Quỷ luyến hiệp tình - Kiếm hiệp thơ

Nghe cái tên Quỷ luyến hiệp tình thấy chút ma quái. Công nhận anh Cổ Long đặt tựa hay, bay bay và mang mang để người đọc phiêu phiêu. Cái tựa trong truyện Cổ Long cũng như nội dung truyện mang đậm tính thơ. Chúng như một cơn gió nhè nhẹ lướt thướt qua cảm quan của khán giả, để rồi khiến người ta vương mang. Ờ thì hôm nay tôi nói về tính thơ trong truyện Cổ Long một chút.

Trước tiên phải nói tính thơ trong truyện Cổ Long chính là ... thủ phạm khiến bao bận phim chuyển thể chả ra mô tê gì đấy. Thơ, tức là không thể diễn xuôi mà vẫn giữ lấy cái hồn túy của tác phẩm được. Phải chăng thơ đơn giản là chút ngơ ngơ, thoáng đơ đơ, tí bơ bơ và ... quơ quơ nên sơ sơ? Hay thơ là đời lơ khơ nên tất cả kết lại bằng chút bơ vơ...? Trời ơi, thơ là thơ, là phơ phơ để được mơ mơ giữa cuộc đời, tôi diễn tả bằng cách nào cái tình thơ lơ tơ mơ đây! Diễn tả làm sao cái sự thi vị của những cảm xúc thấp thoáng ẩn hiện để rồi chúng cô độc lang thang trong trái tim của chúng ta đây. Thôi, không diễn tả nữa, ai hiểu sao thì tùy, diễn dịch tiếp đây.

Đấy, cái ý thơ bay bỗng trong truyện Cổ Long về những con người bạt gió giang hồ khiến thần thái phim tựa như làn mây bay ngang chân trời. Mà mây bay thì dễ gì mà một bộ phim có thể chuyển tải được, vì có người thì mây bay dọc, có người mây bay nghiêng, và có người là mây chếch bay, chuyển tải kiểu gì để người ta vừa độ ngắm mây bay đây?

Truyện, là vô ảnh nên gắn liền với trí tưởng tượng, người ta có thể tưởng tượng Sở Lưu Hương với mắt bồ câu bay bên mày ngài, với mũi dọc dừa đứng trên làn da tuyết rươm rướm nắng và đôi môi hớt gợi tình rung rung, cạnh đó là bờ tóc huyền mượt phất phơ chao trong một thân hình non gầy thì tôi đố ông đạo diễn nào casting cho vừa lòng tham của trí tưởng tượng, bởi vì nó không có thực, hoặc nếu thực thì là một bản mặt plastic. Con người mà, không có một vẻ đẹp thực nào đẹp bằng vẻ đẹp trong tưởng tượng cho được, không có cảm xúc nào mỹ thuật cho bằng nỗi nhớ được đâu. Cái hay của truyện Cổ Long là ở chỗ ấy, khi anh viết để gầy nỗi nhớ vào lòng người đọc, để rồi nỗi nhớ về các nhân vật cứ khiến họ nhẹ vương.

Khi bàn về truyện Cổ Long tôi không muốn phân tích toàn bộ truyện, rất không thích, bởi vì Cổ Long đâu có chơi ván cờ về đời người như Kim Dung, Cổ Long chỉ đơn giản tả cuộc đời của những con người như chúng ta mà thôi. Mà anh tả thì tôi mường tượng cảm nhận, không phiền, rất không phiền để du chơi cùng anh trong trí tưởng tượng của mình. Cổ Long là một người sành tính giang hồ hơn Kim Dung nên thế giới giang hồ của anh hào sảng hơn, mà cũng lãng mạn và bay bỗng hơn. Anh thua Kim Dung ở bố cục chi tiết thời cuộc, anh không sành bằng Kim Dung trong thế giới mưu chước quyền lực, bởi vì anh không miêu tả đường đi của danh vọng, anh chỉ miêu tả lại mảng mưa giang hồ rơi nghiêng nghiêng, và tôi cảm nhận được ở anh lòng trân trọng trong những cơn mưa giang hồ mà anh nặng mang.

Ở Kim Dung, tôi luôn cảm nhận được tính chất đấu đá trong ngòi bút, nhưng ở Cổ Long thì không. Kim Dung viết về những loạn lạc trong thời cuộc để xây dựng nên hình ảnh anh hùng do chịu ảnh hưởng của những Tam Quốc Chí, Thủy Hử. Còn Cổ Long chịu ảnh hưởng của làn sóng văn học lãng mạn phương Tây nhiều hơn, dòng văn học thoát ly khỏi thực tại để được phiêu lưu vào tận sâu cảm xúc. Tính thơ của truyện Cổ Long bắt đầu từ ý tứ lãng mạn đó, nơi người ta thông qua ngòi bút để được tiêu sầu. Văn của Cổ Long không dành để ngưỡng mộ, mà dùng để say, vì chúng chính là thứ rượu tâm hồn, nồng nồng, hăng hăng, chua chua và đôi lúc chan chát nhưng đủ để khán giả chìm vào những cơn mê. Vì Cổ Long say đắm giang hồ kéo theo người đọc đắm say.

