4. Sơ Hở
Trước khi trở thành con trai ngoan của bác sĩ Ratio, Aventurine đã từng phục tùng nhiều người đáng tuổi cha chú nó, vâng lời những kẻ vỗ ngực tự xưng là phụ mẫu của dân, là đức cứu rỗi của đời nó.
Nó đã là một món hàng không tồi, một bé trai khỏe mạnh sống sót sau đại thảm sát Sigonia, một người Avgin. Người ta đã tranh nhau để sở hữu được nó. Danh phận nô lệ đã gắn liền với thằng nhóc trước cả khi nó có nhận thức về thế giới tàn khốc.
Sắc đèn nhộn nhịp ở phố thị Penacony đã luôn là như vậy, thường thì chẳng mấy ai hòa vào không khí lễ hội mà lại chỉ thấy màu màn đêm - Aventurine là số ít đó. Nó đã dành phần lớn thời thơ ấu ẩn mình trong những con hẻm tối, lén lút nhìn ngắm sự xa hoa chỉ cách nó vài bước chân, trộm ước một ngày nào đó người đứng giữa hòa ca và ánh sáng kia phải là nó. Nó thèm sự tự do.
Nó phải được tự do.
Người ta đã giành nhau chỉ để được đóng thanh sắt nóng rẫy vào cổ nó, thỏa mãn nhìn da thịt nó tróc ra, tứa máu và đen thẫm lại. Vết thương đó rồi sẽ lành, những đứa trẻ cùng số phận đã an ủi nó vậy, nhưng vết nhơ đã in hằn trong tâm trí thì vĩnh viễn không thể xóa mờ.
Ngày ấy, người ta đã đóng dấu nó, lôi xềnh xệch, chửi rủa, đạp, đánh, nhượng nó cho một người rồi lại một người khác... Lần cuối cùng Aventurine xuất hiện ở trước thềm một dinh thự lớn, quỳ rạp người kính cẩn hôn lên mũi giày một viên quan nọ, nó đã quyết phải ép vận mệnh quy phục dưới bản lĩnh của mình.
Mười hai tuổi, nó hoàn toàn đánh lừa được tất cả mọi người bằng bề ngoài non nớt và chất giọng chưa vỡ. Ông chủ dù đa nghi vẫn bị vẻ ngoan ngoãn của nó mê hoặc, ông giao nó nhiệm vụ quan trọng là dọn dẹp phòng làm việc.
Aventurine loay hoay cả ngày trong thư phòng: nó quét bụi, chùi nhẵn các mặt kiếng, lau sạch bóng những món đồ đồng và xếp gọn tài liệu thành từng xấp. Nó khá hài lòng với công việc này vì không phải bêu đầu ngoài nắng, cũng không phải trò chuyện với ai, đặc biệt là ít bị đánh chửi dù thi thoảng vẫn bị bỏ đói. Đến con mèo ba tư - cục cưng của ông chủ nhưng là ác mộng với bọn gia nhân, còn được ăn uống tử tế hơn nó. Aventurine đã vài lần cố tình rải cỏ mèo trong thư phòng để con vật đó quậy tung mớ giấy tờ của chủ nhân.
Những cuộc vui rồi cũng đến hồi kết. Lần đấy, thứ lông lá kia bị bệnh, mọi nghi ngờ đều đổ dồn về Aventurine. Không ngoài dự đoán của toàn bộ người làm và cả chính nó, Aventurine lĩnh một trận đòn thừa sống thiếu chết.
Ông chủ quyết định sẽ bán nó đi, bởi lẽ nô lệ trẻ em như nó không hề thiếu, mà ông thì chẳng muốn giữ trong nhà một đứa ở bất trị. Aventurine lại tập làm quen với xích sắt và dây thừng, nhưng trái tim nó không bị gông cùm, nó biết đã đến lúc tự do phải biết đến tên nó.
Hôm ấy, trời không mây, nó nhớ không nhầm thì mọi việc đã diễn ra thế này:
Dây trói nó bị đứt. Ngay tức thì, nó vùng bỏ chạy khỏi dinh thự. Ông chủ lần theo nó, nhưng ông không gọi người, cũng không động tay chân, chỉ giở giọng đe nẹt lệnh cho nó trả lại ngay món đồ đang giấu trong người, rồi nó có thể đi.
Đoán xem thứ nó cầm theo là gì? Thứ gì nhỏ gọn mà có khả năng phòng thân cao, vừa tay một thằng bé mà lại vừa hay là món nó được thấy, được cầm nắm, được mân mê hằng ngày...
Đoàng.
Nó hạ chủ nhân bằng chính khẩu súng của ông.
Một phát rất chuẩn chính giữa trán. Đến giờ nó vẫn còn nhớ cảm giác khẩu súng ngắn giật mạnh trên tay, khạc lửa và rít vang trời.
Mùi thuốc súng đắng chát, màu của khói và máu tanh đã tệp vào nó. Từ phút ấy, Aventurine đã thử làm một kẻ phản bội.
Cảm giác ấy có hả hê không? Có. Nhưng có dễ chịu không? Không!
* * *
Aventurine day hai bên thái dương. Nhớ về chuyện cũ làm cậu nhức đầu. Bảo sao Ratio chẳng bao giờ nhắc đến quá khứ, y đã luôn mệt mỏi vì mải nghĩ cho tương lai bên kia sườn dốc của cuộc đời...
Cậu bước xuống lầu, lặng ngắm bình minh qua ô cửa phòng khách. Trời trở sáng, tuyết đã tan, nhưng vẫn có gió chạy trong nhà, Aventurine vặn to lò sưởi, tạm không nghĩ đến hóa đơn điện tháng này.
Bác sĩ vẫn còn dở giấc. Cậu chỉ dám khe khẽ kéo rèm để nắng yếu ớt lọt vào phòng, làm nên một mảng sáng tối mờ ảo trên từng đường nét của y. Chẳng ai nghĩ y đã ngoài tứ tuần. Khuôn mặt đẹp như tượng tạc kia không hề có lấy một nếp nhăn. Mũi y lại cao, sống mũi gồ đầy nam tính. Râu tóc luôn được cắt tỉa, dù lúc này có hơi rối một chút, nhưng tổng lại là vẫn rất bảnh.
Thêm nữa là, trông Ratio hoàn toàn vô hại.
Lắng tai nghe nhịp thở của y xem, chậm và đều đặn. Có vẻ sâu giấc đấy, không mộng mị cũng chẳng buồn nhớ đến việc phải dậy - chút nữa có hai ca thăm khám ở tận trung tâm thành phố đấy bác sĩ yêu quý ạ. Và lạ nhỉ, ngày thường y trái tính trái nết là thế, cũng có lúc gàn dở, tàn nhẫn là thế, nhưng khi ngủ thì nom hiền khô.
Y không phòng bị.
Đồng tử Aventurine đảo nhanh. Cậu thừa cơ hội bán đứng y ngay lúc này.
Ratio có một khẩu súng ngắn luôn mang trong túi áo. Y còn đang đắp măng tô trên người kìa, cậu sẽ muốn thử cầm vào món hàng ấy... Aventurine nuốt nước bọt, tiến lại gần người đàn ông, nhanh nhẹn thọc tay vào tất cả các loại túi cậu thấy. Như Ratio đã khiêu khích, cậu chỉ muốn thử thôi, muốn biết cảm giác nắm quyền sinh sát một người trong tay... Không, cậu muốn thử may mắn của mình, muốn xem hành vi phản bội này phải trả cái giá là bao nhiêu...
Không được.
Tay cậu vẫn run quá.
Lòng dịu lại trong phút chốc, Aventurine rụt tay về khi chạm phải vật cứng mà chắc chắn không phải thứ cậu đang tìm.
Morning woods.
Cậu sượng sùng bật cười.
Khử Ratio ư, cậu nào có lá gan đó. Không đáng, và càng không nên. Sao cậu nỡ làm hại người đàn ông vô tội chỉ đang cố tận hưởng chút ấm áp cuối cùng của buổi sáng lập đông u ám...
"Thật chẳng ra làm sao, Veritas ạ. Đừng nói quý ông phản ứng với tôi đấy..."
Lời vừa bật ra khỏi môi, Aventurine bỗng thấy nghẹn giọng.
Có khi thế thật.
...
Từ khi nào bác sĩ đã thay đổi cái nhìn về nó? Theo lời y, nó chẳng còn là trẻ con, mà là cộng sự của y kia. Hai người cộng sự thì phải đối với nhau như nào mới phải. Nó thề đấy, y đã luôn là nhân vật chính xuyên suốt những cơn mơ tuổi mới lớn của nó. Vậy còn nó đối với y, trên danh nghĩa cộng sự, với tư cách một người lớn...
Và có khi nào y đã nảy sinh những tình cảm khác với nó?
Nghĩ tới đây, hai tai nó nóng ran.
* * *
Ratio đang phải trả giá cho những ly Corpse Reviver đêm qua. Y uể oải tỉnh giấc khi dư vị của chanh và Gin vẫn còn đọng nơi cuối họng. Khoảng 6 tiếng trước thứ hỗn hợp rượu mạnh tinh tế ấy đã cứu rỗi y sau một ngày dài - đúng như cái tên của nó. Nhưng lỡ nhâm nhi quá hai ly thì lại hóa hại. Đó là lý do vì sao đầu y cứ xoay vòng suốt từ sáng.
Sớm nay nhiệt độ xuống thấp còn hơn tối qua, nhưng rất may cái lạnh trong lòng y đã nguôi bớt. Cái ớn lạnh tê tái bắt đầu từ hôm qua, sau giờ làm, trong lúc đang tự chiều chuộng bản thân bằng cồn và thuốc hút lần thứ n trong tháng, y tình cờ chạm mặt mấy người bạn Đại học.
Nói là bạn thì cũng chưa hẳn. Thời sinh viên Ratio khá kín tiếng và kỹ tính trong giáo viện, y không có nhiều bạn, nói trắng ra là không có nhu cầu kết bạn. Những người đồng môn còn giữ liên lạc với Ratio tới tận nay, dù cũng chẳng thường xuyên gặp gỡ, hầu hết đều từng cùng y thử một vài thương vụ. Ở Penacony, họ là những kẻ sống vì vật chất, chỉ nhìn vào bề nổi và đóng góp vào thị trường lao động về đêm nhiều hơn cả. Tất nhiên, Ratio đâu phải ngoại lệ trong số ấy.
Gặp lại sau nhiều năm, họ cười và bắt tay nhau, họ uống và nói chuyện phiếm một cách chuẩn mực như những quý ông có học. Ratio chậm rãi nhai lát chanh trang trí ly của mình, gật gù lắng nghe. Họ tranh nhau bàn luận, từ ti tỉ những thứ như chiếc ghim áo trên bộ vest của một người lạ đến mùi vị cocktail, sâu xa hơn là chuyện sự nghiệp, rồi chính trị, tọc mạch nữa là chuyện gia đình, vợ và con.
Con cái họ đều đã lớn cả, giỏi giang tháo vát. Họ còn đã tính tới chuyện di chúc, chọn người kế thừa... Nói đến đây thì đám người nhỏ tiếng dần, đánh mắt sang Ratio một cách đầy cảm thông.
Tội nghiệp y chưa, từng này tuổi rồi mà vẫn phải sống thui thủi một mình - họ chậc lưỡi. Đầu tóc vẫn tốt... nhưng sớm muộn cũng sẽ bạc trắng, y là cần lắm một bàn tay đảm đang chăm sóc - họ khuyên. Mà gia sản của y thì biết để cho ai - họ ra điều ái ngại, cũng có người cười cợt, danh y Ratio sẽ chẳng lao đầu đi tích cóp cả một đời để rồi kết thúc ở một khoanh đất vô danh với không gì trong tay đâu nhỉ?
Với Ratio, chết là hết.
Nhưng bác sĩ cũng biết tiếc, nên đã tự có cho mình những tính toán cặn kẽ.
Thằng nhóc đó sẽ là người kế thừa của y. Thừa hưởng tri thức, kinh nghiệm và một phần linh hồn của y, nó cũng sẽ là người kế nhiệm phong cách cùng gia tài y. Đối với nhiều người, nó là đứa không tên tuổi, nhưng với y, nó là Aventurine.
Viên đá quý độc nhất của y. Một báu vật và cũng là một nỗi lo.
Những lời châm chọc, khiêu khích và cả sự cợt nhả của vài kẻ tự xưng là bạn khiến Ratio rùng mình. Axit hữu cơ đang đốt cháy dạ dày trống rỗng của y, cuống họng bỏng rát, nhưng y thấy lạnh toàn thân. Y sợ. Bỗng dưng y lo về tương lai của đứa trẻ y nhặt được năm ấy.
Có lẽ y sẽ không còn được ngắm nhìn, được dẫn dắt nó khi nó lớn lên - đây là nỗi lo cơ bản của một người làm cha.
Khi y mò được về nhà và ngã người lên sofa, khi đứa trẻ ấy đặt đôi tay nhỏ vào lòng bàn tay lớn, nhìn y, có ý trách móc, Ratio thấy yếu lòng vô cùng.
Cảm giác được an ủi khi có một gia đình nhỏ khiến y muốn dừng lại. Y muốn tâm thôi dậy sóng, muốn lòng bớt tương tư. Phải, quên đi, Ratio. Y không thể có thứ tình cảm khác với Aventurine - đây là cuộc đấu tranh lý trí trong một người đàn ông.
...
Mặt trời đã lên cao quá đầu người, Ratio cũng vừa kết thúc cà phê sáng và những dòng suy tư đứt đoạn. Aventurine đã rời khỏi nhà hơn một tiếng trước, hôm nay lịch khám khá dày, thời gian không cho phép họ ngơi nghỉ - y thở dài khi chỉnh lại cà vạt một lần cuối trước lúc lên đường.
Hai ca tháo chỉ trong một buổi sáng. Đồng hồ điểm vừa đẹp 8 giờ ngay sau khi y tấp vào lề và đánh động bên ngoài cánh cổng đầu tiên.
Cổng mở, một người quản gia đã có tuổi gật đầu cúi chào Ratio, rồi dẫn y men theo lối đi dành cho khách quý, tiến vào trong dinh thự. Bác sĩ nhanh nhẹn quan sát lúc tấm cửa khu nhà chính vừa khép lại sau lưng, y cởi áo choàng đưa cho một hai gia nhân đứng lóng ngóng ở gần, yêu cầu được lên phòng người bệnh một mình.
Người quản gia do dự nhưng cũng đành nhượng bộ, ông đưa vị y sĩ quý hóa đến trước một cánh cửa màu kem, hắng giọng trước khi gõ cửa:
"Tiểu thư, ông bác sĩ ấy tới rồi đây"
Nói rồi ông quay sang Ratio:
"Bác sĩ biết tính nó rồi đấy, nếu nó có xấc láo... mong ông đừng để bụng. Sở dĩ ông chủ không yên tâm để bác sĩ ở riêng với nó một phần cũng là vì thế..."
"Tôi hiểu... ngài Morris quan tâm như vậy cũng đúng thôi, phải giữ khoảng cách nam và nữ. Nhưng đạo đức tôi như thế nào các vị cũng biết cả rồi, đề phòng như vậy thật oan uổng cho tôi quá"
"Không phải ý đó đâu thưa bác sĩ..."
Cuộc tán gẫu bị cắt ngang là lúc cửa phòng hé mở. Trái với lần cuối Ratio gặp người bệnh này, cô tiểu thư nổi tiếng ngỗ ngược kia giờ đã thu mình lại, lễ phép và đáng yêu đúng với tuổi. Cô bé bẽn lẽn cất tiếng chào và nhỏ nhẹ mời y vào trong.
Ông quản gia thì thầm vào tai y nốt vài lời: "Mới một tuần thôi, kể từ sau khi gặp bác sĩ, nó có vẻ thay đổi tâm tính hẳn rồi đấy"
Ratio mỉm cười, từ tốn khép cửa và bắt đầu với đống đồ nghề lỉnh kỉnh. Kéo, nhíp, bông băng, nước sát khuẩn... đủ cả đây rồi. Chỉ còn nhân vật chính là giờ phải trình diện đi thôi.
"Charlotte, sao hôm nay kiệm lời thế? Ra đây bác xem cái mặt của con nào"
Đứa bé gái ló ra với khuôn mặt chằng chịt băng trắng. Khoảng 10 ngày trước nó té lộn cổ khi trèo cây - Ratio ngay lập tức được vời đến lúc đứa trẻ đang gào thét và chửi rủa ầm ĩ, mặt nó lẫn nửa thân trên khi ấy đều nhuộm màu đỏ. Tuy mến trẻ con nhưng Ratio cũng biết mất bình tĩnh với những đứa không nghe lời. Y đã nạt nó, nói rằng cái mặt đẹp của nó giờ vứt đi, thái độ mà chẳng ra gì nữa thì tự nó sẽ biết hậu quả.
Chỉ mới vậy mà nó đã hoàn toàn thay tính đổi nết. Đủ để hiểu một lời nói của người lớn có sức ảnh hưởng tới con trẻ như thế nào.
"Ngồi xuống, ta gỡ băng ra đây"
Ratio sát khuẩn tay, đeo găng và lựa một góc đẹp để ngắm bao quát những đường may của mình trước khi tiến hành tháo chỉ. Y may vết thương rất khéo, thứ kỹ thuật mà không phải cứ luyện tập là có được. Cũng phải ơn chúa con bé thuộc tuýp da lành tính, sau khi rút chỉ nếu chịu khó giữ gìn thì mặt mũi sẽ lại sáng sủa thôi. Ratio nghĩ nhanh, và mới thấy những gì y dọa đứa bé mới quá đáng làm sao - cái miệng độc địa sớm đã thành thói khó bỏ.
"Bác sĩ" - đứa trẻ hồi hộp khi y đưa miếng bông lạnh lướt trên da nó "Con còn có thể xinh đẹp như ngày trước không?"
"Tất nhiên, Charlotte, miễn là con chịu khó kiêng những thứ ta đã dặn nhà bếp, tra thuốc đều đặn và chớ có đưa tay lên mặt... vài ngày nữa nó sẽ ngứa, con biết đấy"
Bước sát khuẩn đã xong, Ratio để con bé nằm xuống. Y đặt gạc y tế ở gần vết khâu, tránh đường chỉ. Charlotte nhắm chặt mắt ngay khi mũi kéo được đặt trước mũi nó. Ratio ngưng lại:
"Đừng căng thẳng. Chỉ hơi nhức thôi, không đau"
Y bắt đầu cắt. Tiếng kéo kêu lách cách. Con bé càng lúc càng nhăn nhó, nó công nhận là không đau, nhưng nó sợ.
Ratio rất kiên nhẫn với con trẻ, y lại ngừng tay.
"Charlotte, thả lỏng cơ mặt đi"
"Con chịu thôi... bác làm con sợ lắm..."
Ratio tỏ ý không vui:
"Ta ư? Con nghĩ kĩ lại xem, yên tâm để ta xoẹt xoẹt mấy đường hay để mặc bản mặt con chi chít sẹo đáng sợ hơn?"
Mặt Charlotte méo xẹo. Nó sụt sịt mũi và đành chấp thuận nằm ngoan sau 2 phút tự đấu tranh tâm lý.
Chưa đến chục phút sau mọi thao tác đã xong. Ratio cất dụng cụ, ra hiệu cho đứa trẻ. Tức thì Charlotte bật dậy chộp lấy chiếc gương gần đó. Nó tròn mắt với hình hài của chính mình trong gương. Khuôn mặt bầu bĩnh đã trở lại gần đúng nguyên dạng, 30 mũi khâu đều không hiện rõ sẹo.
"Đừng có đưa tay lên mặt, không được gãi... còn gì nữa, nhớ thuốc men đầy đủ cho bác, nghe không?" - y dặn dò.
"Vâng" - đứa trẻ hớn hở "Bác Ratio, cha con nói gần đây con dễ thương hẳn ra, bác có thấy vậy không?"
"Dễ thương, từ cách con suy nghĩ và hành xử. Nghe này, khuôn mặt con có thể được chữa lành, đó là can thiệp thẩm mỹ, cũng chỉ là cái bên ngoài thôi, tâm hồn con mới nhất thiết phải tốt đẹp... con người sống vì cái đẹp bên trong đó"
Bác sĩ nói mà không chớp mắt. Ratio có sống đúng với những gì y quan niệm không thì tự y cũng biết rồi.
"Vậy ta lên lịch tái khám cho con nhé... 2 tháng nữa được không, chà, sang năm mới rồi đấy"
"Năm mới... con sắp lớn thêm một chút rồi!"
Ratio nheo mắt cười với đứa bé.
"Háo hức đến thế?"
"Vâng" - Đôi mắt nó lấp lánh "Con muốn nhanh lớn. Con muốn được làm người lớn"
Y chỉ biết cười trừ.
Ngây thơ quá.
Hệt Aventurine ngày trước. Cũng chẳng khác y những khi xưa là bao. Mới ngày nào trên gương mặt non nớt bắt đầu lún phún râu, nổi trứng cá, ngày mà sáng thức dậy giọng y ồ ồ như vịt, y còn nhớ lúc đó y khao khát được lớn. Quá trình ấy diễn ra tương tự với "con trai" Aventurine của y. Ừ thì, nó vừa mới chập chững bước sang tuổi trưởng thành, nó vẫn cần thời gian để thích nghi và làm quen với trách nhiệm của một người lớn - đấy là Ratio băn khoăn vậy, chứ phần Aventurine, nó đã nói với y trong ngày sinh nhật thứ 19 rằng:
"Cái giá của sự trưởng thành lớn quá, cha à"
Nếu bây giờ mà thú nhận với Charlotte cuộc sống của người lớn không như là mơ, y sẽ mắc tới hai lần tội gây áp lực cho con trẻ. Y hùa theo nó, thì sẽ là nói dối.
...
Hơn 10 giờ sáng, mưa tuyết. Ratio gục đầu trên vô lăng, bắt đầu nghĩ tới chuyện hoãn lịch với bệnh nhân tiếp theo.
Ở tuổi trung niên, con người ta thường dễ rơi vào trạng thái chán nản: nguyên do có thể xuất phát từ tính chất công việc quá nặng nhọc, lao tâm, không còn phù hợp với sức khỏe tinh thần; hoặc là do tính trì hoãn, lười.
Ratio tạm không xếp mình vào một trong hai nhóm kể trên. Y lờ đờ cắm chìa khóa vào ổ, cài số lùi, vận hết sức mình đạp chân ga vài chục lần trước khi nổ máy. Con chiến mã cũng đã xưa như chủ nhân của nó, xăng và dầu máy hạng xoàng không đủ cho nó xông pha suốt một mùa đông - tương tự với cà phê và thuốc khớp của Ratio, cũng là chưa đủ để chữa dứt bệnh "già" của y.
May là thằng Aventurine không trên cùng một chuyến với y, kiểu gì nó cũng nghĩ y là thằng bác sĩ lẩn thẩn.
Nghĩ đến nó làm y thấy phấn chấn hơn một chút. Nhưng mà đấy, đã tự dặn lòng không tơ tưởng đến nó nữa mà.
...
Người bệnh thứ hai đã có tuổi. Hắn yêu cầu mọi bác sĩ tư đều phải đậu xe bên ngoài dinh thự và một mình vào thăm khám.
Ratio chưa có dịp được chạy chữa cho quý ông này. Hơn nửa tháng trước, Aventurine lay y dậy giữa đêm vì một cuộc điện thoại, người từ đầu dây bên kia đề nghị hẹn riêng với y vào một ngày đẹp trời đầu tháng sau. Theo như những gì được cung cấp, hắn bị thương nặng trong lần đi săn vừa rồi - người tiếp nhận chăm sóc từ đầu là một bác sĩ khác, hắn lại đặc biệt đề nghị Dr. Ratio tới bốc thuốc, tháo chỉ.
Đàn ông trung niên đều sẽ như vậy, Ratio chẳng buồn bận tâm những quy tắc kì quái của vị khách. Sau khi tấp xe vào lề, y ôm túi đồ nghề, đội tuyết tiến một mạch vào dinh thự.
Căn biệt thự đồ sộ có an ninh khá lỏng lẻo: cổng tự động, cửa không khóa. Ratio phủi tuyết trên măng tô khi bước vào trong, tháo găng, nhấm ngón tay lật sổ ghi chép: căn phòng người bệnh đợi ở cuối tầng hai, ghi chú thêm là y phải luôn đi một mình.
Đoán được chủ nhân tòa nhà là một người có tính đề phòng, ngay khi đến, y gõ cửa ba cái đều đặn và đợi tới khi một giọng đàn ông cất lên:
"Bác sĩ Ratio? Vào đi"
"Tôi xin phép- ôi?!"
Người đàn ông trong phòng đang có trên tay một khẩu súng.
Ratio phát hoảng, ngay lập tức đút tay vào túi áo.
"Ồ không, bác sĩ hiểu lầm rồi..."
Hắn bóp cò liên tiếp vài lần để chứng minh ổ đạn rỗng. Tiếp đó, hắn đặt cây súng ngắn vào hộc tủ và khóa lại.
"Súng cưng đấy, thỉnh thoảng mới lại lôi ra ngắm... ôi đau... từ khi bị thương tôi đã chẳng động lại nó nữa rồi, bác sĩ ạ"
Ratio thở phào, buông lỏng phòng bị.
"Tí nữa là tôi lên cơn đau tim đó, thưa ngài"
"Ấy chết bậy quá" - hắn bối rối, chỉ vào một hai chai vang trên bàn "hay bác sĩ và tôi mỗi người một ly nhé..."
"Cảm ơn ngài, tôi vẫn đang trong giờ hành chính" - Ratio cười lịch sự.
"Vâng" - vị khách trước mặt dịu giọng "vậy vào việc chính, bác sĩ xem giúp tôi vết khâu..."
Vết thương tương đối sâu, nhưng rất may y sĩ nào đã xử lí cánh tay của hắn khá khéo. Ratio chỉ việc thao tác đơn giản: sát trùng, cắt chỉ và lên đơn thuốc trong dưới một giờ. Phần lớn thời gian y tập trung vào chuyên môn, gật đầu đáp lại qua loa những câu chuyện của khách. Người đàn ông kia cũng giỏi nói, hắn liến thoắng suốt cả buổi.
Câu chuyện thực sự lôi cuốn Ratio khi nó chuyển sang chủ đề săn bắn.
Người đàn ông tự hào kể về những chiến tích và thú bắn giết tiêu khiển của mình. Hắn có hai cái đầu tuần lộc treo dưới phòng khách, một tiêu bản đại bàng và vài thùng rượu ngâm, tất cả đều là bất hợp pháp.
Không chỉ săn động vật, hắn còn đam mê sưu tập... người, đặc biệt là trẻ em.
Ratio nghe tới đây thì nuốt nước bọt. Điều gì cũng có thể xảy ra ở Penacony, tệ nạn, bệnh hoạn lại càng phổ biến ở những chốn tưởng chừng như sạch sẽ nhất, văn minh nhất.
"Ngài có nuôi nô lệ ư? Tôi thấy nhà mình còn không có người ở thì phải"
Hắn phá lên cười.
"Không. Thứ đó tôi không khoái. Tôi chỉ thích xem đấu người, tôi chi tiền và đặt cược để ngắm mấy thằng nhóc vùng vẫy tìm đường sống... Nuôi nô lệ cũng có cái thú của nó, nhưng tôi bỏ lâu rồi"
Những lời này phát ra từ một quý ông có bề ngoài thanh nhã nghe mới thật chối tai.
"Bác sĩ biết vì sao tôi có cái vết này không?" - người đàn ông vén tóc mái, trỏ vào một đường sẹo dài chạy từ giữa trán tới thái dương.
"Một thằng nô lệ bắn đấy. Bằng chính súng của tôi"
Ratio săm soi vết sẹo, tỏ ra cảm thông.
"Không phải đứa nào cũng biết điều... Ngài hẳn phải xử lí nó ngay chứ"
Hắn nghiến răng.
"Nó nhanh lắm, bác sĩ ạ, như một tia chớp. Tôi vẫn còn nhớ, tóc nó vàng hoe... còn đôi mắt màu tía... nhỏ mà nhanh thoăn thoắt..."
Ratio hi vọng y vừa nghe lầm.
"Gần chục năm rồi, chắc nó cũng chẳng còn sống nữa. Làm gì có nô lệ vô chủ nào sống sót qua nổi một mùa đông ở Penacony" - hắn cười gằn, còn Ratio khẽ thở phào.
"Nên là sau đấy tôi mới không nuôi gia nhân nữa, bác sĩ ạ. Hóa ra bọn chúng nó đều thông đồng để làm phản tôi. Cứ hai đứa dính vào nhau là có chuyện, thành thử sau này khách khứa đến tôi chỉ dám tiếp người đi lẻ. Giờ đến mướn y sĩ tôi cũng phải đề phòng..."
Ratio lại thấy đồng cảm với hắn. Tính đa nghi ở tuổi này là điều dễ hiểu. Chính y nhiều khi cũng tự hỏi liệu sự có mặt của mình có thừa thãi, liệu mọi người có thực sự yêu kính mình, hay họ chỉ sợ, chứ chẳng hề nể...
"Ông cũng cảm thấy tôi đa nghi đúng không?" - người khách dò hỏi "trông vậy thôi chứ tôi cũng có những đức tin nhất định đấy"
"Tôi tin thằng ranh nô lệ đó còn sống, bác sĩ ạ"
Sống lưng Ratio lạnh toát.
"Loanh quanh ở trung tâm thành phố, thường là khi đêm về, tôi đã trông thấy một thằng nhóc nhỏ, gầy, tóc vàng với áo cổ lọ"
"Bác sĩ ạ, cứ tưởng tượng nó còn sống sau tất cả những việc tày trời ấy, súng của tôi lại nóng lên bất thường"
"Không biết máu của một tên nô lệ có màu đỏ không nhỉ?"
Khoảnh khắc ấy Ratio ước y bị điếc.
Có lẽ tất cả chỉ là trùng hợp
* * *
Tiếng lách cách từ khuyên tai của Aventurine dội lại. Tối nay cậu chàng thơm phức, tóc vuốt sau tai, áo sơ mi mỏng tang bó vào vòng eo đẹp đến khó mà rời mắt.
Bác sĩ, buồn bực vì rất nhiều thứ (trong mắt cậu lại là chẳng vì thứ gì), lại bắt đầu leng keng pha chế.
Nhác thấy cậu, Ratio phải dụi mắt sau khi có liên tưởng Aventurine với những người tình dạo nọ.
Cậu chàng tiến lại gần bàn ăn, hết liếc rượu trên tay lại nhìn y, ánh mắt tím xoáy vào đồng tử Ratio, không để lộ một tia cảm xúc.
Aventurine nhấc chai rượu, xoay người cất lại vào tủ: phải để nó tránh xa tầm tay bác sĩ.
"Ngài không được uống nữa"
"Tôi đang tập cai đấy mà, bằng... vi lượng đồng căn"
"Ngài láu cá lắm... đó là cái phương pháp quái quỷ gì vậy?"
"Lý thuyết là nếu một thứ gì đó gây ra các triệu chứng ở một người khỏe mạnh, thì nó có thể chữa khỏi những triệu chứng tương tự ở một người mắc bệnh" - Ratio trầm ngâm ra điều thực sự nghiêm túc " Lấy ví dụ là cậu đi, nếu cậu bị mất ngủ, phương thuốc vi lượng đồng căn cho cậu có thể là một dung dịch cực yếu có chứa lượng nhỏ cà phê"
"Vậy ngài chữa nghiện rượu bằng cách pha loãng martini và gì đây... cồn?"
Ratio gật gù.
Aventurine tặc lưỡi, đánh lảng sang chuyện khác.
"Học trò chịu rồi, ngài cứ tiếp tục đi... À, tối nay có thể tôi sẽ về muộn một tí..."
Ratio đanh giọng.
"Lại tới sòng bài? Bơn bớt lại đi..."
Lời người đàn ông khi sáng làm y ngẫm thấy chột dạ. Hắn vẫn luôn lẩn khuất, ở đâu đó trong thành phố, nơi có những ánh đèn màu và tiếng phỉnh va vào nhau lạo xạo. Hắn vẫn đang kiếm một đứa trẻ Avgin có mái tóc hoe vàng, đứa đã có bản lĩnh để lại trên thái dương hắn một vết sẹo sâu hoắm.
"Tránh đến những chỗ như vậy đi, Aventurine" - y nói như ra lệnh.
"Và đổi một cái áo khác đi. Đừng mặc áo cao cổ..."
Y còn chưa diễn đạt hết ý thì cánh cửa nhà đã đóng sập lại, Aventurine thoắt cái đã mất dạng.
Bác sĩ chẳng thể nói nổi nó nữa.
Y lẳng lặng đổ rượu vào miệng. Cổ họng nóng rát nhưng càng lúc tay y càng phải run lên vì lạnh. Cái lạnh không chỉ đến từ tuyết và gió tháng Chạp, nó xuất phát trong tâm thức y - thứ tưởng chừng luôn phẳng lặng.
Chưa bao giờ sự im ắng lại ồn ào đến như thế.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top