PHẦN 2: Người Thầy
Ngày nào cũng thế, gã chủ nhà đi ra ngoài vào lúc sáng sớm. Vợ gã - mụ la sát mà gã hay mô tả với lũ bạn, mụ lại hí hửng gọi bạn bè tới. Chẳng bao lâu sau, mụ dẫn họ lên căn gác cũ kĩ trên tầng cao nhất của ngôi nhà, tiếng trò chuyện lẳng lơ ma quái lại vang dội vào bốn bức tường lạnh lẽo.
Phải nói thêm, mụ ta mắc bệnh sạch sẽ, và rất không ưng khi nhìn thấy chồng mình phá hỏng không gian hoàn hảo trong ngôi nhà này, từ những góc ''chết'' hiếm ai để ý đến không gian nhỏ dành cho chú cún cưng Bulldog cũng tươm tất, nhưng căn gác này lại bám đầy bụi bặm, một vài thứ tế nhị vung vãi trên sàn nhà đã úa màu. Đối diện với thực tế phũ phàng này, tôi chỉ biết cười, cười nửa miệng một cách tiếc rẻ...
''Cộp, cộp''
Tiếng bước chân nặng nề và tiếng nói cười ồn ào vang lên mỗi lúc một gần. Tôi kiệt sức nằm dài trên giường, không một mảnh vải, tôi co người lại và bắt đầu cảm nhận được từng tấc da thịt nổi lên tím tái, run bần bật...
Không! Không! Đừng chạm vào tôi!
Mụ chủ nhà tươi cười nhìn tôi như một người mẹ hiền, trên tay mụ mang một cốc nước lã. Theo sau đó là ba vị khách quý, đều là những quý bà đã đứng tuổi, trên mặt phủ một lớp son phấn dày và đậm nét. Nhưng những nếp nhăn phản chủ kia cứ trồi lên mặt phấn, tạo thành vô số rãnh mỏng tuếch, hao hao giống như đường kí hiệu các con sông trên bản đồ địa lí, và cũng làm tôi liên tưởng đến dấu chân chim.
Song song với nỗi sợ, trước mắt tôi bỗng hiện lên một nhân ảnh quen thuộc, một con người đặc biệt. Điều đó thật điên rồ khi tôi lại có thể hồi tưởng ngay giây phút này, nhưng biết đâu được nó sẽ giúp tôi xoa dịu tâm hồn trước khi chìm vào ác mộng?
Người đặc biệt ấy - Thầy Henry, xuất thân từ gia đình đa chủng tộc, vốn sinh ra ở vùng đô thị sầm uất, cha mẹ đều hành nghề buôn bán dầu mỏ, nhưng chẳng may bị phá sản, cả hai lọt vào cảnh tù tội và lao động khổ sai. Theo lời khuyên của họ hàng, thầy cùng người anh trai lênh đênh trên biển, mang theo nỗi oan ức trở về vùng quê nghèo xa xôi, sống vật vã với môi trường hoàn toàn khác hẳn chốn xưa cũ. May sao, thầy được học hành tử tế và có đủ tri thức để dạy học, cưới được một cô vợ giỏi giang dù cuộc sống chẳng mấy khi no đủ. Tôi, và cả những người khác nữa, vẫn luôn nghĩ rằng cuộc sống của thầy Henry được thế hãy còn tốt chán, mái ấm nhỏ dần dần trở thành khuôn mẫu gia đình đáng ngưỡng mộ. Nhưng cuộc đời đâu có dễ đến thế, đối với một người từng chứng kiến vô số công nghệ tiên tiến, những loại thiết bị, vật dụng mà chỉ được tìm thấy ở ''vùng đất hứa'' như radio, tẩu thuốc, đèn điện,...thì việc phải thỏa mãn với cuộc sống chỉ có thứ ánh sáng chập chờn của lửa nến, đem so với ánh điện thật khiến người ta phát bực, hay việc hút thuốc phải moi một mẩu giấy ra, bóc một ít thuốc rê cho vào rồi cuộn lại, hằng ngày vật lộn với làn khói độc hại xâm nhập vào lá phổi để trấn an cơn nghiện thật sự không dễ chịu chút nào. Người ta không bao giờ thỏa mãn với những thứ mình đã thấy mà không có được, cũng như việc cảm thấy bất công khi mình sẽ chết mà không thấy được cái chết.
''Không ai muốn có một cuộc sống thụt lùi cả...'' - Thầy vẫn hay lặp đi lặp lại câu nói đó như câu cửa miệng mỗi khi đứng lớp giảng dạy. Tôi tự nhận mình rất tự hào vì được thầy ấy công nhận là cậu học sinh chăm ngoan, tuy không được đi học một cách chính thống...Thuở ấy, giờ học đối với tôi không có giới hạn, có thể là giữa trưa hôm nay đến xế chiều, rồi cách vài tuần lại đến, nhưng là xế chiều đến tối mịt, nói cách khác, giờ học bắt đầu mỗi khi thầy Henry rảnh rỗi và chúng tôi có cơ hội gặp nhau. Tôi nhớ rằng lần đầu tiên là khi tôi nghỉ trưa, lúc cùng chú ruột đến trường sửa đường ống nước.
Có lẽ trong mắt mọi người, thầy Henry quả thật rất lạ lùng và khó ưa, bọn trẻ không ai thích nổi một người vừa nghiêm khắc, cọc cằn và hay gắt gỏng như thầy ấy. Hơn thế nữa, thiện cảm mà mọi người dân trong vùng dành cho thầy cũng phai nhạt thấy rõ trong buổi tiệc năm mới. Hơi men rượu dần thấm vào đầu óc khiến thầy bước đi loạng choạng, ngân nga bài ca man dại khó hiểu, hát bằng thứ tiếng ngoại quốc pha trộn tiếng bản địa, sau cùng, trước khi ngủ thiếp đi, thầy không ngần ngại mà thét lên bằng ngôn ngữ mà tất cả mọi người có thể hiểu:
- Tôi chán ghét nơi này! Vùng quê bẩn thỉu! Vô học!
Những nét mặt từ vui vẻ liền trở nên cau có, cực kì khó coi, kinh ngạc, bàng hoàng, đều có chung một màu tự ái và bị xúc phạm lòng tự tôn. Ngay cả cụ già lớn tuổi nhất cũng phải há hốc mồm, trợn mắt lên giận dữ, nỗi thất vọng cuốn lấy đôi mắt mờ đục nằm chìm trong nếp nhăn trễ xuống sâu thẳm. Không một ai có thể tin được đây là lời khinh bỉ thoát ra từ miệng một người con lai, theo đúng nghĩa đen.
- Nó mang trong mình một nửa dòng máu của vùng cọ đong đưa, nơi cha nó được sinh ra, nó chưa từng xem nơi này là quê hương thứ hai của nó trong khi chúng ta cố gắng hòa nhập với nó. Ta nghĩ chắc nó đang xấu hổ lắm về xuất thân của nó, cũng như chẳng còn thiết tha gì với nơi này nữa... - Cụ già nói với vẻ cay đắng, thở dài chống gậy bước vào nhà. Không khí ảm đạm nhanh chóng bao trùm lấy không gian se lạnh đầu năm.
Sau đêm đó, thầy Henry chẳng nhớ gì như một người vô tâm, cũng không ai thuật lại câu nói phũ phàng kia, và sự xa cách dần hiện lên rõ rệt ở thái độ và hành động thô lỗ mà họ dành cho thầy, chỉ vài tuần sau, khoảng cách giữa thầy với người dân trong vùng đã không thể cứu vãn được nữa...
Nhưng tôi thì khác, dù gì thì thầy vẫn đối xử tốt với tôi, từ việc chia sẻ với tôi một cốc cà phê, một mẩu bánh mì, đến việc tặng tôi một tấm bản đồ đủ màu sắc và truyền dạy tôi những thứ cơ bản. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi được biết rằng xa tít tận bờ biển bên kia, có một vùng đất vô cùng nhộn nhịp và khác xa nơi này chứ không phải là nơi ngự trị của thần linh như lời cụ già phán chắc nịch. Ở đấy, người ta có thể chạy bằng chiếc xe hai bánh mà không bị ngã, không còn e ngại gió mạnh khi thắp đèn, và còn nhiều thứ hay ho khác,...
Tôi cũng không quá đặt nặng luồng suy nghĩ: "Tại sao ông ấy lại đối xử tốt với mình hơn bất cứ người bản địa nào, kể cả vợ?'' - Chắc có thể vì tôi vẫn luôn tôn trọng thầy, điều mà thầy không bao giờ nhận được từ những đứa học trò xắc láo trong vùng. Còn về phần dì Nippi, vợ thầy Henry, có lẽ vẫn còn đó nỗi tổn thương niềm kiêu hãnh của một người phụ nữ, và lòng nghi ngờ tình yêu của người chồng dành cho mình chỉ là giả dối ngày một lớn dần. Vào một đêm mưa bão, dì quyết định mang theo đứa con trai mới năm tháng tuổi bỏ đi biệt xứ cùng với một người đàn ông lạ mặt, nhưng vụ bỏ trốn đã không thể trót lọt! Ba ngày sau, người ta tìm thấy thi thể họ trôi dạt vào bờ biển, rải rác vài mảnh gỗ vỡ nát ướt sũng - Họ gặp sóng lớn, và tai hại hơn là không hiểu rõ về địa lý, có lẽ dì Nippi đã quá tự tin khi cho rằng mình đã chung sống với thầy giáo dạy môn này gần hai năm, và ít nhiều gì cũng nghe ngóng được rằng bến bờ bên kia là một vùng đất triển vọng, mà không biết rằng khoảng cách giữa hai châu lục là vô cùng xa xôi...
Nhưng sao, thầy Henry không hề rơi bất cứ một giọt lệ nào trong tang lễ, tôi đinh ninh rằng thầy ắt hẳn rất hận vợ mình, nhưng cũng phải nghĩ cho đứa con chứ? Thằng bé nào có thể mở miệng khuyên can mẹ nó? Thế mà, thầy Henry, vẫn cái dáng vẻ tư lự ấy, đôi mắt xa xăm nhìn ra phía biển cả, và môi khẽ đáp lại điều tôi thắc mắc: ''Dù mẹ con Nippi bỏ đi, hay là đã chết, đằng nào thì cũng không quay về bên ta nữa. Bà ấy trở về và ra đi cùng một lúc, cũng như ta từ một người chồng bị phản bội trở thành góa bụa, đáng lẽ ra ta phải cười lên thật tự hào khi bà ấy là người phụ nữ duy nhất trên thế giới này có thể dùng danh xưng để giày vò tâm hồn chồng mình một cách ngặt nghèo đến thế!"
Và cuộc đời thầy Henry bước sang trang khác với một màu xám xịt, cô độc, bi thương. Những biến cố cuộc đời cứ nối tiếp nhau ập đến như muốn chèn ép con người ta đến bờ vực thẳm, chỉ sau một năm vợ con mất, cha mẹ thầy cũng bị xử tử, người anh trai duy nhất chẳng may mắc phải chứng bệnh quái ác, mất hết khả năng lao động, gánh nặng chồng chất lên vai thầy như lẽ tất yếu trong sự hả hê của dân làng, và gây áp lực sâu sắc lên những đồng lương ít ỏi. Đến bây giờ tôi cũng không sao hiểu nổi phép màu nào đã giúp thầy vượt qua tháng ngày cùng cực đó.
Bất thình lình, một tai họa ập đến quê hương tôi...
Tôi nhớ mãi câu nói cuối cùng mà thầy hét lên ở bến cảng khi nhìn tôi cùng những cô cậu kém may mắn khác đã bước lên con tàu định mệnh, và đi xa bờ một khoảng không thể tự bơi về được nữa...
- Jigar! Jigar! Hướng Đông, hướng Mặt Trời mọc! Hướng Đông!
Không khó để thấu được nỗi bất lực của thầy Henry trong giọng nói như muốn chèn ép dây thanh quản một cách tối đa ấy, và tôi cảm nhận được ở tận cùng của sự bất lực, có một niềm tin lẫn hi vọng khôn nguôi.
Buồn thay, tôi không đủ đầu óc để hiểu thầy nói vậy có nghĩa lí gì, tất cả chỉ là những mảnh ghép mơ hồ thúc giục trái tim. Đau thay, lời sau cuối cũng như an ủi ấy đến từ một người xa lạ chứ không phải ruột thịt như tôi tưởng tượng...
Khung cảnh quê hương hiện lên rõ rệt trong chốc lát rồi tan biến bởi hiện thực. Trước mắt tôi là thứ hình ảnh quái dị, tối tăm, cơ thể nóng bức với đau đớn, mụ chủ nhà cho tôi uống một loại nước pha, tôi cũng không rõ là loại thuốc gì mà khiến tôi nảy sinh ý đồ tồi tệ và kinh tởm đến vậy, cảm giác này tương tự những lần trước. Ngột ngạt, tê dại, có cả kích thích, trong giây phút yếu lòng, tôi đã phản bội chính bản thân tôi...
- Còn tiếp -
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top