Nobuta wo Produce: Ly biệt là để tương tụ.
Viết cho tuổi 17 đầy tinh nghịch và trăn trở cho một cái tôi của những ai đã trãi qua.
Viết về Nobuta wo Produce với những cảm xúc dung dị và nhẹ nhàng.
Viết cho Shuuji và một thóang bóng hình tuổi trẻ của bản thân tôi cùng những người bạn xưa cũ.
(nguồn Youtube, một trong 10 bài hát được yêu thích của Nhật bản từ trước đến nay)
Khi xem phim này tôi đã qua cái tuổi 17 đầy mơ mộng và cảm xúc dường như đã bị chai lì với cuộc sống thực. Đôi lúc tưởng rằng ký ức về thời học trò chỉ còn là khoảng không gian vô định trong tâm hồn với một kẻ không hay nghĩ về quá khứ như tôi. Nhưng bộ phim này nằm trong số rất hiếm phim hài để lại ấn tượng và khiến tôi viết về nó với những kỷ niệm tưởng đã bị quên lãng.
Một cốt truyện đơn giản không có nhiều đột phá, không sáng tạo và bạn có thể bắt gặp ở rất nhiều trong các phim Hollywood về đề tài học đường. Thế nhưng điểm chính khiến tôi chựng lại sau khi ngủ gật ở hai tập đầu là ở cách thể hiện của bộ phim về một đề tài tưởng chừng đã rất cũ đó. Như một vở kịch mang đậm chất Nhật với những vấn đề dàn trãi khá chậm ở 2 tập đầu, chủ đề chỉ được bật lên ở cuối tập 2 và đầu tập 3. Những nút thắt được đưa ra nhẹ nhàng với những cảm xúc của nhân vật chưa được kinh qua nhiều sóng gió cuộc đời nên vẫn giữ đâu đấy cái trong sáng và chân chất của của cái tuổi chưa đủ lớn mà cũng chẳng còn bé nữa.
Bộ phim được dựng theo phong cách kịch Nhật kể về 3 nhân vật : Nobuta, Shuuji, Akira trong một lớp học và quá trình phát triển những suy nghĩ của họ về cuộc đời. Shuuji và Akira là hai người bạn có quan điểm sống trái ngược nhau như hai tia sáng song song nghịch chiều. Shuuji là kẻ sống hai mặt với quan niệm xây dựng hình ảnh hoàn hảo trong mắt người khác, vì thế cậu sống với chiếc mặt nạ trong cuộc sống học đường của mình. Akira (nghĩ tiếng nhật : tươi sáng) sống đúng như ý nghĩa của cái tên là một chàng trai trong sáng vô tư. Nhưng thật sự ngoài vẻ trong sáng đó, Akira còn mang trên mình một chiếc mặt nạ nghênh ngang và bất cần nữa. Và với chiếc mặt nạ của mình, Akira biết thừa Shuuji với bộ mặt thật của "chàng trai hoàn hảo".
Tưởng rằng 2 tia sáng song song sẽ chẳng bao giờ gặp nhau nhưng khi thông qua một môi trường phân khúc ánh sáng là Nobuta hai tia sáng đó đã cắt nhau và tạo thành một điểm sáng tình bạn. Hình ảnh trưừ tượng là những vật dụng mang hình con heo (lợn) mà trong tiếng Nhật là buta. Thật ra tên thật của Nobuta không phải thế, cái tên này do Akira và Shuuji đặt cho cô bé mà thôi. Hình tượng con heo trong văn học biểu thị cho sự chân thành được các nhà làm phim khai thác hiệu quả để tôn lên tình bạn giữa ba người bạn. Và cách thể hiện chính là những điểm sáng của bộ phim.
Kiến thức của tôi về kịch Nhật Bản chỉ dừng lại ở mức cưỡi ngựa xem hoa thôi nhưng tôi có cảm giác bộ phim như một vở kyogen được dàn dựng theo phong cách noh. Sự phối hợp phong cách giữa hai lọai kịch đó để cho ra bộ phim này làm tôi khựng lại trong suy nghĩ khi bắt đầu tập 3. Nào là những chiếc mặt nạ (no-men), nào là những tiếng trống nghe khá quen thuộc ( tôi không nhận ra những tiêng trống đó là lọai nào trong các thứ trống okawa, kotsuzumi hay taito) và cái cách bước đi của các nhân vật cũng như những động tác hình thể của các nhân vật mà tôi bỏ qua trong tập 1 và 2. Chú ý kỹ hơn tôi thấy những chi tiết siêu nhiên trong phim, cách phục trang trong phim và những hình ảnh biểu tượng như cây liễu, con heo mang đậm tính văn học truyền thống và 3 nhân vật với các khía cạnh tính cách phức tạp, đặc biệt sự chú trọng thoại trong phim làm tôi thêm tin tưởng vào nhận định của mình. Cách thể hiện đó đã chinh phục tôi khi các nhà làm phim sử dụng nó để phát triển một cốt truyện mang đậm tính thời đại như vậy (nếu không nói là cốt truyện mang phong cách khá Tây) nhưng vẫn mang nét gần gũi đối với người xem châu Á.
1. Cốt truyện:
Cốt truyện được viết nên dưới góc nhìn của Shuuji nên tâm lý của Shuuji được miêu tả rõ nét nhất. Và thật sự trong vở kịch này Shuuji mới chính là shite chứ không phải là Nobuta, nhân vật được nhắc ở tựa phim. Nhưng suốt chiều dài của phim cả ba nhân vật trên đều có độ nặng ngang nhau trong cách tác giả xử lý tình huống với các mâu thuẩn và kịch tính được dàn trãi qua các tập một cách tiết chế và đắc giá trong những thước phim đều đều và chậm chậm.
Đầu tiên là Nobuta, cô gái xuất hiện với mái tóc rũ xuống che đôi mắt cuả mình bên cạnh cây liễu vừa bị đốn hạ. Shuuji yêu cây liễu ấy lắm nên ngày ngày ra thăm nó. Cây dương liễu chính là một "người bạn" mà Shuuji có thể hét lên để chia sẻ lòng mình trước khi bắt đầu đeo mặt nạ để nói dối. Và khi cây dương liễu không còn thì Nobuta xuất hiện bất ngờ như một bóng ma khiến Shuuji chạy thục mạng...
Nobuta:
Diễn viên Maki diễn được cái khí chất nhút nhát không gượng và tương đối tròn vai cũng như cách nhân vật thay đổi thì ẩn trong đôi mắt của nhân vật này vẫn còn một chút gì đó như ngày xưa chứ không phải thay đổi cái xoạch180 độ như một số nhân vật khác từ một lọ lem biến thành công chúa xinh đẹp trong một đêm và được hoàng tử chú ý. Tôi thích điểm này khi không cho Nobuta khóat những bộ váy lộng lẫy và tạo sự tự tin cho Nobuta với một hình ảnh khác. Đạo diễn đã tinh tế khi không cho motif giải quyết của phim phương Tây trong cách thay đổi tâm lý này. Nó nhẹ nhàng không có nhiều kịch tính như cách giải quyết được tôi so sánh. Tuy nhiên cũng có một cảnh tương tự khi Nobuta đứng dưới một xô hoa và một xô nước để "hoàng tử" là Shuuji quyết định kết quả. Và Nobuta lớn lên từ quyết định đó rất nhiều khi quyết định chọn một người khác ấn định kết quả của mình. Người khác đó chính là "kẻ thù" mà cô đã từng van xin bỏ qua trò đùa này để trốn chạy cho chính mình và cho Shuuji. Một quyết định dũng cảm và hy sinh vì dự đóan được kết quả xấu nhưng vẫn chấp nhận. Và bất ngờ liệu có đến không?. Hãy xem phim để biết kết quả....
Những sự thay đổi bắt đầu từ những cái nhỏ nhất, bắt đầu từ những sự tình cờ nhưng ép buộc một cô heo với tính cách chân thành đi vào công cuộc "sản xuất" để trở thành một người nổi tiếng. Mà người đầu trò là Akira, kẻ mang trên mình chiếc mặt nạ hơi quái đản. Sao ai cũng bảo Akira dễ hiểu nhỉ, tôi thấy nhân vật Akira khó hiểu nhất trong phim đấy chứ. Chắc hẳn do diễn xuất còn non của Pi đã không diễn đạt được các góc độ khác nhau của vai diễn này khi không bắt được ánh sáng để thể hiện sắc thái tinh tế của tính cách nhân vật này thôi. Điều đó vô tình đưa Shuuji bật lên với diễn xuất của Kame.
Nobuta chính là cầu nối để hai cậu bạn có thể đến gần nhau hơn.
Tuy nhiên Nobuta không phải hoàn toàn nhờ vào sự giúp đỡ để lớn lên. Cô bé đã tự mình trưởng thành với những cơ hội được tạo ra bởi hai người bạn. Cô bé không chịu thay đổi vẻ bề ngoài của mình chỉ để nổi tiếng, cô bé có chính kiến của riêng mình và cô thật sự vui khi biết mình không cô đơn. Chính vì nỗi cô đơn đã biến cô bé nhút nhát và e dè thế giới thì khi thóat khỏi nó, Nobuta đã biết điều khiển cuộc đời mình chứ không phải đối phó với cuộc đời như Shuuji. Cô hòa nhập với thế giới từ những điều nhỏ nhặt nhất với việc có một người bạn mới là Aoi (nghĩa của tên: xinh đẹp). Có một người bạn đầu tiên cô vui mừng khôn xiết chạy báo với Shuuji và Akira. Diễn xuất của Maki đoạn này khá tốt. Nụ cười méo mó của cô bé Nobuta có phần tự nhiên hơn, có được niềm hạnh phúc trong ánh mắt của cô bé. Nobuta cô độc từ bé trong sự bắt nạt của bạn bè, tự cô lập trong cuộc sống gia đình với người cha dượng. Nobuta lúc trước không phải là được sống mà là chịu đựng để sống và cố lê lết qua từng ngày, từng ngày. Còn Nobuta lúc bây giờ biết cảm nhận cuộc đời hạnh phúc khi có bạn. Và từ đó Nobuta cũng tự tin hơn để vượt qua nỗi sợ hãi của mình từ trước. Cô có một trái tim chân thành luôn muốn người khác mỉm cười, cô thay đổi bản thân một phần vì mình nhưng một phần khác cũng muốn Shuuji và Akira vui và không thất vọng vì mình. Bởi vì đối với Nobuta, 2 người bạn trên đôi lúc quan trọng hơn bản thân. "Tớ đã trải qua một khoản thời gian dài, dùng thời gian đấy một mình đào bới, giống như chú chuột đào bới đất vậy, sau đấy đột nhiên xuất hiện hai người" (Nobuta)
Khi đi đến hồi kết của bộ phim, trái tim nhân hậu của Nobuta bật lên khi đối diện với người hại mình liên tiếp. Có thể nó khá dễ dàng, có thể lúc này Nobuta hơi khó hiểu khi dễ tha thứ đến vậy, nhưng như thế Nobuta lại là Nobuta hơn, một Nobuta nhân hậu và biết khoan thứ. Một Nobuta trân trọng cảm xúc vui mừng khi có được người bạn đầu tiên dù là giả tạo. Nobuta đến đoạn cuôi đã có thể tự mình bước đi trong cuộc đời mà không cần có Akira và Shuuji bên cạnh nữa. Nobuta trở nên tự tin hơn để hòa nhập cái tôi bé nhỏ của mình vào thế giới rộng lớn xung quanh có cả người thích và ghét mình. Cô bé mạnh mẽ hơn những gì cô bé biểu hiện ra bên ngoài.
Có thể nói Nobuta chính là nàng lọ lem mang đậm chất Nhật, nàng lọ lem sẽ không biến thành công chúa mà chỉ trở thành những người bình thường và sống trong thế giới bình thường mà thôi. Và như vậy khiến Nobuta thật hơn trong cảm nhận của tôi. Nobuta vẫn cứ là một cô bé với vẻ ngoài nhút nhát nhưng tóc được cột lên để mặt Nobuta rõ nét hơn, nụ cười của Nobuta khi nhìn lên trời xanh vẫn có được cái chân chất của một cô bé mới lớn lên một chút trong ý nghĩ. Và Nobuta sẽ nhớ mãi Shuuji và Akira trong trái tim của mình.
