Chương 7: Kế hoạch kiếm tiền

Về phần Hải, có lẽ cậu đã sớm đã quên mất rằng vẫn còn những người đang chờ đợi mình. Hải cũng làm gì còn tâm trí mà nhớ đến mấy chuyện đó nữa. Bởi mấy hôm nay, ông chủ xóm trọ giục đóng tiền rát lắm rồi. Anh Tường vừa mới đỡ được mấy hôm, chưa thể ra ngoài kiếm thêm tiền ngay được, Hải cũng đã loáng thoáng nghe được chuyện anh ấy bị ông chủ chỗ bảo kê cho nghỉ hẳn. Số tiền ít ỏi mà Hải kiếm được mỗi lần đi bán ve chai hay bán hàng rong còn chẳng đủ lo tiền ăn một hai tuần. Mất đi khoản thu nhập của Tường, hai anh em đã khó lại càng thêm khó. Cũng không hiểu thế nào mà ông chủ trọ lại biết được chuyện này, và thế là một buổi tối, ông ta đến trước phòng hai anh em, đập cửa rầm rầm khiến cánh cửa sắt vốn đã han gỉ, long ốc lại càng thêm tàn tạ.

- Thằng Tường đâu? Mày ra đây!!

Nghe tiếng đập cửa và cái giọng khàn khàn của lão chủ trọ, Tường đang ngồi xoa rượu thuốc lên một bên cẳng chân liền uể oải ngó đầu ra. Hải lúc ấy đang căm cụi vò đống quần áo cũ dính đầy đất cát ở phía sau nhà cũng nhanh chóng chạy đến ngồi bên anh trai, lấm lét nhìn ra cánh cửa đang rung lên từng hồi, nói:

- Anh ơi, có mở cửa không?

- Kệ mẹ lão, mày có 2 tháng tiền trọ không mà đòi mở? – Tường nhăn nhó nói, cũng không biết là anh nhăn nhó vì vết bầm tím trên chân hay là vì đang tức giận nữa, mà cũng có thể là vì cả hai.

Bên ngoài, người đàn ông vẫn đập cửa uỳnh uỳnh khiến cái bụng trương phình đang áp vào dưới cánh cửa của ông ta cũng rung lên liên hồi, miệng nạt lớn:

- Tao nói chúng mày nghe không hả? Cái lũ ranh con này?! Tổ sư chúng mày...

Mồ hôi trên trán Tường đã bắt đầu lấm tấm ứa ra, còn khuôn mặt Hải thì đã bắt đầu chuyển màu trắng nhợt. Tường lại thì thầm:

- Mẹ nó, mấy hôm trước đã phải tắt điện khóa cửa, giả vờ không có nhà để trốn lão, mà sao hôm nay đã quay lại nhanh thế, hay lại có con mẹ nào trong xóm này mách lẻo rồi không biết.

Hải lí nhí:

- Nhưng mà... có trốn mãi được đâu. Em sợ... ông ấy có chìa khóa nhà đấy.

- Nói vớ vẩn, lúc mới thuê tao đã thay khóa của lão rồi.

Tường gắt lên và lườm em trai, nhưng thực tâm anh cũng biết chuyện này thực sự không thể kéo dài thêm được. Tuy ông ta không có khóa nhà, nhưng cánh cửa kia cũng đã cũ lắm rồi, nó có thể chịu đựng được bao lâu chứ? Vả lại, cho dù không thể xông vào đánh cho hai anh em Tường một trận nhừ tử, ông ta vẫn có thể cắt điện, nước ở trong phòng này. Mất điện có thể thắp nến, nhưng mất nước thì hai anh em phải sống sao đây? Nếu lão ấy lại dùng chiêu cũ ngồi lỳ trước cửa phòng đến ngày hôm sau như lần lão đòi tiền trọ nhà thằng Dũng ở dãy bên cạnh thì thực sự Tường cũng hết cách. Cả cái khu này là của lão cơ mà, lão muốn làm gì mà chẳng được.

Hải chỉ biết ngồi im lặng, mắt nhìn chằm chằm xuống đất. Bỗng có tiếng trẻ con khóc ré lên ở đầu dãy trọ, kèm theo đó là giọng phụ nữ the thé:

- Gớm, khổ quá, xin bác đấy, bác để con em ngủ với, nó mới đi viện hôm trước xong.

- Con Liên im mồm lại ngay, mày giỏi mày trả 2 tháng tiền trọ cho anh em thằng chó này đi, tháng rồi mày trả muộn 4 hôm tao còn chưa nói đấy! – Người đàn ông lớn tiếng quát.

Ngay lập tức, người phụ nữ im bặt, trong dãy trọ đã có vài nhà tắt điện đi ngủ luôn dù lúc ấy mới bảy, tám giờ tối, không gian tĩnh lặng chỉ còn vang tiếng trẻ con khóc oe oe. Bỗng nhiên, lão chủ trọ ngừng đập cửa, có lẽ vì tay lão đã hơi đau, lão cũng không còn la lối nữa mà thay vào đó là một chất giọng ngọt ngào:

- Thôi này, ra đây tao bảo, không phải sợ, tao có ăn thịt anh em mày đâu.

Nghe ông ta nói, Hải và Tường bỗng nín thở nhìn nhau, Hải định lên tiếng đáp trả thì Tường bỗng kéo giật một bên tay cậu bé, thì thầm:

- Ngu, mày tin lão khọm đấy à?

Bên ngoài, người đàn ông vẫn nhẹ nhàng:

- Mấy cái đứa này, tao dọa thế thôi chứ có làm gì anh em mày đâu, chúng mày có mệnh hệ gì thì lấy ai trả tiền trọ cho tao nữa. Thôi mở cửa tao bảo.

Hải lại quay nhìn anh trai. Nhưng anh Tường vẫn giữ tay cậu và im lặng không nói thêm gì.

- Chúng mày đang không có tiền thì ra tao mách cho cách này, đảm bảo vài ba hôm là thừa tiền trả tao rồi. – Lão chủ trọ lại nói, giọng điệu ngày càng ngọt ngào hơn.

Lần này thì Tường đứng dậy thật, làm Hải hết sức ngạc nhiên. Anh thập thễng đi đến bên cánh cửa, nhưng vẫn không chịu mở chốt mà chỉ nói nhỏ qua khe cửa:

- Thế ông có cách gì?

Nghe giọng Tường, người đàn ông cười khẩy:

- Ô hay, thế vẫn không chịu mở à?

- Ông cứ nói đi đã. – Tường nghiêm giọng.

Lão chủ trọ tần ngần một lát, rồi thì thầm:

- Thế này nhá, tao thấy mày đang ốm nên chắc mày không đi kiếm tiền được, đúng không? Nhưng mà thằng em mày, nó vẫn đi ngon chán. Mà việc này thì đứa càng bé càng dễ kiếm ăn.

- Tóm lại là việc gì? – Tường lại gằn giọng.

- Như này, tao thấy ở mấy chỗ ngã năm ngã tư hay mấy khu phố nội thành giàu giàu ấy, bọn trẻ con lít nhít tầm thằng Hải với bé hơn chúng nó đi ăn xin nhiều lắm. Cũng có cái gì đâu, cứ kiếm bộ quần áo nát nát mặc vào, mặt mày bôi nhọ nhem một tí, rồi cắp cái mũ rách ra ngồi đấy, ai đi qua mở mồm xin vài câu, muốn làm ăn to thì đầu tư thêm mảnh giấy bìa ghi hoàn cảnh khổ sở vào, hoặc băng bó tay chân giả què, như thế tao đảm bảo vài hôm thằng Hải nó cũng kiếm bộn tiền rồi...

Tường cau mày theo từng lời lão nói, nhưng tuyệt nhiên lại không phản bác gì. Hải vẫn đang ngồi yên lặng trên chiếc giường chắp lại từ hai miếng ván lớn, mắt dõi theo từng cử chỉ của anh trai. Chỉ thấy một lát sau, Tường quay đầu lại, khuôn mặt vô cùng đăm chiêu, chậm chạp lê từng bước về phía chiếc giường.

- Ông ấy về chưa? Ông ấy vừa nói gì với anh thế? – Hải hỏi gấp, trong lòng cậu thực sự rất tò mò không hiểu lão chủ trọ đã nói những gì mà lại khiến cho Tường chuyển sắc mặt từ tức giận sang đăm chiêu như vậy.

Tường nhìn em trai một lúc với vẻ ái ngại xen lẫn một chút gì đó như là thương xót, rồi từ từ thuật lại những gì vừa nghe cho Hải. Nghe anh nói, Hải tròn mắt, nói lớn:

- Như thế là ăn xin rồi còn gì? Thôi, em không làm đâu!

Tường lại nói với vẻ rất nghiệm trọng:

- Nhưng mà nếu thành công, mày sẽ kiếm được rất nhiều tiền đấy, lại không cần phải chui đầu hết bãi rác này đến bãi rác khác.

Hải tức giận quay mặt đi, không muốn nhìn anh trai thêm nữa, phụng phịu nói:

- Em không biết, thà chui đầu bãi rác còn hơn đi ăn xin.

- Thôi, cố một tí, chỉ mấy hôm thôi, đủ tiền trả rồi thì ai bắt mày đi ăn xin nữa làm gì...

Hải đứng phắt dậy, bặm môi nhìn anh trai, đôi mắt đã ngân ngấn nước:

- Anh chỉ biết nghĩ đến anh thôi! Ngày xưa lúc bà mất, anh còn hùng hổ bảo là anh sẽ nuôi em cơ mà? Sao bây giờ lại đòi em đi kiếm tiền nuôi anh rồi?

Tường dường như rất dị ứng với hai từ "nuôi anh", khuôn mặt anh đỏ bừng, nạt lớn:

- Thế mày không thương tao à? Mày muốn tao đang què quặt thế này lại phải nai lưng ra ngoài làm cửu vạn à? Hay mày muốn tao chết quách ở cái xó xỉnh này luôn đi chứ gì?

- Không phải thế, em....

- Thôi, mày đã không quan tâm sống chết của anh mày thì thôi, tao cũng không nhờ nữa. Mày muốn làm gì thì làm, cứ mặc mẹ tao!

Lại đến lượt Tường giận dỗi quay mặt đi, nhưng thực ra là do anh không muốn để Hải trông thấy khuôn mặt đang đỏ bừng bừng của mình. Phải, Tường thực sự rất xấu hổ, rất nhục nhã khi không thể tự trang trải nuôi em. Ai mà ngờ được có lúc hai anh em lại phải lâm vào hoàn cảnh khốn nạn thế này. Tường đâu có muốn Hải phải ôm nhục ra đường ăn xin để nuôi anh, nhưng đã đến bước đường cùng này, người làm anh như Tường cũng chỉ có thể muối mặt trông cậy vào em trai mình mà thôi.

Còn Hải, dù trong những giấc mơ tồi tệ nhất, Hải chưa bao giờ nghĩ có một ngày mình lại phải cắp nón ra đường ăn xin. Từ ngày bà ngoại mất, hai anh em phải nương tựa vào nhau, cùng lên thành phố bươn chải, Hải vẫn luôn tin rằng anh trai nhất định sẽ cho mình một cuộc sống tốt. Nhưng niềm tin ấy đã vơi đi ít nhiều khi một ngày Tường trở về nhà và buộc Hải phải nghỉ học do không còn tiền nữa. Sau đó, Hải phải theo anh lang thang ngoài đường, học đánh giày, học bán hàng rong, học cách nịnh nọt, mua vui cho những người giàu có để may ra xin người ta được thêm mấy đồng bạc lẻ, hay lê la hết bãi rác này đến bãi rác khác để thu lượm ve chai. Nhưng cho dù thế nào, Hải vẫn luôn dành cho Tường sự yêu thương và kính trọng nhất. Vậy mà giờ đây, anh ấy lại yêu cầu cậu phải ra đường xin ăn? Làm như vậy chẳng phải là quá đáng lắm hay sao?

- Ngày mai tao sẽ đi cầm điện thoại. Rồi tranh thủ đến chợ đầu mối tìm tạm việc bốc vác gì đấy, kiếm ít tiền đưa lão khọm kia để lão tha cho mấy ngày. Mày mệt thì cứ ở nhà đi. – Tường buồn bã nói trong khi xoa bóp ống đồng.

Hải nhìn anh rầu rĩ:

- Cái điện thoại cục gạch đấy thì được mấy đồng? Mà chân với lưng anh vẫn còn đau, bốc vác thế nào được?

- Thôi mày bớt nói mấy câu đi. Phải làm chứ không lại mắc công mày "nuôi" tao.

Nghe chữ "nuôi" được nhấn mạnh trong lời nói của Tường, Hải hiểu rằng anh vẫn còn đang rất giận. Tuy lúc nãy Hải cũng chỉ là lỡ lời mà thôi, nhưng cậu biết tính Tường vốn hay để bụng, trời không chịu đất thì đất phải chịu trời thôi.

- Rồi, thế để em đi làm ăn xin, được chưa? – Hải nói với vẻ phụng phịu.

Tường hơi khựng lại khi nghe câu nói của Hải, nhưng vẫn điềm nhiên nói:

- Khỏi, không ai dám nhờ mày.

- Em nói thật đấy. Mai anh cứ ở nhà đi.

Nói xong, Hải nhanh chóng trở lại buồng vệ sinh để giặt nốt mớ quần áo đã ngả màu cháo lòng. Tường lặng lẽ nhìn theo cậu bé rồi khẽ thở phào. Gì thế này? Thở phào ư? Từ lúc nào mà Tường lại trở nên ỷ lại vào một đứa trẻ chỉ bằng nửa tuổi mình như thế? Anh cảm thấy vừa nhục nhã, vừa đau khổ. Hải không đáng phải chịu những dày vò này. Nó thông minh và tháo vát hơn anh cả trăm lần. Bất giác Tường nhận ra rằng nếu không có anh, Hải vẫn có thể sống tốt, nhưng nếu không có Hải, anh sẽ khó mà trụ được ở thành phố này. Tường thực sự không xứng đáng làm anh trai của thằng bé. Nhưng biết làm sao được, lúc này đây anh chỉ có thể nương tựa vào Hải thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top