Hana yori mo naho

Hana Yori mo Naho kể về một samurai sống trong thời kỳ giai cấp của anh ta không hợp thời. Các yếu tố mà Koreeda Hirokazu đặc tả nhằm phát triển nhận thức của Soza (tên của samurai đó) về giai cấp của mình. Thông qua đó tác phẩm này nói rõ quan điểm của một người theo trường phái Thiền về tư tưởng samurai.

Phim không phức tạp lắm nhưng cũng không đơn giản vì các dữ liệu gắn liền với câu chuyện lịch sử 48 lãng nhân có thật. Tuy nhiên Koreeda đã đơn giản hóa câu chuyện đó bằng cách so sánh giữa hai mối thù mà Soza phải trả cho cha mình với mối thù 47 lãng nhân phải trả cho chủ tướng vì bị Kira ép buộc thực hiện sappuku . Hai cái chết đều có điểm chung là chết vì những lý do không đáng trong những cuộc cãi nhau, có khác là cha Soza bị giết mà thôi.

Cách làm phim phản lại một huyền thoại gắn với tư tưởng samurai được ca ngợi nên phim được đón nhận khá dè dặt cũng là điều dễ hiểu. Đối với tôi Koreeda đã thành công khi khắc họa được tư tưởng của những con người sống trong thời kỳ Edo 1701, thời kỳ thanh bình của Nhật Bản trung đại khi cuộc chiến tranh cuối cùng đã kết thúc hơn 70 năm. Phim đặc tả được giai cấp thường được gọi là giai cấp thứ năm (nhưng thật sự ở Nhật thời kỳ đó có bốn giai cấp thôi), và một samurai lạc giữa thế giới samurai háo danh. Tính cá thể và tính bầy đàn trong suy nghĩ của con người được đặc tả trong phim thể hiện một góc nhìn vị nhân sinh, phi anh hùng của Koreeda rõ nét.

Xóm nghèo mục nát với những căn nhà chòi lem luốc phơi mình dưới nắng mưa, những đôi dép rơm xẹp lép lê bước lẹt xẹt. Tiếng bèm bẹp của cơn mưa trên mái nhà ướt sũng là những ấn tượng ảnh hưởng đến tôi nhất trong phim này. Cảnh đơn sơ và bình dị quá, xóm đồng nát đó rách nát và mong manh quá... Nhưng xóm nghèo đó tươi đến lạ lùng với những ước mơ nhỏ nhoi, với lối suy nghĩ thuần đơn giản của những con người sống trong nó.

Mọi quy tắc lễ nghi đều được giản lược, cuộc sống đi về với những giá trị thiết yếu, không màu mè, không giả tạo. Tôi thích ơi là thích sự chân chất trong phim này, sự thẳng thừng và nhiều khi linh tinh trong những câu chuyện phiếm. Tôi thích những tính cách đơn giản, thậm trí trần trụi trong phim này: nói năng huỵch toẹt, suy nghĩ toan tính thẳng thừng, yêu thương bằng cách toan tính... Bạn sẽ thấy những chi tiết thật hay với hai người bạn của Soza: Sada, người không chỉ kẻ thù của Soza mà cứ lấp liếm điều đó cốt để kiếm sự thư giãn khi đi tắm nước nóng và uống rượu với Soza. Nhưng thật sự vì hắn hiểu Soza không có khả năng trả thù và muốn làm lơ điều đó nuôi Soza trong sự lập lờ của hắn. Sode, người muốn chứng tỏ bản thân và khó chiụ vì sự phân biệt giai cấp nên dạy cho Soza một bài học thế nào là đánh nhau, thế nào là sự sống và cái chết. Người chú của Soza, một samurai yêu rượu và mỹ nhân khuyên Soza chọn một cuộc sống an nhàn với người mình yêu. Tình cảm trong phim được thể hiện đa chiều đối với các nhân vật khác nhau.

Cách giải quyết của phim về quá trình phát triển nhận thức của Soza được Koreeda thực hiện rất tốt. Mọi chi tiết đều phù hợp với tâm lý nhân vật và cách nhân vật tiếp nhận hiện thực khách quan, cách tư duy bừng sáng vì tình cảm Soza dành cho bé Shinbo thể hiện sự thức tỉnh cá thể của Soza để hình thành động lực lớn mà nhân vật này cố gắng mãi vẫn chưa thực hiện được.

Koreeda đã rất thành công trong cách ráp nối các tình tiết và cảnh quay lại. Những cảnh quay nhỏ gói gọn lại trong xóm nghèo đó hay những quang cảnh rộng lớn khác đều được vẽ nên đơn sơ trong lành. Những tình tiết ngộ nghĩnh chứa nhiều ý nghĩa hàm súc trong những quan điểm của Shinto giáo và Lão giáo. Những câu thoại vụn vặt thôi nhưng ý nghĩa thâm sâu trong tư tưởng vị nhân sinh và vòng tuần hoàn của vũ trụ.

