QUYỀN ƯU TIÊN

Phạm Thanh Tuấn

Quyền ưu tiên (Right of Prority) là một vấn đề quan trọng trong hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ của mỗi quốc gia. Hầu như trong tất cả các hệ thống pháp luật, các nước đều thừa nhận quyền này của người nộp đơn. Trên bình diện thế giới, một số các Công ước quốc tế đề cập đến quyền liên quan như: Công ước Paris (ký kết năm 1883) về bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp, Thoả ước La - Hay (1925) về đăng ký quốc tế Kiểu dáng công nghiệp (KDCN), Nghị định thư liên quan đến Thoả ước Madrid về đăng ký quốc tế Nhãn hiệu hay Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (Công ước UPOV)...

1. Khái niệm và ý nghĩa của quyền ưu tiên.

Dưới góc độ chung nhất thì quyền ưu tiên trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ được hiểu như sau: Quyền ưu tiên là quyền của nqười nộp đơn trên cơ sở một đơn hợp lệ lần đầu tiên đã được nộp tại một quốc gia khác là thành viên điều ước quốc tế có quy định về quyền ưu tiên (sau đây gọi là quốc gia thành viên), trong một thời hạn nhất định người nộp đơn có thể nộp đơn yêu cầu bảo hộ đối tượng sở hữu trí tuệ đó tại một quốc gia thành viên khác và đơn nộp sau đó được coi như nộp cùng ngày với đơn nộp đầu tiên. Nói cách khác, những đơn nộp sau sẽ có quyền ưu tiên đối với các đơn có thể đã được người khác nộp trong khoảng thời gian ưu tiên nói trên chi chính đối tượng sở hữu trí tuệ đó. Ví dụ: Ngày 02/02/2004 một công dân Việt Nam nộp đơn đăng ký bảo hộ một KDCN là X' tại Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam. Ngày 02/05/2004 một công dân Pháp cũng nộp đơn đăng ký chính đối tượng X' đó tại cơ quan sở hữu trí tuệ của Pháp. Ngày 05/05/2004 công dân Việt Nam đó mới nộp đơn đăng ký bảo hộ đối tượng này tại Pháp. Theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên thì đơn của công dân Pháp nộp ở Pháp sẽ hợp lệ (vì đơn nộp sớm hơn tại Pháp). Tuy nhiên trong trường hợp này công dân Việt Nam có thể xin hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn đơn đã nộp sớm hơn tại Việt Nam (nộp ngày 02/02/2004). Do đó đơn của công dân Việt Nam nộp ở Pháp sẽ được tính là ngày 02/02/2004.

Việc quy định quyền ưu tiên mang lại lợi ích thiết thực cho người nộp đơn khi đơn này muốn đạt được sự bảo hộ của nhiều quốc gia khác nhau, họ không phải nộp đồng thời tất cả các đơn tại nước xuất xứ và các nước khác nhau mà có thời hạn nhất định để xem xét lựa chọn việc nộp đơn yêu cầu bảo hộ tại quốc gia nào thiết thực nhất vì các đơn nộp sau này sẽ có ngày ưu tiên là ngày nộp đơn đầu tiên. Nó ngăn chặn hữu hiệu người khác lợi dụng đăng ký đối tượng đó tại các quốc gia khác khi người nộp đơn chưa kịp làm việc này và cũng tránh được tình trạng người nộp đơn phải nộp nhiều đơn khác nhau tại một thời điểm.

2. Nội dung của quyền ưu tiên.

a. Các đối tượng sở hữu trí tuệ được hưởng quyền ưu tiên.

Theo quy định của công ước Paris thì đối tượng được hưởng quyền ưu tiên bao gồm: Sáng chế, Mẫu hữu ích (còn gọi là Giải pháp hữu ích), KDCN, Nhãn hiệu " Bất kỳ người nào đã nộp đơn hợp lệ xin cấp Patent hoặc xin đăng ký mẫu hữu ích, KDCN hoặc Nhãn hiệu hàng hoá tại một nước thành viên của Liên minh, hoặc người thừa kế hợp pháp của người đó, trong quá trình nộp đơn tại nước khác sẽ được hưởng quyền ưu tiên" (Khoản a (1), Điều 4). Công ước UPOV tại điều 11 có quy định: "Bất cứ nhà tạo giống nào đã nộp đơn yêu cầu bảo hộ giống cây trồng theo quy định của một trong các Bên ký kết ("đơn đầu tiên'') đều phải được hưởng quyền yêu tiên". Vậy quyền ưu tiên có này được giành cho các đối tượng của quyền tác giả và quyền liên quan (Copyright and Related Right) ? Theo quy định chung của hầu hết các hệ thống pháp luật trên thế giới, các đối tượng bảo hộ của quyền tác giả (gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học) và quyền liên quan (cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa) được bảo hộ từ thời điểm chúng được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định mà không cần đăng ký bảo hộ, không phụ thuộc vào việc có đăng ký đối tượng đó hay không nên việc quy định quyền yêu tiên trong việc đăng ký là không cần thiết. Trong khi đó, quyền Sở hữu đối với một số đối tượng sở hữu trí tuệ khác như Sáng chế, KDCN, Nhãn hiệu, Giống cây trồng mới chỉ phát sinh trên cơ sở việc đăng ký đối tượng này tại cơ quan Sở hữu trí tuệ. Hơn nữa, do tính chất giới hạn của việc đăng ký các đối tượng này chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ quốc gia nhất định nên cần có một cơ chế ghi nhận quyền yêu tiên cho người nộp đơn trước tại một quốc gia khác.

b. Điều kiện để được hưởng quyền ưu tiên

Để được hưởng quyền ưu tiên người nộp đơn phải đáp ứng được các điều kiện sau đây: (i) có đơn nộp sớm hơn tại một/các nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về quyền ưu tiên; (ii) Đơn xin hưởng quyền ưu tiên phải đề cập đến cùng một đối tượng như trong đơn đầu tiên; (iii) Đối tượng hưởng quyền ưu tiên phải là Sáng chế, Mẫu hữu ích, Kiểu dáng công nghiệp, Nhãn hiệu (theo Công ước Paris) Giống cây trồng mới (Công ước UPOV). Tuy nhiên, trong Khoản E, Điều 4 Công ước Paris cũng có quy định rằng "(1) Nếu một đơn KDCN nộp tại một nước với yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở một mẫu hữu ích, thời hạn hưởng quyền ưu tiên sẽ là thời hạn cho KDCN (2) có thể cho phép nộp một đơn mẫu hữu ích tại một nước với yêu cầu hưởng quyền yêu tiên trên cơ sở một đơn sáng chế và nguợc lại". Có thể xảy ra trường hợp cùng một Giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn xin bảo hộ tại nhiều quốc gia khác nhau nhưng mỗi nước có thể bảo hộ các đối tượng này theo cơ chế khác nhau do tính tương tự giữa chúng, điều này phụ thuộc vào pháp luật của mỗi nước. Để khắc phục điều này, Công ước Paris đã dự liệu trường hợp người nộp đơn có thể hưởng quyền ưu tiên của KDCN trên cơ sở một đơn yêu cầu bảo hộ một mẫu hữu ích nộp sớm hơn tại một quốc gia khác hay đơn sáng chế trên cơ sở mẫu hữu ích và ngược lại. Cùng với đó người nộp đơn được hưởng quyền ưu tiên từ nhiều đơn cũng như từ một phần của đơn nộp trước "Nếu kết quả xét nghiệm khẳng định đơn sáng chế bao gồm nhiều sáng chế, người nộp đơn có thể tách đơn thành một số lượng nhất định các đơn riêng và giữ ngày nộp đơn ban đầu là ngày nộp đơn của mỗi đơn đó và giữ nguyên quyền ưu tiên nếu có...người nộp đơn cũng có thể tự mình chủ động tách đơn sáng chế và giữ nguyên ngày nộp đơn ban đầu của mỗi đơn mới tách và giữ nguyên quyền ưu tiên. nếu có". (Điểm G, Điều 4, Công ước Paris).

c. Thời hạn hưởng quyền ưu tiên và các trường hợp không được hưởng quyền ưu tiên .

Đối với từng đối tượng khác nhau, thời hạn để người nộp đơn hưởng quyền ưu tiên cũng khác nhau. Thời hạn hưởng quyền ưu tiên đối với Sáng chế và Mẫu hữu ích là 12 tháng và đối với KDCN và Nhãn hiệu thì thời hạn này là 06 tháng, kể từ ngày nộp đơn đầu tiên, ngày nộp đơn đầu tiên không tính vào thời hạn. Công ước UPOV yêu cầu các thành viên tham gia phải quy định quyền yêu tiên là 12 tháng đối với nhà tạo giống cây trồng mới. Thời hạn này cũng được tính từ ngày nộp đơn đầu tiên và ngày nộp đơn không tính vào thời hạn. Những quy định này không chỉ áp dụng trong phạm vi đăng ký vào một quốc gia mà cả khi đăng ký quốc tế, các đơn này vẫn được hưởng quyền này. Tại Điều 9 Thoả ước La - Hay về đăng ký quốc tế KDCN quy định " Nếu đơn đăng ký quốc tế KD được nộp trong vòng 6 tháng kể từ ngày nộp đơn đầu tiên đăng ký cùng một KD đó tại một nước khác là nước thành viên của liên minh quốc tế về bảo hộ sở hữu công nghiệp, và nếu đơn quốc tế được hưởng quyền ưu tiên, thì ngày ưu tiên sẽ là ngày nộp đơn đầu tiên". Nghị định thư liên quan đến Thoả ước Madrid về đăng ký quốc tế Nhãn hiệu quy định vấn đề này tại Điều 4 "Mọi đăng ký quốc tế được hưởng quyền ưu tiên..." . Điều này giúp cho người nộp đơn chỉ phải nộp lệ phí xin hưởng quyền yêu tiên ở một cơ quan quốc tế duy nhất thay vì phải nộp lệ phí đó ở tất cả các quốc gia đăng ký có yêu cầu xin hưởng quyền ưu tiên và mức lệ phí cũng sẽ tiết kiệm hơn.

Quyền ưu tiên là một lợi thế thiết thực cho nguời có đơn nộp trước nhưng không phải lúc nào họ cũng được hưởng quyền năng này : "...Nếu tại thời điểm nộp đơn sau, đơn nộp trước nói trên đã được rút bỏ, không được xem xét tiếp hoặc bị từ chối nhưng chưa đưa ra xét nghiệm công chúng và không để lại bất cứ quyền nào chưa giải quyết, và nếu chưa phải là cơ sở để hưởng quyền yêu tiên. Lúc đó, đơn nộp trước sẽ không được dùng làm cơ sở để hưởng quyền ưu tiên" (Điểm 4, Khoản C, Công ước Paris). Quy định này nhằm hạn chế những người nộp đơn trước lợi dụng điều này để xin hưởng quyền ưu tiên một cách không hợp lý khi đơn đã rút bỏ hoặc bị từ chối chính thức..

3. Quy định về Quyền ưu tiên trong hệ thống pháp luật Việt Nam

Tại Bộ luật Dân sự năm 1995, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Nghị định 63/NĐ - CP của Chính phủ quy định chi tiết về Sở hữu công nghiệp, Thông tư 29/2003/TT-BKHCN và Thông tư 30/2003/TT-BKHCN của Bộ khoa học Công nghệ ... đã có ghi nhận quyền ưu tiên đối với người nộp đơn. Theo quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ thì đối tượng sở hữu trí tuệ được hưởng quyền ưu tiên gồm có: Sáng chế, KDCN, Nhãn hiệu (Điều 91) và Giống cây trồng mới (Điều 167). Để được hưởng quyền ưu tiên, người nộp đơn phải đáp ứng được các điều kiện sau đây:

(i) Có một đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước nước là thành viên điều ước quốc tế mà việt nam là thành viên hoặc nước có thoả thuận áp dụng quy định như vậy đối với Việt Nam.

(ii) (ii) Người yêu cầu hưởng quyền ưu tiên là công dân Việt Nam hoặc công dân của nước khác tại điểm (i) trên đây hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại các nước quy định tại điểm (i) trên đây;

(iii) (iii) Đơn xin hưởng quyền ưu tiên phải đề cập đến cùng một đối tượng như trong đơn đầu tiên

(iv) (iv) Đơn xin hưởng quyền ưu tiên phải nộp trong thời hạn được hưởng quyền ưu tiên và các giấy tờ tài liệu và lệ phí hưởng quyền ưu tiên.

Trước đây, trong Nghị định 63/CP chúng ta còn quy định: "Người nộp đơn...có thể yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở một đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ với cùng một đối tượng được nộp sớm hơn tại một nước khác hoặc trên cơ sở trưng bày đối tượng nêu trên tại một triển lãm quốc tế chính thức..." (Điều 17). Ngày trưng bày đối tượng tại triển lãm được coi như là ngày nộp đơn đầu tiên. Quy định này nhằm bảo vệ việc sao chép nhất là đối với Sáng chế, KDCN khi chúng được giới thiệu công khai tới công chúng. Tuy nhiên trong Luật sở hữu trí tuệ, quy định về việc hưởng quyền yêu tiên trên cơ sở trưng bày tại triển lãm đã được loại bỏ. Về mặt thực tế, quyền ưu tiên là một lợi thế không thể phủ nhận của những người đã có đơn nộp sớm hơn, nhưng nó sẽ đồng nghĩa với việc người nộp đơn sẽ sớm phải bộc lộ nội dung đơn của mình (vì thời hạn nộp đơn sau tính từ ngày nộp đơn đầu tiên) dẫn đến việc các đối thủ cạnh tranh có thể dễ dàng tiếp cận đến đối tượng. Vì vậy, Khoản 6, Điều 17 NĐ 63/ ND - CP có quy định: "Người nộp đơn có thể rút yêu cầu quyền yêu tiên để trì hoãn việc công bố đơn cấp Văn bằng bảo hộ". Nếu so sánh các quy định của pháp luật của nước ta với các điều ước quốc tế trong lĩnh vực này ta thấy: về cơ bản các quy định của pháp luật Việt Nam là phù hợp với luật quốc tế nhưng vẫn còn một số những vấn đề mà chúng ta chưa quy định thật cụ thể như: việc xin hưởng quyền ưu tiên trong trường hợp tách đơn, nhập đơn, quyền ưu tiên từ nhiều đơn hay các trường hợp không được hưởng quyền ưu tiên...chưa thật cụ thể và rõ ràng. Vì vậy, khi ban hành văn bản dưới luật hướng dẫn Bộ luật dân sự cũng như Luật sở hữu trí tuệ mới được thông qua, chúng ta cần quy định cụ thể và chi tiết hoá những vấn đề này./.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #fantasy