Đông tà Tây độc: Biết tìm đâu ký ức mùa sa mạc úa cát vàng bay?
Người ta đi tìm khi người ta không có, hay vì người ta đã có?
Có lẽ là cả hai, bởi vì người ta biết rằng mình phải đi tìm thứ chưa có hoặc thứ sẽ mất. Ở Đông tà Tây độc là những chuỗi dài tìm kiếm như thế, nối tiếp nhau giữa những quãng đời tượng trưng đầy mộng ảo. Nơi gió sa mạc là những ngày cát úa bay ngang lưng trời trong ký ức miên man rơi...
Âu Dương Phong (Trương Quốc Vinh) trong Đông tà Tây độc là một kẻ trung gian trên con đường đi tìm ký ức của kẻ khác. Những kẻ đó là một Mộ Dung Yên (Lâm Thanh Hà), kiếm khách mù (Lương Triều Vỹ) hay Hồng Thất Công (Trương Học Hữu), hay chính người bạn thân hữu Hoàng Dược Sư (Lương Gia Huy). Mỗi con người ấy đều có mộng tưởng đâu đó, hay quá khứ đánh rơi nơi nào đấy để tìm lại, tìm cho được trong điệp trùng vòng trôn ốc ký ức mà Vương Gia Vệ gởi gắm.
Trong Đông tà Tây độc qúa khứ chập chùng quá khứ, dĩ vàng chập chờn dĩ vãng, và ký ức chờn vờn ký ức. Mộ Dung Yên đi tìm tình yêu trong một câu nói "nếu ngươi có biểu muội..." của Hoàng Dược Sư, chỉ một câu nói mà cô ngộ nhận cả đời, mãi miết đi tìm tình yêu trong ngạo mạn cô sầu. Mộ Dung Yên là khúc quanh đầu tiên của câu chuyện đi tìm thân phận xây nên ký ức. Cô đơn thuần đi tìm mộng tưởng tình yêu để rồi hiểu chúng chỉ là ngộ nhận của riêng mình. Qúa khứ cấp 1 được tạo nên trong những vòng luẩn quẩn đấu tranh giữa tình yêu và lòng kiêu ngạo, nên đến cuối cùng đành độc bước sóng đôi với chính mình qua hình ảnh phản chiếu để thấy thôi cô độc. Một đời đuổi theo chiếc bóng hữu hình qua chiếc bóng hình tượng mà đau...
Chàng kiếm sĩ mù trên bước đường tìm lại quá khứ trong bóng "anh đào" cũng dừng lại nơi tửu điếm của Âu Dương Phong. Và đây là kiếm hiệp của Vương Gia Vệ chứ không còn là của Kim Dung nữa nên trên con đường thiên lý luôn có những ràng buộc thực tế. Nguời ta muốn đi đến đích thì phải trãi qua nhiều đích nhỏ khác, mà đối với kiếm sĩ mù là ngăn bọn thảo khấu để kiếm tiền, nếu anh muốn trở về ngắm "anh đào" còn nhiều lưu luyến trước khi đôi mắt bị mù vĩnh viễn... Nhưng có những ước mơ chỉ là ước mơ, dập dìu để người ta vấn vương khi dở dang truân chuyên bởi ước nguyện không thành...Đến cuối cùng chỉ là một câu trăn trối gởi lại Âu Dương Phong chuyển cho Hoàng Dược Sư rằng có một người đàn bà còn chờ đợi hắn chốn quê nhà. Người kiếm khách mù ra đi bởi tình duyên lở làng do vợ mình lại "đổ" Hoàng Dược Sư, bạn hắn trong chính ngày thành hôn... Qúa khứ cấp 2 được dựng lên bởi mối tình dây chuyền buồn tủi khi nguời ta cứ mãi miết yêu thứ người ta không thể có, bắc cầu qua Hoàng Dược Sư đào hoa để rồi kiếm sĩ phiêu bạt đi tìm mãi miết tình yêu... Mối tình định mệnh diễn ra khiến con nguời ngập ngụa trong tình yêu cho đến cuối đời vẫn còn day dứt...
