Demian

Tôi đến với Demian thông qua thần tượng của mình. Tất nhiên, không phải kiểu mua chỉ để có cheap moment bé xíu xiu với người tôi hâm mộ hay chỉ vì họ đã đọc cuốn sách. Tôi đọc Demian với tâm thế của một độc giả, nghiền ngẫm câu chữ và cảm nhận cái hay của nó. Demian được đọc trong 2 ngày, một cách ngấu nghiến nhưng cũng hết sức chậm rãi. Và đến ngày thứ ba tôi buộc phải viết luôn vì nỗi sợ rằng nhứng cảm xúc và những gì tôi mường tượng ra sẽ trôi về đâu mất.

Demian-đúng như tên đề tựa và lời nhận xét ở bìa sau, câu chuyện về tuổi trẻ của Emil Sinclair, về những gì thuộc quãng đời xanh mướt của cậu và "dành cho những ai đang hoang mang trước ngưỡng cửa trưởng thành". Emil Sinclair, từ khi 11 tuổi cho đến khi bước qua ngưỡng 18, trải qua những lần sa đoạ, gục ngã và lại tái sinh. Vòng lặp ấy cứ tiếp diễn cho đến khi cậu gặp được định mệnh đời mình. Những dấu mốc đời cậu đều gắn với những cái tên, những con người nhất định, Franz Kromer, Max Demian, Alfons Becks, Beatrice, Pistorius và Eva. Sinclair trải qua tuổi trẻ dằn vặt, giày vò, khinh miệt, và tái sinh hầu hết tập trung vào yếu tố nội tâm, linh hồn, đức tin và ý chí. Không có những hành động sa ngã quá mức rồi một sự trở lại đầy hào quang, Demian nói về công cuộc đi đến ngưỡng trưởng thành chú trọng đến việc tìm thấy chính mình, tiến gần hơn đến bản ngã và để tâm đến định mệnh.

Đọc Demian cần một sự kiên nhẫn, có (nhiều) dòng văn phải đọc đi đọc lại, phần vì sự rườm rà của bản dịch ảnh hưởng đến câu cú, phần vì những thông điệp được truyền tải cần được suy xét kĩ càng. Từ đó, những ý nghĩa tốt đẹp sẽ dần hé mở, những ý nghĩa về việc tìm kiếm bản thân qua những cơn sóng ngầm nội tâm rung lắc. Rằng ta không thể trưởng thành thấy thế giới tốt đẹp mà không nếm thử đớn đau, không thể cảm nhận ánh sáng của định mệnh mà không trường kì chiến đấu với quỷ dữ tăm tối; rằng cái ác là một lẽ hiển nhiên, song hành bên Chúa và những điều tượng trưng cho tốt đẹp khác; rằng trên đời chẳng có gì là tuyệt đối kể cả thiện-ác và rằng để thực sự trưởng thành, ta phải phá vỡ sự bảo bọc của cha mẹ, tựa như câu trích dẫn nổi tiếng của cuốn sách:"Chú chim non đấu tranh thoát khỏi quả trứng. Quả trứng là thế giới. Ai muốn được sinh ra, trước hết, phải phá huỷ một thế giới."

Xuất bản năm 1919, cách đây cả một thế kỉ, rồi tiếp tục được hoàn thiện vào năm 1960, có những điều trong cuốn sách không còn phù hợp với hiện tại, nhưng ý niệm về bản chất của sự trưởng thành thực sự: "Và người tự do hoàn toàn có thể lìa xa hạnh phúc thuở thiếu thời mà vẫn trông thấy thế giới toả rạng hay cảm nhận sự trung thành như nhìn bằng con mắt trẻ thơ" có lẽ là bất hủ. Và theo quan điểm cá nhân, tôi không nghĩ Emil Sinclair đã tìm thấy bản thân mình một cách trọn vẹn. Bởi khi tìm được "chính mình" ấy, khi đến gần với bản ngã, cậu không còn cảm nhận được bình yên từ gia đình, từ "thế giới tươi sáng" của ấu thơ: "tôi đã từ từ, gần như là không thể nhận ra, dịch ra xa dần và ngày càng trở thành một người lạ với nó"; "những lần viếng thăm nhà chỉ khiến tôi trải qua cay đắng". Emil biết điều đó rất tồi tệ, song cậu không thể làm khác được. Sự trưởng thành của Emil Sinclair đã khuyết mất một mảnh tình.
Và cuối cùng, tôi vẫn muốn nhắc lại, Demian chú trọng đến sự thay đổi nội tại, từ đó ảnh hưởng đến hành vi bên ngoài. Vì vậy những ai mong chờ một cú hích từ thế giới ngoại vi để thay đổi, ảnh hưởng đến nội tâm và bản ngã thì đừng cố gắng đọc cuốn sách này. Bởi suy cho cùng, nếu chỉ xét những hành vi của Sinclair, chúng cũng giống như bao người trẻ tuổi khác, điều đặc biệt là sự đấu tranh từ bên trong.
"Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này." (Hermann Hesse)
-written by Vivid_amour-

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top