Chương 17: Kiên cường

Thu đã trở về nhà được mấy ngày kể từ sau vụ ghép tim hụt đó. Cậu Huy cũng đã tìm cơ hội để kể lại cho con gái nghe mọi chuyện. Ban đầu, Huy lo rằng con sẽ trở nên buồn bã và mất hết hy vọng. Nhưng trái với suy nghĩ của anh, bé Thu lại tỏ ra vô cùng bình thản. Cũng không biết là do em kiên cường hay là vì từ lâu đã học cách chấp nhận những rủi ro, nhưng khi biết chuyện, Thu không hề nhỏ lấy một giọt nước mắt. Nét mặt em vẫn rạng rỡ với đôi má hồng và nụ cười dịu dàng, cứ như thể Thu đã biết trước mọi chuyện sẽ xảy ra như thế. Thực lòng, Thu còn cảm thấy rất vui vì cô gái kia vẫn còn sống.

Mẹ em thì hoàn toàn ngược lại. Từ sau khi trở về từ bệnh viện, cô Tuyết giống như người mất hồn vậy, cô không thiết ăn uống, cũng chẳng đến trường như mọi ngày, chỉ chăm chăm ngồi tụng kinh trên phòng thờ. Thỉnh thoảng khi đi qua chỗ ấy, Thu còn nghe thấy tiếng mẹ khóc sụt sùi ở bên trong.

- Ấy, đừng làm phiền mẹ cháu! – Bác Minh vừa nói vừa chặn tay Thu lại khi cô bé định mở cửa phòng thờ.

Thu ngơ ngác:

- Bác ơi, sao mẹ cháu không ra ngoài thế ạ? Mẹ không đến đọc truyện và vỗ cháu đi ngủ mỗi tối nữa, mẹ cũng chẳng ra ăn cơm, cháu sợ mẹ đói.

Bác Minh cẩn thận dẫn Thu xuống từng bậc thang, nói:

- Mỗi bữa bác đều mang cơm lên cho mẹ cháu mà, đừng có lo! Mẹ cháu không được khỏe, cứ để cô ấy yên tĩnh chút đi.

- Mẹ cháu ốm ạ? Bác đã gọi bác sĩ cho mẹ chưa? – Thu lại sốt sắng hỏi.

- Không đến mức đó, cháu cứ để mẹ nghỉ ngơi một vài hôm là ổn thôi. Sao cháu không kiếm chơi gì đó đi?

Thu xịu mặt xuống:

- Mấy ngày nay anh Hải không đến, cháu chẳng biết chơi với ai cả.

Bác Minh thở dài:

- Ừm...Cũng phải, chắc là nó chưa biết chuyện cháu đã về nhà. Hôm qua bác có hỏi ông Sang, nhưng ông ấy chỉ quen Hải chứ cũng không biết nhà thằng bé, thành ra không báo cho nó được. Nhưng mà thật ra mấy hôm nay nó không đến lại hay. Bác không nghĩ mẹ cháu thích nó đâu.

Thu ngạc nhiên hỏi lại:

- Sao lại thế ạ? Anh Hải là bạn của cháu mà, sao mẹ lại không thích anh ấy?

Bác Minh nhẹ vỗ vai cô bé, ôn tồn nói:

- Thì cháu biết mẹ bảo bọc cháu như thế nào mà. Thằng Hải nó...nó chỉ là một đứa nghèo hèn, bộ dạng lôi thôi, cũng không được học hành. Với tính cách của mẹ cháu, đừng nói là cho hai đứa chơi với nhau, đến cả cho nó vào nhà mẹ cháu cũng không đồng ý đâu!

- Sao bác lại nói thế? Bác biết rõ anh Hải mà? Cháu chỉ có mình anh ấy là bạn thôi. Anh ấy nghèo hơn nhà mình thật, cũng có hơi bẩn thật, nhưng anh ấy rất tốt với cháu, cũng có bao giờ xin nhà mình cái gì đâu? Mẹ nhất định sẽ quý anh ấy thôi.

Bác giúp việc chỉ cười nhạt và lắc nhẹ đầu:

- Cháu không hiểu được đâu, tâm tính người lớn phức tạp lắm! Để lúc nào ông Sang đi qua bác sẽ hỏi lại xem, còn cháu đừng vội nhắc gì đến Hải với mẹ cháu cả. Mấy hôm nay cô ấy đã rất mệt rồi. Thôi, cháu về phòng đi, còn phải uống thuốc nữa.

Thu biết khó mà hỏi thêm được gì từ bác Minh lúc này, đúng như bác ấy nói, người lớn thật là khó hiểu. Cô bé liền trở về phòng mình, leo lên giường rồi khụy gối nhìn ra ngoài của sổ, đảo mắt tìm kiếm bóng dáng anh Hải. Nhưng chợt nhớ ra bây giờ vẫn đang đầu giờ chiều, Hải sẽ chẳng bao giờ ghé qua giờ này cả, thế là em lại ngồi hẳn xuống, ánh mắt buồn bã nhìn xa xăm.

Trời hôm nay không nắng lắm và khá nhiều gió. Những cơn gió làm lay động mấy khóm hoa cẩm tú cầu ở góc sân sau, một đôi bướm trắng giật mình xòe cánh bay trên nền hoa tím nhạt. Cách đó không xa, lấp ló bên dưới tán sấu xanh rì là màu hồng rực rỡ của những hàng tóc tiên đang lúc rộ bông. Tán sấu rậm rạp phủ bóng cả một khoảng vườn phía sau nhà. Chà, ngồi ở chỗ ấy chắc là mát lắm nhỉ? Thi thoảng còn nghe được cả tiếng chim hót. Thu tò mò nhoài gần nửa người ra khỏi cửa sổ, đôi mắt nheo lại để nhìn cho rõ. Cô bé nhận ra nơi râm mát đó nằm ngay đằng sau nhà kho cũ bên cạnh gara ô tô. Và chỉ cách đó mấy bước chân là cánh cổng sau của ngôi nhà. Trong tiết trời oi ả thế này, nếu có thể ra đó ngồi đọc sách thì hết ý luôn ấy chứ! Từ khi chuyển đến nhà mới, Thu chưa từng quan tâm đến việc khám phá nó, dĩ nhiên một phần cũng là vì em không đủ khỏe để chạy nhảy quá nhiều. Đến hôm nay, Thu mới biết ở đây còn có một chỗ thú vị như vậy.

Thế là ngay lập tức, Thu hớn hở chạy xuống dưới nhà kho. Nhưng vẻ mặt hớn hở đó cũng nhanh chóng tắt lụi khi cô bé trông thấy gian phòng này đã bị khóa lại bởi một sợi dây xích to đùng. Trong lúc cô bé còn đang loay hoay nhòm qua cái lỗ nhỏ hình vuông trên cửa, tiếng bác Minh đã oang oang đằng sau:

- Ô kìa! Cháu đang làm gì thế?

Thu giật mình quay ngay người lại, lấm lét nhìn bác giúp việc:

- Cháu đang chơi thôi ạ.

- Chơi á? Cháu chơi cái gì ở chỗ này? Trong phòng kho chỉ toàn đồ cũ thôi! Bụi lắm. Cháu vào đó lại hít phải bụi, rồi lên cơn khó thở nữa thì khổ ra đấy! Thôi, đi lên phòng cháu đi, bác pha xong thuốc rồi đây này.

Thu hơi nhăn mặt khi trông thấy cái cốc đựng thứ chất lỏng sền sền màu trắng đục kia, rồi chạy lại nắm lấy vạt áo người phụ nữ, hỏi:

- Từ từ đã bác, nếu mà muốn đi ra đằng sau nhà thì phải đi qua phòng kho đúng không ạ?

Bác Minh ngạc nhiên:

- Hả? Cháu muốn ra đó làm gì?

- Thì...chơi thôi ạ...Ở trong phòng mãi, cháu chán lắm! Bác cho cháu ra ngoài sau một lát thôi được không ạ? – Thu nũng nịu.

- Không được đâu, cái hẻm đằng sau ấy hút gió lắm. Để mẹ cháu biết thì không hay đâu!

Thu xịu mặt xuống, giọng buồn bã:

- Mẹ bỏ mặc cháu, anh Hải cũng không đến...Chẳng có ai chơi với cháu cả. Bây giờ cháu ra ngoài đó ngồi một tẹo cũng không được sao? Đi mà bác...

Bác Minh thở dài:

- Ngoài đấy có cái gì đâu, con bé này! Mà kể cả có, bác cũng không biết lối nào ra đấy cả. Một bên chặn gạch, một bên là cái cây to đùng, sao mà ra được?

- Nhưng mà cháu thấy đằng sau có một cái cổng...

- Cái cổng đấy cũ nát rồi, có dùng được nữa đâu. Bố mẹ cháu chưa có thời gian cho phá đi, nên mới khóa tạm để đấy thôi.

Thấy Thu im lặng không nói gì, bác Minh lại lay vai cô bé, nói:

- Thôi, để mấy hôm nữa mẹ cháu khá hơn, bác sẽ xin cho cháu ra sân vườn chơi. Chứ ra cái hẻm đấy làm gì. Được không?

- ...Dạ. – Thu phụng phịu đáp, mắt vẫn liếc về phía cánh cửa trước khi theo bác Minh đi lên phòng.

Có lẽ Thu không biết rằng ở một khu chợ dân sinh đông đúc cách đó không xa, Hải cũng đang cảm thấy buồn bã và chán chường y như cô bé vậy. Từ khi biết tin Thu phải nhập viện để làm phẫu thuật, Hải đã nhiều ngày không đến khu phố đó. Thay vào đó, cậu đi đến các khu chợ dân sinh, chợ đầu mối rồi khắp các bãi rác lớn nhỏ để thu thập phế liệu đem bán cho một nhà máy tái chế ở ngoại thành. Hải cho rằng nếu phẫu thuật thay tim diễn ra suôn sẻ thì cũng phải 10 ngày đến nửa tháng Thu mới được xuất viện, nên trong thời gian này Hải sẽ không mất công đến đó. Khu phố nhà giàu không có nhiều rác, lại càng ít ve chai, chẳng thể kiếm chác được nhiều ở đó. Trước giờ Hải hay ghé chẳng qua là vì muốn gặp Thu với ông Sang mà thôi. Nhưng không hiểu sao, mới chỉ có mấy ngày không gặp Thu, cậu đã cảm thấy uể oải và chán chường đến vậy. Trong đầu Hải cứ luôn nghĩ đến cái viễn cảnh gặp lại Thu khỏe mạnh hồng hào sau phẫu thuật, nhưng cô bé lại chẳng nhớ Hải là ai, chê cậu bẩn thỉu rồi đuổi đi như những đứa trẻ nhà giàu khác. Nếu quả thực như vậy thì thật là đáng sợ!

Nhưng cứ hay nghĩ ngợi lung tung khiến Hải chẳng thể tập trung làm việc gì cho ra hồn. Ngày hôm nay cũng vậy. Suốt buổi sáng loanh quanh trong chợ mà Hải chẳng kiếm được bao nhiêu phế liệu. Xách cái bao nhẹ tênh trong tay, Hải thực sự cảm thấy lo lắng, không biết đến chiều tối về nhà sẽ phải nói thế nào với anh Tường nữa. Sau gần 1 tháng thử sức với "nghề" ăn xin và cũng kiếm được không ít, giờ lại phải quay lại với công việc cũ gom góp từng đồng khiến Hải có chút không quen.

Thời tiết nắng nóng đi kèm với không khí ngột ngạt trong chợ làm ai nấy đều cảm thấy mệt mỏi. Đã đến quá trưa và bụng Hải cũng bắt đầu biểu tình dữ dội. Cậu định bụng sẽ đi đâu đó mua một cái bánh mì ăn tạm, rồi sang chiều sẽ đi đến một cái chợ khác xem có khá khẩm hơn không. Nhưng vừa lúc đó, một bóng người quen quen bỗng đi lướt qua sau lưng Hải khiến cậu bé giật mình quay lại.

- Ông Sang, ông Sang ơi! – Hải cất tiếng gọi thất thanh.

Người đàn ông đang đi xe đạp đằng trước lập tức quay lại nhìn. Qủa đúng là ông Sang thật, hiếm khi thấy ông ấy không đeo khẩu trang và mặc quần áo thường phục như thế này, nhưng Hải vẫn có thể nhận ra được.

- Ô, thằng Hải à?

Ông lão cười vui vẻ và cho quay đầu xe lại, đạp về phía Hải. Cậu bé có thể dễ dàng trông thấy trong giỏ xe của ông có một chai dầu ăn nho nhỏ hiệu Cái Lân, một bó rau muống với hai bìa đậu hũ.

- Ông đang đi chợ à? Chắc là nhà ông ở gần đây ạ? – Hải hỏi tới tập ngay khi đầu xe ông Sang vừa dừng trước mặt cậu.

- Cũng không gần lắm, nhưng chợ này rẻ nên tao hay ghé. Thế mày đi đâu đây?

Ông lão vừa nói vừa nhìn xuống cái bao trên tay Hải, rồi luôn miệng:

- Dạo này đi nhặt cả ở chợ nữa à?

Hải thở dài, nói:

- Vâng, nhưng mà nay cháu gặp gái hay sao ấy, chả nhặt được mấy!

Ông lão ái ngại nhìn cậu bé hồi lâu, rồi lại ngó nghiêng xung quanh một lúc. Mãi sau, ông nói:

- Thôi cũng trưa trời trưa trật ra rồi, máy đã ăn gì chưa? Chưa thì đi luôn với tao. Đằng kia có quán bún cá rẻ lắm đấy!

Hải vội xua tay:

- Dạ thôi ông, cháu đang định đi ăn cái bánh mì rồi. Ăn bún cá thì lại xa xỉ quá. Mà cháu thấy ông cũng đi chợ rồi này, đậu để đến chiều nó lại hỏng đấy ông.

- Mẹ, dăm ba miếng đậu có hỏng cũng chả tiếc. Bún cá thì mấy khi. Thôi, đi với tao! Tao đãi!

Ông Sang vừa nói vừa nắm lấy tay Hải kéo đi, nhưng cậu bé vẫn dùng dằng:

- Thôi ông ơi, thế thì cháu càng không dám đi, ông cứ mặc cháu.

Ông lão bắt đầu tỏ ra giận dỗi:

- Cái thằng này đúng là...Thế thôi đi ăn cốc chè, cho rẻ. Tao còn có chuyện muốn nói với mày nữa.

- Chuyện gì thế hả ông? – Hải ngạc nhiên hỏi lại.

- Thì cứ vào ăn cốc chè đã, rồi tao nói.

Dứt lời, ông lão buông tay Hải ra rồi thản nhiên dắt xe đến quán chè ngay đối diện đó. Hải bẽn lẽn bước theo đằng sau ông, phần vì cậu bé tò mò chuyện ông sắp kể, phần vì cậu nghĩ trong thời tiết nóng bức này một cốc chè đỗ xanh ngọt mát thực sự là một lựa chọn không tồi.

Quán chè là cách nói cho sang miệng đấy thôi, chứ thực chất nó chỉ gồm một cái bàn gỗ dài đặt giữa hai hàng ghế cập kênh, kê ngay dưới một cái dù lớn màu xanh đã bị xoạc mất một mảng. Trên bàn là hai cái nồi lớn đậy vung, một xô đá lạnh, mấy lọ thạch đủ màu và khoảng chục cái tô, mỗi tô lại đựng một loại nguyên liệu khác nhau đã được nấu sẵn, đa dạng đến mức mới thoạt nhìn qua, người ta còn tưởng quán chè này là một tiệm buffet.

- Cho hai cốc thập cẩm nhá!

Ông Sang vừa nói vừa cúi đầu xuống tránh mảng dù đang lủng lẳng. Sau đó chỉnh lại cái ghế bên dưới, nói:

- Đây, ngồi đi Hải!

Cậu bé nhanh chóng ngồi xuống, đôi mắt tranh thủ liếc nhìn bà chủ quán đang mở nồi múc chè. Ngay cạnh cậu bé, một đôi trai gái quần là áo lượt cũng đang ngồi ăn chè, mỗi người đều nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại trên tay và thi thoảng lại cười tủm tỉm, chăm chú đến mức Hải nghĩ họ vẫn chưa nhận ra là đang có người ngồi cạnh mình.

- Của hai ông cháu đây. – Bà chủ quán tươi cười nói và đặt cái cốc đầy ắp trước mặt Hải.

Ông Sang chẳng nói chẳng rằng, múc một thìa lớn đưa ngay vào miệng, nhồm nhoàm nhai với khuôn mặt có vẻ rất hả hê. Hải nhìn trộm ông, rồi lấy thìa trộn đều mọi thứ trong cái cốc, hít hà mùi ngòn ngọt của nó. Lúc này, ông Sang mới nói:

- Mấy hôm nay không thấy mày đến phố Vĩnh Hoàng. Sao thế? Bỏ chỗ đấy rồi à? Chắc khó kiếm ăn ở đấy quá hả?

- Dạ không... - Hải đáp, tay vẫn trộn lên trộn xuống liên tục. – Cháu chỉ chờ thôi.

Ông Sang bật cười khà khà:

- À, chờ con bé ở trong nhà đấy hả? Chắc mày cũng biết chuyện nó đi mổ tim rồi đúng không?

- Ơ, ông cũng biết ạ? – Hải ngạc nhiên hỏi.

- Cái cô giúp việc trong nhà đấy kể với tao.

Hải gật đầu tỏ ý đã hiểu, rồi nhanh tay múc một thìa chè đầy ú ụ vào miệng. Ông Sang lặng lẽ nhìn cậu bé nhai gần hết, rồi mới nói tiếp:

- Thế mày có biết là nó đã về rồi không? Mấy hôm nay rồi. Chắc nó cũng đang nhớ mày lắm đấy!

Hải tròn mắt:

- Sao thế được ạ? Mổ thì phải ở lại cả tháng ấy chứ! Ông có nhầm không?

- Nhầm thế nào được, nghe nói không mổ được, nên nó lại phải về. – Ông lão đáp.

Hải ngơ người ra một lúc lâu, mắt nhìn chằm chằm vào cốc chè trên bàn. Ông Sang lại nói tiếp:

- Cô Minh bảo nó nhớ mày đấy, có rảnh thì ghé qua đấy chơi. Mày cũng thích chơi với nó còn gì.

Hải lẩm bẩm:

- Sao lại không mổ được thế nhỉ? Do nó yếu quá ư? Hay là tim to quá nên không vừa?

Ông Sang tặc lưỡi:

- Chậc, cái đấy tao không biết được, nhưng mà nói chung chắc giờ cả nó với bố mẹ nó đang buồn lắm. Khổ thân con bé, có mấy cái tuổi đầu mà suốt ngày bệnh với tật.

Nghe ông nói đến đây, Hải không nén được một tiếng thở dài. Thật tội nghiệp cho Thu, không dễ gì tìm được một trái tim, vậy mà vẫn không thể thực hiện cấy ghép. Không biết cô bé phải chờ đến bao giờ mới tìm được một trái tim khác đây, và quan trọng là Thu có chờ được đến lúc ấy?

- Chắc chiều nay cháu phải đến đó luôn ông ạ! – Hải thình lình nói lớn, vẻ mặt hết sức cương quyết.

Thấy thái độ nghiêm túc của cậu bé, ông Sang chợt giật mình nhớ ra điều gì đó, liền kéo tay áo Hải, nói:

- Ờ, tao quên không nói với mày. Cô Minh đã dặn, mấy hôm nay mẹ cái Thu cũng ở nhà, tinh thần không được tốt lắm. Mà cô ấy lại chưa biết mày là ai cả, nên nếu mày có đến thì cũng đừng kinh động gì đến người ta, đừng để mẹ cái Thu biết nó chơi với mày. Nhớ chưa?

Hải có hơi bất ngờ trước những lời này của ông lão. Phải rồi, chơi với Thu từng ấy thời gian, nhưng Hải đã bao giờ gặp bố mẹ Thu đâu? Hẳn là họ sẽ sốc lắm khi biết con gái mình lại giao du với một thằng nhóc khố rách áo ôm như Hải.

- Mày nhớ chưa? – Ông Sang lại lay lay vai cậu bé, sợ rằng Hải chưa nghe rõ những gì mình vừa nói.

Hải gật gật đầu:

- Dạ, cháu biết rồi.

Tuy là nói vậy, nhưng Hải thực sự không quan tâm lắm đến việc bố mẹ Thu có biết cậu hay không. Lúc này đây, Hải cảm thấy lo lắng cho Thu nhiều hơn. Trong lòng cậu bé chỉ mong sao cho chóng đến buổi chiều. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top