[Ngôn Tình] Phấn Hoa Lầu Xanh
Tác giả: Tào Đình
Thể loại: Ngôn tình, Cổ đại, Ngược tâm, Ngược thân, SE
Tình trạng: Hoàn
oOo
Văn án:
"Người con gái bị bó chân, người con gái không có quyền lựa chọn cuộc sống cho mình, không có quyền phản kháng lại số mệnh. Sủng ái và ruồng bỏ, nâng niu và lạnh nhạt, tất cả chỉ trong chớp mắt nhân quả luân hồi."
Khi nàng vẫn còn là một thiếu nữ e ấp phẩm hạnh và cả tình yêu trung thành mà nàng dày công vung đắp đã bị thời gian gặm nhắm, cho tận tới khi chết đi rồi.
Khi nàng thành một kỹ nữ, học cách nhìn đời bằnh con mắt của kỹ nữ, phát hiện ra mọi thứ tựa hồ điễu trở nên đơn giản, lại đã có thứ tự cả rồi.
Hồng trần biết mấy lúc nổi trôi, nàng đã tê dại rồi, trơ lì với thân phận gái làng chơi, hoặc giả nàng đã trơ lì với xã hội rồi.
oOo
Cảm nhận, đánh giá:
1. Từ một người con gái thuần khiết, không dính chút son phấn hồng trần.
Nàng là một tiểu thư lá ngọc cành vàng, suốt cả đời thiếu nữ chưa từng bước qua cánh cửa để đến với thế giới bên ngoài. Cũng chưa từng gặp mặt bất cứ người khác giới nào ngoài cha và em trai mình. Chỉ ngoan ngoãn làm theo tất cả những gì bị ép buộc mà không hề than trách một lời.
Tôi lại tự vấn mình rằng, tại sao người con gái thời đó lại phải bó chân? Và lại phải cam lòng rằng phận nữ nhi là vô cùng thấp kém, một từ ngữ muốn nói cũng phải dè chừng đắn đo? Phải nghe theo những gì người ta sai bảo?
Phải chăng, họ được sinh ra như một công cụ, chỉ để phục vụ cho những dục vọng thấp hèn, như một cái máy để nối dõi tông đường, căn bản không hề được nhận chút gì gọi là quyền được tôn trọng sao?
Thật sự, bất công đến cùng cực!
Lại trở về với cuộc đời của Sở Sở...
Mãi đến khi mười lăm tuổi, nàng mới cảm nhận được mùi vị của hạnh phúc. Dù đó chỉ là những cảm xúc đơn phương dại khờ của tuổi trẻ, Sở Sở cũng đã mãn nguyện.
Nhưng rồi, chuyện lại không thành. Cũng là lẽ thường tình, khi người con gái ấy được dạy dỗ để trở thành "một cô gái con nhà thế gia vọng tộc, hiền thục, ngoan ngoãn và biết phục tùng", vốn dĩ không thể nói ra những cảm xúc trong lòng, chỉ biết giấu đi mà tự tổn thương bản thân mình mà thôi.
"Chàng là người đầu tiên khiến tôi cảm nhận được cảm giác ấm áp khi tiếp xúc giữa một chàng trai và một cô gái."
2. Đến khi trở thành mợ cả nhà họ Ngô.
Rồi tôi lại cảm nhận được sự ấm ức, bất công rõ rệt hơn nữa của quan niệm "trọng nam khinh nữ".
Lần đầu tiên bước ra khỏi cổng nhà, cũng chính là ngày nàng xuất giá.
Phải, Sở Sở cũng như bao người con gái khác, cũng lên xe hoa, về nhà chồng. Nhưng, về vị hôn phu ấy, nàng căn bản không hề biết gì dù chỉ một chút!
Mãi đến khi qua đêm tân hôn, mới được biết người chung chăn gối với mình mang họ Ngô.
Tôi lại nhận ra rằng tất cả, tất cả mọi chuyện chỉ là do đã được sắp đặt từ trước. Nàng chỉ như một con cờ bị lợi dụng, để kết mối thông gia với dòng họ Ngô danh giá, quyền lực.
Nhưng rồi, Sở Sở cũng không lời oán trách, ngoan ngoãn nghe lời, nàng xem Ngô Văn Bác như là vị vua của nàng, là ông trời của nàng, cũng là người duy nhất mà nàng có thể dựa vào, phụ thuộc vào trong suốt cả cuộc đời này.
