Lover's Discourse

Phim thuộc dạng arthouse-dạng phim khó cảm nhận với cách thể hiện trừu tượng mang đậm cái tôi cá nhân của đạo diễn. Đạo diễn trẻ Tăng Quốc Trương thực hiện những thước phim hỗn độn có hệ thống về ái tình quan của con người thời đại hiện nay. Góc nhìn của đạo diễn Tăng cũng như nhìn chung của các đạo diễn dòng phim này là muốn tạo sự day dứt, mơ hồ trong khán giả bằng cách nêu ra thực tại đa chiều phi duy mỹ không như cách con người thường nghĩ. Đối với góc nhìn nghệ thuật vị nghệ thuật này thì khoảng cách giữa nghệ thuật và sự tự thể hiện chưa tới là rất mong manh.

Theo suốt chiều dài phim không phải là công việc dễ dàng nếu thiếu kiên nhẫn vì tập hợp 4 câu chuyện của phim được sắp xếp vô trật tự và hỗn độn có chủ ý ẩn giấu mặt trái của vấn đề nơi những thực thể khác. Phim bắt đầu bằng sự dang díu không muốn dứt khoát của hai con người yêu nhau nhưng không muốn chính thức quen nhau nên cứ lén lút và lập lờ sáng tối không rõ ràng. Họ định nghĩa cái gì cũng sẽ đến hồi kết, yêu nhau chính thức rồi cũng sẽ như cách họ đang yêu chính thức mà thôi. Nên vì thế họ lén lút gặp nhau để bên nhau vui vẻ những giờ phút tạm bợ không trách nhiệm vướng bận.

Câu chuyện thứ nhất niềm lạc lõng của hai con người trong chính bản thân họ. Họ đủ sức để hành động thì thiết nghĩ chắc hẳn họ cũng có đủ sức để gánh lấy hệ quả của hành động mà thôi, bởi tình yêu của chính họ với bản thân họ không thiếu, nên họ sẽ chẳng hành động thiệt thân.

Nhưng xô đẩy đến câu chuyện thứ hai niềm lạc lõng ban đầu trở nên niềm bơ vơ bất lực của sự đơn phương thương thầm nhớ trộm. Câu chuyện kể về một cô chủ hiệu giặt ủi thương nhớ một khách hàng thực qua tấm gương của thế giới tưởng tượng. Mỗi lần nhận đồ của vị khách hàng điển trai này là niềm vui lâng lâng nhưng cô luôn thể hiện thái độ dửng dưng bất cần của mình. Cô thuộc tên, thuộc số điện thoại, thuộc cả trọng lượng quần áo của vị khách này nhưng liên tiếp không thể hiện tình cảm của mình mà giấu nhẹm chúng trước người đàn ông mình tưởng tượng. Niềm vui của cô gái khi chìm vào tình yêu đơn thân nơi những chiếc máy giặt quay chỉ mình cô biết, nên nỗi buồn khi vị khách chia tay tiệm giặt ủi cũng chỉ mình cô hay. Cô trao lại những đồng cắc lẻ đã đầy một hủ lớn qua cuộc chia tay đầy đầy kịch tính trong trí tưởng tượng và giữ lại những vật mà vị khách bỏ quên trong quần áo.

Cuối cùng khó có thể hiểu cô gái có cảm tình như thế nào với chàng trai, là cô chỉ yêu trong trí tưởng tượng hay vì cô nhút nhát không dám yêu trong thực tế nên chọn trí tưởng tượng để bay bỗng hẹn hò và bay bỗng chia tay. Cuối cùng thì chàng trai ấy có biết cảm tình của cô hay không cũng chẳng rõ ràng, dường như tất cả đều chẳng rõ ràng như cái vẻ rõ ràng của nó, chỉ có nỗi buồn mà cô gái cảm nhận là rõ ràng cho sự lựa chọn hay sự nhút nhát tránh né mà thôi. Nỗi buồn là thực trong khi niềm vui mơ hồ thực hư lẫn lộn. Gợi một chút về quá khứ nơi một chàng trai khác tìm kiếm tình yêu bằng cách tìm cách trưng bày hiện thực trước một người phụ nữ.

