Chương 3: Chuyện chẳng ai muốn nhớ

Những ký ức xa xăm bỗng dội lại trong trí nhớ, và trong đầu bác Minh lúc này là hình ảnh cô Tuyết đang ôm chặt con trên tay, gào khóc thảm thiết dưới những tán cây trơ trụi trong một ngày đầu đông đầy gió. Cũng mới mùa đông năm ngoái thôi. Lúc đó, bác sĩ vừa thông báo tình hình sức khỏe của bé Thu có chút khởi sắc, nhiệt độ trung bình cơ thể em cũng ấm hơn những mùa đông trước đó. Và việc đầu tiên mà Thu vòi mẹ khi vừa trở về từ lần khám tổng quát đó là được tới công viên gần nhà chơi.

- Không ai đến công viên trong mùa đông cả, con biết chứ? – Người đàn ông cao lớn với cặp kính dày cộp đang vừa bế Thu vào trong nhà, vừa nói. – Trời lạnh lắm đấy. Mà cây cối trong đó cũng đang trơ trụi hết cả, không đuổi bướm hái hoa gì ở đấy được lúc này đâu!

- Nhưng mùa hè bố mẹ cũng có cho con đi đâu! – Thu phụng phịu.

- Đấy là vì lúc đó con vẫn đang yếu. – Người đàn ông nói tiếp trong khi đặt cô bé xuống bậc thềm. – Nếu con gái bố vẫn có thể khỏe mạnh như vậy tới hè sang năm, nhất định bố sẽ cho con ra công viên chơi, nha! Mà không, lúc đó con muốn bố đưa đi đâu cũng được, bố hứa!

Cô Tuyết lúc này mới xách đồ đạc vào được đến bên chồng con, mỉm cười nói:

- Nghe lời bố đi con, khó khăn lắm mới khỏe lên được chút, sau này con khỏe hẳn thì cả nhà mình đi chơi khắp nơi luôn, nhé!

Thu nũng nịu:

- Lần nào bố mẹ cũng nói thế, bác sĩ đã nói con có thể ra ngoài chơi chút rồi mà.

Bác Minh lúc này mới từ trong nhà đi ra, đón lấy đống đồ đạc trên tay Tuyết rồi tươi cười nhìn bé Thu:

- Cả nhà vào ăn cơm, bác đã làm bánh ăn mừng Thu khỏe lên rồi đấy!

- Chỉ có bác Minh thương cháu thôi! – Thu làm bộ mặt bí xị rồi bước vào trong nhà.

Ba người lớn đứng nhìn theo cô bé, rồi lại nhìn nhau với ánh mắt ái ngại. Nói cho cùng Thu vẫn là một đứa trẻ, nó dĩ nhiên luôn khao khát được dạo chơi và khám phá thế giới rộng lớn xung quanh. So với những đứa bé cùng trang lứa, Thu thật sự đã quá thiệt thòi rồi.

Tuyết nhìn con gái thở dài rồi kéo tay áo chồng:

- Hay là để chiều em chở con ra công viên. Đi tầm 1 tiếng thôi chắc không sao đâu anh, chiều có nắng trời sẽ ấm hơn thôi.

Người chồng lưỡng lự một hồi, rồi cũng tặc lưỡi:

- Thế để anh chở hai mẹ con đi, Thu nó thích đi với cả nhà hơn.

- Cậu Huy nói phải rồi, cháu nó mong được đi chơi với bố mẹ lắm đấy! – Bác Minh nói.

Cô Tuyết nhìn chồng lắc đầu:

- Không cần đâu. Sáng nay anh đã phải nghỉ làm để đưa em với con ra viện khám rồi. Anh bảo chiều nay có họp cán sự công ty mà, anh cứ đi làm đi, để em chở con đi chơi cũng được.

- Anh dời họp cũng được mà.

- Gần đây anh đã dời họp nhiều lắm rồi, anh cứ đi đi, em lo được mà, thật đấy! – Tuyết nói chắc nịch.

Huy nhìn vợ có chút lo lắng, nhưng gần đây vì chăm sóc Thu mà anh thực sự đã phải bỏ bê công việc tương đối nhiều. Giờ đây Thu đã khỏe hơn, đến lúc anh cần phải quay lại tập trung cho công việc rồi. Vả lại, anh tin vợ mình.

- Ừ, thế em chở con đi cẩn thận.

Tuyết nhìn chồng trìu mến. Bác Minh thúc hai vợ chồng vào ăn trưa kẻo mùa đông đồ ăn để lâu sẽ bị lạnh mất. Bác vẫn còn nhớ rõ khuôn mặt Thu đã hạnh phúc thế nào khi nghe tin được đi chơi vào buổi chiều. Em đã chờ ngày này suốt mấy năm nay rồi. Đôi mắt Thu ánh lên sáng rỡ và đôi gò má vẫn luôn xanh xao khi ấy bỗng ửng hồng lên thật sự rất đáng yêu.

Phải rồi, lúc đó ai nấy đều hồ hởi, cứ ngỡ là mọi chuyện đã thực sự tốt lên, mà không biết rằng niềm vui nhỏ nhoi ấy chỉ là khởi đầu cho những ngày tháng đau khổ mệt mỏi đằng đẵng sắp tới.

Chiều hôm đó, mẹ Tuyết dẫn Thu đến công viên gần nhà. May mắn cho Thu, tuy là mùa đông, nhưng trong công viên này vẫn còn kha khá những tán cây xanh đang chuyển dần sang màu lục, rồi vàng úa chen lẫn nâu cam. Nơi này tương đối vắng lặng, gần như chẳng có mấy ai lui tới vãn cảnh đông trừ một vài người đi tập thể dục, và một ông lão râu dài đang ngồi vẽ ký họa. Hai mẹ con dạo quanh một hồi rồi dừng lại bên chiếc ghế đá dài đặt cạnh bờ hồ, đối diện phía ông lão họa sĩ kia. Mẹ Tuyết đặt Thu ngồi xuống ghế, khẽ vuốt tóc con, nói:

- Con thấy chưa, mùa đông trong này gần như cũng chẳng có gì hay để ngắm. Nhưng nếu con tới vào hè, nơi này sẽ rực rỡ lắm đấy.

Gương mặt Thu tuy không còn cười tươi rói như lúc trên đường đến đây nữa, nhưng trông em vẫn rất vui vẻ và hai gò má thì vẫn hồng hồng làm bật nước da trắng nhợt. Thu hồ hởi ngước đôi mắt to tròn nhìn mẹ dò hỏi:

- Thế mùa hè sẽ còn có những gì hả mẹ?

- À... - Tuyết ngồi xuống cạnh con gái, vẫn nhẹ nhàng vuốt tóc và chỉnh lại áo khoác cho con, dịu dàng nói. – Khi đó, ngồi ở chỗ này con sẽ được đón rất nhiều gió mát, mặt nước lấp lánh ánh mặt trời, hai bên hồ nở đầy hoa tươi, đỏ có, hồng có, rồi thì tím, vàng, cam... Lúc đó, con nhất định sẽ muốn được mang theo tập vẽ để vẽ chúng như ông bác bên kia đấy! Thi thoảng con sẽ còn nghe thấy tiếng chim hót, và khi bước dưới những tán cây hòe còn thơm nức mùi hoa nữa. Lúc ấy mọi người đến công viên rất đông, các băng ghế chật kín, ở đâu con cũng thấy các bạn trạc tuổi con đang chạy nhảy. Nhất định là nó sẽ đẹp đẽ, rực rỡ và huyên náo hơn khung cảnh ảm đạm này nhiều. Thế nên mẹ mới bảo đến mùa hè nhà ta hãy đi đó.

Thu nhìn mẹ nói một cách chăm chú như đang nuốt lấy từng lời, trong đầu em đã có thể tưởng tượng ra khung cảnh tấp nập tươi sáng ấy rồi. Trên môi em nở một nụ cười thật tươi, và bằng một chất giọng trong trẻo của bé gái 9 tuổi, em nói:

- Nhưng mà con thấy mùa đông chỗ này cũng đẹp mà mẹ...

