Chương 13: Hành động đáng ngờ
Chiều ngày hôm ấy đến thật nhanh, và có vẻ như anh Tường đến đón Hải muộn hơn thường lệ. Hải nhận ra điều đó bởi đoạn đường xung quanh cậu và phía bên trong nhà xe đều đã lên đèn. Không biết tại sao anh trai lại đến muộn vậy nữa. Phải chăng là vì muốn để cho cậu có thêm thời gian trò chuyện cùng bà lão? Từ lúc nào mà anh ấy đã trở nên tâm lý đến vậy? Hay là anh lại gây gổ với mấy tay lái buôn trong chợ rồi bị người ta đánh cho đến mức không đi về nổi? Chuyện này nghe có vẻ dễ xảy ra hơn. Nghĩ đến đây, Hải bỗng thoáng rùng mình.
May mắn thay, trong lúc Hải đang có ý định từ biệt bà lão để chạy đi tìm anh trai thì chợt trông thấy cái vóc dáng quen thuộc trên chiếc xe đạp lùn tè của anh từ đằng xa tiến lại ngày càng gần, rồi cuối cùng dừng lại hẳn với tiếng phanh ken két ở ngay trước mặt Hải.
Hải lại càng ngạc nhiên khi anh Tường không nghiêng đầu ra hiệu cho cậu lên xe đi về ngay như thường lệ. Trái lại, Tường từ tốn thả chân chống xe xuống, dựng nó một bên, rồi ngồi xuống trước mặt bà lão, mỉm cười nói:
- Xin lỗi bà, nhưng mà đến giờ em tôi phải về rồi.
Bà lão ngước mắt nhìn cậu thanh niên trước mặt, cái đầu gật ra chiều đã hiểu. Tường lại nói tiếp:
- Mà từ nay, nó cũng sẽ không đến đây nữa đâu. Tôi sẽ không để nó phải làm việc thấp hèn này nữa.
- Ờ, tôi biết rồi...- Bà lão chậm rãi đáp. – Thằng Hải đã nói hết với tôi rồi. Thế là tốt, nếu vẫn còn đường sống, làm gì có ai lại muốn đi ăn xin? Bà già này tự lo thân được. Anh cứ đón nó về đi. Nhớ chăm sóc nó, đừng để nó chịu khổ. Thằng bé ngoan lắm, đừng để nó phải quay lại chỗ này lần nữa...
Tường gật đầu, nói từ tốn:
- Dĩ nhiên tôi sẽ chăm sóc tốt cho nó rồi, nó em ruột của tôi mà.
Nói xong, anh quay sang nhìn Hải:
- Cũng muộn rồi. Chắc là bà đói lắm. Cũng chuẩn bị phải chia tay. Mày qua bên kia mua cho bà ấy bát phở đi, coi như quà tạm biệt.
Hải kinh ngạc nhìn anh trai hồi lâu, không dám tin vào tai mình. Anh Tường rất ghét người già, luôn chê bai họ bẩn thỉu, lẩn thẩn và làm phiền đến người khác, tất cả chỉ trừ bà ngoại của anh. Hải không ngờ được là đột nhiên anh ấy lại tử tế với bà lão này đến thế, nhất là khi bà ấy là một người ăn xin.
Thấy em trai vẫn đang đứng đơ mặt ra đó, Tường lại lớn giọng:
- Ơ cái thằng này, mày không nghe rõ à? Đi đi chứ?
Hải bối rối nhìn bà lão, rồi lại nhìn anh Tường, tần ngần mãi, cuối cùng cậu bé cũng quay người chạy sang phía bên kia đường, nơi có một quán phở rất đông khách.
Cũng đã lâu rồi Hải mới lại đến một quán phở. Phở ở quán này hẳn là phải ngon lắm, mới khiến người ta đến ăn dông như vậy. Đứng cách xa cả mấy mét cũng có thể ngửi được mùi thơm phức của nước dùng quế hồi, hương nồng nồng của thịt bò và mùi hăng nhẹ của hành lá. Trước đây, khi còn đi bán hàng rong trong các quán ăn sáng, Hải ngày nào mà chẳng ngửi những mùi ấy, nhiều đến mức cậu bé có thể nhắm mắt mà phân biệt được mùi riêng của từng thành phần trong khi cái bụng thì kêu rào rạo. Nhưng sao hôm nay khi đứng trước quán phở này, cậu bé lại cảm thấy khác lạ đến thế? Phải chăng là vì cuối cùng cậu cũng có thể đứng đây với tư cách là một thực khách chứ không phải một thằng bé bán rong?
