Chương 2: 1945!
Bàn tay ấm áp lần mò trong áo tôi, ân cần và nhẹ nhàng. Một thứ gì đó rất êm, rất mềm, từ từ xoa dịu đi trận bão tuyết trên da. Nhưng nó nhanh chóng rời đi, vương lại chút ấm áp lưu luyến. Hình như, tôi thổn thức trong vài giây.
Tôi thấy một mái tóc đen, một mùi hương quen thuộc, một cảm giác nhớ nhung.
Là nàng phải không?
Cơn hoảng loạn trong tôi chạm đến lưỡng cực của nỗi sợ. Khi mà việc nhìn thấy nàng mỗi giây đã biến thành một thói quen ăn sâu vào máu thịt. Cái mùi hương quyến rũ chết người đè chặt tôi trên nền đất. Tôi vùng vẫy trong cơn khoái cảm giữa làn hương bủa vây lấy tâm trí, rồi chợt nhận ra, tôi đã chết...
Hoặc là chưa.
Tôi bật dậy, chiếc khăn xếp dày từ trên trán rơi xuống. Tôi sờ soạng người mình, đôi bàn tay dừng lại trước nhịp đập nhịp nhàng của con tim. Tôi ngẩng đầu nhìn em một cách đáng sợ, tôi đoán vậy. Em thật giống nàng. Dẫu cho em chỉ là một cô gái nhỏ, tôi vẫn không tài nào tìm ra được điểm khác biệt quá lớn trên gương mặt ấy.
Tôi tự tát vào mặt mình, trong ánh nhìn hoảng sợ của em. Má tôi ran rát, trở nên nóng hổi như dung nham khi những dòng lệ lần lượt lướt qua. Tôi nhìn em lần nữa. Em không mang vẻ kiêu kỳ giống nàng. Mặt em lấm lem, không một nơi nào trên người em đủ sạch sẽ để đánh giá. Bộ đồ như tấm vải thô sơ và rách rưới được khoác đại lên người em. Em thấp hơn tôi một cái đầu. Chân tay khẳng khiu, xám ngắt.
Nhưng lạ lắm, mùi người của em thơm như của nàng vậy. Nó là cái mùi hơi người, cái mùi bẩm sinh mà ai cũng có và cũng không ai giống nhau. Em trông nhếch nhác vậy mà chẳng gì át đi nổi hương thơm ấy. Có chăng là tôi quá nhớ nàng rồi.
Tôi bần thần ngồi cười như một con dở, chắc hẳn em sợ tôi lúc này lắm. Tôi nhớ mình lê bước dọc vách đá với đôi chân nặng trĩu. Khoảng không lẳng lặng trôi, tôi nhảy xuống dòng biển lạnh cóng. Hoà nước mắt cùng thân thể này vào làn nước cuồn cuộn. Tôi đã giải thoát mình khỏi cuộc đời một cách nhẹ nhàng như thế.
Nhưng bây giờ, tôi tỉnh dậy, với một cô bé, giữa đống hoang tàn đổ nát.
"Em tên gì? Con nhà ai?"
"Em tên Thái Anh. Ba mẹ em....." - "Mất rồi." Trong tôi bỗng hụt đi một nhịp. Tôi nhìn đôi mắt đỏ hoe, ngấn lệ mà chạnh lòng. Em còn thảm thương hơn những đứa trẻ mà tôi gặp ở cô nhi viện.
Em rụt rè nắm tay tôi, nhận lại cái gật nhẹ đồng ý mới dám kéo tôi đứng dậy. Tôi không biết em muốn đưa tôi đi đâu, nhưng đôi bàn chân này đã đông cứng sau khi lê được vài bước. Người tôi bủn rủn, từng đợt rợn người kéo đến dồn dập như cơn sóng.
Người ngồi, người chết la liệt các vỉa hè. Mấy chiếc xe kéo xác người lầm lũi đi qua. Những con người da bọc xương lũ lượt giành nhau miếng ăn giữa phố phường. Tôi nhìn quanh, một con phố in đậm sâu trong tâm trí tôi. Phố phường Hà Nội năm 1945!
Tôi lặng người.
"Không phải. Chỉ là trò đùa của ai đó, hoặc chỉ là trường quay bộ phim lịch sử mà thôi. Chắc chắn là vậy." Tôi lẩm bẩm trấn an mình một cách vô nghĩa. Tôi dỗ dành tâm trí bằng những lời biện hộ vụng về, nhưng tôi quên mất đi đôi mắt vẫn đang chứng kiến cảnh thật người thật.
Tôi chầm chậm đi theo em một cách vô hồn. Rồi em dừng lại ở một con ngõ nhỏ nào đó. Tôi nhìn xuống. Xác hai người tựa vào nhau bên vách tường. Cơn buồn nôn dâng trào dưới vẻ mặt bình tĩnh đầy giả tạo.
"Giúp em mang cha mẹ đi chôn được không?" Tôi đã sốc, cực kì sốc.
Thái Anh ngồi thụp xuống, đôi vai gầy nấc lên từng đợt. Em khóc. Cơn nấc của em dần được thay đi bởi tiếng thút thít khe khẽ, và cứ thế em sà vào lòng tôi nức nở. Đúng rồi, em chỉ là một cô bé tầm tuổi mười mười sáu mười bảy mà thôi. Em ngẩng đầu, giương đôi mắt ngấn nước nhìn tôi. Đôi má em ửng đỏ, nhưng là cái màu đỏ dịu dàng khiến tôi xốn xang trong lòng không nỡ bỏ lại.
Tôi hoàn tất việc chôn cất cha mẹ giúp em. Cũng chỉ đặt xác xuống hố rồi lấp lại chứ không có gì hơn. Nhưng ít nhất họ sẽ không phải chen chúc giữa hàng chục con người dưới những nấm mồ tập thể.
Thái Anh gạt đi dòng lệ lăn dài trên má, em kéo tôi về chỗ cũ. Em lấy ra bộ quân phục, nhìn qua cũng biết của bọn thực dân. "Trả quần áo cho chị này. Cảm ơn vì đã giúp em." Tôi lại chết lặng.
Trời ơi, trời vẫn chưa thôi trừng phạt tôi có phải không? Hà cớ gì để tôi sống lại dưới thân xác của một tên thực dân. Nhục nhã biết bao.
"Em không sợ sao?" Bây giờ tôi mới hiểu, vẻ sợ hãi của em là vì tôi một tên lính Pháp. Vậy mà tự tôi ảo tưởng rằng vì em gặp một kẻ xa lạ, kỳ quặc. Nực cười thật.
"Sợ. Sợ lắm chứ." - "Nhưng...cha mẹ mất rồi, em đói." Giọng em thì thào, giờ thì nỗi sợ của em còn nhiều hơn trước nữa. Tôi biết, em sợ đói còn hơn sợ tôi.
Là một con người thuộc nền văn minh của thế kỷ XXI, tôi làm sao không biết được những cơn đói cồn cào ào ạt ập lên những người nông dân nghèo cuối năm 1944. Cái lũ thực dân khốn nạn hết ép buộc mua rẻ thóc gạo, lại vãi tiền ra mua ngô thóc với giá cao. Người có tiền ở thôn quê cũng đành nhịn ăn, vì thóc gạo bị lấy sạch. Rồi đến cái bọn phát xít, trữ gạo nuôi quân, mặc sức dân chúng miền Bắc kêu gào vì đói. Cuối cùng, chúng đẩy con người ta vào cảnh cùng cực, đi đâu cũng thấy ăn mày chiếm hết lề đường. Kẻ chết, người sống không bằng chết, bi thảm làm sao.
"Em biết do ai mà dân đói không?"
"Cha em nói do chính phủ đầu quân cho Nhật, cống hết tiền cho chúng phục vụ chiến tranh. Chính phủ Trần Trọng Kim hứa sẽ huy động lương thực từ Nam ra Bắc, đến giờ vẫn chẳng thấy hạt gạo nào."
Tôi ngạc nhiên, câu trả lời khác xa so với tưởng tượng của tôi.
Nhật đảo chính Pháp là khởi sự cho nỗi bất lực của Chính phủ Trần Trọng Kim. Người Nhật vì mục đích chiến tranh đã thờ ơ trước sự chết đói hàng loạt của dân bản địa. Mọi sự vận chuyển thóc gạo từ Nam ra Bắc đều phải qua "Ủy ban thóc gạo" ở Sài Gòn, mà ủy ban này do công ty Nhật nắm. Khi tải ra đến Bắc thì gom gạo cho công ty thóc gạo Bắc kỳ 75% số lượng, công ty này bảo đảm trước hết lương thực cho quân Nhật, còn lại mới bán cho dân.
Nhưng cái dân thấy không khách quan như vậy. Họ chỉ thấy một Chính phủ Trần Trọng Kim bị mang làm ra làm bù nhìn cho quân Nhật.
Đến giữa tháng 6, việc thu thóc tạ vẫn được thi hành trong lúc hàng chục vạn đồng bào ta chết rũ dọc đường xó chợ. Chính phủ Trần Trọng Kim đâu dám đụng đến việc thu thóc tạ, càng không dám đụng đến kho thóc.
Chính vì Chính phủ đã cam đoan với Nhật là tiếp tế cho Nhật bằng hoặc hơn Pháp, để XỨNG ĐÁNG VỚI CÁI ĐỘC LẬP MÀ NHẬT BAN CHO!
Tiền, gạo vẫn phải nộp đều đều cho quân Pháp trước đó và quân Nhật lúc bấy giờ. Từ nạn thiếu ăn biến thành nạn đói, dân chúng lầm than, đói khổ. Thiên tai, mất mùa. Tất cả tạo nên một sự kiện lịch sử kinh hoàng với nhân dân miền Bắc nói riêng cũng như Việt Nam nói chung. Nạn đói năm Ất Dậu(1944 -1945) hay gọi tắt là Nạn đói năm 1945.
_____________________________
*Chap này phổ cập kiến thức nên hơi khô khan một tí.
Trần Trọng Kim: Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam (tháng 4 năm 1945). Tên nước là Đế quốc Việt Nam, lấy cờ quẻ Ly làm quốc kỳ. (Lúc này, vua Bảo Đại vẫn trị vì ngôi vua, đến tháng 8 năm 1945 mới thoái vị.) Trần Trọng Kim là người có lòng yêu nước, rất trân trọng lịch sử và văn hoá nước nhà. Nhưng ông bị người Nhật dùng làm con bài, mà vẫn tưởng là họ cho ông ra đóng góp với dân tộc. "Nền độc lập" của Đế quốc Việt Nam thực chất hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của Nhật.
(Cờ quẻ Ly)
Vua Bảo Đại chỉ bù nhìn là trong tay người Pháp và người Nhật, thế mà Trần Trọng Kim vẫn chấp nhận phục vụ để tìm cách giữ ngôi vua cho Bảo Đại. Sau khi chấm dứt được nền độc lập giả tạo của Đế quốc Việt Nam, Trần Trọng Kim đã được Việt Minh khoản đãi rất tốt, nhưng ông vẫn bỏ ra nước ngoài để theo vua Bảo Đại sau khi vua thoái vị. Vì lòng trung thành với một vị vua mà đi ngược lại phong trào kháng chiến của dân tộc (Trần Trọng Kim ra sức phản đối khi Cách mạng tháng Tám nổ ra). Nói tóm lại, có thể coi Trần Trọng Kim là "ngu trung".
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top