Trời xanh như ngọc (6)

Đặng Anh rời Ti lễ giám trở về trực phòng cạnh sông hộ thành, mặt trời ban trưa chiếu người lóa mắt, từng bóng liễu lớn ven sông vuốt ve mặt đất sáng trắng. Lý Ngư định ra ngoài, trông thấy Đặng Anh trở về lại quay lại hỏi: "Trần chưởng ấn cho tôi chút trà giải nhiệt, tôi cũng không biết là cái gì, rót cho anh một ấm rồi đấy, để trong phòng anh."

Đặng Anh thấy cậu ta buộc tay áo, giày dưới chân cũng đổi thành giày vải, không khỏi hỏi: "Cậu đi đâu đấy?"

Lý Ngư nguýt chàng, "Mấy nay chắc anh ngáo ngơ thật rồi đó, đến hôm nay là tết Phiên kinh1 mồng sáu tháng Sáu hàng năm cũng quên mất."

"Ồ..." Đặng Anh xoa ấn đường, "Đúng là tôi hơi đãng trí thật."

Lý Ngư nói: "Tết Phiên kinh trước kia, hồi Thượng nghi cục và Hán, Phiên hai kinh xưởng sái phục không xuể, đều nhờ sáu cục nội đình điều bớt cung nhân phục vụ các nương nương sang giúp đỡ. Mà những người đó cũng vui vẻ làm. Năm nay sáu cục tạm không điều được người, chỉ có thể điều từ ngoại tứ môn và nội tứ môn, tôi vốn không muốn đi, nhưng cha nuôi tôi nói ngày mai trong cung sắp xử tử người, phiên kinh là công đức, làm tốt có thể hồi hướng2, tôi muốn... hồi hướng chút ít cho Đặng bỉnh bút."

1 Phiên kinh là một ngày lễ truyền thống của Trung Quốc bắt nguồn từ Dương Châu, diễn ra vào mồng sáu tháng Sáu khi bắt đầu vào giữa hè. Đây là thời điểm mùa mưa dầm vừa qua, trời nắng nóng to thế nên trong ngày lễ này, người Trung Quốc có tập tục sái phục – nhân nắng nóng mang chăn đệm áo bông đồ đạc trong nhà ra phơi cho hết cái ẩm của mùa mưa dầm.

2 Một công phu tu hành quan trọng trong quá trình tu học Phật giáo, hồi hướng là không độc hưởng công đức, trí tuệ, thiện hạnh, thiện tri mình tu được mà "hồi chuyển quy hướng" cho chúng sinh pháp giới cùng hưởng, để mở lòng chính mình, đồng thời khiến công đức có phương hướng minh xác, trách gây thất lạc.

Nói xong, cậu ta lại hỏi: "Đúng rồi, sao anh về sớm vậy, không đi Đông tập sự xưởng à? Ngày mai là phải..."

Nói dến đây, cổ họng cậu ta nghẹn ứ, không nói nốt nữa.

"Tôi về ngủ một lát."

"À, cũng phải." Vẻ mặt Lý Ngư xầm xì, kéo xà cạp bị lỏng trượt xuống khỏi vai lên, "Anh nghỉ đi, tôi qua kinh xưởng đây."

Đi mấy bước lại ngoái đầu hỏi: "Có muốn tôi... hồi hướng cho anh không?"

Đặng Anh lắc đầu cười, "Hồi hướng cho tôi chỉ sợ uổng phí, hồi hướng cho tỷ tỷ cậu đi."

"Ờ, được."

Lý Ngư đi rồi, Đặng Anh về phòng rửa mặt, cởi cung phục xuống treo trên giá gỗ. Chàng không nằm xuống ngay mà co gối tựa vào giường xem lại "Thanh điền sách" Dương Luân viết.

Mặc dù thực tế, tiến trình thanh điền phía Nam chậm hơn so với Dương Luân dự tính, nhưng qua tấu chương Dương Luân gửi về, Đặng Anh phát hiện cả khu vực Hồ Bắc sắp bị Dương Luân lật đến đáy rồi. Xuôi Nam tiếp là sẽ tới Giang Chiết.

Tình huống ở Chiết Giang và Hồ Bắc không giống nhau.

Hồ Bắc tuy có quốc thích như Kinh quốc công nhưng những người này chỉ được mã ngoài hùng hổ, kỳ thực chỉ là môn hộ phú quý thái bình không có quan quyền thực tế.

Chiết Giang thì phức tạp hơn.

Hà Di Hiền dầu không phải người Chiết Giang nhưng tuần phủ Chiết Giang đương nhiệm, Lục Thông, thì trước kia khi nhập sĩ đã bị nhóm Bạch Hoán xem thường nhân phẩm và học thức, trong cơn nóng giận đã đi lên con đường Hà Di Hiền. Nào ngờ còn thực sự đi thông, về sau hoạn lộ thênh thang, trở thành quan to đúng chỗ quan trọng.

Mà nhà họ Dương tuy căn cơ nằm ở Chiết Giang nhưng Dương gia lão gia tử một mực tu luyện trong đạo quán, đã sớm không để ý chuyện nhà, do đó mà mấy công tử bột không đi học ỷ vào địa vị của Dương Luân tại Nội các, buôn bán vải bông với quan môn. Dương Luân cách khá xa, cả năm chẳng hỏi thăm được mấy lần, bên dưới gia nghiệp rốt cuộc có ruộng tư ruộng lạ gì không thì bản thân Dương Luân cũng không biết.

Y muốn động vào ruộng lạ1 của những người khác thì phải xử lí của nhà mình trước tiên.

1 Tác giả đánh dấu chú thích nhưng không viết chú thích từ này, sẽ tra lại bản sách giấy và bổ sung sau.

Việc này vốn đã rất khó, hơn nữa còn có đại quan địa phương cản trở, hơi sơ sẩy thôi là đến tính mạng cũng có thể bị hại mất.

Đặng Anh vào đầu tháng Năm, phía Nam từng truyền tới một tin tức, nói Dương Luân trược chân rơi xuống nước trên thuyền xuôi Nam xuống Chiết Giang, sau đó ốm kinh phong một trận. Về sau, Dương Luân đã tự mình dâng tấu lên hoàng đế, nói chỉ là tin đồn.

Đối với Dương Luân, thanh điền là chuyện một tiếng trống tăng dũng khí, hai tiếng trống dũng khí suy, ba tiếng trống dũng khí tịt.

Bất kể thế nào, y cũng không chịu bị triệu hồi kinh vì bệnh kinh phong, nhưng chưa chắc y đã không biết lần này rơi xuống nước là do có người cố gắng mưu hại, giống như Đặng Anh và Dương Uyển đều biết rõ, những người đứng sau lưng Hạc cư án, như Hà Di Hiền, đều đang nhìn chằm chằm cuốn "Thanh điền sách" đã sắp đến cuối này. Dương Luân sẽ không chừa đường lui cho những người này, lí lẽ của y vốn quang minh chính đạo, đặt trên đường tư pháp cũng tuyệt đối thuyết phục.

Trăm năm Đại Minh, có rất nhiều văn nhân trong sạch trẻ tuổi giống như Dương Luân, người trước hi sinh người sau tiếp bước, thực hiện ảo mộng chính trị minh bạch.

Nhưng đến cùng, đó chỉ là ảo mộng.

Không trúng một đao như vậy, không chui xuống đầm lầy, thì làm sao biết được sóng xám giữa sáng tối dữ tợn như thế nào, sấp ngửa chỉ nằm trong một ý niệm của quân phụ.

Trời quá nóng, Đặng Anh không muốn đắp chăn, thậm chí còn để mở cửa sổ.

Bóng sóng nước trong vắt in lên khung cửa sổ.

Đặng Anh bất giác cuộn hai chân, ống quần ma sát với giường đệm, cuốn nửa lên đầu gối. Vết thương cũ trên cổ chân phơi ra trong gió thổi từ ngoài cửa sổ vào, hơi đau nhức, nhưng chàng thực sự mệt mỏi, không muốn cử động nữa.

Giấc này không mộng mị, lúc tỉnh lại, mặt trời đã ngả tây.

Đặng Anh cúi đầu, thấy cổ chân mình buộc lỏng một chiếc khăn tay. Chàng vội ngồi dậy tháo xuống.

Khăn chất tơ lụa, thêu chìm phù dung, thoang thoảng hương con gái, vừa nhìn đã biết là ai tới.

Đặng Anh đi giày toan xuống đất thì thấy Dương Uyển bưng hai bát mì chạy ù vào, đặt xong bát xuống vội giơ hai tay nắm dái tai, "Bỏng chết mất bỏng chết mất!"

Đặng Anh thấy thế chẳng còn lo được giày tất nữa, đi chân trần đến cạnh Dương Uyển, "Để tôi xem xem."

Dương Uyển nhe răng nói: "Không bị bỏng thật đâu."

Vừa nói vừa xòe tay ra, "Xem này, chỉ hơi đỏ thôi."

Nói rồi lại cúi đầu nhìn bàn chân Đặng Anh trên mặt đất, "Anh cứ thế xuống đất à?"

"À..."

Đặng Anh hơi lúng túng, "Tôi đi giày ngay đây."

Dương Uyển đỡ bàn ngồi xuống, "Đi xong lại đây ăn mì đi."

Cô khom lưng hít hà mùi nước dùng, "Tay nghề nấu món này của tôi vẫn tốt lắm."

Đặng Anh vừa đi giày vừa nhìn cô. Hôm nay cô mặc cung phục chưởng tịch, buộc tay áo giống Lý Ngư. Trang dung kiều diễm, nhưng vì thương tích chưa khỏi hẳn nên sắc mặt vẫn hơi tái.

Thấy Đặng Anh nhìn mình, cô bèn khuấy mì cho Đặng Anh, "Mau lên, sắp đóng thành cục rồi."

Đặng Anh ngồi bên giường đi giày, rửa sạch tay ở giá chậu trước cửa rồi đi tới bên bàn ngồi xuống, nhận đũa trong tay Dương Uyển, gắp mì đảo một vòng. Hành băm dưới đáy bát bị lật lên, nổi trên mặt nước dùng mỡ lợn, phả thẳng lên mặt mùi hương thơm ngát.

"Thơm không?"

"Thơm, lâu lắm rồi không được ăn."

Dương Uyển chống má nhìn chàng, "Tôi mà không tới thì tối nay anh định nhịn chứ gì?"

"Ừ."

Đặng Anh ăn mì, mũi đáp một tiếng thật thà, bỗng cảm thấy không đúng, vội buông đũa xuống sửa lời: "Không phải, tôi sẽ ăn."

Dương Uyển không vạch trần chàng, cẩn thận bưng cái bát trước mặt lên húp một ngụm nước, "Ngày mai hành hình, anh có đến không?"

Đặng Anh cắn mì lắc đầu, "Tôi bảo Đàm Văn Đức đi."

"Ồ."

Dương Uyển gắp một sợi mì, lại không đưa vào miệng.

Đặng Anh ngẩng đầu nhìn cô, "Cô phải đi à?"

"Ừ, sáu cục đều có mặt, tôi cũng phải đi."

"Hay là tôi..."

"Không cần đâu Đặng Anh."

Dương Uyển vén tóc bên tai, cúi đầu ăn mì, nhẹ giọng nói: "Yên tâm, tôi không phải người ngửi thấy mùi máu tanh là sẽ ói. Vả lại..."

Cô thoáng dừng lại, khuấy mì trong bát, trầm giọng nói: "Tôi sẽ không ói nữa."

Nói rồi lại gắp một miếng mì bỏ vào miệng.

"Uyển Uyển."

"Ừm?"

Đặng Anh xếp cánh tay lên bàn, nhắc đến một chủ đề Dương Uyển không nghĩ tới.

"Tôi muốn... mua một căn nhà bên ngoài."

"Tại sao?"

"Cô đừng hiểu lầm, không phải tôi muốn gom tài sản riêng. Nhà không cần quá lớn, một cửa một sân là đủ rồi, cũ mới đều được, tôi có thể tự xây sửa. Tôi muốn mua... để nó ở đấy."

Dương Uyển dừng đũa, "Sao tự dưng anh lại có ý nghĩ này?"

Đặng Anh cúi đầu, không nói thật với Dương Uyển.

Chàng sợ hãi gì? Chàng sợ mình sẽ giống như Trịnh Nguyệt Gia, không thể để lại được một thứ gì cho Ninh phi.

Thế nên chàng muốn để lại một căn nhà cho Dương Uyển, đối với chàng, đó là cách dễ dàng nhất, cũng là cái chàng thành thạo nhất.

Sân nhà chàng có thể thiết kế xây dựng, rương tráp tủ lồng cũng có thể tự tay đóng lấy.

Bất kể sau này Dương Uyển có nhà riêng của cô hay không, cũng có thể thi thoảng về thăm, như đi thăm chàng vậy.

Căn nhà đó tựa như một Đặng Anh chưa từng phải chịu gì cả. Chưa từng thụ hình, chưa từng làm xưởng đốc, không có tội danh gì, chỉ là một chàng trai trẻ đã xây rất nhiều nhà, có thể nhận được hoài niệm.

"Sao không nói gì vậy?"

Ánh mắt Dương Uyển hơi lo âu.

Đặng Anh thu lại suy nghĩ, cười giơ tay, nhặt hành băm dính trên bờ môi cô.

"Tôi không có hậu duệ, cũng không có người thân, nhưng cũng phải có được một căn nhà chứ, lỡ sau này tôi già rồi, bệ hạ chịu khai ân cho tôi xuất cung, vậy thì tôi cũng có một nơi ở."

Dương Uyển nghe xong gật đầu, "Vậy thì mua đi, tìm đám Đàm Văn Đức đi xem giúp anh."

Đặng Anh cười nhìn cô, "Uyển Uyển thích chỗ nào?"

Dương Uyển cũng nghiêm túc nghĩ ngợi một lát thật, "Gần chùa Quảng Tề là tốt nhất, chỗ đó nhộn nhịp, cánh nhà ca ca tôi cũng gần."

"Được."

"À... không được không được, đất ở đó đắt lắm."

"Không sao, hướng tây có được không?"

"Được chứ, hướng tây ấm áp, chân anh sợ lạnh, sau này già rồi khẳng định sẽ còn nghiêm trọng hơn..."

Cô nói đến chữ "già", bỗng nghẹn ngào.

Thực ra Dương Uyển cũng đang lẳng lặng lừa Đặng Anh.

Sử liệu ghi chép lúc bị xử tử, Đặng Anh vẫn còn trẻ, ông trời không cho chàng tư cách già đi.

"Hướng tây đấy nhé, đã quyết rồi."

Dương Uyển nuốt khan, nhịn lại chua xót trong cổ họng, "Mùa đông, chúng ta sẽ treo rèm vải bông thật dày, tôi còn có thể làm bao ấm cổ chân cho anh."

Đặng Anh không nhịn được bật cười, "Cô biết làm à?"

"Học là được mà."

Dương Uyển mím môi, "Cũng chẳng khó, với lại, tay tôi vụng nhưng anh khéo lắm mà, tôi còn có thể phác thảo cho anh, để anh đóng cho tôi hòm tủ, còn nữa, trong sân còn có thể dựng một xích đu, anh có biết dựng xích đu không?"

"Biết."

"Thấy chưa, quá tốt đẹp còn gì."

Cô nói, chắp tay trước ngực, gắng hết sức khiến mình cười thật tự nhiên.

Đặng Anh ngắm cô, "Nói cứ như cô muốn ở cùng tôi vậy."

Dương Uyển đáp: "Tôi muốn ở cùng anh mà."

Cô nói, quay lưng đi dụi mắt, xoay người phun ra một hơi nghẹn ứ.

"Đặng Anh, sau này già rồi, anh nhất định sẽ là một ông cụ dễ tính, việc nhà gì cũng làm được, hơn nữa, phỏng chừng còn có chút tiền. Tôi chỉ cần ngày ngày nhàn rỗi theo anh khắp nơi ăn ăn uống uống, cùng lắm là bóc mấy quả hạch cho anh là được. Tôi nói anh nghe, anh nhất định phải già đi đấy, tôi nhất định phải trông thấy dáng vẻ về già của anh."

"Được."

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top