Quỷ luyến hiệp tình có phải là một tác phẩm xuất sắc không? Tôi nghĩ là không. Không thì tại sao lại viết về nó? Thì bởi tôi thích ^^. Tôi thích cái chất giang hồ đồng đạo tương ngộ với nhau, thích ở tình bằng hữu và thích ở tình đối thủ. Nếu ở Đào hoa truyền kỳ tôi thích cuộc phiêu lưu tình cảm nam nữ của Sở Lưu Hương, thì trong truyện này tôi thích cuộc phiêu lưu của những người đàn ông. Quỷ luyến hiệp tình có nhiều tình yêu, rất nhiều tình yêu nhưng đối với tôi, tình đó chẳng quan trọng, chỉ là những cảm tình chớm nở, đẹp đấy nhưng không có được cái hoang mang của tình yêu để thấp thỏm cùng. Thay vào đó, câu chuyện tình bạn giữa anh chàng Sở Lưu Hương với mấy cậu Cái Bang khiến tôi vui, cái tình anh em đồng đạo khiến tôi cảm nhận được sự chân thành mà họ hào sảng dành cho nhau. Cùng đó cái tình đối thủ giữa Sở Lưu Hương và Tiết Y Nhân khiến tôi ngẫm ngợi về chất anh hào của những tay kiếm khách.

Quỷ luyến hiệp tình miêu tả lại tính cách bao đồng của anh họ Sở, như một tay thám tử thích thọc mạch vào chuyện thiên hạ vậy đó. Truyện mang tính trinh thám ở chuỗi tình tiết mang tính chất bao đồng này, khi Sở Lưu Hương thọc mạch vào chuyện ma quái để gỡ dần những nút thắt tình yêu. Và song song đó là lồng ghép những cuộc hội ngộ đến từ những bí ẩn để Sở Lưu Hương đi tìm, để rồi Sở Lưu Hương đi tìm những đối thủ lãng tử cho cuộc đời mình. Tiết Y Nhân là một đối thủ xứng tầm với Sở Lưu Hương, nhưng cái hay của Cổ Long là thiết kế nên một trận quyết đấu lãng mạn, hợp lý nhưng lại hợp tình để khiến họ đánh đấm với nhau nhưng không phải hy sinh vẻ đẹp của ai trong hai người, vì thế nên họ xứng tầm, họ vẫn đẹp vẻ đẹp uy nghi của những cao thủ lãng tử hiểu mình và hiểu người. Thủ thuật để Cổ Long đưa đẩy được cuộc giao đấu giữa những anh hào chính là chất trinh thám của câu chuyện. Làn hơi trinh thám tạo nên sự hấp dẫn, làn hơi phiêu lưu tạo nên tính lôi cuốn, cùng đó làn hơi tình cảm tạo nên tính dịu dàng để làm mềm cốt truyện khiến Quỷ luyến vừa đủ để tạo nên một câu chuyện về những người đàn ông lãng tử, dứt khoát và khoái hoạt nhưng không quá tăm tối và hanh hao. Truyện vì thế vẫn giữ được tính tiêu diêu xem hấp dẫn một cách thư thả, lôi cuốn một cách hài hước để cảm nhận một chiều sâu vừa độ trong những chuỗi tình bạn và tình thân chốn giang hồ.

Khi đọc Quỷ luyến cũng như lúc nhâm nhi rượu vậy, không phải là một cái gì đó quá ấn tượng nhưng vẫn khiến độc giả khoan khoái được đồng hành. Khoan khoái như lúc những người hiểu nhau tám trời trăng với nhau, nhiều lúc tám ba cái chuyện tầm phào bốc đồng mà thấy vui. Cái cảm giác của thân tình được vun đắp, cái cảm giác tự do thả mình vào tri giao khiến người ta thoải mái vui vầy. Chính cảm xúc thoải mái đó đã tạo nên thương hiệu cho Cổ Long đến gần với những độc giả yêu thích tự do. Không phải tất cả độc giả thích văn anh, thậm chí có nhiều ghét, hay coi thường cái chất lãng tử bình dân chốn giang hồ của anh nữa. Nhưng không sao, vì chỉ cần những khán giả yêu tự do nâng niu truyện của anh có lẽ là đã đủ. Bởi những người yêu tự do có lẽ mới đủ phóng khoáng để cảm nhận cuộc đời phóng khoáng. Bởi những người bình dân mới thật sự là những người có tâm hồn vô tư, vô tham để hòa vào phong cách lãng mạn. Họ mới đủ cái chất bay bỗng và nhắng nhít đời thường để hiểu anh, chứ không phải là những người văn hay chữ tốt, đầu óc nhiều sắc sảo thích ngắm hoa thưởng nguyệt luận anh hùng. Thế nên truyện Cổ Long cứ một mình một chiếu lẳng lặng đi vào đời thường là vậy, không cần những danh vọng bá chủ võ lâm, chỉ cần cái chất bình dân gọn gàng đâm thẳng vào đâm sâu vào cảm quan độc giả. Cổ Long đâu có bao nhiêu chiêu thức đánh đấm đâu, có mỗi vài chiêu xài qua xài lại thế thôi, nhưng thế là đủ để khiến người ta biết đến cái văn phong chập chập tự do tự tại, để rồi lưu dấu cái tên Cổ Long.

Như đã nói lúc đầu, chuyển thể truyện Cổ Long lên phim khó, bởi vì truyện của Cổ Long mơ hồ, cả nhân ảnh lẫn cảm xúc của nhân vật. Chúng bay bay chứ không cố định để phân tích, chúng miên man chứ không rành rọt để giải thích. Thế nên làm phim Cổ Long đặc tả cho được thoáng thần thái bảng lảng mà truyện gầy dựng đã là thành công. Bản 2011 được tôi đánh giá là chuyển thể thành công chất mơ hồ của truyện. Phim được con trai Cổ Long dựng nên tôn trọng nguyên tác, chuyển thể được hồn tính của tác phẩm với những diễn viên thể hiện được tình yêu nhân vật của họ. Trương Trí Nghiêu có một vai diễn thành công khi xây dựng được một Sở Lưu hương không quá xuất sắc, nhưng đủ gợi cảm để tạo nên dấu ấn riêng để khán giả phải nhớ. Không đến mức để tôi đánh giá là Trương Trí Nghiêu đã biểu đạt được thần thái của nhân vật từ trong truyện, nhưng ánh mắt của diễn viên này diễn đủ mức để tôi nhận ra khí chất của nhân vật, cũng như biểu cảm là những chuỗi cảm xúc tửng tưng trầm ngâm muốn được tiêu diêu trong cuộc đời.

Bản dựng năm 2011 không phải không có điểm yếu, mà điểm yếu lớn nhất là chưa phả được không khí khoái hoạt của giang hồ như những trang sách thể hiện. Các nhà làm phim nắm chắc được không khí thơ thẩn của câu chuyện để tạo nên những thước phim lả lướt trầm ngâm, nhưng không đủ độ hài hước để tạo nên bầu không khí bất cần của những con người khoái hoạt, vì vậy những lúc vẩn vơ của các nhân vật không nhấn được không khí sảng khoái nên có cái gì đó lừng khừng, cứ mấy cảnh Sở Lưu Hương nói chuyện với Hồ Thiết Hoa là tôi muốn ngủ gật vì sự lê thê đó, dù cả hai diễn viên đều xuất thân từ mảnh đất Hồng Kông chúa trùm làm phim về mấy cảnh tám.

Tuy nhiên đáng khen là phim có những cảnh quay đẹp, thiết kế những cảnh giao đấu ấn tượng bằng những kỹ xảo đẹp mắt, và không quá hoa hòe hay khoa trương như thường thấy ở những phim gần đây. Trời ơi, tôi mê mấy cảnh giao đấu trong phim này, Trương Trí Nghiêu biết võ nên thân thủ dứt khoát nhìn rất đẹp mắt, mấy cô cậu khác thì không bằng nhưng nhìn chung là vừa ý. Bây giờ ngồi viết vẫn nhớ những cảnh Sở Lưu Hương chắp tay đằng sau rồi bay nhẹ như lông hồng đây, khổ, tôi đủ già để biết không bao giờ mình có thể bay, dù là bay như... gà được rồi mà nhìn đã con mắt quá nên vẫn mê. Khi xem kiếm hiệp khiến tôi nghĩ nhiều người cũng như tôi sẽ nhớ về thời con nít mê chưởng thật tâm, và thế là khiến mình vui, mà vui thì dại gì không xem cho đã, phải không? Ôi những ngày ấu thơ thần tiên!

Đời chỉ cần vui, cần gì suy nghĩ nhiều. Thật ra chúng ta cũng chẳng cần biết lý do vì sao mình vui, cứ vui nếu còn có thể, định nghĩa niềm vui chỉ khiến chúng ta nghiệm ra nỗi buồn của mình mà thôi. Cứ để niềm vui được thổi bạt những thơ thẩn ngày thưa...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #review