«2» [Thuỵ] I have a dream

Chào cậu. Có lẽ lời chào không phải thứ quan trọng nhất trong một bài review, nhưng ở đây, tại 2w, tớ muốn cậu có trải nghiệm tốt nhất và được thoải mái như một tác giả tuyệt vời đã dành mọi công sức viết ra tác phẩm của mình. Mặc dù cậu chỉ yêu cầu tớ review phần I have a dream, tuy nhiên tớ còn đọc thêm vài phần còn lại để đảm bảo hiểu cậu rõ hơn. Vậy chần chừ chi nữa mà không bắt đầu cuộc hành trình review này nhỉ.

" I have a dream that I was fine
I wasn't crazy, I was divine."
Ban đầu đọc tiêu đề tác phẩm tớ chỉ nghĩ tới chuyện tình thanh thiếu niên ngọt ngào và những giấc mơ ngây dại, nhưng cậu đã đem lại nhiều bất ngờ hơn tớ nghĩ. I have a dream phản ánh một mặt sâu sắc của xã hội mà con người ta ngày nay vẫn hay trốn tránh đề cập tới - trầm cảm / tự sát. Mặc dù nó là vấn đề nhạy cảm, sẽ không khỏi cảm thấy âm ỉ trong lòng mỗi khi được nghe về nó, tuy nhiên cậu biến tự sát thành cách để giải thoát, mội trải nghiệm đọc vừa thương cảm mà vẫn nhẹ nhàng đến lạ. Với ngôi kể thứ nhất ấy, tớ chứng kiến toàn bộ câu chuyện dưới cặp mắt, tâm hồn một thiếu niên đang gục ngã từng ngày, khiến tớ phải đặt toàn bộ tâm can vào cái nhìn của Catherine để có thể hiểu, điền vào những chỗ dang dở. Phải nói rằng ngôi kể thứ nhất hay thứ ba đều lợi riêng, nhưng cậu đã tận dụng rất tốt đặc điểm ngôi kể này, biến tác phẩm thêm cá nhân mà vẫn có sức lan toả riêng.

Đầu tiên tớ muốn nói quan điểm của mình trên phương diện một bài review bình thường, đó là dựa vào suy nghĩ, cảm xúc. Tớ không biết liệu cậu có dựa trên chính kinh nghiệm bản thân để viết hay không. Tuy nhiên I have a dream phản ánh rất rõ hiện trạng thiếu niên bây giờ. Họ ngông cuồng, họ muốn rong chơi, nhưng bộ máy xã hội đang kìm ép cái tôi cá nhân kia xuống, đào tạo những công dân chuẩn mực, A+ - hệt như số điểm mà Catherine mong chờ in hằn trên bài kiểm tra. Người lớn, họ luôn phớt lờ như vậy, luôn cho rằng ừ thì mình đã từng trải qua kiếp đi học rồi mà, đâu khó đến như vậy, đi làm còn khổ cực hơn nhiều. Tuy nhiên dưới con mắt của những đứa trẻ kia, việc học là trở ngại - trở ngại duy nhất quyết định tương lai chúng tối tăm hoặc tươi sáng. Vậy ấy là thứ bắt buộc hay được chọn lựa đây? Bọn họ luôn cho rằng Catherine ưa thích làm màu, đứng trên một đỉnh cao danh vọng không xứng đáng. Nhưng bản thân Catherine liệu có vui vẻ gì cho cam? Thấy những cặp mắt soi xét mặc dù cô được khen ngợi, đáng ra cô phải ngập tràn niềm vui mà sao vẫn khó chịu đến vậy? Tớ nghĩ vị trí nhất nhì chỉ là cái bục vô hình mỗi chúng ta khao khát tới cực độ, sẵn sàng dẫm đạp thậm chí bôi nhọ nhau để được thử khoái lạc đứng đầu, còn người thật sự trải qua cái bục ấy tâm can lại vỡ vụn từng ngày... Cậu có bao giờ nghe về hội chứng "thiếu thoả mãn" chưa? Rằng mặc dù ta đạt thành tựu long trời lở đất thì bản thân vẫn thấy chưa đủ, vẫn tự trách mình vô dụng, tự hạ thấp chính mình. Tớ nghĩ Catherine đang ở trong vị trí như vậy, gào thét từ sâu thẳm tâm hồn "tại sao mình không được A+ nhỉ?" "tại sao mình không thể làm mẹ tự hào?". Xã hội đã biến Catherine thành thứ gì thế này?

Đó là sự khởi đầu cho sự xuất hiện của Toska. Để đánh dấu giấc mơ và hiện tại, cậu luôn sử dụng "tôi có một giấc mơ". Cấu trúc lặp lại như vậy không những nhấn mạnh được hoàn cảnh mà còn làm câu chuyện thêm chất thơ trữ tình. Toska là nhân vật mà Catherine chỉ có thể gặp trong những giấc mộng rong ruổi - chi tiết mà tớ cho rằng đắt giá nhất cả tác phẩm. Thực tại tàn nhẫn quá, ngay trong gia đình vốn dĩ phải ấp ủ ta mỗi ngày, Catherine lại trở nên buồn bã, đau thương đến lạ, vì vậy giấc mơ là điều đẹp đẽ duy nhất cứu rỗi cô, khiến cô tiếp tục sống. Giấc mộng dài, Catherine được sống là chính mình, không còn những con số đỏ chót định giá trị con người, hay những lời dặn dò nhỏ nhẹ mà đáng sợ của mẹ, hay cặp mắt nhìn phán xét của lũ "bạn" học trên lớp. Giấc mộng dài, Catherine đắm chìm vào tia cực quang, nhảy múa nhảy múa, và liệu cô có thấy hạnh phúc khi tránh xa những điều hằng làm mình đau khổ? Tớ nghĩ rằng trong mỗi giấc mộng ấy, Catherine chỉ chực chờ nó tiếp diễn mãi mãi, mãi mãi, để cô say nồng vì hạnh phúc, dù chỉ là giả tạo, dù chỉ là do tâm trí tạo ra thôi cũng được, còn hơn mắc kẹt ở hiện tại tàn khốc này. Nhưng Catherine vẫn dậy, và Toska không còn đó, không cả tia cực quang, chỉ có ánh sáng mặt trời mà vẫn không đủ rọi soi góc tối tâm hồn cô. Cô dậy muộn. Mẹ không hề gào lên, hay đánh đập cô, hay chửi nhiếc thậm tệ như mấy mụ dì ghẻ độc ác. Mẹ chỉ nhẹ nhàng nói vài câu với thiện chí như an ủi, nhưng cũng đủ khiến Catherine rùng mình ghê sợ. Trong tâm hồn một đứa trẻ đã tổn thương đến thế, cả lời nói cũng có thể ghìm chúng xuống, khiến chúng vỡ vụn.