Đâu là mơ mà đâu là thực cũng chẳng rõ ràng chỉ biết rằng chồng người phụ nữ đó ngoại tình và chàng trai đó là bạn của con trai người phụ nữ đó. Nhưng con người không chỉ sống với sự tốt đẹp không thôi mà còn sống chung với cả sự dang dối như một sự thật nữa. Cuộc đời vốn thị phi không rõ trắng đen và người ta vấn sống trong thế giới đó như một điều thiết yếu khi người ta chấp nhận nó. Sự thật không phải luôn có thể thay đổi sự thật, sự thật vốn dĩ tương đối với những nhân sinh quan khác nhau. Trãi suốt chiều dài câu chuyện thứ ba là một tiền đề cho câu chuyện cuối cùng phát triển để hai người yêu chính thức của cặp đôi được nhắc đến đầu tiên biết được cuộc tình vụng trộm và gặp nhau tìm kiếm chứng cứ cho bí mật đấy. Qúa trình tìm kiếm chung đó dẫn đến vấn đề dễ dàng sẽ đến khi sự kiềm chế không được điều tiết để dừng lại mà cảm xúc của con người trượt dài theo những quán tính suy nghĩ và hành động...

Ý tưởng của câu chuyện cuối là chiếc khóa để khép lại vòng tròn của những câu chuyện được nêu lên trong phim. Khi cùng một chàng trai với hai cuộc đuổi bắt những cuộc tình vụng trộm với hai người đàn bà khác nhau, ở hai thời điểm khác nhau. Mà cuộc do thám thứ hai khi chính chàng trai đó là người trong cuộc để dẫn đến hệ quả phức tạp hơn trong câu chuyện khiến phim hỗn tạp hơn và đa chiều hơn nữa trong suy nghĩ của con người. Cuộc sống của mỗi con người dường như chỉ có chính họ mới hiểu, chính họ mới chấp nhận và chịu đựng chính cuộc đời của họ, chẳng biết vì sao họ hành động như vậy vì dường như quán tính cuộc đời vẫn cứ hỗn độn và bất mỹ tắc với hàng loạt những hành động không đẹp như những hành động được ca ngợi.

Chàng trai trong chính hành động ấy là một minh chứng cho hai lần đau trong cuộc đời và tâm lý hoảng loạn dâng đầy phim khi càng đi về cuối đường. Mọi chuyện mơ hồ và hỗn độn như không có điểm tựa nào cả, cuộc sống bình thường dường như không thể hiện niềm vui mà hoang mang đến điểm chơi vơi nên vị cuộc sống trong phim nhạt nhòa trong niềm hoang mang có chút tiêu cực chứ không phải bang quang hay hơn nữa là tích cực.

Phim có một chút bơ vơ của Trùng Khánh Sâm Lâm, và một chút cốt truyện của Tâm Trạng Khi Yêu nhưng cảm giác tạo cho tôi thì khác, cảm giác phim hỗn độn quá nhiều vị trong cả 4 câu chuyện mà không tìm được một điểm mốc thời gian nào đấy xao động. Cảm giác man mác trãi dài hụt hẫng khi góc nhìn của phim càng tối hơn khi đi về đoạn cuối, phim khép lại vòng tròn của đạo diễn nhưng không khép được vòng cảm xúc của người xem khi đi quá giới hạn của cái tôi trừu tượng muốn chứng tỏ mình. Tôi cảm thấy rằng đạo diễn dường như chưa hiểu hết nhân vật của mình, đạo diễn nhìn nhân vật không đa chiều như mục đích thực hiện bộ phim đa chiều nên phim đa chiều nhưng lại duy chiều trong góc nhìn của đạo diễn.

Tôi tôn trọng góc nhìn đó nhưng không bị thuyết phục bởi Lover's Discourse vì những tâm lý nhân vật không đa chiều nên ghép lại với nhau vẫn trống vắng theo hướng mũi tên phóng tác của đạo diễn mang lại một cảm giác không thực đủ rộng để người xem cầm chừng cảm xúc của mình. Tuy nhiên về mặt kỹ thuật phim thực hiện khá, dàn dựng được chăm chút và tỉ mỉ với các tình tiết đan cài vào nhau chứa nhiều bí ẩn không ngờ tới. Nhưng cảm xúc của phim thì lạc điệu khi cố ôm đồm quá nhiều vấn đề vào phim với hàng loạt vấn đề tâm lý bất thường lẫn bình thường. Phim thiếu sự tinh gọn và tiết chế với những cú máy ấn tượng đối với dòng phim nghệ thuật khiến hiệu ứng hình ảnh điểm tô lên tâm lý nhân vật là một điều đáng tiếc.

Tôi thích nhân vật của Bành Vu Yến trong phim, một nhân vật không có gì để nói vì đây dường như là nhân vật không được phim đề cập đến nét bất thường. Trong thế giới bất thường thì một điều gì đó bình thường bỗng trở nên giá trị theo đúng cách bình thường hơn bao giờ hết. Sự bình dị và nghệ thuật khác nhau ở điểm nào, ranh giới phân biệt vẫn mong manh tùy theo quan điểm cảm nhận.

5+

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #review