§ PHẦN II: CHƯƠNG 21 - Lặng Lẽ London
London một ngày vắng lặng
Hôm qua là buổi học cuối cùng của kì khoá này tại trường nơi tôi đang giảng dạy. Thời gian quả thật trôi nhanh hơn bất cứ thứ gì mà tôi có thể tưởng tượng, đến nỗi nếu chẳng phải không khí rạo rực sôi nổi của mùa hè ập đến từng ngõ ngách của Campus, đâu đâu cũng nghe râm ran mấy cô cậu sinh viên bàn tán về kế hoạch du ngoạn trong kì nghỉ,... chắc có lẽ một tâm hồn già cỗi như tôi cũng không tài nào để ý đến.
Sáng nay tôi tỉnh giấc hơi trễ hơn mọi ngày. Vừa thức dậy đã thấy cửa sổ phòng mở lớn, mảnh rèm hoa cột ngay ngắn hai bên, trên bàn làm việc còn pha sẵn ly cà phê nghi ngút khói. Không có tiếng thúc giục tham dự buổi Lecture hay Seminar nào vương vấn trong đầu, tôi bỗng dưng khao khát muốn vươn vai đứng dậy, chậm rãi đến bên khung cửa sổ lớn của căn phòng công vụ, nhìn ngắm xa xăm về một London quá đỗi thân quen...
Tôi đến với mảnh đất London hoa lệ này - tính ra cũng đã là mười năm có lẻ. Nơi đây chứng kiến con người tôi từ một cậu thanh niên sốc nổi nhiệt huyết trở thành người đàn ông như ngày hôm nay, đủ để có thể hiểu hai chúng tôi gần gũi, thân thuộc đến nhường nào.
Dr.Samuel Johnson từng phát biểu một câu nói vô cùng nổi tiếng: "When a man is tired of London, he is tired of life." ( Khi người nào bảo chán London thì có nghĩa hắn đang chán đời ). Thời mới sang đây học, tôi còn từng cả nghĩ, liệu có lúc nào mà thành phố này bớt xinh đẹp đi không? London như cô gái mỹ miều phóng khoáng, lúc tươi vui rực rỡ, khi đẫm lệ tương tư, vẻ đẹp hiện lên trong từng kiến trúc mộc mạc mà sang trọng, tinh tế như quyến luyến lấy tâm hồn tự do phiêu lưu của bất cứ chàng trai trẻ nào.
London trong tôi - suốt mười năm qua - chưa giây phút nào phai nhạt. Vậy mà giờ đây, đứng giữa lòng thành phố xinh đẹp, tâm hồn tôi lại không giữ nổi cho mình chút bình yên...
Trời London hôm nay vàng ruộm sắc nắng - nhắc tôi về những tháng ngày nơi quê nhà mênh mang nỗi nhớ..
Lần ấy tôi về Việt Nam, nói cho cùng cũng là do sự thúc ép không ngừng của ba mẹ. Là con trai cả trong một gia đình quy củ, truyền thống, nói ra sự thực này, tuy có chút xấu hổ, nhưng tôi vốn không thích bị áp đặt. 27 tuổi đầu, công danh - đạt được đôi chút, sự nghiệp - cũng coi là có triển vọng, tôi biết - cha mẹ tha thiết gọi tôi về - cốt là muốn đeo vào chân đứa con trai này một chiếc cùm vàng, trói chặt hai chân mong nó có thể ngoan ngoãn ở bên hai vị.
Tôi của tuổi 18 từng hùng hổ đem sức mạnh cùng tinh thần thép lúc ấy vùng vẫy, giẫy đạp bằng mọi cách để thoát khỏi vòng vây chật hẹp đó. Nhưng phàm là con người, rồi sẽ đến thời điểm, bạn chọn cách quay đầu, không phải vì không còn sức chống trả, mà bởi vì, có những chuyện, thà cứ để mình phó mặc theo dòng nước trôi, để xem xem đến cuối cùng nước sẽ chảy về đâu..
Về nước, người đầu tiên ra đón tôi - không phải người nhà - mà là thầy hiệu trưởng. Thầy Minh xuất hiện trong sự ngỡ ngàng của tôi, cộng thêm thái độ niềm nở tay bắt mặt mừng hiếm thấy từ thầy ý, đứa mang học vị tiến sĩ khoa học này mới ngộ ra sự thực cay đắng, xem ra lần này nhị vị phụ huynh nhà tôi bỏ ra không ít quyết tâm!
Dự tính về nhà qua loa dăm bữa nửa tháng thăm thú vui chơi, thế quái nào lại nghe được tin động trời, có người nào đó đã ra mặt đồng ý việc tiến sĩ Minh Khang về trường hỗ trợ bồi dưỡng đội tuyển toán thi quốc gia. Cái người có sức mạnh lời nói đến thế, không cần gặng hỏi, tôi cũng biết là ai. Thế là, nể mặt 30 năm công tác trong ngành giáo dục, 27 năm nuôi nấng sinh thành, đứa con hiếu thảo lúc ấy là tôi đây coi như đã không còn lối thoát.
Ở Anh thời điểm đó tôi tuy chưa giảng dạy chính thức nhưng cũng tham dự cơ số giảng đường, kiến thức sư phạm không đến nỗi tệ, cộng thêm quá khứ lẫy lừng khi xưa ở cái đội tuyển toán ấy, tôi chẳng mấy khó khăn với công việc tạm thời này, vừa hay lại né được bảy bảy bốn chín đám tiệc nhà này nhà kia, bởi đơn giản tôi biết, âm mưu của ba mẹ tôi sau những bữa hội họp ý là gì.
Nói sao nhỉ? Lớn tuổi rồi, tôi không đến nỗi dị ứng với chuyện yêu đương nam nữ, nhưng kết hôn - tuyệt nhiên là không. Tôi chưa muốn, chưa sẵn sàng với việc xếp hết cuộc sống xung quanh để dành thời gian chăm chút cho gia đình của riêng mình. Những thứ tôi bận tâm lúc ấy vẫn chỉ là những trang paper hằng đêm viết dở, những bài đánh giá, những chuyên trang khoa học,... cố vùi sâu vào chúng, như cố vớt vát những ngày tháng tự do bay nhảy khi xưa..
Tới trường loanh quanh trao đổi với thầy hiệu trưởng vài hôm, tôi cũng quen với nhịp sinh học của một ông giáo trẻ, sáng đánh xe đi dạy chiều đánh xe về, đốt thời gian cũng không tệ. Đến một hôm, thầy Minh giao nhiệm vụ tổ chức ngoại khoá khối chuyên, thành ra tôi hết ăn không ngồi rồi, cũng có công việc hẳn hoi mà làm.
Về đúng với chuyên môn, tôi hăng say dựng bài, bố trí thiết bị, sắp xếp chương trình, mọi thứ đều muốn tự tay chỉn chu, không muốn nhờ thêm một ai giúp đỡ. Không hiểu sao, về đây tôi lại thích làm việc một mình trong không gian yên tĩnh thế, chắc có lẽ lớn tuổi rồi, không còn hợp với khí thế nồng nhiệt của mái trường phổ thông. Mải mê đến quá cả giờ trưa, tôi phi vội ra căn-tin xem có gì bỏ bụng được không, nhưng cơm sáng thì nguội lạnh cả, đồ ăn trưa thì canh chua cay lủng bủng, nghĩ đến cái bệnh đau dạ dày trong bụng, tôi đành mua đại lấy ổ bánh ngọt cùng vài thứ bánh kẹo lấy lệ.
Thế nhưng vừa về đến hội trường, chứng nào tật nấy, tay chân tôi lại cuốn vào mớ công việc, chẳng buồn bận tâm đến đống đồ ăn nằm im lìm trong cặp táp...
Có những chuyện, vốn dĩ là sắp đặt của ông trời, những thứ ta chẳng ngờ nhất lại đến vào thời điểm ta không trông đợi nhất
Nghĩ lại vẫn thấy đôi chút buồn cười. Lúc ấy tôi đang nghiên cứu phương án lắp cái máy chiếu sao cho ổn, một mình căn chỉnh mãi vẫn không hài lòng, vừa ngửa mặt lên suy nghĩ thì thấy có một cô bé học sinh "chạy lạc" trên hàng ghế khán đài từ lúc nào. Cô bé ngồi không xa không gần, chắc có thể giúp tôi canh xem vị trí máy chiếu đã cân chưa.
Tôi mở lời yêu cầu giúp đỡ, nhưng không thấy em phản ứng gì, tôi ráng nói to hơn, hội trường có độ vang khá tốt, chỉ có tôi với cô bé ấy, nhưng em vẫn lặng im chăm chú viết gì vào quyển sách trước mắt... Tôi nghệch mặt ra cả phút, nhưng rồi mỉm cười cho qua, nói gì chứ, lúc tôi tập trung nghiên cứu cũng ghét nhất bị người khác làm phiền còn gì!
Trở lại với công việc, tiến sĩ tôi lại loay hoay tự mình xử lý, mấy chuyện vừa xảy ra vốn dĩ cũng như gió thoảng mây bay, người làm thầy như tôi cũng chẳng buồn để bụng. Thế mà... được một lúc, tôi gần như phải dừng toàn bộ hoạt động lúc đó của mình lại, bởi một tiếng động kì lạ bỗng vang lên trong căn phòng vắng vẻ...
Tiếng giọng ca nữ ngân nga! Một câu rồi hai ba câu tiếp theo cứ tự nhiên theo đó vang lên. Tôi giật mình chứ, vội vàng quay mặt ra xem. Cô bé trên khán đài vừa hát vừa chăm chăm chuyển động cánh tay trên trang giấy. Tiếng ca khẽ khàng rồi ngắt quãng, nhưng đôi mắt và ngón tay kia chưa giây phút nào ngừng lại, em ấy vẽ chứ không phải viết..
Tôi cứ đứng sững ra đó, chờ xem cô bé làm gì tiếp theo. Quan sát một hồi mới nhận ra em ý đeo tai nghe, chắc là tập trung quá đây mà, nghĩ đến chuyện ban nãy, tự nhiên tôi bật cười, cũng chẳng biết có gì buồn cười, nhưng lại thấy rất vui..
Cuộc đời của mỗi người vốn dĩ là một đường thẳng. Sẽ có lúc ta gặp được người, cắt ngang cuộc đời mình, và rồi biến mọi thứ xung quanh tiếp diễn như một đường gấp khúc, mãi mãi để lại một ấn tượng mạnh mẽ không thể nào quên...
Tuy đang độ mùa hè, nhưng đặc sản của vương quốc Anh chẳng phải là sương mù hay sao. Nắng chiếu rọi xuyên qua lớp sương giăng kín phố phường, khiến cho bất cứ ai - không tránh được - tơ tưởng mãi về những kí ức nhạt phai..
Tôi chẳng cách nào quên được ánh mắt em nhìn tôi đêm hôm ấy. Thứ tan vỡ, tổn thương ngập trong đôi mắt long lanh đó ám ảnh tôi từng giấc ngủ trong khoảng thời gian đầu tôi trở lại London. Lúc em quay lưng bỏ đi, tôi vẫn chưa hiểu rõ lòng mình. Đến tận cái ngày ra phi trường, một mình ngồi trong phòng chờ nhìn ra bầu trời đen lấp lánh ánh sao, rực rỡ như thứ ánh sáng đẹp đẽ toát ra từ đôi mắt ngây thơ trong trẻo ấy, tôi mới thấu tận cùng thứ gọi là nỗi đau cách trở. Khoảng cách giữa tôi và em - không phải là vạn dặm nghìn trùng, lại không phải ngày dài tháng rộng - người ta ca ngợi tôi tài trí hơn người, thế nhưng sao cố cách nào cũng không thể xoá nhoà khoảng cách xa xôi kia?
Nắng lên cao, sương dần tan hết, mụ mị trong lòng vì thế cũng bớt dần đi. Tôi xoay người tránh đi tia nắng chói chang chiếu thẳng vào mắt, khẽ hít vào lồng ngực một luồng hơi đầy. London bầu bạn cùng tôi suốt những năm tháng tuổi trẻ, giờ lại ở đây lặng lẽ lắng nghe trái tim tôi giãi bày tâm sự..
"Cuộc đời anh đặt tên là 'Muộn Phiền'
Nên làm sao dám mơ
Mình may mắn được trọn vẹn cùng em
Ta phải xa em mặc kệ nước mắt em rơi
Vì những nguyên do
Cả đời không dám đối diện
Chỉ còn vài gang tấc nhưng lại xa xôi
Tình mình tựa đôi đũa lệch đành buông trôi
Cầu mong em sẽ sớm quên được tất cả
Tìm thấy một người xứng đáng ở bên..."
-----------
|TRUYỆN: NHƯ GIÓ THOẢNG QUA NHƯ HOA ĐỌNG LẠI |
--------
Tác giả: Quyên Quyên - the_sundayspotlight
--------
Làm một tour London mở màn cho phần mới của #NGTQNHDL vầy đó phấn khích không cả nhà ơi 🎡🌆🌇
Bạn đọc nhớ siêng cmt và thả sao cho Q có động lực viết tiếp câu chuyện đầy tình cảm này nhé, bật mí là phần 2 của truyện có khá nhiều tình tiết đầy thú vị và bất ngờ nhé ^^
Yêu thương và nhớ các bạn nhiều lắm, thật đấyyyyy 💓💗💞
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top