2.

Bảy giờ ba mươi sáng, sau bao ngày, đoàn người đã tới nơi. An toàn khu chính của huyện Chiêm Hóa nằm bên một phụ lưu nhỏ của sông Gâm, gần gũi với các thôn Khuổi Cằn, Nà Cóc, Nà Khả. Trước mặt là sông, bốn bề là núi đồi. Nước xanh biếc, núi xanh rờn. Một màu xanh bao lấy chiến khu. Bộ đội ta cùng chung sống với dân. Những ngôi nhà sàn nằm lơ thơ trên đồi thoải. Những lán mới dựng bằng tre chắc chắn, mái lợp bằng đủ thứ cành cây tán lá mà người ta có thể tìm được gần đó. Thân tre mới chặt còn xanh, sờ vào còn thấy lớp bụi trắng mỏng dính trên tay.

Trời cuối thu, trời lặng gió thì chẳng sao, nhưng khi gió thổi, ai nấy cũng phải rùng mình một cái.

Tiếng người ồn ào khắp chiến khu, tiếng bộ đội, tiếng những người tản cư, tiếng những người đồng bào Việt Bắc, tiếng chó gà huyên náo. Mặt đất ngầu lên những bùn sình xám ngoét, bàn chân chạy qua lép nhép òm ọm tức cười.

Vĩnh, vốn có khuôn mặt xinh trai, chẳng có nét nào của mấy tay đực rựa mới trổ giò, tính cách hoạt bát năng động, chỉ cần cười lên một cái đã làm các cô gái bản xấu hổ lấp ló sau cột nhà.

Vĩnh và Phương được phân vào một cái lán nhỏ nằm gần lán của đại đội trưởng, bên trong chỉ kê hai chiếc chõng ghép lại.

"Mấy nữa lại chả được gặp nhau mấy đâu." Vĩnh nhìn Phương, giọng điệu nửa như nũng nịu, nửa như lưu luyến: "Chiến hữu ơi, chỉ hai ba hôm nữa thôi, tớ với cậu lại chia nhau chạy vẹt cả chiến khu. Có để ý cô nào, nhớ kể cho tớ nhé. Còn nữa, các anh có cho cậu món gì ngon, nhớ để phần tớ đấy."

"Lắm chuyện lắm ông kễnh con. Có khi chẳng phải hai ba hôm nữa thôi đâu, mà là ngay tối nay, ngay bây giờ. Làm liên lạc cho quân đội, không phải là làm chim bồ câu đưa thư, mà là làm chim cắt đưa thư." Phương vừa sắp xếp lại chăn mền, ba lô lên mặt chõng tre vừa đáp lời bạn: "Tớ định sang tháng xin vào một chân trinh sát trong đội, chứ lưng dài vai rộng, làm liên lạc lãng phí lắm."

Ở bên nhau suốt mười mấy năm cuộc đời, Vĩnh luôn là đứa em nhỏ trong mắt Lê Phương. Tuy tuổi tác chẳng cách nhau là mấy, nhưng Phương biết suy nghĩ thấu đáo, hiểu chuyện hơn Vĩnh nhiều.

Tối đó, Vĩnh nằm trằn trọc trên chiếc chõng đóng bằng tre tươi mới cứng. Mặt chõng cũng đóng bằng ống tre xanh chẻ đôi, cứ mỗi đoạn tiếp giáp giữa hai đốt tre lại gồ lên, nằm lên một lúc là cơn đau lưng lại nghiến lên người.

Giữa cái im lặng của rừng núi ban đêm ấy chỉ còn lại âm thanh của tiếng chày giã gạo cùng tiếng cọn nước kẽo kẹt.

Bỗng từ ngoài xa, có tiếng người xì xào vọng đến. Vĩnh vểnh tai lên nghe. Cậu biết đó là tiếng những đoàn người theo những cung đường khác lên chiến khu. Trí tò mò kích thích Vĩnh nhổm dậy, rón rén xỏ dép, he hé tấm mành, hướng mắt ra ngoài con suối trước mặt.

"Cậu đi đâu thế?" Giọng Phương ngái ngủ nơi góc lán.

"Tớ ra ngoài một tí xem có gì vui không. Cậu ngủ đi."

Những đốm lửa hồng sáng rọi lên những rặng cây, rực lên một dãy dài như người ta rước đèn Trung thu. Dáng đi của ai cũng lộ rõ vẻ mệt mỏi, có anh chừng như đã kiệt sức, bước từng bước liêu xiêu, toàn lực dồn hết vào đôi chân gầy gò, nhấc chân này dựa chân kia, phải vịn vào một cây gậy để bước theo kịp đoàn. "Cố lên.", người bạn đồng đội bên cạnh an ủi. Vĩnh bật cười, bộ dáng của cậu sáng sớm nay trông không khá hơn anh chàng này là bao.

Chừng đã muộn quá, đoàn người lập tức tách làm hai: bộ đội thì tập trung hàng ngũ, dân di tản thì nhanh chóng về lán nghỉ ngơi. Những đốm lửa và tiếng xôn xao vơi dần rồi tắt hẳn. Vĩnh châm điếu thuốc, định "giải quyết nỗi buồn" cho nhẹ người rồi đi ngủ.