Chuyển đến câu chuyện thứ ba, câu chuyện của Hồng Thất Công và vợ hắn và cô gái nhờ hắn trả thù cho sư huynh. Câu chuyện ít bi kịch nhất như một bước đệm tiếp theo để Vương Gia Vệ dật dìu một chút niềm vui truớc khi đưa đến một kết thúc đúng kiểu bi sở trường. Xen lẫn trong câu chuyện là tình vợ chồng và một chút tình yêu. Hồng Thất Công cuối cùng đã trở về bên người vợ để tiêu diêu giang hồ sau khi đã giúp cô gái trả thù. Cái giá phải trả là một ngón tay để lại sa mạc khiến Hồng Thất Công hiểu rằng tiêu diêu giang hồ không phải luôn cần một mình, có thể thử dẫn vợ đi theo chắp nối mối duyên trên đường hành tẩu. Hồng Thất Công là con nguời quả quyết nhất, sống thẳng nhất, nhưng ít cố chấp nhất trong tất cả các nhân vật của Đông tà Tây độc. Chính hắn chủ động ra đi nhưng chính hắn biết con đường nào cải tạo quá khứ của mình, nên hắn ít gặp phải hoàn cảnh trớ trêu như hai người trước. Và hắn đã tìm lại được quá khứ trong một khắc mình đã đánh rơi. Câu chuyện dễ gỡ nút nhất vì không rắc rối tình cảm, vì chàng trai Hồng Thất Công có người vợ hiền đứng đợi chàng trở về. Đây là một câu chuyện tìm về 2′ có hậu vỗ về những trái tim cô liêu...
Nhưng bước đệm đấy chỉ để dừng lại một chút, tỉnh một chút trước khi Vương Gia Vệ để các nhân vật của ông chìm vào hư ảo tình yêu, chỉ vì người ta không đủ hiểu nhau. Mâu thuẩn trong câu chuyện thứ 4 được miêu tả cụ thể nhất, câu chuyện ký ức của chính Âu Dương Phong và người hắn yêu, bên cạnh đó là anh trai hắn và Hoàng Dược Sư. Câu chuyện quá khứ cấp 3 khi người ta tự buộc rối quá khứ. Âu Dương Phong và người hắn yêu (Trương Mạn Ngọc) không đến được với nhau bởi vì không mở lòng với nhau, để cả hai đợi chờ và uất nghẹn chọn một con đường khắc kỷ nhằm khiến nguời kia nhớ đến mình, nhưng đó cũng chính là làm đau lòng mình. Người yêu của hắn chọn lấy anh trai tình lang do tình lang không nói yêu nàng, điều mà nàng cần nhất. Để rồi hắn thì cô độc rời khỏi núi Bạch Đà, còn nàng cô sầu nhung nhớ đến mòn mỏi ở Bạch Đà Sơn. Bên cạnh đó còn là mối tình đơn phương của Hoàng Dược Sư đối với cô nguời yêu của Âu Dương Phong, yêu đủ để năm nào cũng ghé lại tửu điếm của Âu Dương Phong để tìm tin tức về tình lang người mình yêu. Chuỗi đời cứ điệp trùng gán vào nhau, lồng vào nhau là những tình yêu vất vưởng nơi hình bóng sầu muộn. Những nguời con gái gởi tâm tư cho Hoàng Dược Sư thì Hoàng Dược Sư lại gởi tâm tư vào một người con gái đã yêu Âu Dương Phong. Vòng quay của tình yêu tròn trĩnh mà khiến người ta đau lòng, luân chuyển vào nhau để rồi nhức nhối đâm vào trái tim. Vòng quay một chiều cán đích cuối cùng chính là Âu Dương Phong, do một chuỗi cố chấp để mất người yêu rồi khiến nhiều nguời cuốn vào đấy, cuốn xoáy vào những tình cảm xa vời mãi mãi chẳng thể có suốt cả kiếp người.
Những hệ lụy từ tình yêu cứ lượn lờ tạo nên thứ ánh sáng dằng dặc lóa mắt người trong cuộc, khiến niềm đau tụ lại quay quắt quật ngã những nguời cứ yêu người khác, nhưng không thể là yêu nhau... Tình yêu là những cơn mưa dầm dề nhỏ tí tách vào lòng người, tê tái dấu yêu hoen mắt lệ. Cuối cùng nguời yêu của Âu Dương Phong chết vì cô sầu, cô để lại bầu rượu quên nhằm giải thoát cho tình lang ở lại. Nhưng với Hoàng Dược Sư thì rượu hữu hiệu, còn với Âu Dương Phong thì dường như chính quá khứ do anh cấu thành đã ăn sâu vào tâm thức nên chẳng thể nào quên. Hoàng Dược Sư chỉ là người chấp nhận cái quá khứ ấy, quá khứ anh yêu một nguời đàn bà đã là của một nguời, và lại yêu một nguời, nên Hoàng Dược Sư có nhớ thương, có nuối tiếc nhưng không có hối hận nên dễ nguôi ngoai, để rồi quên đi những muộn phiền. Nhưng với Âu Dương Phong lại khác, muôn vàn câu hỏi giằng xé trong lòng, bởi anh hối tiếc lẫn hối hận về ngày xưa rồi đau đáu tự hỏi bản thân vì đâu nên nỗi, có thể đã khác không nếu mình khác? Anh hối hận vì đã để lỡ quá khứ hằng mong muốn, mà mãi đeo đuổi vào ảo ảnh để suốt đời sống với trái tim hư ảo, đắm chìm vào vết thương của chính mình mà cào cấu rách bươn quá khứ. Để rồi mộng mị và đau khổ trong quá khứ vàng vọt màu bóng chiều...
Trong một vấn đề song phương thì luôn có một bên chủ động và một bên bị động, cần một bên chịu đựng quyết định của bên còn lại. Và mâu thuẩn tâm lý giữa hai phía đấy hoàn toàn khác nhau, bùng nổ ở những thời điểm khác nhau. Người ta chỉ có thể tự cân bằng lòng mình chứ không thể nào bắt sự đời phải cân bằng. Vòng tròn thế sự xoáy con thuyền đời lênh đênh trên dòng nước, người khéo chèo thì xuôi dòng mà đi, người vụng chèo thì cố ngược dòng để rồi cuối cùng trôi xuôi dòng nhưng mắt hướng xa xăm, nên bỏ qua cảnh đời trước mắt. Những con nguời không thể bỏ lại sau lưng được quá khứ do niềm hối tiếc thì ít, nhưng hối hận thì nhiều. Và Âu Dương Phong chính là vế thứ hai để cuộc đời mãi mãi chìm vào ký ức ngóng về Bạch Đà Sơn...
Đông tà Tây độc là phim nói nhiều đến thân phận nhất của Vương Gia Vệ, thân phận tạo nên tính cách, và tính cách tạo nên quá khứ đan xen cả đời người bởi những hệ quả tâm lý gắn chặt ước cầu. Câu chuyện đi liền với cách con người đi xuyên suốt đời mình, thế là tạo nên ký ức, nhiều trăn trở vấn vương nhưng không nhắc nhiều đến quá khứ hạnh phúc-bên cạnh thứ tan thương. Ở những phim đầu Vuơng Gia Vệ làm phim tâm lý nhưng chưa chú ý đến cảm giác người ta có trước đây-cảm giác xây nên quá khứ khiến người ta đã lỡ mất phải đi kiếm tìm. Những mẩu câu chuyện quá khứ ghép trong cốt truyện hẳn hoi lồng chéo khiến câu chuyện điệp trùng "bắt" khán giả hiểu nên tạo độ xa cách với cảm nhận của người xem. Vương Gia Vệ nói về nuối tiếc và hối hận của những nhân vật ấy nhưng không nói sâu hơn cảm giác nguời ta tiếc để người xem cùng tiếc. Họ chỉ biết nên chẳng thể đưa cảm xúc của mình vào chuỗi tâm lý được dựng gãy khúc mà đạo diễn cố ý nối kết chúng lại.
Những thước phim Đông tà Tây độc đẹp, đáng xem, đáng ngẫm về cách nguời ta tạo nên quá khứ, chịu đựng chính quá khứ đó trong quy luật ngặt nghèo của thời gian. Phim có những cảnh quay gợi, mênh mang trãi dài trong sắc vàng đượm thấm nét cô liêu của tâm hồn cùng diễn xuất nhà nghề của những diễn viên đẳng cấp xứ Cảng thơm, đặc biệt là ánh mắt cuộn sóng lòng của Trương Quốc Vinh và Lâm Thanh Hà. Câu chuyện tả lại cách người ta tạo nên quá khứ điệp trùng. Tuy những tình tiết phức tạp, còn ít cảm xúc nhưng tạo nên những suy nghĩ đáng lưu tâm, và đáng được ghi nhớ...
Vì qúa khứ là những mùa cát úa bay...
Bình luận khác:
-
Nhân đây lại muốn nói thật hiếm khi tìm được ai chịu khó cảm cái đẹp của Đông Tà Tây Độc như bạn. Vì nếu đây là phim làm đúng tiểu thuyết AHXĐ của Kim Dung thì có lẽ mình cũng không xem, vì nhìn chung không thích Kim Dung. Mình luôn cho là trong Đông Tà Tây Độc mỗi nhân vật đều có ít nhất một nhân vật làm hình bóng phản chiếu cho cái hư ảo tình yêu và nội tâm của mình. Cả Trương Quốc Vinh và Lâm Thanh Hà đều cồn cào và dữ dội, đó là vì cả hai đều đang khắc khoải trong cái phần sau của một cơn say: kẻ say rượu tự vui thú vẫy vùng trong không gian ảo tưởng của riêng mình, lý trí và cảm tính đều bị mờ mịt, vấp ngã cũng không còn biết đau, dao đâm cũng chưa thấy tỉnh; chỉ đến khi canh tàn tỉnh mộng mới nhận ra cái khô khốc đắng ngắt trong cổ họng mình và một nỗi trống vắng cô liêu đến cực hạn, thế giới mộng ảo trong cơn say theo đó tiêu tan, bị phân rã thành tro tàn, ngay bản thân mình cũng bơ vơ lạc lõng, chẳng còn là cái gã "mình" trên đỉnh cao điều khiển tất cả nữa. Có lẽ chỉ những kẻ đã từng nếm qua cái vinh quang phần trước cuộc đời, khi mà sự háo thắng trẻ tuổi bồng bột chưa kịp chuyển giao thành sự vững vàng của thép rắn được đời tôi luyện thì mới dễ dàng thấu hiểu cái khốc liệt sụp đổ chóng váng của phần đời sau nơi những nhân vật như thế này. Gặp gỡ hư ảnh của chính mình qua Mộ Dung Yên, nhìn qua cái ước mơ buồn tủi sâu thẳm của Hoàng Dược Sư, kiếm sĩ mù... thấu đáo cái tình cái lý của Hồng Thất Công... Da thịt Âu Dương Phong được nếm qua một mùa mưa chua, ba mùa ngai ngái cỏ tranh khét cháy để rồi khi hắn quay đầu nhìn lại cái vinh quang thời tuổi trẻ xa vắng, nhớ về cánh hoa đào đã vĩnh viễn rơi khỏi cuộc đời mình... có lẽ đó là 1 chuyến hành trình ngắn gói gọn một năm nhưng cũng đủ dài cho cả đời Âu Dương hiểu ra hắn đang có một cơn say rượu trong lòng. Hắn ngày càng tiến tới cái cực hạn của sự tỉnh táo, thế nên đến vò rượu lãng quên kì diệu cũng không thể bắt hắn say sưa trở lại. Nhiều khi người ta mải quen trong cái quyến rũ thi vị của phim Vương Gia Vệ mà bỏ quên một phần bản chất của phim ông ta – là sự lãng mạn khô khốc, là những va chạm khốc liệt ẩn trong những khuôn hình trau chuốt đẹp như giấc mơ.
Thêm một điều muốn tán nhảm nữa là mình rất phục con mắt nhìn diễn viên của Vương Gia Vệ, ông ta phát hiện và khai thác ai cấm có sai. Có lẽ là nhà đạo diễn dụng diễn viên giỏi nhất xưa giờ mà mình từng biết.
Nói đến Đông Tà Tây Độc thấy nhớ nhất vẫn là hình ảnh cát vàng sa mạc, những dợn sóng trong chiều, lá cờ gió táp và cơn gió bỏng rát mang tên Âu Dương Phong, kế đến cũng là Mộ Dung Yên ^^.
-
Heobeo cũng không thích AHXĐ ha, NH cũng không thích truyện đấy, tư tưởng tuyệt đối của truyện đấy cũng giống như Vượng Giác tạp môn của Vương Gia Vệ vậy, chưa cứng tay lắm nên thành ra xem được Đông tà Tây Độc xào lại những nhân vật được KD thần tượng hóa thì NH rất thích.
ĐTTĐ là một phim đẹp, day dứt nỗi nhớ để người ta sống trong ảo ảnh, đậm tính nghệ thuật nhất của Vương Gia Vệ, đứt gãy mạnh nhất, đan xen nhiều cốt truyện nhỏ lại với nhau, đầy tình cờ nhưng lại rất tự nhiên để tạo dấu ấn thời gian chập chùng lồng vào nhau. Đúng như Heobeo nói, mỗi nhân vật trong ĐTTĐ đều có tấm gương phản chiếu bản thân cả, nếu ở Mộ Dung Yên là hai nhân cách đối kháng, ở kiếm sĩ mù là Hoàng Dược Sư, ở Hồng Thất Công là kiếm sĩ mù, thì ở Âu Dương Phong chính là Hoàng Dược Sư. Vương Gia Vệ lấy người này soi nguời kia, lấy khoảng trống của người này làm bầu trời của người kia, để họ cứ mãi miết đi tìm một bầu trời cho mình trong ánh mắt người kia. Mênh mông đó nhưng lại bé nhỏ vô cùng, như mò kim đáy bể để tìm lấy một khoảnh khắc trùng phùng-mãi chẳng thể có.
Rượu quên không tồn tại với Âu Dương Phong, vì hắn có bao giờ quên thứ gì đâu, hắn nhớ cả nhưng lẩn tránh đó thôi. Và vì trí nhớ là một lời nguyền gieo lên những kẻ không dám đối diện với thực tế, khi mọi chuyện đã lỡ làng.
-
Không phải là mình chỉ không thích AHXĐ mà là mình không thích Kim Dung nói chung luôn, mình mới đọc bập bõm cái Tiếu Ngạo Giang Hồ, phim truyền hình của Kim Dung cũng không thích xem. Không biết nữa, chắc khi nào heobeo mò truyện Cổ Long đọc thử xem có hạp không ^^, bạn của mình toàn người thích Cổ Long. Đúng đó, ông Vương xào nấu lại các nhân vật của KD heobeo lại thấy thích nên mới coi. Đó giờ heobeo cũng ít khi "buộc" phim phải giống hệt như truyện, vì mình quan niệm xem phim là phải đc trải nghiệm những mới mẻ bất ngờ đặc biệt là trong lần đầu tiên. Coi phim mà phải gồng mình chăm chăm soi chi tiết nào đúng tới đâu, chi tiết nào sai so với câu với chữ trong truyện thì ... chán chết, thà đọc truyện rồi tự mình tưởng tượng sướng hơn ^^. Bởi vậy nên mình cứ hứng với mấy phim cải biên là vì vậy, ha ha.
