3333

Khi còn nhỏ, tôi thường cùng mấy người bạn chơi đùa trên gác một ngôi nhà đã bỏ hoang từ lâu ở vùng tây bắc Missouri. Một lần, tôi nghịch ngợm đứng trên bậu cửa sổ để lấy đà phóng xuống đất. Không may, chiếc nhẫn đang đeo ở ngón trỏ trái bị mắc vào một đầu đinh nhọn và cứa đứt rời một ngón tay của tôi.
Tôi hét lên kinh hoàng. Tôi tin chắc mình sắp chết! Nhưng sau khi vết thương lành lại, tôi chẳng còn lo lắng một giây nào về điều đó nữa. Mà nếu lo lắng thì có được ích lợi gì? Tôi đã chấp nhận những điều không thể thay đổi.
Bây giờ, có khi cả mấy tháng tôi cũng không để ý về việc bàn tay trái của mình chỉ còn có bốn ngón.
Vài năm trước, tôi gặp một người đang điều khiển một xe nâng hàng ở một tòa nhà văn phòng tại New York và để ý thấy anh bị đứt cả bàn tay trái. Tôi hỏi liệu điều đó có làm anh phiền muộn không. Anh trả lời: “Ồ, không, tôi hầu như không bao giờ bận tâm. Tôi chưa kết hôn và lần duy nhất tôi nghĩ về nó là khi đang cố xâu sợi chỉ qua lỗ kim!”.
Thật đáng ngạc nhiên là trong hầu hết các trường hợp, khi tình thế bắt buộc chúng ta phải chấp nhận một điều gì đó, chúng ta đều có thể chấp nhận một cách nhanh chóng và hơn nữa thế, còn thích nghi với nó một cách tự nhiên.
Tôi thường nghĩ đến dòng chữ được khắc trên cửa của một nhà thờ từ thế kỷ thứ mười lăm hiện đã đổ nát ở Amsterdam, Hà Lan: “Nếu đúng như thế, thì không thể nào khác được”.
Trong cuộc đời, có thể bạn và tôi sẽ còn gặp nhiều tình huống khó khăn không thể tránh được. Khi đó, chúng ta có quyền lựa chọn: hoặc là chấp nhận nó như những điều không thể tránh khỏi và điều chỉnh bản thân để thích nghi, hoặc tự hủy hoại cuộc đời mình bằng cách phản kháng để dẫn đến một kết cục suy sụp thần kinh.
Dưới đây là lời khuyên đúng đắn của một trong những triết gia mà tôi yên mến nhất, WiIliam James: “Hãy sẵn sàng chấp nhận mọi chuyện đã xảy ra. Đó là bước đầu tiên để vượt qua bất kỳ điều bất hạnh nào”Elizabeth Connley ở Portland, bang Oregon đã phải mất một thời gian đau đớn rất lâu trước khi nhận ra điều này. Dưới đây là lá thư bà viết cho tôi:
“Vào đúng cái ngày nước Mỹ kỷ niệm chiến thắng của quân đội chúng ta ở Bắc Phi, tôi nhận được điện từ Bộ chiến tranh: cháu trai tôi – đứa cháu mà tôi yêu quý nhất – đã mất tích khi làm nhiệm vụ. Không lâu sau, một bức điện khác gửi đến xác nhận rằng nó đã chết.
Tôi đã quỵ ngã vì quá đau buồn. Trước khi chuyện này xảy ra, tôi luôn cảm thấy cuộc đời thật quá tốt với tôi. Tôi có được công việc mình yêu thích. Tôi đã góp công nuôi dưỡng đứa cháu trai này. Đối với tôi, nó là hiện thân cho tất cả những gì tốt đẹp nhất của tuổi trẻ. Tôi có cảm giác như mọi mẩu bánh mì tôi thả xuống nước đều trở về với tôi và trở thành những chiếc bánh ngọt!... Thế rồi bức điện đó đến. Cả thế giới như đổ sụp trước mặt tôi. Tôi cảm thấy rằng chẳng còn gì trên đời này đáng để sống. Tôi xao lãng công việc, thờ ơ với bạn bè, và buông xuôi tất cả. Tôi cảm nhận cay đắng và phẫn uất. Tại sao đứa cháu trai yêu quý của tôi lại ra đi? Một thằng bé tốt như thế - với cả cuộc đời còn rộng mở phía trước – sao lại phải chết? Tôi không thể chấp nhận điều đó. Nỗi đau buồn choáng ngợp đến nỗi tôi quyết định bỏ việc và dọn đi nơi khác để sống khép mình trong nước mắt và nỗi cay đắng.
Khi đang lau dọn chiếc bàn của mình và chuẩn bị rời đi, tôi tình cờ thấy một lá thư mà mình đã bỏ quên – lá thư của đứa cháu trai xấu số, lá thư nó viết cho tôi khi mẹ nó qua đời mấy năm trước đó: “Tất nhiên, chúng ta đều nhớ mẹ cháu, nhất là bà. Nhưng cháu biết bà sẽ gắng gượng được. Triết lý sống của bà sẽ giúp bà làm được điều đó. Cháu sẽ không bao giờ quên những gì bà đã dạy cháu. Dù ở đâu, dù có xa bà, cháu sẽ luôn nhớ rằng bà đã dạy cháu phải biết cười, và đón nhận những gì sắp đến – như một người đàn ông thực thụ”.
Tôi đọc đi đọc lại lá thứ, tưởng như thằng bé đang ở bên tôi, đang trò chuyện cùng tôi. Nó như đang nói với tôi rằng: “Tại sao bà không làm như những gì bà dạy cháu? Bà hãy gắng lên, cho dù điều đó xảy ra đi nữa. Hãy giấu nỗi đau buồn của mình sau những nụ cười và gắng lên bà nhé!”.
Vậy là tôi quay lại làm việc. Tôi không còn cay đắng và nổi loạn nữa. Tôi luôn thầm nhủ: “Mọi chuyện đã qua. Mình không thể thay đổi điều gì. Nhưng mình có thể và sẽ tiếp tục sống như thằng bé hằng mong muốn”. Tôi dành toàn bộ tâm sức vào công việc của mình. Tôi viết thứ cho những người lính – con cháu của những người khác. Tôi tham sự một lớp học buổi tối dành cho người lớn để tìm niềm vui và kết bạn. Rồi không thể tin được là sự thay đổi đã đến với tôi. Tôi không còn than khóc về quá khứ đã qua đi mãi mãi. Giờ đây, với tôi mỗi ngày đề tràn ngập niềm vui – đúng như những gì cháu trai tôi hằng mong muốn. Tôi đã tìm thấy sự thanh thản trong cuộc sống. Tôi đã biết chấp nhận số phận của mình. Bây giờ, tôi đang sống trọn vẹn và hết mình hơn bao giờ hết”.
Elizabeth Connley đã hiểu được điều mà tất cả chúng ta rồi sẽ phải hiểu dù sớm hay muộn, đó là phải biết chấp nhận và hợp tác với những điều không thể tránh khỏi. “Nếu đúng là thế thì nó không thể tránh được”. Đó là một bài học không dễ thực hành. Ngay cả những vị vua trên ngai vàng cũng phải luôn nhắc nhở mình về điều này. Vua George(26)đã đóng khung những lời dưới đây và treo trên tường thư viện của điện Buckingham: “Đừng đòi hỏi việc hái mặt trăng xuống, cũng đừng than khóc vì những gì đã qua”.Schopenhauer(27) cũng có suy nghĩ tương tự, thể hiện qua câu nói: “Biết cam chịu hợp lý là hành trang quan trọng nhất để chuẩn bị bước vào đường đời”.
Rõ ràng không phải hoàn cảnh làm cho chúng ta hạnh phúc hay bất hạnh, mà chính là cách phản ứng của chúng ta với hoàn cảnh ấy mới quyết định cảm xúc vui buồn. Chúa Yesus từng nói thiên đường nằm ngay trong bản thân ta. Và đó cũng là nơi ngự trị của địa ngục.
Tất cả chúng ta đều có khả năng chịu đựng và chiến thắng các tai họa và bị kịch – nếu hoàn cảnh bắt buộc chúng ta phải làm thế. Chúng ta có thể nghĩ rằng việc gì đó nằm ngoài khả năng của mình, nhưng thực sự thì chúng ta mạnh mẽ hơn nhiều so với mình tưởng. Trong mỗi người đều tiềm ẩn những nguồn nội lực mạnh mẽ đến kinh ngạc mà nếu được phát huy thì khó khăn nào chúng ta cũng có thể vượt qua.
Booth Tarkington(28) thường nói: “Tôi có thể chịu đựng mọi thứ mà cuộc đời mang lại, ngoại trừ một thứ: sự mù lòa. Tôi không bao giờ chịu đựng nổi điều đó”. Thế rồi một ngày nọ, khi vào độ tuổi 60, Tarkington nhìn xuống tấm thảm trên sàn nhà thì thấy các màu sắc bỗng nhiên nhòa đi, không thể nhìn rõ hoa văn. Bác sĩ chuyên khoa cho ông biết một sự thật bi thảm: ông đang mất dần thị lực. Một mắt của ông đã gần như bị mù; mắt còn lại rồi cũng sẽ như thế. Vậy là điều mà ông lo sợ nhất đã xảy đến với ông.
Và Tarkington đã phản ứng với “tai họa tồi tệ nhất” này như thế nào? Liệu ông có nghĩ: “Trời ơi! Đời mình vậy là hết”? Không, trước sự ngạc nhiên của chính mình, ông cảm thấy khá vui vẻ, thậm chí còn nảy ra những ý nghĩ khôi hài. Đôi lúc, mắt ông chỉ thấy “những đốm nhỏ” lơ lửng che lấp hết mọi vật, khiến ông vô cùng khó chịu. Ấy vậy mà khi một đốm sáng lớn nhất trong số đó xuất hiện, ông lại bông đùa: “Xin chào! Lại thêm một cha to béo nữa! Không hiểu hắn sẽ đi đâu vào một buổi sáng đẹp trời như thế này!”.
Liệu số phận có thể đánh ngã một con người như thế? Không hề. Khi trước mặt ông chỉ còn là bóng tối, Tarkington đã nói: “Tôi biết mình có thể chịu đựng được việc không còn thị lực, cũng như những người khác có thể đương đầu với các rắc rối của họ. Nếu mất cả năm giác quan, tôi biết mình vẫn có thể sống dựa vào tâm hồn. Bởi chúng ta nhìn và sống bằng tâm hồn, dù chúng ta có ý thức được điều đó hay không”.
Với hy vọng lấy lại được thị lực, trong một năm, Tarkington phải trải qua hơn 12 cuộc phẩu thuật với phương pháp gây tê cục bộ! Liệu ông có la hét phản đối? Ông biết đó là điều phải làm và không thể tránh được. Vì vậy, cách duy nhất để làm nhẹ bớt những gì đang phải chịu đựng là vui vẻ chấp nhận nó. Thay vì thu xếp nằm trong một phòng riêng của bệnh viện, ông đến ở trong khu bệnh xá chung, nơi có rất nhiều người cũng đang gặp phải cảnh ngộ không may. Ông cố gắng làm họ phấn chấn lên. Và khi phải trải qua hết ca phẫu thuật này đến ca phẫu thuật khác – hoàn toàn ý thức được những gì đang xảy ra với mắt mình – ông cố gắng nhắc nhở mình đã may mắn thế nào. Ông nói: “Thật kỳ diệu! Kỳ diệu làm sao là khoa học ngày nay đã có thể phẫu thuật được một thứ mỏng mạnh như mắt người!”.
Một người bình thường có lẽ đã suy sụp tinh thần nếu phải chịu đựng 12 ca phẫu thuật và sự mù lòa. Ấy thế mà Tarkington nói: “Tôi sẽ không đánh đổi trải nghiệm này để lấy một điều gì khác vui vẻ hơn”. Bởi trải nghiệm đó đã dạy cho ông biết chấp nhận. Nó dạy ông rằng cuộc sống không thể mạng lại một điều gì nằm ngoài sức chịu đựng của ông. Nó dạy ông một điều, như John Milton(29) từng khám phá trước đó, rằng: “Người ta không khổ sở vì bị mù lòa, mà chỉ khổ sở vì không thể chịu đựng nổi sự mù lòa”.
Margaret Fuller, một nhà bình quyền nữ giới rất nổi tiếng người vùng New Angland, đã từng lấy câu nói sau đây là phương châm của mình: “Tôi chấp nhận Thế Giới!”. Đúng vậy, bạn và tôi, chúng ta cũng cần biết chấp nhận những điều không thể tránh khỏi, bởi dẫu có tức tối phản kháng hay cay cú thế nào thì chúng ta cũng chẳng thể thay đổi được gì mà chỉ làm cho mình thêm khốn đốn.
Tôi khẳng định như thế bởi vì tôi đã từng rơi vào hoàn cảnh đó. Có lần, tôi không chịu chấp nhận một tình huống không thể tránh khỏi và cố đối đầu với nó. Tôi đã làm cái điều dại dột là phản kháng và nổi loạn. Tôi biến những buổi tối thành một chuỗi những đêm dài khổ sở vì mất ngủ. Tôi tự lôi mình vào những chuyện không mong muốn để rồi sau một năm tự hành hạ bản thân, tôi buộc phải chấp nhận điều mà tôi đã biết ngay từ đầu là không thể thay đổi được.
Lẽ ra từ nhiều năm trước, tôi nên học theo cách của Walt Whitman(30) mà nhìn sự đói khổ và mọi tai họa ở đời như cách của cỏ cây, muôn thú:
Ồ, hãy đương đầu với đêm tối, giông bão, cơn đói,sự nhạo báng, rủi ro, cự tuyệt như cách các loài vật vẫn làm.
Tôi đã có 12 năm làm việc với gia súc và đúng là chưa bao giờ thấy một con bò nào tỏ ra lo lắng vì đồng cỏ đang chết khô do thiếu mưa, hay vì mưa tuyết và lạnh giá, hay vì “người yêu” của nó đang để ý đến một con bò khác. Loài vật thản nhiên đương đầu với mọi khó khăn, đau khổ nên chúng không bao giờ bị suy nhược thần kinh hay loét dạ dày và cũng chẳng bao giờ bị mất trí.
Nói như thế không có nghĩa là tôi khuyên bạn hãy cúi đầu trước tất cả những nghịch cảnh. Hoàn toàn không! Không được xuôi theo định mệnh một cách thụ động như thế. Nếu còn một cơ hội cứu vãn thì phải tranh đấu đến cùng! Nhưng khi mọi giác quan đều đã mách bảo rằng chúng ta đang chống lại một điều hiển nhiên – điều không thể nào thay đổi được – thì bạn hãy sáng suốt và minh mẫn chấp nhận sự thật, đừng “nhìn trước ngó sau và mòn mỏi chờ mong những điều không thể”.
