Toukyou Monogatari

Toukyou Monogatari là đỉnh cao trong sự nghiệp của Thiền sư Ozu. Tác phẩm kinh điển này có được tầm phủ sóng rộng nhất đối với khán giả ngoài Nhật.

Toukyou Monogatari kể về câu chuyện Tokyo. Đối với tôi câu chuyện Tokyo này không phải là câu chuyện cụ thể mà là một câu chuyện về Tokyo thật sự, một câu chuyện về thành phố hoa lệ được Ozu thu nhỏ thông qua câu chuyện của một gia đình với hai vợ chồng già nhân chuyến thăm Tokyo.

Mang trong mình tư tưởng Thiền, bộ phim đi từ những sự việc hữu thường để trôi về vô vi. Mọi sự việc, hành động và cảm xúc đều được giản lược và mức độ giản lược ngày càng cao khi phim đi về cuối. Phim không có kịch tính mà chỉ là những thước phim nêu ra vấn đề và một chút suy nghĩ của những nhân vật chính trong nó. Từ đó phim trôi đi như chính cuộc đời trôi đi về những giá trị căn bản nhất tự thân.

Một câu hỏi lớn trong triết lý Phật Gíao cũng như tư tưởng Thiền là con người ta đau khổ vì nguyên nhân gì? Vì người khác mang họ đến với đau khổ hay vì chính họ mang lại đau khổ cho chính mình? Phim nêu ra những sự việc nhỏ nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa về cuộc đời. Chính điều đó đã khiến cho phim có được một dòng chảy như tự thân của tư tưởng về nhân sinh biến hóa không ngừng. Ngay lúc nhận ra cuộc đời luôn chảy theo dòng trũng thì con người cảm nhận được sự thay đổi trong bản thân mình, đối diện với cảm xúc của người khác bằng cảm xúc của chính mình. Thay đổi nó như một phần tất yếu mà không níu kéo thêm nữa.

Qúa trình miêu tả cảm xúc tinh tế của Ozu-sensei qua những thước phim tĩnh với góc quay tatami cứ bất động mà đi vào lòng người xem qua những cảm xúc đơn giản nhất. Những lát cắt đó như nhưng nét phác, nét kéo đều đều để tạo nên một chữ thư pháp mang trong nó cái hồn thấm nhuần giản dị nhưng sâu sắc. Cách làm phim của Ozu-sensei có tâm bình lặng nên những thước phim cũng bình yên trôi đi như cách bầu trời xanh trôi đi qua đôi mắt con người. Trong phim này có lẽ khán giả sẽ không tìm được một cảnh nào quá đặc sắc bởi cách làm phim phản điện ảnh của Ozu –sensei, mỗi khung hình chỉ là những lát cắt tĩnh ráp nối với nhau để miêu tả trạng thái động của lòng người mà thôi.

Lời thoại trong phim rất ít và cũng không được nhấn mạnh quá nhiều mà cứ đều đều vang lên qua những câu chuyện đối đáp qua lại giữa những thành viên trong gia đình. Những mẫu đối thoại như thơ haiku nhẹ nhàng, ngắn gọn nhưng chuyển tải đầy đủ ý nghĩa cần diễn đạt. Để miêu tả nước mắt luôn chảy xuôi, Ozu-sensei đã miêu tả lại qua cách ứng xử của bốn người con đối với cha mẹ già khi cha mẹ giờ đây đã không còn cần thiết trong cuộc sống của những người thị thành bận rộn nữa. Nhưng thông qua một vài câu thoại thôi khán giả đã có thể cảm nhận được những ý nghĩ được giấu kín trong đó. Những câu nói khách sáo nhưng lại có nhiều biểu hiện khách sáo khác nhau, những câu nói chấp nhận nhưng lại có nhiều biểu hiện chấp nhận khác nhau.

Hai người già đi với nhau qua người con trai cả với sự cầu danh tự hào vì danh vị ''bác sĩ thủ đô'' nhưng rồi vỡ mộng khi nhận ra rằng anh con trai cả chỉ là một bác sĩ của khu phố nhỏ trong thủ đô mà thôi. Và ông bà nhận ra mình là những người thừa trong cuộc sống của một người con. Ông bà đi tiếp qua nhà cô con gái có một hiệu cắt tóc riêng, nhưng ông bà lại sớm nhận ra sự thay đổi của một người con gái đã có chồng hơn nữa. Sau đó ông bà được gởi khéo đến suối nước nóng để các người con rảnh rang với công viêc của mình. Ông bà nhận ra mình là người thừa đối với đứa con thứ hai. Chỉ duy nhất người vợ góa của đứa con trai đã mất ân cần tiếp đón ông bà trọn nghĩa trọn tình mà thôi, tiếp đón bằng tấm lòng quý trọng, vui mừng được dẫn ông bà đi chơi và ghé vào nhà mình.

Tôi chợt nhói lòng khi thấy cảnh hai người già đi về từ khu suối nước nóng và rồi lặng lẽ lên đường chẳng dám phiền con cái tiếp nữa. Cách người ông tìm chỗ ngủ nhờ lại một đêm khiến tôi ngỡ ngàng với sự vô tâm của chính con người. Mẫu đối thoại của hai người già lúc ở ngoài trời khi nói về Tokyo rộng lớn và lỡ họ lạc nhau được miêu tả rất nhẹ nhàng nhưng mang nỗi buồn nặng trĩu.

Càng về cuối, phim càng sắc bén hơn với những mẫu đối thoại tưởng như bình thường. Đặc biệt cuộc đối thoại của mẹ chồng-con dâu và những giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ. Người ta thường nói con dâu là người nhà cũng vì lý do có quan niệm rể khách, dâu con đã trãi qua thời gian kiểm chứng. Đặc biệt ở đây lại là một người con dâu ở góa nên tình mẹ chồng-con dâu càng sâu sắc hơn nữa. Cảnh người bố trở về say ngất nằm trên chiếc ghế của hiệu làm tóc sau khi trút bầu tâm sự đè nén trong lòng cùng bạn bè như một bước chuyển lớn khi tâm lý của ông thôi không còn níu kéo danh vọng phù phiếm thông qua hình ảnh những đứa con nữa. Và cũng thông qua đó khiến tôi cảm giác nhà con gái đúng là nhà của khách mà thôi. Có thể với xu hướng bình đẳng nam-nữ ngày nay, nhiều người sẽ phản bác lại ý nghĩ này. Tuy nhiên tôi tin rằng nếu ai đã trãi qua và suy ngẫm sẽ thấy rõ ràng tư tưởng xuất giá tòng phu đã ăn sâu vào chính suy nghĩ của người trong cuộc thì câu chuyện về người con gái là một hiện thực rất bình thường đối với xã hội ngày nay trên số đông, điều mà cần trãi nghiệm chúng ta sẽ nhận ra sự quan sát tinh tế của Ozu-sensei để tạo nên những lát cắt chính xác như thế.

Đoạn kết của phim không có kịch tính mà chỉ có những lát cắt về những cảm xúc và tư tưởng của con người. Mỗi hành động nhỏ thôi, mỗi suy nghĩ nhỏ thôi đều biểu hiện tình cảm rất rõ nét giữa những thành viên trong gia đình với nhau. Thái độ thản nhiên hay lo lắng khi các thành viên trong gia đình tiếp nhận sự ra đi của người mẹ được Ozu miêu tả tinh tế đến buốt đau trong không gian bình lặng và thản nhiên như mọi việc phải xảy ra. Câu chuyện nhỏ về chiếc áo tang, câu chuyện về bộ kimono, về những bát cơm trong ngày đưa tiễn bỏ qua lớp áo diễn bình thường là những tâm lý sắc bén cứa vào tình thương gia đình của mỗi người xem. Tình người vượt lên tình thương cục bộ mà tạo thành sự chia sẻ chỉ những người trong cuộc mới hiểu rõ những cảm xúc lặng lẽ ghi khắc vào tim..

Phải nhắc lại rằng Ozu-sensei là một bậc thầy trong việc miêu tả cảm xúc bằng cái tĩnh trong tâm hồn. Những câu chuyện không phức tạp bình lặng đi qua tạo nên cảm xúc phức tạp của con người, thứ cảm xúc mà đôi lúc một người nào đó bỏ quên vì nghĩ rằng không cần thiết. Toukyou Monagatari là một phim viết về gia đình trứ danh có giá trị vĩnh cửu như chính giá trị vĩnh cửu của gia đình trong chuỗi luân thường của kiếp người. Chính vì vậy khó có một bộ phim nào khác đạt đến mức sâu sắc trong nét đơn giản tuyệt đối mà Ozu-sensei đã không tì bút phác nên những lát cắt bằng sự tĩnh lặng của tâm hồn.

Tôi không muốn đi thật sâu vào các cảnh phim nhỏ mà muốn dừng ở đây để nếu ai chưa xem phim sẽ chú ý vào những cảnh quay được tôi nêu lên phía trên và đưa ra lý giải cho riêng mình. Đối với dòng phim của Ozu-sensei lý giải là rất cần thiết, tuy nhiên mỗi người sẽ có những lý giải riêng để khiến những cảm xúc của các nhân vật trong phim biến thành cảm xúc của mình và ghi khắc nó vào tim. Đó là đường đi mà Ozu-sensei muốn người xem đi trên cảm xúc của chính người xem đó để tìm vào cảm xúc của ông bằng phương pháp tịnh tâm suy nghĩ.

Có rất nhiều gia đình, tuy nhiên đối với một người cụ thể thì gia đình chỉ có một mà thôi. Hãy đi qua bộ phim để tìm đến gia đình của chính mình theo cách mà bạn muốn đi. Xem phim để hiểu thêm về sự tuần hoàn của nhân sinh cũng như sự tuần hoàn của con người trong cuộc sống bình thường như bao đời vẫn thế.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #review