Trùng Khánh Sâm Lâm- Chungking Express: khua lên cảm giác đời trôi

Trùng Khánh Sâm Lâm gần như là tác phẩm điện ảnh đầu tiên tôi xem của Hồng Kông. Xem cách đây nhiều năm và mới trở lại xem gần đây. Không biết có phải ấn tượng ban đầu hay không tuy nhiên phim này là phim tôi thích nhất của điện ảnh Hồng Kông cho đến bây giờ. Và vì nó là tác phẩm thích nhất nên sẽ là phim mở đầu cho những bài viết về phim Hồng Kông trong blog này.

Tình yêu?

Đời?

Đôi lúc suy nghĩ miên man tình yêu là gì nhưng mãi miết nghĩ cũng chẳng thể tìm được định nghĩa nào chính xác cả. Thì thôi cứ biết tình yêu là tình yêu. Tuy nhiên trong Trùng Khánh Sâm Lâm, tình yêu rất lạ, lạ lắm. Tình yêu đầu tiên, cứ cho là tình yêu, bước vào cuộc đời của một viên cảnh sát và một nữ tội phạm cứ lấp lửng bay bay quay quay. Không phải tình yêu mà là cảm xúc lâng lên vui vì được nhớ đến. Không có nhiều cảnh quay chung, chỉ là những cảnh quay riêng mà thôi, cảnh quay hai con người với hai cuộc đời ngập ngụa trong cuộc sống. Lơ lửng như khi ta không chạm mặt đất mà đi vậy, lơ lửng như ta muốn bay mà vẫn bị lực hút níu lại. Bất cần để tiến đến một mục tiêu, lạnh lùng, tàn nhẫn nhưng không ẩm ương tạo nên những cuộc đời bế tắc. Bế tắc trong sự hoang mang trong tâm hồn tự hỏi ngày mai ra sao, sẽ ra sao và đâu là điểm tựa.

Hai nhân vật ấy chìm trong cuộc đời, nhận thức về cuộc đời và tự thay đổi đời mình dù không chắc ngày mai sẽ ra sao. Diễn xuất cuả hai diễn viên trong câu chuyện đầu tiên này có mức chênh lệch, tuy nhiên là khó tránh khỏi khi một người là diễn viên đã dày dạn kinh nghiệm trong khi người kia còn khá trẻ. Tôi vẫn nhớ đôi mắt buồn man mác của Kim Thành Vũ lắng lại nơi những suy nghĩ của nhân vật về cuộc đời, cùng đó là mái tóc vàng cùng nụ cười nhếch mép của Lâm Thanh Hà đã ấn tượng với bản thân mình như thế nào. Thế giới của hai con người ấy bơ vơ đến cô độc, với chỉ vài câu nói như nghĩa vụ vang lên, chỉ là những bước chân cô độc hướng về tương lai vô định, muốn bước đến tương lai nhưng mãi còn hoài vọng quá khứ tạo nên cảm giác hoài cổ không trọn cho nỗi lòng lang bạt trú tạm chứ không phải dừng chân.

Nhiều hình ảnh ẩn dụ nói lên nỗi hoang mang thời đại của cư dân Hồng Kông trước năm 97 được Vương Gia Vệ đưa vào , cảm giác mất một thứ gì đó không rõ ràng, cảm giác muốn níu giữ trước một thời hạn ấn định quá khứ đẹp ngày xưa luôn hiện lên trong phim nơi có mùa cũ thoáng chút dư hương. Một May này nhớ về một May kia hay một bộ phim nhớ về một thời cũ xưa. Cảm giác mất này chính là cảm giác đi qua một buổi chiều tối nhập nhẹm nuối tiếc ánh sáng của ngày cũ, lo lắng liệu ánh sáng ngày mới có đến, lo lắng liệu rằng tâm hồn có còn tồn tại đủ để lấp đầy thể xác dường như đang tan- rỗng dần.

Cảm giác trống dần, sợ sệt bị lãng quên đã được Vương Gia Vệ vẽ nên nguệch ngoạc bằng những cảm giác về bản thân và tình yêu nên cứ trôi vào lòng người dân Hồng Kông thời ấy như nói hộ nỗi lòng trong loạn thế của họ. Dường như nhiều năm trước tôi không hiểu nỗi phim này, chỉ biết thích cảm giác mông lung mà phim mang lại mà thôi, tuy nhiên xem lại và trãi nghiệm gần hơn một chút- với thời gian khiến cảm nhận đầy đủ hơn về cảm giác sợ bị lãng quên như thế nào, để... trân trọng cảm giác được nhớ đến vui biết chừng nào.

Đi qua câu chuyện thứ nhất, Vương Gia Vệ tiến một bước tiến để thổi một luồng hy vọng nhỏ đến với khán giả, một hy vọng nhỏ được lắp ghép bởi sự mông lung của tình yêu. Ở câu chuyện thứ hai, tình yêu rõ ràng hơn, tình yêu sáng hơn một chút, không dừng lại ở cảm giác biết đến nữa mà là những yêu thương vun vén sau lưng đối phương. Câu chuyện thứ hai thể hiện một hoài vọng về hy vọng. Hy vọng được chìm trong tình yêu, hy vọng được chú ý bởi người khác. Vương Gia Vệ đã viết lên câu chuyện thứ hai bằng những đoạn phim vui vẻ ngẫu hứng chìm trong những nụ cười vô định với những thói quen thường nhật đi qua đi lại trong cuộc đời của chính mỗi nhân vật. Câu chuyện chứa nụ cười và ánh mắt phớt đời của Lương Triều Vỹ đan xen trong sự vô tư của Vương Phi khiến phim tạo được cảm giác nghiện ngập trong những sự ngẫu hứng bay bỗng của nó. Bay bỗng không phải trong những ước mơ mà là bay bỗng trong trạng thái lơ lửng tạm thời mà tình yêu mang đến nhẹ nhàng.

Khi tương lai trờ đến mà con người không muốn đón nhận và níu kéo ký ức-không thể ở lại thì con người chìm trong cảm giác nghiện ngập tự tạo như một niềm an ủi để vịn vào nhằm đi trong nỗi bơ vơ cũng dễ hiểu mà thôi. Con người chưa trù bị đủ tâm lý để đón nhận sự đổi mới vì những mối tương quan trái ngược trong tư tưởng giằng kéo lẫn nhau. Không muốn chấp nhận nhưng mặc kệ và buông tay tìm một nơi trú tạm sau những lần lang thang. Nét tạm bợ mà phim nhấn mạnh xoáy vào khán giả của nó khiến phim rơi vào trạng thái mơ hồ đắt giá mang tính thời đại. Mơ hồ trong chính hy vọng được gầy dựng nên từ những vật liệu tạm bợ như một bài hát về California, như những lần trốn tiệm đi về ngôi nhà không phải của mình, như những cánh thư được giữ lại một nơi tạm trú để chính nó không phải để trở về và cũng chưa thể đến nơi.

Tình yêu mơ hồ cũng như một cuộc sống mơ hồ như đôi kẻ nghĩ đôi hướng về một câu nói tạm bợ tưởng chừng đã hiểu nhau, ước hẹn đó như một sự vô định mơ hồ bám vào những mơ hồ mà hy vọng vào một ngày mai. Nhiều câu hỏi liệu rằng ngày mai có thể có một điều quá khứ đã từng có mà chưa kịp nắm giữ thật chặt, ghì lên và xiết lại....

Cảm giác thụ động chờ đợi trong mặc nhiên, chờ đợi một điều ngày mai sẽ tới nhưng không biết sẽ ra sao. Đứng và chờ đợi, quay qua ngoảnh lại và chờ đợi trong những khúc nhạc âm lượng lớn. Những nhân vật trong phim chìm trong cảm giác mông lung khiến khán giả nghiện cảm giác vô định như chính những nhà làm phim xuất thần trong những ngày tháng ngẫu hứng kiến tạo nên những nhân vật từ chất liệu cuộc sống thực. Một hy vọng như hiện thực mà hiện thực như hy vọng được gởi vào tình yêu của cặp đôi sau nảy mầm những vẫn phớt đời như chính chủ nhân cuả tình yêu đó. Có sự đổi thay từ cô gái và cũng có sự thay đổi từ chàng trai trong khoảng thời gian tính bằng năm đợi chờ thay đổi.

Dường như trong phim chỉ là cảm giác mà thôi, cảm giác ảo bay qua không gian và gởi lại những tâm tư lặng lẽ lắng đọng trong hoang mang. Một niềm hoài cổ, một hy vọng bất định và những mảng màu cuộc đời hiện lên qua một màu vàng sậm của cảm giác ảo.

Vẫn như phong cách Vương Gia Vệ với những ảo giác bao trong phim của anh, Trùng Khánh Sâm Lâm cũng vậy tuy có lạc ra một chút ở cường điệu nhẹ nhàng hơn, nhiều tình tiết ẩn dụ tuy nhiên được ẩn dụ khéo léo trong vẻ đơn sơ của bộ phim. Chính điều này khiến tôi cảm nhận thích phim này hơn hẳn những phim hay khác được trau chuốt kỹ lưỡng của anh. Sự ngẫu hứng thăng hoa với dàn diễn viên diễn xuất tốt đã khiến những cảm giác của đạo diễn Vương thông qua những cảm giác của nhân vật đi vào cảm giác của khán giả. Một cảm giác mơ hồ như một lời ru trong đêm nhẹ trôi mỗi khi con người ta lạc trong bất định cần được vỗ về.... như tình yêu vỗ về những hoang mang...

Bình luận khác:

-

Thật ra HH cũng thích Trùng Khánh hơn Tâm trạng khi yêu đó chứ (A Phi chính truyện thì không hiểu sao không thích nổi ^^), nhưng vì thích Trùng Khánh quá, cứ muốn bay lên mây với nó nên không thể nào... xuống nổi và rốt cuộc không thể viết cái gì cho đàng hoàng về nó. Cái này giống như Dolls (nhưng HH ko thích Dolls lắm vì nó bi thương quá), lãng đãng, vừa hư vừa thực (hư nhiều hơn). Tâm trạng khi yêu thì khác, có cấu trúc rõ rệt, từng ý đồ của đạo diễn cũng thật rõ ràng, nên tuy không thích nó bằng phim này nhưng vẫn viết về nó dễ dàng hơn. Xem Trùng Khánh và cả A Phi thấy quay cuồng theo sự lãng đãng của các nhân vật. Nếu Tâm trạng khi yêu tiết chế tạo cho phim một cảm giác rất "tỉnh" thì phim này đạo diễn đã để cho tất cả những tư tưởng của mình bay bổng cùng các nhân vật.

Thích đoạn này nè

Khi tương lai trờ đến mà con người không muốn đón nhận và níu kéo ký ức-không thể ở lại thì con người chìm trong cảm giác nghiện ngập tự tạo như một niềm an ủi để vịn vào nhằm đi trong nỗi bơ vơ cũng dễ hiểu mà thôi. Con người chưa trù bị đủ tâm lý để đón nhận sự đổi mới vì những mối tương quan trái ngược trong tư tưởng giằng kéo lẫn nhau. Không muốn chấp nhận nhưng mặc kệ và buông tay tìm một nơi trú tạm sau những lần lang thang. Nét tạm bợ mà phim nhấn mạnh xoáy vào khán giả của nó khiến phim rơi vào trạng thái mơ hồ đắt giá mang tính thời đại. Mơ hồ trong chính hy vọng được gầy dựng nên từ những vật liệu tạm bợ như một bài hát về California, như những lần trốn tiệm đi về ngôi nhà không phải của mình, như những cánh thư được giữ lại một nơi tạm trú để chính nó không phải để trở về và cũng chưa thể đến nơi.

Lúc xem phim, không để ý nhiều tới bối cảnh HK bấy giờ nên cũng không nghĩ tới cảm giác chơi vơi thời đại, chỉ biết là mình cũng vẫn tìm thấy bản thân trong các nhân vật của phim dù mình không ở cùng thời đại/bối cảnh với họ.

Phim này HH không thích Kim Thành Vũ lắm vì có cảm giác người đẹp như vậy mặt dễ bị đơ, haha.

-

NH nghĩ phim Trùng Khánh Sâm Lâm hay chính là vì nó viết về tuổi trẻ, dù được đặt trong bối cảnh Hồng Kông chuyển biến nhưng với khán giả thì bối cảnh chyển biến khác vẫn liên hệ được, mà ai cũng có tuổi trẻ với những thời cuộc biến đổi.

Cảm giác bay bỗng trong phim này khiến cảm nhận của mỗi người khi xem khác nhau nhiều hơn, nhưng đều là cảm giác bay bỗng chấp chới trong những tình tiết lắng đọng rất lạ. NH thích đôi mắt buồn buồn của Kim Thành Vũ, thích nét trầm lắng trong tuổi trẻ 21 tuổi rầu rầu nhìn đời đó. Hihi. Diễn xuất thì Lương Triều Vỹ diễn tốt quá nên để lại nhiều ấn tượng, nhưng dù gì năm đó LTV cũng 32 tuổi với nhiều kinh nghiệm nên diễn thuần thục và thuyết phục là điều hiển nhiên, nhưng còn Kim Thành Vũ mới vào nghề nên còn chút gì đó chưa nhuyễn, đơ đơ khiến NH thích nét đơ đơ đó. NH hay thích diễn viên có cặp mắt rầu rầu lắm nha, dường như diễn viên NH thích mắt ai cũng đẹp và rầu rầu vậy hết.


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #review