[Phim] Bi thương ngược dòng thành sông (bản điện ảnh)

Từ chuyện của Sulli mấy ngày gần đây, mình tự dưng nhớ đến "Bi thương ngược dòng thành sông" bản điện ảnh đã từng xem cách đây ít lâu. Lần đó xem phim chủ yếu vì thấy diễn viên đẹp, lại nghe nói phim buồn và có nhân vật bị bệnh/chết nên mình chỉ lướt qua vài đoạn chứ chưa xem hết. Lần này tập trung xem lại phim một cách trọn vẹn, mình thấy phim khá hay, tuy buồn nhưng không đến nỗi thê lương như mình đã nghĩ.

Phim xoay quanh Dịch Dao, một nữ sinh trung học mất cha từ sớm. Vì gia đình khó khăn, cô sống thiếu sự yêu thương của mẹ và đó cũng là khởi nguồn của việc bị bắt nạt. Từ đây, phim phản ánh thực trạng bạo lực học đường cũng như những hậu quả của nó. Bi kịch của Dịch Dao bắt đầu khi cô phát hiện mình mắc bệnh truyền nhiễm, bị bạn học cười nhạo và xúc phạm. Nhưng, không ai lên tiếng hay đủ can đảm đứng ra bênh vực cô, nhà trường thì vô tâm không nhận thấy các vấn đề này. Đỉnh điểm là khi Dịch Dao bị vu oan là hung thủ giết người, cô quyết định tìm đến cái chết để giải thoát bản thân.

Nói về hình ảnh, trước tiên ấn tượng của mình là tông màu xanh xám của bộ phim rât hợp với chủ đề "bi thương". Bối cảnh trường học, khu nhà xập xệ, bệnh viện, trạm y tế hiện lên chân thật, có chút gì đó cũ kỹ, ảm đạm. Bên cạnh đó, hình ảnh được đầu tư rất tốt đặc biệt ở một số đoạn nhấn, như cảnh quay Cố Sâm Tương ngã từ sân thượng dưới ánh trăng hay cảnh Dịch Dao chạy trên cây cầu dài rồi nhảy xuống sông. Cảnh quay Dịch Dao nằm lẫn giữa những quả bóng ngước nhìn mặt trời cũng là một trong những cảnh mình thích nhất, góc quay rất đẹp.

Về kịch bản, phim đã khắc họa được những đau khổ, bất hạnh của Dịch Dao để qua đó lên án bạo lực học đường. Mạch phim trôi chảy từ đầu đến cuối và thu hút người xem, truyền tải được cốt truyện chính. Nội dung bạo lực học đường tuy không mới nhưng đây có lẽ là câu chuyện thấm thía và đau xót nhất mình từng xem. Diễn biến tâm lý nhân vật hợp lý, các nhân vật chính và phụ đều được phát triển tốt.

Về nhân vật, đây là phần mình muốn nói nhiều nhất vì thấy thấu hiểu và đồng cảm với hoàn cảnh của họ.

Đầu tiên phải kể đến Dịch Dao - nhân vật chính của câu chuyện, một cô gái hiền lành, ngây thơ nhưng sống tự ti và xa lánh mọi người. Cô không thể chia sẻ với ai về những vấn đề trong cuộc sống, kể cả mẹ hay cậu bạn Tề Minh; nên khi phát hiện bản thân mắc bệnh truyền nhiễm, cô chỉ còn cách một mình đối diện với nó. Đối với việc bị bạn học bắt nạt, Dịch Dao dù cam chịu hay phản kháng đều không nhận được sự thông cảm từ những người chung quanh. Đến khi được mẹ dẫn đi chữa bệnh, những tưởng cuộc sống cô sẽ mở sang một trang mới tươi sáng hơn, nhưng không lâu sau cái chết của Cố Sâm Tương lại đẩy cô rơi vào hố đen tăm tối. Dịch Dao là hình ảnh của một cô gái bất hạnh, một nạn nhân bạo lực học đường và quyết định cuối cùng của cô chính là hậu quả của vấn nạn đó.

Xem phim có vài phân đoạn để lại trong mình rất nhiều cảm xúc, điển hình như khi Dịch Dao vùng lên chống lại bắt nạt; khi Dịch Dao và Tề Minh tranh cãi về sự khác biệt trong cuộc sống cả hai (đoạn này có chi tiết Dịch Dao lần đầu biết đến băng vệ sinh có hương thơm, xem mà thấy chạnh lòng); khi người mẹ phát hiện nguyên nhân căn bệnh của con gái, bần thần ngồi xuống tát vào mặt mình; và khi Dịch Dao kết tội toàn trường trước lúc tự tử.

"Hung thủ giết Cố Sâm Tương là ai, tôi không biết. Nhưng người giết tôi là ai thì các người đều biết rõ."

Mình thấy mãn nguyện với cái chết của Dịch Dao khi nó khiến những người chung quanh cô phải sống với nỗi ám ảnh dằn vặt về sau. Về phần Dịch Dao, cô gieo mình xuống sông có cảm giác nhẹ nhõm như đã trút hết những u phiền của cuộc sống.

Bên cạnh Dịch Dao, những nhân vật khác cũng thể hiện nhiều khía cạnh xã hội nói chung và bạo lực học đường nói riêng.

Đường Tiểu Mễ - người đầu têu việc bắt nạt, xuất phát từ lòng đố kỵ với Dịch Dao. Tiểu Mễ cũng là một nạn nhân bạo lực học đường, có lẽ chính vì thế mà cô khao khát được hành hạ lại người yếu hơn. Dịch Dao như một nơi để cô trút bỏ những áp bức đã từng chịu đựng. Điều đó không thể biện minh cho hành vi của cô, tuy nhiên, tâm lý và động cơ của nhân vật này phần nào có thể thấu hiểu. Mình không ghét Tiểu Mễ, chỉ thấy đây là một nhân vật đáng trách và đáng thương. Thay vào đó, mình cảm thấy bức xúc với những học sinh hùa theo chuyện bắt nạt một cách vô tội vạ hơn.

Một nhân vật đáng trách khác là Tề Minh, cậu bạn thanh mai trúc mã mà Dịch Dao thầm mến. Cậu được bố mẹ thương yêu bảo bọc từ nhỏ, chưa từng nếm trải những khó khăn như Dịch Dao. Mọi người đối xử tốt với cậu, cậu nhìn cuộc sống theo một cách tốt đẹp. Cậu không hiểu Dịch Dao nhưng lại áp đặt suy nghĩ của mình lên cô, phản đối cách cô chống lại những kẻ bắt nạt. Chính vì thế, những hành động tự bảo vệ của Dịch Dao đột nhiên trở nên sai trái trong mắt Tề Minh và điều đó khiến cô tổn thương.

Ngược lại, Cố Sâm Tây được ví như ánh mặt trời cho những ngày tăm tối của Dịch Dao. Cậu tin tưởng, động viên và luôn giúp cô đứng dậy. Cũng sinh ra trong một gia đình hạnh phúc nhưng nhân vật này có cái nhìn đa chiều và thực tế hơn Tề Minh. Cậu không chạy theo những khuôn khổ cứng nhắc mà có chính kiến của riêng mình, dẫu vậy, cậu vẫn không đủ sức bảo vệ chị gái hay Dịch Dao khỏi những xấu xa của xã hội. Cuối cùng có lẽ người tội nghiệp nhất là Cố Sâm Tây khi liên tục mất đi hai người thân thiết nhất.

Cố Sâm Tương thì là một cô gái xinh đẹp, hiền lành, tốt bụng nhưng lại bị liên lụy bởi hành động thiếu suy nghĩ của một nhóm thanh thiếu niên. Cái chết oan uổng của cô thật khiến người xem phải nghẹn lòng.

Và cuối cùng là mẹ của Dịch Dao, cũng là một nhân vật đáng nói. Ở bà có sự đối lập giữa một người phụ nữ khắc nghiệt và một người mẹ yêu thương con. Tuy bên ngoài tỏ ra gai góc, sâu bên trong bà vẫn rất lo lắng cho Dịch Dao. Đoạn người mẹ nắm tay Dịch Dao dẫn đi chữa bệnh vô cùng xúc động.

Về diễn xuất, dàn cast tuy mới và trẻ nhưng đã thể hiện tròn vai. Mình đặc biệt ấn tượng với khuôn mặt nhỏ nhắn xinh xắn và ánh mắt buồn của Dịch Dao. Nhậm Mẫn đã thành công làm toát lên sự ngây thơ đồng thời là sự bất cần, xa lánh mọi người ở nhân vật này. Ánh mắt cô từ sợ hãi, tổn thương đến đau khổ, căm hận, đều truyền đạt rõ cảm xúc nhân vật, những đoạn khóc khiến người xem đau lòng. Triệu Anh Bác vai Tề Minh cũng làm rất tốt, ban đầu là thiện cảm, càng về sau vẻ mặt lạnh nhạt của cậu chỉ khiến mình muốn tặng cho vài cái tát. Tân Vân Lai tuy vài đoạn diễn xuất còn thiếu tự nhiên nhưng cũng đã thể hiện được sự tươi sáng vui vẻ của nhân vật.

Tóm lại thì đây là một tác phẩm hay, vừa xúc động vừa bi thương nhưng không quá sướt mướt. Một câu chuyện thanh xuân "cay đắng" thay vì "ngọt ngào" với nội dung ý nghĩa. Mình chưa đọc truyện bộ này, không biết nội dung và nhân vật có khác nhiều so với bản gốc không, riêng về bản phim điện ảnh thì mình thấy được xây dựng khá tốt. Mình nghĩ mọi người có thể xem phim để có cái nhìn rõ hơn về bắt nạt, về tác động của tin đồn, những lời lẽ xấu xa và sự cười cợt trên nỗi đau của người khác.

26/10/2019

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top