Truyện của Kaji
Quả chanh
Nguyên tác Remon của Kajii Motojiro
Người dịch : Quỳnh Chi
Có một cái gì ấy bất tường và như báo điềm chẳng lành, cứ đè nặng trong lòng tôi. Một cảm giác bứt rứt khó chịu, giống như bị nặng đầu vì hôm trước uống rượu, mà ngày nào cũng uống rượu rồi sau đó bị váng vất mãi. Cái cảm giác ấy lại đến. Thế này thì hơi phiền đấy. Phiền không phải vì bệnh lao phổi hay vì thần kinh suy nhược. Cũng không phải vì tôi đang bị nợ chồng chất ngập đầu. Mà phiền là vì chính là cái khối bất tường chẳng lành ấy. Dù cho bất cứ thứ âm nhạc tuyệt diệu nào trước đây đã từng làm tôi thấy vui lòng, bất cứ câu thơ nào dù hay đến đâu, giờ đây cũng nghe ra cay đắng. Dù tôi đã đến tận nơi nghe nhạc từ chiếc máy hát, thế mà chỉ mới nghe được chừng hai ba đoạn đầu là đã phải đứng lên bỏ đi. Cái gì đã làm tôi bứt rứt khó ở đến như thế này không biết. Vì thế mà tôi đã đi lang thang mãi ngoài đường, hết phố này sang phố khác.
Tôi còn nhớ, không hiểu vì sao mà dạo ấy tôi bị cuốn hút mãnh liệt bởi những cái gì đẹp mà tàn tạ. Nếu là phong cảnh thì đó là một khu phố sắp đổ nát, trong khu phố ấy tôi lại thích các ngõ hẻm hơn là mặt ngoài đường xa lạ khách sáo. Trong các ngõ hẻm trên đầu có chăng những dây phơi quần áo đã ố màu, dưới đất la liệt những thứ chẳng có giá trị gì, các nhà hai bên ngõ nhìn vào chỉ thấy những căn phòng nhếch nhác tồi tàn. Chỉ có cây cối là mọc mạnh, đôi khi còn bất ngờ bắt gặp một bông hoa hướng dương hay hoa loa kèn nở chói.
Thỉnh thoảng khi đang đi trong những ngõ hẻm như vậy, bất giác, tôi cố tạo cho mình cái ảo tưởng làm như thể đây không phải là Kyoto, mà là thành phố Sendai hay Nagasaki cách Kyoto hàng trăm dặm đường, và tôi đang tới các thành phố ấy. Nếu có thể được tôi chỉ muốn bỏ trốn khỏi Kyoto đến một thành phố lạ chẳng có người quen. Vì thứ nhất là sự yên tĩnh. Một căn phòng trống trải trong lữ quán, chăn nệm sạch sẽ. Chiếc màn tránh muỗi thơm phức và chiếc áo ngủ Yukata còn nguyên nếp hồ. Tôi muốn nằm dài ở đó chẳng nghĩ ngợi gì suốt cả tháng. Ước sao chỗ mình đang ở đây bỗng dưng hóa thành một thành phố như vậy lúc nào không biết. Khi ảo giác bắt đầu thành thực, tôi bèn lấy thuốc màu tưởng tượng tô vẽ lên. Thật ra chẳng có gì là lạ cả, đó chỉ là khi ảo giác của tôi được chồng lấp lên khu phố điêu tàn ấy thôi. Và tôi thích thú thấy mình đang ở trong đó mà quên đi hiện tại.
Tôi lại đâm ra thích pháo bông nữa. Pháo bông bắn lên trời là chuyện thứ yếu. Tôi thích là thích những cây pháo bông tô màu xanh đỏ tím vàng bằng thuốc màu rẻ tiền hay có vẽ sọc ấy, những pháo bông ấy bắn lên trời sẽ nở ra đủ kiểu, nào kiểu Sao rụng trên chùa Nakayama, nào kiểu Muôn hoa đua sắc, nào kiểu Bông lau héo. Tôi còn thích những bánh pháo chuột gồm nhiều chiếc pháo được buộc vào nhau thành vòng tròn và được xếp chặt trong hộp. Những thứ ấy lạ thay lại khiến lòng tôi thấy rộn ràng.
Tôi còn thích chơi trò búng những viên thủy tinh nhiều màu có hình bông hoa hay con cá. Tôi thích những hạt thủy tinh ấy. Bỏ những hạt thủy tinh ấy vào miệng mà mút như mút kẹo là một thú vui không sao tả xiết. Không có cảm giác man mát mơ hồ nào bằng cảm giác khi ngậm viên thủy tinh ấy trong miệng. Từ khi còn bé hễ tôi cho những viên thủy tinh ấy vào miệng là liền bị bố mẹ mắng; có lẽ ký ức mong manh thời thơ ấu ấy đã sống lại khi tôi đã lớn lên rồi thất bại trên đường đời thế này. Mùi vị man mát thật mơ hồ ấy để lại một cảm giác mới thi vị làm sao.
Chỉ đoán chừng cũng biết là lúc này hầu như tôi không có một xu dính túi. Tuy vậy tôi cần một cái gì gọi là xa xỉ, để mà tự an ủi, để nhìn chúng mà lòng thấy rộn ràng. Một sự xa xỉ chỉ tốn chừng hai ba xu. Và cần cái đẹp tự nhiên sẽ giúp tôi khuây khỏa - Tuy nói thế chứ cảm giác của một kẻ bất lực như tôi có lẽ đã ít nhiều có phần thiên vị.
Những nơi mà tôi đã thích, trước khi cuộc sống bị mòn mỏi dần, là ví dụ như cửa hàng bách hóa Maruzen. Ở đó có bán nước hoa Eau de Colonges và Eau de Quinin. Những lọ nước hoa bằng thủy tinh màu hổ phách hay màu xanh lục lông chim phỉ thúy, được khắc chạm thành những hoa văn nổi hay các kiểu cách tao nhã của trường phái Rococo. Ống điếu, dao rọc giấy, xà phòng, thuốc lá. Có khi tôi mất đến gần cả tiếng đồng hồ ngắm nghía các thứ ấy. Rồi cuối cùng tôi sẽ tiêu hoang đủ để mua một cây bút chì thượng hạng. Thế nhưng đối với tôi giờ đây, đó cũng chỉ là một nơi chốn không khí nặng nề không hơn không kém. Những cuốn sách, các học sinh, quầy tính tiền, tôi nhìn thấy tất cả đều là những hồn ma đến đòi nợ
Một buổi sáng nọ -vào lúc mà tôi cứ phải dời đổi chỗ ở luôn hết nhà người bạn này đến nhà người bạn khác- khi bạn bè đã đi học cả rồi, bị bỏ lại trơ trọi một mình, tôi nhận ra sự trống trải cô đơn của mình. Tôi lại phải bỏ đi lang thang. Có cái gì đó như đang đuổi theo tôi. Tôi lại đi hết phố này sang phố khác, đi vào những ngõ ngách vừa tả ở trên, đứng dừng lại trước hiệu bán các loại kẹo bánh quà vặt cho trẻ con, ngắm những túi tép vụn phơi khô, cá bô-ta-ra hay những miếng mì căn, rồi cuối cùng xuống phố chùa Teramachi để đi về phía đường thành Nijo, dừng chân trước hiệu hoa quả ấy. Ở đây tôi muốn giới thiệu sơ qua về hiệu hoa quả này. Đây là hiệu trái cây tôi thích nhất trong số các hiệu trong vùng này mà tôi biết. Tuyệt nhiên không phải là một hiệu hoa quả lớn nhất ở đây. Mà chỉ là một cửa hàng còn giữ được vẻ đẹp cố hữu của các hiệu bán hoa quả. Trái cây được xếp đầy trên một cái kệ nhiều tầng dốc dần lên. Cái kệ ấy hình như là làm bằng các thanh gỗ sơn mài đen đã cũ. Như thể là có tiếng nhạc vui, thật hay, với âm điệu dồn dập, trái cây được xếp trên kệ như đã thành một khối sắc mầu rực rỡ, như đã được đeo chiếc mặt nạ của con quái vật Gorgon có phép làm người nhìn bị hóa thạch. Trên các kệ phía sau, trái cây được chất cao có ngọn. Vẻ đẹp của lá cà rốt ở đó thật là tuyệt vời. Cả những quả đậu hay củ mã thầy ngâm nước cũng thế.
Mà hiệu hoa quả ấy nhìn đẹp là về ban đêm cơ. Phố chùa Teramachi là một phố sầm uất -tuy nói vậy nhưng vẫn vắng hơn Tokyo hay Osaka nhiều-, vô số ánh đèn từ những khung cửa bài trí đẹp đẽ tràn ra ngoài đường. Thế mà không hiểu tại sao đoạn đường phía trước cửa hiệu ấy lại chìm trong bóng tối mới lạ. Vì một bên vốn là góc đường tiếp giáp với đường thành Nijo nên đương nhiên là bị tối rồi, thế nhưng nhà bên cạnh hiệu trái cây ấy là nhà quay ra đường phố chùa Teramachi, thế mà vẫn bị tối thì không rõ là vì sao. Nhưng nếu cửa hiệu ấy không bị khuất trong bóng tối như thế, hẳn là đã không có gì khiến tôi phải chú ý. Còn một điều nữa là chiếc mái hiên chìa ra của hiệu ấy, mái hiên ấy giống như vành mũ của một chiếc mũ đội sụp xuống che khuất cả mặt, khiến người ta phải nghĩ rằng "Ồ, cứ như là người đội mũ kéo vành xụp xuống mặt". Phía trên mái hiên cũng là bóng tối. Vì cả một vùng quanh hiệu đều tối đen, nên ánh sáng rực rỡ chan hòa như mưa đổ xuống của mấy ngọn đèn điện thắp trong hiệu không bị bất cứ một cái gì xung quanh đó lấn át, tha hồ mà tỏa ra ánh sáng thật rực rỡ. Sợi dây xoắn xuýt trong ruột chiếc bóng đèn điện để trần như đập vào mắt người đi đường. Ít có hiệu nào trong dãy phố Teramachi này lại khiến tôi để ý kỹ như khi ngắm hiệu trái cây ấy từ cửa sổ lát kính ở trên gác hai của hiệu bán khóa ở gần đó.
Hôm ấy lần đầu tiên tôi đã mua trái cây ở hiệu này. Vì hôm ấy đặc biệt là hiệu có bầy bán chanh. Đó là một quả chanh bình thường vẫn bán đầy ra cả đấy. Nhưng vì cửa hiệu này cho dù không đến nỗi xập xệ thì cũng chỉ là một hiệu bán hoa quả tầm thường không hơn không kém, lâu nay không mấy khi có bầy bán chanh. Vả lại tôi thích quả chanh ấy. Tôi thích cái mầu sắc thuần túy như thể được bóp từ trong tuýp thuốc màu vàng chanh ra và đang cứng lại, và cái hình dáng như quả lê thuôn thuôn ở hai đầu. Rút cuộc tôi bèn mua một quả chanh. Sau đó không biết là tôi đã đi lang thang qua những đâu. Tôi đã đi trong phố rất lâu. Khi tôi vừa cầm quả chanh lên tay, cái khối bất thường như báo điềm chẳng lành cứ mãi đè nặng trong lòng tôi bấy lâu dường như bỗng nhẹ bớt phần nào, tôi đã đi lang thang trên đường phố mà lòng tràn ngập một niềm hạnh phúc. Mối ưu tư dai dẳng đến là thế, mà đã nguôi ngoai được chỉ nhờ một cái trái bé tí. Một điều tương phản thật lạ lùng. Lòng người quả là một thế giới lạ lẫm không ngờ.
Hơi mát lạnh của quả chanh ấy thật không có gì sánh được. Lúc bấy giờ bệnh lao phổi của tôi đang ngày càng trầm trọng hơn, người tôi lúc nào cũng nóng hầm hập. Sự thực là mỗi khi muốn phô ra cho người bạn nào đó biết tôi nóng sốt thế nào, tôi thường bắt tay họ, thì bao giờ bàn tay tôi cũng nóng hơn tay người khác. Có lẽ vì tôi bị nóng sốt như vậy, nên cảm giác mát lạnh từ trong lòng bàn tay đang nắm quả chanh đã thấm và lan ra khắp người thật, là sảng khoái.
Tôi đưa quả chanh ấy lên mũi ngửi không biết bao nhiêu lần. California nơi trồng ra quả chanh ấy hiện lên trong trí tưởng. Mấy chữ " đập vào mũi" trong bài "Mãi cam giả chi ngôn"(Lời người bán cam) học trong giờ Hán văn chập chờn thoáng hiện. Và rồi khi tôi hít thật sâu cho đầy ắp lồng ngực làn không khí thơm tho ấy, giòng máu ấm từ trong cơ thể chưa bao giờ được hít đầy buồng phổi của tôi đã trào dâng lên khắp người, lên cả mặt, khiến cho sức khỏe trong người tôi dường như vừa bừng tỉnh dậy.
Tôi không ngờ là những cảm giác đơn thuần như mát lạnh, xúc giác, khứu giác, vị giác ấy thực sự như đã hòa nhập hẳn vào tôi, đến nỗi tôi muốn nói rằng đây chính là cảm giác mà tôi vẫn đi tìm từ xưa đến giờ.
----Vì đây là chuyện lúc bấy giờ.
Tôi cảm thấy lòng lâng lâng rộn ràng, thậm chí còn như là một niềm tự hào, với mọi người qua lại trên đường phố, vừa đi vừa vẽ vời trong trí tưởng cảnh người thi nhân trang phục thật đẹp đang ngênh ngang dạo phố. Tôi hết để quả chanh lên chiếc khăn tay dơ bẩn, lại áp vào áo măng tô để so sánh sự tương phản màu sắc, rồi lại nghĩ:
----Tóm lại là nặng tầm này đây nhỉ.
Sức nặng ấy chính là cái mà tôi vẫn tìm kiếm lâu nay. Không còn phải nghi ngờ gì nữa, với tính thích hài hước tôi còn nghĩ ra một chuyện động trời rằng đây chính là sức nặng khi mà tất cả những điều thiện và cái đẹp đã được đổi ra thành trọng lượng.. Gì thì gì, lúc ấy tôi sung sướng vô cùng.
Không biết tôi đã đi loanh quanh những đâu, để rồi cuối cùng đã dừng lại trước hiệu Maruzen. Tôi đã có thể dễ dàng bước vào hiệu Maruzen mà thường ngày tôi đã lánh xa là thế. "-Hôm nay mình hãy vào đây một chút ". Và thế là tôi xông vào trong hiệu.
Nhưng thế này là thế nào. Cái cảm giác hạnh phúc tràn ngập lòng tôi nẫy giờ dần dần biến đi đâu mất. Lòng tôi cứ trĩu nặng xuống trên những thứ như nào lọ nước hoa nào ống điếu hút thuốc, mà chẳng thấy thanh thản được chút nào. Nỗi phiền muộn đọng đầy lại trong tâm, tôi đoán chừng mình đã bắt đầu thấm mệt vì đi lang thang nẫy giờ. Tôi bèn thử đến trước tủ để sách về hội họa và nghĩ thầm "Muốn lấy những cuốn tuyển tập hội họa dầy và nặng thì cần phải có sức hơn lúc bình thường!". Thế nhưng khi tôi thử lấy từng cuốn một và mở ra xem, tôi đã không có được cái cảm giác hứng thú rõ rệt. Hơn nữa, như thể là bị mắc phải một lời nguyền, sau đó tôi lại phải tiếp tục lấy một quyển sách khác ra đọc. Lần này cũng như lần trước. Thế thì cũng được thôi, vì đằng nào tôi cũng phải bới tung cái tủ sách này ra một lần mới hả. Rồi chừng nào không chịu nổi nữa, tôi sẽ để mặc đống sách vừa rút ra ngổn ngang bừa bãi ở đó. Tôi không làm sao có thể trả chúng về chỗ cũ. Tôi cứ làm đi làm lại như thế không biết bao lần. Cuối cùng tôi không chịu nổi nữa, đành bỏ lại cả cuốn sách dầy nặng màu vàng cam, tuyển tập các bức họa của Angres là người họa sĩ tôi rất hâm mộ. Lời nguyền mới dễ sợ làm sao ! Cảm giác mỏi rã rời còn sót lại nơi bắp tay. Tôi cảm thấy lòng phiền muộn, cứ đứng nhìn đống sách mà mình vừa lấy từ trong tủ sách ra rồi chất thành đống ở đấy.
Những cuốn tuyển tập hội họa ngày thường tôi vẫn say mê là thế mà bây giờ ... Trước đây tôi vẫn thích cái cảm giác hụt hẫng sau khi ngắm nghía từng bức tranh rồi lại quay ra nhìn quanh cảnh vật đời thường xung quanh.
"-Ồ, phải rồi ". Đúng lúc đó tôi chợt nhớ đến quả chanh để trong ống tay áo. Hay là ta thử xếp bừa những cuốn sách màu này lên nhau, rồi thử bằng quả chanh này xem sao.. "Phải rồi "
Cảm giác lâng lâng rộn ràng lúc nãy lại trở về với tôi. Tôi vớ được cuốn sách nào là cứ thế chồng quyển ấy lên đống sách, rồi lại hối hả hất tung cho đổ xuống, lại hối hả xếp chồng lên trở lại. Cứ rút thêm những quyển sách mới trong kệ ra, chồng thêm lên, rồi lại rút ra. Ngôi thành hoang tưởng quái gở lúc thì mầu đỏ lúc thì mầu xanh.
Mãi một lúc rồi cũng xong. Tôi cố kìm nén cảm giác lâng lâng như muốn nhẩy cẫng lên, rón rén đặt quả chanh lên nóc ngôi thành ấy. Thật là tuyệt vời !
Màu quả chanh như đã lặng lẽ thu hút tất cả những gam màu lộn xộn khác vào trong cái hình dáng thon thả của nó, thành trong vắt. Tôi có cảm tưởng như là bầu không khí bụi bặm của hiệu Maruzen đã căng lên một cách lạ lùng chung quanh quả chanh ấy. Tôi đứng lặng ngắm như thế hồi lâu.
Bất giác một ý tưởng thứ hai chợt hiện ra. Chính tôi cũng phải kinh ngạc vì mưu mô tinh quái của ý tưởng này.
---- Thế là tôi cứ để nguyên như thế, thản nhiên như không mà đi ra khỏi hiệu ----
Tôi cảm thấy một cảm giác lạ lùng như bị cù. "Hay mình cứ thế đi ra. Phải rồi cứ thế đi ra". Và rồi tôi thản nhiên lừng lững ra khỏi hiệu Maruzen.
Cảm giác như bị cù khiến tôi vừa đi trên đường mà vừa mỉm cười. Nếu cái kẻ gian quái dị là tôi đây đã có thể đặt một trái bom khủng khiếp màu hoàng kim chói lọi trên kệ sách của hiệu Maruzen, có thể làm cho tủ sách mỹ thuật của Maruzen bùng nổ trong mười phút sau đó thì vui biết chừng nào ! Tôi đã say sưa đuổi theo những ý nghĩ này trong trí tưởng. "Phải rồi, cái hiệu Maruzen bí bực muốn ngộp thở ấy sẽ tan thành tro bụi cho mà xem !"
Rồi cứ thế tôi tản bộ xuống khu phố Kyogoku sặc sỡ với những bức tranh quảng cáo xi nê.
Nguyên tác Remon(1925)của Kajii Motojiro(1901-1932)
Người dịch: Quỳnh Chi (30/1/2010)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top