Review Rashomoon

Phim này kinh điển rồi nên khen cũng bằng thừa. Vì thế tôi chỉ nói bâng quơ vài suy nghĩ khi xem thôi. Tôi thích phim này và cảm nhận phim rất hay tuy nhiên tôi không thể xác định được tình cảm của bản thân với bộ phim. Một số bộ phim khác tôi có thể nhận ra bản thân thích hay ghét, nhiều hay ít. Với Rashomoon là cảm giác lưng chừng, và... tôi yêu cảm giác lưng chừng mà tôi cảm nhận được từ phim!

Phim sâu sắc với những nỗi trăn trở về con người, về thế giới vị kỷ của mỗi cá nhân qua những lời kể của họ. Câu chuyện được thêm bớt khi đi qua môi trường phân khúc trong trí óc của mỗi cá thể riêng biệt. Nói văn vẻ là thế, nói theo cách nói của dân gian ta là bớt mắm thêm muối vào với quan điểm và góc nhìn của người kể. Cách kể chuyện này không phải duy nhất ở Rashomoon mới có, trước đó Agatha Christie cũng đã sử dụng cách phân tán người kể trong Five Litte Pigs rồi. Nhưng Rashomoon sâu sắc hơn khi đặt ra được rất nhiều câu hỏi trăn trở người xem.

Phim hấp dẫn với sự khác biệt trong những lời kể về một vụ án dạng như phòng kín mà một trong số những người kể là hung thủ. Mỗi sự khác biệt trong lời kể đều có mục đích sâu kín vị kỷ riêng cả, ngay cả nếu như họ tự nhận họ là hung thủ. Phim hay ở tính cá nhân của mỗi lời kể được gắn vào quan niệm của con người Nhật thời kỳ phong kiến. Để rồi cuối cùng khi xem tôi tự hỏi liệu biết được hung thủ để làm gì? Tính tò mò của khán giả bị khai thác tối đa và bị triệt tiêu lần lượt với những câu chuyện được đặt trong không gian ba chiều như chính khung cảnh mà đạo diễn Akira Kurosawa đã trau chuốt tạo nên.

Phim hoành tráng trong khung cảnh tàn tạ của chốn Lã Sinh Môn bạc thếch. Xem phim bạn sẽ biết được tại sao người ta nhớ dấu ấn Mưa của Akira Kurosawa . Mưa được dựng đẹp đìu hiu mà dữ dội, những cột trụ chỏng trơ dưới cơn mưa trơ gan cùng tuế nguyệt, những chiếc mặt nạ anh hùng vất vưởng ngước mặt tắm bụi trần và nhìn trời. Nước mưa màu sậm do được pha với mực tạo nên cảnh quay hoành tráng chấn động làng điện ảnh thời kỳ đó. Mưa xối xả rả từng loạt tia nước vào lòng người khiến không gian trở nên bạt ngàn và mênh mông để con người không thể lẩn trốn được nỗi sợ hãi và hoang mang của bản thân.

Ngôi đền mục nát vẫn còn trơ lại nền móng quá vững chắc nhưng mái đền đã mất đi một nữa rồi. Vách gỗ mỏng manh đến nỗi con người chỉ cần dùng sức có thể bẻ gãy chúng để làm củi chụm tìm kiếm hơi lửa trong một ngày mưa. Không gian quạnh quẽ đó mỗi người đi tìm cuộc đời trong suy nghĩ của chính mình, mỗi người mang trong họ một phần sự thật và một phần giả dối. Rả rích trong những cơn mưa và gió lạ đưa đẩy những hàng nước bay trong làn bụi mù. Mưa vẫn ở đấy, gió vẫn ở đấy, con người cũng ở đấy nhưng chỉ thấy sự đìu hiu mà thôi.

Sự ảm đạm, thê lương của một ngày mưa đối lập với ngày xảy ra án mạng, một ngày nắng đẹp tan trong gió ve vuốt những bụi cây. Một chiếc nón có mạng che mặt, một chiếc áo choàng có-mất và những thanh gươm sáng choang ánh kim gieo vào lòng người nỗi sợ hãi.

Bạn có thể tiếp cận với phim theo động cơ giết người. Chỉ xin lưu ý rằng thời đại trong phim là thời đại của samurai, một chế độ khác bây giờ rất nhiều, hành động giết người có thể được bao biện bằng danh dự, luật sappuku (hanakiri) ảnh hưởng trong thời kỳ này rõ nét. Những điều lưu ý đó có thể có ích khi bạn lý giải những lời kể hữu mục đích của các nhân vật. Đừng tin ai cả, trong hoàn cảnh mà người ta sẽ hành động vị thân trước tiên nên sự thật chỉ thể hiện sau lời kể đó nếu bạn loại bỏ được mục đích giấu kín sâu xa ở trong. Một điều lưu ý nữa, hãy tin những lời kể là có thật dù nó được kể dưới hình thức nào, nhưng nhắc lại đừng tin những lời kể đó là thật. Tôi vòng vo như vậy vì muốn hạn chế tối đa spoiler khi review dòng phim này.

Nhắc đến spoiler thì nhắc luôn yếu tố bất ngờ trong phim, phim đầy bất ngờ có thể khiến bạn ngớ người khi xem. Các twist của phim được thắt mở hoàn chỉnh khiến câu chuyện mông lung hơn và rã đúng vào lúc cấu trúc tứ thể tưởng chừng hoàn chỉnh để câu chuyện trở về thế tam thể vững chắc cho câu chuyện. Sự tình cờ có mục đích giải tỏa phần nào đó sự bức bối khi xem của khán giả. Âm thanh trong phim được ấn tượng và trung thực khiến khán giả òa lên theo những âm thanh cuối. Tất cả đều tan tành trong vụ án đó, con người và không con người lập lờ với những toan tính thì trên một mặt khác của cuộc sống người ta mang trong họ một con người khác. Những con người đa nhân cách đã là một hiện thực không thể phủ nhận như chính sự tồn tại của con người từ thửu khởi nguyên. Hiện thực vẫn là hiện thực và hiện thực chứa trong nó sự lập lờ mà khó ai-những người không chứng kiến thời khắc sự việc xảy ra- hiểu chính xác qua sự truyền tụng ngược lại bằng cách nào đó dưới quan niệm của đối tượng truyền dẫn.

Nguyên tắc độc nhất, không lặp lại được Akira Kurosawa , một người thuộc dòng dõi samurai thấu hiểu đến tột cùng đã đưa một cuốn truyện ngắn cổ lên tầm cao mới. Cảnh kết phim, khi con người đứng trước chiếc cổng rộng, tượng trưng cho sự chuyển giao và thay đổi mang đến cảm giác chợn vợn hy vọng vào một điều gì đó xa xăm. Sự cướp đi và sự thu về tựu lại cũng vì là con người, và con người phải sống với cuộc sống đã được chọn lựa. Niềm tin là một thứ huyền hoặc trong thế giới con người biết tư duy, tư duy sinh ra lừa dối, vì thế niềm tin mới đang trân trọng.

Akira Kurosawa sống trong thời kỳ chiến tranh nên cách ông cảm nhận về cái chết và những cảm xúc in hằn dấu hiệu của cái chết rất thực. Mỗi thước phim, mỗi cảm xúc của nhân vật như ẩn hiện qua cách con người kể lại một cái chết thực trong sự giả dối ấy, trong những nụ cười, trong những lần khóc, trong sự quằn quại, trong day dứt đặc tả cách con người đối diện với thế giới của chính mình như thế nào. Thủ pháp lấy giả tả thực xuất sắc đánh động khán giả về chính cuộc sống của họ, đánh vào sự trọng thị bản thân mà con người ta luôn phải giấu nên muốn giấu để có thể tồn tại.

Anh hùng-tiểu nhân gặp nhau trong hoàn cảnh trớ trêu. Nam quyền-nữ quyền gặp nhau trong xã hội vốn dĩ chứa nhiều điều bất bình đẳng nên con người cần hành động tự tìm bình đẳng cho bản năng của bản thân. Khán giả có quyền lên án, cảm thông như chính những nhân vật trong đó lên án, cảm thông cho nhau. Nhưng khán giả cũng có thể lặng người trước nỗi đau thực chất của con người mà đã là con người thì ai cũng có và tìm cách thích nghi với nó mà thôi. Có thể bạn phủ định đó không phải là sự thật, có thể bạn cho đó là một góc nhìn bi quan về cuộc sống này nhưng đó là sự thật trên ngưỡng mà một con người cần trãi qua chiêm nghiệm nó để thấu hiểu bản thân mình hơn nữa, thấu hiểu và thả tâm hồn vào cơn mưa ào ào tuôn nơi cuối cổng trời để đổi thay.

Tiếng khóc trẻ con oe oe ngẫu nhiên vang lên che đi mưa, che đi bao điều được cơn mưa rả rích gột rửa với hy vọng chợn vợn lăn trong ánh mắt cân bằng tâm hồn bằng phương pháp bù trừ....

Nhiều phim sau này từ nhiều nước được thực hiện theo cách kể chuyện phân tán này như Anh Hùng của Trương Nghệ Mưu, một phim Việt Nam cũng vậy nhưng tầm có lẽ không thể so sánh với Rashomoon được. Nếu ai có hứng thú với cách kể chuyện này có thể tìm xem để ủng hộ phim Việt. Bộ phim đó có ca khúc chủ đề đặc sắc mang cùng tên là Hạt mưa rơi bao lâu, nhạc phim đặc sắc và ... hay hơn phim (tất nhiên so sánh đã mang sẵn tính khập khiễng)!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #review