Phong Thuỷ Bắc Kinh
Tác giả: 一只鱼的传说
Lâu lắm không kể về chuyện phong thủy thành thị.
Lúc trước từng nói muốn kể chuyện phong thủy của từng thành phố khác nhau.
Trung Quốc đất rộng, của cải dồi dào, dân cư đông đúc, mỗi một thành phố đều có từng khí chất khác nhau, như chính khí Bắc Kinh, cổ khí Tây An, huyết khí Nam Kinh, thấp khí Thâm Quyến, vu khí Trùng Khánh, mỗi nơi khác biệt, rất chi thú vị.
Cái gọi là khí chất thật ra chính là phong thủy.
Từ trước đến nay, Trung Quốc là một quốc gia đặc biệt coi trọng phong thủy.
Bác Trương của tôi- một chuyên gia kiến trúc học, còn có Lão Tô, hai người họ từng nói: "Kiến trúc học cổ đại, hơn một nửa đề cập đến phong thủy."
Ở Trung Quốc, bất luận là xây tòa thành hay xây một kiến trúc lớn mang phong cách đặc biệt nào đó, điều đầu tiên cần phải xem xét đến luôn là phong thủy.
Đặc biệt là nơi đóng đô của một nước (thủ đô) thì càng phải thận trọng hơn, nhưng nói ra cũng rất thần kỳ, mọi người có thể thử suy nghĩ một tẹo, bất kỳ thành thị nào từng làm kinh đô thời cổ đại đều hiếm khi gặp phải thiên tai trọng đại.
Quả thật vô cùng thần kỳ.
Rất nhiều người nói người Trung Quốc không có tín ngưỡng.
Tín ngưỡng của người Trung Quốc chính là chủ nghĩa dùng vào thực tế, hữu dụng thì cứ dựa theo mà dùng, không cần hỏi tại sao.
Như thế cũng được, dùng được thì cứ lấy mà dùng.
Bạn hỏi tôi tại sao ư, tôi cũng không biết giải thích thế nào, hơn nữa nói nhiều quá, triều đình sẽ không vui, cho nên chúng ta hãy bàn vào chuyện chính thì hơn.
Hôm nay kể về Bắc Kinh.
Nói về Bắc Kinh, chúng ta từng bàn tới chuyện nuôi rồng ở Di Hòa Viên, hôm nay tiếp tục kể về một nơi tương tự như vậy: Công viên Bắc Hải.
(*)Chuyện nuôi rồng ở Di Hòa Viên liên quan đến yếu tố chính trị giữa hai nước Việt- Trung nên mình xin phép không dịch nhé.
Câu chuyện này tương đối đặc biệt, do một người họ hàng thân thích của vợ tôi kể lại.
Mấy ngày trước, sức khỏe bà nội vợ tôi không tốt, chúng tôi cùng nhau đi thăm bà.
Bà nội là người Bắc Kinh, xuất thân từ dòng dõi thư hương thế gia.
Thư hương thế gia này làm sao giải thích đây?
Nói thế này đi, bây giờ chúng ta hình dung mô tả một gia đình nào đó là thư hương môn đệ, chúng ta đều bảo rằng gia đình này sự giáo dục tốt, có bao nhiêu thiếu niên trẻ tuổi thi đậu vào Thanh Hoa, Bắc Đại.
Nhà vợ tôi không nói về chuyện này, họ đều nói, có bao nhiêu người trong nhà là giảng viên ở Thanh Hoa, Bắc Đại.
Họ nghe đồn tôi là một "nhà văn lớn", mấy bậc trưởng bối trong nhà vô cùng có hứng thú, ai nấy đều muốn trò chuyện với tôi.
Tôi hổ thẹn quá trời, "nhà văn?", "nhà" thì không tới đâu, "văn" thì chỉ có một tẹo, cho nên không dám xoáy vào văn hóa, chỉ nói một chút về văn hóa phong tục dân gian, các hiện tượng thần bí, phương diện này vẫn là tôi biết nhiều hơn một chút.
Nói tới nói lui, vô tình nói tới Công viên Bắc Hải.
Họ nói, cụ ông (ông cố vợ tôi) năm đó có quyên góp tiền tu sửa Bạch Tháp, cho nên vẫn còn dính một chút ngọn nguồn bên đó.
Tôi bất giác sửng sốt, tư nhân quyên góp tiền tu sửa Bạch Tháp, đây là thân phận gì?
Sau này nghĩ lại, cũng hiểu được đôi chút.
Trước đây từng kể chuyện về Hương Sơn, gia đình vợ tôi là đại gia tộc ở Ký Trung, trong nhà mở nhà máy chưng cất r.ượu, cửa hàng tơ lụa, tiệm thuốc, phân nửa thành phố Bảo Định thuộc quyền sở hữu của nhà họ, còn bán mấy con phố, chuộc về một sĩ quan cao cấp.
Ông cố năm đó thuộc "phe mới", làm báo chí, học ngoại giao, cũng gắng sức ủng hộ văn hóa truyền thống, thường quyên góp tiền của, xây cầu lát đường, mỗi năm quyên tặng rất nhiều tiền cho các chùa chiền, đạo quán, còn là hội trưởng hội Phật giáo địa phương.
Thân là hương thân, tu sửa Bạch Tháp âu cũng là việc nên làm.
Nếu đã từng tham gia tu sửa Bạch Tháp, tôi đương nhiên muốn tham vấn một chuyện: "Bạch Tháp có chuyện gì thần bí hay không?"
Tôi hỏi thế đều có nguyên do cả.
Mười mấy năm trước, có một tác giả người Bắc Kinh từng kể một chuyện, anh cùng mẹ mình đi chèo thuyền ở công viên Bắc Hải, khi thuyền đến giữa hồ thì bắt gặp một con rùa khổng lồ to bàn cái bàn, con rùa đuổi theo, húc mạnh vào mạn thuyền, suýt chút nữa chiếc thuyền nhỏ đã lật chìm giữa hồ.
Sau đó tôi còn đặc biệt hỏi anh, việc này có thật hay không?
Anh nói đó là sự thật, lúc đó thuyền vừa vào bờ, mẹ anh liền lên cơn đau tim.
Tôi cho rằng không ai dám lấy sức khỏe và tính mạng của mẹ mình ra nói đùa được cho nên tôi tin đây là sự thật.
Sau đó, nhìn thấy hung trạch bên này, gặp được Cốc sư phụ, ông cũng từng kể cho tôi nghe chuyện liên quan tới Bạch Tháp.
Cốc sư phụ bảo, ông già mặc đồ đen hay chơi cờ trước thôn, trước đây là "thư sinh bóng đêm" đỉnh đỉnh đại danh, giống như phi tặc Yến Tử Lý Tam truyền kỳ.
(*) Yến Tử Lý Tam: một nhân vật trong truyền thuyết dân gian Trung Quốc lưu truyền thời cận đại, sau mỗi lần t.rộm c.ắp thường nhét con "én/yến" làm bằng giấy tại nơi gây án, thường biết đến như một tên trộm chính đạo, cướp của người giàu chia cho người nghèo.
Người ông yêu năm đó mắc bệnh nặng, danh y khắp nơi đều lắc đầu từ chối, chỉ có thể ở trong miếu hoang chờ c.hết.
Thư sinh bóng đêm được một hòa thượng chỉ điểm, đi Bạch Tháp trộm máu cứu người.
Sau khi bước ra ông nói: "Bạch Tháp thâm sâu khó dò, giống như là một thần giới độc lập một phương, có đủ loại thần vật trấn giữ."
Nếu không phải vì nóng lòng cứu người và ý chí lớn lao của ông, đoán chừng không thể ra khỏi đó được.
Sau khi ra khỏi Bạch Tháp, ông đốt sạch quần áo hành nghề, lui về ẩn cư trong cái thôn nhỏ bé này, không còn đặt chân đến gần sông hồ lần nào nữa, từ đó để lại một đoạn truyền thuyết về sông nước.
Còn về chuyện năm đó, rốt cuộc ông gặp phải thứ gì trong Bạch Tháp, trong Bạch Tháp rốt cuộc đang cất giấu thứ gì thì chẳng ai biết cả.
Vì thế rất khó để gặp được người hiểu rõ về Bạch Tháp, tôi đương nhiên phải cố gắng nắm bắt cơ hội rồi.
Không ngờ sau khi tôi hỏi tới vấn đề này, mấy bậc trưởng bối vốn rất thích luyên thuyên lại lặng im không nói lời nào.
Sau đó, có một vị kể sơ một chút.
Ông nói: "Bạch Tháp được xây dựng lần đầu tiên ở Bắc Hải, cho nên gọi là Bạch Tháp Bắc Hải, nếu cậu muốn tìm hiểu về Bạch Tháp, trước tiên phải hiểu được Bắc Hải."
Sau đó ông giảng giải một chút về lịch sử Bắc Hải. Ông nói, bây giờ chúng ta nói đến "Bắc Hải", "Trung Nam Hải" đã sớm trở thành địa danh và chúng là hai nơi hoàn toàn khác nhau.
Thật ra xét từ thuở xa xưa, Bắc Hải và Trung Hải, Nam Hải vốn dĩ đều là tên gọi của một dòng sông, chia làm ba khúc sông chính, dùng hai cây cầu ngăn cách nhau.
Ba khúc sông này nối liền lại gọi là Thái Dịch Trì. Thái Dịch Trì này từ xưa đến nay thuộc địa bàn riêng của hoàng tộc, bởi bì phong thủy vô cùng tốt, tuyên truyền toàn bộ long mạch tổ tiên đều nằm quy tụ tại đây, bên dưới đáy hồ là hang rồng.
Thời Liêu, Kim: một công trình lần đầu tiên được xây dựng rầm rộ ở Bắc Hải, kiến dựng Thái Ninh cung.
Triều nhà Nguyên, nơi này lần đầu tiên được tu sửa thành hoàng cung.
Đến thời nhà Minh, nơi này bắt đầu sớm nhất là Yến Vương phủ.
Đợi Yến Vương đăng cơ hoàng đế, ông đem nơi này tu sửa làm hành cung, uy nga tráng lệ, cuối cùng hình thành nên kết cấu ba khúc sông phía sau.
Ở đây phải giải thích một tẹo, lúc Minh Thành Tổ (Chu Đệ) tu sửa hành cung, ông đã hạ lệnh đào bới biển Nam, khai thác được một lượng đất vô cùng lớn, những lớp đất này chất đống lại tạo thành một hòn đảo nhỏ, lấy tên là Đài Doanh.
Tên này ai nấy đều phải ghi nhớ, cúi đầu cũng phải tiếp tục nói.
Đến triều nhà Thanh, Thuận Trị Đế mới tu sửa Bắc Hải thành Bạch Tháp, đảo Bạch Tháp còn gọi là núi Bạch Tháp, sau này mỗi năm đến ngày 25 tháng 10 âm lịch đều tổ chức "Bạch Tháp nhiên đăng".
(*)Bạch Tháp nhiên đăng: lễ hội thả hoa đăng và lồng đèn tại Bạch Tháp.
Nhiên đăng này được cho là có liên quan đến việc Thuận Trị Đế xuất gia tại Ngũ Thái Sơn, đây là một lễ nghi vô cùng đặc biệt.
Trên bờ phía Bắc của Bắc Hải có một ngôi nhà thiền định.
Đây là nơi dành cho thái tử học, vị thái tử đầu tiên được học tại đây là vua Càn Long.
Trong thời gian vua Quang Tự trị vì, Từ Hi Thái Hậu đã biển thủ ngân quỹ hải quân để tu sửa ba khúc sông này, tu sửa thành nhà thiền định.
Năm 1900, liên quân tám nước xâm chiếm Bắc Kinh, trụ sở chỉ huy chính của quân xâm lược Nhật Bản đóng tại nhà thiền định này.
(*)Liên quân tám nước gồm: Anh, Pháp, Nhật, Đức, Nga, Ý, Mỹ, Áo.
Nơi này vốn dĩ thờ kính vạn phật, bên trong có hàng nghìn tượng phật cũng bị bọn họ cướp lấy mất.
Năm 1908, sau khi biến pháp Mậu Tuất thất bại, vua Quang Tự bị bắt giam ở Đài Doanh, sau đó mất tại nơi này, hòn đảo nhỏ mà vua Chu Đệ đào lên năm đó.
Ngày 3/6/1928, Đại Tổng thống Lê Nguyên Hồng qua đời, ngày hôm sau tại Thẩm Dương phát sinh cuộc ám sát Đại nguyên soái Trương Tác Lâm, điều này cũng đại diện cho việc kết thúc sự khống chế của quân phiệt Bắc Dương trong thời kì Trung Hoa Dân Quốc.
Ngày thứ năm, Tổng tư lệnh Quốc dân Cách mệnh Quân dẫn theo Phùng Ngọc Tường, Diêm Tích Sơn và Lý Tông Nhân phát động nghi thức tưởng niệm Đại tổng thống Lê Nguyên Hồng.
Nơi tổ chức đưa tiễn đó chính là công viên Bắc Hải.
Và Tổng tư lệnh Quốc dân Cách mệnh Quân năm đó là Tưởng Giới Thạch.
Sau này nhà thiền định đó trở thành viện bảo tàng lịch sử văn hóa, nơi vị hoàng đế cuối cùng Phổ Nghi làm việc.
Năm 1970, trùng tu Thiên An Môn, một số loại đá được sử dụng năm đó có nguồn gốc từ nơi thiền định Vạn Phật Lâu tại công viên Bắc Hải.
Hai năm sau đó, công viên Bắc Hải được bí mật đóng cửa, lần đóng cửa này kéo dài những bảy năm.
Bảy năm sau đã là năm 1978.
Năm đó, Trung Quốc cải cách mở cửa, công viên Bắc Hải cũng được mở cửa hoàn toàn, bây giờ mọi người đều có thể đặt chân đến đấy, vô cùng náo nhiệt.
Vị trưởng bối này tâm tình khá tốt, các sự kiện lịch sử vừa nói đã nhớ, cho dù năm đó xảy ra chuyện gì đều nắm rõ trong lòng bàn tay, một li cũng không sai.
Tôi cẩn thận lắng nghe, thầm nghĩ Bắc Hải quả thật không đơn giản, đặc biệt là hồ Bắc Hải, một nửa lịch sử Bắc Kinh đều nằm ở đó.
Nhưng mà cái tôi quan tâm nhất vẫn là rốt cuộc có thần vật gì trong Bạch Tháp!
Tôi mơ hồ nhắc đến vấn đề này, lão nhân gia vỗ vào vai tôi, nói: "Cùng nhau ăn bữa cơm sau đó đi Bắc Hải."
Chúng tôi đến một nhà hàng gần Bắc Hải, nhà hàng này nằm ở một vị trí vô cùng đẹp, trước Cửu Long Bích.
(*)Cửu Long Bích hay bức tường Cửu Long, vách tường Cửu Long là một loại hình tranh tường lớn làm từ các viên ngói lưu ly ghép thành hình ảnh chín con rồng.
Ông nói: "Trung Quốc hiện nay còn tồn lại ba bức tường Cửu Long, một bức ở Tử Cấm Thành, một bức ở Đại Đồng Sơn Tây, bức thứ ba chính là nơi này."
"Cửu Long Bích ở Bắc Hải không phải chỉ có chín con rồng mà có tới 635 con."
Tôi nhịn không nổi, hé miệng bảo: "Vậy... cái đó, vẫn là muốn hỏi ông một chút, năm đó ở Bạch Tháp...?"
Ông gật gật đầu: "Năm xây dựng Bạch Tháp, quả thật tăng nhân có gửi tới một phần lễ vật."
Mắt tôi sáng lên: "Quà gì?"
Ông nói: "Rất đặc biệt, một con cóc làm bằng mặc ngọc."
(*)Mặc ngọc: ngọc phỉ thúy màu đen như mực.
Tôi có chút bất ngờ: "Tăng nhân tặng một con cóc? Còn là con cóc làm bằng mặc ngọc?"
Mọi người có thể không biết, trên thực tế nếu như bạn quyên góp cho một ngôi chùa chiền, tu viện đạo quán nào đó (đương nhiên là số tiền phải tương đối lớn) thì họ sẽ tri ân bạn và tặng lại bạn một ít lễ vật.
Ví dụ như năm ngoái tôi làm lễ cầu phúc cho độc giả tại chùa Đại Bi ở Bắc Kinh, bên đó tặng cho tôi một cuốn Tâm Kinh của một vị cao tăng tự tay viết, Thanh Hải Đà Lạc tự cũng từng tặng cho tôi một chuỗi xá lợi.
Keo kiệt nhất là chùa Pháp Nguyên, năm đó tôi cúng dường 20 vạn tệ, họ tri tặng... vài quả táo.
Cho nên việc tu sửa chùa chiền là chuyện lớn, hơn nữa lão nhân gia cũng quyên tặng không ít tiền, nhất định là quyên góp rất rất nhiều tiền, tại sao bên đó chỉ dùng một con cóc để tri ân?
Ông gật gật đầu: "Rất lạ đúng không? Năm đó lão nhân gia cũng cảm thấy rất lạ, bèn hỏi thêm vài câu, hỏi khi thỉnh con cóc ngọc này nên sắp xếp thế nào mới thỏa đáng?"
Tăng nhân kia nói: "Không cần sắp xếp, tùy tiện tìm một chỗ trong nhà đặt vào là được."
Lão nhân gia hơi bực mình, cho rằng tăng nhân này đang giở trò nên mỉa mai nói: "Thật may mắn khi có cơ duyên lớn thế này, sau này làm thế nào để trả lại đây?"
Vị tăng nhân đó nói: "Không cần trả lễ tới lúc cần đi, nó sẽ tự quay về."
Lão nhân gia cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra, sau khi về đến nhà thì tiện tay đặt con cóc lên tủ sách.
Sau này, đại cách mạng văn hóa vô sản diễn ra, tầng lớp gia đình đương nhiên bị phá vỡ, trạch viện cũ không còn, gia sản cũng bị tịch thu, may là vẫn còn vài người ở lại, mấy đứa nhỏ trong tộc đều đến Đường Sơn làm thanh niên trí thức.
Có một buổi tối nọ, lão nhân gia không có nhà, cụ bà ở nhà một mình.
Đến gần nửa đêm, bà nghe thấy tiếng có người gõ cửa, bà hỏi: "Ai đó?"
Giọng nói bên ngoài rất cổ quái, giống như có người cố ý phồng má lên nói chuyện, thanh âm càu nhàu, khó nghe, bà cũng nghe không rõ, ngụ ý là: "Nhanh chóng gọi điện thoại giục cái con bà mau về nhà, sắp xảy ra chuyện lớn rồi."
Cả đời bà trải qua vô số phong ba bão táp, chuyện này cũng không đáng nhắc đến.
Nhưng đến nửa đêm, âm thanh đó lại phát ra hai lần, càng ngày càng thúc giục vội vàng.
Cụ bà cũng có chút hoảng sợ, trời sáng bèn đi đến quầy điện thoại công cộng gọi mấy đứa con về nhà, nói lão nhân gia bị bệnh nặng, bảo họ lập tức trở về nhìn mặt ông lần cuối.
Mấy người con vội vàng thu dọn đồ đạc, lập tức trở về.
Kết quả tối đêm đó xảy ra một chuyện vô cùng kinh thiên động địa.
Tôi hỏi: "Chuyện gì?"
Ông thờ ơ nói: "Ngày chúng tôi trở về là ngày 27/7/1976."
Vậy đó là ngày gì?
Tôi còn đặc biệt dùng điện thoại tra một tẹo, sau đó kinh ngạc, bất giác đứng thẳng dậy, nhìn chằm chằm ông.
(*)27/7/1976: trận động đất có cường độ 7,8 độ richter với tâm chấn nằm gần thành phố Đường Sơn, Hồ Bắc. Đây là trận động đất gây thương vong nhiều nhất thế kỷ XX, theo thống kê ban đầu của Chính phủ TQ đã có 655.000 người thiệt mạng, sau này được giảm xuống còn 240.000 đến 255.000 người, ước tính hơn 164.000 bị thương nặng vì trận động đất.
Ông gật gật đầu, thổi tách trà trên tay, uống một ngụm.
Tôi lại hỏi: "Vậy con cóc bằng mặc ngọc đó thì sao?"
Ông lắc đầu: "Từ hôm đó trở đi thì không còn thấy nữa."
Tôi lại hỏi: "Vậy sau đó...?
Ông nói: "Sau này lúc lão nhân gia qua đời, con cóc đó có đến viếng thăm một lần, đen như mực, giống như một miếng phỉ thúy màu đen kịt, nằm bò trên linh đường, làu bàu kêu hai tiếng rồi biến mất không thấy đâu."
Tôi bèn bùi ngùi, đây là thần vật a? Xem ra không ai biết nó đi đâu.
Ông cười, nói: "Thần vật này cũng có người không coi ra gì. Sau này, trong gia tộc có một tiểu cô nương, mới 5 tuổi đã cùng người nhà đi Bắc Hải chèo thuyền, con cóc này xuất hiện ở đó một lần, nhảy lên thuyền con bé, nhắm vào con bé mà phồng má kêu."
Tôi căng thẳng hỏi: "Sau đó thì sao?"
Ông nói: "Tiểu cô nương đó chê nó xấu, dùng gậy tre đánh nó rớt xuống hồ."
Tôi cười lớn: "Là ai mà có cá tính thế này?"
Vợ tôi ngồi kế bên đá đá tôi...
Tôi vẫn còn muốn hỏi chuyện liên quan đến Bạch Tháp, ông nói: "Thử cái này đi, bánh mì kẹp thịt băm, thủ tướng Chu năm đó rất thích ăn món này. Ông còn đặc biệt đề nghị cho thêm ít hành và năng ngọt vào trong thịt băm, ăn cho đỡ ngán. Thủ tướng Chu là người Hoài An, món ăn nổi tiếng của Hoài An là thịt viên sốt tương đỏ, chính là cách làm này."
----------------------------------------
Phần tiếp theo: Hung trạch
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top