Ly Hâm | 4
CẬU NGHIÊM NGHỊ NGỒI TRÊN CHIẾC GHẾ BÊN CẠNH HOÀN LAN, RỒI THỐT NHIÊN CHỈ TRONG MỘT GIÂY, KHUÔN MẶT ƯỚT TRÀN NƯỚC MẮT.
________________________________________________________________________________
Đời sau có không ít người quy kết lý do mà Viên Duẫn Đàn thất bại là vì Trịnh Uyên đã lợi dụng thành công tình ý mà Viên Duẫn Đàn đã dành cho mình từ thuở thiếu niên. Do đó, miễn là còn trong khả năng cố gắng của Viên Duẫn Đàn, y vẫn dành cho nước Trịnh sự dung dưỡng lớn nhất. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng Viên Duẫn Đàn là một vị danh tướng toàn diện, cẩn thận nhất trong số các vị danh tướng thời Lục Quốc, từ tác phong đến hành động đều chặt chẽ, thận trọng nhất quán. Y có thói quen trước khi xuất chinh đều thu thập đầy đủ các tin tức tình báo, thông thường khi quân còn chưa hành động, y đã chỉ rõ được phía đối thủ. Rất khó tưởng tượng rằng một vị tướng kín kẽ như vậy lại có thể bị mê muội bởi mai phục thùng rỗng kêu to của nước Trịnh, để cuối cùng phải hạ thấp tốc độ hành quân. Suy cho cùng, lực lượng quân sự của nước Trịnh vào thời điểm đó vô cùng yếu ớt, ai ai cũng biết. Còn nước Tề thì đang bị kéo vào rắc rối gây hấn với nước Trần lần thứ hai. Với năng lực của Viên Duẫn Đàn, y chắc chắn suy đoán ra được phục binh quân Trịnh trên núi chẳng qua chỉ là phô trương thanh thế. Những người theo quan điểm này chỉ ra, ngay cả những viên tướng nước Trịnh từng đối đầu với Viên Duẫn Đàn cũng cảm thán rằng Viên Duẫn Đàn lừng danh nức tiếng cũng trúng kế dễ dàng như vậy, quả thực là ngoài dự đoán của tất cả mọi người.
Tuy nhiên, cũng có người phản bác lại quan điểm này. Từ góc nhìn của nước Ngụy, Cẩn Hâm đế Ngụy Ly mắt sáng như đuốc có thể nhìn thấy hết tất cả, hắn còn là một kẻ nổi tiếng dùng những phương pháp trị vì khắc nghiệt. Cho dù Viên Duẫn Đàn là đệ nhất sủng thần chăng nữa, trước mệnh lệnh của Cẩn Hâm hoàng đế, y tuyệt đối không dám bằng mặt không bằng lòng. Huống hồ ba đời nhà họ Viên đều có địa vị rất cao, nắm nhiều quyền hành trong tay, được hoàng đế tin tưởng mà không hề có một chút ngờ vực, căm ghét nào. Cốt lõi của việc này chính là người nhà họ Viên trên dưới trung thành tận tụy, quyết không hai lòng. Viên Duẫn Đàn chịu sự giáo dục nghiêm khắc của gia đình, từ nhỏ đã nhập cung làm bạn đọc sách của Thái tử, nhất định sẽ không vì suy nghĩ cá nhân mà làm hỏng quốc gia đại sự.
Những người này bênh vực cho Viên Duẫn Đàn, rằng nếu nhìn vào tư liệu lịch sử của thời đó, có thể thấy rằng hai nước Ngụy - Tề không hoàn toàn hiểu hết thực lực của đối phương mà chỉ có thể ước lượng phần nào. Chỉ vin vào chuyện nước Tề cần huy động binh lực đối phó nước Trần không đủ để Viên Duẫn Đàn kết luận rằng Tề sẽ không còn thừa quân đến chi viện cho nước Trịnh. Mặt khác, tướng nước Tề là Thiệu Dương đã ở lại nước Trịnh một thời gian dài, cũng là biểu hiện rằng xung đột ở biên cảnh nước Tề không quá gay gắt. Chính vì những lý do này, cộng với tính cách trời sinh thận trọng, Viên Duẫn Đàn đã không dám xem thường những vụ lửa cháy, hô hoán hư hư thực thực trong núi.
Rốt cuộc, chân tướng của sự việc không còn kiểm chứng được nữa. Theo sách sử nước Ngụy ghi lại, thất bại này không khiến Ngụy Ly nảy sinh bất cứ nghi ngờ nào, mà Viên Duẫn Đàn cả đời cũng chưa một lần giải thích. Điều duy nhất có thể khẳng địnhm, chính là thất bại của Viên Duẫn Đàn đã cải thiện địa vị của Trịnh Uyên rất lớn tại nước Trịnh, khiến cho Thái tử vừa mới được sắc lập đã chân chính nhận được sự ủng hộ của vương công bách tính, đồng thời cũng triệt tiêu dã tâm ngấp nghé ngai vua của các vương tử khác.
Cũng chính từ sau sự kiện này, dân chúng bắt đầu đồn thất thiệt rằng rằng Bình Loạn vương Viên Duẫn Đàn của nước Ngụy dùng chính binh quyền của mình để giúp Trịnh Uyên trèo lên đế vị, từ đó lưu truyền thành một câu chuyện dân gian ngày sau.
-
Không ngoài dự đoán của Trịnh Uyên, không lâu sau khi Thiệu Dương trở về nước Tề, Tuyên Minh đế thuận lợi tiếp nhận triều chính, gia phong cho Thiệu Dương làm Hộ quốc Tướng quân, ra lệnh cho y lĩnh binh bình Trần. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng từ nay về sau Tuyên Minh đế không còn lo nghĩ. Người nước Tề tuy không hiếu chiến bằng người Ngụy, nhưng dân chúng cũng luôn đề cao võ lực. Trong hoàng thất nước Tề có một môn công phu chinh chiến bí mật, không truyền ra ngoài, tên là "Cầm Tiến", từng khiến bốn bể khiếp sợ. Nhưng Tuyên Minh đế cơ thể suy nhược từ nhỏ, không học võ được. Chính điểm này đã khiến trăm họ vốn tôn sùng anh hào sa trường khó lòng thần phục. Do đó, sức ép của Hoàn vương lên ngai vàng của Tuyên Minh đế cũng không vì việc trao trả triều chính mà vơi đi. Cho dù không còn mang danh nghĩa Giám quốc, Hoàn vương vẫn đang là trụ cột vững chắc của nước Tề, được đông đảo triều chính ủng hộ.
Nhận thức được hoàn cảnh này, Tuyên Minh đế cực kỳ nể trọng Thiệu Dương, toàn lực đề bạt y. Nước Trần chịu những đợt tấn công liên tiếp của nước Tề đã giống như mặt trời khuất bóng đàng Tây, không còn cơ hội cứu vãn. Sau đó, Tuyên Minh đế lại khiển Thiệu Dương tiếp nhận toàn bộ số binh mã đóng ở nước Trần - vốn thuộc quyền của Hoàn vương. Dụng ý hoàn toàn rõ ràng - hắn muốn đem toàn bộ công lao diệt Trần ban cho Thiệu Dương, hòng chuẩn bị kỹ lưỡng để ngày sau càng trọng dụng y hơn bội phần. Năm đó, Tuyên Minh đế mười lăm tuổi, đã tận dụng triệt để Thiệu Dương do đích thân Hoàn vương dạy dỗ, những mong thay thế được địa vị vô thượng của Hoàn vương tại nhà Tề.
Hành động này của Tuyên Minh đế đã khiến cho phe cánh của Hoàn vương nảy sinh nhiều bất mãn, trong các tướng lĩnh cũng đã có những lời âm thầm gièm pha. Nhưng bản thân Hoàn vương lại tỏ vẻ thích thú ra mặt trước kế sách của Tuyên Minh đế, thậm chí còn đưa quân đội vốn đang đóng tại nước Trần toàn bộ về dưới trướng của Thiệu Dương. Ai nấy đều chắc chắn rằng đề nghị kia là dối lòng, là chẳng qua Hoàn vương muốn thử Tuyên Minh đế. Nhưng rốt cuộc sự thật hoàn toàn ngược lại những gì họ nghĩ. Bấy giờ, Thiệu Dương mười bảy tuổi, bằng tất cả sự hậu thuẫn của Tuyên Minh đế đã nắm giữ ít nhất bảy phần mười binh mã nước Tề, từng bước, từng bước một che mờ vinh quang của Hoàn vương Tề Hoàn Duyên, vốn được người dân nước Tề tôn sùng như thần thánh.
Cùng lúc đó, trận lửa bạt ngàn, vốn khiến cho nước Trịnh phải trả một cái giá rất đắt để hừng hực cháy nơi vùng núi biên cương, lại khiến cho Ninh Vũ đế gần đất xa trời dường như thấy được một tia ánh rạng đông trên bầu trời nước Trịnh. Sinh mệnh mà ông đớn đau duy trì giờ đây cũng leo lét sắp tàn hẳn. Trong khi nước Tề tưng bừng chúc tụng Hộ quốc Tướng quân Thiệu Dương mở cờ thắng trận, thì Thái tử Trịnh Uyên vừa bước sang tuổi hai mươi, chợt nghe thấy từ phía điện Bích Nguyên âm thanh mà cậu từng thấp thỏm đờ đợi giữa Ngụy Cung - một trăm lẻ tám hồi chuông tang.
-
Mùa thu năm thứ năm Tề Tuyên Minh, Ninh Vũ đế nước Trịnh băng hà. Thái tử Uyên kế vị, hiệu Tĩnh Hoài đế, lập thái tử phi Tề thị làm hậu. Vừa được ba ngày sau khi Trịnh Uyên đăng cơ lập hậu, Ngụy Cẩn Hâm đế vốn vẫn để trống hậu cung, nay hạ chiếu sắc lập biểu muội của Viên Duẫn Đàn, con gái của Tả thừa tướng họ Lương làm hậu.
Việc Cẩn Hâm đế không có hoàng hậu từng có lời ra tiếng vào muôn hình vạn trong Ngụy cung. Vì bảo toàn danh dự hoàng thất, các đại thần có vai vế nước Ngụy – trừ Viên Duẫn Đàn, đều dâng sớ thỉnh cầu Ngụy Ly mau chóng lập hậu. Đối với việc này Ngụy Ly vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Vì thế việc bất ngờ sắc lập Lương hoàng hậu vào năm Cẩn Hâm thứ ba đã trở thành một sự kiện bí ẩn trong lịch sử.
Với nhiều người, giả thiết được biết đến nhiều nhất khi Ngụy Ly trăm phương ngàn kế né tránh không cưới nữ tử họ Viên làm hậu là muốn khắc chế thế lực hùng mạnh của Viên gia. Cùng lúc đó, vì phải để tâm đến thể diện của Viên gia, hắn không thể công khai sắc lập một nữ tử không hề có mối quan hệ nào với Viên gia làm hoàng hậu. Sau khi cân nhắc lợi hại, Lương thừa tướng - một vị thân thích họ ngoại không quá gần gũi với Viên gia trở thành đối tượng tốt nhất để chọn. Như vậy vừa nể được mặt mũi của Viên gia, cũng khống chế được quyền lực Viên gia bám rễ sâu vào hoàng cung. Nhưng không may, dưới gối thừa tướng họ Lương chỉ có một cô con gái, nhỏ hơn Ngụy Ly tám tuổi. Ngụy Ly chỉ đành đợi đến khi cô ta đến tuổi cập kê mới có thể cưới về.
Đêm hôm đó, hoàng hậu Hoàn Lan nghênh đón Tĩnh Hoài đế Trịnh Uyên vừa mới đăng cơ. Trịnh Uyên cởi bỏ đi tấm long bào màu đỏ tía cuồn cuộn vân bạc, tháo miện quan hình hổ quý giá tinh xảo xuống, khoác lên một bộ trang phục mà Hoàn Lan chưa bao giờ nhìn thấy, một tà trường sam màu bạc ánh nước. Cậu cho lui hết những cung nữ đang ở đó, ngồi xuống trước mặt Hoàn Lan, bảo rằng muốn cùng hoàng hậu sướng ẩm thưởng trăng. Nụ cười dịu dàng đó Hoàn Lan chừng như đã từng quen. Hoàn vương ca ca đã lâu rồi chưa từng gặp gỡ, khi đứng ở bên ngoài đại diện của Tề quốc cũng từng mỉm môi cười như vậy nhìn về Hoàn Lan, bên dưới cái cười thoảng gió mây đó chôn vùi một nỗi đau nát lòng không thể nào chạm đến.
Hoàn Lan không hỏi cậu vì sao lại muốn ngắm trăng ở trong phòng. Một chén rồi lại một chén, nàng rót rượu cho Trịnh Uyên. Tay áo nàng lay động như lưu vân phiên hồng, trải ra thu về đều đẹp đẽ thanh cao. Một chén rồi lại một chén, Trịnh Uyên uống cạn, ánh mắt cậu lúc thì ngơ ngẩn nhìn vào chung rượu, thoáng sau đã mê mải trôi đi đến chân trời nào không với tới. Hoàn Lan bắt đầu nghĩ rằng cậu không còn nhìn thấy gì nữa, rồi khắc sau lại nghĩ hết thảy muôn ngàn thứ đều đã thu hết vào đáy mắt của cậu, khó bề phân biệt. Lúc uống rượu, cậu rất im lặng, nhưng uống rất nhanh. Có mấy lần, hầu như cậu đã chạm đến ngón tay đưa chung rượu còn chưa kịp dời đi của Hoàng Lan. Dưới ánh rượu miên man dợn, ngón tay thuôn của nàng trông càng đẹp đẽ như ngọc.
Mà đến cuối cùng, Hoàn Lan cũng không cảm nhận được hơi ấm trên ngón tay cậu.
Hoàn Lan chỉ nhớ rõ, suốt cuộc đời của nàng, chưa bao giờ nàng thấy một ai đó uống say đến nhường ấy. Trịnh Uyên khi say mềm đi không phải luôn miệng nói thao thao không dứt, cũng không phải gạ gật cười cợt gọi bằng gọi hữu. Cậu nghiêm nghị ngồi trên chiếc ghế bên cạnh Hoàn Lan, rồi thốt nhiên chỉ trong một giây, khuôn mặt ướt tràn nước mắt.
Suốt đời này của Hoàn Lan, nàng chưa từng thấy ai đó khóc như vậy. Nàng đã từng nghe vô vàn tiếng khóc than thảm thiết vì bị đánh phạt, cũng từng gặp Diêu thái hậu khi xưa từng đứng trước lăng mộ của tiên đế nghiến răng nghiến lợi mắng chửi hoàng thượng, gào khóc đến đứt từng khúc ruột gan. Nàng cự tuyệt nỗi đau buốt lạnh đến tàn tro của đêm khuya này. Nỗi cô đơn tràn đến dữ dội, lấp chìm nàng đi mất, duờng như trong thời gian đó thế giới đã chết đi trong im vắng, chỉ còn lại một mình nàng sa vào cơn thảng thốt trong bóng tối vô ngần. Nàng muốn há mồm kêu lên, lại bị kéo tuột về giữa phố xá ồn ã, để nàng chênh chao đơn độc bứoc đi giữa một miền nói cuời và tiệc tùng rộn rã. Để ngoái đầu lại không thấy đâu đôi mắt sáng trong đã từng ngàn vạn lần khiến nàng phải mải miết ngóng nhìn.
Hoàn Lan lúng túng nhìn vào hoàng đế nước Trịnh đang lặng lẽ khóc, không biết phải làm sao mới kéo được cậu ra khỏi cơn ác mộng, cứ như một vết thương nức toác máu tuôn mà không cách gì băng bó. Thế rồi nàng lại nghĩ, đây là trầm luân mà Trịnh Uyên cam tâm tình nguyện gánh lấy, dù cho có sa ngã vào cõi A Tì cũng không hối hận một kiếp sống này.
Nàng hốt hoảng giật mình muốn bỏ đi, vậy mà bị Trịnh Uyên nắm lấy nơi cổ tay mỏng mảnh. Trịnh Uyên quay lại nhìn vào nàng. Trong một khắc ấy, Hoàn Lan bị cái đẹp đau thương không gì sánh đuợc của Tĩnh Hoài đế làm cho sợ hãi, chân nàng không thể nào bước nổi. Trịnh Uyên mở miệng, như định nói ra điều gì, nhưng chỉ bộc phát ra một trận ho khan dữ dội. Cậu đau đến cả người lẩy bẩy, cong gập người xuống. Hoàn Lan thấy sắc đỏ tươi, tê liệt và tuyệt vọng rỉ xuống từ góc miệng cậu.
Trịnh Uyên cố chết vùng vẫy, gạt đi máu bên khóe môi. Cơn ho không cách nào ghìm lại khiến cho hơi thở của cậu trở nên nghẹn tức, ồ ồ. Hoàn Lan nghe thấy cậu dùng một thứ giọng nói tưởng như khẽ cười mà không có, để bật lên một câu nói vỡ tan: "Chỉ cần ngươi thích, mỗi ngày ta đều có thể cho ngươi xem thiên nữ tán hoa."
Câu nói ấy bỗng nhiên khiến hơi thở Hoàng Lan đông cứng lại một cách không rõ nguyên do. Tựa như chính ngay lúc đó bí mật cất giấu sâu thăm thẳm trong cõi lòng Trịnh Uyên chợt bị nàng trộm thấy. Nàng nín thở muốn lặng lẽ tránh đi ra ngoài. Mà bàn tay Trịnh Uyên níu lấy cổ tay nàng cũng chậm chạp rũ xuống, vẽ lên một đường nét thê lương không gì sánh được, nom như hơi thở cuối cùng trút ra từ một người sắp chết.
Đó là cơn say mềm duy nhất trong suốt cả cuộc đời Trịnh Uyên.
Hoàn Lan chậm rãi thả bước ra ngoài sân, ngẩng lên nhìn quầng sáng trăng tròn trịa vô ngần trên không trung. Chợt lúc đó nàng mới hay, hôm ấy là Trung Thu.
Hôm sau, Tĩnh Hoài đế lâm triều tham chính, dung nhan như xuân thủy, lòng sáng như gương, lắng nghe giọng các đại thần chen nhau thuật lại tiếng vui cười đã vắng bóng từ lâu nơi bách tính nước Trịnh.
Nhưng Trịnh Uyên không cách nào hay biết, rằng cùng trong một ngày ấy, tại kinh đô Lân Tiêu nước Ngụy đang rì rầm đồn đại cách thức lạ lùng mà Cẩn Hâm đế trải qua ngày trung thu đầu tiên sau lễ đại hôn. Hắn không hề bước một bước vào điện Dưỡng Tâm, nơi ở của hoàng hậu họ Lương. Mà là, sau khi đã cho tất cả các thần tử rời đi hết rồi, hắn cho gọi một ca cơ đã quá lứa lỡ thì vào trong điện Thanh Hoa, để cho ả ngâm xướng hết lần này đến lần khác một khúc điệu vô danh không có chút gì là hợp với bầu không khí hoan lạc của ngày lễ tiết.
...Tuổi muộn năm trầm, biết người có về không.
Theo những binh lính đã từng thấy ca cơ kia vào cung, thì dung mạo ả dù đẹp nhưng không có điểm nào đặc biệt. Tuy vậy, trên mái óc ả gài nghiêng nghiêng mộ chiếc trâm cửu hạc nghênh phượng màu ánh bạc hoa lan, là vật không chút tầm thường.
-
Sau mùa trung thu thấy, thân thể của Tĩnh Hoài đế Trịnh Uyên có những dấu hiệu khiến người ta lo lắng. Cả ngày, sắc mặt cậu đều nhợt nhạt, khiến các triều thần nhớ tới vị phụ hoàng Ninh Vũ đế vừa mới qua đời và cả vị mẫu thân Đại phi ốm yếu đã chết lúc tóc còn xanh. Mặt khác, Trịnh Uyên tỏ ra là một vị quốc quân siêng lo việc nước hiếm thấy trong lịch sử nước Ngụy. Cậu phái quân đội đi đến vùng núi biên cương để cùng người dân bản địa khai khẩn đất hoang, khôi phục lại số ruộng đã bị thiêu hủy. Song song đó, cậu cắt giảm quân đội nước Trịnh, để quân lính được hồi hương sinh con đẻ cái, cũng cho phép một nhóm nhỏ quân Tề thường trú tại nước Trịnh để phòng quân Ngụy xâm lấn. Kể từ đó, mặc dù nước Trịnh bảo vệ độc lập trên danh nghĩa, nhưng thực tế đã trở nên phụ thuộc vào Tề.
