Chương 5: Biếc ngần lưu ly (1)
Thi hài của Trương Xuân Triển được Dương Luân tiếp nhận từ đại lao Hình bộ.
Trước khi khiêng ra, Dương Luân đã đích thân khám xét thi thể cùng ngỗ tác.
Người chết ở trong ngục, y quan hoàn chỉnh, không có ngoại thương, cũng không trúng độc, ngỗ tác đã được bên trên dặn dò nên chỉ nói với Dương Luân là chết do ngạt thở, còn nguyên nhân cụ thể thì trình bày là vì Trương Xuân Triển đã cao tuổi, vốn có bệnh phổi, không chịu được trong ngục ẩm thấp bí bách, ngạt thở chết.
Dương Luân hỏi tỉ mỉ hơn, hắn bèn ngậm miệng không đáp. Trong lòng Dương Luân cũng biết, lúc này chẳng thể hỏi ra cái gì.
Trương Xuân Triển một thân một mình vào kinh thành, thê tử đã mất, con trai ông làm quan ở Hải Nam, đường sá xa xôi, giờ hãy còn đang trên đường chạy về chịu tang. Dương Luân đành nhập liệm đơn giản cho di thể ông, tạm thời đặt trong chùa Quảng Tề.
Tăng nhân trong chùa đều rất kính trọng bậc thầy đức cao vọng trọng đã xây dựng hoàng thành này, dù Dương Luân không nói gì nhưng trụ trì chùa Quảng Tề Viên An pháp sư vẫn dẫn các sư tự động cúng bái siêu độ liên tiếp mấy ngày cho Trương Xuân Triển.
Lục khoa cấp sự trung và các ngự sử trẻ tuổi của Đốc sát viện đang lún sâu vào một trận giằng co văn tự vô cùng hỗn loạn với Ti lễ giám mà Nội các không sao khống chế nổi. Chư quan lại đều có xuất thân của riêng mình, hoặc là thầy trò, hoặc là đồng môn. Ai cũng là kẻ sĩ uyên bác khổ học mười năm, tụ họp lại với nhau đưa tấu sớ của mình cho nhau xem xét như văn chương khoa cử, trích dẫn kinh điển, dẫn chứng phong phú, dùng cạn lời xẻo thịt lột da, mượn hành văn chửi cho mấy đại thái giám Ti lễ giám thương tích đầy mình. Nhất thời, tấu thư của mỗi một nha môn xếp chồng như bông tuyết đến tận Ti lễ giám, sau đó chồng chất lên bàn hoàng đế.
Mượn nhờ trận văn huyên1 thanh thanh thế quy mô này, Bạch Hoán bắt đầu tạo áp lực với Trinh Ninh đế. Bởi vậy nên trên tất cả phiếu chỉ2 tham tấu Ti lễ giám đều chỉ có vài câu lập lờ nước đôi.
1 Phong trào vận động của văn nhân. (chú thích của tác giả)
2 Mọi tấu chương trước khi trình lên cho hoàng đế phê duyệt đều qua tay Nội các học sĩ viết kiến nghị vào giấy dán vào dâng kèm, tờ giấy đó gọi là phiếu chỉ.
Mất đi ý kiến của Nội các, hoàng đế đành phải đích thân trả lời, thế là trận giằng co này dần biến thành cuộc cờ chữ nghĩa giữa đích thân hoàng đế và văn thần.
Quan văn trong kinh hàng trăm hàng ngàn, tuổi trẻ, tinh lực vô hạn. Hoàng đế dù sao cũng chỉ có một người, giằng co đến ngày thứ tư, rốt cuộc Trinh Ninh đế không chịu nổi, quét toàn bộ tấu sớ trên ngự án xuống đất. Tay Ninh phi đang khêu đèn khựng lại, tất cả thái giám cung nữ trong Dưỡng Tâm Điện đều quỳ xuống.
Trực tại ngự tiền hôm nay là Trịnh Nguyệt Gia, lúc này đang quỳ gối bên chân Trinh Ninh đế.
Hoàng đế lửa giận hun óc, đạp một cước vào ngực y, đá y ngửa mặt lăn cạnh giá sách, đầu đập mạnh vào góc giá sách, lập tức chảy máu, nhưng y không dám chú ý, lại lăn một vòng về phủ phục cạnh chân hoàng đế.
"Nô tì... đáng chết."
Hoàng đế quát: "Ti lễ giám các ngươi luôn miệng vì trẫm, thế này à? Tận tâm vì trẫm thế này à?"
Nói rồi quơ một bản tấu chương trên bàn ném thẳng vào mặt Trịnh Nguyệt Gia, Trịnh Nguyệt Gia chịu khổ, đến nhúc nhích cũng chẳng dám, chỉ quỳ mọp không ngừng nói: "Nô tì đáng chết, xin bệ hạ bớt giận."
"Đáng chết thì chết đi, người đâu, kéo Trịnh Nguyệt Gia ra ngọ môn, đánh chết!"
Ở đây có rất nhiều nội giám chịu ơn huệ của Trịnh Nguyệt Gia, nghe thấy hai chữ "đánh chết", tất cả cùng sững sờ, nhất thời không ai đi truyền lời.
Hoàng đế cả giận, "Lời trẫm các ngươi không nghe thấy sao?"
Trong điện lặng ngắt như tờ, khêu đồng1 trong tay Ninh phi bỗng "coong" một tiếng rơi xuống đất, lăn đến bên đầu gối Trịnh Nguyệt Gia. Bấy giờ thái giám đứng hầu mới tỉnh táo lại, cuống quít chạy ra ngoài, đi Thận hình ti truyền lời.
1 Que khêu đèn bằng đồng. (chú thích của tác giả)
Hoàng đế liếc Ninh phi, thấy nàng ngơ ngác đứng dưới đèn, cả người run lên nhè nhẹ.
"Ninh phi?"
"Vâng, có thiếp."
Hoàng đế liếc Trịnh Nguyệt Gia hãy còn quỳ bên chân mình, lại nhìn sang Ninh phi, "Nàng làm sao thế?"
"Thiếp... run tay."
Hoàng đế dịu giọng xuống, "Trẫm còn tưởng là trẫm dọa sợ nàng."
Thừa dịp hoàng đế ngẩng đầu xoay người, Trịnh Nguyệt Gia khẽ lắc đầu với Ninh phi.
Ninh phi vội dời mắt khỏi y, gắng hết sức bình ổn giọng mình, nói với hoàng đế: "Để thiếp đi pha lại cho bệ hạ một ấm trà nóng."
Lúc này hoàng đế đã chẳng còn hứng thú gì, họng lại ran rát thật, bèn không hỏi thêm gì nữa, khoát tay cho nàng đi.
Ninh phi xoay người đi vào hậu điện, Hợp Ngọc thấy sắc mặt nàng trắng bệch, vội đi tới đỡ nàng: "Nương nương sao vậy ạ?"
Ninh phi nắm ngược lại tay cô, "Uyển Nhi đang ở đâu?"
Hợp Ngọc đáp: "Dương nữ sử... mấy ngày nay đều đi cùng chúng nô tì, lúc này có lẽ đang chờ dưới nguyệt đài Dưỡng Tâm Điện ạ."
Ninh phi ấn lồng ngực mình, thân thể không kiềm chế được cơn run.
"Được... Được... Ngươi ra ngoài hỏi nó, có biện pháp nào có thể cứu... cứu mạng Trịnh bỉnh bút không."
Hợp Ngọc cũng là người hầu hạ trong cung lâu năm, nghe nàng nói vậy, không khỏi ngẩn ra, khuyên: "Nương nương, không nên như vậy đâu."
Ninh phi siết chặt cổ tay Hợp Ngọc, "Ngươi đi hỏi thay bản cung là được."
Hợp Ngọc chưa từng gặp vẻ mặt của Ninh phi như bây giờ, trong lòng cũng hoảng sợ, vội trấn an: "Vâng, nương nương đừng gấp, nô ti đi hỏi ngay đây."
Lúc này, Dương Uyển đang đứng dưới bức điêu khắc hạc đồng tại Dưỡng Tâm Điện. Mấy ngày nay cô có lén lút đến Thái Hòa Điện xem Đặng Anh mấy lần, nhưng không để chàng trông thấy mình. Chàng rất trầm lặng, nhưng tay làm việc vẫn không hề ngơi nghỉ. Dưới sự chỉ đạo của chàng, công trình Thái Hòa Điện được tiến hành kĩ lưỡng, Dương Uyển đứng trong chỗ tối, tận mắt chứng kiến toàn bộ quá trình mái ngói lưu ly bao phủ toàn diện nóc điện. Chàng đứng trên nguyệt đài, ung dung điều hành thợ xây, giám sát tất cả kĩ thuật phức tạp. Như Dương Uyển đã nhận xét, chàng làm chuyện gì cũng rất chăm chú, chỉ khi nhóm thợ xây đi ăn mới một mình đứng dưới đài thất thần.
Rốt cuộc, chàng vẫn không nghe lời Dương Uyển, ăn cơm uống nước đầy đủ. Nhưng Dương Uyển hiểu đó không phải là sự trừng phạt và xử trí của chàng đối với mình.
Làm người không thể tự cho là quá thông minh, thấu nhân tâm mà đường đột xông bừa. Nghiên cứu học thuật gần mười năm, hờ hững lạnh nhạt, kết quả bị bác bỏ thì làm lại lần nữa, luận văn bị trả về thì viết lại lần nữa, mỗi chuyện chìm nổi, Dương Uyển đều từng trải không ít. Cô biết người có nội tâm mạnh mẽ thường hi vọng mình có thể tự dựa vào bản thân để đấu tranh vượt qua khó khăn ban đầu.
Thế nên cô thường thừa dịp Đặng Anh trở về trực phòng, trộm tìm Lý Ngư dúi cho chàng quả hạch, điều khiến Dương Uyển mừng rỡ là quả hạch cô mang đến mỗi ngày, bất kể bao nhiêu, hôm sau cũng đều được Đặng Anh ăn hết.
Hôm nay lúc đi đưa quả hạch, cô phát hiện tủ Đặng Anh đựng quả hạch thường ngày nay lại để mở. Cô lấy hũ trong tủ ra, định bỏ quả hạch vào, nào ngờ nhặt được một đóa phù dung chạm bằng gỗ rất nhỏ, song vẫn có thể nhìn thấy hoa văn trên từng cánh hoa. Dương Uyển cầm hoa trong tay nâng lên nhìn kĩ, phát hiện trên đài hoa thậm chí còn xuyên lỗ, có thể sử dụng làm một hạt châu cố định trên ngọc bội.
Cô vội cởi ngọc bội đeo ngang hông mình xuống, gắn hạt châu cố định hoa phù dung này lên.
Cách đáp lại của Đặng Anh vô cùng khắc chế, nhưng Dương Uyển rất thích. Suốt cả ngày hôm đó, cứ không có việc gì làm là cô lại sờ nắn hạt châu hoa kia.
Lúc này, cô cũng đang vân vê hạt châu giết thời gian thì trông thấy mấy người của Thận hình ti tới. Thoạt đầu, cô hơi lo lắng cho Ninh phi, nhưng chẳng bao lâu sau lại thấy là bỉnh bút Ti lễ giám Trịnh Nguyệt Gia bị xách ra, bèn không để ý nữa. Nào ngờ chỉ một chốc sau, Hợp Ngọc lại vội vã chạy từ nguyệt đài xuống, không chờ Dương Uyển mở miệng đã kéo cô núp sau nguyệt đài.
Dương Uyển thấy vẻ mặt cô không tốt, vội hỏi: "Xảy ra chuyện gì à?"
Hợp Ngọc thò người ra ngoài ngó nghiêng, xác định không ai qua lại mới níu tay Dương Uyển nói: "Nữ sử, nương nương bảo nô tì hỏi cô một câu, cô có cách nào cứu Trịnh công công không?"
"Trịnh công công? Y làm sao vậy?"
Hợp Ngọc hạ giọng nói: "Bệ hạ muốn đánh chết y."
"Đánh chết? Vì sao?"
"Nô tì cũng không biết, hôm nay bệ hạ phê tấu chương hai canh giờ liên tiếp, không rõ vì sao lại nổi giận, kêu người của Thận hình ti đến, bảo là muốn kéo Trịnh công công ra ngọ môn. Nô tì thấy lúc nương nương ở trong đó nghe vậy, mắt lập tức đỏ hoe, sắc mặt cũng trắng bệch, thật sự là không ổn."
Dương Uyển không kịp suy nghĩ tại sao Ninh phi lại muốn cô cứu Trịnh Nguyệt Gia, nhưng nếu nàng đã sai Hợp Ngọc mở miệng hỏi thì đây ắt không phải chuyện nhỏ.
"Uyển cô nương, cô..."
"Đừng nôn nóng." Dương Uyển khoát tay áo với Hợp Ngọc, "Để tôi suy nghĩ đã."
Nói đoạn, cô xoay người cúi đầu, nhanh chóng hồi tưởng một lượt chuyện xảy ra mấy ngày nay.
Cái chết của Trương Xuân Triển đã dấy lên "văn triều" cho kinh thành. Dương Uyển thử suy xét thái độ của nhóm Bạch Hoán, lờ mờ đoán được lần này hẳn Nội các không đứng cùng phe với hoàng đế. Hoàng đế bị đám văn nhân này bức bách không chịu nổi, nhưng đây hiển nhiên là cử chỉ kích động nhất thời của hoàng đế trong tình huống không có Nội các phụ trợ, một khi giết Trịnh Nguyệt Gia thì cũng tức là biến tướng thừa nhận tội danh của Ti lễ giám.
Nghĩ tới đây, cô vội xoay lại, "Hợp Ngọc."
"Nô tì đang nghe đây ạ."
"Cô đi nói với nương nương, bảo người hỏi bệ hạ, hôm nay giết Trịnh công công, ngày mai Hà đại bạn1 phải làm thế nào?"
1 Đại bạn là cách gọi thái giám hầu hạ cùng lớn lên với hoàng đế, ở đây chỉ Hà Di Hiền. (chú thích của tác giả)
Hợp Ngọc hơi trù trừ, "Chỉ... chỉ cần nói vậy là có thể cứu Trịnh công công ạ?"
"Phải, cô cứ bảo nương nương thử xem, nhưng xin nương nương hãy nhớ, lúc nói mắt không thể đỏ, người là hoàng phi, người nói như vậy là để phân ưu với bệ hạ, là vì muốn tốt cho bệ hạ."
Nói xong câu đó, cô bỗng ngẩn người.
Đúng vậy, đây là chuyện tốt cho bệ hạ, vậy tại sao trước đó Ninh phi lại đỏ hoe mắt?
Trong cơn thảng thốt, Dương Uyển nhớ đến câu Ninh phi từng nói với mình, "Uyển Nhi, đừng đi con đường này cùng người ấy, em sẽ chẳng vui vẻ đâu."
Thế nên...
"Đợi đã, Hợp Ngọc."
Cô vội chạy mấy bước đuổi kịp Hợp Ngọc. Hợp Ngọc ngoái lại, "Còn lời gì cần nô tì chuyển cho nương nương ạ?"
"Cô nói với nương nương, bất kể thế nào cũng phải tỉnh táo, có cứu được Trịnh công công hay không hoàn toàn nằm ở bệ hạ có chịu tin nương nương thật tâm mong điều tốt đẹp cho bệ hạ hay không. Tuyệt đối không được để bệ hạ cảm nhận được là nương nương đang cầu xin cho Trịnh công công, bằng không không chỉ Trịnh công công không sống nổi mà đối với nương nương cũng sẽ không hay. Nhất định phải khiến nương nương nghe lọt được câu này!"
Hợp Ngọc không hiểu lắm, nhưng vẫn gật đầu rất nghiêm túc, xoay người chạy lên nguyệt đài.
Dương Uyển nhìn bóng lưng Hợp Ngọc, hơi thở dần trở nên gấp gáp.
Thì ra, sở dĩ sự thấu hiểu, che chở và bao dung Ninh phi dành cho Dương Uyển khác biệt hoàn toàn với mấy người Dương Luân là bởi trong lòng nàng cũng có một mối tình như vậy.
Ánh đèn trong điện sáng ngời mà lại chẳng chiếu ra cái bóng của bất kì ai. Tựa như thế sự thông tỏ, Phật tâm vô ảnh, sau cùng lại bị rượu ủ từ thất tình lục dục dìm chết.
Dương Uyển hứng gió ho hai tiếng, ngón tay thầm cào hoa khắc trên nguyệt đài.
Không bao lâu sau, cửa điện một lần nữa mở ra, một nội giám chạy như bay xuống nguyệt đài, đi tới ngọ môn.
Dương Uyển thả lỏng bờ vai, hơi thở nghẹn trong lồng ngực cuối cùng cũng thở ra được. Cô dựa vào vách tường lạnh lẽo của nguyệt đài, cánh tay buông thõng.
Trịnh Nguyệt Gia chết vào lúc nào dường như cũng không được ghi chép cụ thể trong sử liệu. Nếu y vốn phải chết vào ngày này mà lại vì Dương Uyển mà thay đổi thì sự hiện diện của cô trong khoảng lịch sử này cũng có khả năng là sống động.
Rốt cuộc cô có phải con cá lọt lưới hay không, cô có thể nhúng tay vào điều gì không?
Dưới ánh trăng thanh, tất thảy đều không quá rõ ràng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top