Khi viết quyển sách này, tôi đã phỏng vấn rất nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao của Mỹ. Tôi ấn tượng khi biết rằng họ đã thực sự hợp tác với những điều không thể tránh khỏi và nhờ đó mà có một cuộc sống không vướng bận âu lo. Nếu không làm thế, hẳn họ đã bị kiệt sức vì căng thẳng. Sau đây là một số điều những con người nổi tiếng ấy chia sẻ:
J. C. Penney, nhà sáng lập chuỗi cửa hàng Penney trên toàn thế giới đã nói với tôi: “Nếu có mất hết tất cả tiền mình có được, tôi cũng không lo lắng bởi vì tôi biết lo lắng cũng chẳng ích gì. Tôi sẽ cố gắng làm việc bằng tất cả khả năng và chấp nhận mọi kết quả”.
Henry Ford lừng danh với hãng xe hơi Ford cũng cho biết điều tương tự: “Khi tôi không thể định đoạt mọi chuyện, tôi để chúng tự định đoạt”.
Khi được hỏi làm thế nào để thoát khỏi lo lắng, K. T. Keller, lúc đó là chủ tịch Tập đoàn Chrysler, đã trả lời tôi rằng: “Khi đương đầu với một tình huống phức tạp, nếu có thể làm được điều gì thì tôi sẽ làm. Nếu không thể, tôi chỉ việc quên nó đi. Tôi không bao giờ thấp thỏm về tương lai bởi tôi biết không ai có thể tiên đoán được những gì sắp xảy ra. Có quá nhiều thứ chi phối đến tương lai! Không ai có thể chỉ ra hoặc hiểu được nguyên nhân đứng sau chúng. Vậy tại sao tôi lại phải lo lắng cơ chứ?”. K. L. Kellter sẽ bối rối nếu bạn gọi ông là một triết gia. Ông chỉ là một doanh nhân giỏi, nhưng ông có chung triết lý như triết gia Hy Lạp cổ đại Epictetus. Cách đây 19 thế kỷ, Epictetus đã dạy những người dân thành Rome rằng: “Chỉ có duy nhất một con đường dẫn tới hạnh phúc, đó là ngừng lo lắng về những điều nằm ngoài sức mạnh ý chí của chúng ta”.
Sarah Bernhardt, “nữ thần Sarah”, là ví dụ điển hình về một người phụ nữ biết cách hợp tác với những điều không thể tránh khỏi. Trong nữa thế kỷ, bà luôn giữ ngôi vị thống trị ở các nhà hát trên cả bốn châu lục – là nữ diễn viên được yêu mến nhất trên thế giới. Thế rồi khi bà ở tuổi 71, khánh kiệt tiền bạc, giáo sư Pazzi ở Paris lại thông báo rằng ông sẽ phải cắt bỏ một chân của bà. Trước đó, trên đường vượt qua Đại Tây Dương, bà đã bị thương nặng ở chân do ngã trên boong tàu trong một trận bão. Bệnh viêm tĩnh mạch phát tác khiến chân bà bị co rút. Vết thương ngày càng nghiêm trọng đến nỗi bác sĩ thấy rằng cần phải cắt bỏ cả chân. Ông rất sợ phải thông báo với “nữ thần Sarah” đầu cuồng nhiệt bởi tin chắc rằng thông tin khủng khiếp này sẽ thổi bùng lên một cơn kích động. Nhưng ông đã lầm. Sarah nhìn ông giây lát, rồi nhẹ nhàng nói: “Nếu bắt buộc thế, thì phải làm thôi”.
Khi thấy mẹ mình được đưa đến phòng mổ trên chiếc xe lăn, con trai bà đã khóc. Bà liền vẫy tay với anh trong một điệu bộ vui vẻ và nói: “Con đừng đi đâu nhé. Mẹ sẽ ra ngay!”.
Trên đường đến phòng mổ, bà nhẩm đọc một đoạn trích trong một vở kịch đã diễn. Một người hỏi có phải bà làm thế để tự khích lệ tinh thần mình hay không, bà đáp: “Không phải, để cổ vũ bác sĩ và y tá. Họ sẽ phải chịu áp lực căng thẳng”.
Khi đã hồi phục sau ca phẩu thuật, Sarah Bernhardt tiếp tục đi vòng quanh thế giới và làm say đắm khán giả thêm 7 năm nữa.
Elsie MacCormick đã viết trên tạp chí Reader’s Digest rằng: “Khi thôi phản kháng lại những điều không thể tránh khỏi, ta sẽ tự giải phóng một nguồn năng lượng giúp ta tạo dựng một cuộc sống tươi đẹp hơn”.
Không ai có đủ tinh thần và sức lực để vừa chống lại những điều không thể thay đổi, vừa tạo lập một cuộc sống mới. Hãy chọn một trong hai. Bạn có thể hoặc xuôi theo những cơn bão tuyết không thể tránh khỏi trong đời – hoặc phản kháng để rồi suy sụp!
Tôi đã chứng kiến điều đó xảy ra tại trang trai của mình ở Missouri. Tôi đã trồng rất nhiều cây ở đó và chúng lớn rất nhanh. Rồi một con bão tuyết xuất hiện, phủ lên các cành cây một lớp băng dày. Thay vì uốn mình để chịu đựng, những thân cây ấy vẫn kiêu hãnh đứng thẳng để rồi cuối cùng, dưới sức nặng của băng tuyết, các cành cây bị bẻ gẫy, thân cây bị chẻ toạc ra – và chết. Chúng đã không học được sự khôn ngoan của những cánh rừng phương Bắc. Tôi đã đi hàng trăm dặm băng qua những khi rừng canh ngút ngàn của Canada mà chưa hề thấy một cây thông nào bị gãy vì mưa tuyết hay băng giá. Những loài cây xanh quanh năm ấy biết cong mình, uyển chuyển, biết hợp tác với điều không thể tránh khỏi là lớp băng tuyết phủ dày mỗi năm.
Những giảng viên môn võ nhu đạo luôn dạy võ sinh của mình phải biết “mềm dẻo như cây liễu; đừng cứng ngắc như cây sồi”.
Theo bạn, tại sao lốp xe lại có thể bền bỉ lăn trên mặt đường và chịu được nhiều va đập đến thế? Ban đầu, các nhà sản xuất đã cố gắng làm ra những chiếc lốp dày và cứng để chống lại những cú xóc nảy trên mặt đường. Thế nhưng, chẳng mấy chốc nó đã rách tả tơi. Rồi họ chế tạo một loại lốp “mềm dẻo” hơn, có thể hấp thu những va chạm với mặt đường – và nó đã trụ được! Bạn và tôi, chúng ta sẽ hưởng một chuyến đi dài và êm ái hơn, nếu ta học được cách chịu đựng những cú va chạm và xóc nảy trên con đường đời gồ ghề, chông gai.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta chống lại những cú va đập của cuộc sống thay vì chấp nhận chúng? Điều gì sẽ xảy ta nếu chúng ta không chịu “mềm dẻo uốn mình như cây liễu” và khăng khăng chống chọi như cây sồi? Câu trả lời thật rõ ràng. Chúng ta sẽ tự tạo ra hàng loạt những cuộc xung đột nội tâm, sẽ lo lắng, căng thẳng, bồn chồn, và bị rối loạn thần kinh.
Nếu cứ muốn bác bỏ thế giới thực tại khắc nghiệt và thu mình trong thế giới mơ mộng do chính mình tạo ra, chúng ta sẽ bị mất trí và phát điên.
Trong chiến tranh, hàng triệu binh lính buộc phải lựa chọn giữa việc chấp nhận những điều không thể tránh khỏi hoặc chịu suy sụp dưới áp lực căng thẳng. Câu chuyện sau đây của William H. Casselius ở Glendale, New York, là một ví dụ:
“Không lâu sau khi gia nhập Đội bảo vệ bờ biển, tôi được giao phụ trách trong những điểm nóng nhất bên bờ Đại Tây Dương với nhiệm vụ trông coi thuốc nổ. Thử tưởng tượng mà xem: Tôi, một nhân viên bán kẹo giòn, trở thành người giám sát thuốc nổ! Chỉ riêng cái ý nghĩ mình đang đứng giữa hàng ngàn tấn thuốc nổ TNT cũng đủ làm tôi ớn lạnh đến tận xương tủy. Tôi chỉ được hướng dẫn trong hai ngày; và những gì học được lại càng khiến tôi sợ hãi hơn.
Tôi sẽ không bao giờ quên nhiệm vụ đầu tiên của mình. Đó là một ngày sương mù âm u và lạnh lẽo trên cầu tàu ở Mũi Caven, Bayonne, New Jersey, Tôi phải giám sát việc vận chuyển chất nổ vào khoang thứ 5 trên tài của chúng tôi. Cấp trên giao cho tôi năm người phụ khuân vác có sức vóc nhưng lại không biết gì về thuốc nổ. Vậy mà chính họ đang làm việc với những trái bom, mỗi trái chứa một tấn thuốc nổ TNT – đủ để thổi bay cả con tàu về thế giới bên kia. Nhìn những trái bom ấy đang được hạ xuống tàu bằng hai sợi dây cáp móc, tôi cứ phập phồng hoảng hốt: Giả sử một trong hai sợi cáp đó bị trượt – hay bị đứ! Ôi trời! Tôi không sợ làm sao được! Tôi rùng mình. Miệng khô khốc. Đầu gối chùng xuống. Tim đập thình thịch. Nhưng tôi không thể chạy trốn. Như  thế là đào ngũ. Tôi sẽ bị khinh ghét – cha mẹ sẽ thấy hổ thẹn – và tôi có thể bị bắn vì tội đào ngũ. Tôi không thể bỏ chạy. Tôi phải ở lại. Tôi căng mắt nhìn cái cung cánh thờ ơ của những người đang di chuyển những trái bom ấy. Theo kiểu này, con tàu có thể nổ tung bất cứ lúc nào!
Sau khoảng hơn một giờ sợ hãi đến lạnh toát sống lưng, tôi bắt đầu lấy lại được đôi chút bình tĩnh và tự nhủ: “Nghe này! Cứ cho là con tàu sẽ nổ tung đi. Vậy thì sao chứ! Mình sẽ chết trước khi kịp thấy đau đớn. Đó là một cái chết dễ dàng. Tôi chán so với chết vì bệnh ung thư. Đừng có ngốc nghếch nữa. Chẳng ai có thể sống mãi được. Mình phải làm việc này – hoặc là bị bắn. Trong hai đường này, lựa chọn thứ nhất chắc chắn là tốt hơn!”.
Tôi tự nói với mình như thế trong nhiều giờ liền và bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn. Cuối cùng, tôi đã vượt qua nỗi lo lắng và sợ hãi bằng cách ép mình phải chấp nhận một hoàn cảnh không thể tránh khỏi.
Tôi sẽ không bao giờ quên bài học đó. Bây giờ, mỗi khi thấy mình đang lo lắng về một điều gì đó không thể thay đổi, tôi sẽ nhún vai và nói: “Quên nó đi!”. Hiệu quả thật là kỳ diệu!”.
Ngoài trường hợp bị đóng đinh trên cây thập giá của Chúa Yesus, cái chết nổi tiếng nhất trong lịch sử chính là cái chết của Socrates(31). Mấy nghìn năm đã trôi qua, người ta vẫn tìm đọc và yêu mến đoạn văn bất hủ của Plato miêu tả về cảnh tượng đó – một trong những đoạn văn hay và xúc động nhất của mọi thời đại. Một người Athens – vì ganh tỵ và ghen tức – đã vu cáo cho nhà hiền triết Socrates, khiến ông bị đem ra xét xử và bị kết tội chết. Khi đưa cho Socrates chén thuốc độc, người cai ngục tốt bụng đã nói: “Hãy gắng nhẹ nhàng đón nhận những điều cần phải như vậy”. Socrates đã làm theo. Ông đối mặt với cái chết trong tư thế bình thản và nhẫn nhịn khiến thánh thần cũng phải xúc động.
Hãy gắng nhẹ nhàng đón nhận những điều cần phải như vậy”. Những lời này đã được nói ra từ 399 năm trước khi Chúa giáng sinh; nhưng ngày nay, trong cái thế giới già cỗi và đầy rẫy lo âu này, nó lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Vì vậy, để loại bỏ thói quen hay lo lắng trước khi hủy hoại bạn, hãy tuân theo nguyên tắc 4:
HỢP TÁC VỚI NHỮNG ĐIỀU KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI
Hẳn bạn rất muốn biết cách kiếm tiền ở phố Wall? Có hàng triệu người khác cũng như bạn – và giá tôi biết câu trả lời, quyển sách này chắc phải bán được với giá 10.000 đô-la mỗi bản. Tuy nhiên, tôi cũng có một cách khá hay vẫn được các nhà đầu tư chứng khoán thành công sử dụng. Chính Charles Roberts, một nhà cố vấn đầu tư, đã mách cho tôi trong khi để cầu chuyện của anh.
“Khi mới rời Texas đến New York, tôi được bạn bè gửi gắm 20.000 đô-la để đầu tư chứng khoán. Lúc ấy, tôi cứ ngỡ mình khá rành về thị trường, vậy mà sau này thua lỗ đến không còn một đồng. Sự thật thì tôi cũng kiếm được khá nhiều trong một vài thương vụ, nhưng cuối cùng vẫn là trắng tay.
Nếu đánh mất tiền của mình thì chẳng sao nhưng đây lại là của bạn bè nên tôi cảm thấy vô cùng áy náy, dẫu biết rằng số tiền ấy cũng không lớn lắm đối với họ. Tôi thật sự lo lắng với ý nghĩ phải đối diện với bạn bè sau vụ đầu tư thất bại ấy, nhưng thật ngạc nhiên, họ không những tỏ ra thông cảm mà còn thể hiện là những con người lạc quan vô song bằng cách tiếp tục gửi tiền cho tôi đầu tư.
Tôi biết mình đã làm ăn theo kiểu được ăn cả, ngã về không; cũng như dựa dẫm quá nhiều vào may rủi và quan điểm của người khác. Tôi đã buôn bán chứng khoán “bằng tai chứ không phải bằng đầu”, thấy mọi người làm sao thì cũng chạy theo làm vậy.
Tôi bắt đầu xem xét lại các sau lầm của mình, và quyết định sẽ chỉ đầu tư trở lại sau khi đã tìm hiểu thật kỹ thị trường. Vậy là tôi tìm đến làm quen với một trong những nhà đầu tư chứng khoán thành công nhất từ trước tới nay: Burton S. Castles, hy vọng có thể học hỏi được nhiều điều từ con người vốn nổi danh với những thành công liên tiếp hết năm này sang năm khác này. Một sự nghiệp như thế không thể nào chỉ là kết quả của vận may tình cờ.
Đầu tiên, Castles hỏi đôi chút về cách tôi đầu tư chứng khoán, sau đó tiết lộ một quy tắc mà tôi cho là tôi quan trọng trong nghề này. Ông nói: “Tôi luôn đặt một lệnh dừng lỗ trong mọi giao dịch của mình. Nếu mua một loại cổ phiếu nào đó, chẳng hạn với giá 50 đô-la thì tôi sẽ đồng thời đặt một lệnh bán dừng lỗ ở mức 45 đô-la. Nghĩa là, nếu giá cổ phiếu này sụt giảm quá 5 điểm so với chi phí mua ban đầu thì nó sẽ được tự động bán ra để khoản lỗ tối đa chỉ giới hạn ở mức sụt giảm 5 điểm.
Burtum S. Castles nói tiếp: “Nếu ngay từ đầu đã thực hiện được một giao dịch khôn ngoan thì lợi nhuận trung bình của cậu sẽ ở mức 10,25, thậm chí 50 điểm. Do đó, với cách giới hạn khoản lỗ ở mức sụt giảm 5 điểm, cậu vẫn có thể kiếm được nhiều tiền đã thua trong quá nửa thời kỳ.
Tôi lập tức áp dụng quy tắc của Burton S. Castles và vẫn tiếp tục cho đến tận bây giờ. Nó đã giúp tôi và các khách hàng của mình tránh khỏi thất thoát hàng nghìn đô-la.
Một thời gian sau, tôi nhận ra quy tắc này không chỉ có tác dụng trong phạm vi thị trường chứng khoán mà còn hiệu quả trong các lĩnh vực của đời sống. Tôi bắt đầu đặt các “lệnh dừng” với mọi chuyện phiền toái và bực dọc của mình. Kết quả thật kỳ diệu!
Chẳng hạn, tôi thường hẹn ăn trưa với một người bạn hiếm khi đúng giờ. Anh ấy thường bắt tôi phải chờ dài cổ đến hết nửa giờ rồi mới xuất hiện. Cuối cùng, tôi kể cho anh ấy nghe về các “lệnh dừng” đối với nỗi lo lắng và bảo: “Bill này, tôi đặt lệnh dừng cho việc chờ đợi anh trong giới hạn 10 phút. Nếu anh còn đến muộn hơn 10 phút thì cuộc hẹn ăn trưa của chúng ta sẽ kết thúc và tôi sẽ không ngồi nán lại đợi anh nữa đâu”.
Ôi! Giá như trước kia tôi sớm khôn ngoan để đặt các “lệnh dừng” với bản tính thiếu kiên nhẫn, nóng nảy và ngoan cố của tôi. Giá mà tôi đủ khôn ngoan để đặt các “lệnh dừng” với những căng thẳng tinh thần vả cảm xúc, cũng như những hối tiếc của mình. Sao tôi không có lấy một chút tỉnh táo để đánh giá đúng đắn tính huống đang làm mình bất an, rồi tự nhủ rằng: “Này Dale Carnegie, lo lắng như thế là quá đủ rồi, dừng lại thôi!”? … Sao tôi không làm được thế cơ chứ?
Tuy nhiên, tôi cũng phải tự khen mình vì ít ra đã quyết định khá sáng suốt trong một sự kiện quan trọng, một thời kỳ khủng hoảng trong cuộc đời tôi – khi tôi phải tê tái đứng nhìn những ước mơ, kế hoạch tương lai cùng công sức làm việc nhiều năm trời của mình phút chốc tan thành mấy khói.
Chuyện là thế này: Ở tuổi 30, tôi đã từng dự định trở thành một nhà văn, một Frank Norris(32), Jank London(33) hoặc Thomas Hardy(34) thứ hai. Tôi hăm hở đến mức đã sang Châu Âu hai năm – nơi tôi có thể sống khá sung túc với đồng đô-la rất có giá lúc bấy giờ, trong thời kỳ in tiền chóng mặt (do lạm phát) sau Thế chiến thứ nhất. Hai năm trời, tôi miệt mài viết kiệt tác của mình. Tôi đặt cho nó tựa đề The Blizzard (Trận bão tuyết). Và đúng như tên gọi, nó được các nhà xuất bản tiếp đón với thái độ lạnh lẽo chẳng khác nào những cơn bão tuyết tràn qua vùng đồng bằng Dakota. Khi người phụ trách mảng sách văn học của một nhà xuất bản bảo tôi rằng quyển sách không có giá trị gì, rằng tôi không có chút tài nghệ hay năng khiếu gì về văn chương, tim tôi gần như ngừng đập. Nếu lúc ấy có bị anh ta lấy gậy nện vào đầu chắc tôi cũng không thể choáng váng hơn được. Đầu óc tôi mụ đi. Tôi nhận ra mình đang đứng giữa ngã ba đường của cuộc đời, và phải ra một quyết định vô cùng quan trọng. Tôi nên làm gì? Nên đi theo hướng nào đây?
Phải mất nhiều tuần tôi mới gượng dậy sau cơn chấn động. Lúc đó, tôi chưa hề biết đến biện pháp: “đặt lệnh dừng với nỗi lo lắng”. Nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi biết mình đã thực hiện chính việc đó. Tôi bỏ ra hai năm miệt mài viết tiểu thuyết và đã nhận được kết quả phản ánh chính xác khả năng của mình. Dẫu sao, khoảng thời gian ấy cũng là một trải nghiệm thú vị. Sau đó, tôi quay trở lại với công việc tổ chức và giảng dạy các lớp học buổi tối, viết tiểu sử và các thể loại phi tiểu thuyết khác – như quyển sách mà bạn đang cầm trên tay đây.
Tôi có vui sướng vì đã quyết định như thế không? Mỗi khi nhớ lại, tôi không chỉ vui sướng mà còn muốn nhảy múa nữa ấy chứ! Tôi có thể thành thật nói rằng, từ ngày đó đến nay, chưa bao giờ tôi có ý nghĩ ngậm ngùi oán thán về việc mình không thể trở thành một Thomas Hardy thứ hai.
Vào một đêm cách đây một thể kỷ, trong tiếng cú kêu bên bờ hồ Walden, Henry Thoreau(35) đã nhúng cây bút lông ngỗng vào nghiên mực để viết lên những dòng sau đây trong nhật ký: “Giá của một thứ chính là lượng cuộc sống mà chúng ta phải đánh đổi bây giờ hoặc sau này để có”.
 Nói cách khác, chúng ta sẽ là những kẻ dại dột khi lãng phí quá nhiều điều trong đời để đổi lấy những thứ không đáng được như thế.
Những đó lại chính là những gì Gilbert và Sullivan(36) đã làm. Trong khi có thể viết nên những ca từ và giai điệu rộn rã, tươi vui thì hai tác giả của những vở Opera được yêu thích nhất thể giới như Oatience, Pinaface, The Mikado lại không thể kiểm soát được tâm trạng của bản thân. Cả đời, họ đã cử xử gay gắt với nhau chỉ vì một chuyện vặt vãnh: giá của một tấm thảm! Suliivan đặt mua một chiếc thảm cho nhà hát của hai người. Khi Gilbert nhìn thấy hóa đơn, ông đùng đùng nổi giận. Họ kiện nhau ra tòa và kể từ đó cho đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn không thèm nói với nhau nửa lời. Sullivan sáng tác xong phần nhạc thì gửi cho Gilbert. Gilbert phổ lời xong gửi lại cho Sullivan. Một lần khi phải cùng nhau bước ra sân khấu chào chán giả, mỗi người chọn đứng ở một đầu và cúi chào theo hai hướng khác nhau để khỏi phải nhìn mặt đối phương. Rõ ràng là cả hai đã không đủ sáng suốt để đặt một “lệnh dừng” với mối bất hòa giữa họ.
Nhưng Tổng thống Lincoln thì khác. Một lần, trong thời kỳ Nội chiến, khi nghe mấy người bạn lên tiếng chỉ trích các kẻ thù của mình, ông đã nói: “Sự oán giận của các anh mạnh hơn tôi. Cũng có thể do tôi không giận dai được. Nhưng tôi thấy giận dai không mang lại lợi ích gì. Chẳng ai có đủ thời gian để dành cả nửa đời cho việc cãi cọ. Nếu người ta ngừng công kích tôi thì tôi cũng sẵn sàng quên đi những chuyện từng xảy ra trước đây”.
Tôi ước sao dì Edith của tôi cũng có được tinh thần khoan dung như Lincoln. Dì dùng dượng Frank sống trong một trang trại vay thế chấp, đất đai khô cằn và phải chật vật tiết kiệm từng đồng. Dì muốn sắm một ít rèm cửa cùng vài thứ đồ trang trí nho nhỏ để căn nhà sáng sủa và bớt trống trải nên đã tới Maryville, Missouri, mua chịu ở cửa hàng vải của Dan Eversole. Dượng Frank rất lo lắng về khoản nợ này. Bản tính nông dân cố hữu của dượng sợ phải mang nợ. Vậy là dượng bí mật tới bảo Dan Eversole ngừng bán chịu cho dì. Khi phát hiện ra, dì vô cùng bực tức – và đến bây giờ, đã gần 50 năm trôi qua mà dì vẫn chưa nguôi giận. Tôi đã nghe dì kể chuyện này không chỉ một mà là rất nhiều lần. Lần gần nhất tôi gặp dì là khi dì sắp bước vào tuổi 80. Tôi bảo dì: “Dì à, đúng là dượng Frank đã sai khi làm dì mất mặt, nhưng dì không cảm thấy rằng việc phàn nàn suốt 50 năm trời về chuyện ấy thì còn tệ hơn sao?”. Nói vậy nhưng tôi không mấy hy vọng những lời này sẽ được gì lưu tâm. Dì Edith đã trả một cái giá quá đắt cho mối oán giận và ký ức cay đắng của mình. Vì chúng mà dì đánh mất cả sự bình yên trong tâm hồn.
Khi lên 7 tuổi, Benjamin Franklin đã mắc một sai lầm mà 70 năm sau, ông vẫn còn nhớ như in. Hồi ấy, ông rất mệ một chiếc còi, mê đến nỗi vừa bước chân vào cửa hàng đồ chơi đã dốc hết những đồng xu trong túi ra mà không hề hỏi giá. Bảy mươi năm sau, trong lá thư gửi một người bạn, ông kể lại: “Thế là tôi trở về, thổi toe toe khắp nhà, vô cùng thích chí”. Nhưng sau đó, các anh chị phát hiện ra cậu bé bỏng đã bị mua đắt nên phá ra cười ngặt nghẽo, còn Franklin thì “khóc nức lên vì buồn tủi”.
Nhiều năm sau, khi đã trở thành một người nổi tiếng thế giới và là đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp, ông vẫn không quên rằng mình đã trả một giá đắt cho chiếc còi đó bởi nó đã mang lại cho ông “nhiều phiền muộn hơn là vui sướng”.
Tuy nhiên, bài học của Franklin vẫn còn nhẹ nhàng. Ông nói: “Khi trưởng thành và bước ra xã hội, tôi để ý thấy nhiều người, rất nhiều người trả cái giá quá đắt cho những chiếc còi của họ. Cuối cùng, tôi nghiệm ra rằng phần lớn nỗi bất hạnh của con người xuất phát từ chỗ họ đã ước lượng sai lầm về giá trị của sự việc, dẫn đến trả giá đắt cho những chiếc còi của mình”.
Gilbert và Sullivan là những người như vậy. Dì Edith cũng vây. Ngay đến đại văn hào Leo Tolstoy, tác giả của hai bộ tiểu thuyết vĩ đạo Chiến tranh và hòa bình và Anna Karenina cũng vậy. Theo Bách khoa toàn thư Britannca thì trong 20 năm cuối đời, Tolstoy “có lẽ là người được sùng bái nhất thế giới”. Suốt 20 năm – từ 1890 đến 1910 – không lúc nào ngớt những người ngưỡng mộ từ khắp thế giới tìm đến nhà ông để được nhìn thấy ông, nghe giọng ông hay chỉ để chạm vào quần áo của ông. Mọi lời ông nói ra đều được chép vào sổ tay như thể đó là “những lời truyền bảo của thần thánh”. Thế nhưng trong đời  thường, ông Tolstoy 70 tuổi cũng không hơn gì cậu bé Franklin 7 tuổi! Câu chuyện như sau:
Tolstoy kết hôn với một phụ nữ mà ông yêu say đắm. Hai người hạnh phúc đến nỗi thường cùng quỳ xuống nguyện cầu cho họ được sống mãi trong niềm vui sướng vô bờ ấy. Nhưng người vợ lại có tính hay ghen. Bà thường giả trang làm nông dân để theo dõi từng hành động của ông, kể cả khi ông đi dạo trong rừng. Vậy là họ cãi cọ to tiếng với nhau. Bà còn quay sang ghen tị với những đứa con của mình, đến mức từng lấy súng bắn vào bức ảnh của con gái. Thậm chí có lần, bà còn nằm lăn lộn trên sàn, tay đưa lọ thuốc phiện kề sát miệng dọa sẽ tự sát, khiến cho lũ trẻ co rúm nép vào góc nhà khóc thét lên vì sợ hãi.
Và Tolstoy đã làm gì? Nếu ông quăng ném hoặc đập vỡ đồ đạc thì tôi cũng chẳng phàn nàn gì, bởi rõ ràng ông đã bị khiêu khích quá đáng. Nhưng điều ông làm tồi tệ hơn thế rất nhiều. Ông viết một quyển nhật ký, trút hết mọi tội lỗi lên đầu vợ. Dó là “chiếc còi” của ông! Ông quyết phải cho hậu thế thấy chính bà chứ không phải ông là người đáng bị chỉ trích. Rồi vợ ông đã đáp lại ra sao? Chẳng có lý do gì ngăn bà không xé tan và đốt sạch nó đi. Sau đó bà cũng viết một quyển nhật ký khác để biến ông thành một kẻ côn đồ. Thậm chí, bà còn viết một quyển tiểu thuyết nhan đề Ai có lỗi, trong đó ông được mô tả như một con quỷ tàn ác trong gia đình và bà là người bị đọa đày.
Tất cả những việc này dẫn đến kết cục gì? Tại sao hai con người ấy lại tự biến tổ ấm duy nhất của mình thành cái mà Tolstoy vẫn gọi là “nhà thương điên”? Tất nhiên, có vài lý do. Một trong số đó là vì cả hai đều có ước muốn cháy bỏng là sẽ giành được sự đồng cảm từ phía bạn và tôi. Chính thái độ nhìn nhận của lớp hậu thế chúng ta đã khiến họ phải lao tâm khổ tứ và tốn biết bao công sức như thế! Nhưng chúng ta có buồn nói vọng xuống địa ngục để phân giải ai có lỗi hay không? Không, tất nhiên là không. Chúng ta còn phải lo giải quyết các rắc rối của mình chứ hơi đâu mà xét đoán chuyện nhà Tolstoy. Hai con người tội nghiệp ấy đã phải trả cái giá quá đắt cho “chiếc còi” của họ! Năm mươi năm sống trong một địa ngục trần gian – chỉ vì không ai đủ sáng suốt để nói hai từ “Dừng lại”. Chỉ vì không ai đủ tỉnh táo cân nhắc cái được cái mất và chỉ ra: “Hãy đặt một lệnh dừng với việc này ngay lập tức. Chúng ta đang phí hoài cuộc đời mình. Hãy cùng nói: Thế là đủ!”.
Vì vậy, để gạt bỏ thói quen lo lắng trước khi nó hủy hoại bạn, hãy tuân theo Nguyên tắc 5:
Đặt một lệnh “dừng” đối với nỗi lo lắng của chúng ta. Đừng dành cho nó sự quan tâm quá mức
Khi viết đến đây, tôi chợt nhìn qua cửa sổ và có thể thấy phiến đất sét in mấy dấu chân khủng long trong khu vườn nhà. Tôi đã mua chúng từ Bảo tàng Peabody của Đại học Yale và theo như bức thư của người quản lý bảo tàng thì chúng đã có từ 180 triệu năm trước. Không ai ngốc đến mức muốn quay ngược trở lại 180 triệu năm để thay đổi những dấu chân đó. Nhưng suy cho cùng, việc rất nhiều người trong số chúng ta cứ tự dằn vặt mình về những chuyện mới xảy ra cách đây 180 giây cũng chẳng khôn ngoan hơn chút nào. Chắc chắn chúng ta không bao giờ thay đổi được những gì đã xảy ra, dù chỉ cách đây 180 giây, mà chỉ có thể thay đổi hậu quả của chúng.
Các duy nhất để làm cho quá khứ trở nên hữu ích là dũng cảm phân tích những lỗi lầm đã qua để tự rút ra bài học – rồi quên hẳn chúng đi.
Dẫu biết điều này là đúng nhưng có phải lúc nào tôi cũng đủ can đảm và sáng suốt để làm như vậy? Trước khi trả lời câu hỏi này, cho phép tôi được kể một kinh nghiệm cá nhân khá thú vị.
Nhiều năm trước, tôi đã đầu tư 300.000 đô-la mà không thu được một đồng lợi nhuận. Chuyện là thế này: Tôi có thành lập một công ty chuyên mở các lớp học cho người trưởng thành trên quy mô lớn với hệ thống chi nhánh ở rất nhiều thành phố khác nhau và đã phung phí một số tiền không nhỏ cho chi phí chung và quảng cáo. Quá bận bịu với việc giảng dạy nên tôi không còn thời gian hay tâm sức đâu mà để ý đến các vấn đề tài chính của công ty. Thậm chí, tôi còn ngờ nghệch đến mức không nghĩ đến chuyện tìm một người quản lý sắc sảo thay mình giám sát việc chi tiêu.
Cuối cùng, sau khoảng một năm, tôi mới giật mình phát hiện ta một sự thật đang kinh ngạc rằng: Mặc dù số tiền thu về rất nhiều, nhưng tính ra chúng tôi vẫn chẳng lãi được một đồng nào. Đáng lẽ lúc đó tôi nên làm hai việc: Thứ nhất, tôi nên sáng suốt làm điều mà George Washington Carver(37) đã làm khi bị mất 40.000 đô-la trong vụ phá sản của ngân hàng mà ông gửi tất cả số tiền tiết kiệm của mình. Khi có người hỏi ông đã biết mình bị phá sản chưa, ông trả lời: “Có, tôi đã nghe điều này” – rồi tiếp túc giảng bài như không có chuyện gì xảy ra. Ông đã hoàn toàn loại bỏ việc mất tiền ra khỏi đầu và không bao giờ đề cập đến nó một lần nào nữa.
Điều thứ hai mà lẽ ra tôi nên làm là phân tích những sai lầm của mình để rút ra bài học nhớ đời.
Thế nhưng tôi chẳng làm được việc nào trong hai việc ấy cả. Đã thế, tôi còn tự đâm đầu vào cái vòng lo lắng luẩn quẩn. Suốt mấy tháng liền, lúc nào tôi cũng như người mất hồn, không ngủ được, người cứ rạc đi.
Ước gì trước đây tôi được học ở trường trung học George Washington, New York, dưới sự chỉ bảo của Tiến sĩ Paul Brandwine – để học được bài học có giá trị nhất đời như ông Allen Saunders đã học và kể lại với tôi sau này:
“Hồi đó tôi mới chỉ mười mấy tuổi nhưng đã mắc bệnh hay lo lắng. Lúc nào tôi cũng lo nghĩ và tự dằn vặt mình về những sai lầm trong quá khứ. Những ngày chờ kết quả thi, tôi thường nằm cắn móng tay trằn trọc suốt đêm vì sợ trượt. Tôi thường nhớ lại những việc mình đã làm rồi ước giá mình đừng làm thế; hoặc nhớ lại những lời mình đã nói rồi ước giá mình đã nói khéo léo hơn.
Thế rồi, một buổi sáng cả lớp tôi tập trung ở phòng thí nghiệm và thấy Tiến sĩ Paul Brandwine đã chờ sẵn với một chai sữa đặt chông chênh ở mép bàn. Chúng tôi ai nấy đều ngồi nhìn chằm chằm vào chai sữa và băn khoăn tự hỏi không biết thầy định làm gì với nó. Rồi đột nhiên, Tiến sĩ Paul Brandwine đứng dậy và gạt chai sữa rơi đánh xoảng một cái xuống chậu rửa tay, võ tan tành – rồi nói lớn: “Đừng than tiếc về chỗ sữa đổ đó!”(38).
Sau đó, thầy gọi tất cả chúng tôi lại gần chậu để xem những mảnh vở và bảo: “Hãy nhìn thật kỹ nhé, vì tôi muốn các em ghi nhớ bài học này suốt đời. Đằng nào sữa cũng đã đổ rồi – các em có thể thấy nó đã chảy xuống cống; và dù có lớn tiếng la lối hay vò đầu bứt tóc thì cũng chẳng thể lấy lại dẫu chỉ là một giọt. lẽ ra chỉ cần để ý và cẩn thận một chút thì chai sữa đã không bị đổ; nhưng quá muộn rồi – tất cả những gì chúng ta có thể làm bây giờ là loại chuyện này ra khỏi đầu, quên nó đi và chuyển sang làm việc khác”.
Bao nhiêu năm qua, tôi vẫn nhớ rất rõ bài học ấy trong khi chẳng còn nhớ chút gì về môn hình học hay tiếng La-tinh mà tôi đã từng thuộc làu. Thật ra, kỹ năng sống ẩn chứa trong bài học ấy có ích hơn nhiều so với cả mấy năm sách vở ở trường trung học. Nó giúp tôi hiểu rằng cứ cố gắng tránh làm đổ sữa nếu có thể; nhưng khi nó đã đổ và chảy xuống cống rồi thì hãy quên hẳn nó đi”.
Có lẽ khi đọc đến đây, một vài người trong số các bạn sẽ cười nhạo vì nghĩ rằng tại sao phải quan trọng hóa vấn đề chỉ vì một câu chuyện châm ngôn xưa như trái đất: “Đừng than tiếc về chỗ sữa đó”. Tôi biết nó sáo mòn và cũ rích. Tôi cũng biết bạn đã nghe cả nghìn lần rồi. Nhưng tôi còn biết những câu ngắn gọn này là kết tinh trí tuệ của bao đời. Chúng được đúc kết từ kinh nghiệm xương máu của nhân loại và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Dù có đọc hết những quyển sách viết về lo lắng của những học giả lỗi lạc nhất mọi thời đại, bạn cũng chẳng bao giờ tìm được lời khuyên nào đúng đắn và sâu sắc hơn những câu “Xưa như trái đất” này: “Chưa bước tới cầu chớ lo đến việc phải qua cầu” hay “Đừng than tiếc về chỗ sữa đổ”.
Chỉ cần áp dụng được hai câu châm ngôn này – thay vì cười nhạo chúng – bạn sẽ không cần phải đọc quyển sách của tôi nữa. Thực tế là nếu làm theo hầu hết các câu châm ngôn, chúng ta gần như sẽ có một cuộc sống lý tưởng. Quyển sách này cũng không đưa ra lời khuyên mới mẻ nào mà chỉ muốn nhắc nhở bạn về những điều bạn đã biết, và khích lệ, thúc giục bạn áp dụng chúng trong chính cuộc sống hàng ngày.
Tôi từng ăn tối với Jack Dempsey vào một dịp lễ Tạ ơn; và anh đã kể cho tôi nghe về trận thua trước đối thủ Tunney trong giải vô địch hạng nặng năm 1926. Theo lẽ tự nhiên, thất bại đó chẳng khác nào một đòn giáng mạnh vào sự kiêu hãnh của anh. Anh kể: “Đến giữa trận đấu, bỗng nhiên tôi nhận ra mình đã già thật rồi… Vào cuối hiệp thứ 10, tất cả những gì tôi còn làm được là cố đứng trên đôi chân của mình. Mặt tôi sưng phồng lên và bầm dập, mắt híp lại .. Tôi nhìn thấy trọng tài giơ tay Gene Tunney lên tuyên bố người chiến thắng … Tôi không còn là vô địch thế giới nữa. Tôi lê bước trong mưa quay trở lại phòng thay đồ. Khi tôi đi qua các cổ động viên, có vài người cố cầm tay động viên tôi, số khác thì rơi lệ nuối tiếc.
Một năm sau, tôi lại chạm trán với Tunney lần nữa. Nhưng lần này tôi cũng không làm được gì hơn, thời hoàng kim của tôi đã thực sự chấm dứt. Thật khó để không lo lắng về điều ấy nhưng tôi tự nhủ: “Mình sẽ không sống với quá khứ hay than khóc về những việc đã rồi. Mình sẽ đối mặt với sự thất bại này và không cho phép nọ hạ gục mình””.
Và Jack Dempsey đã làm đúng như lời anh nói. Bằng cách nào? Bằng cách chỉ nhắc đi nhắc lại với bản thân rằng: “Mình sẽ không nghĩ về quá khứ nữa” ư? Không hề, anh đã thoát khỏi nỗi phiền muộn bằng cách chấp nhận và loại bỏ ý nghĩ về sự thất bại ra khỏi đầu mình để tập trung vào những kế hoạch trong tương lai. Anh đã mở Nhà hàng Jack Dempsey trên đại lộ Broadway và Khách sạn Great Northern tại đại lộ số 57 rồi tự đứng ra quản lý. Anh bận rộn đến nỗi chẳng có thời gian và tâm sức để lo lắng về những chuyện đã qua. Jack Dempsey tâm sự: “Suốt 10 năm qua, tôi đã sống tốt hơn rất nhiều so với thời gian còn là vô địch quyền Anh”.
Dempsey nói mình là người không đọc nhiều sách vở, vì vậy có lẽ anh không biết rằng mình đã làm đúng theo những lời khuyên của Shakespeare: “Người khôn ngoan không bao giờ chịu ngồi than vãn trước thất bại của mình, mà sẽ hăm hở tìm mọi cách khắc phục để bù đắp lại những mất mát đã xảy ra”.
Qua các sách lịch sử và tiểu sử đã đọc, cùng với việc quan sát cách xử lý tình huống của nhiều người, tôi thường rất ngạc nhiên và hứng khởi khi thấy một số người có khả năng loại bỏ một cách tài tình nỗi phiền muộn và những bị kịch của mình để tiếp tục sống hạnh phúc.
Có lần, tôi đi thăm nhà tù Sing Sing và điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là dường như những tù nhân ở đây sống rất vui vẻ, chẳng khác gì những người bình thường ở bên ngoài. Khi nghe tôi thắc mắc về điều đó, Lewis E. Lawes – quản lý của nhà tù Sing Sing – trả lời rằng lúc mới vào tù, phạm nhân nào cũng tỏ ra rất cay cú và bất mãn. Nhưng sau vài tháng, phần lớn những người khôn ngoan hơn đều tự chấp nhận quên đi nỗi bất hạnh của mình để sống ổn định, có ích và vui vẻ nhất. Quản lý Lawes còn kể cho tôi nghe chuyện một tù nhân – một người làm vườn – vẫn thường ca hát khi đang trồng rau hay trồng hoa phía trên bên trong những bức tường cao ngất của nhà tù.
Người tù đó rõ ràng đã có cách nhìn nhận thông minh hơn nhiều người trong số chúng ta, Bởi anh biết rằng dù có than khóc hay tức giận thì cũng không thay đổi được hoàn cảnh, chỉ làm cho cuộc sống của mình thêm đau khổ và mệt mỏi mà thôi.
Hẳn nhiên chúng ta ai cũng có lúc phạm phải sai lầm và làm những điều ngớ ngẩn! Nhưng như thế thì đã sao? Có ai là người chưa từng phạm sai lầm? Ngay đến Napoleon cũng bị thua trong 1/3 số trận đánh quan trọng của mình. Dù sao thì cũng chẳng ai có thể quay ngược lại quá khứ. Bởi vậy, bạn hãy tự nhớ Nguyên tắc 6:
HÃY SỐNG VỐI HIỆN TẠI VÀ ĐỂ CHO QUÁ KHỨ CHÔN VÙI NHỮNG SAI LẦM CỦA NÓ!
 
 
TÓM TẮT PHẦN BA
---oOo---
PHẢ BỎ THÓI QUEN LO LẮNG TRƯỚC KHI LO LẮNG TÀN PHÁ CHÚNG TA
NGUYÊN TẮC 1:
Loại bỏ tất cả lo lắng ra khỏi đầu bạn bằng cách giữ cho mình luôn bận rộn
NGUYÊN TẮC 2:
Đừng quan tâm quá nhiều đến những chuyện vặt vãnh.
Hãy nhớ rằng: “Cuộc đời quá ngắn ngủi để có thời gian xét nét những điều vụn vặt”.
NGUYÊN TẮC 3:
Sử dụng luật bình quân để loại bỏ những nỗi lo lắng. Hãy tự hỏi bản thân: “Xác suất xảy ra việc này là bao nhiêu?”.
NGUYÊN TẮC 4:
Hợp tác với những điều không thể tránh khỏi. Nếu lâm vào môt tình thế nằm ngoài khả năng thay đổi hay cải thiện của bạn, hãy tự nhắc bản thân rằng: “Chuyện cũng đã vậy rồi; không thể khác được”.
NGUYÊN TẮC 5:
Đặt một lệnh “dừng” đối với nỗi lo lắng của chúng ta. Đừng dành cho nó sự quan tâm quá mức.
NGUYÊN TẮC 6:
Hãy sống với hiện tại và để cho quá khứ tự chôn vùi những sai lầm của nó.
Vài năm trước đây, trong một chương trình phỏng vấn trên sóng phát thanh, tôi đã được hỏi: “Bài học lớn nhất mà ông học được gì gì?”.
Thật dễ trả lời: Đó là bài học về tầm quan trọng của suy nghĩ. Nếu biết bạn nghĩ gì, tôi sẽ hiểu bạn là người thế nào. Suy nghĩ tạo nên con người chúng ta. Thái độ tinh thần chính là nhân tố quyết định vận mệnh của mỗi cá nhân. Emerson(39) từng nói: “Chúng ta chính là những gì chúng ta luôn nghĩ đến”. Sự thật đúng là như vậy!
Giờ đây, tôi biết một điều chắc chắn rằng: Vấn đề lớn nhất – hay có thể nói, vấn đề duy nhất – mà tôi và các bạn phải đối mặt là làm sao chọn được những suy nghĩ đúng đắn. Nếu làm được điều đó, chúng ta sẽ có thể giải quyết tốt đẹp tất cả các vấn đề của mình. Marcus Aurelius, triết gia vĩ đại, người cai trị Đế chế La Mã đã tổng kết lại điều này trong tám từ - tám từ có thể quyết định vận mệnh của bạn: “Our life is what our thoughts make it: (Suy nghĩ của chúng ta tạo nên cuộc đời chúng ta).
Đúng vậy, nếu suy nghĩ tích cực thì chúng ta sẽ hạnh phúc. Nếu suy nghĩ tiêu cực thì chúng ta sẽ khốn khổ. Nếu cho rằng mình sẽ ốm, chúng ta có thể bị ốm thật. Nếu nghĩ rằng mình thất bại, chắc chắn chúng ta sẽ thất bại. Và nếu chỉ biết ngậm ngùi thương thân, chúng ta sẽ khiến mọi người muốn xa lánh và lảng tránh. Nói như Norman Vincent Peale(40). “Anh không phải là con người như anh nghĩ, nhưng những gì anh nghĩ sẽ tạo nên con người anh”.
Phải chẳng tôi đang tán thành thực hiện một thái độ kiểu Pollyanna(41) đối với mọi rắc rối của chúng ta? Không hề, bởi rất tiếc, cuộc sống không đơn giản như thế. Nhưng cái tôi ủng hộ ở đây là chúng ta cần giữ một thái độ tích cực chứ không phải tiêu cực. Nói cách khác, hãy để tâm tới các rắc rối của mình, nhưng chớ nên lo lắng vì chúng. Đâu là sự khác biệt giữa “để tâm” và “lo lắng”? Xin được minh họa bằng một ví dụ. Mỗi khi đi trên những con phố nghẹt ở New York, tôi luôn để tâm tới những việc mình làm – nhưng không hề lo lắng. “Để tâm” là nhận diện vấn đề rồi bình tĩnh giải quyết từng bước một. “Lo lắng” là đi tới đi lui, phát điên trong cái vòng suy nghĩ luẩn quẩn.
Bất cứ ai cũng có thể vừa để tấm tới các rắc rối của mình mà vẫn ngẩng cao đầu bước đi với bông hoa cài trên ve áo. Tôi đã thấy Lowell Thomas là một người như thế. Một lần, tôi có vinh dự được cộng tác với ông trong buổi giới thiệu những thước phim nổi tiếng về Allenby-Lawrence(42) trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ông cùng các phụ tá đã xông pha trên nhiều mặt trận để chụp ảnh và đã được đền đáp xứng đáng với một tập ảnh chụp cảnh T. E. Lawrence cùng đội quân Ả Rập trong trang phục sặc sỡ và một bộ phim về cuộc chinh phục Đất Thánh của Allendy.
Bài nói chuyện kèm theo hình ảnh minh họa với nhan đề “Cùng Allendy ở Palestine và Lawrence ở Ả Rập” đã gây xôn xao khắp Luân Đôn và thế giới. Các chương trình opera tại Nhà hát Opera Hoàng Gia Covenr Garden, Luân Đôn, đã được hoãn lại trong 6 tuần để nhường chỗ cho các buổi kể chuyện về những chuyến phiêu lưu kỳ thú và các buổi trưng bày những bức ảnh của ông. Sau Luân Đôn là một chuyến lưu diễn thành công rực rỡ tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tiếp đó, Thomas dành hai năm chuẩn bị một bộ phim ghi lại đời sống ở Ấn Độ và Afghanistan. Nhưng sau nhiều vận rủi đến khó tin, điều tưởng chừng không thể xảy ra: ông bị phá sản ở Luân Đôn.
Lúc ấy tôi thường ở bên cạnh ông. Tôi còn nhớ, chúng tôi từng phải gọi những suất ăn rẻ tiền tại các nhà hàng Lyon’s Corner House, và có lẽ chúng tôi thậm chí còn không thể dùng bữa ở đấy nếu Thomas không mượn được ít tiền từ james McBey, một nghệ sĩ nỗi tiếng người Scotland. Và đây là điểm cốt lõi của câu chuyện: ngay cả khi đang rơi vào cảnh nợ nần chồng chất và thất vọng ê chề, Thomas vẫn để tâm tới các vấn đề của mình, nhưng không hề lo lắng. Ông biết nếu để nghịch cảnh đánh gục thì ông sẽ trở nên vô dụng trong mắt mọi người và không thể trả được nợ. Vì vậy, mỗi buổi sáng trước khi ra ngoài, ông đều mua một bông hoa cài lên ve áo, rồi đi xuống phố Oxford, đầu ngẩng cao và chân bước dứt khoát. Ông đã suy nghĩ một cách tích cực. Đối với ông, dũng cảm và kiên quyết chống lại cảm giác thua cuộc. Đối với ông, thất bại cũng là một phần của cuộc chơi – cũng là sự rèn luyện hữu ích mà ta phải vượt qua nếu muốn vươn tới đỉnh cao.
Thái độ tinh thần cũng tạo ra những ảnh hưởng đáng ngạc nhiên đối với thể lực của chúng ta. Điều này đã được minh chứng rất thuyết phục trong quyển sách The Psychology of Power (Tâm lý học về sức mạnh) của nhà tâm lý học nổi tiếng người Anh, J.A. Hadfiel. Trong sách, tác giả viết: “Tôi đã thực hiện một thí nghiệm nhằm kiểm tra ảnh hưởng của thái độ tinh thần đối với thể lực của ba người đàn ông, nhờ vào một lực kế”. Ông yêu cầu họ phải kéo lực kế với tất cả sức lực trong ba hoàn cảnh khác nhau.
Trong hoàn cảnh bình thường, lực kéo trung bình của mỗi người là 45kg. Nhưng khi Hadfield thôi miên và bảo rằng họ đang rất ốm yếu thì lực kéo trung bình giảm xuống chỉ còn 13kg – chưa tới một phần ba so với lúc đầu. (Một trong ba người này từng đạt giải quán quân vật tay; và trong lúc bị thôi miên, anh đã nhận xét rằng anh có cảm tưởng tay mình “nhỏ bé và yếu ớt như tay một đứa trẻ”).
Tiếp đó, Hadfield lại thôi miên rằng ba người đang vô cùng sung sức, kết quả là lực kéo trung bình trăng đến 65kg. Khi tâm trí ngập tràn những suy nghĩ tích cực về sức khỏe thì thể lực của họ có thể tăng lên gần 50%.
Quả là thái độ tinh thần có một sức mạnh đáng kinh ngạc!
Nhằm minh họa rõ hơn cho khả năng kỳ diệu của suy nghĩ, tôi xin kể thêm một câu chuyện nữa – một trong những câu chuyện gây sửng sốt nhất trong quyển biên niên sử của Hoa Kỳ mà nếu muốn kể ra tường tận, tôi có thể viết thành hẳn một quyển sách. Nhưng chúng ta sẽ chỉ lướt qua ngắn gọn thôi.
Vào một đêm tháng Mười sương giá, không lâu sau khi cuộc Nội chiến kết thúc, có môt phụ nữ nghèo khổ, vô gia cư, trông chẳng khác nào một kẻ lang thang đầu đường xó chợ, đã đến gõ cửa nhà bà Webster, vợ một thuyền trưởng đã nghỉ hưu, sống tại Amesbury, Masachusetts.
Khi ra mở cửa, bà Webster thấy trước mắt mình là một hình hài nhỏ bé, yếu đuối, “không hơn gì một bộ da bọc xương”. Người lạ tự xưng là bà Glover và giải thích rằng bà đang tìm một nơi để có thể bình tâm suy nghĩ và giải quyết một vấn đề khiến bà không lúc nào được nguôi ngoai.
Bà Webster mời người đàn bà ấy vào, và bà Glover có thể mãi mãi ở lại nơi đó nếu Bill Allis, con rể của Bà Webster không từ New York về nghỉ ngơi. Khi phát hiện sự có mặt của và Glover, anh ta quát ầm lên: “Tôi sẽ không để cho bất cứ kẻ vô công rồi nghề nào ở đây cả!”, rồi đuổi người đàn bà vô gia cư ấy ra khỏi nhà. Ngoài trời mưa xối xả, bà Glover đứng run rẩy giữa cái lạnh trong phút chốc rồi bước đi tìm một chỗ trú chân khác.
Và đây là phần bất ngờ nhất của câu chuyện: Kẻ “vô công rồi nghề” mà Bill Allis đã đuổi ta khỏi nhà ấy sau này đã trở thành một trong những người phụ nữ có ảnh hưởng lớn tới tư tưởng của nhân loại. Bà chính là Mary Baker Addy(43) – người sáng lập ra Christian Science (Khoa học Cơ đốc).
Nhưng lúc đó, bà chỉ là một phụ nữ ốm yếu, đau khổ và hứng chịu nhiều bi kịch. Người chồng thứ nhất qua đời không lâu sau khi họ cưới nhau. Người chồng thứ hai lại bỏ trốn với một phụ nữ đã có chồng, rồi chết trong một nhà tế bần. Chỉ còn lại đứa con trai duy nhất, nhưng vì nghèo đói và bệnh tật, bà buộc phải rời bỏ con khi cậu mới 14 tuổi. Từ đó trở đi, bà không gặp lại con và cũng không nhận được tin tức gì suốt 31 năm.
Do tình trạng sức khỏe, từ lâu Eddy đã quan tâm tìm hiểu về cái bà gọi là: “khoa học hàn gắn vết thương tâm hồn”. Nhưng bước ngoặt trong đời bà chỉ thực sự diễn ra ở Lynn, Massachusetts. Khi đang đi xuống phố trong một ngày lạnh giá, bà bị trượt chân và ngã xuỗng bất tỉnh trên vỉa hè phủ đầy băng. Cột sống bị tổn thương nghiêm trọng đến mức gây ra những cơn co giật ghê gơm. Ngay bác sĩ cũng nghĩ bà sẽ chết. Ông tuyên bố rằng dù có sống được nhờ phép màu thì bà cũng không thể đi lại được nữa.
Nằm trên giường chờ chết, bà Eddy mở Kinh Thánh ra đọc và theo lời bà kể lại sau này, có một sự mách bảo thiêng liêng nào đấy đã dẫn bà đến với những lời sau đây của Thánh Mattthew: “Và, hãy nhìn xem, người ta mang đến cho ngài môt người bị liệt đang phải nằm trên giường; và Jesus nói với người ấy rằng: con trai, hãy vui lên; tội lỗi của con đã được tha thứ. Hãy mang chiếc giường của con về nhà. Vậy là người đó đứng lên và trở về nhà”.
Mary Baker Eddy nói rằng những lời của Jesus đã tiếp cho bà một nguồn sức mạnh mới, một niềm tin, một năng lực tự chữa lành vết thương kỳ diệu đến mức bà “ngay lập tức ngồi dậy khỏi giường và bước đi”
Bà cho biết: “Trải nghiệm ấy giúp tôi phát hiện ra cách giúp bản thân và mọi người có thể sống vui khỏe … Tôi nhận thức được một chân lý khoa học: mọi nguyên nhân đều bắt nguồn từ suy nghĩ của chúng ta và mọi kết quả đều là những hiện tượng tinh thần”.
Đó chính là con đường Mary Baker Addy trở thành người sáng lập và nữ tu sĩ tối cao của một tôn giáo mới: Khoa học Cơ đốc – tôn giáo duy nhất được một phụ nữ sáng lập và được truyền bá rộng rãi.
Có thể bạn đang tự nhủ: “Cái ông Carnegie này chắc đang tuyên truyền cho Khoa học Cơ đốc”. Không. Bạn nhầm rồi. Tôi không phải là tín đồ của tôn giáo này. Nhưng ngày nào còn sống, ngày ấy tôi còn tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh kỳ diệu của suy nghĩ. Nhiều năm giảng dạy cho các học viên lớn tuổi đã đưa tôi đến kết luận: Bất cứ ai cũng có thể biến đổi cuộc đời cũng như gạt bỏ nỗi lo lắng, sợ hãi và rất nhiều bệnh tật khác bằng cách thay đổi suy nghĩ. Tôi biết điều đó! Biết chắc chắn! Tôi đã chứng kiến hàng trăm cuộc biến đổi ngoạn mục như thế. Chúng diễn ra thường xuyên đến mức tôi không còn chút nghi ngờ gì nữa.
Một trong những cuộc biến đổi ngoạn mục ấy đã đến với một học viên của tôi. Anh này từng bị suy nhược thần kinh vì lo lắng kinh niên. Anh kể lại:
“Tôi đã lo lắng về mọi thứ: Tôi quá gầy; tôi nghĩ mình đang bị rụng tóc; có lẽ tôi sẽ không bao giờ kiếm đủ tiền để cưới vợ; có lẽ tôi không thể trở thành một người cha tốt; có lẽ tôi sẽ đánh mất người con gái mình muốn kết hôn; tôi cảm thấy mình đang sống một cuộc đời chẳng mấy ý nghĩa. Tôi sợ tạo ấn tượng xấu với những người xung quanh.Tôi còn cho rằng mình bị loét dạ dày. Cứ như thế, tôi không thể làm việc nổi và phải bỏ việc. Những căng thẳng chất chồng khiến tôi chẳng khác nào một cái nồi hơi bị mất van an toàn. Nếu bạn chưa bị suy nhược thần kính thì hãy cầu trời cho mình đừng bao giờ phải biết đến nó, bởi không nỗi đau thể chất nào có thể sánh với những đau đớn quằn quại của một tâm hồn khổ sở.
Tôi bị suy nhược nghiêm trọng đến nỗi thậm chí không nói chuyện được với người trong gia đình. Tôi không kiểm soát nổi các suy nghĩ của mình. Lúc nào tôi cũng hoảng sợ. Một tiếng động dù nhỏ nhất cũng khiến tôi giật bắn mình. Tôi tránh mặt mọi người. Tôi bật khóc mà không có một lý do nào rõ ràng.
Mỗi ngày trôi qua là một ngày đau đớn. Có cảm giác như mọi người và cả Chúa Trời cũng bỏ rơi tôi.Tôi toan nhảy xuống sông và kết thúc tất cả.
Cuối cùng, tôi đến Florida với hy vọng sự thay đổi không khí sẽ giúp mình trấn tĩnh lại. Lúc tôi bước lên tàu, cha đặt vào tay tôi một lá thư và bảo chỉ được mở ra khi đã tới nơi. Tôi đặt chân xuống Florida vào đùng thời kỳ cao điểm của mùa du lịch nên không thể tìm được chỗ ở khách sạn mà phải thuê một phòng ngủ trong ga-ra. Sau đó, tôi xin vào làm trong một chuyến xe lửa tốc hành chở hàng hóa xuất phát từ Miami, nhưng không thành công và đành phải dành phần lớn thời gian lang thang ở bãi biển. Tại Florida, tình cảnh của tôi còn tệ hơn khi ở nhà; và tôi chợt nhớ tới lá thư của cha tôi. Tôi mở ra đọc.
Con trai, ở cách nhà 1.500 dặm, chắc con cũng không thấy có gì thay đổi đúng không? Cha biết thế bởi khi đi, con đã mang theo nguyên nhân gây ra mọi rắc rối của con. Đó chính là bản thân con. Con chẳng gặp vấn đề gì về thể chất hay tinh thần hết. Cái khiến con rơi vào tình trạng này đâu phải là những tình huống con gặp phải mà là do cách suy nghĩ của con về tình huống đó. “Nếu một người thực lòng nghĩ mình như thế nào thì anh ta sẽ như thế ấy”. Con trai của Cha, khi đã hiểu ra điều này thì hãy trở về nhà nhé, vì lúc ấy vết thương của con sẽ được chữa lành”.
Lá thứ của cha khiến tôi vô cùng tức giận. Cái tôi cần là sự cảm thông chứ không phải những lời giáo huấn. Ngay lập tức tôi quyết định sẽ không bao giờ trở về nhà nữa. Nhưng đêm đó, khi đi dọc theo một hè phố ở Miami, tôi bắt gặp một nhà thờ đang cử hành nghi lễ. Không còn nơi nào để đi, tôi đành bước vào nghe một bài trích giảng: “Ai có thể chế ngự tinh thần của mình thì người ấy còn mạnh hơn người đứng đầu một thành phố”. Ngay giữa ngôi nhà thiêng liêng của Chúa, lại nghe thấy những lời khuyên tương tự thư của cha, mọi khúc mắc trong tôi bỗng dưng được tháo gỡ. Lần đầu tiên trong đời, tôi có thể suy nghĩ thông suốt và tỉnh táo. Tôi nhận ra mình quá ư ngốc nghếch. Tôi đã bị sốc khi nhìn thấy con người thật của mình. Tôi như muốn thay đổi cả thế giới – trong khi thứ duy nhất cần thay đổi lại là tiêu điểm của cái ống kính máy ảnh trong đầu tôi.
Sáng hôm sau, tôi sắp xếp hành lý trở về nhà. Một tuần sau, tôi làm việc trở lại. Bốn tháng sau, tôi kết hôn với người con gái mà tôi đã sợ sẽ đánh mất. Bây giờ, chúng tôi đang sống hạnh phúc bên nhau cùng 5 đứa con. Hồi bị suy nhược, tôi chỉ là người phụ trách ca đêm của một cửa hàng nhỏ, trông coi 18 nhân viên. Giờ tôi là giám sát viên một xưởng sản xuất bìa carton, quản lý hơn 450 người. Cuộc sống của tôi hiện nay sung túc và dễ chịu hơn trước rất nhiều. Giờ tôi tin rằng mình đã hiểu được giá trị đích thực của cuộc sống. Mỗi khi khó khăn nổi lên trong cuộc đời, tôi lại tự bảo mình hãy chỉnh lại tiêu điểm của chiếc máy ảnh tâm hồn, và sau đó mọi việc lại ổn thỏa.
Thành thực mà nói, tôi rất mừng vì mình đã có lần suy nhược ấy. Nhờ nó mà tôi có được một bài học quý báu về sức mạnh cũng như nhận thức rõ về những tác động lớn lao của suy nghĩ tới tinh thần và thể chất của chúng ta. Giờ tôi có thể khiến các suy nghĩ hoạt động theo ý mình chứ không phải chống lại mình. Giờ tôi hiểu cha đã đúng khi nói rằng nguyên nhân gây ra nỗi phiền muộn của tôi không phải là những nhân tố ngoại cảnh mà chính là suy nghĩ của tôi về chúng. Ngay khi hiểu ra, căn bệnh của tôi đã được chữa lành và cho đến giờ vẫn chưa bao giờ tái phát.
Tôi thực sự tin rằng sự thanh thản và niềm tin trong cuộc sống của chúng ta không phụ thuộc vào việc chúng ta ở đâu, làm gì hay là ai, mà chỉ phụ thuộc vào thái độ tinh thần của chúng ta. Những điều kiện ngoại cảnh thường có tác động rất ít. Chẳng hạn như trường hợp của John Brown, người bị kết án treo cổ vì tôi chiếm giữ kho vũ khí Liên bang tại Harpers Ferry và xúi giục nô lệ nổi loạn. Trên đường đến nơi thi hành án, trong khi người cai tù đi bên cạnh và điềm đạm. Ngồi trên nắp chiếc quan tài đóng sẵn cho mình, ông thốt lên lúc nhìn thấy rặng núi Blue vủa Virginia: “Miền đất này tươi đẹp quá! Trước đây, tôi chưa bao giờ có cơ hội được thực sự ngắm nhìn nó”.
Hay như câu chuyện về Robert Falcon Scott và đoàn người của ông – những người Anh đầu tiên đặt chân tới Nam Cực. Hành trình trở về của họ là một trong những hành trình gian khổ nhất trong lịch sử nhân loại. Thức ăn và nhiên liệu đã cạn kiệt nhưng họ không thể đi tiếp do một cơn bão tuyết dữ dội đã quét qua vòng địa cực suốt 11 ngày đêm, đem theo những cơn gió sắc buốt làm lẹm đứt cả những ngọn núi băng ở đó. Đoàn thám hiểm của Scott biết mình sẽ chết; trước đó, họ có mang sẵn một ít thuốc phiện để dùng trong những trường  hợp khẩn cấp. Chỉ một liều lớn thôi, tất cả có thể nằm xuống với những giấc mơ thiên đường và không bao giờ tỉnh dậy nữa. Nhưng như chúng đã đã biết, họ không làm thế; họ đã ca hát vui vẻ cho đến hơi thở cuối cùng. Tám tháng sau, một đội tìm kiếm đã phát hiện dưới thi thể đóng băng của những con người can đảm ấy một lá từ biệt kể lại điều này.
Đúng vậy, nếu biết suy nghĩ bình tĩnh và can đảm, chúng ta vẫn có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp ngay cả khi đang ngồi trên quan tài của mình để đi đến giá treo cổ; vẫn có thể ca hát rộn vang những căn lều cho tới khi từ giã cuộc đời vì đói khát và rét mướt.
Ba trăm năm trước, trong cảnh mù lòa, Milton cũng phát hiện ra chân lý đó:
Chỉ tâm hồn là nơi duy nhất
Có thể biến thiên đường thành địa ngục,
Và địa ngục hóa thiên đường.
Napoleon và Helen Keller là hai minh họa điển hình cho câu thơ của Milton. Napoleon có mọi thứ mà một người đàn ông hằng khao khát: vinh quang, quyền lực, sự giàu sang – thế nhưng ông vẫn nói tại đảo Saint Helena: “Cả đời tôi chưa có lấy 6 ngày sống trong hạnh phúc”; trong khi đó, Helen Keller – mù lòa và câm điếc bẩm sinh – lại thốt lên: “Cuộc đời này tươi đẹp biết bao!”.
Nếu tôi có rút ra điều gì sau gần nửa thế kỷ sống trên đời, hẳn đó là: “Không gì có thể mạng lại sự bình yên cho bạn ngoại trừ bản thân bạn”.
Tôi chỉ thuần túy nhắc lại điều mà Emerson đã nói trong phần kết bài luận văn của ông về “Sự tự lực”: “Một chiến thắng chính trị, sự bình phục sau cơn đau ốm, sự trở về của một người bạn đi xa hay tất cả những sự kiện ngoại cảnh đã làm tinh thần bạn phấn chấn lên và tin rằng một ngày tốt lành đang đón chờ mình? Đừng tin vào điều đó. Không bao giờ có chuyện đó. Không gì có thể mang lại sự bình yên cho bạn ngoại trừ bản thân bạn”.
Epictetus, nhà triết học khắc kỷ vĩ đại từng cảnh báo rằng chúng ta nên chú trọng vào việc xóa bỏ những suy nghĩ lệch lạc trong tâm hồn hơn là những “sưng tấy hay khối u của cơ thể”.
Y học ngày nay có thể minh chứng cho tính đúng đắn của nhận định từ 19 thế kỷ trước của Epictetus. Bác sĩ G. Canby Robinson đã cho biết: 4/5 bệnh nhân được đưa vào bệnh việc Johns Hopkins đều là những người đang gặp áp lực và căng thẳng về cảm xúc trong một chừng mực nào đó. Điều này đặc biệt đúng với các trường hợp mắc chứng rối loạn các cơ quan chức năng. Ông nói: “Suy cho cùng, các rối loạn này đều bắt nguồn từ chính những rối loạn trong cuộc sống và những thất bại trong việc thích nghi với chúng”.
Montaigne, nhà triết học nổi tiếng người Pháp đã lấy 17 từ sau đây làm phương châm sống cho mình: “A man is not hurt so much by what happens, as by his opinion of what happens”. (Người ta bị tổn thương vì những sự việc xảy ra thì ít mà vì những quan điểm về sự việc đó thì nhiều). Và quan điểm đó lại hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta.
Ý tôi là gì? Chẳng lẽ khi bạn đã đủ khổ sở vì rắc rối, khi dây thần kinh của bạn đã căng ra như dây đàn mà tôi còn dám thản nhiên bảo rằng chỉ cần quyết tâm là bạn có thể thay đổi trạng thái tinh thần ư? Nhưng đó lại chính xác là những gì tôi muốn nói. Và chưa hết. Tôi còn chỉ ra cho bạn cách làm nữa. Có lẽ bạn sẽ cần nỗ lực đôi chút những bí quyết thực sự rất đơn giản.
William James, với về dày kiến thức khó ai sánh kịp về tâm lý học ứng dụng, từng nhận xét như sau: “Có vẻ như hành động theo cảm xúc, nhưng thực ra hành động và cảm xúc luôn song hành cùng nhau; tuy nhiên hành động dễ chịu sự điều khiển trực tiếp của lý trí hơn; do đó, bằng cách điều chỉnh hành động, chúng ta có thể gián tiếp điều chỉnh cảm xúc của mình”.
Nói cách khác, William James đã chỉ ra không phải cứ “hạ quyết tâm” là có thể ngay lập tức thay đổi cảm xúc – thay vào đó, chúng ta nên thay đổi hành động và khi hành động đã thay đổi, cảm xúc sẽ tự biến đổi theo.
Ông giải thích thêm: “Vì vậy, con đường hiệu quả để tìm lại sự vui tươi là hãy hoạt bát lên, hãy nói và hành đông như thể niềm vui vẫn đang ngập tràn trong tim”.
Liệu phương cách đơn giản này có tác dụng không? Bạn thử làm xem sao. Hãy nở một nụ cười thật tươi tắn và chân thành; ưỡn ngực ra, vươn vai và hít một hơi thật sâu; sau đó hát một vài khúc nhạc. Nếu bạn không hát được thì có thể huýt sáo. Không huýt sáo được thì hãy ngâm nga. Rồi bạn sẽ nhanh chóng hiểu ra điều mà William James nói đến – không thể có chuyện bạn vẫn tiếp tục thấy buồn chán và thất vọng khi đang hành động như thể mình là người vô cùng hạnh phúc.
Đây cũng chính là một trong những quy luật tự nhiên đơn giản và căn bản nhất mà chúng ta có thể áp dụng để tạo nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống. Tôi biết một phụ nữ ở California mà tôi tin là nếu hiểu được bí mật này, hẳn bà đã có thể rũ hết buồn khổ của mình trong vòng 24 giờ. Bà đã già và là một góa phụ. Đó quả là một điều đáng buồn. Nhưng bà có cố gắng vui vẻ lên? Không hề.
Mỗi khi có ai đó hỏi thăm, bà đều trả lời: “Ồ, tôi ổn mà” – nhưng biểu hiện trên gương mặt và sự than vãn trong giọng điệu thì cho biết điều ngược lại: “Ôi. Chúa ơi, giá mà mọi người biết được những khó khăn tôi đang phải trải qua!”. Bà không hài lòng nếu thấy ai đó tỏ vẻ hạnh phúc. Bà không hề nghĩ rằng hoàn cảnh của bà còn tốt hơn rất nhiều người phụ nữ khác: Dù sao bà vẫn được chồng để lại một khoản tiền bảo hiểm đủ để bà sống đến cuối đời, và những đứa con đã lập gia đình cũng sẵn lòng đưa mẹ về phụng dưỡng. Vậy mà hiếm khi tôi thấy bà cười. Bà kêu ca rằng cả ba đứa con rể là đồ bủn xỉn và ích kỉ - trong khi bà làm khách ở nhà họ hàng tháng trời. Bà phàn nàn rằng mấy cô con gái không bao giờ biết mua quà biếu mẹ - trong khi chính bà lại cất giữ tiền riêng thật cẩn thận “phòng lúc tuổi già”! Bà tự biến mình thành gánh nặng cho bản thân và cho gia đình không may của bà.
Nhưng có nhất thiết phải như thế không? Thật đáng tiếc biết bao, bởi nếu muốn, bà hoàn toàn có thể trở thành một thành viên được yêu quý và kính trọng trong gia đình chứ không phải một bà già bất hạnh, khốn khổ và miệng lưỡi chua cay. Để có được sự biến đổi ấy, tất cả những gì bà cần làm chỉ là bắt đầu cư xử vui vẻ hơn; bắt đầu thể hiện ý muốn được san sẻ tình yêu cho mọi người chứ không phải giữ rịt nó bên mình, đòi hỏi mọi người và than thân trách phận.
Cũng nhờ vào bí quyết này mà H. J. Englert, một người ở thành phố Tell, Indiana, còn sống được đến ngày nay. Mười năm trước, sau khi qua khỏi một trận sốt phát ban, ông được biết mình đã mắc chứng viêm thận. Ông đi khám và chữa bệnh khắp nơi nhưng không có kết quả.
Rồi ông lại mắc thêm một chứng bệnh khác: bệnh cao huyết áp. Bác sĩ cho biết huyết áp của ông có lúc lên tới 214, tức là có thể gây tử vong bất cứ lúc nào và tình hình đang diễn tiến theo chiều hướng xấu đi, ông nên nhanh chóng thu xếp tất cả những việc còn dang dở trước khi ra đi. Ông kể lại:
“Tôi trở về nhà và kiểm tra xem đã đóng đầy đủ các khoản tiền bảo hiểm chưa, rồi cầu xin Chúa tha thứ cho những tội lỗi của mình và chìm trong những suy tư u ám. Thấy tôi như thế, không ai còn vui vẻ nổi. Vợ con tôi vô cùng đau khổ, còn tôi cứ vùi mình trong nỗi phiền muộn. Nhưng sau một tuần ngậm ngùi xót xa cho bản thân, tôi tự nhủ: “Mình đang hành động như một thằng ngốc! Biết đâu một năm nữa mình vẫn chưa chết, sao không cố gắng vui vẻ lên khi còn sống?”.
Tôi ưỡn ngực ra, nở một nụ cười và cố gắng xử sự như không có chuyện gì nghiêm trọng. Phải thừa nhận là điều này lúc đầu rất khó khăn – tôi ép mình phải tỏ ra vui tươi, thoải mái; nhưng dần dần nó đã giúp ích không chỉ cho gia đình tôi mà còn cho bản thân tôi nữa.
Tác dụng đầu tiên có thể nhận thấy là tâm trạng thực của tôi đã khá lên – rồi tốt đến mức gần như tôi không phải giả vờ nữa! Mọi việc ngày càng được cải thiện theo chiều hướng tốt đẹp. Đến hôm nay, đã nhiều tháng kể từ cái ngày tôi cho rằng mình sẽ chết – tôi không những sống vui tươi, khỏe mạnh mà huyết áp còn hạ xuống nữa! Tôi chắc chắn một điều rằng: Những dự đoán của bác sĩ rất có thể đã trở thành sự thật nếu tôi cứ chìm trong những suy nghĩ buông xuôi “chết người”. Nhưng tôi đã cho cơ thể mình một cơ hội để tự chữa lành bằng cách thay đổi thái độ và tinh thần!”.
Nếu người đàn ông trên đã tự cứu mạng mình chỉ bằng một việc duy nhất là cư xử vui vẻ và suy nghĩ tích cực hơn về sức khỏe và nghị lực thì tại sao tôi và các bạn lại có thể tiếp tục cho phép những nỗi thất vọng và u sầu cỏn con của mình lấn lướt, dù chỉ trong một phút? Sao lại khiến bản thân và những người xung quanh buồn khổ khi chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra niềm hạnh phúc bằng cách cư xử vui vẻ lên?
Nhiều năm trước, tôi đã đọc được một quyển sách nhỏ nhưng để lại một ảnh hưởng sâu sắc trong cuộc sống của tôi. Đó là quyển As a Man Thinketh (Như những gì bạn thực lòng nghĩ) của James Allen. Dưới đây là một đoạn trích trong tác phẩm:
“Bạn sẽ nhận ra rằng khi thay đổi suy nghĩ về con người và sự việc xung quanh thì tất cả cũng sẽ thay đổi với bạn … Hãy thử thay đổi suy nghĩ của mình theo hướng tích cực, rồi bạn sẽ thấy ngạc nhiên trước sự biến đổi nhanh chóng mà nó mang lại. Chúng ta không thể nhận được những gì mình muốn mà chỉ nhận được những gì mình đáng được hưởng … Sức mạnh thần thánh duy nhất có thể quyết định vận mệnh mỗi người nằm trong bản thân người ấy. Chỉ bản thân người ấy mà thôi… Tất cả những gì một người đạt được là kết quả trực tiếp từ suy nghĩ của anh ta. Anh ta chỉ có thể vươn lên, chiến thắng và thành đạt nếu nghĩ tới những tầm cao mới. Và anh ta sẽ mãi là một kẻ yếu đuối, đơn hèn, khốn khổ nếu chỉ luẩn quẩn trong những vòng suy nghĩ bạc nhược”.
Theo sách Khải huyền(44), Đấng sáng tạo trước kia đã cho con người quyền thống trị cả trái đất. Quả là một món quà đầy quyền uy. Nhưng bản thân tôi thì chẳng thấy hứng thú với những kiểu đặc quyền đế vương như thế. Tôi chỉ có một khao khát duy nhất – là làm chủ được chính bản thân, chính suy nghĩ, chính nỗi sợ hãi và chính lý trí của mình. Và giờ đây, thật tuyệt vời khi biết rằng vào bất cứ lúc nào, tôi cũng có thể thực hiện xuất sắc điều đó bằng cách chế ngự hành động, và qua đó điều chỉnh phản ứng của mình.
Vì vậy, chúng ta hãy ghi nhớ lời William James: “Phần lớn những gì chúng ta cho là xấu xa đều có thể biến đổi thành những điều tốt lành trong trẻo nếu người trong cuộc chịu thực hiện một việc rất đơn giản là chuyển từ thái độ sợ hãi sang tranh đấu”.
Hãy tranh đấu cho hạnh phúc của chúng ta!
Hãy tranh đấu bằng một chương trình suy nghĩ vui vẻ và tích cực mỗi ngày. Và đây là một chương trình như thế. “Ngay hôm nay” của Siby F. Partridge. Chương trình này đã tạo nhiều cảm hứng đến nỗi tôi đã sao nó ra hàng trăm bản để đem tặng bạn bè. Nếu bạn và tôi làm theo, chúng ta sẽ loại bỏ được phần lớn nỗi lo âu của mình và làm tăng lên vô hạn tỷ lệ của cái mà người Pháp gọi là la joie de vivre (niềm vui sống).
NGAY HÔM NAY
1/ Ngay hôm nay, tôi sẽ vui vẻTôi thừa nhận những gì Abraham Lincoln đã nói: “Khi người ta quyết định vui vẻ thì họ sẽ được vui vẻ gần như thế”. Hạnh phúc có từ chính bên trong chúng ta chứ không phải từ ngoại cảnh.
2/ Ngay hôm nay, tôi sẽ cố gắng thích nghi với thực tế thay vì cố gắng bắt mọi thứ phải thay đổi theo mong muốn chủ quan của mình. Tôi sẽ chấp nhận gia đình, công việc và sự may mắn như chúng vốn như vậy và tìm cách điều chỉnh bản thân để phù hợp với chúng.
3/ Ngay hôm nay, tôi sẽ chăm sóc, rèn luyện cơ thể mình. Tôi sẽ không lạm dụng hay bỏ bê nó; có như vậy thì nó mới trở thành một cỗ máy hoàn hảo tuân theo mọi mệnh lệnh của tôi.
4/ Ngay hôm nay, tôi sẽ cố gắng rèn luyện trí óc. Tôi sẽ học hỏi điều gì đó hữu ích. Tôi quyết không là một kẻ chỉ suy nghĩ lan man. Tôi sẽ đọc một quyển sách đòi hỏi phải nỗ lực, suy nghĩ và tập trung.
5/ Ngay hôm nay, tôi sẽ rèn luyện tâm hồn mình bằng ba cách. Tôi sẽ bí mật giúp đỡ vài người mà không cho họ biết. Và theo William James, tôi sẽ làm ít nhất hai điều mình không muốn làm để tự rèn luyện.
6/ Ngay hôm nay, tôi sẽ tỏ ra thật dễ thương. Trông tôi phải thật rạng rỡ. Tôi sẽ ăn mặc chỉnh tề, nói năng nhỏ nhẹ, cư xử lịch thiệp và hào phóng với những lời khen ngợi, không phê bình một ai, không chê trách điều gì và không tìm cách chấn chỉnh người nào.
7/ Ngay hôm nay, tôi sẽ không nóng vội muốn giải quyết vấn đề cả đời chỉ trong một ngày. Và như thế, thay vì phải chịu đựng 12 giờ lo lắng như trong địa ngục về nó, tôi có thể làm việc hiệu quả hơn.
8/ Ngay hôm nay, tôi sẽ lập một kế hoạch. Tôi sẽ viết ra những việc mình muốn làm trong từng giờ. Ngay cả khi không thực hiện được chính xác thì ít nhất tôi cũng đã cố gắng. Điều này sẽ giúp loại bỏ được hai tính xấu: “hấp tấp” và “lưỡng lự”.
9/ Ngay hôm nay, tôi sẽ dành nữa giờ yên tĩnh để thư giãn một mình. Trong lúc đó, đôi khi tôi có thể nghĩ về Chúa như một cách tạo ra viễn cảnh tươi sáng hơn cho đời mình.
10/ Ngay hôm nay, tôi sẽ không sợ hãi, đặc biệt là không sợ hãi trong việc vươn tới một cuộc sống hạnh phúc hơn, để tận hưởng những điều tươi đẹp, để yêu và để tin rằng tôi cũng xứng đáng được yêu thương.
Nói tóm lại, nếu chúng ta muốn có được một thái độ tinh thần giúp mang lại sự bình yên và hạnh phúc, hãy tuân theo nguyên tắc 1:
SUY NGHĨ VÀ HÀNH ĐỘNG MỘT CÁCH VUI TƯƠI
Khi oán ghét kẻ thù nghĩa là ta đang cho chúng khả năng chi phối bản thân ta, chi phối giấc ngủ, bữa ăn, huyết áp, sức khỏe cũng như hạnh phúc của ta. Nhưng đối thủ của chúng ta hẳn sẽ nhảy lên vui sướng nếu biết rằng họ đang làm chúng ta lo lắng, đau khổ và cay cú như thế nào! Sự oán ghét của ta chẳng mảy may làm họ tổn thương mà chỉ khiến cho cuộc sống của ta trở thành những chuỗi ngày khốn khổ.
Theo bạn, ai là người đã nói những lời lẽ sau: “Nếu có kẻ ích kỷ nào đó tìm cách lợi dụng bạn, hãy xóa tên hẳn ra khỏi danh sách bạn bè của mình, nhưng đừng cố trả đũa; bởi khi muốn trả đũa kẻ thù, bạn sẽ làm tổn thương chính mình hơn là làm tổn thương hắn?”.
Nghe như phát ngôn của một người theo chủ nghĩa lý tưởng nào đó phải không? Không đâu, đó là một đoạn trích từ một bản thông cáo của Sở cảnh sát Milwaukee. Chắc rằng họ đã chứng kiến quá nhiều sự mất mát của những người từng ôm ấp và tiến hành các vụ trả thù nên mới đúc kết ra những lời khôn ngoan như vậy.
Cố gắng trả thù có thể làm tổn hại đến bạn theo những cách nào? Theo tạp chí Life, ngoài biết bao khổ sở về tinh thần, nó thậm chí còn có thể hủy hoại sức khỏe của bạn. Tác giả bài báo ấy viết: “Nét đặc trưng của những người mắc chứng huyết áp là rất hay tức giận. Khi một người thường xuyên có cảm giác giận dữ, tâm trạng đó sẽ kéo theo bệnh cao huyết áp và trở thành bệnh tim mãn tính”.
 Bởi vậy, có thể thấy rằng khi nói: “Hãy yêu thương kẻ thù của mình”, Chúa Jesus không chỉ đơn thuần thuyết giảng đạo lý mà còn đưa ra một phương thuốc cần thiết cho loài người. Lời khuyên: “Hãy tha thứ” của Chúa chính là lời chỉ dạy giúp chúng ta tránh bị cao huyết áp, tim mạch, loét dạ dày và nhiều căn bệnh đau đớn khác.
Gần đây, một người bạn của tôi đã lên một cơn đau tim nguy kịch. Bác sĩ đã yêu cầu cô phải nằm nghỉ và không được tức giận dù có bất cứ chuyện gì xảy ra. Các bác sĩ biết rằng nếu bạn yếu tim thì chỉ cần một cơn giận dữ cũng có thể giết bạn. Mà không phải chỉ là có thể! Cách đây vài năm, một cơn giận dữ đã giết chết một chủ nhà hàng ở Spokane, Washington. Trên bàn tôi giờ vẫn còn lá thư của Jerry Swartout, cảnh sát trưởng ở Spokane Washington, trong đó nói rằng: “Vài năm trước, William Falkaber, ông chủ 68 tuổi của một quán cà phê ở Spokane đã tự giết mình bằng một cơn thịnh nộ chỉ vì đầu bếp của ông một mực đòi uống cà phê bằng dĩa chứ không dùng cốc. Người chủ quán này đã phẫn nộ đến mức chụp lấy khẩu súng lục và đuổi theo người đầu bếp rồi ngã xuống đột tử sau một cơn đau tim – tay vẫn nắm chặt khẩu súng. Báo cáo giám định pháp y cho biết chính cơn giận dữ là nguyên nhân của cơn đau tim đó”.
Khi nói: “Hãy yêu thương kẻ thù của mình”, Chúa Jesus cũng đồng thời dạy chúng ta cách làm cho dụng mạo của mình đẹp hơn. Tôi biết có những người mặt xếp đầy nếp nhăn và đanh lại vì oán ghét hay trở nên méo mó vì căm giận. Tất cả những cuộc giải phẩu thẩm mỹ cũng chẳng mang lại hiệu quả cho vẻ đẹp của chúng ta bằng một nửa so với những gì mà một trái tim bao dung, dịu dàng và yêu thương có thể mang lại.
Sự oán ghét còn khiến chúng ta ăn không biết ngon. Nói như Kinh Thánh thì: “Một bữa tối chỉ có rau cỏ nhưng dạt dào tình yêu thương còn ngon hơn bữa tối với thịt bò béo ngậy nhưng chất chứa oán thù”.
Có lẽ nào kẻ thù của chúng ta lại không xoa tay hả hê nếu biết được rằng lòng oán ghét họ đang dần làm ta kiệt sức, mệt mỏi, căng thẳng, khiến nhan sắc ta tàn phai hay làm cho ta mắc bệnh tim mạch và có nguy cơ bị tổn thọ?
Nếu không yêu thương được kẻ thù thì ít nhất chúng ta cũng nên thương chính mình. Hãy yêu bản thân đủ nhiều để kẻ thù không thể chi phối niềm vui, sức khỏe và dung nhan của bạn. Shakeppeare từng nói:
Nóng nảy chẳng làm kẻ thù của bạn bị thiêu đốt
Mà chỉ làm mỗi bạn bị thiêu đốt mà thôi.
Khi khuyên chúng ta nên tha thứ cho kẻ thù, Jesus còn chỉ cho chúng ta cách làm việc. Chẳng hạn, khi đang viết những dòng này, trước mắt tôi là một lá thư của một người có tên là George Rona ở Uppsala, Thụy Điển. George là luật sư nhiều năm ở Vienna nhưng trong Thế chiến thứ hai, anh buộc phải chạy trốn sang Thụy Điển. Tại đó, không một xu dính túi, George cần việc làm vô cùng. Với khả năng nói và viết được nhiều ngôn ngữ, anh hy vọng sẽ xin được vị trí một nhân viên giao dịch thư từ tại các công ty xuất nhập khẩu. Nhưng hầu hết các công ty đều trả lời rằng họ tạm thời không cần tuyển vị trí ấy trong thời buổi chiến tranh, và họ sẽ lưu hồ sơ của anh lại để khi cần thì thông báo, v.v Tuy nhiên, có một người đã viết cho George một lá thư với nội dung sau: “Những gì anh hình dung về công ty chúng tôi chẳng đúng chút nào. Anh vừa thật sai lầm vừa rất ngớ ngẩn. Tôi không cần bất cứ một nhân viên giao dich thư từ nào cả. Mà dù có cần, tôi cũng chẳng thuê anh, bởi ngay đến việc viết tiếng Thụy Điển cho ra hồn anh còn không làm nổi. Lá thư anh gửi cho tôi toàn lỗi”.
Khi đọc lá thư này, George Roma phát điên lên như Vịt Donald. Gã Thụy Điển này có ý gì khi nói anh không viết nổi tiếng Thụy Điển trong khi lá thư do chính gã viết cũng mắc đầy lỗi! George Roma lập tức viết một lá thư nhằm chọc cho ông ta tức điên lên. Sau đó, anh dừng lại, tự nhủ: “Khoan đã. Làm sao mình biết được ông ấy không đúng? Mình đã học tiếng Thụy Điển, nhưng đó đâu phải là tiếng mẹ đẻ của mình, vì vậy nhỡ mình mắc lỗi mà không biết thì sao. Nếu vậy mình cần phải chăm chỉ học tiếng hơn nữa mới mong kiếm được việc làm. Có thể ông ấy đã giúp mình dẫu rằng không có ý định làm thế. Dù lá thư từ chối này có khó chịu đến đâu thì cũng không thay đổi được sự thực là mình mang ơn ông ấy. Do đó, mình sẽ viết thư cảm ơn ông ấy vì những gì ông ấy đã làm cho mình”.
Nghĩ vậy, George Rona liền xé bức thư đầy những lời lẽ xúc phạm đang viết dở và viết một bức khác, nói rằng: “Ngài thật tốt khi đã dành thời gian chỉ ra những thiếu sót trong lá thư của tôi, nhất là khi ngài lại không cần tuyển nhân viên. Tôi rất tiếc vì đã nhầm lẫn về quý công ty nhưng trước khi viết cho ngài, tôi thực sự đã đi hỏi thăm và được biết công ty của Ngài là công ty hàng đầu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Tôi không hề biết rằng mình đã mắc nhiều lỗi ngữ pháp trong thư. Từ giờ, tôi sẽ siêng năng học tiếng Thụy Điển hơn nữa để cố gắng sửa chữa những lỗi của mình. Tôi muốn cảm ơn ngài vì đã giúp tôi trong bước đầu tự hoàn thiện bản thân”.
Chỉ sau vài ngày, George Rona đã nhận được một lá thư hồi âm từ người đàn ông Thụy Điển đó, mời anh đến gặp. Rona đã đến – và được nhận vào làm việc. George Rona đã tự nghiệm ra rằng: “một câu trả lời mềm mỏng sẽ xóa bỏ hết sự phẫn nộ”.
Có thể chúng ta không đủ thánh thiện tới mức yêu thương kẻ thù những ít nhất hãy vì sức khỏe và hạnh phúc của bản thân mà tha thứ và bỏ qua cho họ.  Đó là việc làm khôn ngoan. Khổng Tử có câu: “Bị hại hay cướp thì có nghĩa lý gì, trừ khi ta cứ nhớ mãi về nó”. Có lần tôi hỏi John, con trai Tướng Eisenhower rằng cha ông có bao giờ để những chuyện tức tối trong lòng không. John trả lời: “Không bao giờ. Cha tôi chẳng phí thời gian để nghĩ đến những người mà ông không thích”.
Ngạn ngữ có câu: “Kẻ không biết nổi giận là kẻ dại, người không muốn nổi giận là người khôn”.
Đó cũng chính là phương châm sống của William J. Gaynor, nguyên Thị trưởng thành phố New York. Không chỉ bị báo chí của phe đối lập công kích phỉ bang, ông còn bị một kẻ quá khích tấn công bằng súng và suýt thiệt mạng. Trong thời gian ở bênh viện, chiến đấu giành giật lại sự sống từ tay tử thần, ông nói: “Mỗi đêm, tôi đều tha thứ cho mọi người và mọi việc”. Nghe có vẻ không tưởng ư? Nếu vậy, hãy tham khảo ý kiến của của Schopenhauer, nhà triết học vĩ đại người Đức đồng thời là tác giả quyển Studies in Pessimism (Những nghiên cứu về chủ nghĩa bi quan). Schopenhauer nhìn cuộc đời như một cuộc phiêu lưu phù phiếm và đầy đau khổ. Tuy nhiên, tận sâu trong nỗi niềm chán nãn của mình, ông vẫn thốt lên: “Giá mà con người không biết hận thù”.
Có lần tôi đã hỏi Bernard Baruch – cố vấn thân tín của 6 đời Tổng thống: Wilson, Harding, Goolidge, Hoover, Roosevelt và Truman rằng đã bao giờ ông cảm thấy khó chịu bởi những lần công kích của các đối thủ chưa. Ông trả lời: “Không bao giờ, không người nào có thể hạ nhục hay làm phiền tôi. Tôi sẽ không cho phép bất cứ ai làm điều đó”.
Và cũng không ai có thể hạ nhục hay làm phiền bạn và tôi – trừ khi chúng ta cho họ cơ hội làm điều ấy.
Gậy và đá có thể làm gãy xương tôi.
Nhưng chẳng lời nói nào có thể làm tổn thương tôi.
Bao đời nay, người ta vẫn thắp nến thành kính trước những con người thánh thiện và chẳng bao giờ biết đến trả thù như Chúa Jesus. Tôi thường đứng trong công viên Quốc gia Jasper ở Canada để ngước mắt chiêm ngưỡng một ngọn núi đẹp vào loại bậc nhất phương Tây – ngọn núi được vinh dự mang tên Edith Cavell, nữ y tá người Anh đã chết như một vị thánh sau khi bị quân Đức kết án hỏa thiêu vào ngày 12 tháng 10 năm 1915. Vì tội gì ư? Bà đã nuôi giấu và chữa trị vết thương cho những lính Anh và Pháp ngay trong ngôi nhà tại Bỉ của mình rồi giúp họ chạy trốn sang Hà Lan. Buổi sáng tháng Mười ấy, khi những giáo sĩ người Anh đến nhà tù quân đội ở Brussels để làm lễ cầu nguyện cho bà trước khi bà bị đem ra giàn hỏa thiêu, Edith Cavell đã thốt ra hai câu nói vẫn còn được lưu truyền đến tận ngày nay trên bảng đồng và đá hoa cương: “Tôi nhận ra rằng chỉ yêu nước thôi thì chưa đủ. Tôi còn phải từ bỏ lòng oán giận hay thù ghét bất cứ ai”. Bốn năm sau khi Edith Cavell qua đời, thi thể của bà được chuyển đến Anh và được mai táng trang trọng tại Tu viện Westminster. Tôi từng có thời gian một năm sống ở London. Suốt thời gian ấy, tôi thường đến trước bức tượng tưởng niệm bà, đặt đối diện với Phòng trưng bày Chân dung Quốc gia, và đọc lại những lời nói bất hủ được khắc trên tấm bia đá hoa cương: “Tôi nhận ra rằng chỉ yêu nước thôi thì chưa đủ. Tôi còn phải từ bỏ lòng oán giận hay thù ghét bất cứ ai”.
Một cách để tha thứ và quên đi kẻ thù của mình là dồn hết tâm sức cho mục tiêu cao cả hơn chính bản thân mình. Khi đó, những lời lăng mạ hay sự thù hằn không còn quan trọng nữa bởi chúng ta sẽ chẳng chú ý đến cái gì khác ngoài mục tiêu cao cả của mình. Hãy lấy sự kiện chấn động xảy ra trong những cánh rừng thông ở Mississipi năm 1918 làm ví dụ. Một vụ hành hình kiểu lin-sơn(45)! Laurence Jones, một giáo viên cũng là nhà truyền giáo người da đen đã suýt bị hành hình theo kiểu đó. Vài năm trước, tôi có ghé thăm và phát biểu trước các sinh viên của ngôi trường do Laurence thành lập – trường Piney Woods Country. Ngày nay, ngôi trường đã nổi tiếng cả nước nhưng sự việc mà tôi sắp kể sau đây xảy ra rất lâu trước đó. Chuyện xảy ra vào thời cao điểm của Thế chiến thứ nhất. Có tin đồn khắp miền Trung Mississipi rằng quân Đức đang kích động và xúi giục người da đen nổi loạn. Laurence Jones bị tố cáo có tham gia vào âm mưu ấy. Trong lúc dừng chân trước cửa nhà thờ, một nhóm người da trắng đã nghe thấy tiếng Laurence Jones nói lớn trước giáo đoàn rằng: “Cuộc sống là một cuộc chiến trong đó mỗi người da đen phải luôn sẵn sàng áo giáp sắt để tranh đấu cho sự tồn tại và thành công của mình”.
“Cuộc chiến”, “Áo giáp sắt”! Thế là đủ! Những thanh niên quá khích tức tốc phóng ngựa suốt đêm, gọi thêm một nhóm người khá đông rồi quay trở lại nhà thờ, bắt trói nhà truyền giáo và kéo lê ông suốt một dặm đường, rồi treo ông lên giá đựng trên một đống củi, chuẩn bị thiêu sống ông. Nhưng đúng lúc que diêm được bật lên thì có tiếng ai đó la to: “Hãy để cho ông ta nói rõ mọi chuyện rồi hãy thiêu. Nói đi! Nói đi!”. Laurence Jones lúc đó đang đứng trong đống củi với sợ dây trói quanh cổ đã lên tiếng vì cuộc sống và mục tiêu cao cả của mình. Ông tốt nghiệp Đại học Iowa năm 1907. Phẩm chất đáng quý, học vấn và khả năng âm nhạc của ông đã khiến cho các giáo sư và sinh viên trong khoa đều yêu mến. Tốt nghiệp xong, ông đã bỏ qua lời đề nghị giúp thành lập công ty riêng từ một chủ khách sạn, cũng từ chối luôn hảo ý của một doanh nhân giàu có muốn tài trợ cho ông đi học nhạc. Tại sao ư? Bởi trong ông đã ấp ủ một ước mơ cháy bỏng khác. Chính câu chuyện về cuộc đời của Booker T. Washington(46) mà ông đọc được đã thôi thúc ông quyết tâm cống hiến cả đời cho việc giáo dục những người nghèo khổ và mù chữ thuộc chủng tộc của mình. Ông đã tìm đến vùng đất lạc hậu nhất ở miền Nam – một nơi cách vùng phía nam của Jackson, Mississipi 40 cây số. Ông cầm cố chiếc đồng hồ của mình được 1,65 đô-la để lấy tiền mở một ngôi trường trong khu rừng với những gốc cây làm bàn học. Laurence Jones đã kể cho những người da trắng đang vô cùng tức giận và sẵn sàng hành hình mình về chuyện ông đã đấu tranh thế nào để dạy dỗ những cô bé thất học nơi đây, để chúng trở thành những nông dân, kỹ sư, những đầu bếp và bà nội trợ tốt trong tương lai. Ông cũng kể về những người da trắng đã giúp ông xoay xở để thành lập trường Piney Woods – họ đã hỗ trợ ông đất, gỗ, lợn, bò, và tiền bạc để ông tiến hành công việc giảng dạy của mình.
Sau này, khi được hỏi ông có ghét những người đã kéo lê và đòi thiêu sống mình hay không, ông trả lời rằng lúc ấy ông quá mải mê với mục đích của mình -  mải mê dồn hết tâm sức vào điều còn lớn lao hơn cả bản thân mình nên chẳng còn thời gian mà thù ghét ai. Ông nói: “Tôi không có thời gian để cãi cọ, không có thời gian để hối tiếc, và không ai có thể ép tôi hạ mình mà ghét họ”.
Thấy Laurence Jones nói chuyện với vẻ chân thành và cảm động, hơn nữa còn không màng đến tính mạng để kêu gọi cho mục đích cao cả của mình, nhóm người da trắng bắt đầu nguôi giận. Cuối cùng, một cựu chiến binh già của quân Ly khai đứng trong đám đông đã lên tiếng: “Tôi tin cậu ta đang nói sự thật. Tôi biết những người da trắng mà cậu ta vừa kể. Cậu ta đang làm một việc tốt. Chúng ta đã nhầm lẫn rồi. Chúng ta nên giúp thay vì thiêu sống cậu ta”. Người cựu chiến bình già liền chuyền mũ của mình qua đám đông và quyên góp được 52,4 đô-la từ chính những người trước đó hò hét đòi thiêu sống người sáng lập ra ngôi trường Piney Woods County – người đã nói rằng: “Tôi không có thời gian để cãi cọ, không có thời gian để hối tiếc, và không ai có thể ép tôi hạ mình mà ghét họ”.
Cách đây 19 thế kỷ, Epictetus cũng đã chỉ ra rằng chúng ta gieo gì thì sẽ gặt nấy và ở một mức độ nào đó, những ai gieo gió ắt phải gặt bão. Epictetus nói: “Về lâu dài, mỗi cá nhân đều phải trả giá cho những tội ác của mình. Người nào ghi nhớ điều này sẽ không nổi giận với bất kỳ ai, không căm giận ai, không gây thù chuốc oán với ai, không đổ lỗi cho ai, không oán ghét ai”.
Có thể không người nào trong lịch sử nước Mỹ từng bị lên án, ghét bỏ và chỉ trích nhiều hơn Lincoln. Ấy thế mà theo như lời kể trong quyển tiểu sử kinh điển của Herndon viết về Tổng thống, “Lincoln không bao giờ phán xét bất kỳ ai chỉ dựa trên cảm xúc yêu ghét của mình. Nếu có một công việc cần giao phó thì ông luôn tin rằng những người đối địch với mình cũng có khả năng đảm nhiệm nó như bất kỳ ai. Bất kể người đó là bạn hay kẻ đã bôi nhọ và có hằn thù cá nhân với mình, Lincoln vẫn không ngại ngần cất nhắc – miễn là họ phù hợp với vị trí công việc … Tôi không nghĩ ông từng bãi chức ai đó chỉ vì không thích họ vì họ là kẻ thù của ông”.
Lincoln đã từng bị lên án và lăng mạ bởi một số người dó chính ông cất nhắc lên những vị trí cao như McClellan, Seward, Stanton và Chase. Nhưng ông vẫn tin rằng: “Không thể tán tụng một người nào chỉ vì những gì anh ta đã làm; hay khiển trách anh ta chỉ vì những việc anh ta làm hoặc không làm”, bởi “tất cả chúng ta đều là sản phẩm của điều kiện, hoàn cảnh, môi trường, thói quen hàng ngày và những lề thói đã tạo ra con người như từ xưa đến nay và mãi mãi về sau”.
Tôi tin Lincoln nói đúng. Nếu bạn và tôi cũng được thừa hưởng một kiểu thể chất, tinh thần và những tính cách, cảm xúc như kẻ thù của mình, nếu cuộc đời cũng cho chúng ta và họ những thứ giống hệt nhau thì hẳn chúng ta sẽ cư xử hoàn toàn giống họ. Chúng ta chẳng thể làm khác được. Cần phải đủ thành tâm cất lên lời cầu nguyện của những người da đỏ vùng Sioux: “Cầu xin Linh hồn vĩ đại hãy giữ cho con khỏi phán xét và chỉ trách người khác chừng nào con chưa ở trong hoàn cảnh của người đó được hai tuần”. Vì vậy, thay vì oán ghét kẻ thù, ta hãy thương hại họ và cảm ơn Chúa vì đã không biến ta thành người như họ. Thay vì nuôi dưỡng mối hằn thù và chỉ trích, hãy tỏ lòng cảm thông và thấu hiểu đối với họ, hãy giúp đỡ, tha thứ và cầu nguyện cho họ.
Tôi được nuôi dạy trong một gia đình có thói quen hằng đêm đều đọc Kinh thánh hoặc một đoạn Thánh thư rồi quỳ xuống thì thầm “lời cầu nguyện của gia đình”. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cha trong trang trại vắng vẻ ở Missiouri, nhắc lại lời Chúa Jesus – những lời sẽ còn tồn tại mãi cùng với lý tưởng nhân ái của con người : “Hãy yêu thương kẻ thù của mình, chúc phúc cho những ai đã nguyền rủa mình, làm việc thiện cho những ai ghét mình, hãy cầu nguyện cho những người gây hiềm khích và ngược đãi mình”.
Cha tôi đã cố sống theo những lời răn dạy đó của Chúa Jesus; và chúng đã đem đến cho người sự bình yên trong tâm hồn – điều mà những vị vua chúa cũng hiếm khi có được.
Để có thái độ tinh thần có thể mang lại cho bạn sự thanh thản, hạnh phúc, bạn hãy ghi nhớ Nguyên tắc 2:
ĐỪNG BAO GIỜ CỐ TRẢ ĐŨA KẺ THÙ CỦA MÌNH, BỞI KHI ĐÓ CHÚNG TA SẼ LÀM TỔN THƯƠNG BẢN THÂN CÒN NHIỀU HƠN LÀ TỔN THƯƠNG HỌ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #doc9218