Không Tên Phần 1

Có cội rễ sâu xa từ rất lâu trong lịch sử và phổ biến nhất từ thế kỉ XX, quan hệ công chúng (hay còn gọi là PR) ngày càng phát triển và trở thành một trong những lĩnh vực nghề nghiệp thu hút nguồn nhân lực cao trong xã hội.

Trong hầu hết các sự kiện có tính chất quan trọng nổi bật tại các tổ chức, người ta đều thấy sự tham gia của các nhân viên PR. "Họ có thể chỉ như một thành viên trong dàn nhạc nhưng cũng có thể là nhạc trưởng. Dù ở vị trí nào thì hoạt động của họ cũng có một vai trò đặc biệt. Đó là tạo ra cho công ty một hình ảnh lành mạnh với những cam kết làm ăn lâu dài" - Howard Deam, giáo sư môn PR tại đại học Boston, Mỹ cho biết.

Định nghĩa về PR, Hội đồng quốc tế của những người làm PR tổ chức tại Mexico tháng 8-1978 đã đưa ra một định nghĩa khá toàn diện: "PR là một ngành khoa học xã hội nhân văn, phân tích những xu hướng, dự đoán những kết quả, tư vấn cho các nhà lãnh đạo của tổ chức và thực hiện các chương trình hành động đã được lập kế hoạch để phục vụ quyền lợi của cả tổ chức và công chúng". Định nghĩa này đã nói lên khá rõ công việc của một người làm PR.

Nói đến PR, có thể nói đến mười từ sau đây:

1. Công chúng

Bản chất của quan hệ công chúng là thiết lập mối quan hệ giữa tổ chức với các nhóm công chúng. Công chúng trong định nghĩa về PR, có thể xác định là những cá nhân, cộng đồng hoặc nhóm người bị ảnh hưởng kể cả trực tiếp và gián tiếp bởi hoạt động của một cá nhân hoặc một tổ chức xác định.

Từ thời xa xưa, các công ty quan hệ công chúng trên toàn cầu đã quan niệm: "Phải hiểu được người nghe thuộc thành phần nào, không bao giờ nói lời coi thường họ, phổ biến thông tin của tổ chức để thức tỉnh sự thiếu hiểu biết của họ, thay đổi quan điểm của họ, và thừa nhận những phán xét tốt của họ".

Cơ sở chủ yếu của hoạt động PR là cung cấp thông tin cho công chúng xây dựng thông tin hai chiều giữa công chúng và tổ chức, cá nhân, tạo nên sự hiểu biết và ủng hộ của họ. Công chúng của tổ chức là đối tượng hướng đến chính của những nhân viên PR, và PR không chỉ vì lợi ích của tổ chức mà còn vì lợi ích công chúng.Bộ phận quan hệ công chúng của một công ty về mỹ phẩm không chỉ PR để quảng bá sản phẩm cho công ty mà còn phục vụ nhu cầu hiểu biết của công chúng về các loại mỹ phẩm, tư vấn và đưa đến cho họ những lựa chọn tốt nhất.

Đối với công chúng, việc làm đầu tiên của người làm PR luôn luôn là xác định các nhóm công chúng để có kế hoạch PR phù hợp. Có hai nhóm công chúng cơ bản là: nhóm công chúng nội bộ và nhóm công chúng bên ngoài. Từng nhóm công chúng ấy lại có thể được chia thành các nhóm nhỏ hơn. Các nhân viên PR còn phải xác định rõ các nhóm công chúng mục tiêu, là những nhóm công chúng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động và sự phát triển của tổ chức và các nhóm công chúng tiềm năng, là nhóm công chúng trong tương lai gần sẽ trở thành công chúng bên trong hoặc bên ngoài, thậm chí công chúng mục tiêu của tổ chức. Tùy theo chiến lược phát triển của từng tổ chức, việc phân loại và xác định các nhóm công chúng có thể khác nhau.Việc phân chia như vậy không chỉ giúp tăng hiệu quả PR mà còn giúp tổ chức tiết kiệm nguồn lực, có những kế hoạch ưu tiên và đầu tư phù hợp.

Nhìn nhận mọi việc dưới góc nhìn của công chúng và lắng nghe các yêu cầu của họ, đều là những kỹ năng rất quan trọng trong lĩnh vực PR.

2. Mối quan hệ

Quan hệ công chúng, ngay khi được định nghĩa, nó đã được tạm hiểu là tất cả sự nỗ lực của một cá nhân hay tập thể nhằm thiết lập mối quan hệ cùng có lợi với đông đảo những người liên quan đến họ. Bản chất công việc của mỗi nhân viên quan hệ công chúng là thiết lập các mối quan hệ. Mối quan hệ giữa tổ chức với các đối tác, người tiêu dùng, nhà đầu tư, với chính phủ, cộng đồng và nhân viên,...

Với nhóm công chúng nội bộ

Các nhóm công chúng nội bộ ở đây là tất cả mọi người trong cùng tổ chức.Họ là đối tượng hướng đến chính của các nhân viên PR nội bộ. Nhiệm vụ của nhân viên PR nội bộ khi này là tạo được sự liên kết, không khí tích cực trong môi trường làm việc cho các nhân viên. Họ truyền thông điệp từ phía lãnh đạo đến nhân viên và giúp tạo một sợi dây liên kết bền chặt giữa giới lãnh đạo và nhân viên của họ, bằng việc tổ chức các sự kiện nội bộ, tạo các kênh lắng nghe những phản ánh của nhân viên, thông tin điều đó tới lãnh đạo, tư vấn cho lãnh đạo và truyền các thông điệp ngược trở lại,...

Với các đối tác

Từ đối tác kinh doanh, các nhà tài trợ, khách hàng,... đến các tổ chức chính trị xã hội liên quan đều là những đối tượng mà bộ phận quan hệ công chúngđối ngoại phải làm việc. Hay nói cách khác, công việc của nhân viên quan hệ công chúng đối ngoại chính là tạo lập mối quan hệ giữa tổ chức với nhóm đối tượng này từ nhiều hình thức khác nhau:từ phát triển các hoạt động truyền thông, tổ chức sự kiện đến các chương trình hành động... Mọi hoạt động đều nhằm thiết lập và duy trì quan hệ tốt đẹp, lâu dài, cùng có lợi với công chúng, giành thiện cảm của họ, xây dựng uy tín và quản lý uy tín của tổ chức, doanh nghiệpqua đối tượng này.

Với giới truyền thông

Nhân viên quan hệ công chúng phải hoạt động rất nhiều với giới truyền thông. Giới truyền thông là cầu nối giữa tổ chức với các nhóm công chúng của tổ chức. J.M.Kaul khi nói về công việc của nhân viên quan hệ công chúng trong cuốn Quan hệ công chúng ở Ấn Độ đã viết: "Mọi người nhìn chúng ta như thế nào là tất cả nội dung của hoạt động quan hệ công chúng của chúng ta. Việc này lại phụ thuộc rất lớn vào việc các phương tiện truyền thông đại chúng nói về chúng ta như thế nào".

Giới truyền thông tiếp xúc với đối tượng công chúng rất rộng, sức ảnh hưởng của truyền thông đến công chúng rất lớn. Nó có thể là động lực đưa một tổ chức lên tầm cao mới, cũng có thể đưa tổ chức ấy đến nguy cơ sụp đổ. Vì thế việc tạo được mối quan hệ tốt với báo chí có thể giúp nhân viên quan hệ công chúng phòng ngừa hoặc kịp thời xử lí được những khủng hoảng truyền thông cho tổ chức.

Nếu nhân viên quan hệ công chúng cung cấp cho họ những câu chuyện hay, họ sẽ tìm đến để hỏi thông tin, và hình ảnh của tổ chức như vậy sẽ được lan tỏa.

"Xây dựng và cải thiện các mối quan hệ là một phần quan trọng trong công việc của mình. Những mối quan hệ tốt đẹp sẽ giúp cho nhân viên nâng cao hiệu quả công việc", Kevin Belson, một nhân viên PR làm việc tại P&G cho nhận định.

Khi bước chân vào lĩnh vực này, việc luôn luôn cần làm là thiết lập các mối quan hệ. Nhân viên PR nên tham gia các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp để mở rộng mối quan hệ của mình, đồng thời học tập, chia sẻ và trau dồi kinh nghiệm ngay từ những đồng nghiệp.

3. Quá trình

Làm PR không đơn giản như tên gọi của nó, chỉ việc tạo lập các mối quan hệ, thông tin với công chúng,... mà phía sau nó là cả một quá trình. Đó là một chuỗi những hoạt động có kế hoạch, nghiên cứu, là kết quả của sự tương tác, xem xét, thay đổi,...

Một cách đơn giản và phổ biến để miêu tả quy trình hoạt động của quan hệ công chúng là sử dụng từ viết tắt trong tiếng Anh: RACE (Jonh Marston đề cập trong cuốn Bản chất của quan hệ công chúng), gồm 4 công đoạn:

Nghiên cứu (Research): tìm hiểu tình hình, phân tích các yếu tố của môi trường mà tổ chức hoạt động nhằm dự đoán về sự phát triển và cung cấp thông tin nền tảng để tư vấn cho lãnh đạo. Giữa rất nhiều các hãng nước giải khát tràn lan trên thị trường, muốn PR tốt cho hãng mình, người làm PR phải có những nghiên cứu về đặc điểm các hãng giải khát khác và nhu cầu của khách hàng,... từ đó họ mới có một lựa chọn thông minh cho chiến dịch PR của mình.

Lập kế hoạch hành động (Action): dựa trên tình hình đã nghiên cứu để lập những phương án hành động phù hợp và tư vấn cho ban lãnh đạo về hướng phát triển của các chính sách và hoạt động. Lập kế hoạch là một bước rất quan trọng, tuyệt đối không thể thiếu trong hoạt động PR. Lập kế hoạch không chỉ vạch ra các bước cụ thể mà còn lường trước những khó khăn có thể xảy ra để có những phương án dự phòng kịp thời.

Truyền thông (Communication): truyền thông tới công chúng về những chính sách và hành động của ban lãnh đạo, về các sản phẩm, dịch vụ đến công chúng liên quan. Công tác truyền thông tốt thì nhiều công chúng sẽ biết tới, đây là bước khởi đầu quyết định đến sự thành công của một chiến dịch PR.

Đánh giá (Evaluation): Công chúng đã tiếp cận chưa? Hiệu quả của hoạt động quan hệ công chúng như thế nào? Việc đánh giá kết quả một cách khách quan sẽ giúp phát hiện ra các vấn đề cần xử lí, và đó cũng chính là điểm bắt đầu của một chương trình quan hệ công chúng tiếp theo.

Quan hệ công chúng là một vòng tròn không bao giờ có kết thúc, các công đoạn đoạn liên kết với nhau thành một chuỗi khép kín. Các chương trình quan hệ công chúng cũng phải được liên kết với nhau, sắp xếp có kế hoạch và mục tiêu lâu dài, có như thế hoạt động quan hệ công chúng của tổ chức mới thực sự hiệu quả.

4. Quản lí

Tính chất của quan hệ công chúng là một hoạt động quản lí. Quản lý mọi vấn đề liên quan đến hình ảnh của cá nhân hoặc tổ chức,quản lí, kiểm soát môi trường truyền thông bên trong và bên ngoài tổ chức; quản lý khủng hoảng và các vấn đề rủi ro xảy ra với danh tiếng của tổ chức, quản lí các sự kiện,...

Rất dễ để khẳng định tính chất quản lí của hoạt động quan hệ công chúng khi đây là một công việc đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực một cách có kế hoạch và tổ chức. Từ việc nghiên cứu, thẩm định thái độ của công chúng, xác định các chính sách và quy trình hoạt động của một cá nhân hay tổ chức đối với sự quan tâm của công chúng, lập kế hoạch và triển khai các chương trình hành động,...

Lấy một ví dụ về quản lý sự kiện thường, có thể thấy đây là một quá trình quản lí bao gồm nhiều bước như: nghiên cứu thương hiệu, xác định đối tượng mà sự kiện hướng tới, đề ra mục tiêu của sự kiện, phát triển ý tưởng chủ đạo, lập ngân sách và kế hoạch triển khai, chuẩn bị nguồn lực và các yếu tố kỹ thuật để thực hiện chương trình, tổng kết và tiến hành các hoạt động hậu kỳ khác giúp kéo dài hiệu ứng của sự kiện đó. Qúa trình này tạo nên chức năng quản lí của quan hệ công chúng.

Hiệp hội công chúng Mỹ (PRSA) đã khẳng định rằng: "Quan hệ công chúng là chức năng quản lý".

5. Tư vấn

Tư vấn là một trong những hình thái hoạt động quan trọng nhất giúp quan hệ công chúng ngày càng khẳng định vị trí của mình, là công việc mà bất cứ chuyên gia thực hành quan hệ công chúng nào cũng đều muốn hướng tới.

Chỉ có những chuyên gia quan hệ công chúng chuyên nghiệp, có chuyên môn, kiến thức rộng và sâu mới có thể đảm nhiệm được công việc tư vấn rất khó nhưng cũng rất thú vị này. Người làm tư vấn phải hiểu rất kĩ đối tượng công chúng của mình, đặc biệt về nhu cầu, cơ chế hành động của họ thì mới có thể tác động được đến hành vi của họ và dẫn dắt, định hướng được họ.

Đây là một hoạt động rất ý nghĩa đối với các lãnh đạo của tổ chức. Một tổ chức có được một bộ phận tư vấn PR tốt là một thế mạnh rất lớn. Bằng việc phân tích tình hình thực tế cùng những xu hướng trong tương lai, họ sẽ đưa ra lời khuyến cáo cho các nhà lãnh đạo, từ đó có những định hướng về các phương án hành động phù hợp liên quan đến hình ảnh của tổ chức. Đặc biệt khi tổ chức gặp phải khủng hoảng truyền thông thì bộ phận này sẽ cứu lấy hình ảnh của tổ chức. Có rất nhiều ví dụ trong thực tế để minh chứng cho điều này. Một trong những nhân vật hàng đầu về lĩnh vực quan hệ công chúng của Mỹ đầu thế kỉ XX là Ivy Ledbetter Lee đã cứu sống hàng loạt công ty rơi vào khủng hoảng lúc đó. Đó là công ty khai thác than sau một vụ biểu tình của công nhân năm 1906 đã được ông thuyết phục để thay đổi chính sách và thông tin điều đó cho công chúng. Là công ty Đường sắt Pennyslvania sau một vụ đổ tàu vẫn đứng vững nhờ lời tư vấn của ông. Công ty đã mời các nhà báo đến hiện trường vụ tai nạn và cung cấp đầy đủ thông tin, khiến nhà báo đưa ra những bình luận công bằng hơn bất cứ lời bình luận nào về các vụ việc tương tự trước đó, sau đó là những nỗ lực cải thiện chất lượng từ công ty, từ những việc nhỏ là trang trí hình thức nhà ga cho đẹp mắt...

Do sự hỗ trợ đắc lực này mà ngày nay các văn phòng tư vấn PR được lập ra ngày càng nhiều, vị trí của những nhà tư vấn PR được nâng lên một tầm mới. Những người làm PR để có thể tư vấn và tư vấn tốt cần không ngừng trau dồi kĩ năng nghề nghiệp của mình, chỉ khi có chuyên môn và hiểu biết thì họ mới thực sự đưa ra được những lời tư vấn tốt.

6. Nghệ thuật

Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói làm PR là một nghệ thuật.Nghệ thuật ở đây không được hiểu theo nghĩa là các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, thi ca,... mà nó nhấn mạnh vào tính sáng tạo trong công việc của ngành quan hệ công chúng.

Đây là một nghề đòi hỏi đầy sự sáng tạo. Sáng tạo để có những ý tưởng đột phá cho sự kiện, sáng tạo để có các phương án tối ưu, sáng tạo để giải quyết vấn đề phát sinh hay rủi ro một cách ổn thỏa và hiệu quả...Không có sáng tạo thì rất khó lôi cuốn công chúng, một chương trình PR nếu cứ đi theo lối mòn với những hình thức quá quen thuộc thì không thể thu hút sự chú ý của họ.

Sự sáng tạo cộng với sự điêu luyện trong nghề tạo nên nghệ thuật PR, từ nghệ thuật giao tiếp, nghệ thuật ngoại giao, nghệ thuật tư vấn,... từ việc "cảm thấy thoải mái trong các tình huống không thoải mái" cũng là một nghệ thuật. Mà thứ nghệ thuật ấy không phải ai cũng có.

Mỗi người có một nghệ thuật PR riêng, đôi khi hình thành cả thương hiệu PR. Khi đạt đến cái gọi là nghệ thuật, thì những chương trình PR của họ thực sự là hiệu quả. Đạt đến bậc thầy về tư vấn quan hệ công chúng, Edward Louis Bernays luôn có một nghệ thuật PR riêng. Ông đã đưa tên tuổi của hãng xà phòng Proter & Gamble trở nên nổi tiếng toàn cầu với việc mở các cuộc thi điêu khắc trên xà phòng cấp quốc gia cho trẻ em; giúp các nhà xuất bản bán sách bằng việc thuyết phục các đối tác của họ xây dựng giá sách trong các khu nhà mới; tổ chức lễ kỉ niệm 50 năm Edison phát minh ra bóng đèn điện cho công ty General Electric and Westinghouse;... Ông thường công chúng tiếp cận với ý đồ của mình một cách khéo léo, gián tiếp chứ không phải trực tiếp khiến cho rất ít người bình thường có thể nhận ra bàn tay của chuyên gia tư vấn quan hệ công chúng đằng sau một sự kiện hay chiến dịch nào đó.

Sự sáng tạo, nghệ thuật PR có thể là tố chất, nhưng hoàn toàn cũng có thể được trau dồi bằng cách chịu khó quan sát, ghi nhận, học tập từ những gì xảy ra xung quanh... Học tập từ những chiến dịch PR thành công , học từ những người nghệ sĩ PR và học từ chính những trải nghiệm của bản thân.

7. Trung thực

Một số người khi nhắc đến PR là nhắc đến sự đánh bóng tên tuổi, làm cho phô trương, hào nhoáng,... Nhưng thực chất của công việc này không phải vậy. "PR là 90% làm thật tốt và 10% nói về nó". Việc công bố những thông tin, thành tựu của tổ chức phải dựa trên cơ sở hoạt động thực chất của tổ chức là tốt đẹp đến 90%, còn 10% là sự nỗ lực truyền thông về nó. Nếu không thông tin cho công chúng một cách chân thật, sự tín nghiệm của công chúng đối với tổ chứcsẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Với một người làm PR chân chính và chuyên nghiệp thì trung thực luôn là một trong những yêu cầu hàng đầu.Với họ, đạo đức của người làm PR là phải trung thực mọi lúc; chuyển tải một tinh thần đạo đức doanh nghiệp/ doanh nhân dựa trên cơ sở chuẩn mực của chính người làm PR và xã hội; tôn trọng sự liêm chính và vị trí của đối thủ cũng như công chúng; phát triển niềm tin bằng cách nhấn mạnh các giá trị cốt lõi thay vì những điều tầm thường; thể hiện quan điểm của tất cả các bên trong một vấn đề; đấu tranh để cân bằng giữa sự trung thành với tổ chức và sự trách nhiệm với công chúng; không hi sinh lợi ích dài hạn với lợi lộc trước mắt,...

Hiện nay một số tổ chức nghề nghiệp quan hệ công chúng như Hiệp hội quan hệ công chúng Canada (CPRS), Nam Phi (PRISA), Úc (PRIA), Ấn Độ (PRSI),... đã đưa ra bộ quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp của mình.

Đứng trước những câu hỏi về đạo đức: Liệu có nên nói dối để bảo vệ lãnh đạo hay khách hàng của mình? Có nên lừa dối để lấy được những thông tin về khách hàng của công ty khác? Có nên che giấu một sự thật tồi tệ hay hối lộ phóng viên?... Nếu người làm PR tự trả lời được một cách tự tin, không áy náy lương tâm những câu hỏi đạo đức đó thì họ đã tạo ra bước ngoặtđể hoàn thiện mình, đánh dấu sự chuyên nghiệp mình và được cộng đồng chuyên môn ghi nhận.

Nếu bị đẩy vào những tình huống phải cắn rứt lương tâm thì lời khuyên mà các chuyên gia vẫn thường đưa ra là nên đối thoại thẳng thắn với lãnh đạo (hay khách hàng của mình), thuyết phục họ tìm một giải pháp giúp các thông điệp được chuyển đi một cách trung thực, công bằng nhất có thể. Một ví dụ nhỏ như nếu lãnh đạo muốn hối lộ phóng viên để có bài đăng trên báo thì có thể thuyết phục họ theo giải pháp là đăng nó trên trang thông tin doanh nghiệp và trả tiền cho phòng quảng cáo sẽ phù hợp hơn cho mối quan hệ công việc lâu dài. Trung thực không chỉ tốt cho những người làm quan hệ công chúng mà còn cho chính những tổ chức mà họ làm việc.

Một người làm PR chuyên nghiệp cần trung thành với nghề và các đồng nghiệp hơn là với các ông chủ ở thời điểm hiện tại. Điểm tham chiếu trong mọi hoạt động quan hệ công chúng là dựa trên chuẩn mực nghề nghiệp chứ không phải là những chuẩn mực do khách hàng hay ông chủ đặt ra.

8. Quảng giao

Mối quan hệ là mấu chốt của quan hệ công chúng, mà muốn tạo được quan hệ, người làm PR nhất định phải biết quảng giao.Thái độ ứng xử và khả năng giao tiếp khéo léo, nhanh nhạy được coi là yêu cầu cơ bản với người làm PR.

Không giao tiếp thông min, họ sẽ không thể trình bày các vấn đề một cách gãy gọn, chính xác và logic, không thể thu hút người đối diện và thuyết phục các đối tác vào ý tưởng của họ. Họ cũng sẽ không biết phải làm thế nào để làm hài lòng mọi đối tượng công chúng khác nhau vốn rất khó tính. Do vậy đã bước chân vào nghề PR, giao tiếp, ứng xử tốt phải là điều tất yếu. Cách ứng xử khéo léo, linh hoạt còn giúp họ hình thành và phát triển các mối quan hệ.

Người làm PR là người luôn phải giữ nhiệt quảng giao, lúc nào cũng trong tâm thế xây dựng và giữ gìn các mối quan hệ.Những mối quan hệ ấy không chỉ cho họ những thuận lợi trong công việc mà còn là một cách để họ tự trau dỗi kĩ năng nghề nghiệp, tích lũy những kinh nghiệm về giao tiếp và ứng xử.

Ngoài khả năng trời phú đây còn là cả quá trình rèn luyện.

9. Sức khỏe

Bất cứ nghề nào cũng cần đến sức khỏe, quan hệ công chúng cũng vậy. Nhìn qua, nhiều người sẽ nghĩ đây là một nghề nhàn hạ, chỉ việc tạo mối quan hệ, rồi tiệc tùng,... nhưng đi sâu vào nghề mới biết, đây thật sự là một công việc rất vất vả và nếu không có một sức khỏe dẻo dai thì người ta khó mà theo được.

Một ví dụ điển hình nhất là những người theo ngành tổ chức sự kiện.Thức khuya dậy sớm, đi lại hoạt động liên tục, nhiều khi phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, nắng cháy mưa dầm, nhịn đói, căng thẳng thường xuyên khi công việc dồn dập... những điều mà người làm nghề này phải thường xuyên đối mặt. Mà làm sự kiện là "trường kỳ chiến đấu" chứ không phải một sự kiện là xong.

Bởi vậy cho nên những người làm PR luôn cần có một thể lực dẻo dai nhất định. Mặc dù công việc dồn dập nhưng họ vẫn phải hoàn thành mà không bị vắt kiệt sức lực, phải luôn sinh hoạt, ăn uống điều độ hàng ngày để dành sức lực cho những chiến dịch PR không ngừng nghỉ.

10. Thách thức

Công việc của một chuyên viên PR giống như việc "làm dâu trăm họ".

Những thách thức về việc duy trì và phát triển các mối quan hệ không hề đơn giản, làm hài lòng tất cả khách hàng và công chúng lại càng khó khăn. Những cuộc điện thoại phàn nàn, những phản ánh của đối tác sẽ là những điều mà nhân viên PR thường xuyên phải đối mặt, vừa làm hài lòng mọi công chúng, vừa làm hài lòng lãnh đạo của tổ chức, nếu người làm PR không chịu được áp lực thì không thể theo được nghề này.

Đây cũng là một nghề đầy rủi ro, không phải cứ chuẩn bị kĩ càng là mọi việc sẽ suôn sẻ. Tổ chức sự kiện thì một sai sót nhỏ cũng có thể làm hỏng chương trình như nhầm đĩa, thiếu đạo cụ, một MC bị ốm ... Những việc ấy tưởng vụn vặt nhưng đôi khi lại ảnh hưởng quyết định đến sự thành công của sự kiện.

Ngoài ra người làm PR phải luôn đối mặt với sự căng thẳng, mệt mỏi, có những khi họ phải làm việc quần quật ngày đêm, hết chiến dịch PR này đến chiến chiến dịch PR khác, vì thế việc luôn phải giữ được cho mình một tinh thần thoải mái và sức khỏe dẻo dai là yêu cầu cần thiết đối với họ.

Làm PR, ví như làm sự kiện là một công việc làm trong tưởng tượng, bởi các sự kiện thường phải xây dựng trước khi nó chính thức diễn ra ít nhất khoảng 3 đến 6 tháng, tuỳ quy mô. Khi lên kế hoạch và trình bày với các bên liên quan mình phải làm việc chủ yếu bằng tư duy tưởng tượng. Tính chất này cũng là một thách thức đối với người làm.

Không chỉ thách thức về sự vất vả, mà nghề PR còn thách thức người làm ở lương tâm. Thương trường cũng như chiến trường, sự cạnh tranh không lành mạnh vẫn luôn tồn tại trong nghề PR. Khi PR thực sự là một công cụ hữu hiệu để tạo dựng lòng tin cũng như xây dựng thương hiệu thì chắc chắn một điều, PR cũng có thể là một công cụ "phá hủy" thương hiệu.Trong mối quan hệ giữa những người làm PR, PR với giới báo chí đòi hỏi họ phải giữ được một lập trường vững vàng để có thể làm tốt công việc mà không phải cắn rứt lương tâm. Bởi người làm PR cũng chính là một người làm nhiệm vụ thông tin, thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp qua báo chí.Còn nhớ cách đây một vài tháng khi một số tờ báo đưa tin về việc ăn nhiều bưởi sẽ làm tăng nguy cơ gây ung thư, khiến giá bưởi tụt một cách thảm hại, nhiều nông dân bị mất trắng, những "bưởi năm roi, bưởi da xanh" bị tẩy chay và buộc Thủ tướng chỉnh phủ phải có công văn kiểm tra và xử lý tờ báo cũng như phóng viên đưa thông tin trên.Một ví dụ nhỏ đó để cho thấy rằng, khi thông tin sai lệch thì chỉ một cột tin trên báo cũng làm ảnh hưởng lớn đến biết bao nhiêu người.

Chính vì thế những người làm PR phải luôn biết "giữ mình". Đó là điều mà những người làm PR chân chính luôn tâm niệm.

Kết luận

Đối với mọi doanh nghiệp, danh tiếng và hình ảnh là thứ "tài sản" có giá trị rất lớn. Trong khi đó, theo ước tính, chi phí PR trong các công ty ở Mỹ và châu Âu, nơi ngành PR phát triển mạnh mẽ nhất hiện nay, thông thường chỉ bằng khoảng 1/10 chi phí vẫn dành quảng cáo.Chính vì vậy, hoạt động PR còn được nhiều công ty đánh giá như một công cụ hiệu quả để xây dựng hình ảnh với chi phí thấp.

Về phía các nhân viên PR, mảnh đất tiến thân đang ngày càng trở nên màu mỡ hơn khi mà các công ty đang hiểu ra tầm quan trọng của hoạt động như một phần trong các kế hoạch giao tiếp lớn của họ. "Tương lai của ngành này chỉ có một con đường, và đó là con đường đi lên"- Howard Deam nhận định. (Tổng hợp từ Job Career Guide).

Cả lý thuyết và thực tiễn, quan hệ công chúng đều mới được hoàn thiện song đã mang tính toàn cầu và phát triển rất nhanh chóng. Xã hội càng phát triển, hội nhập thì quan hệ công chúng chắc chắn sẽ ngày càng phát triển.

service":[{"port":80,"probability":1.0,"protocol_str":"quic"}]},"p4-dzegfd2llrglc-7x574nv5bytqjig5-570444-i1-v6exp3-ds.metric.gstatic.com:443":{"alternative_service":[{"port":443,"probability":1.0,"protocol_st

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: