Talk to her - Lênh đênh băng qua giới hạn

Giới hạn, theo tôi định nghĩa, là những rào cản mà người ta nghĩ dù bằng cách nào cũng không thể vượt qua, hoặc không được phép vượt qua do sợ hậu quả mang lại. Đó là một khái niệm tương đối, tương đối với từng người và với từng hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy vượt qua giới hạn cũng là một khái niệm tương đối mà thôi. Khi nhắc đến giới hạn người ta sẽ nhắc đến các ràng buộc, và khi nhắc đến vượt qua giới hạn thì người ta sẽ nhắc đến những phương thức vượt qua ràng buộc trong việc hoàn thành mục đích hành động được giới hạn, hoặc đạp đổ chính giới hạn ấy. Vượt qua giới hạn có thể dẫn đến hậu quả tích cực và/hoặc tiêu cực, tùy theo những tiêu chí ràng buộc khác nhau. Hôm nay viết về Talk to her (tên gốc là Hable con ella) để nói về giới hạn, phần được phim dựng hay nhất, mới lạ nhất khi đề cập đến tình bạn, tình yêu và trên hết là những mảnh tình giữa người với người trong một câu chuyện lắng lòng thoáng chút miên man.

Talk to her được dựng kết hợp tính hiện thực và tính trừu tượng. Hiện thực như mùa thu thay lá xào xạc gió bay, và trừu tượng trong những khao khát yêu thương nồng nàn thẳm sâu. Phim là một câu chuyện về những con người tình cờ biết nhau trước rồi mới quen nhau. Bốn nhân vật chính trong câu chuyện là những con người bình thường với những công việc bình thường. Là Marcos, nhà báo của một tạp chí du lịch, là Lydia, một nữ dũng sĩ đấu bò, là Benigno, một nam y tá trong một bệnh viện tư, cuối cùng là Alicia, một học viên múa ballet. Bốn con người có mối liên hệ với nhau nhờ vào buổi biểu diễn tác phẩm Café Müller của nữ biên đạo múa người Đức trứ danh Pina Bausch. Benigno nhìn thấy Marcos khóc khi xem và ghi nhớ hình ảnh ấy để rồi hai người tình cờ gặp lại nhau tại bệnh viện, nơi Benigno làm việc. Thông qua tâm sự của hai người đàn ông về tình yêu, về sự cô đơn, về hy vọng thì bốn cuộc đời và hai mối tình trở về với hiện tại và quá khứ đan xen, với những khúc mắc lẫn trống trãi hiện lên qua những khác biệt, day dứt và buồn thương.

Nghệ thuật múa có ảnh hưởng đậm nét đến phong cách của đạo diễn, vở Cafe Muller được dùng làm những scene ảnh mở đầu đầy cảm xúc, thứ cảm xúc được đánh thức từ thâm tâm của mỗi con người, không kể họ là đàn ông hay đàn bà. Nội dung Cafe Muller nói đến cảm xúc ương dở của ký ức, của thâm tâm hoài vọng lưng chừng giữa tâm hồn trẻ thơ và tâm hồn người lớn. Những vũ công diễn như hư ảo, như mộng du để thể hiện những nỗi đau và sự lạc lõng của những tâm hồn ngây thơ, nhưng cũng sầu thảm đó. Bằng động tác múa uyển chuyển lướt đi chậm trôi đồng điệu với nhau thể hiện sự mơ hồ bất định giữa chập chùng vật cản. Những điệu vũ mơ hồ vẫn tự do bay đi, và để những điệu vũ ấy được tiếp diễn thì cần có một người tỉnh trí dọn đường – một người lặng thầm bên cạnh sự mơ hồ ảo ảnh, vì thế người ấy lại càng mơ hồ ảo ảnh hơn. Câu chuyện của Talk to her là như thế, là câu chuyện của những con người lặng thầm cuồng nhiệt trong hư ảo hướng về phía hoài vọng thẳm sâu. Những con người tạo nên nỗi nhớ huyền diệu, những nỗi nhớ đi vào lòng người dịu dàng mà cháy bỏng. Và như Pina Bausch luôn tìm kiếm ngôn ngữ thể hiện cho nghệ thuật múa thì đạo diễn nổi tiếng người Tây Ban Nha Pedro Almodovar cũng đi tìm cách thể hiện đắc địa nhất để ôm ngôn ngữ múa vào lòng bộ phim, và đã thành công trong việc tạo nên một tác phẩm đẹp như một vở ballet nồng nàn và da diết trong cảm xúc vấn vương.

Cách dựng phim của đạo diễn Pedro Almodovar là một cách dựng tượng trưng gần gũi bằng những khuôn ảnh lẳng lặng đeo bám theo tâm tư của các nhân vật, của nỗi nhớ và của những kỷ niệm. Mở đầu liêu trai tạo nên ấn tượng miên dọc theo sườn phim là sự trắc trở của tâm lý nhân vật, là sự bình lặng ru người xem vào không gian êm ả thoáng chút lung lay trong ánh mắt. Sự rung lắc ấy là hàng nước mắt của Marcos dành cho vở kịch, là chút man dại trong khóe mi Lydia khi lái những chú bò tót, là sự tận tụy trong ánh nhìn của Benigno dành cho Alicia nằm bất động. Tất cả mơn man một điều gì đó lên cảm nhận của khán giả, cái cảm giác bình yên đến bình lặng của cuộc đời mỗi nhân vật, để rồi dự báo cho giới hạn bình yên dậy sóng chông chênh vào thời khắc quyết định.

Lydia bị chấn thương não sau tai nạn đấu bò nên sống thực vật tại bệnh viện do Benigno làm việc. Qúa khứ của họ dần được vén màn theo những cuộc tâm sự của hai người đàn ông. Lydia đến với Marcos khi anh đang chìm trong mối tình đã đổ vỡ mười năm của mình, cô đến để mở dần tâm hồn khép kín của anh sau những chuyến độc hành khắp thế giới. Nhưng cuộc tình giữa LydiaMarcos cũng có nhiều trắc trở do chính những vết thương lòng mà cả hai giữ lấy. Pedro Almodovar miêu tả tình yêu giữa LydiaMarcos bằng những scene thời lượng rất ít nhưng bằng tài năng rất sâu, những khuôn ảnh kết hợp cùng âm nhạc cứ tự nhiên tạo nên dư âm trong lòng khán giả, là một cái ôm choàng sau lưng đầy rung cảm với cú di máy điêu luyện, là những ánh mắt mênh mang trầm mình vào nắng lo lắng cho người yêu thương. Tất cả tuy ít nhưng lại quyến rũ khán giả bằng vẻ lẳng lặng đến miên man.

Nếu đạo diễn nhắc đến Marcos để tả giới hạn bởi Marcos là một con người bình thường như bao người, là một người hiểu chuyện và sống chừng mực thì Benigno lại là một người khác hoàn toàn, một con người sống với lý tưởng và tình yêu theo một cách rất riêng. Benigno là một người yêu nhiều hơn mức đủ của người khác, dù đó chỉ là những cảm tình đơn phương do mình mình anh ta xây đắp nên. Cứ xem cái cách mà một người đàn ông như Benigno chăm sóc thân thể của Alicia khán giả sẽ thấy rõ được sự nâng niu mà anh dành cho cô gái ấy, sự nâng niu khiến nhiều người ái ngại cho khoảng cách giữa hai con người khác giới. Nhưng với tình yêu thì khoảng cách ấy có hề gì khi được thật gần bên cạnh người mình yêu, gần hơn nữa và gần hơn nữa...

Spoiler: Và gần hơn nữa chính là khao khát yêu thương và được yêu thương, khao khát hòa quyện hai thân thể làm một, khao khát được mơn man tình yêu, được ve vuốt tình yêu và được thăng hoa trong tình yêu. Với một con mắt bình thường thì hành động ái ân với một cơ thể bất động là bệnh hoạn, là phạm pháp. Nhưng với con mắt của tình yêu thì hành động ấy chẳng có gì đáng lên án, nếu không nói đó là một hành động đẹp nhất mà tình yêu mang lại cho con người, nơi người ta dám vượt qua mọi rào cản để gần bên nhau. Chúng ta đồng tình rằng hành động ân ái khi một bên không đồng ý là hành động sai trái, nhưng chúng ta có chắc là Alicia không đồng ý hành động của Benigno không? Cô ấy sống thực vật là cô ấy chẳng biết gì, là sex doll cho Benigno mà thôi phải không? Tôi cũng chẳng chắc chắn, nhưng tôi biết những người sống thực vật không vô hồn như người ta vẫn tưởng!

Họ nằm đấy bất động nhưng họ vẫn cảm nhận được bằng những ý thức sót lại, phần ý thức máy móc không đo đạc được. Phần ý thức còn lại của họ đấu tranh với khoảng trống bao la của vô thức, đấu tranh để vực dậy mơ ước sống sót. Và điều họ cần là người khác tin họ vẫn còn đó, vẫn còn hiện diện để có cơ may trở về thay vì nghĩ họ là một cái xác không hồn. Chính điều đó khiến họ cần một người khác ở bên cạnh họ, động viên tìm lại ý thức trong hỗn mang khoảng trống bao la ấy. Họ cần sự chia sẻ, cần được trò chuyện và hơn nữa là cần được yêu thương và bày tỏ tình yêu thương đối với họ. Những con người sống thực vật dù ở mức độ nào đi nữa, ở mức hôn mê thực vật, hôn mê sâu hay ngay cả hôn mê vượt ngưỡng thì biết đâu đấy họ đang bị Chúa trời nhốt trong tiềm thức mà thôi, để rồi một ngày nào được đánh thức dậy, nguyên vẹn và thần kỳ.

Để yêu được một con nguời tưởng như đã chết cần hơn một sự can đảm, để tự nhốt bản năng của một con người tự do vào chiếc lồng tiềm thức chung của người sống thực vật. Benigno đã yêu trong thầm lặng chỉ một hình bóng ấy, để rồi cô ấy nằm đó trong vòng tay yêu thương của cậu sau một tai nạn. Chính ở nơi đó cô ấy cần một phép màuBenigno chính là tác nhân đánh thức phép màu đó, đánh thức bản năng của một con nguời, của một phụ nữ để thoát ra khỏi chiếc lồng tiềm thức giam giữ. Chính những ái ân của Benigno là đỉnh cao của những yêu thương mà Alicia cần có, để được đánh thức dậy như nàng công chúa ngủ trong rừng để và bừng tĩnh trở về cuộc sống. Tình yêu của Benigno có chút bệnh hoạn đó, có chút khác lạ đó nhưng lại chợt nở hoa ở giây phút bất ngờ nhất, giây phút của tình yêu và chỉ dành cho tình yêu trong kiếp người. Tình yêu của Benigno chợt nở hoa như thế, như cánh hoa quý vươn mình trên triền đá trọc bất ngờ tỏa hương, thứ hương trầm lan tỏa tâm hồn.

Trên cơ sở khoa học thì chưa chắc hành động của Benigno đã mang lại kết quả tôi nêu, chúng khó, nếu không nói là không thể, bác bỏ hay kiểm chứng. Chúng là một cái gì đó vượt qua tầm kiểm soát ý thức của con người nên là một phạm trù khó nắm bắt. Nhưng hành động vượt qua giới hạn của Benigno chính là hành động phá bỏ mọi quy ước của con người trong tình yêu, là một hành động vượt lên trên sự bệnh hoạn để tôn vinh tình yêu, thứ tình yêu cuồng nhiệt, chân thành muốn hiến dâng những gì đẹp nhất với khao khát mãnh liệt nhất. Sex scene của phim là một trong những cảnh quay khác biệt nhất mà tôi từng được xem qua, một sex scene lạ lùng, đầy trừu tượng nhưng đắm say khi những người yêu nhau khao khát hòa vào nhau, khao khát ở trong nhau. Tất cả chỉ có thể cảm nhận bằng con mắt của tình yêu mà thôi, đầy rung động nhưng cũng đầy bất ngờ khi mọi khoảng cách bị đạp đổ để xây dựng nên thành trì – chỉ dành cho tình yêu.

Nhưng luật pháp không tồn tại khái niệm tình yêu, nên Benigno phải trả giá cho sự xâm phạm của mình vào thân thể của người khác. Luật pháp không hề sai khi bảo vệ sự nguyên vẹn thân thể của những con người không thể tự bảo vệ mình. Chỉ là tình yêu của Benigno lớn quá tầm của luật pháp, lớn như một kẻ khổng lồ chỉ muốn ôm trọn người yêu mặc kệ trời đất có ra sao. Vâng, Benigno là một kẻ khổng lồ trong tình yêu, một con người chỉ biết yêu mà không cần nhận lại, chỉ biết toàn tâm hướng về tình yêu dể sống và hiến dâng. Bi kịch của phim là bi kịch của một kẻ khổng lồ sống lạc trong thế giới con nguời – thế giới không thể giữ lấy kẻ khổng lồ ấy, nên chỉ có lòng đất mới đủ khoảng không để dung dưỡng và bao bọc cho Benigno mà thôi. Bi kịch đến đẹp nhất trong dang dở và ngập đầy trong hoang mang. Alicia tỉnh dậy, nhưng khi ấy đã là một Alicia khác, một Alicia không còn là của duy nhất Benigno nữa nên Chúa trời đã không để Marcos nói với Benigno rằng Alicia còn sống, bởi sợ tình yêu của Benigno quá lớn với cô gái của cuộc sống bình thường, của sự hòa nhập thay vì cô độc như của Benigno. Benigno được Chúa trời mang đến cho Alicia như một thiên thần đánh thức bản năng sinh tồn, thì khi Alicia tỉnh dậy cũng là lúc thiên thần phải ra đi, để về với Chúa. Bởi Chúa trời là hiện thực, chứ không phải là những viễn vông trong suy nghĩ con người.

Nhưng, dấu ấn của Benigno thì vẫn còn ở nơi đó, vẫn còn trong từng hơi thở, từng ánh mắt mà Alicia gởi cho đời. Ending scene của phim được Pedro Almodovar trở lại với nghệ thuật múa bằng vở Masurca Fogo, một vở múa có ý nghĩa khác biệt, như để bổ sung và khép lại, vở Cafe Muller. Masurca Fogo với nhạc khúc samba Latin đầy khêu gợi để nói đến ham muốntình yêu, nói đến cuộc sống bình thường với một chút mỉa mai và một chút chua xót. Và để nói đời vẫn tiếp diễn như cách mà nó vốn diễn ra, khô khan như hiện thực, như những phép màu ẩn thân, như cách mà sâu thẳm trong một nguời phụ nữ là chất cảm xúc nam tính, hay như cách thẳm sâu trong một người đàn ông là những cảm xúc nữ tính, chúng ta hòa trộn vào nhau, như cái cách mà vở diễn Masurca Fogo không miêu tả nhưng nhắc đên một cảnh dục tình khơi gợi nhục dục để rồi đi qua nhục dục bằng những không gian riêng biệt của từng người. Chính không gian riêng ấy nương nấu trong mặt bằng chung của thế giới hỗn loạn này, dài theo con nước rộng mênh mông, và mọi giới hạn lại được vẽ nên để xác định độ mênh mông của đất trời. Chúng ta vẫn hòa nhập vào giới hạn đó và vẫn đôi lần phá bở giới hạn đó để lênh đênh về những miền nhớ chỉ dành cho chúng ta, như ánh nhìn Benigno vẫn thấp thoáng trong đôi mắt của Alicia khi nhìn thấy Marcos, cũng như cái cách mà Marcos nhìn Alicia khi trên sân khấu chỉ còn là một khoảng không thiên đường chỉ còn hai người, và dành cho hai người mà thôi...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #review