Chương 1: Cậu bé nhặt rác

Có một gia đình vừa mới chuyển tới ngôi nhà lớn phía cuối phố Vĩnh Hoàng. Hải biết điều đó vì tối hôm qua cậu bỗng thấy căn nhà sáng đèn. Từ khi bắt đầu đi nhặt nhạnh ở quanh khu vực này, đây là lần đầu tiên Hải thấy ngôi nhà đó có người tới ở. "Chà, nó thật đẹp quá!", Hải nghĩ. Trước đây cậu mới chỉ ngắm nghía nó vào ban ngày. Nếu người ta không bật những cột đèn vườn rực rỡ ấy lên, cậu cũng chẳng thể chiêm ngưỡng hết được vẻ lộng lẫy về đêm của nó.

Đó là một ngôi nhà lớn dạng villa hai tầng với mái ngói tam giác đỏ rực rỡ, những bức tường dày được sơn trắng mịn lì và mấy cây cột nhà màu xám thì to như thân cây gạo cổ thụ ở quê Hải vậy. Sân vườn được phủ xanh bởi lớp cỏ mượt được cắt tỉa gọn gàng, người ta đã trồng sẵn ở đó vài hàng hoa tóc tiên, mấy khóm cẩm tú cầu cùng với một loài hoa gì đấy màu đỏ tía mà Hải không biết tên, trên ban công cũng vậy. Xung quanh ngôi nhà thì được bao bọc bởi một hàng rào thấp màu trắng mà đôi khi thấp thoáng sắc đỏ của mấy bông hồng leo. Hàng ngày, khi trời bắt đầu tắt nắng, người trong nhà sẽ bật những cột đèn nhỏ bên ngoài sân vườn lên, ánh sáng vàng lấp lánh từ những bóng đèn thủy tinh khiến cả khu nhà bừng sáng lên như những lâu đài trong truyện cổ. Nó cứ sừng sững như vậy, ngay trước mắt Hải, như một giấc mơ mà cậu sẽ không bao giờ có thể chạm tới được.

Người đang sống ở đó hẳn phải giàu lắm!

- Ô kìa thằng Hải, hãy chưa về à? – Một giọng nói trầm khàn cất lên ngay sau lưng khiến cậu bé thoáng giật mình.

Hải quay đầu lại nhìn người đàn ông cao lớn với mái tóc ngả bạc rậm rạp nhét vội trong chiếc mũ vải cũ, đôi mắt ngời sáng trên khuôn mặt đã được che kỹ lại bằng một chiếc khẩu trang to bè.

- Ông Sang ạ, nay ông đi sớm thế? – Hải vừa nói vừa liếc mắt nhìn ra sau lưng ông, nơi chễm chệ một chiếc xe rác to bè. – Mới 4 giờ chiều mà?

- Trời đất sầm như thế này thì có khi lát nữa mưa rào, nên tao phải đi sớm một chút... Thế nhặt được nhiều chưa?

- Hôm nay cháu được ít lắm! – Hải nói với giọng rầu rĩ, mắt nhìn chăm chăm vào cái bao cũ bám đầy đất bẩn trong tay. – Ông xem còn tí nào thì cho cháu với.

- Đây! – Ông già lôi cái túi lớn lỉnh khỉnh đầy chai nhựa và lon bia đang cột bên góc xe xuống, rồi dí vào tay cậu bé. – Tao lọc ra có nhiêu đây này, cầm lấy đi!

Hải trông tươi tỉnh hẳn lên, đón lấy cái túi rồi cười tinh nghịch nói:

- Thế cho cháu xin nhé!!

- Ờ, thôi về nhanh đi không tí lại mưa to đấy! – Ông nói lớn và tiếp tục đẩy cái xe về phía trước, tiến tới phía ngôi nhà ở cuối đường.

Hải cẩn thận nhét cái túi vào trong bao làm nó phồng lên thấy rõ, khẽ ngoái đầu lại nhìn ông lão lọm khọm đang đi về phía cuối đường, rồi sau đó cũng vội vã rời khỏi. Người ở khu phố nhà giàu này hầu như không thích trẻ con, nhất là những đứa bẩn thỉu rách nát như Hải, chần chừ chút nữa không khéo lại bị quát đuổi mất. Vốn dĩ cậu cũng chỉ vào đây để xin những chai lọ rác từ người lao công già chứ khu phố này rất sạch sẽ và chẳng có rác rơi vãi bao giờ. Vả lại trời cũng sắp mưa rồi, cậu phải nhanh chóng về nhà. Anh Tường có thể đã trở về từ sớm và đang đợi cậu rồi. Nghĩ tới anh trai, bước chân mệt mỏi của cậu bé bỗng có cảm giác nhẹ nhàng hơn một chút, và đôi mắt trên khuôn mặt lem luốc dường như cũng ánh lên sáng rỡ.

Nhưng có vẻ hôm nay là một ngày không may của cậu nhóc. Hải chưa về đến nửa đường thì trời đã đổ mưa tầm tã. Cũng may là cậu đã kịp trú vào dưới một bến xe bus có mái che. Trời đất tối sầm lại, cơn mưa rào đầu hè xối xả trút nước, tiếng sấm chớp ầm ầm cùng với những cơn gió lạnh lẽo thốc vào người khiến Hải hơi nổi da gà. Lòng đường đã ngớt dần người qua lại. Ánh đèn đường leo lắt khiến khung cảnh càng trở nên ảm đạm. Hải lặng lẽ ngồi thu chân trên băng ghế cho đỡ lạnh, nhưng vẫn bị nước mưa hắt vào không ít. Những lúc như thế này, Hải lại ước ao giá mà cậu có một chiếc áo dày hơn, dài tay, thì có lẽ sẽ bớt lạnh. Nghe người lớn nói dính nước mưa đầu mùa dễ bị cảm lắm. Hải sợ ốm bệnh. Hằng ngày ăn đã chẳng đủ no rồi, bị ốm lấy đâu ra tiền mua thuốc? Cậu không được phép ốm!

Vừa lúc đó, một tốp bốn năm học sinh khoảng độ tuổi học cấp 2 mặc đồng phục hớt hải chạy tới đứng dưới mái hiên trạm xe bus. Trông thấy Hải ngồi co ro một góc, quần áo tuềnh toàng, một cô bé nhìn cậu với vẻ ái ngại. Những người khác thì ghé tai nhau thì thầm gì đó rồi cười khúc khích. Hải biết họ đang bàn tán những gì, chuyện này cậu gặp cũng nhiều quá rồi. Nhưng dù vậy, mặt và tai cậu vẫn cứ nóng lên. Ở tuổi của Hải, nếu cậu được sinh ra trong một gia đình bình thường, có lẽ cậu cũng đã được đi học, được cười nói vui vẻ như họ rồi... Bốn trong số năm học sinh ngồi xuống băng ghế. Duy chỉ còn 1 chỗ trống cạnh Hải thì không ai ngồi, dù vẫn còn 1 cậu con trai đang đứng. Hải định bảo cậu nhóc kia ngồi xuống, nhưng chợt hiểu ra nguyên nhân, nên chỉ đành im lặng, thầm cầu mong cho cơn mưa mau dứt.
Lát sau, một người phụ nữ xinh đẹp che ô đi tới đứng chờ xe bus. Trông thấy cậu nhóc học sinh trắng trẻo đang đứng cười toe toét với mấy người bạn, rồi lại nhác thấy Hải ngồi lọt thỏm một góc bên cạnh chiếc bao xỉn màu, người phụ nữ khinh khỉnh nói với Hải:

- Kìa, sao cháu không đứng dậy ra chỗ khác cho bạn ấy ngồi? Cháu cứ ngồi đấy mãi thế?

Mấy con mắt to tròn của đám học sinh lập tức dồn về phía Hải, lạnh lùng không nói một lời. Mặt Hải lúc nãy hơi nóng giờ đã đỏ bừng, cậu im bặt không biết trả lời ra sao, đôi chân run run từ từ đặt xuống nền đất, khuôn mặt cúi gằm.

Thấy cậu bé đáng thương vừa đứng dậy, người phụ nữ nhanh chóng ngồi thế vào chỗ đó và vỗ vỗ tay xuống chỗ trống bên cạnh, tươi cười nhìn cậu học sinh:

- Đây, ngồi đi cháu!

Cậu học sinh đưa mắt nhìn Hải với vẻ thương hại rồi cười nhạt, nói:

- Dạ thôi, cháu đứng cũng được.

- Thôi, đứng làm gì mỏi chân lại bị nước mưa hắt vào bây giờ, cứ ngồi đi! – Người phụ nữ vẫn hớn hở.

- Cảm ơn cô, nhưng xe bọn cháu sắp đến rồi...

Hải đứng im lặng và bất động bên rìa mái hiên, nước mưa vẫn lạnh lùng rơi đầy một bên vai. Đôi môi cậu hơi mím lại và trong mắt đã ầng ậng nước. Tại sao vậy? Tại sao Hải không thể ngồi? Cậu học sinh kia có gì khác cậu ư? Chẳng phải đều cùng là con người, đều hít thở chung một bầu không khí mà lớn lên đó sao? Rốt cuộc Hải có lỗi lầm gì mà cậu lại phải chịu nhiều tủi nhục như vậy? Hải không muốn chịu đựng những dày vò này, nhưng lại chẳng thể làm gì ngoài việc chấp nhận nó.

Cũng may, cơn mưa đã tạnh. Hải lủi thủi nhặt cái bao lên rồi vội vã bước đi, đi như chạy, như để nhanh chóng thoát khỏi ánh mắt khinh bỉ và lạnh lùng của những người đó.

Cuối cùng Hải cũng về được đến nhà. Dù khắp người đã ướt sũng lạnh lẽo, trong lòng cậu vẫn cảm thấy có chút ấm áp vì được trở về một nơi quen thuộc. Đó là khu nhà trọ công nhân xập xệ dưới chân một cây cầu cũ, nơi mà cứ mỗi tối muộn lại ồn ào với những tiếng vợ mắng chồng, mẹ rầy con, tiếng đám người bài bạc chửi thề cùng tiếng chó sủa mèo kêu inh ỏi...

Nghe có tiếng mở cổng, một người phụ nữ trọ ở phòng đầu ẵm con ngó đầu ra. Trông thấy Hải, cô khẽ thở dài chán nản rồi lại nựng con:

- Đấy, thằng bố mày mãi chẳng thấy về chở mày đi khám, ho suốt thôi... Ừ thôi mẹ thương... mẹ thương em nhá....

Hải cúi đầu tỏ ý chào người phụ nữ dù cô mải dỗ con chẳng để ý, rồi nhanh chóng tiến về phía phòng trọ gần cuối dãy có cánh cửa sắt màu xanh đã han gỉ. Nhác thấy căn phòng sáng đèn, trên môi cậu nhóc như thoáng hiện một nụ cười. Cậu vừa định bụng mở cửa thì một người đàn ông đứng tuổi dáng vóc bệ phệ bỗng ngăn lại, kéo Hải ra một góc rồi thì thầm:

- Mày vào xem thằng anh mày nó sao rồi, nãy tao thấy nó về mà mặt mũi sưng húp, chân còn đi khập khiễng nữa đấy! Mày liệu mà lo cho anh mày, rồi giục nó đóng tiền trọ cho tao đi, tháng này rồi cả tháng trước nữa, không là tao tống cổ cả lũ ra đường đấy!

Anh Tường bị đau ư? Sao anh ấy lại bị thế? Mặt mũi sưng húp, chân đi khập khiễng thì chắc là bị đánh rồi. Khốn nạn, sao cứ phải khổ thế cơ chứ? Một nỗi bất an trào lên trong lòng Hải. Cậu ngước đôi mắt sợ hãi nhìn người chủ trọ, miệng lắp bắp:

- Vâng... Cháu... để cháu bảo anh cháu...

- Đừng để tao phải giục nữa đấy! – Người đàn ông gằn giọng ném điếu thuốc lá đang ngậm sang một bên, bước ra phía đầu hồi rồi quát cô gái đang bế con. – Cả nhà chúng mày nữa, nhanh mà đóng tiền trọ đi! Cuối tháng rồi! Hai hôm nữa tao qua thu đấy!

Người phụ nữ nhăn nhó:

- Vâng, xin bác! Bác nhỏ tiếng thôi! Con em nó đang ốm, dỗ mãi mới ngủ...

- Suốt ngày ốm với đau!

Hải lấm lét nhìn người đàn ông vừa hậm hực rời khỏi, khẽ thở phào một hơi, rồi từ từ mở cánh cửa xanh nhợt ra nghe "Két..." một tiếng dài. Một người thanh niên gầy nhẳng đang nằm dài trên chiếc giường nhỏ kê ở góc căn phòng, đã hơi ngóc đầu lên nhìn khi vừa nghe tiếng kêu. Trông thấy anh ta, Hải hoảng hốt ném cái bao với đống chai nhựa sang một bên rồi chạy lại gần ngồi cạnh giường:

- Anh Tường, anh làm sao thế này? Anh bị đánh à?

Người thanh niên im lặng không đáp, hoặc có lẽ anh ta đã không còn đủ sức đáp lại, Hải chỉ loáng thoáng nghe những tiếng thở nặng nhọc. Lúc này cậu bé mới để ý thấy trong căn phòng đang xộc lên một mùi thuốc lá nồng kinh khủng, xen lẫn đó là một thứ mùi hăng hăng tanh nồng như mùi máu hòa lẫn với mùi mồ hôi. Khuôn mặt cậu bé hơi nhau lại khi nhìn xuống cơ thể anh trai. Trông anh thật tả tơi với bộ quần áo rách tươm dính đầy đất cát. Qua làn áo rách có thể dễ dàng trông thấy những vết bầm tím cùng những vết sẹo cũ mới chằng chịt khắp cơ thể. Đôi giày vải cũ vẫn đang đeo lủng lẳng trên chân Tường chứng tỏ anh ta vừa về đến phòng đã vội vã chạy tới nằm vật ra giường. Vì mệt mỏi, hay vì đau đớn, hoặc có lẽ cả hai... Hải không thể biết được. Cậu bé chỉ biết rằng cảnh tượng này đối với cậu đã không còn quá lạ lẫm nữa.

Mãi vẫn không thấy Tường nói gì, Hải im lặng đứng dậy tháo giày cho anh, rồi cầm một cái chậu nhỏ ra ngoài, vài phút sau quay lại với một chậu nước đầy trên hai tay. Cậu bé tiến lại gần giường, với tay lấy một chiếc khăn sạch vắt gần đó, cẩn thận nhúng nước, vắt ráo rồi nhẹ nhàng lau đất cát trên vết thương cho anh trai. Tay cậu bé đưa tới đâu, Tường lại khe khẽ kêu đau tới đó. Những động tác của Hải vô cùng thuần thục như một người y tá nhỏ, kết thúc bằng việc chấm rượu thuốc lên những vết bầm cho anh trai cậu. Ở nơi khốn khổ này, có bông băng thuốc đỏ để dùng cũng là một điều quá xa xỉ, hai anh em Hải đó giờ chỉ cầm cự qua những cơn đau bằng chút rượu thuốc mua của một người đàn ông lạ hoắc nào đó tự xưng thầy thuốc trên Cao Bằng. Nhưng chí ít thứ rượu thuốc đục ngầu này của ông ta cũng có chút tác dụng.

Phần cuối cùng của công cuộc trị liệu là vệ sinh và thoa thuốc cho phần mặt Tường. Thấy Tường vẫn đang mê man, Hải khẽ đưa tay lên sờ trán của anh trai. Không nóng! Như vậy vẫn còn may! Có lẽ lần này anh trai cậu chỉ bị đánh bằng tay không, không phải với dao hay gậy gộc như những lần trước, Hải có thể chắc chắn thêm về phần đó bởi nãy giờ cậu không phát hiện vết thương hở do dao cắt nào, tất cả chỉ là những dấu tích do đánh đấm mà thôi. Cảm thấy chiếc khăn lạnh vừa chạm lên mặt, đôi mắt lim dim của Tường bỗng mở trừng lên, lông mày sụp lại, rồi gạt phắt tay cậu em trai ra, cau có nói:

- Thôi dẹp đi,... kệ tao!!

Hải run run nói:

- Nhưng cứ để như thế thì đau lắm, anh để em thoa thuốc cho.

- Tao đã bảo không cần, mày để tao... nằm yên một tí không được... à?!

Đôi tay Hải hơi khựng lại, cậu đưa mắt lấm lét nhìn anh trai thêm một lúc, rồi nhỏ nhẹ:

- Thế anh có đói không? Em kiếm cái gì cho anh ăn tạm...

Tường vẫn im lặng, có vẻ như lúc này đến nói chuyện anh cũng không còn sức nữa. Hải lại cụp mắt xuống:

- Anh chịu khó chờ một tí nhá.

Nói xong, cậu bé lục trong góc nhà lấy ra mấy gói mì tôm và cháo ăn liền, rồi lủi thủi đi đun nước. Thoáng ngửi thấy hương cháo phả trong căn phòng, Tường có hơi hé mặt ra nhìn, nhưng vừa chạm phải ánh mắt Hải nhìn lên thì lại nhắm lại ngay. Hải đã quá hiểu anh trai mình rồi, miệng nói không nhưng trong bụng hẳn là đói lắm. Cậu nhanh nhẹn bưng tô cháo đã nở hết và ấm nồng đến bên giường, đặt vào đó một cái thìa, rồi nói:

- Anh dậy ăn đi, ráng gượng chút cho mau lành thương.

Tường im nghỉm một lúc nữa, rồi mới lặng lẽ bò dậy nhìn tô cháo, cứ như một đứa trẻ con vậy. Nếu không nhìn ngoại hình và xét tuổi tác, chắc ai nấy đều nghĩ Hải mới là anh trai của Tường.

Hải chăm chú nhìn anh trai tự đút từng thìa cháo vào miệng một cách hết sức miễn cưỡng. Lúc này, Tường mới ngó qua cậu rồi lên tiếng:

- Rồi cháo của mày đâu? Không ăn à?

- Em ăn mì, đang chờ nó nở.

Tường nhìn qua phía góc nhà, cạnh chiếc bếp ga đơn cũ mèm chẳng mấy khi được dùng đến là một siêu nước nhỏ và một cái tô đã được đậy kín, rồi lại quay lại nhìn em trai. Lúc này anh mới để ý thấy cậu bé áo quần ướt nhẹp vì thấm nước mưa, mặt mũi lấm lét, cẳng chân cẳng tay gầy guộc đầy những vết tấy do muỗi đốt. Anh cụp mắt xuống nhìn tô cháo, khóe miệng hơi nhếch lên rồi lại bặm lại, như thể muốn nói gì đó nhưng chữ vừa ra tới miệng bỗng bị chặn lại vậy, và trong ánh mắt anh có chút gì đó thật cay đắng thê lương.

- Xin lỗi mày.... – Bỗng nhiên Tường lên tiếng, dù chất giọng nhỏ xíu như đang thì thầm. – Đáng lẽ hôm nay cuối tháng tao đã định mua ít thịt quay, với đóng tiền trọ... Nhưng mà nay không đòi được nợ thằng cha Long bên chợ Long Biên, nên ông chủ không trả tiền, cũng chả có thưởng. Lại còn bị cha Long nó kêu người đến hội đồng tao nữa... Thành ra.....

Hải im lặng lắng nghe, với cậu bé thì câu chuyện này đã không còn lạ nữa, đâu phải lần đầu Tường bị đánh, có chăng là nặng hay nhẹ thôi. Làm nghề này thì sống nay chết mai, hy vọng gì được một người chủ tử tế? Dăm bữa nửa tháng có bữa cơm thịt quay mà ăn đã là may mắn lắm rồi. Dù là Hải chưa bao giờ thích anh trai làm công việc nguy hiểm này, nhưng một người từng có tiền án tiền sự như Tường thì có thể làm gì khác đây? Thoáng chốc, trong đầu cậu bé bỗng hiện ra cảnh tượng hai anh em ngồi bên mâm cơm lóng lánh màu hổ phách của da lợn quay, tay ôm những bát cơm nóng khói nghi ngút. Lòng cậu bé bỗng cảm thấy thật dịu dàng. Hải ngước nhìn khuôn mặt ảm đạm của anh trai và khóe môi cậu hơi cong lên thành một nụ cười:

- Thôi, em cũng chẳng thích ăn thịt.

Tường biết Hải chỉ nói vậy thôi, chứ có đứa trẻ nào mà không thích được ăn ngon mặc đẹp? Anh chợt nhớ lại trước đây, khi anh còn niên thiếu, bố mẹ vẫn còn, tuy nghèo đói nhưng những cậu trai như anh vẫn chưa phải lo lắng quá nhiều về chuyện cơm áo. Hồi ấy, những ngày mưa như thế này là những ngày vui nhất. Cả nhà ngồi quây quần bên nồi khoai luộc của mẹ, đôi khi là hạt mít, đôi khi là chõ xôi,.... Mẹ sẽ lật cái vung nồi ra và một mùi hương ngào ngạt hòa lẫn khói ấm lan tỏa khắp gian nhà. Sao mà tự nhiên Tường lại nhớ cái vị dẻo dẻo của xôi nếp với tơi bở của khoai lang đến thế! Giá như bố mẹ đừng bị tai nạn, giá như Tường đừng mang theo Hải thoát ly lên thành phố, giá như anh chịu yên phận ở nhà đồng áng với ông bà, hay đi làm công nhân nhà máy, giá như hồi ấy anh đừng bồng bột.... thì có lẽ hôm nay hai anh em đã có thể vui vẻ ngồi ăn một bữa cơm đàng hoàng, bản thân anh cũng không phải chịu nhiều đau đớn như thế này. Nghĩ đến đây, Tường ngậm ngùi bặm chặt môi, nói không thành lời. Bên ngoài, trời lại tiếp tục đổ mưa. Một nỗi buồn thăm thẳm len lỏi hòa tan vào màn mưa trắng xóa.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top