Shuuji:
Nhân vật Shuuji là dành cho Kame. Diễn xuất của Kame đã bật được tính cách của Shuuji. Một kẻ sống hai mặt, một người ích kỷ trong sự cao thượng bề ngoài. Shuuji chẳng muốn mất lòng ai cả nên liên tục nói dối và nói dối để lấy lòng và tránh mất lòng người khác. Ờ thì Shuuji là một hot boy của trường biết cách lấy lòng người khác. Vốn dĩ thông minh và lanh lẹ thì vấn đề nói dối đối với cậu không khó khăn cho lắm. Cái chất tinh ranh của một cậu bé 17 tuổi được Kame diễn khá tốt với sự chựng lại của suy nghĩ và cách nói chuyện khá lướt chữ của Kame. Nói dối quen miệng nên Shuuji ứng biến các tình huống rất tốt và ai cũng tin cậu thôi. Cậu đánh bóng bản thân bằng cách xây dựng hình ảnh hotboy thân thiện với mọi người. Shuuji cười nhiều nhưng lúc nào cũng là nụ cười có tính tóan cả nên cậu thật sự không vui. Và khi đọc bài viết của em trai về mình, Shuuji đã nhận ra mình đang đóng một vở kịch với chính bản thân mình nhưng chưa có động lực để thay đổi mà thôi. Đã đâm lao phải phóng theo lao nên cậu tiếp tục chìm trong sự dối trá do chính mình tạo nên. Sự thay đổi của Kame là một quá trình nhận thức sâu sắc về bản thân, nhận thức về thế giới quan và nhân sinh quan sống của mình. Không thể nói rằng Shuuji đang sống đúng hay sai vì nhân vật này có tính cách đa chiều và sự phức tạp của nó. Chúng ta có thể nhận thấy sự cô đơn của Shuuji trong mớ bồng bông của hình ảnh của cậu tai trường và tại nhà. Hai hình ảnh trái ngược, 2 cách ứng xử trái ngược. Ở nhà cậu sống thực hơn với con người mình, có thể là cách cậu vá lại áo cho em trai sau đó cốc đầu nó, tình thương cậu dành cho em mình thực tế như thế. Và cậu tâm sự với em mình rằng sau này đừng giống mình, những tâm sự rất thật lòng như sự tự nhận thức mình đang đi trên con đường không dựa trên cái gốc là bản thân mà chìm vào sự hư ảo của hình ảnh bên ngoài.
Nhưng cậu khám phá được bản thân mình và được sống thật với cảm xúc khi ở bên Akira và Nobuta. Cậu thể hiện tính cách kiêu ngạo và cái tôi của bản thân mà không cần giữ hình ảnh nữa. Và với Shuuji khi được ở bên cạnh Nobuta và Akira thì "mình mới thích chính bản thân mình" (Shuuji). Khi Shuuji sống trên những lời nói dối thì cậu cũng khao khát được biểu hiện cảm xúc, cái khao khát biểu hiện những vui, buồn, giận dữ, kiêu ngạo trẻ con được giấu kín sau những lời nói dối với bạn bè thì bên Akira và Nobuta, Shuuji mới hiểu mình cần gì, có phải cần sự yêu thương và tôn trọng của tất cả mọi người hay không.
Shuuji nói dối cả bạn gái Mariko của mình chỉ nhằm để tạo dựng cho mình một vỏ bọc đối phó với thế giới xung quanh. Shuuji không mạnh mẽ như chính cậu tưởng. Và khi nhận thức được mình đang sống không thật, Akira và Nobuta chính là chìa khóa để Shuuji tự mở cánh cửa trái tim cô độc của mình. Chiếc chìa khóa mà không phải ai cũng may mắn có được. Shuuji dần nhận ra mình không cần sự nổi tiếng nữa mà là cần tình bạn và những sự chia sẻ thật lòng. Khi Shuuji tuột dốc thì chính là lúc Nobuta được chú ý bởi chính bản tính thật của mình... Con người ta trước tiên muốn yêu thương người khác trước tiên cần biết yêu bản thân mình. Nhiều người nói Shuuji ích kỷ khi đeo lên mình chiếc mặt nạ nhưng theo suy nghĩ của tôi Shuuji cũng không hiểu chính xác bản thân mình muốn gì mà chỉ lơ mơ muốn nổi bật giữa đám đông mà thôi, cậu sợ sệt không dám thể hiện bản thân vì sợ người khác ghét nhưng lúc đó lừa dối đã thành thói quen nên khó thay đổi. Nếu thói quen được tập dần trong một quá trình thì từ bỏ thói quen cũng cần 1 quá trình nhận thức và động lực thúc đẩy.
Động lực để Shuuji dám đi tìm lại chinh mình chính là sự hiểu lầm khiến bạn bè xa lánh cậu. Khi cậu nói dối thì hầu khắp mọi người đều tin, nhưng đến khi cậu nói thật thì chẳng ai tin cậu cả. Và lúc đó cậu thấu hiểu được cảm giác lẻ loi và sự quay lưng của thế giới xung quanh với mình. Cảm giác đau lòng đó để cậu hiểu rằng thế giới rất rộng lớn và sức người có hạn nên không thể điều khiển thế giới xung quanh mình. Cảm giác đối lập với Nobuta khi cô được mọi người yêu quý bởi cái dị biệt nhưng chân thành của mình. Cảm giác đó khiến Shuuji hiểu cuộc đời hơn cũng như hiểu chính mình hơn, và cậu lớn hơn một chút từ đó, lớn hơn vì biết mình nhỏ bé so với thế giới này và càng cảm nhận hơn sự lạc lõng của mình với thế giới xung quanh. Shuuji đối mặt với sự sợ hãi lớn nhất của mình là lẻ loi và bị mọi người ghét bỏ. Shuuji hiểu bản thân mình hơn khi vấp phải sự đổ vỡ của lý tưởng, cậu biết giới hạn tham vọng trẻ con của mình lại và cảm nhận tình bạn của Akira và Nobuta.
Cậu biết lo lắng và bảo vệ cho tình bạn của Nobuta với Aoi dù mình phải chịu thiệt thòi và dẹp bỏ tính tự tôn của mình để bị Aoi uy hiếp. Và Shuuji khi đó đã hiểu được tình bạn thật sự là gì, tình bạn chân thành không phải là chiều lòng nhau mà là lo lắng cho nhau và lo lắng cho những niềm vui và hạnh phúc của nhau. Quyết định của Shuuji lúc đấy trước bao nhiêu sự hiểu lầm đổ dồn về mình là một quyết định khá vô lý nhưng đáng được trân quý vì tấm lòng hy sinh thật sự của cậu trong cái vô lý đấy. Chỉ có Akira hiểu Shuuji và chính cảm giác chỉ cần một người hiểu mình như thế lại khiến Akira trở nên quan trọng hơn tất thảy đối với Shuuji. Và chính cảm giác ban đầu khi đến với Akira của Shuuji đã vô tình để Shuuji được sống thật với chính mình, để cậu thật với Akira và cả hai hiểu nhau hơn.
Trong cuộc sống gia đình, Shuuji cũng biết sống vì người khác hơn mà cụ thể là bố mình. Shuuji quyết định chuyển đi cùng bố do không gây thêm khó khăn cho bố nữa. Và những tình cảm mà Shuuji dành được là xứng đáng với cái giá mà cậu phải trả để có thể hòa nhập với thế giới bằng chính con người thật của mình.
Akira.
Akira là một chàng trai sống vô tư, đôi lúc bất cầnvà không quan tâm đến cách thế giới xung quanh nhìn bản thân. Và khi xem phim này thì Akira là nhân vật để lại khá nhiều câu hỏi đối với tôi. Nhưng có lẽ cần đơn giản hóa cái nhìn về nhân vật này thì hơn, vì theo cảm nhận của tôi chính bộ phim hình như cũng đi theo hướng đơn giản hóa tính cách của Akira. Akira say khi uống sữa đậu nành và bước đi loạng choạng. Và Akira có thể vô tư đối diện với cuộc đời mà không cần những giấc mơ mà con người thường gán cho tuổi trẻ. Akira sống thật với tính cách của mình vì cậu hiểu mình cần gì và không cần gì. Cậu và Shuuji đi trên hai con đường trái chiều nhau để tìn về bản ngã của bản thân, nếu Shuuji đi trên con đường thật thì Akira đi trên một con đường của mơ ước. Tại sao lại là mơ ước, vì thật sự Akira hiểu cuộc đời hơn với cái tuổi 17 của một chàng trai mới lớn. Có thể bạn sẽ nói Akira hời hợt trong suy nghĩ nhưng chính trong cái suy nghĩ khá hời hợt bộc lộ bên ngoài đó thể hiện rõ ràng Akira hiểu rất rõ bản thân mình muốn gì nên cảm xúc đầy tinh tế.
Akira hiểu rằng mình muốn kết bạn với Shuuji và tự nhận là bạn thân của Shuuji mặc dù Shuuji liên tục từ chối, Akira muốn giúp đỡ khi chuyển hướng tấn công của các cô bạn cùng lớp vào Nobuta sang mình. Và Akira chính là nhân tố kết nối 2 người bạn còn lại với nhau. Là nguồn áp lực khiến Shuuji suy nghĩ và quyết định lựa chọn giữa Nobuta và danh tiếng của Shuuji. Tính cách vô tư và thích vô tư, Akira chính là người hiểu rõ bản thân mình nhất trong ba nhân vật trên phim. Cách Akira thể hiện bản thân mình khi ở nhà cũng như khi trên trường là như nhau, luôn theo đuổi những gì mình mưo ước. Có thể cậu nhào vào đánh ba mình nhưng đó là cách cậu thể hiện bản thân mình không suy tính đắn đo, cách cậu vào nhà Shuuji ngủ thật tự nhiên như chính nhà mình cũng vậy. Tính cách ngẫu hứng nhưng đơn giản cuốn hút tôi vào những suy nghĩ miên man. Cậu bé khai báo với người đàn ông sự thật là thích Nobuta nhưng cậu nói với Aoi khi nhìn thấy tấm hình Nobuta ôm Shuuji rằng cậu chỉ quan trọng thứ nhì sau Nobuta và cả Shuuji. Cậu bé 17 tuổi buồn với tình cảm đầu đời của mình chứ nhưng cậu không đòi hỏi quá nhiều, cậu biết rằng mình cần điều gì hơn. Tôi khá cảm động với câu nói này. Không phải ai 17 tuổi cũng có thể nói thế. Không phải ai cũng có sự chân thành như thế. Và khi Shuuji bị hầu khắp các bạn khác quay lưng và hoài nghi, trong đó có cả Nobuta thì Akira là người duy nhất bên cạnh Shuuji, kiềm chế giùm Shuuji những cơn nóng giận, rong rủi cùng Shuuji. Akira có thể nói là người hiểu Shuuji nhất và tạo được một tình cảm chân thành nhất.
Akira không có trí thông minh như Shuuji nhưng Akira có tấm lòng đáng quý. Nhân vật Akira được Yamapi diễn tả thành công. Có thể Yamapi không diễn tả tinh tế những cảm xúc của nhân vật nhưng trong diễn xuất của Yamapi có được sự chân thành và cố gắng diễn xuất để tả lại sự vô tư của nhân vật. Với tôi để một diễn viên đóng đạt và có được chất "vô tư" trong diễn xuất khó hơn diễn xuất để tạo ra các cảm xúc khác của con người. Chính xác ý tôi là để "cường điệu hóa" diễn xuất dễ hơn "đơn giản hóa" diễn xuất. Và Yamapi đã thành công trong diễn xuất là vì thế. Vì Yamapi đã diễn khá đơn giản chứ không phải là "giả nai". Cùng đó là các hiệu ứng mà nhân vật Akira có được thông qua diễn xuất của Yamapi khiến nhiều người ghi nhớ và yêu mến cũng chính là yếu tố để vai diễn được nhớ đến lâu hơn (những kiểu nhún vai, tiếng kon kon, cách đi đứng). Một Akira vô tư nhưng tinh tế trong cảm xúc đã ghi dấu ấn khá đậm trong lòng khán giả.
Tình bạn chân thành.
Bộ phim được dựng tiểu thuyết cùng tên với những cách tân trong kịch bản đã tôn lên tình bạn đẹp.
Một tình bạn thật sự rất nhẹ nhàng nhưng đầy chất thơ.
Có toan tính một chút, có sự sắp đặt của định mệnh một chút.
Một tình bạn có sự chân thành lẫn hoài nghi, có sự sẻ chia và thông cảm, có hy sinh và một chút tình cảm cá nhân vị kỷ.
Có nước mắt và nụ cười.
Đẹp vô cùng tình bạn trong sáng như thế...
Tình bạn chính trong phim là của bộ ba Akira, Nobuta, Shuuji chứ không chia rẻ từng cặp riêng biệt.
Thiếu một nhân vật nào thì tình bạn này sẽ bớt đẹp hơn vì tình bạn này được hòa quyện bởi ba cặp tình bạn lại với nhau để tạo thành kiềng ba chân vững chắc với bão thời gian. Để khi nhớ về nhau, để khi nhớ về Shuuji hay Nobuta hoặc Akira thì mỗi người đều nhớ cả ba chứ không phải riêng ai hoặc cặp đôi nào. Chính cách bộ phim miêu tả trọng tâm ba nhân vật với tình cảm của họ đã nhấn mạnh được tình bạn đẹp này vào trí nhớ của tôi. Và khi Nobuta quẳng đi chiếc bùa hộ mệnh, nói rằng nếu có điều gì xảy ra sẽ xảy ra cho cả ba chứ không phải một ai tôi biết rằng tình bạn này đã tưự thành, Akira và Shuuji đã nhường nhịn nhau không nhận chiếc bùa hộ mệnh đó cũng khiến tối nhớ mãi. Tình bạn đẹp và quá thiêng liêng ẩn trong những tình tiết dung dị rất con nít đó khiên ta trân trọng và ước ao một lần được sở hữu.
Dàn dựng:
Bộ phim được dàn dựng khá tốt với cách phân lớp mâu thuẩn một cách tiết chế. Những lớp mâu thuẩn được dẫn dắt từ từ, xen lẫn vào đó là những chi tiết hài kịch nhẹ nhàng thư giản với tính cách nhân vật và cách thể hiện tính cách của các nhân vật phụ quái lạ. Những tình tiết hài để nhân vật biểu lộ cảm xúc và tính cách của mình nhưng không làm loãng không khí nhẹ nhàng của phim. Các lớp mâu thuẩn đuợc giữ bí mật và bật mí đúng lúc khiến người xem tò mò và có một chút bất ngờ. Phim không có những trường đoạn hồi hộp hay gay cấn thật sự và cái kết cũng khá dễ đoán nhưng đoạn kết của phim xứng đáng nhận được lời tán thưởng vì đã làm mới được câu chuyện với sóng biển dạt dào trong tình bạn của Shuuji và Akira. Đoạn kết không đi vào lối mòn khi xoay hướng câu chuyện sang một hướng khác nhưng vẫn logic và bất ngờ. Shuuji chia tay trường lớp và những người bạn của mình để theo bố chuyển đến sống nơi khác vì tính chất công việc ( việc thường xảy ra ở Nhật). Và mọi người nhận ra tình cảm dành cho nhau, cảnh chia tay lưu luyến ...
Tưởng vậy đã hết câu chuyện nhưng các nhà làm phim đã tạo được tiếng cười đoạn cuối khi cho Akira xuất hiện cùng với Shuuji tại ngôi trường mới. Vẻ ngố tàu của Shuuji pha trong niềm vui mừng được Kame diễn tả khá tốt, còn Akira thì vẫn tửng như ngày nào. Tiếng sóng biển vỗ về và nụ cười của Nobuta khi ngước nhìn trời như điểm tụ về trong ly biệt giữa 3 người bạn.
Nghệ thuật:
Như đã đề cập ở phần đầu bài viết, bộ phim được dưngj với phong cách kịch Nhật Bản. Các chi tiết cũng như cách diễn của diễn viên được hình tượng hóa như cách thể hiện của một vở kịch Nhật.
