#4: CHÚ BÉ MANG PYJAMA SỌC - John Boyne


Đây là quyển sách có thể không nghiêng về trinh thám nhiều lắm, nhưng vì nó khá nổi tiếng nên mình sẽ liệt nó vào danh sách luôn thể.

****


Mạnh mẽ đến choáng váng. Tinh tế, đơn giản một cách có tính toán và cảm động đến tận cùng. "Chú bé mang pyjama sọc" đã mang về cho John Boyne năm triệu bản in trên khắp thế giới, được dịch sang 17 ngôn ngữ khác nhau, từng đứng đầu các danh sách bán chạy ở Anh, Mỹ và nhiều quốc gia khác. Và hãy tin tôi, khi gập cuốn sách này lại, bạn sẽ bị ám ảnh.



Hai đứa trẻ.


Câu chuyện diễn ra vào cuối Thế chiến II, khi Hitler đang nắm quyền Đế quốc Đức. Cậu bé Bruno chín tuổi một ngày khi từ trường về nhà thì biết tin cả gia đình sẽ chuyển đến Out-With - một trại tập trung ở Đức. Và ở đó Bruno không hề cảm thấy hạnh phúc, khi tất cả chỉ vì công việc của cha cậu. Không quán cafe, không sạp rau quả, không nhà cửa khiến cậu cảm thấy cô đơn thật sự. Và Bruno khao khát có bạn.

Cậu vẫn luôn nhìn thấy dãy hàng rào trải dài rất xa từ cửa sổ phòng ngủ của mình, và cậu quyết định đi thám hiểm nó. Bruno phấn khởi vì nghĩ chuyến đi này giống như hành trình khám phá ra Châu Mỹ, và cậu đã tìm thấy.

Đó là một cậu bé mặt pyjama. Một đứa trẻ nhem nhuốt hơn bao giờ hết.

Kể từ ngày hôm đó, Bruno vẫn hàng ngày đến chỗ của Shmuel - cậu bé mặc pyjama. Chỉ đề nói chuyện, đôi khi chỉ là những lời tâm sự, hoặc những gì chúng thấy hàng ngày. Và hàng rào kẽm phân cách chính giữa hai đứa trẻ ấy, đã không còn quan trọng nữa.

Nếu là lần đầu đọc cuốn sách này, mà bạn nghĩ đây là cuốn sách dễ thương, nói về cuộc sống tươi đẹp, về tương lai của bọn trẻ, thì tôi sẽ cho đó là sự mơ mộng. Vì thực tế, nó tàn khốc hơn rất nhiều, khi tình bạn ấy không thể tồn tại trong xã hội như thế.



Dãy hàng rào phân cách.


Hai mươi chương sách, tương đương với hai mươi mẩu chuyện nhỏ của Bruno, được kết nối với nhau chặt chẽ, và tất cả đều là những gì cậu quan sát thấy về người chị Gretel, về mẹ, về cha cậu, về Trung Uý Kotler, về cô hầu Maria, hay thậm chí là ông Pavel - người chuyên gọt rau quả và phục vụ bàn ăn. Nhưng trên hết, những chuyện ấy cậu đều kể cho Shmuel, người bạn duy nhất.

So với Bruno, có lẽ Shmuel đã trải qua cực khổ quá nhiều, vì trong lời cậu kể, ta chỉ thấy được hình ảnh mười một người ở chung một căn phòng, hay không hiểu sao bọn lính lại chia cắt gia đình cậu, hoặc đơn giản chính là cơ thể gầy guộc, trơ xương, mặt mũi lấm lem của cậu. Trong khi lời kể của Bruno, chỉ là việc không có bạn hay bị chị gái trêu chọc, và cậu chán ghét ở đây như thế nào. Hai hình ảnh đối lập đáng sợ ấy, sẽ không bao giờ kết thúc.

Bruno vẫn còn nhớ như inh hình ảnh run rẩy, sợ sệt, cùng với một bên bầm mắt và người đầy thương tích của Shmuel khi cậu đã lỡ ăn một miếng thịt trong khi lau ly vì quá đói. Hay là sự biến mất của ông Pavel sau khi đã lỡ tay làm đổ chai rượu lên người Trung úy Kotler, trong khi trước đó, ông Pavel đã giúp cậu băng bó lại vết thương chảy máu khi cậu ngã vì đu dây.

Nhưng sau mọi chuyện, hai đứa trẻ ấy vẫn là bạn của nhau, dù Bruno vẫn chưa thể lý giải, những người đó họ nên tội gì? Và câu hỏi ấy sẽ mãi không được trả lời.


Quyển sách chỉ hơn 200 trang, và chỉ nói về hai đứa trẻ chín tuổi cùng với tâm hồn trong sáng, ngờ nghệch. Và những gì chúng thấy ở thực tại là vẫn chưa đủ trong khi ngoài kia chính là địa ngục không hơn không kém. Nhưng bọn chúng vẫn vượt qua tất cả, bằng chứng chính là việc Shmuel vẫn luôn ngồi bên cạnh hàng rào thép chờ đợi Bruno đến chơi với mình. Và cái hàng rào ấy chính là đại diện cho sự sống và cái chết, vì nó chính là ranh giới vô hình giữa hai số phận. Những hàng rào như thế vẫn còn tồn tại khắp nơi trên thế giới, và mong rằng trong chúng ta sẽ không có ai phải đối mặt một hàng rào như vậy trong đời.


Cậu bé mang Pyjama sọc


Ngôi nhà ba tầng hay trại tập trung, chuyện đó có gì là quan trọng khi chúng có tình bạn. Từ những miếng bánh hay những miếng socola mà Bruno vẫn lén lút mang theo cho Shmuel, có lẽ nào như vậy là sai trái?

Dù xung quanh có là chiến tranh hay bom đạn, thì Bruno vẫn sẽ mang thức ăn cho Shmuel hàng ngày.

Nhưng sự thật là ở đây lại không bom đạn, khói súng hay máu me nhưng lại mang cho người đọc sự thật đến đau cả tâm can, khi người Do Thái vốn dĩ phải là nô lệ, một thân phận nằm dưới đáy xã hội ví như Shmuel, hay là quyền thống trị của Quốc xã Đức mà đại diện lại là Bruno. Suy cho cùng, nạn nhân chỉ là hai đứa trẻ chín tuổi. Sẽ như thế nào nếu có người bắt gặp việc hai cậu bé ngồi chơi với nhau giữa hàng rào ấy?

Người bị la mắng là Bruno hay Shmuel? Hay Shmuel lại bị đánh đập một lần nữa? Ai cũng biết rõ trừ bọn trẻ.

Bìa trang sách của John Boyne là hình ảnh một nền trời xanh biếc, phía trước là dãy hàng rào thép cùng với hai chiếc máy bay giấy. Một chiếc màu vàng tươi, còn một chiếc được kẻ sọc đen trắng. Nó đơn giản, dễ hiểu và cũng phũ phàng không kém. Khi mà hai chiếc máy bay giấy ấy tượng trưng cho khát khao cháy bỏng của đôi bạn thân mong muốn được bay thật xa, được biến mất khỏi nơi được gọi là địa ngục.

So với trong truyện, thì bộ phim cùng tên sẽ làm bạn nhận một cú sốc làm bạn ám ảnh, khi mà kết thúc chính là hình ảnh hồn lìa khỏi xác và tiếng thét trong vô vọng của cha mẹ Bruno. Kết thúc câu chuyện của John có lẽ quá nhanh, đến khi nhìn lại thì nước mắt vẫn chưa kịp tuôn trào, vì nó quá nhẹ nhàng nhưng lại quá độc ác. Ở đoạn cuối chương mười chín, dường như cảm nhận của Bruno mang đến cho chúng ta cảm giác quá đỗi là chân thực:


"Rồi sau đó căn phòng trở nên rất tối...Bruno nhận ra mình vẫn đang nắm tay Shmuel và không gì trên đời có thể thuyết phục cậu rời bàn tay đó ra."


"Cậu là bạn thân nhất của tớ, Shmuel ạ." cậu nói " Bạn thân nhất đời của tớ"


Và tình bạn ấy sẽ mãi luôn bất diệt trong lòng độc giả.



Chương cuối của tình bạn


Qua bi kịch này, liệu những người chung quanh họ có hiểu ra một điều gì đó hay không?

Liệu cha của Bruno có nhận ra rằng khi dẫn gia đình đến chỗ này sinh sống là một sai lầm, vì nơi đây thực chất không hề dành cho con người.

Còn chị gái Gretel, người luôn trêu và ghen tức với em trai mình có cảm thấy thoải mái hơn không khi biết rằng sẽ không bao giờ được nhìn thấy nó nữa.

Và người mẹ ấy, sẽ trở thành người như thế nào khi mất đi đứa con bé bỏng.

Và sau tất cả, họ có thấy đau đớn không, khi chính họ là người đứng ra cầm đầu chính quyền khốn nạn ấy và việc làm đó đích thị không được gọi là "công việc", mà là hành động của một con quái vật không hơn không kém. Có lẽ chúng ta đã rất may mắn khi được sinh ra trong xã hội văn minh, phát triển. Nhưng đáng thương thay, Bruno và Shmuel phải sống trong thế giới mang tên "Hàng rào thép", một nơi mà sự chia sẻ, an ủi, đồng cảm không được phép tồn tại.

Chiến tranh, thuốc súng, chết chóc luôn là những đề tài không bao giờ kết thúc khi mà cái ác vẫn luôn ở đấy, ám ảnh, tra tấn tâm hồn biết bao con người giữa một thế giới đen tối, nhuốm màu máu của bi thương. Nhưng ở đây, John Boyne đã vẽ nên một tia sáng, và tia sáng ấy chính là Bruno và Shmuel. Cho dù có như thế nào, bọn trẻ chỉ cần biết là bọn chúng luôn cần có nhau.

Vậy là quá đủ rồi.


GIÁ BÁN: 60.000đ


Người viết review: Lin

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top