Catherine tự sát. Những viên thuốc an thần nhạt toẹt, không bất ngờ. Toska bây giờ có thể kéo dài mãi mãi thật rồi, Catherine sẽ không còn phải thức dậy muộn, hay nhớ nhung tia cực quang mà cô ao ước được đắm mình. Catherine sẽ hạnh phúc toàn tâm toàn ý. Ở đây, tớ không muốn nói nhiều, cũng sẽ không khuyên nhủ abcxyz rằng đời còn nhiều thứ đẹp lắm, rằng tự tử là ngu ngốc lắm. Dưới con mắt một người trầm cảm, còn sống ngày nào thì bóng tối còn bao trùm ngày ấy, là những nỗi đau thầm kín cắt sâu bên trong ứa máu nhưng không thể chảy thành dòng. Mẹ Catherine sẽ nghĩ gì bây giờ đây? Liệu bà có gào lên như "ôi tôi cho nó ăn học, tôi nuôi nó lớn mà nó cứ nghĩ dăm ba chuyện học hành là gánh nặng đáng để chết lắm đấy." Không, không chỉ học hành đang bào mòn cô đến chết tức tưởi, mà ngay cả mẹ cô đã góp phần đẩy cô vào con đường ấy. Tớ nghe người ta so sánh về sự trầm cảm của trẻ vị thành niên và người lớn. Họ cho rằng trẻ con có gì cần lo chứ? Trầm cảm thì sao mà trở nặng chứ? Nhưng họ có hiểu không, nếu người lớn trở nên trầm cảm, họ có thể vung tiền đi từ thiện, đi khám tâm lý, đi du lịch hay đơn giản nghỉ làm để hoàn thiện tâm hồn. Người như Catherine thì sao chứ? Mỗi ngày thức dậy, biết mình trầm cảm mà vẫn vác cặp nặng trịch đi học, vẫn nghĩ bản thân không xứng đáng sống, nhưng không nhận được lời hỏi han hay quan tâm nào. Vậy ai mới là người đau đớn hơn đây? Tớ nghĩ mẹ Catherine không có quyền phán xét cái chết ấy của cô. Vì chính bà đã thất bại trong việc làm một đấng sinh thành bảo bọc con tới cuối đời. Bà đắm chìm vào nỗi đau của mình tới mức, bà vô tình tạo nên hiệu ứng domino, khiến con gái bà chịu đau đớn gấp bội phần. Điều Catherine tự tử ở đây là một cách giải thoát chính đáng, khi không thứ gì có thể khiến cô cười nữa ngoài những giấc mơ giả tạo mà hạnh phúc vô bờ...

Về văn phong của cậu, tớ cảm thấy cậu là người rất thạo dùng từ khi mọi từ ngữ đều uyển chuyển, tự nhiên và có chọn lọc vô cùng. Tuy nhiên tớ thấy cậu hơi lợi dụng những từ như "thứ", "các", "cái" rải rác hơi nhiều trong tác phẩm khiến cho trải nghiệm đọc của tớ hơi gượng gạo. Và tớ thật lòng nghĩ cậu nên tiết chế dùng từ phức tạp hơn một chút để lúc đọc không cảm giác bị nghẹn hay thừa thãi. Tuy nhiên để so sánh với tất cả phần trước, từ plot đến văn phong của cậu cải thiện hơn rất rất nhiều. Tớ chỉ ước I have a dream khai thác sâu thêm nội tâm nhân vật, khiến tớ có nhiều cảm xúc đa chiều hơn nữa. Tớ vẫn thấy nhân vật Toska và bà mẹ nên được cải thiện vì hiện tại tớ thấy họ hơi mờ nhạt. Chính vì vậy mặc dù cái chết của Catherine là hợp lí, nhưng nó vẫn khá gượng gạo xét theo cương diện một người đang trầm cảm. Tớ trông chờ nội tâm phong phú hơn nữa, đau đớn hơn nữa để đẩy cao trào đến độ cực hạn. Đó cũng là thứ duy nhất tớ khao khát I have a dream phải làm được để trở thành tác phẩm thật sự hoàn hảo. Tuy nhiên tớ ngợi khen cậu vì đã cải thiện nhiều và viết ra tác phẩm đồng cảm như vậy.

Cảm ơn cậu đã đặt đơn ở 2W. Tớ là Thuỵ, thành viên thực hiện bài review cho cậu. Hi vọng cậu thích và để lại comment nếu tớ cần sửa chữa điều gì. Nhớ làm theo yêu cầu của request board để ủng hộ bọn tớ nè. Chúc cậu ngày an lành.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top