Quan ly tai san cong
Thời gian qua vấn đề quản lý tài sản công đã thu hút sự chú ý của dư luận khi xẩy ra một số vụ nhà công, nhà đất bị sử dụng sai mục đích, sử dụng tài sản công lãng phí, dùng xe công không đúng tiêu chuẩn quy định. Chính phủ, Bộ Tài Chính đang chỉ đạo rất sát sao vấn đề này. Phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản về lĩnh vực này.
Thưa ông, Cục Quản lý công sản đã được thành lập hơn 10 năm. Ông có thể cho biết những kết quả cơ bản đạt được của công tác này?
Trong 10 năm qua Cục Quản lý Công sản đã cố gắng rất nhiều để đưa vấn đề quản lý tài sản công đi vào hệ thống. Thứ nhất là đã từng bước xây dựng hệ thống pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước, Luật Đất đai sửa đổi năm 1998 sửa đổi mới nhất năm 2003, Nghị định 14 của Chính phủ về quản lý tài sản Nhà nước, ngoài ra Chính phủ còn có rất nhiều văn bản, Nghị định 60, 61 quản lý nhà Nhà nước, Quyết định 122 về tiêu chuẩn định mức xe ô tô, Quyết định về tiêu chuẩn định mức trụ sở. Quyết định 170 về trang bị tài sản, từng bước Chính phủ xây dựng hệ thống văn bản pháp luật về quản lý tài sản. Thứ hai, là đã tiến hành một bước sắp xếp lại việc quản lý tài sản, đặc biệt là nhà đất. Năm 2001 Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm sắp xếp lại nhà đất ở TP.Hồ Chí Minh, chỉ mới làm 1/4 số cơ sở nhưng số tiền cho phép các doanh nghiệp chuyển nhượng bán để đầu tư dài hạn thu được 6.600 tỷ đồng, diện tích mặt bằng thu hồi lại để làm công viên cây xanh là 327 ngàn mét, kết quả là rất khả thi. Thứ ba, là vấn đề đổi mới phương pháp quản lý tài sản, tài sản được xác định theo nguyên tắc thị trường. Bộ đã trình Chính phủ thực hiện mở rộng ra cả nước. Việc mua bán tài sản đã thực hiện thông qua đấu giá, đảm bảo công khai minh bạch. Giảm số chức danh được sử dụng xe công, thay đổi định mức tiêu chuẩn về mua sắm sử dụng xe công theo hướng các cơ quan, đơn vị lựa chọn trong 3 hình thức: sử dụng xe hiện có, thuê dịch vụ xe ô tô, khoán kinh phí cho các đối tượng tự túc phương tiện. Xử lý nghiêm các vi phạm như mua xe vượt tiêu chuẩn, vượt mức quy định, sử dụng xe sai chế độ, dùng xe công vào việc riêng. Thời gian tới sẽ làm chặt hơn với các quy định về bồi thường thiệt hại và xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Với trách nhiệm của cơ quan xây dựng chính sách quản lý tài sản công, ông có thể đánh giá về thực trạng của việc quản lý công sản hiện nay?
Tài sản Nhà nước có giá trị rất lớn và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong thời gian qua Chính phủ, Bộ Tài Chính các Bộ, ngành và UBND các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc tăng cường quản lý, khai thác có hiệu quả tài sản công. Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác quản lý tài sản công vẫn bộc lộ nhiều sơ hở, yếu kém. Tình hình sử dụng đất đai lãng phí, không đúng mục đích; nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước quản lý lỏng lẻo, phát sinh tiêu cực, xe công được sử dụng vào mục đích riêng, diễn ra khá phổ biến ở các Bộ, ngành, gây bức xúc trong dư luận.
Năm qua lĩnh vực quản lý công sản được đánh giá là một năm chuyển biến mạnh mẽ. Vậy cụ thể những công việc đó là gì, thưa ông?
Bộ Tài Chính đang tập trung chỉ đạo việc hoàn thiện quản lý tài sản công nhằm tăng cường hiệu lực pháp luật. Năm 2006 Bộ đề ra 15 đề án, đến nay đã thực hiện được 11 đề án. Trong đó có Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ về phân cấp quản lý tài sản. Đây là Nghị định rất quan trọng trong việc xác định rõ quyền hạn trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong việc quản lý tài sản công. Trong lĩnh vực nhà đất, Chính phủ đã sửa định mức cho phù hợp với thực tế hơn và quyết định về việc quản lý tài sản Nhà nước trong lĩnh vực công cho phù hợp với cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 43.
Dường như năm 2007 đặt ra cho lĩnh vực quản lý công sản những nhiệm vụ nặng nề hơn. Vậy Cục đã có kế hoạch gì cho việc triển khai nhiệm vụ này?
Kế hoạch năm 2007 Bộ giao cho Cục Công sản 18 đề án, trong đó có 3 đề án phải trình Quốc hội năm nay. Hiện nay khối lượng nhà đất ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh chiếm 80% tổng diện tích. Việc tổ chức sắp xếp lại nhà đất ở T.PHồ Chí Minh đã làm thí điểm và cho kết quả rất tốt, tiến tới là phải tổ chức sắp xếp lại nhà đất ở Hà nội sau đó là đến các tỉnh trong cả nước. Ngày 19/1/2007 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định về sắp xếp lại nhà đất trên phạm vi cả nước. Theo Quyết định này phải tổ chức đăng ký lại tài sản trên cả nước theo một "chương trình máy tính"; các Bộ, ngành, địa phương sẽ phải sắp xếp lại toàn bộ các cơ sở nhà đất thuộc tầm quản lý theo hướng phải khai thác có hiệu quả nhà đất theo đúng quy hoạch, như vậy việc quản lý tài sản công sẽ được phân cấp mạnh mẽ hơn nữa. Ngoài ra Cục sẽ tiến hành tổng kết việc thực hiện các quy định của Chính phủ về nghĩa vụ tài chính với đất đai như Nghị định về thu tiền sử dụng đất. Nghị định tiền thuế đất, đền bù giải phóng mặt bằng là rất nhiều. Những vấn đề này Cục sẽ có buổi tổng kết với các địa phương để có biện pháp giải quyết triệt để.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top