- Không có gì để xin đâu nhá! – Một người phụ nữ khoảng ngoài 40, tay đang gắp lia lịa mấy lát thịt bò vào một cái tô, vừa nhác trông thấy Hải đang đứng tần ngần trước mấy nồi nước dùng, bộ dạng tả tơi bẩn thỉu và áo quần thì rách nát như cái giẻ lau nhà, liền vội vã quát nạt.
Nghe cô ta nói, Hải mới giật mình, tự nhìn xuống bộ quần áo đang mặc trên người. Hải quên béng mất là mình vẫn đang đóng vai một đứa ăn xin. Người phụ nữ kia hẳn đã tưởng rằng cậu bé cố tình đứng đó để xin tiền, nên mới gay gắt như vậy.
- Dạ không cô ơi, cháu muốn mua phở ạ. – Hải rướn cổ nói lớn.
Người phụ nữ thuận tay múc nước dùng đổ đầy cái tô lúc nãy, đưa nhanh cho một cô gái bên cạnh, rồi quay lại chống nạnh nhìn Hải thật cẩn thận từ trên xuống dưới, nói:
- Mua á? Thế mày có tiền không?
- Cháu có, cô bán cho cháu một bát với! – Hải vừa nói vừa móc tay vào cái giỏ xách bên tay trái, rồi moi ra mấy đồng năm ngàn lẻ.
Người phụ nữ nhìn mớ tiền rồi lắc đầu một cách chán nản. Bên trong quán, những người khách khác cũng đang ngạc nhiên nhìn cậu bé và tò mò không biết bà chủ quán sẽ xử lý ra sao. Người phụ nữ giơ tay ra nhận tiền của một ông khách vừa chuẩn bị rời khỏi, nhanh nhẹn nhét nó vào túi tạp dề. Đoạn quay lại nhìn Hải, giọng khàn khàn nạt lớn:
- Chờ đấy! Đang đông khách!
Hải khẽ thở phào. Cứ tưởng bà ta sẽ chạy đến kéo tay đuổi thẳng cổ cậu bé ra khỏi chỗ này chứ. Lúc còn đi bán rong, Hải vẫn hay bị chủ quán đuổi đi như thế. Người ta cho rằng sự xuất hiện của đám trẻ như cậu làm phiền đến khách của họ, làm "bẩn" quán của họ. Thậm chí chỉ đứng lảng vảng ngoài cửa cũng khiến cho người ta ngứa mắt. Nhưng cũng có những chủ quán rất hào phóng, cho phép Hải ra vào chào bán thoải mái với điều kiện trước khi rời đi cậu phải gửi lại cho người ta chút tiền coi như hoa hồng. Trên đời chẳng có gì là miễn phí cả, thậm chí khi Hải đi ăn xin cũng thế. Bà chủ quán phở này cho cậu bé đứng đây chờ thêm một lúc, tính ra cũng là may mắn cho Hải lắm rồi, chỉ có điều cậu cứ phải đứng trơ ra đó, khoe bộ dạng ăn xin thảm hại của mình cho tất cả mọi người trong quán cùng thấy. Hải thực không thích như vậy một chút nào!
Thời tiết nóng nực của mùa hè Hà Nội cũng chẳng hề giảm đi khi trời đã chuyển tối. Nếu chỉ ngồi im một chỗ mà không bật quạt cũng có thể khiến con người ta đổ mồ hôi đầm đìa và thở một cách nặng nhọc. Ấy vậy mà Hải lại đứng ngay cạnh khu bếp nấu của quán phở nọ, chờ đợi suốt mấy mươi phút. Hải vốn định đứng nép ở phía bên kia cửa quán, nhưng mấy chị bưng bê ở trong lại đẩy cậu ra, than thở chỗ này quá chật, còn phải lấy không gian cho khách khứa ra vào. Vậy nên Hải chỉ có thể đứng ở phía bếp nấu. Mùi thơm của nước dùng tỏa ra ngào ngạt, ngon lành, nhưng thực sự rất nóng. Hải vừa đứng nhìn lại vừa lấy tay lau mồ hôi liên tục. Bà chủ quán lúc này vẫn rất bận rộn với việc phục vụ phở cho khách, đôi tay béo múp như hai cái móng giò vẫn lia lịa gắp bánh phở, thái thịt, thái hành, múc nước dùng...Nhìn những bát phở đầy ắp những lát thịt mỏng màu nâu nhạt xen lẫn hồng hồng, được phủ trên bởi một lớp hành hoa xanh mướt, sóng sánh trong nước dùng thơm phức khiến cái bụng đói meo của cậu bé biểu tình liên hồi.
Thi thoảng, Hải lại liếc nhìn về phía bên kia đường, chỗ anh Tường và bà lão đang ngồi, lo lắng không biết họ có phải chờ đợi quá lâu hay không. Hải rất ngạc nhiên khi thấy anh Tường đang ngồi xuống nói chuyện gì đó có vẻ rất thân mật với bà lão, không giống với vẻ xa lánh thường ngày của anh. Kỳ lạ thật, họ đang nói chuyện gì thế nhỉ? Có phải đang nói về Hải không? Cậu bé còn đang chăm chú theo dõi thì bà chủ quán đằng sau bỗng gọi to:
- Nài, thế mày ăn phở gì? Bò hay gà?
Hải nhanh chóng quay lại, khuôn mặt tươi tắn hơn thấy rõ:
- Bò ạ. Cháu một bát đầy đủ, không tái.
Cậu bé thật sự rất sướng miệng khi được nói ra những yêu cầu như thể một khách hàng thực sự, từ lâu rồi, cậu đã luôn mong được làm như thế. Bà chủ quán lại nói:
- Ăn đây hay mang về?
- Mang về ạ. Cho cháu vào cái bát nhựa luôn với ạ.
Người phụ nữ nhanh tay nhặt ít bánh phở trắng ngần bỏ vào một cái bát nhựa giấy ở gần đó, thả vào đó mấy lát thịt và chút hành hoa, ít bột nêm, rồi cuối cùng là một muôi đầy nước dùng trong vắt đổ lên trên.
- Đây! Cầm cẩn thận không nóng. – Người phụ nữ nói và đưa cái bát kèm đôi đũa dùng một lần cho Hải.
Cậu bé vui vẻ đón lấy cái bát, rồi hỏi:
- Dạ bao nhiêu tiền hả bác?
Người phụ nữ lại nhìn Hải thêm một lượt thật kỹ từ đầu xuống chân, rồi hất tay nói:
- Thôi, tiền nong gì, đem về mà ăn!
Hải ngạc nhiên nhìn người phụ nữ với đôi mắt mở to:
- Bác ơi, cháu có tiền mà...
Bà chủ quán lại xua xua tay:
- Ô cái thằng này không hiểu à? Tao cho, không lấy tiền. Nhá!
Hải ngơ ngác hồi lâu, hơi nóng của bát phở đã lan đầy bàn tay. Bất giác cậu bé nở một nụ cười thật tươi, hai mắt tít cả lại:
- Vâng, cháu xin bác ạ!
Nói rồi, cậu bé cúi đầu lia lịa tỏ ý cảm ơn người chủ quán, rồi quay đầu đi về phía bên kia đường, trong lòng hân hoan một niềm vui nho nhỏ. Bà ngoại Hải từng nói nhưng người tròn trịa một chút thường rất tốt bụng, họ "tốt bụng" theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng nữa, đến hôm nay thì Hải đã hiểu rồi. Bà chủ quán phở chính là người như thế. Dù bên ngoài có vẻ hơi khó gần, nhưng bà ấy thực sự là một người phụ nữ tốt.
Hải cẩn thận bưng bát phở bằng hai tay, chậm chạm bước xuống lòng đường và chuẩn bị tiến về phía gốc gây giáng hương ở bên kia. Trung tâm thương mại đã lên đèn sáng trưng và người ta cũng bắt đầu nườm nượp đến vui chơi buổi tối. Hải rất ngạc nhiên khi trông thấy anh Tường bỗng nhiên đứng dậy, leo lên xe đạp, rồi đạp xe tiến về phía cậu bé. Vừa đến chỗ Hải, anh Tường đã đón lấy bát phở rồi nói:
- Mày ở yên bên này chờ, đỡ phải sang đường qua lại nhiều lần. Để tao cầm bát phở này đưa bà ấy cho. Chờ yên ở đây!
- Nhưng mà em vẫn chưa chào bà ấy. – Hải nói. – Cho em qua đấy nói thêm mấy câu đã...
Tường xua tay:
- Thôi, mày ở yên đây đi, đèo nhau mà sang đường khó lắm.
Nói xong, anh vội vã mang bát phở qua bên kia đường cho bà lão, rồi quay lại đón Hải lên xe trở về nhà. Hải nhận ra nét mặt anh trai có gì đó vui vẻ khác thường, còn có phần đắc ý nữa, không giống như vẻ cau có thường ngày của anh ấy. Cậu bé cũng cảm thấy rất áy náy vì không thể chào tạm biệt bà lão. Nhưng anh Tường đã nói vậy rồi, Hải không thể cãi lại anh ấy. Cậu chỉ đành ngoái nhìn về phía bà lão từ đằng xa. Những ngày sau này khi Hải không còn ở bên cạnh, liệu bà lão có còn nhận được nhiều tiền bố thí hay không? Liệu với sức khỏe đó, bà lão còn sống được thêm bao nhiêu ngày nữa? Hải khá lo ngại về chuyện đó. Thôi thì để thi thoảng có dịp, cậu sẽ ghé qua thăm bà ấy vậy.
- Nay mày được nhiều không? – Anh Tường bất chợt hỏi.
Hải có hơi lưỡng lự khi trả lời câu hỏi này, cậu không biết có nên kể cho anh ấy nghe về chuyện người phụ nữ giàu có đã cho mình 4 triệu hay không.
- Ê, mày nghe không đấy? – Tường lại hỏi, sợ rằng tiếng gió ù hai bên tai khiến Hải không thể nghe được.
Cậu bé cười nhạt:
- Cũng bình thường ạ.
Cuối cùng Hải cũng quyết định sẽ giấu anh trai về chuyện số tiền ngoài dự kiến kia, dù còn nhỏ tuổi, Hải nghĩ số tiền ấy sẽ được sử dụng tốt hơn ở trong tay mình.
- Ờ... – Nghe giọng nói của Tường dường như không được vui lắm với câu trả lời đó, nhưng ngay lập tức anh đã đổi giọng hồ hởi. – Thôi mặc mẹ vụ tiền nong. Mày đói không? Anh chở mày đi ăn tanh bành một bữa!
Hải ngạc nhiên:
- Ăn gì? Nay anh có chuyện vui hả? Ở chợ người ta trả công cao à?
- Cứ biết đi ăn là đi ăn đi, hỏi nhiều thế mày? – Tường cố lảng đi mà không trả lời câu hỏi của cậu bé.
Hải cười bẽn lẽn, lúc nào cũng thế, trong mọi câu chuyện, Hải luôn là người chịu nhún nhường:
- Thế đi ăn chè đi anh, chè khúc bạch ấy! Ngon cực luôn!
Nhắc đến đồ ăn, không hiểu sao trong đầu Hải hiện lên ngay hình ảnh bát chè khúc bạch tao nhã mà cậu đã được mời ăn ở ngôi nhà phía cuối phố Vĩnh Hoàng hôm nào. Hải không thể nào quên được mùi vị ngọt ngào thanh mát đó. Bất giác, cậu bé chợt nhớ da diết ngôi nhà ấy, nhớ ông lao công tốt bụng cùng người phụ nữ phúc hậu đã nấu chè cho cậu ăn, nhớ cả cô bé ốm nhom có đôi mắt ngời sáng cùng lời mời rằng Hải có thể đến chơi bất cứ lúc nào. Nhưng rốt cuộc ấy cũng chỉ là lời nói của người giàu, Hải làm sao dám tin là thật được.
- Nhưng mà anh phải cho em về thay quần áo đã cơ. Chứ em xấu hổ lắm! – Hải lại nói với giọng hờn dỗi.
- Thôi, mất thời gian, tao mua cho mày mấy bộ mới luôn!
Tường vui vẻ nói. Cũng đã lâu rồi anh không sắm sửa gì cho Hải. Hôm nay, ít nhiều Tường cũng muốn làm đúng trách nhiệm của một người anh trai. Anh nhanh chóng rẽ ngoặt về hướng khu chợ Phùng Khoang gần đó. Hải cũng không hiểu vì sao hôm nay anh trai đột nhiên lại hào phóng một cách khác thường như vậy. Với tính cách của anh ấy, chịu chi như vậy chỉ có thể là vì anh đang có nhiều tiền thôi. Nhưng anh ấy kiếm đâu ra nhiều tiền vậy, không lẽ là anh quay lại chỗ bảo kê rồi sao? Nghĩ đến đây, trong lòng Hải lại dâng lên biết bao nhiêu là lo lắng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top