Lost in translation
Lost in translation là những chuỗi tâm lý ẩn hiện của hai con người phương Tây khi vô định trong một khoảng thời gian ngắn ở Tokyo. Góc nhìn của phim nghiêng từ tâm lý phương Tây với nét thể hiện thẳng thắn tìm kiếm lại bản thân trong những khác biệt khi lướt qua cuộc sống của Tokyo.
Bạn cũng biết rồi đấy, văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây có sự khác biệt nên cảm nhận sẽ có khác biệt nếu bạn sử dụng góc nhìn phương Đông hoặc phương Tây để nhận xét. Tuy nhiên bạn sẽ không bắt gặp góc nhìn phương Đông ở bài này, và có lẽ bạn cũng sẽ không bắt gặp phần nhận xét nữa, vì tôi không có ý định thực hiện công việc phân biệt sự khác biệt văn hóa Đông Tây trong bài viết. Tôi chỉ muốn giới thiệu về Lost in translation với cảm nhận đơn giản nhất dưới góc nhìn của hai du khách bất chợt ghé thăm một nơi nào đó bắc cầu bởi một mục đích khác mà thôi. Hai người trong phim thưc hiện chuyến hành trình ngang qua Tokyo với lý do ấy.
Charlotte ngang qua Tokyo với bạn trai vì công việc nhiếp ảnh của anh ấy, còn Bob tạt qua vì công việc người mẫu quảng cáo cho một hãng bia. Chắc rằng nên giới thiệu một chút về họ, Charlotte là cử nhân triết học mới tốt nghiệp, Bob là diễn viên nổi tiếng đã luống tuổi. Họ đến với Tokyo bởi lý do riêng nhưng họ có chung văn hóa, từ đó hiểu cảm nhận chung nhất của nhau trong hoàn cảnh đang trãi qua. Có thể khẳng định phim không có gì lớn xảy ra, mà chỉ là những cảm xúc bâng quơ giữa hai con người xa lạ từ từ xích lại gần nhau hơn.
Tuy nhiên đó không phải là tất cả, bởi cảm xúc bâng quơ nhất giữa hai con người xa lạ ấy đến đúng lúc bất chợt nhất-khi cả hai đều dành thời gian để suy nghĩ về cuộc đời chính mình. Điều gì đến đôi khi không quan trọng, mà quan trọng là đến lúc nào. Điểm hay của Lost in translation chính là tạo được thời điểm họ đi ngang đời nhau đủ nặng bóng để mỗi người ghi nhớ một cái tên.
Tôi tự hỏi liệu chúng ta có cần biết mỗi người trong họ đang gặp vấn đề gì không? Với ý kiến riêng, tôi nghĩ cụ thể hóa lý do thật sự không cần cho bài viết này, chúng ta đều biết mỗi con người đều có thể gặp một vài vấn đề nào đó, chẳng hạn như tình cảm hay sự nghiệp trong suy nghĩ thường nhật-nếu chúng ta có suy nghĩ. Tất nhiên không cứ luôn phải là vấn đề to tát, chỉ là cảm nhận cuộc sống đang diễn ra có khác những gì mình chờ đợi, và có khác những gì mình cần hay không mà thôi. Tôi tin chắc ai trong chúng ta đều suy nghĩ về điều đó khi cuộc sống đã lần lượt đi sâu vào quỹ đạo thường nhật. Liệu mình đang như thế nào-đang ra sao-có nên thay đổi khi đã đến cuối đường của một hành trình. Chưa nói đến liệu có phải là cuối đường chưa-cố gắng hay mặc kệ thêm một chút nữa để suy nghĩ...?
Ở Lost in translation, trong hoàn cảnh mà thế giới xung quanh hoàn toàn khác mình thì con người chợt dễ dàng nhận ra mình có khác biệt. Chỉ là cái nhìn lướt qua nhưng sự khác biệt đọng lại nhiều suy nghĩ với nơi này khi một người phụ nữ mặc kimono truyền thống bước lên bậc thang cũng có người dìu đi, còn mình và thế giới cũ xung quanh...?