"Và vì trí nhớ là một lời nguyền gieo lên những kẻ không dám đối diện với thực tế, khi mọi chuyện đã lỡ làng." => chính xác luôn ^^ . Hắn chẳng quên được em ấy đâu, làm bộ phớt đời ngoài mặt vậy thôi chứ bên trong hắn cồn cào lắm, "càng cố quên lại càng nhớ".
"mỗi nhân vật trong ĐTTĐ đều có tấm gương phản chiếu bản thân cả" => ừ, cái lối sắp xếp các câu chuyện nhỏ trùng lặp, soi rọi, lồng ghép vào nhau thế nên mình liên tưởng luôn đến Rashomon của Akira Kurosawa. Phần phục trang và lối nhà cửa của Đông Tà Tây Độc nhìn cũng giống người Nhật ha NH.
"Ở những phim đầu Vuơng Gia Vệ làm phim tâm lý nhưng chưa chú ý đến cảm giác người ta có trước đây-cảm giác xây nên quá khứ khiến người ta đã lỡ mất phải đi kiếm tìm. Những mẩu câu chuyện quá khứ ghép trong cốt truyện hẳn hoi lồng chéo khiến câu chuyện điệp trùng "bắt" khán giả hiểu nên tạo độ xa cách với cảm nhận của người xem. Vương Gia Vệ nói về nuối tiếc và hối hận của những nhân vật ấy nhưng không nói sâu hơn cảm giác nguời ta tiếc để người xem cùng tiếc." => đồng ý mạnh. NH lý giải rõ ràng lắm. NH nói Đông Tà Tây Độc là phim đứt gãy mạnh nhất của VGV cũng chính vì ông Vương đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào phim này. Các đạo diễn trẻ đa phần hay mắc phải cái lỗi này đấy, luôn cố gắng làm cho phức tạp không giống ai, nóng vội để được công nhận, nên có thể xem là thể hiện cho sự háo thắng bồng bột chưa thành thục của ổng. Cơ mà những đứt gãy sắc cạnh của ĐTTĐ vẫn làm mình run rẩy từ tận đáy lòng.
-
NH thích hàm ý của Kim Dung hơn Cổ Long, nhưng thích cách hành văn và cách thiết lập tình tiết của Cổ Long hơn, nhanh-gọn-dứt khoát. Truyện Kim Dung dài dòng quá, nhiều khi quá nhiều tuyến phụ chỉ để dẫn dắt tình tiết nhưng lại được chăm chút quá thành ra thấy ổng...kỹ tính khiến ý tứ không tiêu diêu. NH mà thấy bạn fan nào liệt kê so sánh truyện với phim NH sợ bạn đó lắm, thật đó, xem phim mà cứ như làm bài tập thì khổ ơi là khổ. Truyện chặt chẽ đó nhưng mà nó bí, không thoáng như truyện Cổ Long-thường hay mắc có lỗ hổng nhưng lại rất thoáng.
Ai cũng vậy hết Heobeo ha, lúc trẻ rất muốn được công nhận, cũng thật sự cần được công nhận nên vội vàng, Vương Gia Vệ cũng vậy. Nhưng cái vội vàng đó thể hiện cho tuổi trẻ và sự cố gắng của người làm phim. Lúc đó bản lĩnh chưa đủ tầm để bỏ qua thế sự, nhưng lại có nhiệt huyết mà khi về già giảm đi rất nhiều. Nói chung thì ai cũng có nhu cầu chứng tỏ mình hết, và tùy theo độ tuổi người ta lại chứng tỏ bằng cách khác nhau thôi. ^^
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top