Cô dâu Hà Nội-Ha Noi Bride
Thường thì tôi không có hứng thú với những phim giao lưu văn hóa, những phim đấy nội dung cliché xem rất chán. Vì vậy đến giờ mới xem Cô dâu Hà Nội, phim cũng có những tình tiết cũ kỹ nhưng tổng thể không chán như lúc đầu tôi vẫn nghĩ.
Cô dâu Hà Nội là drama, nhưng tổng thời lượng chỉ khoảng 2 tiếng mà thôi nên tình tiết của phim nhanh gọn giống movie hơn, tuy nhiên twist thì vẫn dramatic. Mà ngay cả movie Hàn Quốc thì kịch tính chỉ có hơn chứ không kém drama chút nào, nên Cô dâu Hà Nội cũng nằm trong dòng chảy những phim chú trọng đến tình tiết là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên tôi thích cách mở gút của phim ở đoạn cuối, tôi thích cách phim sử dụng kịch tính để gỡ kịch tính-một kịch tính đã được châm ngòi nổ sẵn để chờ bùng nổ đúng lúc khơi thông tâm lý của những nhân vật trong nó, chứ không phải là kịch tính trên trời rơi xuống.
Phim sử dụng nhiều tình tiết tình cờ ngẫu nhiên để riết câu chuyện lên những cao trào khi đi dần về sau. Nội dung câu chuyện kể về tình yêu của một cô gái Việt Nam với một chàng bác sỹ Hàn Quốc. Phim miêu tả quá trình họ quen nhau-yêu nhau, sau đó là khoảng thời gian xa cách-được giữ bí mật lý do, đến cách tìm gặp nhau, và tìm về nhau. Tình yêu mà, chỉ thế mà thôi, một yêu, hai không yêu, ba dật dờ giữa yêu-không yêu-hận, nói mãi cũng đến thế mà thôi.
Tuy nhiên tôi thích phim ở cách thể hiện mở rộng ống kính thể hiện khung cảnh thật ở Hà Nội. Có những cảnh quay phố phường Hà Nội và vịnh Hạ Long chân thực và khá đẹp, dù còn được "văn hóa hóa" bằng hình ảnh áo dài và hoa sen. Với drama Hàn có nhiều phim quay tại hiện trường, diễn viên đi qua đi lại hết ăn lại cãi nhau xem rất chán, nên Cô dâu Hà Nội mở ống kính đến những hoạt cảnh thực hơn là một sự cố gắng đáng ghi nhận. Ngay cả hoạt cảnh ở Hàn Quốc cũng được quay khá đẹp với những ngọn đồi tít tắp xanh mang lại cảm giác dễ chịu.
Vì là drama nên không thể yêu cầu nhiều thủ pháp điện ảnh hiện diện ở phim, thật ra phim không có cảnh quay nào thật sự đắt hay thật sự gợi gì cả. Nét đẹp của phim nằm ở những góc quay đơn giản và thống nhất theo phong cách drama, và tôi thích sự đơn giản đó. Do thời lượng của phim ngắn nên kết cấu twist theo hướng movie nhiều hơn, cái twist được thắt mở nhanh gọn thông qua chuỗi tình tiết được biên kịch sắp xếp theo tâm lý nhân vật. Kịch tính thường đi đôi với sơ hở do dồn ép vấn đề đến cao trào đỉnh khiến tình tiết vỡ ra chứ không trãi dài vấn đề tiết chế giải quyết theo từng giai đoạn. Vì vậy tâm lý nhân vật có một chút thiếu tự nhiên.
Tôi thích phim thể hiện tâm lý nhân vật với những vấn đề do chính họ chưa giải quyết triệt để, để phim như một quá trình họ tìm kiếm chính bản thân mình trong đó. Nếu phim để hoàn cảnh ít tác động đến họ hơn nữa, mà đặc tả nhiều hơn cảm giác hai con người với những rào cản trong chính bản thân thì có lẽ tôi sẽ có cảm tình với phim nhiều hơn nữa. Tuy nhiên phim có thể hiện điều đó là một điểm cộng khi phân tích chính tâm lý nhân vật tạo nên hoàn cảnh chứ không phải chỉ hoàn cảnh tác động đến tình tiết. Họ chưa đến với nhau là vì lúc ấy họ chưa sẵn sàng đến bên nhau bất chấp mọi khoảng cách, họ chần chờ và bị động trong trạng thái chờ đợi khi chưa thật sự hiểu nhau. Khoảng cách địa lý cộng với tâm lý chần chừ của chính họ đã khiến họ mất nhau. Tuy rằng phim chưa miêu tả cặn kẽ tâm lý ấy, nhưng ít nhất là phim có miêu tả để phim tạo được trọng tâm.^^
Spoiler: Tôi thích cách phim mở gút ở đoạn kết, thích cách phim dùng một tình tiết kịch để khơi thông tâm lý nhân vật. Cách tạo tình tiết tương phản trong tình tiết cao trào khiến người ta nhìn lên rồi lại nhìn xuống, nhìn mọi vật xung quanh mình một cách toàn diện hơn trong thế giới quan rộng lớn, nơi mà sự cân bằng không thể hiện tuyệt đối ở cá thể riêng biệt. Cân bằng là trạng thái tồn tại ở lượng lớn những cá thể bổ khuyết cho nhau vượt hơn hẳn số nhỏ cá thể tự cân bằng. Chính vì vậy nhân vật người anh, và cuộc đời của người anh có ý nghĩa hơn hẳn, thay vì chỉ là một trung gian để phát triển kịch tính lên cao trào khá vụng về ban đầu theo ý đồ tác giả, người anh vì thế được miêu tả có cuộc đời riêng, có cảm xúc riêng tạo nên câu chuyện đối trọng với câu chuyện tình yêu chính. End spoiler
Điểm yếu nhất của phim chính là phần thoại tiếng Việt được thể hiện không đạt, tuy nhiên tôi thích cách phim sử dụng giọng thật của dv Kim Ok-bin và Lee Dong-wook khi nói tiếng Việt mà không sử dụng phương pháp lồng tiếng-nhằm che giấu điểm yếu nhãn tiền này lại. Có thể xem đó như cách thể hiện vụng về một cách chân thật, như toàn bộ cách thể hiện và nội dung của phim tuy có những nét vụng về không hoàn hảo nhưng chân thành mang đến cho khán giả một góc nhìn đi vào thực chất và giải quyết vấn đề một cách trọng tâm với cách thể hiện nhanh gọn và bất ngờ gần tiệm cận được mức đánh giá của movie.
Cô dâu Hà Nội miêu tả lạiquá trình con người tìm kiếm hạnh phúc để tự do tự chủ vượt qua ranh giới ràngbuộc.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top