Sâu trong những khác biệt ấy là những câu hỏi lửng lơ khiến chính mình thấy mình đã khác biệt một chút. Nét chính yếu không phải nhận ra khác biệt như thế nào, quan trọng hơn là người ta đã lưu tâm đến khác biệt, lưu tâm đến những khác lạ nơi gần đây nhưng cũng dần nhận biết những khác lạ ở nơi xa kia-một mai sẽ trở về với nó.
Những giờ phút chìm trong niềm vui ngẫu hứng với một người bạn mới khiến cuộc đời bớt tẻ nhạt hơn, khác hơn một chút và rung động hơn một chút. Người ta đối đáp và hành động với người bạn mới đúng phép xã giao của những người chưa quen bao lâu, nhưng người ta cũng có những giây phút cô đơn trong đêm cần một người nói chuyện để đủ mệt mà thiếp đi. Điểm hay trong phim là hai con người lạc lõng ấy đến bên nhau trong những giờ khắc cô đơn an ủi nhau vừa đủ để bớt trống trãi, nhưng phim cũng chỉ dừng lại vừa đủ để họ không say lại một lần nữa trong sự quyến rũ của cô đơn.
Trong Lost in translation không có câu chuyện tình yêu nào xảy ra, tất cả chỉ là những cảm tình sinh ra nơi trái tim cần cảm tình đó mơn man một chút những bất động, ve vuốt một chút những lặng im đã ngủ sâu trong cuộc đời mà thôi. Nụ hôn vội vàng đặt trên môi nhau giữa một người đàn ông và một người phụ nữ giữa con phố Tokyo đông đúc-trong thời khắc sắp chia tay mang đến cảm xúc nhiều hơn gợi lên cảm giác, cảm xúc buâng khuâng lưu luyến-nhưng không tiếc nuối vừa vặn cho những kỷ niệm trọn vẹn sứ mệnh kỷ niệm.
Rồi thời gian sẽ qua, mỗi con người sẽ có những cảm nhận khác nhau theo những hoàn cảnh khác nhau nữa. Nhưng ánh sáng đã lóe lên có sự màu nhiệm riêng mà không dễ dàng mất đi-ánh sáng của cảm xúc được khơi thông tìm đến một mảng mới trong tâm hồn nội tại. Mỗi người khi đi qua một kỷ niệm thì tính cách và thực tế có thể thay đổi hoặc không, nhưng cảm xúc đều đã thay đổi..., đặc biệt hơn khi mỗi chúng ta cảm nhận kỷ niệm đẹp dật dìu đặt nụ hôn lên tâm hồn mình ở nơi ký ức lãng du...
Lost in translation nhẹ nhàng trong khung cảnh Tokyo và Kyoto trầm lắng, lãng đãng trong chất jazz của những chốn vui chơi ngẫu hứng kiểu Tây, cũng lặng lờ trong một chút bơ vơ của du khách đi ngang qua, cùng đó là một chút rung động khi tìm kiếm được sự đồng cảm từ người bạn mới. Cứ như thế Lost in translation như một lời tâm tình đối với khán giả phương Tây khi miêu tả lại hành động tâm lý của con người rất thực, tâm lý có cả sự thoải mái và bực dọc, thậm chí cáu kỉnh cùng cách chấp nhận, giải quyết vấn đề rất đúng kiểu thường nhật của người phương Tây. Đó là một thành công khi miêu tả lại những con người nhất định trong hoàn cảnh nhất định thực đến vậy.
Cũng như Charllote giữ lại chiếc áo khoát cô mượn của Bob như một kỷ niệm, Lost in transition cũng sẽ đem lại cho bạn những kỷ niệm riêng biệt khi chạm vào dòng suy ngẫm của phim, tôi hy vọng thế. Và nếu bạn chú ý sẽ nhận thấy bài viết này có chút khác biệt!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top