Thời điểm đó, cách thức có vẻ như làm tổn hại quốc thể của Tĩnh Hoài đế đã đạt được sự tán đồng của số đông. Còn đối với các nhà sử học đời sau, sách lược của Tĩnh Hoài đế còn có một tầm nhìn xa trông rộng hơn nữa. Từ thời Ninh Vũ đế, chế độ trưng binh hà khắc của nước Trịnh từ lâu đã khiến người dân oán than khắp nơi, mà bản thân nước Trịnh cũng không thể dựa vào nguồn thuế ít ỏi để gánh vác quân đội nặng nề nữa. Trịnh Uyên mời Tề đóng quân, vừa giải quyết được vấn đề phòng thủ đã gây phiền nhiễu cho Trịnh, vừa giảm bớt được gánh nặng tài chính lên quốc khố. Sự phụ thuộc vào nước Tề - cái giá mà nước Trịnh phải trả - thực ra sớm muộn gì cũng phải đối mặt. Trịnh Uyên hiểu rõ đạo lý bỏ con tép bắt con tôm, điều này khiến tầm của cậu cao hơn các vị tổ tiên lịch đại quốc quân nước Trịnh, những người chỉ khư khư giữ lấy lễ pháp đời xưa mà không chịu thay đổi gì.
Mặt khác, Hộ quốc Tướng quân Thiệu Dương chinh phạt nước Trần liên tục đạt thắng lợi, đưa nền quân sự của nước Tề lên một đỉnh cao chói lọi chưa từng có. Từ phía Tây nước Trịnh trở đi, một vùng đất Trung Nguyên rộng lớn đều phần phật tung bay lá cờ xích diễm ngân phượng của nhà Tề. Năm ấy, phụng hoàng bạc vút cao mắt đỏ rực màu máu, cũng như chiến giáp bạc lóa đã nhuộm thành đỏ thẫm của Hộ quốc Tướng quân trẻ tuổi, tựa như cuồng phong càn quét qua bốn bể, trở thành cơn ác mộng không thể xua tan thời loạn thế. Dường như Tuyên Minh đế chỉ chờ có thế, rằng mùa xuân năm Tề Tuyên Minh thứ sáu, Thiệu Dương bước vào cung Ngưỡng Minh nước Trần, cắm lá cờ xích diễm ngân phượng lóa mắt lên đỉnh tường thành kinh đô nhà Trần. Thiệu Dương không chỉ diệt trừ tận gốc được lá cờ hắc ưng viền trắng rách nát vô phương cứu chuộc của nước Trần, mà còn triệt tiêu cả địa vị vốn dĩ không thể thay thế của Tề Hoàn Duyên trong quân đội nhà Tề.
-
Trịnh Uyên lặng lẽ quan sát một loạt đổi thay nơi biên cảnh nước Tề, từ từ đợi thời cơ đến. Những ai từng gặp Tĩnh Hoài đế đều nói rằng con người này không có khí phách ngạo nghễ chúng sinh, nhưng có một đôi mắt đầy ma mị, sâu hun hút như dòng suối. Như vậy, cậu càng giống như gã thợ săn nấp trong bóng tối, lạnh lùng chớp thời cơ cướp mồi, xuất kỳ bất ý đâm cho đối thủ một đòn trí mạng. Các triều thần đều mẫn tiệp cảm giác được rằng phía sau những tâm huyết của Tĩnh Hoài đế còn hàm chứa dã tâm và mục tiêu lớn lao hơn nữa. Vì thế mà sinh mệnh mong manh của Tĩnh Hoài đế nay càng rực rỡ như pháo hoa trong đêm tối.
Cùng năm với sự diệt vong của nước Trần, Hoàng hậu Tề thị nhà Trịnh sinh hạ hoàng tử cho Tĩnh Hoài đế. Trịnh Uyên từ khi lập hoàng hậu bèn chuyên tâm triều chính, ít lui tới hậu cung, khi hoàng tử ra đời mới mang lòng áy náy mà đi gặp Hoàn Lan. Nghênh đón cậu là Hoàn Lan không hề oán giận mà đang nở một nụ cười thùy mị.
Hoàn Lan nói, thiếp cả gan đã đặt tên cho hoàng nhi, mong bệ hạ ân chuẩn.
Trịnh Uyên bình thản nói, tên gì cũng được, miễn là nàng thích.
"Thiếp đã đặt tên con là Tiệp."
"Tiệp?"
Hoàn Lan gật đầu, hạ mình quỳ xuống nghiêm trang nói, "Thiếp nguyện cầu bệ hạ xuất sư đại tiệp, hoành đạp Ngụy đình."[i]
Trịnh Uyên sửng sốt rồi mỉm cười, "Trẫm có cả triều đình văn võ, có muôn vạn con dân, cũng không bằng một nữ tữ nước Tề, hiểu rõ ước vọng trong lòng trẫm!"
-
Năm Tề Tuyên Minh thứ sáu, Tĩnh Hoài đế lập con trai chưa đầy tháng của Tề Hoàng hậu - Trịnh Tiệp, lên ngôi Thái tử. Có người nói rằng Tề Hoàng hậu thùy mị khiến người người yêu mến, được Tĩnh Hoài đế xem là tri kỷ. Trịnh Uyên và Tề Hoàng hậu phu thê tình thâm, trừ Hoàng hậu ra thì không còn lập thêm cơ thiếp, tần phi nào khác. Còn Trịnh Tiệp, đứa con trai độc nhất của họ, càng trở thành đứa trẻ được sủng ái nhất Trịnh Cung.
Sau đó, tin con trai của Hoàn Lan Đại trưởng công chúa được lập làm Thái tử, cùng với kiến nghị của Trịnh Uyên về liên kết cùng Tề để phạt Ngụy, truyền đến nước Tề, vào kinh đô Dao Kinh.
-
Trịnh Uyên nói, nước Ngụy rình rập nước Tề như hổ đói, từ lâu đã có dã tâm chiếm đoạt. Nay Ngụy vừa dấy nội loạn, thực lực quốc gia suy yếu, còn nước Tề thì trên dưới dân chúng một lòng mạnh mẽ như mặt trời ban trưa. Viên Duẫn Đàn, vì bình nội loạn, đã rút quân về kinh đô. Biên cảnh nước Ngụy hoang vắng, không có quân đội phòng thủ. Đây chính là thời cơ tốt để nước Tề thẳng tay chiếm Ngụy, vĩnh viễn trừ hậu họa. Nước Trịnh từ sớm đã phái người đến biên cảnh Trịnh - Ngụy, lấy danh nghĩa khai khẩn ruộng hoang, thực chất là âm thầm đào hầm thông hào, tạo điều kiện cho đại quân thần tốc tiến qua. Hiện nay công việc đã xong, nhân lúc người Ngụy chưa phát giác ra, nên khẩn trương lợi dụng.
Tuyên Minh đế vô cùng đắc ý khen ngợi đề nghị của Trịnh Uyên. Lúc hắn mới kế vị, nước Tề còn đang rối ren, loạn trong giặc ngoài không hiếm. Lúc đó, Hoàn vương nắm giữ triều chính đã điềm tĩnh ngăn cơn sóng sữ, sau năm năm dày công xây dựng, rốt cuộc cũng giao lại cho Tuyên Minh đế một nước Tề trời yên biển lặng. Lúc còn nhỏ, Tuyên Minh đế không biết nhiều lắm về dòng chảy đầy biến động của lịch sử nước Tề. Hắn chỉ nhìn thấy thái bình xung quanh, chư vương thần phục, hắn phóng tầm mắt xa được đến đâu là quân đội nhà Tề không ngừng khai phá biên giới đến đấy. Tuyên Minh đế tin tưởng vững chắc rằng trời cao ban ơn cho nước Tề, cũng giao phó cho hắn sứ mệnh thống nhất toàn bộ thiên hạ này.
So với Tuyên Minh đế, Thiệu Dương - từng được Hoàn vương dốc lòng dạy dỗ - hiểu rõ hơn hắn rất nhiều rằng thế cuộc trên chiến trường có thể biến hóa rất nhanh trong phút chốc, không lường trước được. Nhiều khi, hai bên có thực lực ngang ngửa nhau và chỉ có thể đem vận khí ra đánh cuộc, rằng bên nào sẽ dự đoán được nước cờ tiếp theo của đối phương. Thiệu Dương không thể xác định được cuộc chiến tranh này liệu có thể mang đến thắng lợi mà Tuyên Minh đế quyết chí có được, cũng còn nhiều ngờ vực đối với động cơ thực sự thúc đẩy Tĩnh Hoài đế phạt Ngụy.
Tuyên Minh đế tuyên bố dự định phạt Ngụy trên triều xong, bèn hỏi Hoàn Vương có kế sách gì. Hoàn vương chỉ nói, thần chẳng dám chắc phạt Ngụy thành hay bại, nhưng nếu quyết tâm của bệ hạ đã định, thì chính là lúc này. Thiệu Dương vốn muốn khuyên can Tuyên Minh đế nghe xong câu nói ấy thì thái độ lập tức thay đổi, bước ra xin Tuyên Minh đế để hắn lĩnh binh phạt Ngụy.
Các triều thần nghĩ rằng cái mà họ thấy là một Thiệu Dương đã thay đổi vì ma lực quan trường. Thiếu niên sinh trưởng ở biên giới phía tây của nước Tề, từng buột miệng nói ra rằng chưa chắc mình đã là người Tề, nay đã học được gió thổi chiều nào nương theo chiều nấy. Y từ thái độ của Hoàn vương mà suy đoán được quyết tâm phải phạt Ngụy của Hoàng đế, nên đã trái lương tâm phụ họa theo, tranh thủ làm vui lòng bệ hạ.
Khi những lời này vào đến tai Thiệu Dương, vị tướng quân thiếu niên chỉ cười trừ. Các quan văn suốt ngày đao to búa lớn trên triều đình sẽ mãi mãi không hiểu chuyện sinh tử nơi chiến trường. Dù cho có bị công danh mê hoặc nhiều hơn nữa, cũng không đủ để y đẩy thân mình vào chỗ hiểm. Bình thường, những viên tướng say mê sa trường sẽ có những lý do rất chính đáng, tỷ như nhiệt huyết tận trung báo quốc, tỷ như cái sảng khoái vung đao chém địch, tỷ như sự kiêu hãnh khi công thành chiếm đất, hoặc - như với Thiệu Dương chẳng hạn, là chỉ vì sau lớp rèm trùng trùng điệp điệp, chẳng ai thấy ánh mắt một người trong trẻo ngoái nhìn.
-
Mùa đông năm Tề Tuyên Minh thứ sáu, tức năm Ngụy Cẩn Hâm thứ tư, Hộ quốc Tướng quân nước Tề Thiệu Dương phụng mệnh của Tuyên Minh đế, lĩnh binh tiến về phía đông, hội quân cùng Tĩnh Hoài đế tại biên cảnh Ngụy - Trịnh. Liên quân Tề - Trịnh khoảng bốn mươi vạn, lấy khí thế bừng bừng như sét đánh không kịp bưng tai, vượt qua núi non để đến nước Ngụy. Nước Ngụy hoàn toàn không đề phòng, bị quân Trịnh Tề dồn ép tại tòa thành quan trọng vùng biên giới - Tương Thành, là lời tuyên bố chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh chém giết kéo dài tận hai năm.
Lần phạt Ngụy này, quân Tề do Thiệu Dương thống suất ra khỏi nước mà không còn quá nhiều lo lắng, nên chỉ để lại một chút binh lực tại phụ cận Dao Kinh để bảo vệ kinh đô. Trịnh Uyên một lần nữa bố trí trưng binh, bỏ mặc mọi khuyên can mà ngự giá thân chinh. Tề Tuyên minh cũng ý thức được rằng hậu phương hoàn toàn trống trải, nhưng cũng không vì thế mà quá lo lắng. Dù không muốn thừa nhận, nhưng chính sự hiện diện của Hoàn vương chính là nguyên nhân chủ yếu khiến hắn đủ mạnh dạn để Thiệu Dương đọ sức một phen.
Cờ xích diễm ngân phượng giương cao bạt ngàn, thấp thoáng trong đó là lá cờ tương lam phục hổ chấp chới bay, phủ những sắc màu đó kín hết bầu trời xung quanh Tương Thành.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top