Trước tiên cần nói về nội dung tại sao bộ phim giống như một vở kịch. Kịch Nhật Bản thông thường miêu tả nhân vật chính có nôi tâm đa chiều và đa tính cách với những chiếc mặt nạ được đeo trên mặt diễn viên. Cùng đó miêu tả sự thay đổi nội tâm nhân vật với các chuyển biến tâm lý khi diễn viên thay xiêm y sau mỗi đoạn diễn. Điều đó đã được bộ phim miêu tả rõ nét qua nhân vật Shuuji. Mỗi nhân vật trong phim đều mang trên mình những chiếc mặt nạ hình tượng để đối diện với cuộc đời, với Shuuji là mặt nạ hai mặt, với Nobuta là mặt nạ tự ti, với Akira là mặt nạ vô tư. Và mỗi nhân vật đều ẩn giấu tính cách của mình sau tấm mặt nạ đó như những lần thay áo của diễn viên kịch. Mỗi lần thay áo là mỗi lần mà các nhân vật của chúng ta gần với bản thân mình và bản ngã của mình hơn. Thoại hay và sâu sắc mang tính hàm triết cao khiến người xem suy nghĩ nhiều.
Cách thể hiện: nếu bạn chú ý cách bước đi của các nhân vật trong phim bạn sẽ cảm thấy các nhân vật trong phim bước đi khá nhẹ nhàng đã thể hiện được độ lướt trên sân khấu của các diễn viên kịch. Ngay cả nhân vật Nobuta cũng vậy, cách cô bước đi cà thịch cà thịch như đang mặc kimono vậy cũng khiến tối liên tưởng đến những vở kịch Nhật. Cùng đó là các động tác hình thể của các nhân vật nhằm thể hiện tính cách cũng mang phong cách kịch khá cao. Những hiệu ứng mà Akira và Shuuji tạo ra với các loại âm thanh, với cách cách điệu ngôn ngữ hình thể như cách diễn viên kịch thể hiện nỗi buồn,vui và trăn trở của mình.
Những tình tiết quan trọng quyết định câu chuyện có tính phi thực khá cao mà bạn chỉ có thể tìm kiếm những hình tượng đấy trong văn học Nhật Bản. Cả ba người bạn tha thứ cho kẻ hại mình dễ dàng thông qua chung một giấc mơ. Con người ta có thể thấy được hồn người chết và nói chuyện. Chốn bình yên của Nobuta là hiệu sách được bảo vệ bởi người đàn ông kỳ quặc, cùng đó là hình tượng cây liễu ra đi và trở lại.... Hiệu ứng âm thanh với những tiếng trống và đàn đặc trưng trong kịch Nhật.
Bên cạnh đó là sự xuất hiện của các nhân vật cổ quái (chủ hiệu sách, người đàn ông của sự thật, cô hiệu phó) cũng chính là nhân tố mang đạm dấu ấn kịch với nhữung ngôn từ cổ được sử dụng bởi các nhân vật này... Tất cả tạo nên một bộ phim học đường mang đậm chất kịch Nhật Bản, thổi hồn Nhật vào cuộc sống học đường hiện đại của Nhật với vấn đề xung đột và tình bạn học đường. Nhân vật phản diện cũng là nhân vật hai mặt và đến cuối cùng mới bị phát hiện là nhân tố khiến các nhân vật chính xa nhau nhưng cũng là nhân tố khiến 3 người bạn xích lại gần nhau hơn. Những chiếc mặt nạ được biên kịch xây dựng khéo léo và phủ lên nó độ bóng nhất định để khi ánh sáng chiếu vào khác nhau đã biểu lộ tính cách nhân vật khác nhau.
Ánh sáng trong phim cũng là một điểm nhấn khi thay đổi tùy vào tâm trạng với các sắc thái khác nhau, trắng tinh hoặc pha vàng tùy theo cảm xúc và thay đổi tùy theo tâm trạng nhân vật như trên một sân khấu thật vậy.
Bộ phim tổng hòa chất kịch Nhật rất khéo khiến người xem khó nhận ra và không gượng ép. Đó là thành công rất lớn của bộ phim. Kể một câu chuyện dung dị nhưng mang chất Nhật và phả vào nó một nội dung mới mà không mới. Cách thể hiện tưởng cũ nhưng vẫn rất sáng tạo đã tạo nên một tình bạn đẹp dường như lưu lại cùng thời gian.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top