Mẹ Tuyết ngạc nhiên quay qua nhìn con gái, không thể tin được là một đứa trẻ con có thể thích thú một chỗ lạnh lẽo buồn tẻ thế này. Ban đầu trước khi đi, Tuyết còn tưởng Thu sẽ vòi mẹ cho về sớm chứ. Lúc này Thu bỗng chỉ tay và nhìn qua phía bên kia hồ, vui vẻ nói:

- Nếu không đẹp, chắc ông bác bên kia đã không đến đây để vẽ, đúng không mẹ?

Tuyết đưa mắt nhìn theo tay con gái chỉ, nhoẻn miệng cười:

- Phải rồi, chắc là vậy...

Thật ra, Tuyết cảm thấy ông già đó có chút hâm dở thì đúng hơn. Giữa ngày đông lạnh lẽo gió rét, lại bắc ghế, sắp khung ra đây ngồi vẽ. Người già quả là rảnh rỗi và gàn dở đến mức khó hiểu. Chỉ một cơn gió to cũng có thể khiến ông ta ho sù sụ, và con cái ông ta sẽ lại vất vả chăm sóc suốt mấy ngày sau đó. Bất giác, Tuyết nhìn lại con gái mình. Tuy là cách nhau có lẽ đến hơn nửa thế kỷ, nhưng sức khỏe Thu bây giờ với ông lão kia liệu có khác là bao, đều như cành cây khô èo oặt trước gió. Yếu ớt đến mức không thể tự mình làm bất cứ việc gì. Chín tuổi, nhưng số lần được bước ra thế giới bên ngoài của Thu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Càng lớn, bệnh càng nghiêm trọng, mới gần đây còn có chút khởi sắc. Có lẽ vì vậy nên Thu cảm thấy khung cảnh ảm đạm này đẹp chăng? Bởi vì đã rất lâu rồi nó mới được trông thấy khung cảnh thiên nhiên thực sự thay vì qua ti vi hay sách vở...?

Một trận gió lớn ào ạt thổi qua, đem hết cái lạnh nơi mặt hồ phả vào băng ghế nơi hai mẹ con ngồi, cắt ngang dòng suy nghĩ của cô Tuyết. Bên kia hồ, khung tranh của ông lão đã đổ sụp xuống, kế đó là vô số lá rụng và bụi đất theo gió tạt vào người ông. Mẹ Tuyết vội vã ôm lấy Thu để che chắn cho con gái, nhưng cũng không thể kịp ngăn vài chiếc lá và bụi đã bám lại trên áo Thu. Gió cũng rung lắc mấy tán lá đã ngả vàng, khiến chúng rủ xuống bao nhiêu là nước mưa và sương đọng lạnh buốt.

- Không được rồi, mẹ con mình về đi! – Mẹ Tuyết hớt hải phủi sạch đất cát bám trên người Thu, rồi lấy khăn tay lau nước mưa đọng trên tóc cô bé. – Con lạnh lắm không? Mẹ đã bảo mà, thời tiết này ra công viên làm gì chứ?

Thu bỗng hắng giọng ho vài cái, trên trán cô bé đã lấm tấm mồ hôi trộm. Mẹ Tuyết vạch tay con ra, gương mặt bỗng chốc trở nên hốt hoảng:

- Lại tím hết đầu ngón tay rồi, người con lạnh quá! Chết chết chết, thôi đi về với mẹ...

- Con vẫn bình thường mà mẹ. – Thu nói với một giọng lí nhí như người hết hơi. Thực sự lúc này em đã cảm thấy toàn thân lạnh toát, khó thở, tim đập liên hồi, nhưng so với đó, em sợ phải thấy khuôn mặt trắng bệch vì lo lắng của mẹ hơn.

Mẹ Tuyết vội vã bế thốc con gái lên, đi như chạy về phía nhà xe. Ông lão bên kia hồ đang mải miết thu thập những bút lông rơi đầy trên đất, lầm bầm về chuyện phải chóng về nhà kẻo trời sắp giông. Chợt thấy hai mẹ con Thu chạy lướt qua, ông gọi với theo:

- Lần sau nhá! Hai mẹ con lại đến làm mẫu tranh cho tôi nhá!

Đáp lại lời ông chỉ là bóng lưng vội vã của người mẹ, nhưng Thu đã ngoái cái đầu nhỏ xinh với bím tóc đuôi sam lại và gửi đến ông một nụ cười thật tươi, như thể em và ông vừa thỏa thuận xong một kèo vui chơi đáo để vậy.

Bế con lên ngồi yên vị trong xe rồi, Tuyết mới vội vã gọi cho chồng thông báo tình hình. Thu không thể nghe rõ hết những gì mẹ nói, nhưng loáng thoáng em cũng nghe được mấy lời phàn nàn về dự báo thời tiết sai, nói chiều có nắng ấm mà cuối cùng lại có giông, rồi mẹ còn hỏi bố xem có nên đưa em đến bệnh viện hay là về nhà... Xe hơi kín gió khiến cơ thể Thu ấm hơn nhiều, nhưng em vẫn khò khè thở như một con mèo. Mẹ Tuyết nắm lấy tay em, nhỏ nhẹ:

- Hít thở sâu đi con, từ từ thôi, nằm ngửa đầu lên chút...

- Con không muốn đến bệnh viện nữa đâu mẹ. – Thu thều thào.

Mẹ Tuyết vừa đưa tay nới lỏng áo khoác cho cô bé, vừa dịu dàng nói:

- Mẹ cũng không muốn đưa con quay lại đó đâu, ngoan, ngồi một lúc cho ấm người lại rồi mẹ chở về nhà, nha. À mẹ có mang sữa ấm đây, con uống chút nhé!

Nói rồi, cô lục tìm trong ba lô của Thu lấy ra một bình nước giữ nhiệt, rồi mở nắp, rót sữa bên trong ra một cái cốc nhựa, đưa cho Thu:

- Đây, uống đi con, cho ấm người.

Thu đón lấy cái cốc một cách khó nhọc, mẹ Tuyết chăm chú nhìn con gái dốc cái cốc vào miệng trong khi nắm và xoa hai bàn tay cho cô bé, lặng lẽ đến không chớp mắt, như thể cô sợ nếu chỉ chớp mắt một cái thôi cũng có thể có chuyện gì đó xảy ra với con gái mình vậy.

Uống hết chỗ sữa, đôi mắt Thu trở nên lim dim như đứa trẻ no sữa muốn được đi ngủ, em nép vào người mẹ, nói:

- Con buồn ngủ lắm, mẹ ơi... Mẹ đừng chở con ra viện, con muốn về nhà ngủ cơ...

Tuyết mỉm cười vuốt mái tóc con:

- Ừ, con ngủ đi, mẹ chở con về nhà.

Nói rồi, Tuyết đặt đầu bé Thu dựa sang một bên ghế, rồi nhấn ga cho xe chạy. Nhìn con gái ngủ một cách ngon lành, Tuyết cũng cảm thấy yên tâm phần nào.

Căn nhà cũ của gia đình Tuyết ở không quá xa với công viên trung tâm. Chỉ khoảng gần 20 phút lái xe, cô cũng đưa được bé Thu về. Vừa tới cổng, bác Minh đã vội vã chạy ra đón.

- Cậu Huy gọi cho tôi bảo là cháu Thu không khỏe, cháu nó gặp lạnh hay sao cô? – Bác Minh lo lắng hỏi.

- Cũng may là không có gì nghiêm trọng lắm chị ạ. Nó ngủ rồi. Chị giúp em bế cháu nó lên nhà, em để xe vào gara xong rồi lên ngay. – Tuyết nói.

Bác Minh cúi người vào bên trong xe để đỡ lấy cơ thể nhỏ bé của đứa trẻ. Nhưng vừa chạm vào tay Thu, bác đã thất thanh:

- Ơ cô Tuyết ơi, sao người con bé lạnh lắm...

Tuyết ngạc nhiên nhìn sang:

- Sao lại lạnh... – Cô nắm lấy tay, sờ má, xoa cổ của con gái và khuôn mặt bắt đầu đổi sắc. – Thôi chết, sao lại lạnh cóng thế này, nãy hãy còn ấm cơ mà! Thu ơi, dậy đi con, con có lạnh lắm không? Thu ơi?!

Nhưng Thu không trả lời, cô bé cũng không có chút phản ứng gì hết. Em dường đi đã ngất đi từ lúc nào. Cả cơ thể lạnh toát, môi thâm tím, da xanh ngắt, đôi mắt nhắm nghiền, và nhịp thở cũng rất yếu. Nước mắt của mẹ Tuyết bắt đầu trào ra và cô vẫn đang gắng sức lay gọi con gái nhưng không ích gì. Bác Minh cố gắng trấn an:

- Cô bình tĩnh đã, bây giờ cô gọi cho bác sĩ đi, còn tôi vào trong nhà lấy thêm áo với chăn ra đắp cho con bé, chắc bị nhiễm lạnh rồi.

Trời bắt đầu nổi một trận giông lớn. Sau khi đã cố trấn an bản thân, Tuyết vội vã lái xe thẳng đến bệnh viện. Nước mắt cô chảy ròng trong khi chân vẫn cố nhấn ga đi nhanh nhất có thể mặc cho những cơn gió lớn mang theo mưa hắt mạnh vào kính xe. Có tiếng chuông điện thoại reo liên tục, nhưng lúc này Tuyết đã không còn tâm trạng để nghe nữa. Xe vừa tới trước khu sảnh bệnh viện, Tuyết đã hớt hải mở cửa xe, bật ô rồi bế con lao ra. Khuôn mặt cô lúc này đã không còn chút thần sắc và miệng chỉ còn có thể mếu máo vài tiếng khản đặc:

- Bác sĩ... Xin cứu con tôi với... Bác sĩ làm ơn....

Khoảng nửa giờ sau, chồng Tuyết, anh Huy, cùng bác Minh giúp việc đem theo ít đồ đạc đi tới trước buồng cấp cứu. Vừa thấy Tuyết đang ngồi thất thần bên dãy ghế chờ, Huy bước đến, ngồi xuống cạnh vợ, nói:

- Thế con sao rồi em?

Tuyết vẫn thất thần nhìn trân trân xuống dưới mũi giày, không nói không rằng. Huy khẽ thở dài. Một khoảng tĩnh lặng kéo dài như vô biên bao trùm lên cả khu cấp cứu.

Vài phút sau, một y tá mở cửa phòng cấp cứu bước ra. Huy vội vã đứng lên hỏi gấp:

- Cô ơi, con gái tôi thế nào rồi?

- Tình hình cháu bé tạm thời đã ổn rồi, anh chị yên tâm. Tuy nhiên do diễn biến sức khỏe xấu bất thường nên cháu cần được nhập viện để tiện theo dõi, lát nữa mời anh chị qua làm thủ tục nhập viện cho cháu ạ! – Nữ ý tá đáp.

Tuyết lúc này mới đứng bật dậy nói:

- Lại nhập viện nữa? Bác sĩ ơi, chẳng lẽ bệnh con tôi lại nặng thêm rồi sao?

Người y tá nhìn đôi mắt đỏ hoe ngấn nước của Tuyết một cách ái ngại:

- Chuyện này... Tôi chỉ là y tá thôi nên không rõ lắm. Bác sĩ vẫn đang ở trong kia, lát nữa bác sĩ sẽ nói rõ với anh chị. Bây giờ, anh hoặc chị đi theo tôi để làm thủ tục nhập viện cho cháu trước đã.

- Nhập viện nhập viện... Các người lúc nào cũng chỉ kiếm cớ bắt người ta nhập viện để hốt tiền thiên hạ thôi. Cô là y tá, nãy giờ ở trong kia mà cô không biết tình hình con tôi thế nào à? Con tôi khó khăn lắm mới ra viện được không lâu, bây giờ lại bắt nó vào lại, các người nói nghe cũng dễ dàng quá đấy!

Tuyết giận giữ nói lớn, bao nhiêu uất nghẹn và lo lắng nãy giờ đều đã bật ra ngoài theo lời cô nói. Nữ y tá tròn mắt nhìn người phụ nữ trước mặt, hai má cô bắt đầu đỏ lên. Huy kéo tay vợ lùi ra sau, vội vã phân trần:

- Xin lỗi cô, tâm trạng vợ tôi đang không tốt lắm, cô đừng để bụng... Giờ tôi đi ra làm thủ tục với cô.

Người y tá không nói không rằng, lặng ngắt quay lưng bước đi. Huy quay nhìn vợ trấn an:

- Em ngồi chờ lát bác sĩ ra rồi hỏi thăm tình hình con. Anh đi một lát rồi quay lại ngay.

Tuyết vẫn còn đang trong cơn giận giữ và cũng chẳng muốn đáp lời chồng. Cô mím môi ngồi xuống ghế. Chờ cho bóng lưng cậu Huy và người y tá đã khuất sau lối rẽ hành lang, bác Minh mới ngồi xuống cạnh Tuyết, nhẹ nhàng nói:

- Giận giữ thường khiến con người ta hành động sai trái. Tôi biết cô đang buồn, ai trong tình huống này cũng có quyền nổi giận cả. Có lẽ cô giận bản thân mình nhiều hơn là giận những người xung quanh. Nhưng cô Tuyết này, cô làm vậy chỉ khiến cái Thu chịu thiệt thòi nhiều hơn thôi. Đây là bệnh viện. Cô biết đấy! Mình càng xuống nước, càng nhẹ nhàng với y tá bác sĩ, thì người thân mình càng được nhờ.

Tuyết khẽ hít một hơi thật sâu, rồi nhìn bác Minh, nói:

- Em biết chứ, nhưng mà em... Em không hiểu sao lúc đó em lại to tiếng thế nữa. Em sợ lắm chị Minh ơi, con em...- Nói đến đây, Tuyết lại ôm mặt khóc.

Bác Minh khẽ vỗ vai cô như cách bác vẫn hay vỗ về đứa em gái của mình hồi còn nhỏ. Lúc này, bác có thể nói gì để an ủi người phụ nữ đáng thương này đây? Có lẽ cô ấy cần một chút tĩnh lặng để bình tâm lại hơn là những lời sáo rỗng khỏa lấp.

Cũng may vừa lúc đó thì bác sĩ bước ra. Bác Minh khẽ lay người Tuyết ra hiệu. Cô lập tức đứng dậy, hỏi gấp:

- Bác sĩ ơi, tình hình con tôi thế nào rồi ạ?

Qua lớp khẩu trang và cặp kính dày cộp, bác sĩ nói:

- Sao hồi sáng tôi mới khám tổng quát cho con chị, các chỉ số vẫn ổn định, thậm chí còn có khởi sắc. Thế mà mới qua có mấy tiếng đồng hồ mà nó đã phải nhập viện lại rồi?

Nghe những lời này, cô Tuyết bỗng ứ họng không nói thành lời. Thế ra, ý bác sĩ là con cô bị như vậy là do cô chăm sóc nó không đúng cách ư? Là do ông ấy đã quá lời, hay thực sự cô là một bà mẹ không ra gì?

Bác Minh vội vã đỡ lời:

- Sáng nay mới về con bé nằng nặc đòi đi chơi. Cô nhà tôi nghe bác sĩ nói tình hình cháu đã khá lên nhiều, thời tiết cũng có vẻ tốt, nên mới dám đưa cháu nó ra ngoài công viên dạo chút thôi bác sĩ ạ. Chỉ đi dạo thôi, không vận động gì quá mạnh cả. Phải cái là gặp trời giông, nên chắc con bé bị lạnh bất ngờ mới vậy. Ai mà biết được dự báo thời tiết nói một đằng mà thực tế lại ra một nẻo chứ. Cô nhà tôi thực sự đã cẩn thận lắm rồi.

Bác sĩ bỗng thở dài rồi vòng tay khoanh trước ngực:

- Đi dạo à? Thế quãng đường đi dạo dài chừng bao nhiêu? Ở Hà Nội này, cái công viên nhỏ nhất thì đi một vòng cũng mấy cây số rồi đấy. Đúng là tôi có nói cháu bé có thể ra ngoài dạo chơi một chút, nhưng mà nếu chị cho nó đi bộ liên tục quanh một cái công viên, thì không còn là "chút" nữa đâu! Thể trạng cháu nhà chị khá yếu so với một đứa trẻ bị bệnh tim, chứ chưa nói đến so với một đứa trẻ bình thường, chị phải hiểu điều đó rõ nhất chứ? Đã vậy còn gặp giông, chắc là nó cũng bị thấm nước mưa một chút nữa đúng không? Con bé cả người lạnh toát, tim đập rất yếu, da xanh tái, đầu ngón tay ngón chân đều bầm tím, thở thì khò khè do phổi sưng khiến đường thở bị hẹp. Tôi nói thật, may là nhà chị cho cháu nó nhập viện kịp đấy. Đến nỗi nó ngất lịm đi từ lúc nào chị cũng không biết nữa, thật là...

Mỗi một lời bác sĩ nói ra đều như một nhát dao cứa vào trái tim người mẹ trẻ. Phải, cô đã quá chủ quan, quá thờ ơ trước những biểu hiện của con gái. Nhớ lại thì, khi ngồi cùng Thu ở ghế đá trong công viên, cô đã chú tâm đến ông lão họa sĩ bên kia hồ, quá mải mê soi mói dè bỉu ông ta thay vì để ý đến thể trạng của đứa trẻ đang ngồi cạnh mình. Có vẻ như từ lúc ấy, Thu đã bắt đầu cảm thấy khó thở rồi, ấy vậy mà cô lại chẳng để tâm. Thậm chí đến khi đưa con về xe rồi, cô vẫn thờ ơ cho rằng nó chỉ bị lạnh một chút, uống chút sữa, làm ấm người rồi sẽ ổn thôi. Một đứa trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, vậy mà mẹ ruột của nó, người đã chăm sóc nó suốt gần chín năm trời, vẫn mắc phải những sai lầm ngớ ngẩn như vậy. Đúng, toàn bộ lỗi lầm là do cô chứ chẳng phải ai khác. Càng nghĩ, nước mắt Tuyết càng ứa ra nhiều thêm.

Vì sự tắc trách này của Tuyết, con gái cô đã phải nằm viện suốt mùa đông năm đó. Chỉ trước Tết âm lịch vài ngày, khi đã có thời gian nghỉ Tết ở nhà, cô mới dám đón con về. Cũng từ đó trở đi, Tuyết trở nên cực kỳ thái quá trong vấn đề chăm sóc bé Thu. Cô không cho phép Thu ra ngoài, không để cô bé được tiếp xúc với nắng gió. Mọi hoạt động trong ngày của Thu, từ giờ ăn, ngủ, học tập đến giải trí... tất cả đều nằm trong khung giờ cố định mà Tuyết đặt ra. Bên cạnh đó, cô cũng yêu cầu bác Minh phải kiểm soát nghiêm ngặt "Thời gian biểu" này. Cô bảo vệ Thu như cách người ta bảo vệ một con búp bê xinh đẹp trong lồng kính vậy.

Giờ đây, ngồi trong căn phòng này, nhớ lại những chuyện đã xảy ra khi đó, bác Minh vẫn còn cảm thấy bồn chồn. Phải, không tự nhiên mà Tuyết lại trở thành một người mẹ nghiêm khắc, cô cũng đã từng rất yêu chiều, rất tâm lý và nhẹ nhàng với con gái. Suy cho cùng, cũng là vì cô quá thương con mà thôi.

- Từ ngày hôm đó, em đã tự hứa rằng phải luôn chăm lo cho con bé một cách tốt nhất. Em tuyệt đối không muốn chuyện đó xảy ra lần nữa, chị biết không? – Tuyết nói tiếp.

Bác Minh khẽ gật đầu:

- Vâng, tôi hiểu.

Tuyết thở dài:

- Chị có nghĩ nó sẽ vì thế mà ghét em không?

- Mọi đứa trẻ đều yêu quý mẹ của nó, dù thế nào đi nữa. Chuyện đó cô không cần phải lo. – Bác Minh nói.

- Thật sao? Thế mà không biết từ lúc nào... Em luôn cảm thấy nó nhìn em bằng ánh mắt sợ hãi hơn là yêu quý... - Tuyết nói một cách buồn rầu.

Nghe lời này, bác Minh bất giác cũng không biết phải đáp lại sao cho đúng. Qủa thực là Tuyết rất đáng thương, nhưng so với cô, chẳng phải Thu càng là người chịu thiệt thòi hơn sao? Sinh ra với một trái tim không lành lặn đã là một sự thiệt thòi quá lớn rồi, đằng này cô bé lại bị mẹ cấm đoán đủ đường, không có bạn bè, không được dạo chơi một cách bình thường như những đứa trẻ cùng trang lứa, cả tuổi thơ của em đều phải gắn liền với chiếc giường, với cái phòng ngủ chật hẹp này. Thế giới này không nằm trong cuốn sách hay những chương trình ti vi mà Thu vẫn thường xem, nó nằm ở ngoài kia, bên ngoài khung cửa sổ, ngoài bức tường và những hàng rào này, rộng lớn và màu nhiệm đang chờ cô bé đến khám phá. Nếu cơ thể đã không khỏe mạnh thì tâm hồn thơ ngây của em càng không nên bị trói buộc bởi những quy tắc hay ngăn cấm từ gia đình. Thu xứng đáng được hạnh phúc hơn thế, ít nhất là trong những ngày tháng ngắn ngủi còn lại của em.

- Tôi nghĩ là... Có lẽ cô nên thoáng với con bé hơn một chút. – Bác Minh nói.

Tuyết ngạc nhiên:

- Ý chị là sao?

- Thì...Tôi nghĩ, với sức khỏe của cái Thu, nó hoàn toàn có thể đi bộ trong vườn, đọc sách dưới tán cây, hay tự trồng lấy ít hoa,... Chỉ vậy thôi thì đâu có ảnh hưởng gì lắm? Mà tâm trạng của nó cũng dễ chịu hơn nữa.

Tuyết im lặng không nói gì, chỉ nhìn người giúp việc không chớp mắt. Rồi cô bình thản rót lấy một tách trà, nhấp một ngụm nhỏ, nói:

- Như vậy không được.

- Tôi thấy ổn mà. Lần trước chẳng qua là con bé phải đi bộ nhiều, mới khiến nhịp tim nhanh đột ngột, lại gặp mưa giông nên mới thành ra như vậy. Bây giờ đã là mùa hè rồi cô Tuyết ạ. Thời tiết này hoàn toàn phù hợp với thể trạng con bé, chỉ đi loanh quanh một chút thì nó sẽ không gặp vấn đề gì đâu. – Bác Minh phân trần.

Tuyết vẫn bình thản đặt tách trà xuống bàn, mặt không đổi sắc:

- Thế chị nghĩ mùa hè sẽ không có mưa sao? Vậy thì em phải nói rõ cho chị biết là có đấy, mưa rào nữa kìa. Sẽ ra sao nếu nó đang chơi ngoài vườn mà gặp mưa? Khuôn viên nhà này khá rộng đấy, và chị cũng không phải lúc nào cũng chăm chăm theo sau nó được, chị còn có việc của chị, em với anh Huy cũng không phải lúc nào cũng ở nhà. Nếu như chuyện đó lặp lại, chị có chịu trách nhiệm được không?

Bác Minh cứng họng không biết nói gì thêm, chỉ đành cố nêu thêm lý lẽ:

- Nhưng dù thế nào, cô cũng không thể cứ nhốt con bé trong nhà mãi như thế được! Cô không sợ nó u uất rồi thành tự kỷ sao?

Tuyết đứng dậy một cách lạnh lùng, tiến ra phía cửa phòng và nói:

- Em thà để con mình tự kỷ nhưng nó có thể khỏe mạnh ở bên cạnh em, còn hơn là để nó vui chơi thỏa thích rồi em phải khóc trước mộ nó!

Cuối cùng, trước khi đóng cửa phòng lại, Tuyết kết thúc câu chuyện dài bằng một câu nói hết sức cương quyết:

- Em không muốn nói về chuyện này thêm một lần nào nữa đâu!

Bác Minh ngồi lại lặng lẽ trong căn phòng, nhìn tách trà uống dở vẫn còn nghi ngút khói ấm trên bàn, khẽ lắc đầu:

- Tự kỷ thì đâu gọi là khỏe mạnh nữa...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top