"Giải quyết nỗi buồn" một mình trong rừng, trời lại tối như vậy cũng cần can đảm lắm chứ. Nhất là khi những âm thanh ghê rợn cứ vây quanh khi đang "giải quyết", ai mà biết được, con hổ to như con bò mộng có đang ở sau lưng? Vĩnh đã nghe anh Sáo kể đủ thứ chuyện trành dẫn người đến cho hổ ăn thịt hay đi tiểu đêm bị ma rừng bắt, giấu trong bụi cây không gỡ ra được, miệng toàn bùn đất. "Biết trước là sợ thế này thì đã chẳng bảo anh ấy kể chuyện ma làm gì để khổ cái thân ra." Hơi lạnh của rừng rú ban đêm tràn ra khiến Vĩnh cảnh giác hơn bao giờ hết, thầm niệm thần chú đi đêm, hai tai thám thính xung quanh.

Là một người chiến sĩ, sợ ma rừng hổ tinh nhất định là khuyết điểm lớn rồi.

Đang mải căng mắt ra tìm nơi giải quyết, bỗng có một người cao gầy đâm sầm vào người Vĩnh.

Nếu như khi ấy Vĩnh không còn sót lại chút lý trí nào, chắc không kìm chế nổi "nỗi buồn" ra quần mất.

"Mẹ ơi, ma! Ma! Trời ơi cứu tôi với. Phương ơi cứu tớ với."

Anh chàng kia cũng giật mình chẳng kém Vĩnh, sợ ma thì ít mà sợ tiếng thét của cậu nhóc nhát gan thì nhiều, anh ta sợ tới mức há miệng không kêu nổi tiếng nào. Một lúc sau, anh ta mới hoàn hồn, giọng khản đặc như bị cảm: "Cậu ơi, t...tôi là người."

Vĩnh lúc này mới hơi bình tĩnh lại, trố mắt nhìn người trước mặt, chộp lấy bàn tay anh ta, thấy có hơi ấm mới dám chắc đây là người: "Mẹ ơi, anh làm tôi sợ bay mất cả hồn vía lên cây. Sao anh không về đơn vị mà còn lang thang ở đây làm gì?"

"Tôi đi lạc sang hàng mấy anh trinh sát...tôi không biết trạm quân y ở đâu, tôi là bác sĩ." Anh vừa nói vừa đỡ Vĩnh dậy.

"Thế để tôi dắt anh lên trạm nhé." Vĩnh kéo áo anh ta ngược lại lên dãy lán. "À không, anh chờ tôi giải quyết rồi đi, gặp một người nữa như anh chắc tôi thăng mất."

Anh quân y ngần ngừ một lúc rồi gật đầu.

Vĩnh nắm lấy tay anh kéo đi, và dường như xấu hổ vì chuyện vừa nãy quá, anh quân y rụt tay lại. Xì. Vĩnh nhăn mặt, rít điếu thuốc trên miệng một hơi dài. Người đâu mà nhát gan gớm, ông đây không thèm chấp. "Giải quyết nỗi buồn" xong, Vĩnh dẫn anh về trạm quân y. Trạm vẫn còn sáng đèn, bên ấy kiểm tra thấy thiếu một người, mấy chị y tá đang nhấp nhổm không biết anh bác sĩ kia đi đâu mất.

"Cậu về cẩn thận nhé." Anh bác sĩ cúi đầu cảm ơn Vĩnh.

Anh bác sĩ đứng ngược sáng, không thể thấy rõ mặt nhưng Vĩnh cũng lờ mờ thấy được anh ta là một người trạc ba mươi tuổi, dáng cao ráo, tóc tai chỉn chu, bộ áo quần chắc chắn không phải loại quân phục kaki hay bộ thường phục tạp nham đủ thể loại vốn rất phổ biến với quân Việt Minh những năm đầu kháng chiến. Đôi tay anh ta mềm mại, ấm áp và thon dài như tay con gái, chẳng giống đôi bàn tay đầy những chai sần do dao cầu thuyền tán của những ông thầy thuốc Nam, Vĩnh thầm nghĩ, chắc hẳn anh ta cũng phải xuất thân từ một gia đình công chức giàu có, những người đi học hết "li-xê" (lycée) đâu có nhiều, chứ đừng nói những người được học các môn y khoa thái tây.

Lăn lộn năm năm đi bán bánh mỳ dạo ven bờ Tam Bạc trên bến dưới thuyền, hỗn tạp thương nhân, hành khách, phu xe, và cả dân anh chị máu mặt, Vĩnh đã ăn vô số đấm đạp, rồi những câu chửi bới: "Trẻ con cút ra chỗ khác chơi". Cậu hiểu rõ cách đánh giá người trước mặt có dễ chọc hay không, có phải kiểu người dễ mềm lòng hay không, đó là điều tiên quyết trước khi bám riết lấy chân người ta mà nài nỉ: "Chú ơi, chú mua giúp con mẩu bánh, tội con lắm chú". Những tháng ngày ấy đã rèn cho Vĩnh một trực giác nhạy bén, cậu nhận ra và ấn tượng ở anh quân y này một nét thầm lặng dịu dàng khó tả như một con nai mẹ. Cậu liên tưởng tới chàng hoàng tử mắt xanh biếc ngồi bên cửa sổ thả hồn lên bầu trời thăm thẳm, và cá chắc rằng anh bác sĩ trước khi theo Cách mạng cũng từng lén cha mẹ gửi thơ văn lên các tờ báo như Tiểu thuyết thứ Bảy...

Vừa chớm hơi giường, Vĩnh đã ngủ mất. Giữa cơn mơ màng nửa nông nửa sâu, Vĩnh chiêm bao một giấc lạ kỳ...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top