Nhưng người đó nào biết tấm chân tình ấy!
Từ khi được gả đi, nàng đã phải thấm thía cảm giác từng đêm mong đợi, chờ chồng bên ngọn đèn dầu le lói.
Đến khi mợ hai Đinh Hương bước qua cửa nhà họ Ngô, tướng công của Sở Sở đối với nàng lại càng thêm phần lạnh nhạt.
Liệu rằng, hắn ta có biết như vậy là tàn nhẫn, là vùi hoa dập liễu không?
Lạnh lùng, vô cảm và vô tình. Những gì Sở Sở đã phải gánh chịu, gói gọn trong ba tính từ ấy.
Trong nhà họ Ngô, chút ấm áp cảm nhận được cũng chỉ từ tình tỷ muội đã sớm phải tàn phai do hiểu lầm không đáng với Mai Mai - là a hoàn thân cận của nàng.
Ngoài ra, nàng chỉ còn những thú vui nho nhỏ, ngắm trăng, gảy đàn,... để trong lòng bớt đi nỗi cô đơn quạnh quẽ, chờ đợi người chồng của mình như một viên đá cuội không ai màng để tâm.
Mãi đến khi nhận được chút yêu thương, thì đã bị người ta gán tội phá cái thai của người vợ lẽ và chồng mình. Sở Sở ngay cả một lời biện minh cũng không thể nói ra, đành cam tâm để tấm thân vô tội bị giam cầm suốt ba năm trời, như vị Hoàng hậu cao quý bị đày vào lãnh cung tăm tối không một lối thoát. Cuối cùng lại bị người ta đuổi về nhà mẹ, với tội danh đố kỵ và không sinh được con.
Dù bị đối xử bất công, nàng cũng không thể phản kháng.
Không thê phản kháng lại, dù chỉ một chút.
3. Và rồi trở thành cô nương Phấn Đại, chịu phận gái lầu xanh.
Trở về nhà mẹ, Sở Sở lại bị chính người thân đối xử thậm tệ. Chỉ có thể khóc với người mẹ chịu chung phận nữ nhi. Đến khi bị dồn vào đường cùng, đành nhảy xuống hồ nước lạnh cóng để quyên sinh, mong thoát khỏi bi kịch của kiếp người.
Nhưng rồi tự tử không thành, Sở Sở may mắn được cứu sống. Hay tôi phải nói là không may khi nàng đã không lìa khỏi cõi đời này ngay trong giây phút đó?
Sau mấy năm ròng rã, Sở Sở gặp lại mối tình đầu của mình. Thời khắc đó, những cảm giác xưa cũ ấy quay trở lại, tưởng chừng như nàng cuối cùng đã có thể nhận được niềm hạnh phúc xứng đáng.
Nhưng nào ngờ đâu, người con trai đó lại khốn nạn đến mức không bằng cầm thú, bán Sở Sở vào Ngọc Hương Lầu chỉ để lấy trăm lượng bạc. Bỏ mặc nàng cho người đời đày đoạ tấm thân.
Bị người mà mình yêu thương nhất phản bội, cảm giác đó, phải chăng còn đau hơn cả bị giáng tội tứ mã phanh thây?
Uất nghẹn. Xót xa. Nhưng giờ đây nàng còn có thể làm gì khác, khi thể xác này đã thuộc về chốn lầu xanh muôn vàn cạm bẫy mất rồi.
Những tưởng nàng cứ an phận mà sống ngày qua ngày, cho đến lúc chết, nhưng ông trời lại ban cho Sở Sở - khi ấy đã là cô nương Phấn Đại của lầu xanh - một tình yêu khác, một tình yêu mà vị công tử họ Tô hào hoa phong nhã dành cho kỹ nữ nổi danh nghiêng nước nghiêng thành.
Vậy thì tại sao ông trời lại trêu ngươi nàng thêm một lần nữa?
Ngô Văn Bác - người chồng tệ bạc ngày xưa lại đem lòng yêu cô nương Phấn Đại, cũng chính là người vợ bị ruồng bỏ năm nào.
Hai vị công tử tranh giành một người con gái. Đến nỗi xô xát nhau. Cuối cùng một người thân tàn ma dại, không còn biết suy nghĩ, một người phạm tội mưu đồ giết người bị giam vào ngục tối. Cuối cùng, chỉ còn Phấn Đại mãi mãi một mình chịu sự đoạ đày của nỗi đau.
Nhà họ Ngô nhanh chóng lụi tàn. Ngô Văn Bác vượt ngục phải chịu tội chết.
Tôi tự hỏi, có phải đó chính là nhân quả mà nhà họ Ngô phải nhận? Suy cho cùng, chính họ đã khiến Sở Sở biến thành một Phấn Đại trơ lì cảm xúc với cuộc đời như ngày hôm nay. Liệu Phấn Đại có cảm thấy vui không, có cảm thấy hả hê không? Tôi chắc rằng nàng không nhẫn tâm như vậy, cũng không hề vô tình đến thế.
Cuối cùng, Phấn Đại chọn cho mình cái chết bên người chồng mà nàng đã dành tình yêu trung thành mãi mãi.
Như đôi uyên ương mãi không bao giờ xa rời nhau, đậu cùng đậu, bay cùng bay, đời đời kiếp kiếp
Có một chi tiết mà tôi cảm thấy khá thú vị, là khi Phấn Đại gặp viên Tri Châu vừa nhậm chức, cũng chính là người mà nàng thầm thương trộm nhớ năm nào...
"...đôi mắt nàng lại trở nên vô cùng dịu dàng, vô cùng ngây thơ, như thiếu nữ mười lăm tuổi của mười năm về trước..."
Đến suốt cuộc đời, nàng đối với người đó vẫn không hề oán hận.
Những lời cuối cùng cũng chỉ để từ biệt người xưa.
Phải chăng, Phấn Đại đã quá khờ khạo?
Khờ khạo, đến ngu muội. Khờ khạo, đến xót xa...
...
Phấn Hoa Lầu Xanh là bộ truyện thuần cổ đại, những tư tưởng phong kiến được miêu tả rõ nét, khiến người đọc cảm nhận được sự bất công với phận con gái. Họ phải sống trong sự sắp đặt của gia đình, không có quyền quyết định cuộc đời mình, chẳng thể được coi là một con người. Nữ chính Ngụy Sở Sở chính là một người con gái, bị đày đọa đến chết trong cái thời đại ấy, cả trái tim và thân thể nàng cũng dần héo mòn theo thời gian.
"Thế nào gọi là tam tòng?"
"Vị giá tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử."
"Thế nào gọi là tứ đức?"
"Bốn đức tính cần phải có ở người phụ nữ: Công, Dung, Ngôn, Hạnh."
Cái quan niệm dường như đã ăn sâu vào máu, tôi cảm thấy may mắn vì mình được sinh ra ở thời đại mà sự bất bình đẳng giới đã phần nào phai nhạt. "Trọng nam khinh nữ" chỉ vỏn vẹn bốn từ cũng có thể đưa đẩy một mảnh đời vào con đường không lối thoát. Chỉ là, tôi muốn kể cho bạn nghe câu chuyện điển hình mà tôi đã đọc, câu chuyện về một tiểu thư khuê cát cuối cùng phải dấn thân vào con đường mà dường như cả xã hội đều phỉ nhổ – lầu xanh.
Từ khi sinh ra đã được nuôi dạy theo chuẩn mực khắt khe, tiểu thư Ngụy Sở Sở suốt 15 năm hoàn toàn không biết thế giới bên ngoài bức tường cao kia rốt cuộc mang màu sắc, hình dáng gì. Lần đầu ra khỏi cổng nhà cũng là lúc nàng xuất giá. Nàng gả đi rồi, gả cho công tử nhà họ Ngô, từ nay về sau cuộc đời của nàng đã không phải là của nàng mà nằm trong tay một người khác. Cuộc sống làm dâu chưa bao giờ là dễ dàng... Vẫn còn nhớ cái tát cùng lời đay nghiến mà mẹ chồng dành cho nàng "...Hãy nhớ kĩ lấy, ngươi chỉ là một người phụ nữ." Tôi đã tự hỏi, vậy bà ta không phải là phụ nữ hay sao? Nếu phải có lẽ đã biết thông cảm cho người cùng số phận? Đến cuối cùng việc niệm Phật hằng ngày của bà ấy rốt cuộc là vì điều gì?
"Bất hiếu có ba tội, không có con nối dõi là tội lớn nhất." Số phận có phải hay không thích trêu đùa người ta như vậy? Nàng không thể có con nên việc nạp thiếp hẳn là không tránh khỏi. Chuyện gì đến cũng đến, người phụ nữ đó có thai, không bao lâu lại sảy thai vì một sự cố. Mọi tội lỗi đổ lên nàng, chỉ vì thầy bói bảo nàng có mệnh khắc đứa nhỏ trong bụng!? Trước sự chất vấn của cha mẹ chồng, không một ai bênh vực, nàng bị giam lỏng ở một nơi ít người lui tới, chỉ có cơm ngày ba bữa. Một mình nàng cứ nhìn mặt trời mọc rồi lại lặn, vòng tuần hoàn khép kín.
Thấm thoát ba năm trôi qua, chồng nàng viết thư bỏ vợ. Cứ nghĩ về nhà rồi cuộc sống sẽ tốt hơn, có người thân, có hạnh phúc bấy lâu nàng mong ước. Hahaha nếu tôi là nàng tôi cũng tự cười mình vì suy nghĩ đó, không ai gặp mặt, không ai mừng rỡ, mà đổi lại chỉ là những lời vũ nhục. Đau đớn đến tột cùng, nàng chọn tự vẫn để giải thoát nhưng lại được cứu sống. Hai năm nữa qua đi, nàng gặp lại "anh họ" mối tình đầu mà nàng đã chôn chặt, người mà nàng hy vọng sẽ là phu quân ngày nàng xuất giá. Con người ấy vẫn như ngày nào còn nàng giờ mang danh "người vợ bị ruồng bỏ". Theo thời gian, tấm lòng của "anh họ" đã làm nàng cảm động. Tình chàng ý thiếp mặn nồng, đến khi nàng kể lại câu chuyện kia... Không chấp nhận nàng là lẽ thường tình, đằng này con người ấy vẫn coi nàng như vật báu mà trân quý, cùng nàng trốn khỏi nhà bắt đầu một trang đời mới. Tới đây dường như tôi vẫn tin đàn ông tốt còn tồn tại, ừ thì là bạn chưa gặp được thôi. Lại tiếp tục với câu chuyện, thật sự là tự vả chính mình, người lúc trước vừa hẹn thề son sắt, lại nhẫn tâm đem nàng bán vào nơi lầu xanh, chính là đẩy nàng một bước xuống tới địa ngục.
"Tình thân nghĩa nặng luôn tồn tại, nhưng chỉ đối với đàn ông; công bằng chính trực luôn tồn tại, nhưng chỉ đối với đàn ông; quyền được lựa chọn luôn tồn tại, nhưng chỉ đối với đàn ông; niềm vui hạnh phúc luôn tồn tại, nhưng chỉ đối với đàn ông... cả thế giới này chỉ xoay chuyển xung quanh người đàn ông, vậy tại sao còn phải sinh ra đàn bà?" Rốt cuộc, nàng vẫn phải chọn cách phục tùng, chọn cuộc đời kỹ nữ. Nàng trở thành hoa khôi bậc nhất chốn lầu xanh, lấy danh là Phấn Đại, có thể làm đảo điên bất kì người đàn ông nào chỉ bằng nụ cười như có như không. Khách đến mua vui qua đường vô số kể, cũng có người hứa sẽ chuộc nàng. Và rồi đổi lại sự chờ đợi của nàng chỉ có người đi mà không hẹn ngày quay lại. Bị lừa! Nàng lại bị lừa! Dần dà rồi trái tim nàng cũng nguội lạnh, bởi vốn dĩ "ai cũng không phải là ai của ai".
Sau tám năm, nàng gặp lại người chồng cũ... Còn gì trớ trêu hơn khi gặp lại, vợ là kỹ nữ, chồng giờ đây là khách mua vui. Cái duyên cái nợ dường như trói buộc họ lại, tình yêu lại lần nữa nảy nở, chàng lại muốn cưới nàng nhưng nàng vẫn không mấy để tâm vì những gì nàng trải qua đã khiến nàng mất đi cái gọi là "niềm tin". Ngày chàng đến giải thoát nàng khỏi nơi nhơ nhuốc ấy cũng là ngày kết thúc của hai người đã được định đoạt. Chàng đắc tội con rể của Thái úy, nàng là nguồn cơn không tránh khỏi liên lụy... Hai năm... Ngày hành quyết, không một ai dám thân cận với chàng vì sợ thế lực kia, chỉ có bóng dáng quen thuộc xuất hiện. Rất lâu rồi, người ta không thấy nàng vì lệnh truy nã. Giờ đây, nàng đến đưa tiễn chàng đoạn cuối, đem hết thảy tình cảm che giấu mà bày tỏ. Tuyết trắng rơi hòa lẫn màu máu đỏ của hai thân thể, thật sự làm người khác không khỏi đau xót...
"Nguyện làm uyên ương không ao ước thần tiên"
Khép lại quyển sách trong tâm trạng ngổn ngang, người phụ nữ vốn dĩ sinh ra không có tội, có chăng là định kiến đã đeo bám đến mức không buông bỏ được. Tôi hận cái xã hội bất công đó, nơi bao nhiêu thứ tốt đẹp bị chôn vùi. Lại thương cho số phận nhỏ bé đến cùng cực của những người phụ nữ. Nói đến xã hội bây giờ của chúng ta, tôi biết, nhiều nơi trên thế giới, phụ nữ vẫn phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Dư luận đã nhiều lần bức xúc trước những vấn nạn mà phụ nữ đang phải gánh chịu. Tôi chỉ là một người rất đỗi bình thường trong cuộc sống này, chỉ có thể đem tình cảm mà dành cho những người thân yêu nhất, chỉ mong rằng một ngày nào đó không xa, "bình đẳng giới" không còn là điều xa xỉ.
...
Một xã hội bất công, một cuộc đời bất hạnh, một cái nhìn bất bình có lẽ là suy nghĩ chung của bất cứ ai khi đọc "Phấn hoa lầu xanh" của Tào Đình.
Sống trong xã hội hiện đại ngày nay, có lẽ ít ai có thể tưởng tượng tới cái cảnh khốn khổ mà người phụ nữ trong xã hội phong kiến phải trải qua. Những luật lệ, lễ nghi hà khắc, những định kiến xã hội nặng nề, những bất bình đẳng mà chẳng thể nói ra – đó là xã hội phong kiến mà chúng ta thường truyền tai nhau nhưng thực hư thế nào lại ít người biết tới.
Gói gọn trong cuộc đời người phụ nữ – Lưu Sở Sở, từ một tiểu thư đài các thành một cô gái làng chơi đúng kiểu chỉ bởi duy nhất một chữ "tình". Tình yêu là gì mà khiến người ta như vừa đạt đến tột cùng của hạnh phúc lại bị rơi bẫng một cái xuống vực thẳm. Tình yêu là gì khi mà trong lúc người ta đặt hy vọng nhiều nhất về một người lại bị chính người đó đâm cho một nhát dao tuyệt vọng.
Chưa bao giờ ranh giới giữa hạnh phúc và đau khổ lại gần nhau đến thế, khi mà tưởng như có thể thoát kiếp lầu xanh, có thể được trở về bên vòng tay ấm áp của hạnh phúc thì một cơn giông ập tới. Cơn giông của bất hạnh, bất công, chia lìa, nhấn chìm tia hy vọng cuối cùng của cuộc đời người phụ nữ.
Chưa bao giờ đọc cuốn sách nào mà độc giả phải thốt lên nhiều "nếu như" đến thế. Nếu như ngày đó anh họ mạnh dạn tỏ tình với Lưu Sở Sở, nếu như ngày đó Sở Sở không gả cho nhà họ Ngô, nếu như ngày đó không vì tức giận mà Ngô Văn Bách lấy ghế phang Tô Kỷ thì mọi chuyện sẽ khác, không còn bất hạnh, khổ đau, dằn vặt hay chí ít cô nàng Sở Sở sẽ được sống cuộc đời bình an phận như bao cô gái phong kiến.
Những biến cố liên tiếp ập tới, bất hạnh bủa vây, không khí đau buồn trải dài xuyên suốt tác phẩm nhưng Tào Đình không chỉ đơn thuần muốn lột tả hiện thực trần trụi của xã hội phong kiến mà qua đó tác giả còn muốn nhận được một sự đồng cảm, một góc nhìn khác về thân phận người phụ nữ:
"Tôi chỉ có thể nhận biết được mùa xuân từ những đám cỏ mọc lên giữa những phiến đá, biết được mùa hè từ những bông hoa nở rực rỡ; cảm nhận được mùa thu nhờ những tia nắng mỏng manh như đôi cánh ve sầu; nhận ra mùa đông từ những đợt gió Bắc se sắt lòng người."
Phấn hoa lầu xanh là một câu chuyện buồn kể về cuộc đời đầy bất hạnh, gian truân của Trịnh Sở Sở – một tiểu thư tài sắc vẹn toàn nhưng lại bị số phận trêu đùa.
Trịnh Sở Sở sinh ra trong một gia đình gia giáo, có chức có quyền. Từ nhỏ đã được giáo dục, nuôi dạy cẩn thận, nghiêm khắc để trở thành một cô con gái nhà thế gia vọng tộc, hiền thục, ngoan ngoãn và biết phục tùng.
Năm nàng tròn 15 tuổi, Sở Sở vướng vào lưới tình với người đàn ông mà nàng gọi là "anh họ" ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tình đầu còn chưa có lời giải đáp, nàng đã bị gả cho công tử nhà họ Ngô – Ngô Văn Bác, người mà ngay cả khi lên kiệu hoa nàng cũng chưa biết tên họ, dung mạo. Đêm tân hôn với người chồng xa lạ trong căn phòng mới khiến nàng sợ hãi, hoảng loạn, nhớ nhà da diết. Sau đó, chồng lạnh nhạt, gia đình chồng hờ hững, nàng chìm trong nỗi cô đơn, buồn tủi ngày qua ngày.
Chẳng bao lâu sau, chồng nàng lấy thêm mợ hai, mặc dù vẫn ngồi ở vị trí chính thiếp nhưng nàng đã cảm nhận được vị trí thật sự của mình. Mợ hai có thai, người nhà nghe lời của một đạo sĩ mà cho rằng nàng là khắc tinh của đứa con trong bụng. Mợ hai sảy thai, người đứng ra chịu tội cũng là nàng, nàng bị đẩy đến một biệt viện giam lỏng.
Vừa bước sang năm mới, nàng bị trả về nhà mẹ đẻ cùng tờ giấy bỏ vợ với lí do: không sinh được con, mắc tội đố kỵ.
Ba năm xa nhà, ngỡ tưởng sẽ được mọi người mừng đón, hỏi han nhưng sự thực thật phũ phàng. Con gái gả chồng cũng như bát nước đổ đi, sao có thể thu về? Mong đợi thành thất vọng, tuyệt vọng, nàng quyết định ra đi, nàng vốn dĩ không nên có mặt trên cuộc đời này.
Tự tử không thành, nàng gặp lại người anh họ mình thầm thương trộm nhớ nhưng vì mặc cảm nên luôn xa lánh chàng. Nhưng tình cũ không rủ cũng đến. Nghe theo lời chàng, tin tưởng người mình từng yêu tha thiết, nàng theo chàng trốn khỏi Trịnh phủ.
Trớ trêu thay, mới hôm qua còn nói lời ngon ngọt mà nay chỉ còn lại dối lừa, người anh họ ấy đã bán nàng vào Ngọc Hương Lâu- lầu xanh nổi tiếng nhất thành Tô Châu. Sở Sở tiểu thư dần trôi vào dĩ vãng, thay thế thành kỹ nữ nổi danh Phấn Đại.
Sóng gió không ngừng mà tiếp tục dập lên người phụ nữ bất hạnh, nàng gặp gỡ Nhị và Tam công tử họ Ngô, họ thề thốt, hứa hẹn chuộc nàng ra, cho nàng một danh phận rồi lại lơ đãng, bỏ quên, mất công nàng mòn mỏi mong chờ. Nàng gặp lại chồng cũ dưới thân phận kĩ nữ, thân phận giờ đây sao còn giữ được trong sạch như xưa. Mỗi khi ở bên chàng, tâm tư của Phấn Đại lại trôi về miền kí ức xa xăm.
Sự đời khó lường, ai ngờ một Phấn Đại đã thất thế lại là cơ nguyên, là món đồ giằng xé. Vì nàng, Ngô Văn Bác đã đánh trọng thương nặng Nhị công tử họ Ngô, bị khép vào án tử.
Đến phút cuối, nàng dịu dàng, ân cần đến bên người chồng cũ giữa lúc chuẩn bị hành hình. Đao giơ lên, đầu chàng rơi xuống, nàng bỗng có cảm giác suy sụp hoàn toàn. Từ từ rút con dao trong thắt lưng, nàng đâm mạnh vào bụng mình. Một đời hoa khôi lầu xanh đổ gục lên thân thế người đã từng là chồng của nàng. Họ lặng lẽ ngồi tựa vào nhau, giống như bắt đầu một hôn lễ không lời mới và mãi mãi, mãi mãi không thể rời xa.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top