Phía Tây không có gì lạ - Erich Maria Remarque
Một cuốn sách viết về chiến tranh, bằng góc nhìn của chính người trong cuộc. Một giọng kể khá thờ ơ của nhân vật 'tôi'. Thờ ơ với chiến tranh, thờ ơ với cái chết. Không phải họ vô cảm, mà họ chỉ là quen với mọi thứ diễn ra.
Khi mà đại đội 150 người ra trận, chỉ còn 80 người trở về, căn cứ thì vẫn nấu 150 suất cơm, thì họ nghĩ rằng à hôm nay mình sẽ được ăn một bữa no hơn, rằng thật may mắn, khẩu phần ăn, hay thuốc lá, họ đều được nhận gấp đôi.
Những người lính trong câu chuyện này, họ còn chưa đến hai mươi, là những người đang ở lớp học rồi đi thẳng ra chiến trường. Vậy nên, họ chẳng biết gì cả, không hề biết điều gì đang chờ đón mình.
Họ giết người, để được sống. Nếu không giết, họ là người phải chết. Và đây là điều bình thường trong giai đoạn đó, là điều bình thường trong chiến tranh, dù cho cuộc chiến này vô nghĩa. Từ chiến trường, những người lính cũng không biết mình đang chiến đấu vì điều gì, có lẽ họ chiến đấu chỉ vì đang cầm khẩu súng trên tay mà thôi.
Nhưng, trong sự khốc liệt của chiến tranh, trong cái tăm tối của bom đạn, thì vẫn có một tia sáng. Đó là tình đồng đội, là tình bạn. Trong khoảnh khắc nào đó không phải chiến đấu thì ít nhất những người lính cũng thực sự được vui vẻ khi ở cạnh nhau, dù cho bỗng nhiên một ngày ai đó ngã xuống, họ không còn đau buồn nữa vì đã quá quen rồi. Giống như đó là điều chắc chắn sẽ xảy ra, giống như rồi một ngày chính họ sẽ là người nằm xuống.
Và có lẽ họ nghĩ cái chết chính là sự giải thoát.
Rồi đến một ngày, cái chết đến thực sự nhẹ nhàng, như chính tên sách: "Ở phía Tây, không có gì lạ."
Phải, chẳng có gì lạ, chỉ có một người vừa rời khỏi cuộc đời khi mới chớm đôi mươi thôi.
Mình vốn không đọc nhiều sách về chiến tranh, nhưng quyển nào mình đọc cũng thực sự ấn tượng, quyển này và cả quyển Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh nữa.
300921
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top