Tôi yêu cách Koreeda giải quyết twist hiếm hoi của phim này: mọi tình tiết xuất hiện ở trước đều được biến hóa sử dụng để giải quyết sự việc, sự vô tình lúc đầu lại khiến đoạn kết các nhân vật thông hiểu quan điểm của nhau hơn. Koreeda thông qua nhân vật Soza đã phả một cách giải quyết có tính trùng phùng giữa huyền thoại và lịch sử, tính tương phản giữa hình thức và bản chất. Tôi thích cách Koreeda lấy ảo tả thực, lấy kịch tả kịch điệp trùng để đưa các tình tiết lên một tầm cao mới trong câu chuyện. Một kịch bắt nguồn từ lịch sử thì một kịch kia cũng được bắt đầu bởi lịch sử trong thời kỳ đó (Kabuki phát triển trong thời kỳ này). Đầy bất ngờ và ngẫu hứng nhưng logic.

Màu sắc trong lành với sắc trắng đơn giản, âm thanh vui tươi mang lại ý nghĩa đơn giản cho cuộc đời các nhân vật trong phim. Cuộc đời hòa bình tìm kiếm một cuộc sống hạnh phúc để chiêm nghiệm và thoát khỏi tư tưởng thời đại bó buộc bản thân lại.

Một samurai không biết dùng kiếm mà chỉ chăm dạy tính và dạy chữ cuối cùng cũng đã tìm được một chân trời mới thả gánh nặng trả thù trên vai. Một người khờ khạo cuối cùng cũng chứng minh bản thân có ích- là nhân vật chính trong một chuyện đại sự. Một cái chết bất minh cuối cùng cũng được đưa ra ánh sáng mang theo nó hai con người với quá khứ đè nặng trên vai... Cuộc sống ở xóm nghèo đó và cuộc sống với Soza thoát khỏi những tư tưởng xã hội thời đó đè nặng một cách thật bất ngờ, tất cả đều thật nhẹ nhàng như khi mây đen bay qua để ánh sáng chiếu rọi những bế tắc mà con người chấp nhận.

Soza cuối cùng thực hiện ước muốn của cha mình vì anh ta hiểu ước muốn thật sự của cha là gì, ước muốn của rất nhiều samurai thời kỳ đó mà cha anh ta là một đại diện trong phim. Hoàn thành chữ hiếu cùng với giải thoát cho số phận hai con người, cái chết của cha Soza và công cuộc trả thù của Soza không vô nghĩa.

Thông qua mong muốn để lại cho con cái một điều gì đó, mà cha Soza và và người lãng nhân thứ 48 đề cập qua đôi dép rơm, Koreeda khẳng định một thực tế là thông cảm cho vị lãng nhân đó, hắn cũng có cuộc sống của riêng hắn và hắn có ước mơ của riêng hắn khi muốn sống như một người cha với những tình cảm bình thường nhất.

Cuộc sống vốn đơn giản hơn những hệ tư tưởng ảnh hưởng đến con người, triết lý ẩn trong những thước phim dung dị của Koreeda là triết lý trở về những điều căn bản của cuộc sống dưới quan điểm vị nhân sinh. Con người tạo ra tư tưởng chứ không phải tư tưởng tạo ra con người. Những thước đo giá trị của những hệ tư tưởng luôn có độ lệch vì tính hữu mục đích của nó nên cần được nhìn nhận trên những góc độ khác nhau với những đối tượng khác nhau. Góc nhìn mà phim đem lại là một góc nhìn tương đối hoàn thiện với nền triết học Thiền mà Koreeda chịu nhiều ảnh hưởng. Đó là một thành công rất lớn của anh, một người dám đi ngược với xu hướng ca ngợi mà nhìn thẳng vào bản chất con người cũng như tư tưởng... Vẻ tự tại của cậu nhóc cuối phim là một cái kết đẹp, đẹp lung linh theo quan niệm của Lão Tử:

Đạo khả đạo, phi thường đạo. Danh khả danh, phi thường danh. . Vô, danh thiên địa chi thuỷ; Hữu, danh vạn vật chi mẫu. Cố thường vô, dục dĩ quan kì diệu; cố thường hữu, dục dĩ quan kì khiếu. Thử lưỡng giả đồng xuất, nhi dị danh. Đồng, vị chi huyền. Huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn. (Điều 1, Thiên Thượng, Đạo Đức Kinh, Lão Tử)

Để phân tích phim này cần một bài viết tỉ mỉ hơn mổ xẻ những vấn đề lịch sử với góc nhìn lịch sử của Koreeda, thật sự cần một bài viết tỉ mỉ hơn. Tuy nhiên do quỹ thời gian của tôi trong thời kỳ này khá eo hẹp nên không thể hoàn thành một bài review hoàn thiện hơn dù tôi đã viết được gần nữa bài. Đành viết bài này để coi như tạm hoàn thành nhằm tập trung vào công việc hơn. Hẹn một dịp rỗi hơn sẽ hoàn thành bài đó.

Rate: 8/10

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #review