen mặt, đập cho một trận ra trò. "Mình hãy còn nợ hắn vừa hay năm đồng, hắn nhìn thấy, một là nhịn bữa này, hai là vừa mũi ăn trầu vừa nhịn đói." Gặp Thiệu là lá gan nó teo lại vừa bằng gan muỗi. Thằng bé con quyết định đánh bài chuồn, nó túm chặt lấy miệng bịch bánh mỳ, chen thẳng vào đám đông, người ta kêu lên: "Ô hay cái thằng này!". Nó cắm đầu chạy, xô người này, dạt người kia chạy trong vô thức.

Thằng Thiệu nghe động, hắn như gầm lên: "Mày chết với tao.", hắn cũng chen vào đám đông, nhưng không được, vì người ta đẩy hắn ra, và đạp cho mấy đạp, "Đừng cản đường tao".

Thằng bé con trốn thoát được, nó chạy đến khi chùn chân, phải dừng lại để lấy hơi. Hơi lạnh và sự sống ấm nóng trong người nó va vào nhau, đánh nhau trong hai buồng phổi nhỏ bé làm nó đau rát. Khi bình tĩnh lại, nó thấy mình đang đứng trước một căn nhà lớn, à không, một căn biệt thự kiểu Tây sừng sững như một ngọn núi. Đằng sau hàng rào bằng đồng cầu kỳ uốn lượn là một khu vườn hoa rộng lớn hơn cả cái lò bánh của chủ gấp ba, bốn lần. Những hàng cây cao được trồng sát bên hàng rào, cách đều từng tăm tắp. Một thảm cỏ xanh mướt được chăm nom kỹ càng, bao lấy bậc thềm làm bằng đá cuội xám. Trên thềm, những con bồ câu trắng gù lên những tiếng trầm đục. Ở một nơi góc vườn có dựng một chiếc xích đu sơn trắng, hai dây đu là hai sợi dây xích ánh bạc. Bên trên chiếc xích đu đó là một chàng thanh niên đang đọc sách, những ngón tay thon thả miết lên từng trang sách. Thằng bé con chưa từng thấy một người con trai nào mà đẹp đến thế: làn da trắng trẻo, ngón tay mảnh mai, khuôn mặt tượng tạc của anh bừng lên suy tư dường như xa xăm lắm, đầu tóc chải gọn gàng...Thằng bé con giật mình, vuốt lại mái tóc bù xù của nó. Trái tim của nó cứ như tấm lá non lay động trước sự thanh cao của anh, hai tay nó nắm chặt lấy hàng rào, dí sát khuôn mặt nó giữa khoảng hở để nhìn anh thanh niên được rõ hơn. Anh khoác một chiếc áo dạ dài phủ tới quá đầu gối, bên trong là chiếc gile đen cùng áo sơ mi trắng, tất cả thứ áo quần ấy như tôn lên vẻ đẹp của chàng thanh niên, thằng bé con chưa từng thấy những ai mặc đồ tây mà đẹp như thế, nó chỉ quen với bộ veston bọc bên ngoài những xác to béo. Nó buột miệng: "Y chang hoàng tử Bảo Long!"

Chàng trai giật mình, anh nheo mắt nhìn nó qua cặp mục kỉnh tròn: "Ai thế?"

Thằng bé con che miệng, thảng thốt như khi nó đã làm kinh động con sơn ca xinh đẹp trước mặt, con chim bay vút đi và không bao giờ quay trở lại nữa. "Dạ, lạy cậu con lỡ..." Nó nói, định co giò bỏ chạy.

"Em lại đây." Chàng hoàng tử của nó mỉm cười, vẫy nó lại gần. Nó rụt rè bước tới, anh thanh niên bỏ cuốn sách xuống mặt ghế đu, quỳ xuống trước hàng rào, thò đôi tay cao quý vuốt ve lên khuôn mặt xanh xao của nó, thương xót nói: "Khổ thân em, ăn mặc như vậy chắc em lạnh lắm."

Thằng bé con ngượng ngùng quay mặt đi, nhưng nó vẫn nhìn vào đôi mắt màu mật ong của anh. Hơi ấm bàn tay chạm vào đôi má lạnh ngắt của nó. Chưa bao giờ trái tim nó được vỗ về như thế, một đứa bé mới mất cả cha lẫn mẹ năm ngoái vẫn luôn thèm khát cảm giác được ôm ấp. Khuôn mặt nó, đôi tay nó, cẳng chân khẳng khiu nó tham lam muốn được ôm chặt lấy người thanh niên kia. Khi ấy, nó như nổi giận với hàng rào đồng kiên cố ngăn cách nó làm điều ấy. Trời ơi! Giá như nó có sức như một con voi, nó sẽ nhổ phăng hàng rào lạnh lẽo này mà ôm chầm lấy anh.

Chàng thanh niên hỏi nó: "Em bao nhiêu tuổi rồi mà đã đi kiếm tiền giúp cha mẹ?"

"Dạ bẩm cậu, cha mẹ con đều đã mất cả," Nó trả lời, "Con năm nay mười một tuổi."

Anh nhìn nó, ánh mắt xót xa: "Vậy hả. Em đã ăn gì chưa, để tôi gọi thằng Quýt xới cho em một bát cơm nhé...", bỗng anh ngập ngừng như nhớ ra điều gì, "À thôi để tôi đưa em một đồng ăn cơm." Nói đoạn, anh rút ra cho nó tờ năm đồng Đông Dương. Anh nắm lấy bàn tay nhỏ bé của nó, cẩn thận đặt tờ tiền vào giữa lòng bàn tay của thằng bé con, run run vì xúc động: "Tôi muốn cho em một bữa cơm, mấy cái áo mà chẳng được, em cầm tạm nhé. Nhớ để dành tiền mua áo, nghe em."

"Dạ bẩm cậu Cả, bà cho mời cậu về ăn cơm." Tiếng gia nhân đã vang lên từ đầu vườn.

Chàng thanh niên xua tay với thằng bé con: "Đi, đi, em.", rồi đừng thẳng dậy, che chắn cho thằng gia nhân khỏi thấy nó. Tiếng thằng ở như tiếng sét giữa đêm mộng của nó, thằng bé con chạy biến, quay trở lại bến sông Tam Bạc tấp nập người qua...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top