Quan lại bao che cho nhau - 35
Ba mươi lăm
Thật ra thì ngay từ hôm đầu tiên nhận chức bắt đầu làm việc, suýt nữa Đường Cần Thư đã phẩy tay áo bỏ đi.
Cô chả thèm khát gì cái sự phồn hoa náo nhiệt ở kinh thành. Sống ở ngoài tự do quen rồi, giờ về kinh thành cô chỉ thấy bị đè nén tới ngạt thở. Nếu có người có thể làm việc thay mình, cô sẵn sàng tự đề nghị để chuyển đi. Thật ra thì Lữ Tống cũng không đến nỗi nào, ra biển ngắm nghía phong cảnh cũng tốt mà. Còn không thì nghe đâu đoàn sứ giả đi Đột Quyết đang tuyển người, thậm chí Tây Vực cũng là lựa chọn không tệ lắm.
Tóm lại, so với việc ở lại kinh thành chịu người ta nói ra nói vào chèn ép, cô tình nguyện chịu thương chịu khó nơi góc biển chân trời đói nghèo khổ sở.
Đương nhiên, đó chỉ là ý tưởng hão huyền.
Bà chủ Mộ Dung đã gọi cả cô lẫn biểu ca về ty Bảo Văn làm việc, nếu không làm ra được thành tích gì cả... e là hậu quả không dám tưởng tượng.
Cô cực kỳ khó chịu.
Lý tưởng của cô, nguyện vọng của cô vốn không phải là cái này, nói thẳng ra, chỉ vì cô không muốn phí công chép phạt công thức nấu ăn nên mới vô tình làm ra nó. Thật ra chỉ cần có thể đưa ra được phương án áp dụng thực tế một cách đại trà, xong xuôi cô sẽ lập tức xin lệnh cấp trên điều đi làm việc khác. Cô đã từng nói như thế với biểu ca, biểu ca cũng vỗ tay đồng ý, vì chí lớn của biểu ca cũng không nằm ở nơi ấy.
Cô chỉ muốn tập trung công sức để nhanh chóng làm ra thành tích cụ thể. Cơ mà biết làm sao được, đám đồng liêu của cô rặt một lũ đáng ghét.
Thế nên ban đầu cô mới chịu nhẫn nhịn.
Không thể không nhịn, bởi vì ở kinh thành có vô vàn mạng lưới trói buộc lẫn nhau, không như ở huyện Sơn Câu hay huyện Đào Nguyên dân cư đơn giản lễ giáo lỏng lẻo không quá cứng nhắc. Thế nên, vì thể diện của Đường gia lẫn Nhan gia, cô phải nhịn xuống.
Mặc dù tới giờ đã là đời nữ đế thứ ba, thoạt nhìn tưởng như đây đã là một thời đại cực kỳ phóng khoáng thoải mái. Thế nhưng nếu soi kỹ vào chi tiết sẽ nhận ra, những cô gái có khả năng sinh hoạt một cách thoải mái theo đúng nguyện vọng chí hướng của bản thân, ngoài con gái dòng giống tôn thất và các cô gái xuất thân từ gia đình thương nhân, còn lại hầu như rất ít. Thậm chí trong tầng lớp sĩ phu gia đình thư hương lâu đời có thể nỏi hoàn toàn không có.
Tôn thất hoàng gia ít ra vẫn có thân phận cao quý để làm chỗ dựa. Các nhà thương nhân thì chú trọng tới lợi ích thực tế. Thế nên các cô gái có thể ra ngoài làm quan làm lại cũng khiến người nhà vui vẻ thoải mái cho phép. Còn các gia tộc khác vẫn luôn coi trọng dòng giống trọng nam khinh nữ, các bậc sĩ phu đại phu đã làm quan trong triều ngày ngày phải nhịn cái vị đang ngồi trên bệ rồng kia là quá lắm rồi, con gái trong nhà mình càng thêm quản thúc chặt chẽ không được phép ngỗ ngược làm loạn.
Con gái nhà nghèo hoặc cấp bậc không cao, đi làm nữ lại cũng được coi như nhắm một mắt mở một mắt. Nhà cao cửa rộng ư, đứa nào con vợ lẽ đi làm nữ lại thôi còn tàm tạm, chỉ cần nó biết điều ngoan ngoãn ngồi một chỗ làm mấy việc văn thư chép sách giữ ý giữ tứ thì không sao cả.
Cơ mà con gái dòng chính, con vợ cả ư?! Các cô chính là thứ nguyên liệu cực kỳ quan trọng dùng để liên kết hợp tác giữa các gia tộc lớn bằng hôn nhân kia mà, giá trị lớn nhất của bản thân còn chưa kịp sử dụng mà đã dám ra ngoài lộ đầu lộ mặt chung chạ với đám đàn ông ư?! Muốn chết hay sao chứ!
Thế nên tuy chế độ nữ lại đã lâu dài tới thế, nhưng số nữ lại thực sự có tên có họ được nhắc tới, trước nay vẫn chỉ có tiểu Lô đại nhân và Thôi Cẩm Văn mà thôi.
Đường Cần Thư rất hiểu cái hoàn cảnh tưởng như cởi mở thoáng đãng nhưng thực tế vẫn rất ngặt nghèo trói buộc này. Nhưng cô làm nữ lại ở địa phương đã quen, được tôn trọng đã quen, có thể chủ động làm việc một mình tự phụ trách công việc một mình đã quen. Được sống một cách tự do, được phép sống với niềm tự hào tự tôn tự ái của bản thân như chính mình xứng đáng. Giờ muốn hoàn toàn lột bỏ những giá trị đó, sự tự do đó, quả thực không khác nào giết cô, thậm chí còn đau đớn hơn cả giết cô.
Cô chỉ hi vọng mình có thể nhẫn nhịn xong xuôi để nhanh chóng thoát khỏi ty Bảo Văn.
Nhưng một người bạn thân từ thuở khuê phòng tới thăm, lại khiến cô không nhịn được tự ngẫm lại.
Người bạn thân chốn khuê phòng ấy, là con gái dòng bên của họ Phùng ở kinh thành, họ Phùng tên là Khởi Nhan, lớn hơn cô bốn tuổi, cũng từng đến lớp dạy võ ở Đường gia năm đó.
Các cô nương nhà khác năm ngày mới tới một lần, chủ yếu là luyện bắn cung, cưỡi ngựa, mục đích để giúp gân cốt khỏe mạnh hơn. Chị ấy lại khác, ngày nào cũng đến, không những tự học võ vô cùng chăm chỉ, mà còn yêu cầu đám tỳ nữ của mình cũng tập võ trở nên mạnh mẽ sắc bén. Với Đường Cần Thư, chị ấy thậm chí còn có thể coi như nửa thày nửa bạn.
Bởi khi ấy cô còn quá bé nên không theo kịp tiến độ học trong lớp. Chị Phùng Khởi Nhan thấy thế bèn ở lại, chỉ bảo cô từng ly từng tý, tay cầm tay mà hướng dẫn, nên cô luôn gọi chị ấy là sư tỷ.
Vị Phùng sư tỷ này cũng là một người có tiếng ở kinh thành.
Mẹ ruột mới buông tay quy thiên, chưa đầy hai tháng sau mẹ kế đã có mặt. Đã thế lại còn là song hỉ lâm môn, bảy tháng sau cô đã có thêm em trai. Người đời hay nói mấy đời bánh đúc có xương, quả thực là chân lý, lại thêm mẹ kế của chị lại còn cực kỳ cao tay. Phùng sư tỷ với anh trai mình quả thực đã nếm trải không ít khổ cực trong tay bà ta.
Các cô nương tiểu thư yếu đuối bình thường, gặp phải tình cảnh này e là chỉ biết cắn răng khóc thầm.
Nhưng Phùng Khởi Nhan không phải đám tiểu thư bình thường ấy.
Phùng đại công tử được mẹ kế cố tình nuông chiều tới mức càng ngày càng đi vào con đường ăn chơi bậy bạ. Phùng Khởi Nhan xách theo một con dao găm chạy đi tìm anh trai mình, kề dao vào cổ, nước mắt như mưa, khàn giọng mà quát. "A ca nếu thực sự muốn buông bỏ việc học hành thành tài mà chỉ biết ăn chơi hưởng thụ, phận làm em không dám ngăn cản, nhưng em không sống nổi nữa. Em xin phép đi trước một bước xuống suối vàng để nhận lỗi với mẹ của chúng ta."
Chị ấy đã cứa vào cổ thật sự luôn, máu phun tung tóe lên người anh trai mình, khiến anh ta hoảng hốt ôm em gái gào khóc thảm thiết, rồi thì chỉ tay lên trời thề sẽ sửa sai, hứa sẽ phấn đấu thành tài để một ngày nào đó có thể truy phong cho mẹ ruột một cách chính đáng. Từ đó anh ta chăm chỉ học hành phấn đấu tiến lên.
Còn chưa hết, thấy anh trai đã hai mươi tuổi mà mẹ kế lẫn cha ruột vẫn dây dưa không chịu cưới vợ cho anh, Phùng Khởi Nhan lén đi tìm tộc trưởng họ Phùng, đòi về toàn bộ của hồi môn của mẹ ruột. Chị tuyên bố mẹ kế bất nhân, nhưng phận làm con không được phép tố cáo cha mẹ. Thế nhưng phận làm em gái lại không nỡ để phí hoài tuổi xuân của anh trai, nên chị tình nguyện dùng toàn bộ của hồi môn của mẹ ruột làm sính lễ để anh trai có thể cưới được vợ hiền.
(Nên nhớ, nếu mẹ ruột qua đời, của hồi môn sẽ được niêm phong và chia lại cho các con ruột của bà ấy làm sính lễ cho con trai và hồi môn cho con gái.)
Tộc trưởng đứng ra làm chủ cho hai anh em chị ấy, bởi lẽ con ruột đương nhiên phải được thừa kế toàn bộ của hồi môn của mẹ ruột. Nhờ có sự can thiệp của tộc trưởng, dù cha của họ giận dữ muốn chớt nhưng vẫn phải bóp mũi ráng nhịn mà thực hiện sáu lễ hỏi cưới con gái thày giáo cho anh trai chị. Cưới xong hai vợ chồng son lập tức thu dọn hành lý đi nhậm chức ở huyện nhỏ vùng Tây Bắc, tránh xa nơi đầm rồng hang hổ kinh thành.
Thế nhưng toàn bộ thanh danh của Phùng Khởi Nhan cũng theo đó mà rơi xuống vực. Nào có nhà ai dám hỏi cưới một cô gái đanh đá như thế về làm dâu, nhỡ lại gây chuyện mất thể diện sang nhà mình thì sao.
Bạn cũ xa nhau bấy lâu, giờ gặp lại mới biết bà mẹ kế ấy hận Phùng Khởi Nhan như kẻ thù, cuối cùng làm mai cho chị ấy làm vợ kế của một vị tướng quân. Tuy vị tướng quân này không lớn tuổi lắm, thế nhưng trong nhà con trai con gái đã đề huề. Khi Phùng Khởi Nhan xuất giá gả cho ông ta, con trai cả đã tròn bảy tuổi.
Nói thì dễ nghe lắm, về nhà chồng xong coi như được làm chủ nội trạch... Đương nhiên rồi, mẹ chồng chị hấp hối đã lâu, chỉ gắng gượng được đến khi con trai mình cưới được vợ kế xong xuôi là nhắm mắt thanh thản buông tay. Tướng quân kia đau buồn vì mất mẹ, cũng nhắm mắt ném lại đám vợ lẽ nàng hầu thiếp thị trong nhà với một đôi trai gái cho Phùng Khởi Nhan lo rồi vỗ mông chạy về quân doanh ở Ký Châu mà phấn đấu vì nước nhà này kia.
Thật tình, Đường Cần Thư cảm thấy vị tướng quân này quả thực là một tên cặn bã.
Từ thời Chính Đức đế trở đi, không bao giờ còn cái gọi là tục lệ giữ gia quyến của tướng quân ở lại kinh thành làm con tin nữa. Bởi vì như thế hoàn toàn vô dụng. Nếu thật sự có người muốn làm phản, người đó sẽ không coi vợ con mình là quan trọng đến thế. Đại trượng phu sợ gì thiếu vợ, vợ con như quần áo, rách rồi thì thay. Cưới vợ mới rồi lo gì không có con trai, vợ chết rồi thì cưới vợ mới. Nếu hoàng đế giết cha mẹ vợ con mình, thậm chí còn có thể ra điều đau đớn mà lên án trách móc hoàng đế bất nhân bất nghĩa, càng thêm có lý do làm phản.
Hoàng đế đâu có ngu, cần gì phải tốn công vô ích lại còn bị người găm thù nhớ hận?
Thế nên các tướng soái canh giữ biên cương, đa số đều mang theo vợ con đi cùng. Tên tướng quân cặn bã này ném vợ con ở nhà cho mẹ già ở kinh thành đã là cực kỳ vô trách nhiệm, giờ mẹ chết lại ném con cái lẫn vợ lẽ cho cô vợ kế trẻ măng vừa cưới về còn chưa biết trời đất thế nào... Đấy không phải là vô tâm, đấy là lòng muông dạ thú!
Cơ mà Phùng Khởi Nhan lại không để bụng chuyện đó. "Sợ gì chứ, con trai con gái đã có người khác đẻ giúp, mình chỉ cần nuôi là tốt rồi. Nuôi dạy chu đáo rồi, cô nói xem mấy đứa nó sẽ thân với chị hơn hay thân với cha nó hơn, sẽ báo hiếu cho chị hay báo hiếu cho cha nó hơn? Tướng quân đại nhân cứ việc đi đánh giặc, không cần trở về càng tốt."
Chị là người cực kỳ hiểu biết. Ban đầu hai anh em chị phải sống nhờ dưới cái bóng của mẹ kế, quả thực cuộc sống không khác gì mười chết một sống. Nhưng chị vẫn biết, chỉ có anh trai mình thoát ra được, tự lập tự cường được thì chị mới có thể sống tốt. Bằng không cả hai anh em chỉ có đường chết mà thôi. Tất nhiên chị có thể bo bo chỉ lo thân mình mà nịnh bợ mẹ kế, nhưng chỉ dựa vào mẹ kế thôi liệu có sống thành người được chăng? Làm gì có, may lắm thì cũng bị mẹ kế cân đo đong đếm rồi bán đi như lợn tới ngày thịt.
Thà rằng ồn ào ầm ĩ ai cũng biết, còn hơn là sống cầm chừng như thế, bởi ít nhất anh trai chị có thể thoát ra ngoài. Sự thật cho thấy quyết định của chị là đúng. Anh trai chị ở Tây Bắc bấy lâu giờ phấn đấu lên được chức Tri phủ, nên mẹ kế không dám gả chị cho thằng cháu bị bệnh ngu đần trí khôn không quá năm tuổi của bà ta, ít ra vẫn phải tìm cho chị một mối hôn nhân có tí thể diện mặt ngoài.
Nên là chị cũng không thấy cuộc hôn nhân này có gì bất ổn, dầu sao chị cũng chán phải hầu hạ nịnh bợ loại sinh vật tên là đàn ông kia. Giờ coi như chị được làm chủ cuộc sống của bản thân, hai đứa con riêng của chồng cũng thông minh ngoan ngoãn.
Gì chứ làm mẹ kế là nghề mà chị cực thành thạo. Bởi vì cả đời chị phải đấu với người đàn bà làm nghề đó, nên chị cực hiểu, làm thế nào mới có thể làm một người mẹ kế tốt.
"Thế nên chị bảo cô nhé, trên đời vốn không có đường, đường là do người đi nhiều mà thành đó thôi." Phùng Khởi Nhan dí dí ngón tay lên trán Cần Thư mà mắng yêu. "Cứ ngậm ngùi nén nhịn mà làm gì? Thanh danh là cái chó má gì chứ, có ăn có dùng được đâu. Giờ hôn sự của cô đã quyết định xong xuôi, Nhan gia có cho vàng cũng không dám từ hôn nhé... Tên Nhan Cẩn Dung kia đắc tội Vinh Hoa quận chúa, tiền đồ đen tối, không cưới cô thì làm gì còn con gái nhà nào dám gả cho nó? Thế nên cô còn phải chịu đựng làm cái gì? Cái danh tiếng hiền thục đức hạnh đấy có ích gì cho cô nữa đâu?"
Đường Cần Thư không thể không thừa nhận, con mắt nhìn thế cục của Phùng sư tỷ cực kỳ độc đáo, nhằm thẳng trọng tâm.
Thế nên cô mới không nhịn nữa mà vung nắm đấm.
Chỉ có điều không ngờ, cái nắm đấm đó của cô lại giúp gỡ tung mớ bòng bong này mở ra cục diện mới sáng sủa thông thoáng hơn, khiến cô dễ thở hơn nhiều.
Còn thì mẹ cô đứng chống nạnh ngoài cửa mắng chửi, hay là chị gái con vợ lẽ đã lấy chồng giờ chạy về chỉ cây dâu mắng cây hòe... không sao hết.
Dù sao, chị dâu sẽ bênh vực cô, anh trai cô thậm chí thẳng thừng đuổi chị gái khác mẹ ra khỏi nhà.
Giờ cô không còn phải sợ cái gì nữa rồi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top